Khi người lạ mặt bước vào đại sảnh, Sam ngửng đầu lên nhìn ông ta từ phía sau bàn làm việc của mình. Làm một người gác cổng, ta phải có khả năng đưa ra những quyết định ngay tức thì về những con người bước vào tòa nhà của ta. Cần phải đưa họ vào nhóm “Xin chào ngài” hay “Tôi có thể giúp được gì cho bà?” hay chỉ đơn giản là “Xin chào?” Sam nhìn kỹ người đàn ông cao lớn, trung tuổi vừa mới bước vào. Ông ta mặc một bộ complê hàng hiệu nhưng đã khá cũ, chỗ vải hai bên khuỷu tay đã mòn đến mức sáng bóng lên, và cổ ống tay áo sơ mi cũng đã bị mòn xơ ra. Ông ta đeo một chiếc caravát mà Sam nghĩ rằng đã được đeo đến lần thứ một nghìn.

“Xin chào ông”, Sam quyết định xếp ông ta vào nhóm này.

“Chào ông”, người đàn ông trả lời. “Tôi là người của Sở Nhập cư”.

Điều này làm Sam lo lắng. Cho dù ông sinh ra tại Harlem, ông nghe người ta nói rằng có một số người bị trục xuất do nhầm lẫn.

“Tôi có thể giúp gì cho ông?” Sam hỏi.

“Tôi kiểm tra danh sách những người vẫn còn mất tích, và được cho là đã chết, sau vụ tấn công khủng bố vào hôm thứ Ba”.

“Có cụ thể là ai không?” Sam hỏi một cách thận trọng.

“Có”, người đàn ông nói. Ông ta đặt chiếc cặp của mình lên mặt bàn, mở cặp và lấy ra một danh sách, ông ta rê ngón tay dọc theo danh sách và dừng lại tại cái tên Ps. “Anna Petrescu”, ông ta nói. “Đây là địa chỉ cuối cùng của cô ta mà chúng tôi có”.

“Từ khi cô ấy đi làm vào sáng hôm thứ Ba tới nay, tôi chưa hề trông thấy cô ấy”, Sam nói, “cho dù có một số người khác cũng đã hỏi thăm về cô ấy, và một người bạn của cô ấy có đến lấy đi mấy thứ”.

“Cô ta lấy đi những gì?”

“Tôi không biết”, Sam nói. “Tôi chỉ nhận ra chiếc vali”.

“Ông có biết tên cô ta không?”

“Ông cần biết làm gì?”

“Có thể có ích nếu chúng ta liên lạc được với cô ta. Mẹ của Anna rất lo lắng”.

“Không, tôi không biết tên cô ta”, Sam thú nhận.

“Liệu ông có thể nhận ra cô ta nếu tôi đưa cho ông một tấm ảnh của cô ta không?”

“Có thể”, Sam đáp.

Một lần nữa, người đàn ông lại mở cặp ra. Lần này ông ta lấy ra một tấm ảnh rồi đưa cho Sam. Ông già nhìn kỹ tấm ảnh một lúc.

“Đúng, chính là cô ta. Một cô gái khá xinh”, ông già dừng lại, “nhưng không bằng Anna. Anna là một cô gái đẹp”.

***

Anna nhận thấy tốc độ tối đa theo quy định trên đường I-90 là 70 dặm một giờ. Cô sẽ rất sung sướng nếu được chạy quá tốc độ quy định, nhưng dù cô có đạp mạnh chân ga tới đâu, chiếc xe cũng không thể chạy quá tốc độ 68 dặm một giờ.

Cho dù chiếc đại xa kia còn cách cô khá xa, nó đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, và lần này cô không có chiến lược thoát thân. Cô cầu Chúa cho một biển báo đường hiện ra. Khi chiếc xe tải chỉ còn cách cô khoảng 50 yard, và sắp đè nát cô, thì Anna nghe thấy tiếng hú của xe cảnh sát.

Cô thở phào nhẹ nhõm trước ý nghĩ mình sẽ bị cảnh sát giao thông chặn lại, và cô không quan tâm tới việc họ có tin lời cô hay không khi cô giải thích với họ lý do tại sao cô lại cho xe lao qua hai làn đường cao tốc và bờ dốc ngăn cách hai xa lộ, chưa nói đến chuyện tại sao xe của cô lại mất cả hai thanh ba đờ sốc, mất chắn bùn trước và không một chiếc đèn nào hoạt động. Cô vừa định cho xe giảm tốc độ thì thấy chiếc xe tuần tra của cảnh sát vượt lên qua chiếc đại xa và chạy ngay sau xe của cô. Viên sỹ quan thanh tra giao thông nhìn lại sau và ra hiệu cho gã tài xế trên chiếc đại xa cho xe dừng lại. Anna quan sát qua gương biên khi cả hai chiếc xe kia chạy chậm lại rồi dừng hẳn bên vệ đường.

Phải hơn một giờ sau cô mới lấy lại được bình tĩnh để không phải cứ chốc chốc lại nhìn vào gương biên. Thêm một giờ nữa, Anna bắt đầu cảm thấy đói và cô cho xe dừng lại tại một quán cà phê bên đường để ăn sáng. Khi bước vào quán, cô chọn một chỗ ngồi ở góc trong. Cô đọc kỹ thực đơn trước khi gọi một suất “cỡ đại” - trứng, thịt muối, xúc xích, bành mỳ, bánh kếp, và cà phê. Không phải là suất ăn thông thường của cô, nhưng tất cả những gì vừa diễn ra trong 48 giờ qua đều bất thường.

Vừa ăn, Anna vừa xem lại bản đồ. Hai gã say rượu kia đã giúp cô giữ đúng lịch trình. Anna tính rằng cô đã đi được 380 dặm, nhưng còn phải đi ít nhất là 50 dặm nữa thì cô mới tới được biên giới Canada. Cô xem tấm bản đồ kỹ hơn. Điểm dừng tiếp theo, Tháp Niagra và Anna tính rằng để tới đó cô cần phải mất thêm một giờ đồng hồ nữa.

Chiếc tivi phía sau quầy thu ngân đang đưa tin buổi sáng. Hy vọng tìm thấy thêm những người sống sót ngày càng tan biến. New York đã bắt đầu để tang những người thiệt mạng và bắt tay vào công việc dọn dẹp đầy khó khăn vất vả. Một buổi lễ tưởng niệm, có cả Tổng thống tham dự, sẽ được tổ chức ở Washington DC như là một phần của quốc tang. Tổng thống có dự định sẽ bay tới New York và thăm Bãi Trống. Tiếp theo là Thị trưởng Giuliana xuất hiện trên màn hình, ông ta mặc một chiếc áo phông mang những chữ cái NYPD, và đội một chiếc mũ lưỡi trai có in những chữ cái NYFD một cách đầy tự hào. Ông ta ca ngợi tinh thần của người dân New York, và cam kết sẽ làm hết sức mình để thành phố có thể đứng dậy càng sớm càng tốt.

Lúc này hình ảnh sân bay JFK hiện ra, với một phát ngôn viên của sân bay khẳng định rằng những chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ được cất cánh vào sáng hôm sau. Câu nói đó đã quyết định thời trình của Anna. Cô biết mình phải tới London trước khi Leapman có mặt ở đó nếu cô muốn có cơ hội thuyết phục Victoria...

Anna liếc nhìn ra cửa sổ. Hai chiếc xe tải đang chạy vào bãi đỗ. Cô cứng người, và không dám nhìn khi hai người tài xế ra khỏi ca bin. Khi họ bước vào quán cũng là lúc cô đang nhìn quanh để tìm cửa thoát hiểm. Hai người tài xế ngồi ngay tại quầy tiếp tân, họ mỉm cười với cô hầu bàn và không thèm đưa mắt nhìn Anna. Trước kia cô chưa bao giờ hiểu tại sao lại có người mắc chứng hoang tưởng.

Anna nhìn đồng hồ: 7.55. Cô uống cạn cốc cà phê, để 6 đôla lên mặt bàn và bước lại buồng điện thoại công cộng ở góc xa trong quán. Cô quay số 212...

***

“Chào sếp, tôi là đặc vụ Roberts”.

“Xin chào, đặc vụ Roberts”, Jack vừa trả lời vừa ngả người ra sau ghế, “anh có gì để báo cáo không?”

“Tôi đang đứng ở một trạm dừng xe, một nơi nào đó giữa New York và biên giới Canada”.

“Và anh đang làm gì ở đó, đặc vụ Roberts?”

“Tôi đang cầm một thanh ba đờ sốc”. “Để tôi đoán xem nhé”, Jack nói, “thanh ba đờ sốc ấy từng được gắn trên một chiếc xe tải nhỏ màu trắng do kẻ tình nghi lái”.

“Đúng thế, thưa sếp”.

“Thế chiếc xe bây giờ ở đâu?” Jack hỏi bằng một giọng cố tỏ ra bình tĩnh.

“Tôi không biết, thưa sếp. Khi kẻ tình nghi đánh xe vào trạm nghỉ, thú thật là tôi cũng chợp mắt một lát. Khi tôi tỉnh dậy, chiếc xe tải của kẻ tình nghi đã biến mất, chỉ còn lại thanh ba đờ sốc có gắn thiết bị định vị toàn cầu trên đó .

“Vậy thì hoặc là cô ta quá khôn ngoan, hoặc là cô ta đã gặp tai nạn”, Jack nói.

“Chắc là thế”. Roberts dừng lại, rồi nói thêm, “Bây giờ tôi phải làm gì, sếp?”

“Đầu quân cho CIA”, Jack đáp.

***

“Xin chào, Vincent đây, có tin gì không?”

“Đúng như cậu tiên đoán, Ruth Parish đã cất bức tranh tại một phòng an toàn ở khu phi hải quan của sân bay”.

“Thế thì mình phải lấy nó ra”, Anna nói.

“Không dễ như thế đâu”, Tina nói, “bởi vì sáng mai Leapman sẽ bay đi London để lấy bức tranh, vì vậy cậu chỉ còn 24 giờ nữa trước khi ông ta bắt gặp cậu”. Chị ngập ngừng. “Và cậu gặp một khó khăn lớn”.

“Chuyện gì nữa thế?” Anna hỏi. “Leapman không tin là cậu đã chết”.

“Tại sao ông ta lại nghĩ thế?”

“Bởi vì ông ta liên tục hỏi chuyện về cậu, vì vậy cậu phải hết sức cẩn thận. Đừng bao giờ quên phản ứng của Fenston khi Tháp Bắc sụp đổ. Dù hàng chục nhân viên của ông ta có thể vẫn còn mắc kẹt trong đó, thứ duy nhất ông ta quan tâm là tiền của ông ta. Chỉ có Chúa mới biết ông ta sẽ làm gì khi mất bức tranh Van Gogh đó. Những hoạ sỹ đã chết đối với ông ta còn quan trọng hơn tất cả những người còn sống”.

Anna có thể nhận thấy những giọt mồ hôi đang lăn trên trán mình khi cô gác ống nghe. Cô nhìn đồng hồ: 32 giây.

“Người bạn của chúng ta ở JFK thông báo đã thu xếp để chúng ta cất cánh vào lúc 7:30 sáng mai”, Leapman nói. “Nhưng tôi chưa báo cho Tina”.

“Vì sao chưa?” Fenston hỏi.

“Bởi vì ông già gác cổng tại chung cư của Petrescu cho biết một người trông giống Tina đã tới căn hộ của Petrescu vào tối hôm thứ Ba”.

“Tối thứ Ba?” Fenston nhắc lại. “Nhưng điều đó có nghĩa là-”

“Và cô ta lấy đi một chiếc vali”. Fenston cau mày nhưng không nói gì- “Ngài có muốn tôi làm gì đó không?”

“Ông đang có gì trong đầu?” Fenston hỏi.

“Đầu tiên là phải đặt máy nghe trộm trong phòng cô ta. Rồi nếu Petrescu liên lạc với cô ta, chúng ta sẽ biết rõ ả đang ở đâu và đang định làm gì”. Fenston không trả lời, và điều đó đối với Leapman hàm nghĩa một sự đồng ý.

***

Biên giới Canada 4 dặm, một tấm biển bên đường thông báo. Anna mỉm cười - và nụ cười tắt ngấm ngay khi cô trông thấy một đoàn xe dài hút tầm mắt trước mặt mình.

Cô bước xuống đường và duỗi chân tay cho đỡ mỏi. Anna nhăn mặt khi nhìn lại chiếc xe tã nát của mình.

Làm sao cô có thể giải thích với công ty Happy Hire? Cô không hề muốn phải mất thêm tiền cho chiếc xe cà tàng này - 500 đôla cho bất kỳ hỏng hóc đầu tiên nào, nếu cô nhớ không lầm. Trong khi vận động tay chân, Anna vẫn để ý thấy phía đường bên kia không có một ai. Dường như không còn ai dám đặt chân đến Mỹ. Trong suốt 20 phút sau đó, Anna chỉ tiến thêm được 100 yard, và dừng lại trước một trạm xăng. Cô nhanh chóng đưa ra một quyết định - phá vỡ một thói quen lâu năm khác. Cô đánh xe qua đường tới sân trước trạm xăng, qua các máy bơm xăng, và đỗ chiếc xe lại bên một thân cây to, ngay phía sau một tám biển đề dòng chữ Rửa Xe Siêu Hạng. Anna lấy vali và chiếc máy tính phía sau xe và bắt đầu đi bộ trên chặng đường dài bốn dặm từ đó tới biên giới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện