Ngay buổi chiều ngày 25 tháng 8 ông Hòe được lệnh niêm yết tại Phu Văn Lâu “Chiếu thoái vị và tuyên chiếu gửi hoàng tộc”, đồng thời sao gửi các Khâm sai Bắc Bộ, Nam Bộ và các tỉnh trưởng tại Trung Bộ.

Ngày 26 tháng 8, thêm một bức điện nữa từ Hà Nội gửi vào, lần này là của Uỷ ban Dân tộc giải phóng:“Hoan nghênh Nhà vua đã thoái vị, nhường chính quyền cho Việt Minh là đại biểu của các tầng lớp dân chúng. Ngày 27 tháng 8 đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời sẽ lên đường đi Thuận Hoá”(9).

Tất cả dường như đã kết thúc. Chiều 26 tháng 8, Nhà vua làm lễ cáo yết thoái vị với tổ tiên tại Thế miếu, có thông báo mời đông đủ “văn võ bá quan” đến dự, nhưng chẳng có ai đến trừ có mấy người còn ở lại đến phút chót. Sau đó họ đến điện Kiến Trung để bái yết Nhà vua và Hoàng hậu lần cuối cùng. Họ xếp hàng đôi hai tay chắp trước bụng, vái chào. Bảo Đại nét mặt vẫn lạnh lùng, thản nhiên nhưng Nam Phương lặng lẽ khóc thầm, để yên những giọt nước mắt lăn trên gò má.

Bà cho người đem trả chiếc mũ có đính chín con phượng hoàng bằng vàng cho Ngự tiền văn phòng nhưng Phạm Khắc Hòe không nhận, lấy lý do là tài sản quốc gia sẽ được kiểm kê sau… Nhưng ông vui vẻ nhận chiếc cặp da láng bóng của bà và bộ cúc áo chẽn bằng hổ phách nạm vàng của Bảo Đại tặng riêng ông Hòe làm kỷ niệm. Trong buổi trò chuyện tâm sự chiều hôm đó với ông Hòe về cuộc sống dân thường sau khi rời bỏ ngai vàng, Bảo Đại cảm thấy trong người nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi một tình huống khó xử. Ông không có nhiều tài sản cá nhân. Tất cả những gì ông được hưởng đều thuộc về nhà nước. Ông không có gì ngoài chiếc xe 11 CV Citroen tậu bằng tiền được bạc khi sang Pháp chữa chân năm 1939. Ông còn sở hữu một đồn điền chè và hai chiếc xe tải còn tốt. Chè có thể khai thác để bán. Xe tải có thể cải tạo thành xe chở khách. Và sẽ lại đi săn không chỉ là thú vui mà đem thú săn được làm thịt bán. Sừng hươu, nai và xương hổ sẽ nấu cao, đem bán làm thuốc bổ và chữa được nhiều bệnh(10).

Mấy hôm sau ông Tổng lý văn phòng kiểm kê các đồ châu ngọc trong kho báu vật của Hoàng cung được tàng trữ trong căn hầm lớn đặt dưới mái sau điện Cẩn Chánh. Hàng năm vào ngày hai mươi tháng chạp âm lịch, triều đình làm lễ đưa báu vật ra lau chùi, kiểm kê. Chỉ có các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình đưa ra lau chùi quét sạch bụi bặm sau đó lại đưa xuống hầm chờ đến năm sau.

***

Ngày 27 tháng 8, hai ngày sau khi về Hà Nội, Hồ Chí Minh mở rộng thành phần Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, mời một số nhân sĩ trí thức ngoài Việt Minh tham gia và đổi thành Chính phủ lâm thời đồng thời cử một phái đoàn chính phủ gồm ba người, có một tiểu đội giải phóng quân hộ tống rời Hà Nội đi trên hai chiếc ôtô lên đường vào Huế, trưởng đoàn là Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền cổ động, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng ngoài ra còn có Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh, Cù Huy Cận, Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ lâm thời.

Dọc đường đi đến đâu cán bộ địa phương và đồng bào hễ thấy có đoàn chính phủ từ Hà Nội vào là giữ lại để hỏi thăm tin tức, có nơi tụ tập đông đảo để nghe đại biểu chính phủ nói chuyện. Đường xấu, nhiều cây cầu bị bom Mỹ phá sập chưa kịp sửa lại, nhân dân địa phương phải làm cầu phao đặt trên thuyền ghép cho xe đi cho kịp. Gần đến Huế trời lại đổ mưa, mưa to như trút nước. Mãi đến trưa ngày 29 tháng 8, phái đoàn mới đến Huế đi thẳng vào sân vận động, nơi hàng ngàn người tụ tập chào mừng phái đoàn. Nhiều người ở xa đã đến từ tối hôm trước, quần áo ướt sẫm vì trận mưa đêm. Thời tiết mùa này ở Huế hay có mưa rào bất thình lình như vậy. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy tiếp đó là các diễn văn chào mừng, đáp từ, chúc tụng với cách chào Việt Minh: đưa tay nắm ngang tai. Mọi người hoan hô khi Trưởng đoàn Trần Huy Liệu dõng dạc tuyên bố tám mươi năm thống trị thực dân, một nghìn năm chế độ vua quan phong kiến đã chấm dứt. Sau mít tinh, phái đoàn trở về toà Khâm sứ nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân Trung Bộ. Sau khi nghe báo cáo, phái đoàn nhất trí chủ trương chung đối với Bảo Đại là khoan hồng, với thái độ mềm dẻo. Tại đây ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng chuyển đến Phái đoàn ba đề nghị:

1. Các lăng tẩm, đền miếu của các vị vua chúa nhà Nguyễn được tôn trọng;

2. Chính phủ cách mạng không phân biệt đối xử với người trong hoàng tộc;

3. Cho phép các quan lại cũ trong triều tuỳ theo tinh thần và khả năng được đóng góp vào công cuộc giành độc lập thống nhất và xây dựng đất nước.

Các đề nghị của Nhà vua đều được phái đoàn chính phủ chấp nhận đồng thời phái đoàn cũng yêu cầu: Bảo Đại và gia đình Nhà vua rời khỏi hoàng cung sau khi thoái vị, chỉ được đem theo tài sản đích thực là của riêng; những tài sản trong hoàng cung sẽ do Uỷ ban nhân dân Trung Bộ làm biên bản vào bảo quản; lăng tẩm, đền miếu là công trình của nhân dân xây dựng lên phải là tài sản chung của Nhà nước, họ nhà Nguyễn được đến đây cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận làm của riêng. Hai bên còn thoả thuận trước lúc lễ thoái vị chính thức cử hành, thì cờ vàng của hoàng triều được kéo lên lần cuối cùng trên kỳ đài, khi tuyên bố thoái vị xong sẽ hạ xuống và kéo cờ cách mạng lên. Phái đoàn đề nghị được gặp Nhà vua vào lúc bốn giờ rưỡi chiều hôm sau, 29 tháng 8 (11).

Mấy hôm trước viên quan năm Nhật Bản chỉ huy lực lượng Nhật ở Huế đã ra lệnh tăng cường phòng thủ hoàng thành, chăng thêm dây thép gai ở cầu Trường Tiền và ở các cửa vào thành để bảo vệ an toàn cho hoàng gia. Bảo Đại lúc này tin là tính mệnh đã được chính quyền cách mạng bảo đảm nên đã khước từ sự bảo vệ của Nhật và ra lệnh dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, mở rộng các cửa vào Đại nội từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối hàng ngày như cũ. Để đảm bảo thi hành lệnh của Nhà vua, ông còn viết thư gửi tới Bộ chỉ huy Nhật tại Huế.

Chiếc xe ôtô chở phái đoàn chính phủ đúng ngày giờ đã hẹn trước tiến thẳng vào Tử cấm thành, đỗ trước thềm điện Kiến Trung. Các thành viên phái đoàn, nhân dịp này, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thay cho quần áo mặc hồi ở chiến khu không thích hợp trong lúc này.

Nhà vua hôm nay mặc chiếc áo chẽn màu xanh, đầu để trần, cùng với ông Phạm Khắc Hòe tiếp phái đoàn.

Lúc đầu cả hai bên hơi lúng túng trong cách xưng hô. Họ đã chọn cách xưng hô “Ngài”, “Nhà vua” và “chúng tôi”, để tránh cách xưng hô lỗi thời “hoàng thượng”, “trẫm”… Ông tỏ ý vui mừng được trao quyền bính cho chính phủ cách mạng do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu.

Ông cho biết ông muốn làm nhiều việc có ích cho dân nhưng đã bị người Pháp ngăn trở. Trong buổi hội kiến, không có mặt Hoàng hậu Nam Phương, Bảo Đại dường như cảm động một cách chân thành. Cuộc hội kiến rất ngắn, diễn ra chỉ gần nửa giờ. Hai bên thoả thuận sẽ tổ chức lễ thoái vị long trọng vào bốn giờ chiều hôm sau, 30 tháng 8. Mặc dù thái độ hoà giải với giọng nói ôn hoà, mềm mỏng tỏ rõ độ lượng khoan hồng của cách mạng nhưng Bảo Đại hơi thất vọng không được tự tay trao quyền bính cho người đứng đầu chính phủ cách mạng.

Sau cuộc hội kiến với Bảo Đại, phái đoàn chính phủ về nghỉ tại Uỷ ban nhân dân Trung Bộ đặt tại Toà Khâm sứ Trung Kỳ cũ. Qua đường dây liên lạc với Cao Miên và Lào, phái đoàn thông báo tình hình cách mạng đã thành công ở Việt Nam. Phái đoàn đã nghe báo cáo về toán biệt kích Lambda của Pháp gồm sáu người từ Jesorre thuộc Bengale (Miến Điện nay là Myanmar) căn cứ của lực lượng 136 của Bộ chỉ huy Đồng minh ở Đông Nam Á, nhảy xuống Hiền Sĩ cách Huế hơn hai chục cây số, nhằm mục tiêu là tiến về Huế, liên lạc với các nhóm người Pháp kháng chiến chống Nhật để tìm cách lập lại nền thống trị của Pháp khi Nhật đã đầu hàng(12). Viên thiếu tá chỉ huy đội biệt kích Castelnat yêu cầu được ra Hà Nội để liên lạc với đại diện Đồng minh nhất là với phái đoàn Sainteny của Pháp vừa mới tới Hà Nội nhưng không được chấp nhận.

Chiều ngày 30 tháng 8 đông đảo các đoàn đại biểu sáu huyện trong tỉnh Thừa Thiên và các tầng lớp nhân dân kinh thành Huế đã tụ tập trên bãi đất trống giữa cửa Ngọ Môn và kỳ đài để dự lễ thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của Triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Số lượng người đến dự, theo tin loan báo chính thức lên đến mười vạn người, nhưng không đông bằng cuộc míttinh một tuần trước đó tại sân vận động Huế, ngày 23 tháng 8 tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Dù sao thì cũng là cuộc tụ tập đông nhất từ xưa đến nay trước cửa Ngọ Môn.

Phái đoàn Chính phủ ngồi xe mui trần từ từ tiến qua cửa chính giữa Ngọ Môn, xưa nay chỉ dành riêng cho Toàn quyền hay Nhà vua trong các nghi lễ chính thức. Đoàn quân nhạc kèn đồng sáng loáng và một đơn vị giải phóng quân Việt Minh, mặc quân phục chỉnh tề nhưng không mang cấp hiệu, lưỡi lê tuốt trần lập hàng rào danh dự rất uy nghi, ngoài ra còn có lực lượng bảo an, cảnh sát trật tự, lính cứu hoả hàng ngũ chỉnh tề. Hoàng thân Vĩnh Cẩn, em họ Bảo Đại, thay mặt hoàng tộc cùng một số thượng thư, quan lại cũ của Triều đình và các quan khách của chính quyền cách mạng ở địa phương cũng được mời lên lễ đài đặt trên lầu Ngũ Phụng. Khác với các lễ tấn phong trước kia, bà Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương đều không được mời dự. Bảo Long cùng với mẹ theo dõi quang cảnh buổi lễ từ một góc cửa sổ trên điện Kiến Trung. Tâm trạng rối bời, những cảm tưởng nặng nề xen lẫn lo âu sợ hãi, bà Hoàng hậu tưởng tượng mình như là Hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette sắp bị truy bắt rồi bị chặt đầu cũng với chồng là vua Louis XVI.

Những người cách mạng muốn lễ thoái vị được tổ chức trọng thể và trang nghiêm. Nhà vua trong bộ đại triều phục mặc hoàng bào có thêu rồng trước ngực, đầu chít khăn vàng, quần lụa trắng, chân đi giày thêu, tiến lên phía trước, những người đi theo đứng lùi phía sau. Một lính thị vệ kéo lá cờ vàng của chính thể quân chủ lên cột cờ. Tiếng súng lệnh nổ vang mở đầu buổi lễ.

Trong đám quần chúng có mặt một số người thấy lá cờ vàng lại tung bay trên kỳ đài không giấu nổi tâm trạng bực bội tuy họ đã được báo trước đây chỉ là một nghi thức cần thiết và cái vinh dự cuối cùng này chỉ kéo dài trong chốc lát.

Ông Trưởng đoàn đại biểu chính phủ lâm thời Trần Huy Liệu nói lên ý nghĩa quan trọng của buổi lễ long trọng hôm nay không những chỉ là lễ thoái vị của Nhà vua, chuyển giao chính quyền cho cách mạng mà còn đánh dấu sự sụp đổ chế độ phong kiến vua quan đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử. Ông vui mừng báo tin chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng đầu là chủ tịch Hồ chí Minh sẽ ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9 để đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Tiếp đến Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng đọc “Chiếu thoái vị”. Ông xúc động không nói nên lời. Khán giả dù có nghe qua loa phóng thanh vẫn không nghe rõ. Có thể ông ít nói tiếng Việt, nhất là trước đám đông. Tuy nhiên quần chúng hiểu rằng Bảo Đại chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân chủ và ông thỉnh cầu:

1. Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt thánh, chính phủ mới xử trí như thế nào cho có sự thể.

2. Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, chính phủ sẽ lấy sự ôn hoà xử trí đế những phần tử ấy cũng có thể giúp vào sự kiến thiêt quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chủ Cộng hoà nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

Đối với hoàng tộc, Nhà vua kêu gọi: “bà con trong hoàng tộc… ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ cộng hoà, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc…”.

Bảo Đại kết thúc bản tuyên bố thoái vị bằng câu nói nổi tiếng. “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ, quyết không đế cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia đế lung lạc quốc dân ” và hô: “Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ Cộng hoà muôn năm!”. Hai báu vật biểu tượng của quyền lực, thanh kiếm vàng nạm ngọc, chiếc quốc ấn nặng gần tám kilô đúc từ thời Minh Mạng được Nhà vua thay mặt cho quân quyền trịnh trọng trao tận tay cho đại biểu chính phủ cách mạng. Sau khi cờ vàng quẻ ly tượng trưng cho quân quyền hạ xuống – lần này thì vĩnh viễn, ngay lập tức, tiếng súng lệnh nổ vang trong lúc lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chính thể dân chủ cộng hoà kéo lên. Tiếng hoan hô lại vang lên ầm ầm như sấm. Đối với vài trăm quan lại, công chức chính quyền Nam triều cũ, việc thoái vị thế là đã hoàn tất. Không còn Hoàng đế, không còn Bảo Đại. Chỉ có một công dân mới mang tên Nguyễn Vĩnh Thuỵ, cái tên trong sổ Tôn nhơn phủ, chỉ được gọi khi còn đi học lúc nhỏ… Tiếp đến vị Trưởng phái đoàn chính phủ Trần Huy Liệu phát biểu nói lên ý nghĩa quan trọng của lễ thoái vị chính thức chuyển sang quyền hành chính phủ dân chủ cộng hoà, một sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử kết thúc chế độ phong kiến tồn tại từ nghìn năm nay.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện