Vườn hoa nhà Kim Sân vốn trồng đủ các loại hoa. So với những loại hoa to như hồng hay mẫu đơn, bà cụ Hồ càng thích những bông hoa nho nhỏ thơm thơm, bà cũng thích nhặt những bông hoa xinh xinh này tặng cho ba và anh Thừa Khiếu.

Từ sau khi chó ba đầu trở về, vườn hoa được sửa thành bãi cỏ, bởi vì con chó ba đầu này không ý thức được cơ thể mình quá to lớn, lần nào về cũng lăn lộn nhảy nhót giữa đám hoa.

Cũng vì thế, ngồi trong phòng khách là bà cụ Hồ đã nghe thấy tiếng con chó ba đầu. Bà vừa bước ra là nó đã nhào tới.

Con chó ba đầu to lớn lao tới như một chiếc xe hơi, ba cái đầu vươn ra, nhào mạnh tới. Bây giờ bà đã không còn sợ nó nữa vì chó nhà bà là con có ngoan, sẽ không làm bà bị thương.

Quả nhiên, con chó ba đầu lao nhanh tới, sau đó thắng gấp lại ngay phía trước, đặt mông ngồi xuống, lưỡi thò ra thở hồng hộc, ba cái đầu đều vươn tới trước mặt bà.

Bà cụ Hồ xoa từ phải sang trái từng cái đầu một, miệng còn lẩm bẩm: “Mày đừng có chạy nhanh như vậy nha. Từ từ thôi thì sẽ không mệt đến thế.”

“Mỗi lần tao chạy nhanh một chút thôi là cũng mệt như vậy đó.”

Ông cụ Hồ thấy thế thì xoa huyệt thái dương của mình. Dạo này con chó ba đầu coi mình là chó con thật rồi.

Chó ba đầu được vuốt ve, thế là lại lăn lộn dưới đất, bà cụ Hồ phải kéo nó dậy.

Lúc này, một dáng người cao lớn đi tới, vì ngược sáng nên nhìn không rõ mặt. Nhìn dáng người cao cao, bà cụ Hồ cứ tưởng là ông nội về nên nhào tới nắm tay ông. “Ông nội!”

“Hả?” Lúc nắm tay ông, bà cảm thấy nó khá lạnh. Bà ngước mắt lên nhìn bèn thấy khuôn mặt của ông nội lớn.

Ông nội lớn đanh mặt lại, nhìn có vẻ không được vui. Bà cụ Hồ giật mình, lắp bắp nói: “Ông nội lớn, ông có muốn ăn cherry không, con đi lấy cherry cho ông.”

Nói xong bà lập tức bỏ chạy. Bà rất sợ ông nội lớn. Không biết sao dù biết ông sẽ không đánh cũng không mắng mình nhưng bà vẫn rất sợ, mỗi lần nhìn thấy ông là bà không sao cười nổi, ông nội lớn vừa nói chuyện là chân bà đã mềm nhũn.

Bà cụ Hồ run rẩy đi vào phòng khách. Thần thấy cháu gái bị dọa sợ, không nhịn được bèn nói: “Anh đừng có dọa con bé hoài như vậy, nó là cháu gái anh cơ mà. Đừng có nói con bé là con người hay con gì, nó dành mấy chục năm nghiên cứu cách cứu chúng ta về đó. Anh tưởng mấy chục năm của con người giống mấy chục năm của chúng ta à. Là cả cuộc đời con bé đó.”

Thần rất hài lòng về cháu gái. Hài lòng đến nỗi dám lên án anh trai mình.

Gương mặt anh tuấn của Phép Tắc không chút cảm xúc. “Anh không có dọa nó.”

Thần không được vui. “Vậy anh cười nhiều lên coi.”

Trước đó ba đã nói là chó ba đầu sẽ về với ông nội, còn nói ông nội lớn không về nên bà cụ Hồ hoàn toàn không ngờ được đó là ông nội lớn, vì thế giật thót cả mình.

Ông cụ Hồ vốn đã ngồi trong phòng khách sắp xếp lại những ghi chép của hai người họ, đó là thành quả nghiên cứu cả đời họ, vợ ông rất quý chúng. Trước kia không có thời gian sắp xếp, bây giờ ông phải sắp xếp lại, sau này vợ ông có nhớ ra thì sẽ cần dùng đến.

Bà cụ Hồ đi vào, cúi đầu, lí nhí nói với ông cụ Hồ như một đứa trẻ: “Anh Thừa Khiếu, ông nội lớn về rồi.”

Ông cụ Hồ biết bây giờ bà không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ ông nội lớn đến nhà mà thôi.

Ông nói: “Vậy em cứ ở bên cạnh anh.”

Bà ừm một tiếng.

Ngay sau đó, ông nhìn thấy hai người ông đi vào nhà. Ông lễ phép chào hỏi: “Ông nội, ông nội lớn.”

Hai người ông gật đầu với ông. So với bà cụ Hồ, Phép Tắc thích tiếp xúc với Hồ Thừa Khiếu hơn vì Hồ Thừa Khiếu sẽ trở thành thần.

Thần thấy cháu gái cúi đầu, ra vẻ chăm chú sắp xếp sách vở. Biết con bé sợ Phép Tắc nên bèn trò chuyện với Hồ Thừa Khiếu, đỡ áp lực tâm lý cho cháu. “Những cái này là sách vở các con dùng để nghiên cứu à?”

Ông cụ Hồ gật đầu, đáp: “Phần lớn mà sách từ mấy chục năm trước, con muốn nhân mấy ngày nay trời nắng mang chúng ra phơi.”

Thần cũng đến giúp một tay.

Phép Tắc vốn đến tìm Kim Sân, ai ngờ anh không có nhà nên bèn ở lại đợi. Ông ngồi trên sô pha, im lặng nhìn ông cháu ba người họ.

Mỗi lần bà cụ Hồ sẽ chậm rãi chuyển hai quyển sách, thần xách hai chồng, ông cụ Hồ thì bê một chồng lớn.

Thần quay lại, nhìn ông anh trai đang rảnh rang của mình, vốn định gọi tới giúp một tay nhưng lại phát hiện ra ánh mắt ông vô hồn, chắc là đang xem xét vết tích thời không.

Bà cụ Hồ đặt sách vào trong nhà kính, chậm rãi giở ra. Bà nhìn thấy những dòng chữ trên sách. Bây giờ bà đã đọc được rất nhiều chữ, chữ trên này viết đẹp quá nhưng có những ký hiệu bà không hiểu.

“Chúc Chúc xem có hiểu không?” Thần ở bên cạnh hỏi.

Bà lắc đầu. “Dạ không. Anh Thừa Khiếu nói cái này được viết khi bọn con đã lớn, phải một thời gian nữa con mới hiểu được.”

Bà nghĩ ngợi rồi lại nheo mắt cười, cảm thấy rất tự hào: “Khi lớn lên, con thật là lợi hại ha, có thể viết chữ đẹp như vậy.”

Bà vô cùng tò mò với những chuyện sau khi mình lớn lên, cũng rất mong ngày có thể nhớ lại toàn bộ.

Thần thoáng sựng lại, cảm thấy thật đau đầu. Ông không biết con trai mình có thấy đau đầu không chứ ông thì mệt quá, làm sao để nói với cháu gái là sau khi lớn lên, nó sẽ không được gặp ba trong mấy chục năm.

Hẳn là phải nói trước với con bé rồi, nếu không có sự chuẩn bị nào mà bỗng dưng khôi phục ký ức ấy thì thật là đau khổ.

Thần ngẫm nghĩ rồi quyết định giao chuyện này cho con trai.

——

Vừa về nhà, Kim Sân bèn nhìn thấy Phép Tắc. Ông bác của anh im lặng ngồi trên sô pha, phòng khách thì trống trải.

Anh ngẩn ra, phát hiện con gái không ở trong phòng khách, chắc chắn là bị ông nội lớn dọa sợ rồi. Thật ra Kim Sân cũng không biết sao Chúc Chúc lại sợ Phép Tắc đến thế. Tuy thoạt nhìn ông có vẻ hơi nghiêm khắc nhưng thật ra mấy vị thần nhà họ ai chẳng có khí thế ấy, con gái không sợ anh, không sợ ba anh, chỉ sợ Phép Tắc.

Phép Tắc quay đầu lại, nhìn thấu suy nghĩ của anh, nói: “Nó ở trong nhà kính ấy.”

Kim Sân cũng không có gì để trò chuyện với bác mình nên nhanh chóng đi ra ngoài. Anh thấy con gái đang nói chuyện với thần, con chó ba đầu thì ngoan ngoãn ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lại đưa đầu dụi vào tay con gái.

Bà cụ Hồ cũng đã nhìn thấy ba mình. “Ba ơi, hôm nay ba không phải đi làm sao?”

Kim Sân đi đến gần, nói: “Hôm nay ba không phải đi làm. Mọi người đang dọn dẹp sách vở à?”

Ông cụ Hồ đáp: “Những cuốn sách này đã để nhiều năm rồi, lấy ra phơi một chút ạ.”

Bà cụ Hồ chỉ vào một chồng sách, dõng dạc nói với ba mình: “Ba ơi, cái này là do con bê đó. Ba thấy con có giỏi không?”

Kim Sân: “Quá giỏi.”

Anh vừa nói vừa đến giúp một tay. Ba đời nhà họ chuyên chú bưng sách, bà cụ Hồ bỗng thấy rất vui vẻ nên càng dốc sức làm. Con chó ba đầu bên cạnh cũng muốn vào phụ một tay.

Bà cụ Hồ vừa ôm sách vừa nói với ba.

“Ba ơi, khi lớn lên con viết chữ đẹp quá.”

“Ba ơi, anh Thừa Khiếu nói cuốn sách này là do con biên soạn đó. Con còn viết sách nữa ghê chưa!”

“Ba ơi, ba kể cho con nghe những chuyện sau khi con lớn lên đi, con nôn quá không muốn đợi nữa.” Từ khi biết mình đã trưởng thành, chẳng qua là tạm thời quên mất những ký ức đó, mỗi ngày bà đều nghĩ xem sau khi lớn lên mình sẽ thế nào.

Kim Sân không lay chuyển được con gái nên bắt đầu kể: “Sau khi lớn lên, con là cô giáo, có rất nhiều học sinh yêu quý con.”

Bà ngẩn ra, sau đó vui vẻ nói: “Thì ra sau khi lớn lên con sẽ là cô giáo. Con thích làm cô giáo lắm.”

Bà nhớ lại các cô giáo ở trường mình, thậm chí còn có thể tưởng tượng ra cảnh mình đứng trên bục giảng, chỉ vào những quả táo dán trên bảng đen, hỏi các bạn nhỏ: “Tiểu Minh có 7 quả táo, bây giờ cho bạn thân mất 3 quả thì bạn ấy còn lại mấy quả?”

Bà vừa nghĩ vừa hài lòng gật đầu: “Con thích làm cô giáo. Như thế con có thể dán hình quả táo lên bản đen rồi hỏi học sinh còn mấy quả táo.”

Ông cụ Hồ không nhịn được cười. Lúc ở đại học, họ có nhiều công trình thí nghiệm nên chỉ dạy hai môn vật lý nguyên tử và vật lý đại cương. Đây là hai môn chuyên ngành bắt buộc nên sinh viên chỉ được chọn giảng viên, trên trang web đăng ký môn học có ảnh của người đứng lớp. Ban đầu trường định mở cho họ một lớp nhỏ 45 sinh viên, ai ngờ cuối cùng chen nhau thành một lớp lớn 100 sinh viên.

Ông còn nhớ bộ dạng khóc lóc đau khổ của bọn nhãi ranh ấy. Yêu cầu của ông rất nghiêm khắc, bất luận là lên lớp hay bài tập đều phải chỉn chu. Còn vợ ông tuy không nghiêm khắc nhưng lại rất quan tâm đến những bạn ngủ gục trên lớp, cứ sốt sắng hỏi han đến nỗi bọn nhỏ không dám ngủ nữa.

Ông đoán học kỳ sau là có thể dạy lớp 45 sinh viên như ước nguyên, không ngờ đến khi đó lớp của vợ chồng họ vẫn cứ là 100 sinh viên. Chúng vẫn khóc khóc than van nhưng rồi vẫn cố gắng học tập.

Trong lòng ông, khoảng thời gian dạy học là những hồi ức đẹp đẽ của hai người họ.

Lúc hoàn hồn lại, ông cụ Hồ nghe vợ mình vẫn đang tưởng tượng cảnh mình lên lớp. Ông nhìn bà với ánh mắt yêu thương, không nói với bà là bà đã nói sai cả rồi.

Bên kia, Phép Tắc không hề tham gia hoạt động gia đình này mà chỉ im lặng ngồi đó, xem động tĩnh phía bên này.

Ông đã xem hết cuộc đời của cháu gái, cháu rể.

Một lát sau, cả nhà họ quay trở lại phòng khách. Mọi người ngồi trên sô pha, Kim Sân hỏi Phép Tắc: “Tìm được Phép Tắc số hai chưa ạ?”

Phép Tắc số hai là vị thần đưa họ đến cõi hư vô năm đó. Hắn cũng là thần, có điều khác với họ, hắn thuộc thế hệ thần mới.

Phép Tắc gật đầu, thu mắt lại, nói: “Tìm được rồi.”

Bà cụ Hồ im lặng ngồi trên sô pha, không nhịn được cứ len lén nhìn ông nội lớn của mình. Thật ra ông nội lớn cũng có nét giống với ông nội, nhưng lúc ông nhìn người khác cứ như là đang trừng người ta vậy.

Ba thật là lợi hại, không sợ ông nội lớn chút nào.

Đang nghĩ ngợi bâng quơ, đột nhiên bà nghe ba mình nói: “Nếu đã tìm được thì tạm thời để chó ba đầu ở lại đây đi.” Con gái anh thích nó.

Phép Tắc gật đầu đồng ý. Chó ba đầu vốn không phải chó của ông nên ông không có quyền giữ chó nhà người ta mãi.

Phép Tắc có quyền năng hơn thần và tử thần, ông có thể đọc được suy nghĩ của con người, có thể biết con người đang nghĩ gì.

Vì thế suốt cả buổi, ông chỉ nghe thấy cháu gái rất sợ mình, còn cảm thấy Kim Sân thật dũng cảm vì không sợ.

Phép Tắc: “…”

Bà cụ Hồ thấy mọi người đều nhìn về phía mình thì vội cúi đầu giả vờ đang chăm chú đọc sách. Nhưng trong lòng bà đột nhiên nghĩ đến một chuyện: trước đó ông nội lớn đã dùng chó để tìm người, vậy mình có thể dùng nó giúp Tùng Tùng tìm ra kẻ xấu kia không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện