Vẻ đẹp của Trình Bạch là vẻ tinh tế chứ không độc lạ nhưng làm người ta không sao dời nổi mắt. Nhất là vào khoảnh khắc cô ấy đến gần.
Cảm giác đập vào mắt ấy…
Thậm chí có phần lấn lướt.
Biên Tà trông thấy bông tai đá malachite đeo trên vành tai trắng ngần buông mình lắc lư giữa những sóng tóc làm tim anh lạc nhịp.
Chiếc cổ cao mảnh mai, xương quai xanh rõ nét.
Bên trái dịch lên trên xương quai xanh một chút có một nốt ruồi nho nhỏ.
Lý trí nói với anh rằng, lúc này anh nên bình tĩnh nhíu mày cười một tiếng, sau đó nói với Trình Bạch “tôi có tiền, và tôi cũng cực kỳ không rẻ”; nhưng đầu óc hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của anh, trong đầu anh bất chợt hiện lên một bài thơ:
Một nốt ruồi nương da thịt trắng,
Trở thành một hòn đảo;
Anh nhung nhớ,
Trong quần áo em biển lấp loáng mênh mang.
Đậu.
Cái quái gì thế này!
Biên Tà cứng người, bất giác nín thở, lùi người lại dựa vào lưng ghế, nới rộng khoảng cách với Trình Bạch, thực ra trong lòng đang gào lên.
Đã là một đại luật sư rồi!
Có thể dùng từ chuẩn xác hơn một chút được không!
“Tôi rất rất đắt” là ý gì, vậy nói mẹ ra là “phí tư vấn rất rất đắt” đi!
“Anh muốn nghe không?”
Trình Bạch hỏi nhỏ, nhìn Biên Tà, cứ như con sói đóng giả bà ngoại lừa cô bé quàng khăn đỏ.
“Tôi nói cho anh biết nhé.”
Biên Tà cảm thấy mình đến chết mất, đấu tranh, do dự, cực kỳ muốn biết Trình Bạch nhận vụ này rồi thì định làm thế nào. Thế nhưng, oái oăm thay, anh lại biết hết sức rõ ràng rằng, Trình Bạch đang thả mồi chờ anh mắc câu.
Đây mà là phí tư vấn gì? Đây rõ ràng là muốn thu học phí!
Hơn nữa, chỉ sợ anh mở miệng nói muốn nghe, có lẽ giá tiền sẽ còn tăng lên. Ai chứ Trình Bạch thì có khả năng hét giá thế lắm.
Không phải vấn đề có tiền trả hay không.
Đây là vấn đề tôn nghiêm mẹ mất rồi.
Biên Tà tức không làm gì được, qua một hồi, anh mới cưỡng ép nặn ra một nụ cười giả dối, chẳng biết là muốn tự tẩy não mình hay là muốn tẩy não Trình Bạch, đáp từng chữ từng từ hết sức kiên định: “Không, tôi không muốn nghe, tôi tuyệt đối không muốn nghe.”
“Ồ.”
Trình Bạch ồ một tiếng ra chiều thất vọng, thẳng người dậy.
“Vậy đành thôi vậy.”
Tiếp đó, không cho Biên Tà có thể kịp làm gì, cô cứ thế quay người ngồi vào bàn làm việc, mở laptop, bắt đầu chỉnh lý hồ sơ khởi kiện.
Văn phòng bỗng chốc trở nên yên tĩnh.
Hôm nay, thời tiết ban ngày khá tốt. Lúc gần hoàng hôn, chân trời đỏ ráng mây, các tòa cao ốc xung quanh đứng lặng dưới ánh chiều tà và nhuộm thêm sắc ấm lên người Trình Bạch.
Lần này Biên Tà thực sự cảm thấy cô quá đẹp.
Nhưng anh ngẫm nghĩ, quyết định không tiếp tục làm phiền cô, tự mở cửa phòng đi ra ngoài tản bộ.
Tiêu Nguyệt ký hợp đồng với Tằng Niệm Bình xong, tiễn ông ra cửa công ty.
Năm giờ hơn, Chu Dị gọi điện cho Biên Tà hỏi xem giờ anh đang ở đâu, có cần anh ta tiện đường qua đón luôn không.
Sau đó, Biên Tà nói với anh ta rằng mình đang ở Thiên Chí.
Đầu bên kia hết sức ngạc nhiên, không tài nào hiểu nổi vì sao anh lại có mặt ở công ty luật.
Biên Tà cũng không tiện giải thích, chỉ dặn anh ta cầm theo sách mới của anh tới, lát nữa đưa luôn cho Trình Bạch.
Đến năm giờ rưỡi, Chu Dị lái xe tới nơi, đậu bên dưới chờ hai người.
Trình Bạch không đi xe của mình nữa, sắp xếp lại công việc đang làm dở rồi cùng đi xuống với Biên Tà, ngồi vào xe của Chu Dị.
Biên Tà ngồi ở ghế lái phụ, Trình Bạch ngồi ghế sau.
Chỗ ăn cơm do Chu Dị chọn là một nhà hàng cao cấp ở đường Thiểm Tây trang trí theo phong cách thời Đường. Phòng riêng, vị trí đẹp, ở tầng hai, nhìn qua cửa sổ có thể trông thấy người đi lại bên dưới vườn hoa.
Nhà hàng này được coi là một chốn khá đắt đỏ ở Thượng Hải.
Một đêm chỉ tiếp đón mười tám bàn, bình quân đầu người phải tiêu trên năm ngàn, phí phục vụ mười lăm phần trăm, không phải nơi mà dân đi làm bình thường lui tới.
Quan trọng là hàng đầu về hương vị.
Trước đây có vẻ Chu Dị thường xuyên tới chỗ này nên lúc gọi món không cần phải lật xem thực đơn.
Thế nhưng Biên Tà lại có vẻ không mấy hào hứng.
Xưa nay chưa bao giờ nhiệt tình với chuyện ăn uống.
Toàn bộ quá trình gọi món, anh không tham gia, chỉ nói một câu: “Khỏi phải chọn, dù sao cái nhà hàng này món nào cũng chán. Gọi món nào đắt một chút, bày tỏ thành ý hợp tác với luật sư Trình.”
Chu Dị nhếch mép: “Anh có tin tôi trói anh lại đưa cho đầu bếp của chỗ này không?”
Biên Tà nhún nhún vai, không nói gì nữa.
Trình Bạch có dự cảm vị Biên đại tác gia này có thể là một ông cố tổ chẳng dễ hầu.
Quả nhiên, tới lúc đồ ăn được mang lên, đũa của Biên Tà đảo qua đảo lại như rang lạc không chọn được món nào.
Quá kén ăn, có mấy món không hề động tới.
Có lẽ vì có Trình Bạch ngồi ở đây nên còn nể một chút, sợ người ta cảm thấy mình thái độ với người ta nên hễ đã gắp vào bát thì đều ngoan ngoãn ăn hết.
Nhưng cũng chẳng ngoan ngoãn được bao lâu.
Ngồi cạnh bàn cơm mà toàn thân khó chịu như thể đang ở trong buồng tra tấn vậy.
Mới ăn được một lát, anh đã kiếm cớ, nói thấy có người quen ở dưới vườn hoa, xuống đó chào hỏi một chút, rồi chuồn luôn.
Trình Bạch cảm thấy dáng đi đó cực kỳ giống như đang bỏ chạy thục mạng vì từ đầu đến đuôi Chu Dị luôn giám sát anh ăn cơm.
Người vừa đi khỏi, cô liền bật cười.
Chu Dị bất đắc dĩ, thở dài: “Nhìn ra rồi à? Đúng là ông tổ mà, một ông tổ chưa trưởng thành.”
“Lần đâu tôi thấy có người ăn cơm như chịu phạt vậy.” Trình Bạch uống một chút rượu anh đào nhà hàng này tự ủ, không khỏi lắc đầu, “Cậu làm người đại diện hẳn là chẳng dễ gì.”
Hôm nay Chu Dị mặc một cây đồ đen, không cài khuy trên cùng và khuy thứ hai, cổ tay áo cũng để mở, trông thoải mái hơn trước rất nhiều, anh ta uống chút rượu, cũng cười bảo: “Cũng được đấy, Biên Tà chỉ ăn uống không tử tế thôi chứ những chuyện khác thì tốt, nhất là vào những thời khắc quan trọng.”
Hồi xưa anh ta làm pháp lý cho một nền tảng văn học mạng.
Lúc đấy Biên Tà vẫn còn đang viết tiểu thuyết mạng, nhờ quan hệ hợp tác với nền tảng này mà quen biết với Chu Dị.
Nhưng về sau nền tảng này bị thu mua, tình hình bất ổn.
Anh ta là một chuyên viên pháp lý bình thường, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị thay máu.
Thật không sao ngờ được, Biên Tà lại gọi điện thoại đến, nói thẳng với anh ta là: “Tôi là Biên Tà, thỏa thuận hợp tác với nền tảng của tôi còn nửa năm. Tôi không muốn dính vào tình hình rối ren bên đó nữa, muốn tách ra làm một mình, đang thiếu một người đại diện giúp tôi quản lý những chuyện ngoài lề. Cậu tên là Chu gì ấy nhỉ, có hứng thú làm không?”
Lúc đó Biên Tà còn chưa phải nhân vật số má hàng đầu.
Thậm chí đến tên anh ta Biên Tà còn chẳng nhớ hết, chỉ nhớ được là họ Chu.
Nhưng Chu Dị thực sự khó lòng miêu tả tinh thần hăng hái của câu nói năm đó Biên Tà nói trong điện thoại, nói nôm na thì có lẽ là trời đất bao la ta mặc sức xông lên, còn lại thì kệ mẹ.
Đàn ông mà, có ai mà không muốn làm nên sự nghiệp?
Chẳng cần người ta sa thải, Chu Dị tự cuốn gói bỏ đi, bắt đầu giúp Biên Tà quản lý tất thảy mọi chuyện mà anh ta không muốn xử lý hoặc không xử lý được, chuyển hẳn sang làm người đại diện của nhà văn.
Hồi ấy, các nhà văn khác có bàn chuyện hợp tác gì đều tự mình đi bàn.
Một là không hiểu rõ cặn kẽ những cái bẫy trong hợp đồng, hai là phần lớn các nhà văn đóng cửa viết sách khuyết thiếu năng lực xã giao, có thể nói là vừa mệt người lại thiếu hiệu quả.
Nhưng Biên Tà thì khác.
Anh ta có Chu Dị làm người đại diện.
Chu Dị học luật, từng làm pháp lý, ứng phó với các tình huống xã giao khá nhẹ nhàng. Lúc nhà văn khác thương thảo bán được một hai trăm ngàn đã mặt đỏ tía tai thì anh ta đã bán được sách của Biên Tà với giá ba, năm triệu.
Biên Tà cơ bản mặc kệ hết, chỉ lo viết sách của mình cho xong.
Một tay dám làm, là tay đầu tiên dám liều;
Một tay dám thả cửa, hoàn toàn tín nhiệm người đại diện.
Không đầy ba năm, anh ta đã leo lên đến tốp đỉnh của giới nhà văn, nói “trăm đồng một chữ” là còn khiêm tốn chứ chẳng ngoa chút nào.
Đến giờ thành lập phòng làm việc, Chu Dị chiếm 30% cổ phần, có quan hệ trải rộng khắp giới truyền hình điện ảnh xuất bản thậm chí pháp luật, những người lúc trước nắm quyền thuê tiếp hay sa thải anh ta, giờ gặp anh ta đều phải tiếp đón chu đáo. Thực sự là kẻ thắng thế trên đường đời.
Trong quá trình đi lên này, tất nhiên cũng không phải chưa từng vấp ngã.
Ví dụ như vụ công ty của Cao Thư Bằng và Biên Tà.
Nhưng tóm lại là đã chịu đòn xong rồi mà không bị thương gân động cốt thì cũng chẳng có gì đáng kể.
“Nghiêm túc mà nói thì anh ấy không chỉ là bạn tôi mà còn là Bá Nhạc của tôi.” Chu Dị hồi ức lại chuyện xưa, bùi ngùi xúc động, “Nếu năm đó anh ấy không lôi tôi đi thì có lẽ đến giờ tôi vẫn còn lăn lộn làm pháp lý hoặc là làm một luật sư làm việc bạt mạng.”
“Như hai người gọi là đôi bên hỗ trợ lẫn nhau làm nên sự nghiệp.”
Xưa nay, tiền dễ kiếm, tin mới khó.
Trong giới giải trí thường xuyên có chuyện người đại diện nhận làm mà nghệ sĩ lại không phối hợp làm đấy thôi. Quan hệ hợp tác gần như hoàn mỹ của Biên Tà và Chu Dị, có đốt đèn đi soi cũng không tìm ra được.
Thấy anh ta dâng trào cảm xúc, Trình Bạch nâng chén cụng ly với anh ta.
“Nếu cậu không có năng lực, tôi nghĩ người có con mắt tinh tường như Biên Tà có lẽ đã không coi trọng cậu.”
“Ha ha ha…”
Chu Dị bật cười.
“Có lẽ vậy.”
Hai người vừa ăn vừa trò chuyện cũng coi như là một cuộc chuyện ra trò, tiện thể còn hàn huyên một số việc trong vụ án Biên Tà kiện Cao Thư Bằng.
Qua chẵn nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy Biên Tà quay lại.
Trình Bạch đang định nói Chu Dị ra xem thử, nhưng còn chưa kịp nói gì thì điện thoại để trên bàn rung lên.
Màn hình hiển thị: Ngũ Cầm.
Cô nhìn một lát, không nghe máy.
Vì điện thoại để trên bàn nên cho dù không cố ý nhìn thì Chu Dị vẫn có thể nhìn thấy tên người gọi. Anh ta cảm thấy chuyện này ắt có vấn đề.
Anh ta vẫn còn nhớ tứ kiếm khách học viện luật năm đó.
“Sao vậy sư tỷ?”
Trình Bạch lật úp điện thoại để xuống bàn, tự nhiên đáp: “Trong công ty luật chẳng có gì là bí mật, mọi tin tức đều biết mọc chân tự chạy đi.”
Chu Dị không biết cô đang ám chỉ điều gì.
Nhưng cô không định giải thích thêm, chỉ nói với Chu Dị một tiếng “tôi đi làm điếu thuốc” rồi đứng dậy đi ra ngoài.
Cô mới đi một lát thì Biên Tà tính giờ đoán hai người đã ăn được tương đối rồi liền dạo bước trở về, vào phòng không thấy Trình Bạch, anh ngạc nhiên hỏi: “Đi ra ngoài à?”
Chu Dị gật đầu.
Biên Tà cũng không để ý lắm. Lúc ngồi xuống nhìn thấy điện thoại của Trình Bạch, rất tự nhiên, anh lại nhớ đến vụ anh ghim tối qua. Anh bảo Chu Dị: “Cậu biết không, thế mà cô ấy không add Wechat tôi đấy.”
Sao Chu Dị lại không biết được?
Tối qua nhậu khuya ở nhà Biên Tà đã nghe Biên Tà lẩm bẩm mãi rồi.
Giờ xem ra là lại định tiếp tục.
Chu Dị đau đầu ôm trán, hôm nay anh ta phải tỏ thái độ cho Biên Tà chừa lải nhải vụ này đi mới được.
Quả nhiên, Biên Tà bắt đầu tự an ủi mình: “Thôi, chỉ là bạn bè Wechat thôi mà. Biên Tà tôi một năm viết hai quyển sách, hỏi nhà có nhà, hỏi xe có xe, mà vui lên thì đi Bắc Kinh mua luôn một căn tứ hợp viện, đi Hải Nam mua một dãy biệt thự nghỉ dưỡng luôn!”
Chu Dị ngẫm nghĩ đáp: “Nhưng anh không có Wechat của Trình Bạch.”
Biên Tà bị chặn họng, lập tức phản bác: “Tôi quan tâm chắc? Tôi có hàng triệu độc giả, công ty truyền hình điện ảnh dâng tiền xin tôi viết cho, tôi còn chẳng thèm để ý!”
Chu Dị “ừm” một tiếng: “Nhưng anh không có Wechat của Trình Bạch.”
Biên Tà hung máu muốn đánh người: “Tôi nói rồi đấy, người muốn add Wechat tôi có thể xếp từ đây ra tới đường Hoài Hải…”
Chu Dị hờ hững liếc anh: “Nhưng anh không có Wechat của Trình Bạch.”
Đây là cố ý muốn chống đối anh đây mà.
Biên Tà hiểu rồi.
Anh nhẫn rồi nhịn, hít sâu một hơi mới miễn cưỡng đưa ra một đề nghị khá bình tĩnh: “Cậu đổi lời thoại khác được không?”
Chu Dị gật gù, thản nhiên mở danh sách liên lạc trên Wechat, cố ý kéo đến chỗ tên Trình Bạch cho anh xem, tỏ ra hết sức hơn người: “Nhưng mà tôi có.”
“…”
Ai nhịn thì nhịn chứ đây không thể nhịn được nữa!
Biên Tà đứng bật dậy, túm lấy điện thoại Trình Bạch để trên bàn, tuyên bố: “Giờ tôi đi tìm cô ấy. Mẹ họ Chu kia, chờ đó cho tôi!”
Chú thích: bài thơ Biên Tà nhớ đến ở đầu chương là một bài thơ theo thể tự do của Trần Lê, một nhà thơ nổi tiếng của Đài Loan, được biết đến rộng rãi nhờ các bài thơ tự do với những so sánh liên tưởng độc đáo. Bài thơ được nhắc trong chương rất được yêu thích và được đánh giá là ví von gợi cảm mà không thô tục.
Ngoài lề: kiểu đẹp tinh tế mà tác giả tả Trình Bạch, nếu mọi người thấy khó tưởng tượng quá thì có thể thử tham khảo ngoại hình của Giả Tịnh Văn. Nữ diễn viên này hay được miêu tả là đẹp rất tinh tế.
Danh sách chương