Tuệ Lăng chân nhân chết lặng.

Đám đạo sĩ theo sau cũng tuyệt vọng nhìn nhau.

Trong thuyền, ngoại trừ Tu Hoa, cả bốn người Quế Như Ngọc đều sững sờ không tin nổi chuyện vừa xảy ra.

“Trốn! Mau trốn!!!”

Tuệ Lăng chân nhân kinh hãi kêu lên thất thanh, chỉ tiếc là đã quá muộn. Một đòn hỗn hợp cả thiên lôi, địa hỏa, âm phong cuốn thẳng tới, nháy mắt đã nhấn chìm mười tên cường giả Đạo môn vào.

“Aaaaaa!!!”

Tiếng kêu thất thanh cất lên, nghe mà hãi người. Đến cả kẻ đầu sỏ của mọi việc – Toái Đản Cuồng Ma Lý Thanh Vân – cũng phải giật mình nuốt nước bọt một cái.

Nếu không phải cậu chàng hất trả lại tam tai cho bọn chúng, thì hiện giờ chịu đủ nổi khổ mà kêu la rên xiết kia đã là Lý Thanh Vân rồi.

Thần hồn bị sấm sét bổ, bị lửa thiêu, bị gió độc thổi cho thối nát.

Cái cảm giác bị hành hạ trăm bề ấy xem chừng còn khổ sở hơn cả bị sưu hồn.

Tiếng kêu thảm thiết kéo dài đến mười mấy hô hấp mời ngừng.

Bấy giờ, thần hồn của Tuệ Lăng và chín tên đạo sĩ đều đã bị tam tai ma diệt, ba hồn bảy vía đều tan thành mây khói, muốn làm ma chờ ngày đầu thai cũng chẳng có cơ hội nữa. Pháp bảo phi hành mất khống chế khiến cả mười rụng như mít đến mùa.

Lý Thanh Vân bấy giờ mới hồi thần, nghĩ ngợi chút xíu, đoạn nhảy ùm xuống sông vớt xác mười tên này lên.

Cậu chàng theo Nguyễn Đông Thanh, lại tu luyện bằng cách đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, nên cũng hiểu cái đạo lý nghĩa tử là nghĩa tận. Mười tên đạo sĩ tuy là kẻ địch, song chết là ân oán chấm dứt, Lý Thanh Vân cũng không nỡ nhìn bọn hắn phơi xác dưới sông để cá tôm rỉa thịt.

Kéo được mười người này lên bờ thì chủ tớ Quế Như Ngọc cũng đã đứng chờ sẵn, ai nấy đều dùng ánh mắt kinh khiếp nhìn chòng chọc vào cậu chàng chẳng khác nào nhìn quái vật. Lý Thanh Vân lúng túng gãi đầu, nói:

“Chuyện này... à thì...”

Cậu chàng tuy chỉ tu luyện bập bẹ rồi bị phế tu vi, song cũng biết cái hành động vĩ đại gom chiêu số của đối phương lại rồi hất trả một thể vừa rồi của mình đáng sợ đến mức nào.

Người ta có phản ứng như vậy là còn nhẹ.

Quế Như Ngọc hắng giọng một tiếng, nói:

“Bổn... bổn công tử thấy thiếu hiệp nhảy xuống, biết là định để mười tên này nhập thổ quy an, nên bảo tì nữ đến giúp một tay.”

Lý Thanh Vân chộp ngay cái phao được người ta ném cho giải vây, nói:

“Vậy thì làm phiền Quế huynh.”

Sáu người chung sức, hơn nữa đều có sức chiến đấu không tệ, thành thử chẳng mấy chốc đã đào xong huyệt cho nhân mã Ngọc Hư cung. Lý Thanh Vân vừa vần Tuệ Lăng chân nhân lên định đưa vào mộ, thì tay đã chạm vào cạp quần của lão nghe đánh coong một tiếng.

Cảm giác như gõ vào kim loại? Cậu chàng lấy làm lạ, bèn thử kéo giật một cái tụt cả cái quần của lão xuống. Năm người Quế Như Ngọc đồng thời hét lên một tiếng, vội vàng quay mặt đi.

Lý Thanh Vân bấy giờ mới biết mình vô ý, vội vàng xin lỗi rối rít.

Cậu chàng bấy giờ mới phát hiện...



Té ra cả mười tên đạo sĩ đều chuẩn bị sẵn một cái khố đặc chế, ngay chỗ báu vật đàng trai có lót miếng sắt phòng thủ, cạp khố khóa lại bằng đai thép. Cậu chàng thử vung Hàng Long Thập Bát Chưởng, ấy thế mà chỉ đánh lõm được miếng sắt một quãng cỡ nửa đốt tay.

Lý Thanh Vân bấy giờ mới biết té ra Ngọc Hư cung xuất phát còn... võ trang cẩn thận đến thế.

“Cũng may mà mình không sử dụng yếu chỉ tối cao của võ học bản môn.”

Cậu chàng âm thầm lau mồ hôi.

oOo

Giải quyết mười người Ngọc Hư cung xong thì trên đường cũng chẳng còn bất kỳ một ổ mai phục nào nữa. Con thuyền hoa của Tuyết Hoa công tử lại lãng đãng trôi về phía hạ du, chẳng mấy chốc mà Tế Kỳ thành đã xuất hiện trong tầm mắt.

Quế Như Ngọc gấp quyển Ỷ Thiên Đồ Long Ký lại, đưa trả cho Lý Thanh Vân, đoạn hít sâu một hơi:

“Huynh đài thế mà có thể ngộ được võ công trong sách, thế gian quả thực đúng là không thiếu chuyện lạ.”

Y đọc trong sách, thấy đoạn Trương Vô Kỵ sử dụng Càn Khôn Đại Na Di gom mười mấy chưởng của Khổ Đầu Đà làm một rồi tống trả lại đối phương mà thầm kinh hãi.

Nếu như Lý Thanh Vân cũng có thể làm như trong sách, gom mười mấy thần thông lại thì quả thực chỉ có thể gọi thần công này bằng hai chữ “nghịch thiên” mà thôi.

Lý Thanh Vân nói:

“Chuyện này vẫn mong huynh đài giấu kỹ cho, Thanh Vân xin cảm ơn trước.”

Cậu chàng thấy hai bên cũng tính là kinh qua sinh tử, Tuyết Hoa công tử này cũng đã thấy rõ mồn một cảnh Lý Thanh Vân trước khi đánh trận ngồi xuống đọc tiểu thuyết, nên có giấu cũng chẳng ích lợi gì. Thế là cậu chàng đổi ý, thẳng thắn thừa nhận với Quế Như Ngọc, thậm chí còn đưa Ỷ Thiên Đồ Long Ký cho y đọc.

Cuối cùng nhờ y giữ bí mật cho.

Quế Như Ngọc cau mày, nói:

“Không giấu gì thiếu hiệp, nhìn thiếu hiệp sử dụng thần công trong sách khi nãy mà bản công tử nhớ đến một thứ, chỉ là không biết có nên nói ra hay không.”

Lý Thanh Vân đáp:

“Xin công tử cứ nói.”

Nghe cậu chàng đáp như vậy, Tuyết Hoa công tử mới gật đầu một cái, đoạn hỏi:

“Không biết Lý thiếu hiệp đã nghe đến Sử gia bao giờ chưa?”

“Tại hạ biết sử gia là một nhánh của Nho môn, xưa nay đi vô ảnh tới vô hình, thần bí mười phần. Ngoài ra thì cũng không biết gì nhiều.”

Lý Thanh Vân nói.

Quế Như Ngọc cười, đáp:

“Nói Sử gia là một nhánh của Nho môn thì cũng không phải. Sử không nằm trong lục nghệ, đương nhiên không thể do Gia Cát văn thánh truyền thừa xuống. Thế nhưng thiếu hiệp có bao giờ tự hỏi ai là người chép lại chuyện của Gia Cát Thủ Ngã, sự hình thành của Thư Sơn hay chăng?”

“Chuyện này...”

“Kỳ thực nói đúng ra, thì Sử gia đại đạo vốn là một quy tắc của trời đất, mọi sự lớn bé ở Huyền Hoàng giới đều sẽ in vào Tuế Nguyệt trường hà, từ đó diễn sinh ra sông nhân – quả. Về sau Phản Thiên Chi Chiến nổ ra, thiên đạo trọng thương, không thể vận chuyển quy tắc này nữa. Nho môn mới theo đó thế chân chấp chưởng, hòa quy tắc này vào đại đạo của mình. Từ đó mới nói Sử gia thành một nhánh của Nho môn, đồng thời truyền thừa Chấp Sử Quan cũng xuất hiện ở Huyền Hoàng giới.”



Quế Như Ngọc nói đến đây, biết là đã hơi dông dài, bèn nói:

“Chấp Sử Quan tuy hiện giờ là người Nho môn, nhưng thần thông tu luyện thì lại xuất phát từ quy tắc trời đất, có thể nói là tự thành một phái. Bọn họ có quan hệ mật thiết với Tuế Nguyệt trường hà, thần thông phần lớn cũng từ dòng sông này mà ra. Trong đó có một môn gọi là Trường Hà Dư Ảnh.”

Nghe y giải thích, Lý Thanh Vân cũng bắt đầu hiểu tại sao Tuyết Hoa công tử lại so sánh trường hợp của cậu ta với thần thông Trường Hà Dư Ảnh.

Trường Hà, đương nhiên là ám chỉ Tuế Nguyệt Trường Hà.

Mà Dư Ảnh, thì ám chỉ những thần thông tuyệt kỹ từng được sử dụng trong suốt bề dày lịch sử Huyền Hoàng giới.

Cao thủ sử gia, hoặc Chấp Sử Quan, có thể ngược dòng Tuế Nguyệt Trường Hà, để cho dư ảnh của tiên hiền phụ thể, từ đó thi triển ra tuyệt học của người xưa. Đặt lên bàn cân, thì quả nhiên việc Lý Thanh Vân sử dụng được võ công của nhân vật trong sách truyện do sư phụ truyền lại có chút “dị khúc đồng công”.

Cũng chính vì có sử gia, mà Nho môn là nhà truyền thừa hoàn chỉnh nhất trong Ngũ Lộ Triều Thiên, hiếm khi nào có thần thông thất truyền.

Sở dĩ Quế Như Ngọc ngập ngừng không muốn nói là do hồi mới gặp, Lý Thanh Vân tỏ vẻ có hiềm khích với Nho môn, thành thử y mới không muốn nhắc tới Sử gia trước mặt Lý Thanh Vân.

Ngay cả khi cậu chàng nói không sao, thì Quế Như Ngọc vẫn giải thích tường tận đầu đuôi quan hệ giữa hai bên, đủ thấy tâm tư kín kẽ.

Lý Thanh Vân không nghĩ được nhiều thứ cong cong vặn vặn như vậy, cũng không thắc mắc rằng điều Quế Như Ngọc vừa nói là thật hay giả, vì sao y lại biết những chuyện này. Mắt thấy đã sắp vào hộ thành hà, chuẩn bị theo mương nước vào Tế Kỳ thành, Tuyết Hoa công tử cũng không nói gì nữa.

Hai bên coi như là bèo nước gặp nhau, nay đã đến nơi cần đến, cũng không cần phải tiếp tục đồng hành nữa. Lý Thanh Vân sau khi đóng phí vào thành thì chắp tay, nói:

“Tuyết Hoa công tử, sau này gặp lại trên giang hồ.”

“Nhất đinh. Nhất định.”

Quế Như Ngọc và bốn tì nữ Trầm Ngư Lạc Nhạn, Bế Nguyệt Tu Hoa thấy vậy thì cũng đứng lên trả lễ.

Chờ bóng lưng Lý Thanh Vân khuất hẳn trong dòng người, năm người mới bình thản nhằm về phía con thuyền lớn nơi đặt phủ thành chủ mà rảo bước.

Lại nói Lý Thanh Vân sau khi chia tay chủ tớ Quế Như Ngọc thì dạo chợ nổi một vòng, mua lấy một ít cá khô, bánh bột để ăn đường. Lúc mua hàng cậu chàng thấy phố xá chăng đèn kết hoa, trang hoàng rất đỗi xa xỉ, không khỏi lấy làm tò mò. Hỏi mấy chị trong chợ thì được biết gần đây thành Tế Kỳ vừa mới đổi một vị thành chủ mới, người cũ về quê an dưỡng tuổi già. Sở dĩ đường phố trang hoàng lộng lẫy là do đám quan lại lính lác cũ chuẩn bị lễ đón mừng thành chủ mới đặng dễ bề nịnh bợ, song do làm long trọng quá nên chưa kịp dọn hết.

Chuẩn bị vật tư đâu ra đấy, cậu chàng mới ra cổng chợ, gọi với xuống thuyền của một người làng chài hỏi đường.

“Truyền tống môn ấy hở? Cậu đi về phía thành bắc, rẽ qua phố hoa, đi được ba mươi bước thì rẽ trái, chừng nào gặp một cái ao bèo thì rẽ phải. Cứ đi thế độ hai dặm thì đến.”

Lý Thanh Vân nghe người làng chài chỉ đường mà đầu óc lùng bùng một hồi. Người kia thấy thế, bèn cười:

“Tế Kỳ thành đường xá phức tạp, người bên ngoài mới đến lần đầu khó đi là phải. Thôi thì cậu xuống thuyền đi, lão chở cho một đoạn.”

“Vậy xin cảm ơn bác.”

Lý Thanh Vân nhíu mày, song cũng không nói gì, nhảy xuống dưới thuyền.

Sau lần đi Mỹ Vị sơn trang, hai người Trần Dũng, Nguyên Phương cũng coi là có qua lại với cổ viện. Sau trận đánh thú triều, uy vọng của Lý Thanh Vân ở Quan Lâm rất cao, lại xuất thân trong quân ngũ nên anh em binh sĩ cực kỳ hoan nghênh, Thỉnh thoảng, nếu cậu chàng vào thành, hai người này vẫn có chào hỏi hàn huyên đôi câu.

Thành thử, tuy chưa đến Tế Kỳ thành bao giờ, nhưng Lý Thanh Vân cũng được nghe Nguyên Phương kể về quê nhà. Y nói thành Tế Kỳ xây quanh phủ thành chủ – xác tàu – do Thánh Tông để lại, thành thử tất cả đường đi lối lại trong thành cũng được xây theo hướng tây – đông, ôm sát dòng sông.

Cậu chàng hỏi đường chẳng qua là không muốn phải đi từ thành tây sang thành đông tìm Truyền Tống Môn mà thôi.

Lão “nhà chài” kia nói cái gì mà thành bắc, rẽ trái rẽ phải, rõ ràng không phải người bản xứ.

Thành thử, Lý Thanh Vân cũng muốn biết rốt cuộc lần này đối thủ là ai, chuẩn bị mưu đồ gì mà phải sử dụng lời nói dối vụng về ấy lừa cậu chàng xuống thuyền.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện