“Không có gì trong những thước phim này có thể giúp ích cho chúng ta à?” Macy hỏi.

“Chẳng có gì”, Jack ngẩng lên nhìn sếp mình qua chiếc bàn làm việc và trả lời. “Leapman mới chỉ chụp được tám tài liệu trước khi bị Fenston phát hiện”.

“Thế tấm tài liệu đó nói lên điều gì?” Macy hỏi.

“Đều là những chuyện chúng ta đã biết”, Jack vừa nói vừa mở tập hồ sơ trước mặt ra. “Chủ yếu là các hợp đồng khẳng định rằng Fenston vẫn đang lường gạt các khách hàng trên khắp thế giới, những người hoặc là ngây thơ, hoặc là tham lam. Và mỗi khi có một ai đó trong số họ muốn bán tài sản để trả nợ cho Fenston Finance, thì tôi e là lúc đó chúng ta lại có một án mạng. Không, hy vọng duy nhất của tôi là NYPD đã thu thập đủ bằng chứng”.

“Không có hy vọng gì”, Macy nói, “bởi vì khi tôi nói chuyện với sếp của họ, hay đúng hơn là ông ta nói chuyện với tôi, điều đầu tiên mà ông ta muốn biết là chúng ta có đặc vụ FBI nào tên là Delaney không, nếu có, có phải là anh ta có mặt ở hiện trường tội ác trước khi người của ông ta tới đó hay không”.

“Sếp nói gì với ông ta?” Jack hỏi, và cố không cười.

“Tôi sẽ xem xét vấn đề và gọi anh ta về”. Macy dừng lại. “Nhưng có thể xoa dịu họ đôi chút nếu cậu vui lòng trao đổi một vài thông tin với họ”, ông ta gợi ý.

“Nhưng tôi không nghĩ là họ lại có một thông tin nào đó mà chúng ta chưa biết”, Jack nói, “và họ cũng không thể lạc quan khi Leapman vẫn còn chưa được thẩm vấn”.

“Có tin gì từ bệnh viện về cơ hội bình phục của Leapman không?” Macy hỏi.

“Không tốt lắm”, Jack nói. “Khi ở trong văn phòng của Fenston, ông ta đã bị đột quỵ vì cao huyết áp. Thuật ngữ y tế gọi là chứng mất ngôn ngữ”.

“Mất ngôn ngữ à?”

“Vùng ngôn ngữ trong não bộ của ông ta đã bị tổn thương nghiêm trọng, vì vậy ông ta không thể nói.

Nói thật, bác sỹ của ông ta mô tả rằng lúc này ông ta đang ở trong trạng thái thực vật, và cảnh báo với tôi rằng quyết định duy nhất mà bệnh viện có thể đưa ra là rút phích cắm để ông ta được chết một cách nhẹ nhàng”.

“NYPD nói với tôi rằng Fenston ngồi suốt ngày bên giường bệnh và tỏ vẻ rất lo lắng”.

“Vậy thì họ không nên để ông ta ngồi lại với Leapman một mình, dù chỉ là một phút”, Jack nói, “bởi vì nếu ông ta có cơ hôi, các bác sỹ sẽ không còn phải mất công rút phích cắm”.

“NYPD cũng muốn biết có phải anh đã lấy chiếc máy ảnh khỏi hiện trường hay không”.

“Đó là tài sản của FBI”.

“Không. Nếu đó là một bằng chứng phục vụ một cuộc điều tra tội ác, như cậu đã biết quá rõ, Jack ạ. Tại sao cậu không gửi cho họ một tập ảnh mà Leapman đã chụp và cố gắng có thái độ hợp tác hơn trong tương lai? Nhắc họ nhớ rằng cha cậu đã phục vụ 20 sáu năm trong lực lượng ấy - điều đó có thể có ích”.

“Nhưng họ có gì để đổi lại?” Jack hỏi.

“Một tấm ảnh có tên của cậu ở mặt sau. Họ muốn biết nó có ý nghĩa gì với cậu không, bởi vì rõ ràng nó chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, hay đối với tôi”, Macy thú nhận.

Viên chỉ huy trưởng FBI đẩy hai tấm ảnh qua mặt bàn và để cho Jack vài phút để cân nhắc. Tấm ảnh thứ nhất chụp cảnh Fenston đang bắt tay với George W. Bush tại Bãi Trống. Jack nhớ lại tấm ảnh phóng to mà anh đã thấy treo trên tường sau bàn làm việc của Fenston. Anh giơ tấm ảnh lên và hỏi, “Làm thế nào NYPD có được tấm ảnh này?”

“Họ tìm thấy trên bàn làm việc của Leapman. Chắc chắn là ông ta đang định đem đến cho cậu vào tối hôm qua, cùng với một lời giải thích cho những gì mà ông ta đã viết ở mặt sau”.

Jack nhìn tấm ảnh thứ hai và đang ngẫm nghĩ về mấy từ viết ở mặt sau, Delaney, đây là tất cả những bằng chứng mà anh cần, thì chuông điện thoại trên bàn làm việc của Macy đổ. Ông ta cầm ống nghe lên. “Nối máy cho anh ta”, Macy nói rồi đặt ống nghe xuống và ấn một nút để cả hai người cùng có thể theo dõi cuộc nói chuyện. “Đó là Tom Crasanti, gọi về từ London”, Macy nói. “Chào Tom, Dick Macy đây. Jack đang có mặt trong văn phòng cùng với tôi. Chúng tôi đang thảo luận về trường hợp của Fenston, bởi vì chúng tôi vẫn chưa tiến được bao xa”.

“Đó là lý do tại sao tôi gọi”, Tom nói. “Đã có sự thay đổi, tới thời điểm này, và tin tức không được tốt. Chúng tôi nghĩ Krantz đã lọt vào nước Anh”.

“Không thể như thế được”, Jack nói. “Làm thế nào cô ta qua được cửa kiểm tra hộ chiếu?”

“Bằng cách đóng giả là một chiêu đãi viên của hãng Aeroflot, có vẻ là như vậy”, Tom nói. “Người của tôi tại đại sứ quán Nga gọi tới để cảnh báo rằng một người phụ nữ đã xâm nhập vào nước Anh dưới cái tên Sasha Prestakavich”.

“Nhưng tại sao họ lại nghĩ rằng người mang tên Sasha Prestakavich ấy chính là Krantz?” Jack hỏi.

“Không, họ không nói thế”, Tom nói. “Họ cũng không biết cô ta là ai. Tất cả những gì họ có thể nói với tôi là kẻ tình nghi đã làm thân với tiếp viên trưởng của Aeroflot trong chuyến bay của họ tới London. Sau đó cô ta đã lừa để người tiếp viên trưởng ấy đưa mình qua cửa kiểm tra hộ chiếu. Đó là những gì chúng tôi được nghe họ nói. Đến khi viên phi công phụ hỏi người tiếp viên trưởng xem cô ta là ai, và khi nghe tiếp viên trưởng nói rằng đó là Sasha Prestakavich, anh ta nói không thể có chuyện như vậy vì anh ta thường xuyên bay cùng cô tiếp viên ấy, và rõ ràng người vừa đi cùng tiếp viên trưởng không phải là Sasha Prestakavich”.

“Nhưng như thế vẫn chưa thể khẳng định được rằng đó chính là Krantz”, Macy vặn.

“Tôi sắp nói tới chỗ đó, thưa sếp, cho tôi một ít thời gian”.

Jack mừng vì bạn mình không nhìn thấy sự nôn nóng trên mặt sếp.

“Phi công phụ”, Tom tiếp tục, “báo cáo với phi công trưởng, và phi công trưởng ngay lập tức cảnh báo bộ phận an ninh của hãng. Chẳng mất nhiều thời gian, họ đã phát hiện ra rằng Sasha Prestakavich đang được nghỉ ba ngày, và hộ chiếu của cô ta đã bị đánh cắp, cùng với bộ đồng phục. Và thế là chuông báo động vang lên”. Macy bắt đầu gõ ngón tay lên mặt bàn. “Người của tôi ở đại sứ quán Nga gọi tới trên tinh thần cảnh giác sau sự kiện 11/9”, Tom nói, “sau khi đã thông báo cho Interpol”.

“Sắp tới chỗ quan trọng rồi chứ, Tom?”

“Vâng, thưa sếp”. Anh ta dừng lại. “Tôi tới đâu rồi nhỉ?”

“Tới chỗ nhận điện thoại từ người của cậu ở đại sứ quán Nga”, Jack nói.

“à, ừ”, Tom nói. “Sau khi tôi mô tả nhận dạng của Krantz cho anh ta, cao năm bộ, nặng 100 pao, tóc húi cua, họ yêu cầu tôi fax một tấm ảnh của cô ta cho họ. Tôi làm ngay. Sau đó anh ta gửi bản fax tấm ảnh ấy tới một khách sạn ở London cho viên phi công phụ. Anh ta khẳng định đó chính là Krantz”.

“Làm tốt lắm, Tom”, Macy nói, “kỹ lưỡng như thường lệ, nhưng cậu đã nghĩ ra lý do tại sao Krantz lại phải mạo hiểm sang Anh quốc vào lúc này chưa? “Để giết Petrescu, tôi cá là như vậy”, Tom nói.

“Cậu nghĩ gì?” Macy nhìn Jack và hỏi.

“Tôi đồng ý với Tom”, Jack đáp.

“Anna rõ ràng là mục tiêu”. Anh ngập ngừng. “Nhưng tôi không hiểu tại sao Krantz lại phải liều như vậy vào lúc này”.

“Tôi đồng ý”, Macy nói, “nhưng tôi không thể đánh cược mạng sống của Petrescu trong khi chúng ta chưa tìm ra động cơ đích thực của Krantz”. Macy ngả người về phía trước.

“Nghe đây Tom, bởi vì tôi chỉ nói với cậu có một lần mà thôi”, ông ta bắt đầu lật nhanh các trang hồ sơ về Fenston. “Tôi cần cậu liên lạc với - đợi tôi một giây”, ông ta nói và tiếp tục lật các trang hồ sơ. “A, đây rồi, Chánh thanh tra Renton của khu vực Surey. Sau khi đọc báo cáo của Jack, tôi có ấn tượng rất rõ rằng Renton là một con người của những quyết định khó khăn, thậm chí dám nhận trách nhiệm cả khi một cấp dưới của mình mắc tội. Tôi biết cậu đã thông báo cho ông ta về Krantz, nhưng hãy cảnh báo với ông ta rằng chúng ta nghĩ là cô ta sắp tiếp tục phạm tội ác, và nhiều khả năng mục tiêu là ai đó trong Lâu đài Wentworth. Ông ta sẽ không muốn chuyện đó xảy ra hai lần trong địa hạt của mình, và chắc cũng chưa quên rằng vừa mới bị bắt, Krantz đã lại trốn thoát. Điều đó sẽ giúp ông ta tỉnh ngủ suốt đêm. Và nếu ông ta muốn nói chuyện với tôi vào bát cứ lúc nào, tôi luôn có mặt ở đầu dây”.

“Và cho tôi gửi lời hỏi thăm ông ta”, Jack nói thêm.

“Thế là tạm ổn”, Macy nói. “Tom, hãy khẩn trương lên”.

“Vâng, thưa sếp”, Tom đáp.

Macy tắt loa điện thoại. “Và này, Jack, tôi muốn cậu bay chuyến bay sắp tới, đi London. Nếu Krantz vẫn tính tới chuyện làm hại Petrescu, hãy đảm bảo là chúng ta đã chờ sẵn cô ta, bởi vì nếu cô ta thoát một lần nữa, tôi sẽ phải về hưu non và các cậu đừng có nghĩ đến chuyện được đề bạt”.

Jack cau mày nhưng không nói gì. “Trông cậu có vẻ như đang nghĩ tới một điều gì đó”, Macy nói.

“Tôi không hiểu tại sao bức ảnh chụp Fenston đang bắt tay với Tổng thống lại là tất cả những bằng chứng mà anh cần” - anh dừng lại - “mặc dù tôi nghĩ mình đã biết tại sao Krantz lại liều lĩnh mò tới Lâu đài Wentworth lần thứ hai”.

“Tại sao?”, Macy hỏi.

“Cô ta sẽ đánh cắp bức tranh Van Gogh”, Jack nói, “rồi sau đó sẽ tìm cách đem nó về Mỹ cho Fenston”.

“Vậy là Petrescu không phải là lý do khiến cô ta quay trở lại nước Anh”.

“Đúng vậy”, Jack nói, “nhưng một khi cô ta phát hiện ra Petrescu có mặt ở đó, có thể cô ta sẽ giết Petrescu để lấy thưởng”.

55

Lúc này là 7 giờ 41 phút tối ngày 25 tháng Chín. Krantz đợi cho đến lúc sau 8 giờ tối mới xuất hiện tại khu vực phụ cận của Wentworth. Khi ấy Arabella đang dẫn các vị khách của mình sang phòng ăn.

Krantz mặc một bộ đồ thể thao bó sát người. Cô ta đi vòng qua khu Lâu đài hai lần trước khi quyết định sẽ xâm nhập từ chỗ nào. Tất nhiên là không thể qua cổng trước. Cho dù chắn những bức tường đá cao bao quanh khu Lâu đài khi mới xây là bất khả xâm phạm, thời gian đã tạo ra nhiều chỗ để các chú bé trong vùng có thể lẻn vào ăn trộm vài quả táo.

Sau khi đã chọn được điểm đột nhập, Krantz dễ dàng trèo lên bức tường trong tích tắc, rồi thả mình rơi xuống và lăn tròn, những động tác mà cô ta đã thực hành hàng nghìn lần khi tập trên xà cao.

Krantz nằm yên và chờ đợi một lát để mặt trăng khuất sau một đám mây. Sau đó cô ta chạy một đoạn khoảng ba hay bốn chục thước tới một địa điểm an toàn bên một lùm cây gần bờ sông. Cô ta chờ cho đến khi mặt trăng lại ló ra để có thể quan sát khu đất cẩn thận hơn, và cô ta hiểu rõ rằng phải thật kiên nhẫn. Trong cái nghề của cô ta, sự thiếu kiên nhẫn sẽ dẫn đến sai lầm, và sai lầm không dễ sửa như trong các nghề khác.

Krantz nhìn rõ phía trước của tòa Lâu đài, nhưng cô ta phải chờ bốn mươi phút trước khi chiếc cánh cửa to bằng gỗ sồi được một người đàn ông mặt áo khoác đuôi tôm màu đen và thắt nơ trắng mở ra để hai con chó có thể ra ngoài dạo đêm. Chúng nghếch mũi lên đánh hơi, và ngay lập tức chúng bắt được mùi của Krantz. Hai con chó sủa ầm lên và lao về phía cô ta. Nhưng cô ta đang đợi chúng - một cách kiên nhẫn.

Người huấn luyện viên của Krantz đã nói với cô ta rằng người Anh rất yêu động vật, và ta có thể biết đẳng cấp của một ai đó nếu ta biết những con chó mà họ nuôi. Người lao động thích chó săn thỏ, tầng lớp trung lưu thích giống chó cốc của Tây Ban Nha và những nhà giàu mới nổi thích chó chăn cừu của Đức để bảo vệ tài sản mới kiếm được của họ. Tầng lớp thượng lưu thường chọn giống chó tha mồi Labrador, một giống chó không thích hợp cho việc giữ nhà bởi vì chúng chỉ thích liếm vào mặt chủ và cướp thức ăn của chủ. Khi Krantz được giảng giải về vấn đề này, lần đầu tiên cô ta nghe thấy cụm từ “mùi mẫn”. Chỉ có Nữ Hoàng mới nuôi chó corgi, một giống chó của xứ Wales.

Krantz không động đậy khi hai con chó lao về phía cô ta, thi thoảng dừng lại để đánh hơi, và lúc này đã phát hiện thêm một thứ mùi nữa khiến chúng càng vẫy đuôi loạn xạ. Krantz trước đó đã đến tiệm Curnick ở đường Fulham và chọn những miếng bít tết sirloin mềm nhất, những miếng bít tết mà giờ này các vị khách trong Lâu đài đang thưởng thức.

Krantz cảm thấy không được tiếc. Suy cho cùng, đó là bữa ăn cuối cùng của chúng.

Krantz đặt những miếng bít tết quanh mình thành một vòng tròn và ngồi bất động ở giữa, giống một người bồi bàn bị câm. Khi trông thấy những miếng bít tết, Brunswick và Picton liền quên ngay cái hình người đang ngồi ở giữa vòng tròn. Krantz quì xuống và bỏ thêm các miếng bít tết vào những chỗ vừa bị trống trên vòng tròn. Thi thoảng hai con chó lại ngước lên nhìn cô ta, đuôi vẫy lia lịa, rồi lại cúi xuống nhiệt tình thưởng thức bữa tiệc.

Sau khi đặt miếng bít tết cuối cùng xuống trước mặt hai con chó, Krantz bắt đầu vuốt ve lớp lông mềm mại trên đầu Picton, con chó non hơn.

Picton thậm chí chẳng thèm ngước đầu lên khi cô ta rút con dao ra. Thép Sheffield, cũng được mua từ một cửa hiệu trên đường Fulham vào chiều hôm đó.

Một lần nữa, cô ta lại vuốt ve cái đầu của con chó giống Labrador màu sôcôla, rồi nhanh như chớp, cô ta đâm vào mang tai Picton, nhấc đầu con chó lên, và bằng một động tác lách dao, cắt đứt cổ họng con vật. Con chó còn lại già hơn nhưng cũng chẳng khôn hơn. Nó nhìn lên và gầm gừ, và điều đó khiến nó phải mất một giây đồng hồ. Thừa đủ để Krantz liếc lưỡi dao dưới họng nó. Không chính xác lắm. Con chó giẫy dụa dưới đất. Krantz nghiêng người về phía trước, nắm lấy hai tai con chó và kết thúc công việc của cô ta.

Krantz kéo hai con chó lại chỗ bụi cây và vứt sau thân một cây sồi bị đổ. Sau đó cô ta xuống sông rửa tay và bực mình khi thấy bộ quần áo thể thao mới mua của mình dính đầy máu. Sau đó cô ta chùi lưỡi dao xuống cỏ, trước khi cất nó vào bao. Cô ta nhìn đồng hồ. Cô ta đã trù tính dành hai giờ đồng hồ cho công việc vừa rồi, vì vậy cô ta nghĩ mình sẽ còn một giờ nữa trước khi những người trong Lâu đài kia, vì bận rộn với việc tiếp khách hoặc được tiếp, nhận ra rằng hai con chó chưa trở lại sau buổi dạo đêm thường lệ của chúng. Krantz ước lượng khoảng cách giữa bụi cây và đầu phía bắc của tòa Lâu đài là khoảng từ 100 đến 120 thước. Với ánh trăng sáng như vậy, cô ta biết rằng chỉ có một cách di chuyển duy nhất không gây nên sự chú ý.

Cô ta quỳ xuống trước khi nằm bẹp xuống cỏ. Cô ta đặt một tay lên trước, tiếp đến là một chân, đến tay còn lại, rồi đến chân còn lại, và bò về phía trước. Kỷ lục mà cô ta ghi được trong cái trò Người Cua này với quãng đường 100 thước là bảy phút mười chín giây. Chốc chốc cô ta lại dừng lại, ngóc đầu nhìn tòa nhà phía trước để tìm điểm đột nhập. Tầng trệt rực sáng ánh đèn, trong khi tầng hai gần như tối đen. Tầng ba, nơi ở của các gia nhân, chỉ có một bóng đèn sáng. Krantz không quan tâm tới tầng ba. Mục tiêu của cô ta lúc này chắc chắn đang ở tầng trệt và một lát nữa sẽ ở tầng hai.

Khi chỉ còn cách tòa nhà khoảng 10 thước, Krantz di chuyển chậm lại cho đến khi cô ta thấy ngón tay mình chạm vào một bức tường. Cô ta nằm yên, nghiêng đầu sang một bên và nhờ ánh trăng để nhìn mọi thứ một cách kỹ lưỡng. Chỉ có những tòa nhà lớn mới có những đường ống nước như vậy. Sau khi đã luyện tập trên những thanh xà có đường kính bốn inch, một đường ống nước như vậy có thể được xem là một chiếc thang. Tiếp đến, Krantz nhìn kỹ những cửa sổ của căn phòng lớn mà tiếng động đang chủ yếu phát ra từ đó. Cho dù những tấm rèm dầy đã được kéo lại, cô ta phát hiện thấy có một khe hở nhỏ. Cô ta di chuyển thậm chí còn chậm hơn lúc trước về phía những tiếng cười nói. Khi tới bên chiếc cửa sổ, cô ta nhổm dậy trên đầu gối cho đến khi cô ta có thể ghé một mắt vào khe hở trên tấm rèm.

Đầu tiên, cô ta trông thấy một người đàn ông mặc một bộ đồ xmôckinh. Ông ta đang đứng, tay cầm một ly sâm banh như sắp chúc tụng. Krantz không nghe thấy người đàn ông đó nói gì, nhưng cô ta cũng chẳng quan tâm tới chuyện đó. ánh mắt cô ta quét khắp lượt những gì cô ta có thể trông thấy trong căn phòng. Ở một đầu bàn có một phụ nữ mặc áo dài bằng lụa đang ngồi quay lưng ra phía cửa sổ và chăm chú nhìn người đàn ông đang nói. Ánh mắt Krantz dừng lại trên chuỗi hạt kim cương mà người phụ nữ ấy đang đeo, nhưng đó không phải là thứ cô ta quan tâm.

Cô ta quan tâm tới một điểm cách những viên đá sáng lấp lánh kia khoảng ba inch.

Cô ta hướng sự chú ý sang phía đầu bàn còn lại. Cô ta gần như mỉm cười khi nhận ra người đang ăn thịt gà lôi và nhấm nháp ly rượu vang kia là ai. Khi Petrescu quay trở lại phòng mình sau bưỡi tối, cô ta sẽ chờ sẵn ở một chỗ mà Petrescu ít ngờ nhất.

Krantz lại liếc nhìn về phía người đàn ông mặc áo khoác đuôi tôm màu đen. Ông ta là người đã mở cửa cho hai con chó ra ngoài. Lúc này ông ta đang đứng sau người phụ nữ mặc áo dài, rót rượu cho người phụ nữ ấy, trong khi những người hầu khác dọn những chiếc đĩa đã hết thức ăn và một người trong số họ chỉ có một nhiệm vụ là dọn các mẩu vụn bánh mỳ trên bàn vào một chiếc khay bạc. Krantz không gây một tiếng động nào trong khi ánh mắt cô ta tiếp tục lướt quanh căn phòng, tìm kiếm chiếc họng thứ hai mà Fenston đã đặt hàng.

“Phu nhân Arabella, tôi đứng lên để cảm ơn lòng tốt và sự hiếu khách của bà. Món cá hồi bắt ở sông Test, và món gà lôi bắn trong khu đất của Lâu đài quả là rất ngon. Hai người phụ nữ ngồi cùng bàn ăn với tôi hôm nay thật tuyệt vời. Và ngày mai, khi tôi rời Lâu đài Wentworth, tôi sẽ có thêm một kiệt tác và một chuyên gia bậc thầy, một người đã đồng ý là giám đốc quỹ của chúng tôi. Ngài bá tước đệ ngũ quả là khôn ngoan khi đã mua của Tiến sỹ Gachet bức chân dung một người bạn thân của ông ta, Vincent Van Gogh, vào năm 1889, hơn một thế kỷ trước. Ngày mai, kiệt tác đó sẽ bắt đầu một chuyến đi qua nửa vòng trái đất, nhưng tôi xin cảnh báo với Phu nhân, rằng sau vài giờ ở trong Lâu đài của Phu nhân, tôi đã để mắt đến một kho báu quốc gia khác của Phu nhân và lần này tôi sẵn lòng trả giá cao”.

“Tôi có thể biết đó là thứ gì không?” Arabella hỏi.

Krantz quyết định đó là thời điểm thích hợp để di chuyển.

Cô ta chầm chậm bò về phía bắc của tòa nhà. Cô ta không cần biết rằng những bệ đá lớn ở nền nhà là niềm tự hào về kiến trúc của Ngài John Vanbrugh; đối với cô ta, đó chỉ là những chỗ bám chân thích hợp để trèo lên tầng hai.

Cô ta trèo lên ban công tầng hai chỉ mất không đầy hai phút, và dừng lại vài giây để đếm xem có bao nhiêu phòng ngủ. Cô ta biết rằng khi Lâu đài có khách, sẽ không có một phòng nào được gắn chuông báo động, và với sự già nua của tòa nhà, việc đột nhập vào một phòng ngủ nào đó không phải là chuyện khó. Với sự trợ giúp của con dao, Krantz cạy chốt cửa sổ của căn phòng đầu tiên. Sau khi đã lẻn vào trong, cô ta không tìm công tắc đèn điện mà bật một chiếc đèn pin lên. Chiếc đèn pin chỉ nhỏ bằng một chiếc bút bi và chỉ chiếu sáng một khoảng rộng bằng màn hình của một chiếc ti vi nhỏ. Khoảng sáng nhỏ ấy di chuyển trong căn phòng, lướt từ bức tranh này sang bức tranh khác, và cho dù Hals, Hobbema và Van Goyen luôn làm hài lòng mọi con mắt tinh tường, cô ta lướt qua các bức tranh của họ để tìm bức tranh của hoạ sỹ người Hà Lan khác. Sau khi đã xem lướt qua tất cả các bức tranh trong căn phòng, cô ta tắt đèn pin và quay trở ra ban công. Khi cô ta bước vào phòng ngủ thứ hai cũng là lúc Arabella đứng dậy đáp lời ông Nakamura. Một lần nữa, Krantz lại kiểm tra từng bức tranh, và một lần nữa không có bức tranh nào đem lại nụ cười cho cô ta. Cô ta vội trở ra ban công, cũng là lúc người quản gia rót mời ông Nakamura một ly rượu poóctô và mở hộp đựng xì gà ra. Ông Nakamura để người quản gia rót cho mình một ly đầy. Khi người quản gia quay lại chỗ bà chủ của mình ở đầu bàn phía bên kia, Arabella từ chối không uống rượu nữa, nhưng bà dùng ngón cái và ngón trỏ vê mấy điếu xì gà trước khi chọn một điếu Monte Cristo. Khi người quản gia bật diêm cho bà, Arabella mỉm cười. Mọi chuyện đều suôn sẻ.



56

Krantz đã kiểm tra được năm căn phòng ngủ khi Arabella mời các vị khách của mình sang phòng khách để dùng cà phê. Vẫn còn chín phòng nữa, và Krantz hiểu rõ rằng không những cô ta chẳng còn nhiều thời gian, mà đồng thời cô ta cũng chẳng thể có một cơ hội thứ hai.

Cô ta vội di chuyển sang căn phòng bên cạnh, mà ai đó đã mở cửa sổ để đón gió. Cô ta bật đèn pin lên, và được đón tiếp bằng cái nhìn lạnh lùng của vị Công tước Thép. Cô ta di chuyển tới bức tranh khác, cũng là lúc ông Nakamura đặt cốc cà phê xuống chiếc bàn con bên cạnh và đứng dậy. “Tôi nghĩ đã đến lúc tôi nên đi ngủ, thưa Phu nhân”, ông ta nói, “nếu không, những anh chàng ngốc ở công ty thép Corns Steel sẽ nhận ra rằng tôi ăn nói không còn sắc bén”. Ông ta quay sang Anna. “Tôi mong chờ được gặp lại cô vào sáng mai, khi chúng ta có thể thảo luận trong bữa ăn sáng về những ý tưởng của cô trong việc phát triển bộ sưu tập của tôi, và có thể là cả chuyện lương bổng của cô nữa”. “Nhưng ngài đã nói rõ là tôi đáng giá là bao nhiêu rồi mà”, Anna nói.

“Tôi không nhớ”, Nakamura nói và trông ông ta có vẻ bối rối.

“Ồ, vâng”, Anna nói và mỉm cười.

“Tôi nhớ rất rõ là Fenston đã thuyết phục ngài tin rằng tôi đáng giá 500 đôla một ngày”.

“Cô đã lợi dụng người già”, Nakamura vừa nói vừa mỉm cười, “nhưng tôi sẽ không rút lại những lời nói của mình”.

Krantz nghĩ cô ta nghe thấy tiếng một chiếc cánh cửa được đóng lại và không nhìn lại Wellington lần thứ hai, cô ta lẻn vội ra ban công. Cô ta phải cần tới con dao của mình để đột nhập căn phòng tiếp theo. Cô ta rón rén bước qua phòng, và dừng lại ở đuôi giường. Cô ta bật đèn pin lên, nghĩ là sẽ được đón tiếp bằng một bức tường trống không. Nhưng không phải.

Đôi mắt dài dại của một thiên tài đang nhìn cô ta chằm chằm. Đôi mắt điên dại của kẻ sát nhân nhìn trả lại. Krantz mỉm cười lần thứ hai trong ngày. Cô ta trèo lên giường và chầm chậm bò về phía nạn nhân tiếp theo của mình. Khi còn cách bức tranh vài inch, cô ta rút dao ra khỏi bao, giơ lên cao khỏi đầu và chuẩn xọc lưỡi dao vào cổ Van Gogh thì cô ta nhớ lại những gì mà cô ta cần làm theo chỉ đạo của Fenston để được lĩnh bốn triệu đôla thay vì chỉ được lĩnh ba triệu. Cô ta tắt đèn pin, bò xuống và chui vào gầm giường. Cô ta nằm ngửa mình lên và chờ đợi.

Khi Arabella và các vị khách rời phòng khách và bước ra hành lang, bà hỏi Andrews xem Brunswick và Picton đã trở lại chưa.

“Chưa, thưa Phu nhân”, người quản gia trả lời, “nhưng đêm nay có rất nhiều thỏ ra ngoài kiếm ăn”.

“Vậy thì để tôi đích thân đi gọi mấy tên hư đốn đó”, Arabella nói rồi quay sang phía các vị khách. “Chúc ngủ ngon, tôi sẽ gặp lại hai người vào bữa ăn sáng ngày mai”.

Nakamura cúi chào trước khi đưa Anna đi lên cầu thang, và chốc chốc hai người lại dừng chân để ngắm nhìn các vị tổ tiên của Arabella. Họ cũng trả lại hai người những cái nhìn chằm chằm.

“Xin cô hiểu cho tôi, Anna”, ông ta nói, “vì tôi sẽ không có cơ hội được gặp lại các quý ông này lần thứ hai”. Anna mỉm cười và bước đi, để ông Nakamura đứng lại ngắm nhìn Bà Siddons của Romney.

Cô tiếp tục đi dọc hành lang, và dừng lại bên ngoài phòng Van Gogh. Cô mở cửa căn phòng ra và bật đèn lên, rồi dừng lại một lát để ngắm nhìn chân dung Van Gogh. Cô cởi váy ra và treo vào tủ quần áo, rồi cô đặt những quần áo còn lại của mình lên chiếc ghế sô pha ở chân giường.

Sau đó cô bật ngọn đèn ở cạnh giường lên và xem đồng hồ. Vừa qua mười một giờ. Cô đi vào phòng tắm. Khi Krantz nghe thấy tiếng nước chảy từ một chiếc vòi hoa sen, cô ta bò ra khỏi gầm giường và quỳ bên cạnh giường. Cô ta giỏng tai lên, giống một con thú đang đánh hơi trong gió. Vòi nước vẫn đang chảy. Cô ta đứng lên, bước tới cửa và tắt chiếc bóng đèn trong phòng ngủ, trong khi vẫn để ngọn đèn đọc sách bên cạnh giường. Cô ta nhấc đầu tấm chăn phía bên kia giường, cẩn thận trèo lên và chui vào chăn. Cô ta nhìn Van Gogh lần cuối, trước khi kéo chăn lại che kín đầu. Krantz nằm yên không động đậy. Cô ta nhỏ con tới mức gần như biến mất trong thứ ánh sáng mờ mờ. Cho dù đang ẩn mình dưới lớp chăn, cô ta vẫn nghe rõ tiếng vòi nước được vặn lại. Tiếp đến là sự yên lặng. Chắc Anna đang lau khô người, rồi cô ta nghe thấy tiếng một chiếc công tắc được tắt - đèn phòng tắm, tiếp đến là tiếng một chiếc cánh cửa được khép lại.

Krantz rút con dao từ trong chiếc bao ra và nắm chặt cán dao khi Anna bước trở ra phòng ngủ. Anna chui xuống dưới chăn phía giường của cô và xoay mình sang một bên, vươn một cánh tay để tắt ngọn đèn bên cạnh giường. Cô ngả đầu xuống chiếc gối lông ngỗng mềm mại. Khi chuẩn bị bước vào giấc ngủ, những suy nghĩ cuối cùng của cô là bữa tiệc thật tuyệt vời. Ông Nakamura không những đã quyết định chuyện mua bán, mà còn mời cô về làm việc. Cô còn cần gì hơn thế?

Anna đang trong trạng thái chợp chờn khi Krantz nhoài người sang bên và sờ vào lưng cô bằng đầu ngón tay trỏ. Cô ta rê ngón tay dọc xương sống Anna xuống mông cô, dừng lại trên đùi cô. Anna thở ra một hơi dài. Krantz dừng lại vài giây, trước khi cho tay vào giữa hai đùi Anna.

Cô đang mơ ngủ, hay có ai đó sờ vào cô, Anna băn khoăn tự hỏi trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Cô nằm yên. Không thể có chuyện có ai đó đang nằm trên giường cùng cô. Chắc chắn là mơ. Đó là lúc cô cảm thấy cái lạnh của một lưỡi dao bằng thép khi nó luồn vào giữa hai đùi cô. Thình lình Anna tỉnh như sáo, tất cả các suy nghĩ đều chạy khỏi đầu cô. Cô vừa chuẩn bị tung chăn ra và lăn xuống sàn thì một giọng nói cất lên, nhỏ nhưng rõ ràng, “Đừng nghĩ tới chuyện cử động, dù chỉ là một sợi gân; mày có một con dao dài sáu inch ở giữa hai đùi, và lưỡi dao hướng lên”. Anna nằm yên. “Nếu mày lên tiếng, dù chỉ là thì thầm, tao sẽ rạch đôi mày từ háng lên họng, và mày sẽ chỉ có đủ thời gian để ước được chết”.

Anna cảm thấy cái lạnh của lưỡi dao bằng thép giữa hai đùi cô và cố không động đậy, cho dù người cô vẫn run lên.

“Nếu mày nghe theo chỉ dẫn của tao”, Krantz nói, “thì mày có thể sống, nhưng đừng tin lắm vào điều đó”. Anna không tin, và biết rằng nếu muốn có cơ hội sống sót, cô phải kéo dài thời gian. “Cô muốn gì?” Anna hỏi.

“Tao đã bảo là không được mở miệng”, Krantz nói và đẩy con dao lên cho đến khi lưỡi dao chỉ còn cách âm vật của cô một xentimét. Anna không dám nói gì thêm.

“Có một ngọn đèn bên cạnh giường ở phía mày”, Krantz nói. “Hãy vươn người ra, rất chậm và bật nó lên”. Anna vươn người ra và cảm thấy lưỡi dao di chuyển cùng cô khi cô bật ngọn đèn lên.

“Tốt”, Krantz nói. “Bây giờ tao sẽ kéo phần chăn phía mày, trong khi mày phải nằm yên. Tao sẽ không rút dao ra - chưa đến lúc”.

Anna nhìn chằm chằm về phía trước mặt cô, trong khi Krantz chầm chậm kéo chăn phía cô ra.

“Bây giờ hãy co gối lên trước ngực”, Krantz nói, “chậm thôi”.

Anna làm theo lệnh cô ta, và lại cảm thấy lưỡi dao di chuyển cùng cô.

“Bây giờ ngồi dậy trên đầu gối và nhìn vào bức tường trước mặt mày”. Anna tì khuỳu tay trái lên giường, đẩy mình ngồi dậy một cách chầm chậm trên đầu gối và xoay mình từng inch một cho đến khi cô đối diện với bức tường. Cô nhìn chằm chằm vào Van Gogh. Khi cô nhìn thấy chiếc tai bị băng, cô không thể không nhớ tới những gì mà Krantz đã làm đối với Victoria.

Krantz lúc này đang quỳ ngay sát phía sau cô, tay vẫn cầm chặt cán dao.

“Từ từ cúi về phía trước”, Krantz nói, “và cầm lấy hai bên khung bức tranh”.

Anna làm theo lệnh của cô ta, trong khi từng chiếc cơ trên người cô đều run lên.

“Bây giờ nhấc bức tranh ra khỏi móc treo và từ từ đặt nó xuống gối”.

Anna gắng sức để làm theo mệnh lệnh của cô ta, dù cô đã bủn rủn cả chân tay. Cô đặt bức tranh xuống gối.

“Bây giờ tao sẽ lấy con dao ra khỏi háng mày, rất chậm, trước khi gí lưỡi dao vào cổ mày. Đừng tính đến chuyện cử động khi con dao được rút ra, bởi vì nếu mày ngu xuẩn đến mức thử làm điều gì đó, tao xin đảm bảo với mày rằng tao chỉ cần không đầy ba giây để giết mày, và mười giây để thoát ra từ chiếc cửa sổ kia. Tao muốn mày nghĩ về điều đó trước khi tao rút lưỡi dao ra”.

Anna nghĩ về điều đó, và không nhúc nhích. Vài giây sau, cô cảm thấy lưỡi dao đã được rút ra khỏi hai chân mình, và chỉ tích tắc sau, lưỡi dao đã kề vào cổ cô.

“Nâng bức tranh lên khỏi chiếc gối”, Krantz ra lệnh, “rồi quay lại và nhìn tao. Hãy nhớ rằng lưỡi dao sẽ không bao giờ rời cách họng mày quá vài inch. Bất kỳ một cử động nào, và tao muốn nhấn mạnh là bất kỳ một cử động nào mà tao cho là khả nghi, sẽ là cử động cuối cùng của mày”.

Anna tin lời cô ta. Cô cúi xuống, nâng bức tranh lên khỏi chiếc gối và chầm chậm xoay mình trên hai đầu gối cho đến khi cô đối diện với Krantz. Khi Anna lần đầu tiên nhìn thấy cô ta, cô ngạc nhiên trong một giây lát thoáng qua. Người phụ nữ này trông thật bé nhỏ, thậm chí có vẻ dễ bị tổn thương - một nhận định sai lầm mà nhiều người đàn ông đã mắc phải trong quá khứ - quá khứ của họ. Sergei còn không thể hạ được Krantz thì cô còn có cơ hội gì? Suy nghĩ lạ lùng ấy lướt qua đầu Anna trong khi cô chờ đợi mệnh lệnh tiếp theo của cô ta.

Tại sao cô lại từ chối khi Andrews đề nghị đem cho cô một cốc cacao lên phòng trước khi cô đi ngủ?

“Bây giờ tao muốn mày xoay bức tranh lại để nó nhìn thẳng vào tao”, Krantz nói, “và đừng rời mắt khỏi con dao”, cô ta nói thêm rồi nhấc con dao khỏi họng cô và giơ lên cao khỏi đầu. Trong khi Anna xoay bức tranh lại, Krantz giữ con dao chĩa thẳng vào vị trí mà cô ta thường chọn.

“Nắm chặt lấy khung tranh”, Krantz nói, “bởi vì bạn mày, ông Van Gogh, sắp mất thêm một cái tai nữa”. “Nhưng tại sao?” Anna kêu lên, cô không thể cố im lặng được nữa.

“Tao thấy vui là mày đã hỏi”, Krantz nói, “bởi vì mệnh lệnh của ông Fenston không thể rõ ràng hơn. Ông ấy muốn mày là người cuối cùng được nhìn thấy bức tranh này trước khi nó bị đi tiêu”.

“Nhưng tại sao?” Anna lặp lại.

“Bởi vì ông Fenston không thể có bức tranh cho riêng mình, ông ấy muốn đảm bảo rằng chẳng ai có thể sở hữu nó”, Krantz nói, lưỡi dao chỉ cách cổ họng Anna vài inch. “Bao giờ cũng là sai lầm nếu làm trái ý ông Fenston. Thật tiếc khi mày không có cơ hội để nói lại với bạn mày là Phu nhân Arabella về những gì mà ông Fenston sẽ dành cho bà ta”. Krantz dừng lại. “Nhưng tao có cảm giác ông ấy không phiền lòng nếu tao nói cho mày biết. Một khi bức tranh này đã bị phá hủy - thật đáng tiếc là bà ta không có tiền để mua bảo hiểm cho nó, thì đó cũng là lúc ông Fenston sẽ bắt đầu bán các bức tranh còn lại trong bộ sưu tập của Lâu đài này cho đến khi bà ta thanh toán hết nợ. Cái chết của bà ta, không giống như cái chết của mày, sẽ diễn ra một cách từ từ và dai dẳng. Người ta phải khâm phục đầu óc tư duy lôgic và gẫy gọn của ông Fenston”. Cô ta dừng lại lần nữa. “Tao sợ không còn thời gian, cả cho mày lẫn cho ông Van Gogh”.

Krantz bất ngờ giơ cao con dao khỏi đầu và xọc mạnh lưỡi dao xuống bức tranh. Anna cảm nhận được rằng Krantz đã dồn toàn lực để làm việc đó khi cô ta rạch qua cổ Van Gogh, và bằng tất cả sức lực của mình, tiếp tục đẩy lưỡi dao cho đến khi cô ta đã tạo nên một vòng tròn không đều, cuối cùng làm chiếc đầu của Van Gogh rơi ra, để lại một lỗ hổng nham nhở ở giữa bức tranh. Krantz hơi ngửa người ra để chiêm ngưỡng chiến tích của mình, và cho phép mình được tự mãn trong giây lát. Cô ta cảm thấy mình đã hoàn thành hợp đồng với Fenston, và giờ đây, khi Anna đã chứng kiến toàn bộ cảnh này, đã đến lúc cô ta kết thúc mọi chuyện để lĩnh bốn triệu đôla tiền công và tiền thưởng. Anna nhìn chiếc đầu Van Gogh rơi xuống tấm ga cạnh cô, không một giọt máu. Khi Krantz ngồi thẳng lên để tận hưởng chiến thắng của mình, Anna nâng chiếc khung tranh lên và đập thẳng xuống đầu cô ta. Nhưng Krantz nhanh hơn cô tưởng; cô ta xoay mình và giơ tay trái lên đỡ. Anna nhảy xuống giường khi Krantz gạt chiếc khung tranh xuống và nhoài người về phía trước. Anna đã kịp đứng dậy và thậm chí đã nhảy được một bước về phía cửa trước khi Krantz lao theo và đâm lưỡi dao và chân cô. Anna loạng choạng và ngã xuống, chỉ cách cánh cửa vài inch, máu phun ra từ vết thương. Krantz chỉ cách cô một bước chân khi tay Anna chạm vào tay cầm trên cánh cửa, nhưng quá muộn. Krantz đã nhảy chồm lên cô trước khi cô kịp xoay tay cầm. Krantz túm lấy tóc Anna và kéo cô ngã xuống sàn. Krantz giơ con dao lên, và những từ cuối cùng mà Anna nghe là: “Lần này là chuyện cá nhân”.

Krantz vừa chuẩn bị thực hiện cú cắt họng theo nghi lễ quen thuộc của cô ta thì cánh cửa mở toang. Không phải là người quản gia với một cốc cacao, mà là một phụ nữ với khẩu súng săn dưới cánh tay phải, đôi bàn tay và chiếc áo dài của bà nhuộm đầy máu.

Trong một giây lát thoáng qua, Krantz cứng người khi cô ta nhìn thấy Phu nhân Victoria Wentworth. Không đúng là cô ta đã giết chết người đàn bà này rồi sao? Trước mặt cô ta là ma ư? Krantz chần chừ, như bị thôi miên, khi con ma tiến lại phía cô ta. Krantz không rời mắt khỏi Arabella, trong khi vẫn nắm chặt con dao, lưỡi dao chỉ cách cổ họng Anna vài inch.

Arabella nâng khẩu súng lên khi Krantz lùi lại, kéo theo con mồi của mình trên sàn về phía cửa sổ. Arabella lên cò. “Chỉ cần một giọt máu nữa”, bà nói, “và tao sẽ bắn mày thành một đống thịt vụn. Tao sẽ bắt đầu từ hai chân của mày, và sau đó tao sẽ dành ổ đạn thứ hai cho cái bụng của mày. Nhưng tao sẽ chưa bắn chết mày ngay. Không, tao hứa sẽ dành cho mày một cái chết từ từ, đau đớn, và tao sẽ không gọi cứu thương cho đến khi tao biết chắc rằng họ chẳng thể làm gì để cứu mày”. Arabella hơi hạ nòng súng xuống và Krantz lưỡng lự. “Thả cô ta ra”, bà nói, “và tao sẽ không bắn”. Arabella chờ đợi. Bà ngạc nhiên khi thấy Krantz có vẻ hoảng hốt như vậy, trong khi Anna lại có vẻ khá điềm tĩnh.

Bất ngờ Krantz bỏ tóc Anna ra và lăn mình qua cửa sổ ra ban công. Arabella nâng súng lên và bắn về phía cái bóng đang chuyển động.

Đạn thổi bay cánh cửa sổ và để lại một lỗ hổng lớn. Arabella lao về lỗ hổng đang toả khói ấy và gọi, “Andrews, nhanh lên”, như thể bà đang đi săn gà lôi. Một giây sau, đèn pha bảo vệ được bật lên và bãi cỏ trước Lâu đài ngập trong ánh sáng giống như một sân bóng trong một trận đấu đêm, nhưng chỉ có một cầu thủ đang lao về phía cầu gôn.

Đôi mắt Arabella bám theo cái bóng đen nhỏ đang chạy hình chữ chi qua bãi cỏ. Arabella nâng súng lên lần thứ hai, tì chặt báng vào vai, ngắm nhìn, hít sâu một hơi và kéo cò. Tích tắc sau, Krantz ngã xuống đất, nhưng vẫn cố bò về phía bức tường. “Chết tiệt”, Arabella nói, “tôi chỉ bắn trúng cánh nó”. Bà chạy ra khỏi phòng, lao xuống cầu thang và kêu to trước khi xuống đến tầng trệt, “Hai các tút đạn nữa, Andrews”.

Andrews mở cánh cửa trước bằng tay phải và đưa cho bà chủ hai các tút đạn bằng tay trái. Arabella nhanh chóng nạp đạn trước khi nhảy xuống các bậc cầu thang và chạy về phía bãi cỏ. Bà chỉ còn nhìn thấy một cái bóng đen rất nhỏ đang đổi hướng chạy về phía cổng, nhưng bà nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với Krantz. Sau khi Krantz đã nằm trong tầm ngắm, bà dừng lại giữa bãi cỏ. Bà nâng súng lên và tì vào vai. Bà lấy mục tiêu và vừa chuẩn bị bóp cò thì thình lình từ đâu có ba chiếc xe cảnh sát và một chiếc xe cứu thương lao qua cổng, ánh đèn pha làm bà loá mắt và không nhìn thấy mục tiêu đâu nữa.

Chiếc xe đầu tiên phanh khựng lại ngay sát chân bà, và khi nhận ra người vừa bước xuống xe, bà miễn cưỡng hạ khẩu súng xuống.

“Chào ông chánh thanh tra”, bà vừa nói vừa đưa tay che ngang trán để ngăn dòng ánh sáng đang chĩa thẳng vào bà.

“Chúc một buổi tối tốt lành, Arabella”, viên chánh thanh tra cảnh sát đáp lời, như thể ông ta đã đến muộn vài phút trong một tiệc rượu nhỏ mà bà tổ chức. “Mọi thứ đều ổn chứ?” ông ta hỏi.

“Đều ổn trước khi ông tới đây”, Arabella nói, “và thò mũi vào công việc của người khác. Và cho phép tôi hỏi, làm sao ông có thể tới đây nhanh như thế?”

“Bà có một người bạn Mỹ, Jack Delaney, để cảm ơn về điều đó”, viên chánh thanh tra cảnh sát nói. “Anh ta cảnh báo với chúng tôi rằng có thể bà cần một vài sự giúp đỡ. Vì vậy chúng tôi đã theo dõi khu vực này suốt một giờ qua.

“Tôi không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào”, Arabella nói và lại nâng khẩu súng lên. “Nếu ông cho tôi yên thêm được vài phút, tôi đã kết liễu đời nó, và vui sướng được đối mặt với những hậu quả”.

“Tôi không hiểu bà đang nói gì”, viên chánh thanh tra cảnh sát nói rồi quay trở lại chiếc xe và tắt đèn pha. Chiếc xe cứu thương và hai chiếc xe cảnh sát còn lại không thấy đâu nữa.

“Ông đã để nó chạy mất, đồ ngu”, Arabella vừa nói vừa nâng súng lên lần thứ ba, cũng là lúc ông Nakamura xuất hiện bên cạnh bà trong bộ quần áo ngủ.

“Tôi nghĩ Anna-”

“Ôi, Chúa ơi”, Arabella nói rồi quay mình chạy vào trong tòa nhà, không thèm để ý đến viên chánh thanh tra cảnh sát. Bà tiếp tục chạy lên các bậc thềm, qua cửa, trước khi lao lên cầu thang, và không dừng lại cho đến khi tới căn phòng khách dành cho Anna. Bà thấy Andrews đang quỳ trên sàn, và đang băng bó vết thương ở chân Anna một cách thành thục. Ông Nakamura lao qua cửa. Ông ta dừng lại một lát để lấy hơi trước khi nói, “Trong nhiều năm, Arabella, tôi vẫn cứ băn khoăn không biết trong một bữa tiệc kiểu thôn dã của Anh quốc sẽ có những gì”, Ông ta dừng lại. “Giờ thì tôi đã biết rõ”. Arabella cười phá lên, và quay sang phía Nakamura, ông ta đang nhìn chằm chằm vào bức tranh trên sàn nhà bên cạnh chiếc giường.

“Ôi, Chúa ơi”, Arabella kêu lên khi ánh mắt bà dừng lại trên bức tranh.

“Thằng Fenston con hoang kia cuối cùng đã cũng đã đánh bại chúng ta. Bây giờ tôi hiểu tại sao hắn lại tự tin đến thế về việc tôi sẽ buộc phải bán hết tất cả những gì còn lại trong bộ sưu tập của mình, và thậm chí cuối cùng sẽ mất luôn cả Lâu đài này”. Anna chầm chậm đứng lên và ngồi xuống đuôi giường. “Tôi không nghĩ như vậy”, cô nói và nhìn thẳng vào chủ nhà. Arabella trông có vẻ ngạc nhiên. “Nhưng Phu nhân hãy cảm ơn Andrews về điều đó”.

“Andrews à?” Arabella lặp lại.

“Đúng vậy. Ông ấy đã cảnh báo với tôi rằng sáng mai ngài Nakamura sẽ phải rời khỏi Lâu đài từ rất sớm nếu muốn kịp giờ hẹn với hãng Corns Steel, và Andrews gợi ý rằng nếu tôi không muốn bị đánh thức vào một cái giờ không thích hợp, thì có lẽ ông ấy nên lấy bức tranh đi trong lúc chúng ta còn đang ăn tối. Điều đó không những cho phép người của ông ấy trả bức tranh vào khung tranh gốc mà còn giúp họ có đủ thời gian để đóng gói bức tranh, chuẩn bị sẵn sàng để ông Nakamura có thể đem đi vào sáng sớm ngày mai”. Anna dừng lại. “Tôi nói với Andrews rằng có thể Phu nhân sẽ không được hài lòng nếu ông ấy làm trái ý Phu nhân, trong khi rõ ràng tôi đã lợi dụng lòng hiếu khách của Phu nhân. Tôi nghĩ mình vẫn còn nhớ chính xác những lời của Andrews”, Anna nói. ““Nếu cô cho phép tôi thay kiệt tác ấy bằng bức tranh nhái, tôi tin là Phu nhân sẽ không để ý”.”

Đó là một trong những lần hiếm hoi trong suốt bốn mươi chín năm qua, Andrews được chứng kiến cảnh bà chủ của mình phải nghẹn lời không nói nên lời.

“Tôi nghĩ Phu nhân nên sa thải ông ấy ngay lập tức vì tội không nghe lời”, Nakamura nói, “để tôi có thể mời ông ấy về chỗ tôi làm. Nếu ông chấp nhận”, ông ta vừa nói vừa quay sang Andrews, “tôi sẵn lòng trả ông một mức lương cao gấp đôi hiện nay”.

“Không có hy vọng”, Arabella nói, trước khi người quản gia có cơ hội trả lời. “Andrews là một kho báu quốc gia mà tôi sẽ không bao giờ chịu mất”.

57

Ông Nakamura thức dậy vào lúc vừa qua 6 giờ, khi ông ta nghĩ mình nghe thấy tiếng một chiếc cánh cửa được đóng lại. Ông ta nghĩ về những chuyện đã xảy ra tối hôm trước, và cố thuyết phục mình rằng đó không phải là một giấc mơ.

Ông ta thả chân xuống thảm, tìm đôi dép lê và chiếc áo khoác mỏng bên cạnh giường, ông ta xỏ chân vào dép lê, khoác chiếc áo lên mình và đi về phía đuôi giường, nơi trước khi đi ngủ ông ta đã để chiếc áo xmôckinh, áo sơ mi và những quần áo khác trên một chiếc ghế. Ông ta đã định thức dậy để đóng gói hành lý trước khi rời đi, nhưng không thấy ở đó nữa. Ông ta cố nhớ lại xem mình có cất vào vali không, ông ta mở vali ra và thấy chiếc áo sơ mi đã được giặt là và được gấp lại, còn chiếc áo xmôckinh đã được là ủi và được treo vào chiếc móc dành riêng để treo complê.

Ông ta bước vào phòng tắm và thấy chiếc bồn tắm lớn đã được lấy đầy nước. Ông ta cho tay vào nước: ấm nhưng không nóng. Rồi ông ta nhớ lại là đã nghe thấy tiếng cửa phòng mình được khép lại. Rõ ràng là vừa đủ gây tiếng động để đánh thức ông ta nhưng không làm ảnh hưởng đến người khác, ông ta cởi chiếc áo ngủ ra và bước vào bồn.

***

Anna bước ra khỏi phòng tắm và bắt đầu mặc quần áo. Cô đang đeo chiếc đồng hồ của Tina vào thì thấy một chiếc phong bì trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường. Có lẽ Andrews đã đưa nó tới phòng cô trong khi cô đang tắm? Cô biết chắc chắn là nó không có ở đó khi cô thức dậy. Trên chiếc phong bì có đề chữ Anna, kiểu chữ mạnh mẽ của Arabella.

Cô ngồi xuống đuôi giường và bóc chiếc phong bì ra.

Lâu đài Wentworth

Ngày 26 tháng Chín năm 2001

Anna vô cùng yêu quý,

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất tặng thưởng vàng bạc và châu báu cho một vị tổ tiên của tôi vì lòng dũng cảm và những chiến công của ngài. Vì vậy sẽ hợp lý khi mà sau khi cô đã cứu vãn danh dự...

Anna bật cười vì lối nói là lạ trong thư, khiến cho hai tờ giấy rơi ra khỏi phong bì. Anna cúi xuống nhặt lên. Tờ thứ nhất là một tấm séc ghi tên người lĩnh là Anna có trị giá một triệu bảng. Tờ thứ hai...

***

Sau khi Nakamura mặc quần áo xong, ông ta cầm chiếc điện thoại di động từ chiếc bàn con bên cạnh giường lên và bấm một số để gọi về Tokyo. Ông ta chỉ thị cho giám đốc tài chính chuyển bốn lăm triệu đôla bằng hình thức chuyển tiền điện tử vào tài khoản của ông ta tại London. Ông ta không cần phải báo cho các luật sư của mình biết, bởi vì ông ta đã yêu cầu họ chuyển toàn bộ khoản tiền đó tới ngân hàng Coutts & Co, nơi gia đình Wentworth vẫn gửi gắm tiền bạc của mình trong suốt hai thế kỷ qua.

Trước khi rời khỏi phòng để xuống ăn sáng, ông Nakamura dừng lại một lát trước bức chân dung của Wellington, ông ta khẽ cúi chào ngài Công tước Thép, và cảm thấy rằng chắc chắn ngài Công tước đã rất thích thú với cuộc giao tranh nhỏ tối hôm qua.

Trong lúc bước xuống những bậc cầu thang bằng đá hoa cương, ông ta trông thấy Andrews trong đại sảnh. Andrews đang chỉ đạo việc vận chuyển chiếc thùng màu đỏ, trong đó đựng bức tranh Van Gogh đã được lắp vào khung tranh gốc. Người phụ việc của Andrews dựng chiếc thùng cạnh cửa trước để có thể đưa nó lên xe của Nakamura ngay khi tài xế riêng của Nakamura xuất hiện. Arabella bước vội ra khỏi phòng ăn sáng khi vị khách của bà xuống đến bậc cầu thang cuối cùng.

“Chúc một buổi sáng tốt lành, ngài Nakamura”, bà nói. “Tôi hy vọng rằng, bất chấp những chuyện đã xảy ra, ngài vẫn ngon giấc”.

“Ồ, vâng, xin cảm ơn Phu nhân”, ông ta đáp lời, vừa lúc Anna khập khiễng bước xuống sau lưng ông ta.

“Tôi không biết phải cảm ơn Phu nhân như thế nào”, Anna nói. “Sotheby chắc chắn sẽ bắt tôi phải trả tiền phí cao hơn nhiều”, Arabella nói mà không giải thích gì thêm.

“Và tôi biết rằng Tina-” Anna bắt đầu, vừa lúc đó có một tiếng gõ dứt khoát ở cửa trước. Nakamura dừng lại, và Andrews bước qua sảnh về phía cửa.

“Có lẽ là tài xế của tôi”, ông ta nói khi người quản gia mở chiếc cánh cửa sồi ra.

“Xin chào ngài”, Andrews nói.

Arabella quay người lại và mỉm cười với vị khách không mời.

“Chào anh, Jack”, bà nói. “Tôi không biết là anh sẽ tới ăn sáng cùng chúng tôi. Anh vừa từ Mỹ qua à, hay đêm qua anh ngủ ở chỗ đồn cảnh sát địa phương?”

“Không, thưa Phu nhân, tôi không ghé qua đồn cảnh sát ấy, nhưng tôi nghe nói nhẽ ra phu nhân phải vào đó ngủ đêm qua”, Jack trả lời, kèm theo một nụ cười nhăn nhở.

“Xin chào, người hùng của tôi”, Anna nói và hôn lên má Jack. “Anh vừa kịp tới để cứu chúng tôi”.

“Không công bằng”, Arabella nói chen vào, “bởi vì chính Jack là người đã báo với cảnh sát địa phương”. Anna mỉm cười. Cô quay sang Nakamura và nói, “Đây là bạn của tôi, Jack Fitzgerald Delaney”.

“Chắc chắn tên thánh là John”, ông Nakamura nói khi bắt tay với Jack. “Chính xác, thưa ngài”.

“Cái tên do một bà mẹ người Ailen lựa chọn, và có lẽ anh sinh ngày 20 hai tháng Mười, năm 1963?”

“Hoàn toàn chính xác”, Jack thú nhận.

“Kỳ lạ thật”, Arabella nói và dẫn các vị khách sang phòng ăn sáng, và Anna giải thích với Jack lý do tại sao chân cô lại bị băng bó.

Arabella mời Nakamura ngồi bên phải mình. Bà ra hiệu cho Jack và nói, “Lại ngồi bên trái tôi, chàng trai. Còn một vài câu hỏi mà tôi muốn có câu trả lời”. Jack nhìn món cật nướng khi anh cầm dao và dĩa lên. “Và anh đừng mơ đến thức ăn”, Arabella nói thêm, “trước khi giải thích tại sao tôi lại không được lên mặt báo sau những nỗ lực dũng cảm của mình đêm qua”.

“Tôi không hiểu Phu nhân nói gì”, Jack nói, lúc đó Andrews đang rót cho anh một cốc cà phê.

“Này, đừng có thế”, Arabella nói.

“Chẳng trách gì mà nhiều người tin vào các giả thuyết về đủ thứ âm mưu và sự che đậy của cảnh sát. Cố lên một chút đi, Jack”.

“Khi tôi hỏi các đồng nghiệp của mình ở MI5 lúc sáng nay”, Jack trả lời rồi đặt dao và dĩa xuống bàn, “họ có thể cam đoan với tôi rằng trong 20 bốn giờ qua, không có tên khủng bố nào đột nhập vào đất nước này”.

“Nói một cách khác, ả kia đã trốn thoát”, Anna nói.

“Không hẳn là như thế”, Jack nói, “nhưng tôi có thể nói rằng một phụ nữ cao khoảng năm bộ, nặng khoảng 100 pao, có một vết thương do súng săn gây ra, đã ngủ qua đêm tại nhà lao Belmarsh”.

“Nơi mà ả có thể trốn thoát dễ dàng”, Arabella nói.

“Tôi có thể cam đoan với Phu nhân rằng không kẻ nào có thể trốn thoát khỏi nhà lao Belmarsh”.

“Nhưng cuối cùng họ sẽ dẫn độ ả sang Bucharest”.

“Không thể có chuyện đó”, Jack nói, “bởi vì không có hồ sơ nào cho thấy cô ta từng vào nước Anh, và sẽ không có ai tìm kiếm một phụ nữ ở nhà lao đặc biệt đó”.

“Nếu đúng là như vậy, tôi sẽ cho phép anh ăn một chút nấm”.

Jack cầm dao và dĩa lên.

“Một món mà tôi đánh giá rất cao”, ông Nakamura nói và đứng dậy, “nhưng tôi e là tôi phải tạm biệt bà, Phu nhân Arabella ạ, nếu tôi muốn kịp giờ cho cuộc hẹn của mình”.

Jack đặt dao và dĩa xuống lần thứ hai, khi mọi người đều đứng lên tiễn ông Nakamura ra đại sảnh.

“Tôi nghĩ”, ông Nakamura vừa nói vừa quay sang Arabella, “rằng cụm từ đáng ghi nhớ sẽ mô tả một cách thích hợp chuyến đi ngắn ngủi của tôi tới Lâu đài Wentworth”. Ông ta mỉm cười, trước khi nhìn bức chân dung của Catherine lần cuối. “Hãy giúp tôi nếu tôi nói sai nhé, Phu nhân”, ông ta tiếp tục, “nhưng đó có phải là chuỗi hạt mà bà đã đeo trong bữa tiệc tối qua không?”

“Chính là chuỗi hạt ấy”, Arabella mỉm cười và trả lời. “Phu nhân là một nữ diễn viên, ngày nay có thể gọi là một vũ nữ, vì vậy chỉ có Chúa mới biết ai trong số những người hâm mộ của Phu nhân đã tặng cho bà chuỗi hạt này. Nhưng tôi không phàn nàn gì về điều đó, bởi vì tất nhiên nhờ có bà mà tôi được hưởng chuỗi hạt ấy”.

“Thế còn khuyên tai”, Anna nói.

“Khuyên tai, thật đáng buồn”, Arabella nói và sờ lên dái tai phải của mình.

“Khuyên tai”, Jack lặp lại và nhìn lên bức tranh. “Tôi ngu quá”, anh nói thêm. “Nó ở ngay trước mặt tôi, thế mà tôi không nhìn ra”.

“Và cái gì ở ngay trước mặt anh mà anh không nhìn ra?” Anna hỏi. “Leapman đã viết lên mặt sau tấm ảnh chụp cảnh Fenston đang bắt tay với Tổng thống Bush rằng: “Đây là tất cả những bằng chứng mà anh cần””.

“Tất cả những bằng chứng mà anh cần cho chuyện gì?” Arabella hỏi.

“Để chứng minh chính Fenston là người đã sát hại chị gái Phu nhân”, Jack đáp.

“Tôi không nhìn thấy mối quan hệ giữa Phu nhân Wentworth với Tổng thống Mỹ”, Arabella nói.

“Đó cũng chính là sai lầm mà tôi đã mắc phải”, Jack nói. “Không phải là mối quan hệ giữa Phu nhân Wentworth với ngài Bush, mà là giữa Phu nhân Wentworth với Fenston. Và đầu mối luôn ở ngay trước mặt chúng ta”.

Mọi người đều nhìn lên bức chân dung do chính Gainsborough vẽ.

Sau một lúc yên lặng, Anna là người đầu tiên lên tiếng.

“Cả hai đều đeo cùng một chiếc khuyên tai”, cô trầm giọng nói. “Tôi cũng hoàn toàn không để ý đến chuyện đó. Tôi thậm chí còn thấy Fenston đeo chiếc khuyên tai đó vào hôm ông ta sa thải tôi, nhưng tôi đã không tìm ra mối quan hệ ấy”.

“Leapman ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của nó”, Jack nói và gần như xoa hai tay vào nhau, “ông ta đã nhận thấy rằng đây là một bằng chứng quan trọng mà chúng ta cần để kết tội Fenston”.

Andrews húng hắng ho.

“Ông nói đúng, Andrews”, Arabella nói. “Chúng ta không nên giữ ngài Nakamura lâu hơn nữa. Người đàn ông tội nghiệp này đã phải chịu đựng quá nhiều mối quan hệ gia đình trong một ngày”.

“Quả là thế thật”, ông Nakamura nói. “Tuy nhiên, tôi xin được chúc mừng anh Delaney vì phát hiện này của anh”.

“Chậm, nhưng cuối cùng thì cũng tới đích”, Anna nói và cầm lấy tay Jack. Ông Nakamura mỉm cười khi Arabella tiễn ông ta xuống chỗ chiếc xe hơi đang đợi, trong khi Jack và Anna đứng chờ trên bậc thềm cao nhất.

“Giỏi đấy, Người Rình rập. Tôi đồng ý với ông Nakamura, rằng đó không phải là một phát hiện tồi”.

Jack mỉm cười và quay sang nhìn Anna. “Thế còn những nỗ lực của cô thì sao? Cô đã phát hiện ra tại sao Tina”.

“Tôi cứ tưởng anh sẽ không bao giờ hỏi”, Anna nói, “cho dù tôi phải thú nhận rằng chính tôi cũng bỏ qua rất nhiều đầu mối hiển nhiên, mà ngay cả một người nghiệp dư cũng có thể nhìn thấy”.

“Ví dụ?” Jack hỏi.

“Một cô gái hâm mộ đội 49ers và đội Lakers, hiểu biết về nền nghệ thuật Mỹ, có sở thích là đi trên một chiếc thuyền buồm gọi là Christina, được đặt theo tên một trong hai người con của người chủ”.

“Cô ấy là con gái của Chris Adam?”, Jack nói.

“Và là em gái của Chris Adam Jr”, Anna nói.

“Đúng, điều đó có thể giải thích mọi chuyện”.

“Gần hết mọi chuyện”, Anna nói, “bởi vì Tina Adam không chỉ mất nhà và chiếc du thuyền sau khi anh trai chị ấy bị Krantz cắt cổ chết, mà chị ấy còn phải bỏ học ở trường luật”.

“Vậy là Fenston đã dùng nhầm người”.

“Và còn nữa”, Anna nói. “Tina đổi tên và tới New York, học qua một lớp thư ký, xin vào làm một công việc tạm thời ở ngân hàng, chờ cho cô thư ký từ chức - một chuyện thường xuyên xảy ra - trước khi bước vào chỗ khuyết”.

“Và bám chặt lấy vị trí đó cho đến khi cô ấy bị sa thải vào tuần trước”, Jack nói, cũng là lúc ông Nakamura cúi chào Arabella trước khi bước vào trong xe.

“Còn chuyện này nữa, Người Rình rập ạ”, Anna tiếp tục sau khi vẫy tay chào Nakamura. “Tina đã tải tất cả các tài liệu có thể chứng minh tội ác của Fenston về máy tính của mình. Chị ấy có tất cả, từ thư từ đến hợp đồng, thậm chí cả các rác thư cá nhân mà Fenston nghĩ là đã bị hủy hết khi Tháp Bắc sụp đổ. Vì vậy tôi có cảm giác là chẳng bao lâu nữa anh có thể khép hồ sơ về vụ Fenston lại”.

“Nhờ có cô và Tina”, Jack nói. Anh dừng lại. “Nhưng cô ấy vẫn mất mọi thứ”.

“Không phải mọi thứ”, Anna nói, “bởi vì anh sẽ vui khi biết rằng Arabella đã tặng chị ấy một triệu đôla cho vai trò của chị ấy trong việc cứu vãn gia tài của Lâu đài Wentworth”.

“Một triệu đôla?”, Jack nói.

“Không kể đến một triệu bảng mà bà ấy đã tặng cho tôi, “vì người lao động đáng được hưởng thành quả từ công sức của mình” là lý do mà Arabella viết trong thư”.

“Thánh Luke”, Jack nói. ““Và trong cùng một ngôi nhà, cùng ăn uống những gì được ban cho: bởi vì người lao động đáng được hưởng thành quả từ công sức của mình”.”

“Rất ấn tượng”, Anna nói.

“Và tôi vẫn còn chưa ăn sáng”.

“Đáng thương quá, Người Rình rập ạ, vậy hãy cùng ăn trưa với tôi ở ghế hạng nhất trên chuyến bay về nhà”. Jack quay sang Anna và mỉm cười. “Tôi rất muốn cô tới dự bữa tối với chúng tôi vào thứ Bảy”.

“Món thịt hầm của mẹ anh à?”, Anna nói. “Còn trên cả hạng nhất. Tất nhiên là tôi sẵn lòng”.

“Nhưng trước khi cô đồng ý, Anna, còn một chuyện này nữa mà tôi muốn nói với cô”, Jack nói, cũng là lúc chiếc xe của Nakamura khuất sau cổng.

“Chuyện gì vậy?”, Anna hỏi và quay sang nhìn anh.

“Mẹ tôi chỉ biết là cô đã qua ba đời chồng, có năm đứa con, không phải tất cả đều là con của ba người chồng đó. Bốn trong năm đứa con của cô nghiện ma tuý và đứa còn lại đang ngồi tù”. Anh dừng lại. “Mẹ tôi cũng nghĩ rằng cô làm một cái nghề lâu đời hơn rất nhiều nghề tư vấn nghệ thuật”.

Anna cười phá lên. “Nhưng anh sẽ nói gì nếu bà phát hiện ra rằng không có bất kỳ một sự thật nào trong những chuyện đó?”

“Cô không phải là người Alien”, Jack nói.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện