Chiều tản mát buồn và rất cô đơn, dẫu xung quanh rất nhiều người; hào nhoáng, xa xỉ không mấy khi đem lại cho con người ta hạnh phúc, có chăng chỉ là những niềm vui tạm bợ, nhất thời, chóng vánh và rất dễ lụi tàn. Anh Thư lơ đễnh dong mắt nhìn qua lớp kính dày, thẳng xuống dưới dòng người giờ chỉ còn bé xíu vội vã lại qua. Có lẽ, sau một ngày vắt kiệt sức làm việc để tìm cho gia đình đủ một bữa ngon, họ vô thức lầm lũi về với nơi gọi là nhà, trải người trên những tấm đệm cứng và cũ, giữa gian phòng trọ chật hẹp, nóng bức, tìm một giấc ngủ tạm để ngày mai lại đủ sức, lại làm việc chỉ để kiếm ăn. Người nghèo thật đáng thương - Anh Thư nghĩ - nhưng chắc không đáng thương như chính mình lúc này, ngồi trên cao, giữa thế giới của giới thượng lưu, nhìn xuống đám đông và ao ước có thể bung mình lao xuống tự do...

Dạ Lan ngồi đối diện, chòng chọc nhìn cô rồi chán nản ngửa người tựa vào thành ghế sau khi với tay lấy bao thuốc, rút một điếu, châm lửa và rít một hơi thật sâu. Hơn nửa giờ đồng hồ, vẫn như tất cả những lần hẹn gần đây, ngoài lặng im, giữa họ chẳng còn gì khác. Đôi khi, tình bạn là kiểu xuất hiện khi người kia cần, chỉ để biết còn có ai đó tồn tại trong cuộc đời mình, rồi lại thả trôi đầu óc về những nghĩ suy muộn phiền không thể tìm ra một đầu mối để tháo gỡ. Chiều nay có lẽ nên khác - Dạ Lan nghĩ - cô có hẹn, một cuộc hẹn xứng đáng để tình bạn này nên ưu tiên.

- Mày có định nói không? - Dạ Lan nói, chầm chậm nhả khói.

- Nói gì? - Anh Thư nhìn qua với cái nhìn mệt và rất sâu.

- Chớ mày kêu tao ra chỉ để ngồi im vầy hả? - Thì... ăn tối!

- Tao có hẹn! - Dạ Lan giúi điếu thuốc cháy dở vào gạt tàn. - Nên nếu mày không có chuyện gì, tao đi trước!

- Ờ! - Anh Thư ơ hờ gật.

Dạ Lan lặng im thêm chút nữa. Cô biết Anh Thư đang có chuyện không vui - một chuyện có lẽ đủ lớn để mất cạn tinh thần, và cũng đủ rối rắm để không dễ nói ra khi chưa rõ ràng. Nhưng, đợi tới khi nào thì mới có chút gọi là rõ ràng mà nói đây? Chẳng lẽ, cô cứ bỏ hết mọi thứ, chạy đến chỗ hẹn, ngồi vài tiếng đồng hồ vô ích thế này? Đã gần tháng rồi còn gì?! Đứng lên bỏ đi sao? Có nên không? Dẫu sao, người ngồi đối diện cô lúc này cũng là người bạn duy nhất mà cô có; thậm chí, khi cô khó khăn nhất, đau khổ nhất, đây là người duy nhất không bỏ cô mà đi, như tất cả những con người lạnh lùng, tàn nhẫn kia. Giờ, Anh Thư có chuyện - dẫu có khi, cả Anh Thư còn chẳng thật sự biết, câu chuyện của mình mang tên gì - bảo Dạ Lan đứng lên bỏ đi thì thật không phải!

Thở hắt ra một hơi rất mạnh, như cố kéo Anh Thư tập trung về phía mình, chồm người rút thêm điếu thuốc, Dạ Lan không châm vội mà đưa tay lên nhìn đồng hồ. Chiếc Tissot mặt tròn đen, dây da đen, làm bật lên mấy cây kim và những con số la mã mạ vàng tinh tế - món quà sinh nhật Anh Thư tặng cô với lời nhắn, hãy giữ những giây phút vui vẻ cho mình! Mày liệu có giữ được cho chính mày, như đã khuyên tao không - Dạ Lan muốn hỏi Anh Thư điều này quá - có lẽ không, nhỉ, vì mày không đeo Tissot!

- Mày cứ đi đi! - Anh Thư vẫn nhìn xuống phía dòng người bên dưới. - Tao ngồi thêm lát nữa rồi về!

- Thiệt ra là có chuyện gì? - Dạ Lan nói như gắt.

- Có gì đâu! - Anh Thư nhìn qua bạn, gượng gạo cười. - Chắc tại lâu rồi không được đi du lịch nên ngứa ngáy.

- Thì đi! - Dạ Lan nhún vai nói gọn lỏn.

- Ờ! - Lại thêm một câu trả lời ơ hờ, không cảm xúc của Anh Thư.

- Mệt! - Dạ Lan đứng dậy. - Tao về! Lát mày tính tiền nha!

Anh Thư gật đầu, dẫu Dạ Lan đã quay đi rồi, chẳng còn kịp thấy cái gật muôn thuở của cô trước chuyện tiền bạc. Những bữa ăn bạc triệu chưa bao giờ đợi Dạ Lan móc ví lấy một lần. Những chuyến du thuyền hạng sang chưa bao giờ đợi Dạ Lan chia sẻ lấy một phần. Nhưng bất kỳ lúc nào, Dạ Lan cũng phải nói về chuyện Anh Thư trả tiền, như một cách để tự khẳng định, trong mối quan hệ này, nếu không thể sòng phẳng thì cứ thẳng thắn mà nói với người kia rằng, mình không đủ sức chi trả.

Bỗng nhiên, Anh Thư thèm nghe mùi thuốc lá của Dạ Lan quá, dẫu rất nhiều lần, cô đã gắt gỏng bạn vì chuyện cứ phì phèo chỗ đông người. Xã hội này, chỉ cần để ý một chút, cách phân tầng rõ ràng ở những thứ rất nhỏ, ví như một điếu thuốc vậy. Người nghèo đánh giá những cô gái hút thuốc là hư hỏng, đua đòi và mất đi một phần phẩm chất nên giữ của phụ nữ Việt; người giàu, họ chỉ nhìn và cảm thấy cô gái nọ có cá tính; người thuộc giới quý tộc, họ chỉ quan tâm đến nhãn hiệu thuốc lá và cách cô gái kia nhả khói mà thôi! Dạ Lan không hẳn là một cô gái hư, nhưng nếu nói biết cách phả khói cho đẳng cấp thì chưa, và cách chọn nhãn thuốc thì cũng khá rẻ tiền - Capri ư? Ôi, thật là...

Dạ Lan vốn không nghèo, hay nói đúng hơn là từng giàu, đủ tầm để "đứng ngang hàng" với Anh Thư trong tất cả những buổi tiệc tùng đắt đỏ, đủ để dát lên người những thứ xa xỉ khiến cô trở nên xinh đẹp hơn, dẫu bề ngoài chẳng có gì là xuất sắc, đủ để đi ngang một đám đông trở thành nổi bật ngay... Rồi tất cả trượt thẳng về con số không - nếu không muốn nói là số âm - khi lão chồng già vứt cô ra đường, vứt đúng nghĩa đen.

*

Mưa trút như một cơn điên dại của những âm ỉ căm hờn bị kìm nén quá lâu! Dạ Lan ngồi trên chiếc va-li còn chưa kéo khóa, vung vãi áo quần nhét vội vào bị tuột ra, mặt mày đờ đẫn như người mất hồn.

- Ổng có bồ! - Dạ Lan nói, điềm nhiên mà nghe đắng chát.

- Sớm muộn thôi mà! - Anh Thư vừa nói, vừa cúi xuống kéo bạn dậy. - Đi về!

- Về đâu? - Dạ Lan hỏi, chua chát. - Tao còn chỗ nào để về nữa?

- Về nhà tao!

- Mày khùng hả? - Dạ Lan trợn tròn mắt. - Để ông bà già mày...

Anh Thư trừng mắt. Cô rất ghét ai gọi cha mẹ mình như thế. Đúng là họ khó chịu, khó gần, thậm chí chẳng có gì đáng để người khác phải có tình cảm, nhưng tuyệt đối đừng ai động đến cha mẹ cô theo kiểu không tôn trọng. Muốn kết giao với Anh Thư, chỉ cần thỏa mãn vài điều đơn giản; một trong số đó là đây, cha mẹ cô có quyền coi thường Dạ Lan - mà thật ra coi thường cũng đúng thôi - nhưng Dạ Lan thì không có quyền đáp lại như thế.

Thật ra, chuyện một cô gái Việt bất chấp hết để lấy chồng Đài Loan, rồi chịu những cảnh éo le, thảm bại, sẽ chẳng mấy khi nhận được cảm thông. Chẳng phải vì họ sai gì cả, đơn giản vì ai bảo họ có cái quyền được giàu sang, được sung sướng - dẫu chỉ là trong một thời gian rất ngắn - trước mặt người khác? Không ai có quyền tự nhiên mà sướng cả! Loài người không chấp nhận được sự thật này! Thế nên, ngay cả khi Dạ Lan là vợ của đối tác gia đình, nhưng cha mẹ Anh Thư tỏ rõ sự không thiện cảm; có lúc, ông bà còn cấm cả chuyện Anh Thư làm bạn với Dạ Lan. Với họ, cái gốc thượng lưu đã không có thì dát vàng trên người cũng vẫn vương mùi bùn đất mà thôi!

Dạ Lan là mối quan hệ đầu tiên mà Anh Thư dám chống lại cha mẹ mình để giữ. Anh Thư không biết vì gì, cũng thử vài lần suy nghĩ và giải thích, nhưng chẳng lý do nào hợp lý cả. Dạ Lan không trí tuệ, chẳng sâu sắc, càng không đủ hiểu biết... thế nhưng, ở cạnh cô, Anh Thư thấy yên ổn, mà như thế đã là quá đủ cho một tình bạn rồi! Hoặc có thể, ngay lúc ấy - lần đầu tiên gặp Dạ Lan - là khi Anh Thư đã vì nghe lời cha mẹ mà bỏ qua một mối quan hệ thật sự muốn giữ trong đời; thế nên, chống đối là một phản xạ khó kiểm soát.

- Vậy để tao... thuê cho mày cái phòng! - Anh Thư thở dài.

- Ờ! - Dạ Lan chua chát gật. - Mà... đêm mày ở lại với tao được không?

- Được! - Anh Thư trả lời nhanh, không suy nghĩ.

- Chắc không?

- Mệt mày quá! - Anh Thư nạt. - Giờ là lúc nào mà hỏi mấy chuyện ruồi bu?

Suốt cả đêm, hai cô gái chỉ vừa hai mươi tuổi nằm sát nhau trên chiếc giường lạ trong gian phòng khách sạn hạng sang, kẻ nói - người nghe về những triết lý cuộc đời như thể họ là những người phụ nữ trưởng thành thực thụ vậy. Những câu chuyện rời rạc của Dạ Lan không khó để đan chuỗi lại, chỉ là Anh Thư không muốn kết chúng lại thành sự thật mà thôi! Hãy cứ để những tháng ngày tuổi thơ nghèo nhưng đẹp của bạn mình được sống riêng, làm điểm tựa mà tựa vào cho những lúc thế này - khi tương lai vụn nát và không biết bắt đầu từ mảnh vỡ nào để ghép lại, để sống lại một cuộc sống bình thường.

Người giàu và người trong giới thượng lưu thật ra khác nhau nhiều lắm, thế nên, Anh Thư chỉ nghe thôi chứ không tài nào hiểu hết được cảm giác của Dạ Lan những ngày phải dùng cả nửa hộp kem che khuyết điểm để che đi những vết bầm từ tay người chồng ngoại quốc để lại trên mặt; càng không thể hiểu chuyện một người con gái mười tám tuổi, bước qua ngưỡng đàn bà và chịu đựng những năm tháng chia chồng cho người khác trong câm lặng, chỉ để nhận lại một số tiền sống như người giàu trong một vài tháng... Thế nên, ai nhìn vào một người giàu và đinh ninh rằng họ sướng, thì rõ ràng chẳng biết đủ về khái niệm sướng - khổ rồi!

- Mày có để dành được chút nào không? - Anh Thư hỏi, thật sự khó khăn khi không hiểu hết được hai từ xa lạ mà chính mình vừa nói.

- Không! - Dạ Lan thở dài. - Nhưng má tao nói là còn chút đỉnh trong số tao gửi về nhà!

- Rồi... mày tính làm gì? - Anh Thư lại ái ngại hỏi.

- Chắc tao mở cái shop.

- Ờ được á! - Anh Thư bật dậy. - Bán Chanel...

Vừa nói ra tên một thương hiệu yêu thích là dừng lại ngay. Điên khùng thật! Vốn liếng có mấy mà mơ ước mở shop hàng hiệu? Lão chồng của Dạ Lan có chu cấp cho cô thừa sống sung sướng, nhưng cũng chỉ là đủ để vài tháng mua một món hàng hiệu, chứ làm gì mơ nổi chuyện đủ tiền mà lấy cả lô cả lốc về bán cho người khác để sinh lời?!

Ấy vậy mà... Dạ Lan làm được thật! Sau cái đêm rũ rượi với nỗi nhục nhã bị vứt ra đường ấy, thậm chí chẳng cần quay lại nhà ngửa tay lấy tiền để dành từ mẹ, Dạ Lan thừa sức mở một shop hàng hiệu to chễm chệ ở một khu toàn khách hạng sang. Vì sao à? Vì cô ấy đã đủ kinh nghiệm để moi tiền từ những gã đàn ông xem nhân tình là một món hàng để bán mua, đổi chác... Đàn bà, khi đã chấp nhận tự xem mình là một món hàng, họ hoàn toàn có quyền tự định giá!

*

Những tiếng "thùng, thùng" chậm, đều, đứt quãng quen thuộc của bản hòa tấu thế kỷ Masuri kéo Anh Thư về thực tại, khi cô bạn đã đi đủ xa, đến với một gã nhân tình Tây thích kiểu bề ngoài rặt châu Á - kiểu bề ngoài luôn bị đánh giá không đẹp so với tiêu chuẩn của các cô gái thời này.

Một bóng người lạ chầm chậm tiến lại, dong dỏng cao, bước những bước đĩnh đạc và tự tin vô cùng. Trời ạ, mình là gái có chồng, có con rồi cơ đấy! Anh Thư bật cười, thản nhiên chờ đợi một vài lời tán tỉnh quen thuộc mà gần như đều nghe mỗi lần đi một mình, để rồi chứng kiến những cái nheo mắt khó chịu khi tuyên bố mình đã có gia đình. Rất ít trong số họ tin, hoặc rất ít trong số họ quan tâm đến điều ấy; thứ họ nghĩ đơn giản là hai con người khi thừa thãi vật chất thì có quyền phóng túng để vơ vét lấy những thú vui xác thịt, dẫu chỉ là một lần.

- Anh cố nán lại để... - Giọng nói trầm ấm vang lên -... anh ngồi được không?

- Tôi đang... - Anh Thư ngẩng lên rồi ngưng bặt.

Là anh sao? Ánh mắt họ giao nhau, thẳng tưng - hoàn toàn không vấp váp - rồi rơi về ngay với một nỗi niềm rất giống ẩn ức trào mạnh dậy từ đáy trái tim. Lê Nam chủ động cụp mắt xuống trước, anh không muốn cứ phải nhìn nhau như thế này, rồi trao gửi hết những buồn giận của ngày xưa cho nhau. Quá khứ hãy cứ để chỉ là quá khứ, để thi thoảng quay đầu lại nhìn mà tự nhắc nhở mình, hà cớ gì cứ phải núm níu rồi đau?! Ngay sau cái cụp mắt, Lê Nam kéo chiếc ghế ban nãy Dạ Lan ngồi, bình thản ngồi xuống đối diện với Anh Thư và nở một nụ cười rất ngọt.

- Anh nhận ra em từ khi nãy! - Lê Nam nói với giọng dịu dàng. - Nhưng thấy em có bạn nên anh nghĩ không tiện qua chào!

- Anh... anh làm gì ở đây? - Anh Thư hỏi mà chẳng nhận ra mình đang rất vô duyên.

- Thì ăn tối! - Lê Nam bật cười. - Anh đi cùng đối tác.

Lại vô thức, Anh Thư đưa mắt nhìn quanh. Thấy hành động ấy, Lê Nam nghe chút xót xa, lại nghe chút thỏa mãn.

- À, đối tác của anh về rồi! Anh cố tình nán lại để qua chào em!

Chào hỏi ư? Chỉ đơn giản thế thôi, phải không? Lê Nam đã tự hỏi mình câu này ngay khi nhìn thấy Anh Thư lúc cùng đối tác bước vào. Cái ham muốn được bước sang, đứng đối diện cô trong bộ vest đặt may đắt đến bằng cả một chiếc xe máy đang rất thịnh lúc này, nhìn thẳng vào mắt để hỏi, liệu cô có còn nhớ anh... lớn đến độ, Lê Nam không thể tập trung vào những thỏa thuận bạc tỷ của mình nữa. Anh viện cớ mệt, hoãn cuộc hẹn vào hôm sau, cùng đối tác vào thang máy, xuống dưới, mà lòng cứ rộn lên nỗi sợ lúc quay trở lên, Anh Thư đã không còn ở đấy nữa!

Có thật mình chỉ muốn chào hỏi cô ấy hay không? Lê Nam lại tự vấn lòng khi trở lên, yên tâm Anh Thư hãy còn ngồi đó. Trông cô buồn bã và nặng nề, đến mức anh không thể ngăn chút khoái trá tự hỏi, có phải cô hoàn toàn không hạnh phúc? Tìm cho mình một góc khuất, đặt ra những tình huống giả định để có thể tiến lại trò chuyện mà không quá sỗ sàng; rồi như vớ được vàng khi thấy cô bạn gái đi cùng Anh Thư rời đi trước. Có gì đó níu chân Lê Nam lại, ngăn không để anh tiến đến cạnh cô ngay, dẫu lòng vẫn cứ rộn lên câu thúc giục, nhanh lên, kẻo cô ấy thanh toán và cũng rời đi. Anh cần chút không khí, cần thêm chút thời gian để dằn lòng mình lại, để đừng tiến đến và nhìn cô như một kẻ bề trên đang nhìn xuống, thương hại cho kẻ không thể lên cao được như mình.

Người giàu có một khứu giác rất nhạy, thế nên việc "đánh hơi" được những người giàu quanh mình, để xác lập mối quan hệ có lợi, để tạo một đám đông cùng đẳng cấp... là điều mà ai trong số họ cũng có thể làm được. Và, thêm một điều thú vị nữa, "mùi vị" của những người giàu giữa đám đông mà họ thuộc về phân tầng rất rõ; nghĩa là, chỉ cần thoảng lướt qua nhau, họ thừa sức biết người kia đủ ngang hàng với mình hay chưa?! Thế nên, chưa cần lại gần, Lê Nam đủ biết anh ở đâu và Anh Thư ở đâu trong cái thế giới này, nơi mà một ly nước đun sôi để nguội có giá bằng một bữa ăn của cả một gia đình trong khu xóm trọ nghèo.

- Thưa anh! - Nam nhân viên phục vụ lễ phép. - Anh để quên áo khoác bên kia!

- À! - Lê Nam nhướng mày, mỉm cười gật đầu. - Đợi chút!

Nam nhân viên phục vụ dừng lại, vẫn với vẻ cung kính đến mệt mỏi của mình. Những người không giàu muốn kiếm tiền giữa thế giới người giàu luôn được dạy bài học đầu tiên - thái độ quyết định thu nhập; thế nên, rất có thể, khi về đến nhà, họ trở thành những kẻ tùy tiện, lạnh lùng, hạ đẳng, nhưng còn ở đây, nơi những người giàu trả tiền cho cả phần không khí mình hít thở, thì cun cút phục tùng là thứ dễ tìm thấy nhất của những con người biết cách làm vừa lòng người khác. Lê Nam móc ví, lấy ra tờ bạc năm trăm mới cứng cạnh, chìa về phía nhân viên phục vụ không dám ngẩng mặt lên. Cậu bé chìa tay nhận tiền - số tiền có thể bằng một phần mười lương của cậu, hoặc hơn - với vẻ rất bình thản; bình thản không có nghĩa là không biết ơn, không vui mừng, mà là vì họ có vẻ đã quen với việc nhận thưởng lớn từ những hành vi rất nhỏ. Giữa thế giới của những kẻ thừa tiền, khái niệm lớn - nhỏ đôi khi bị đảo ngược một cách dị đời!

Anh Thư cũng bình thản nhìn, với cô, tờ bạc ấy chẳng nghĩa lý gì. Người ta còn có thể rút ra nhiều hơn số đó rất nhiều, chỉ để chứng minh cho cô tin rằng họ giàu, họ xứng đáng được ngồi trò chuyện cùng cô trong vài phút.

- Đáng giá đấy!

Anh Thư nói, khi đã lấy lại được bình tĩnh, sau phút bối rối giáp mặt Lê Nam. Lê Nam nhướng mày, hơi đảo mắt sang chiếc áo khoác trên tay, cười lạt, thảy chiếc áo lên chỗ gác tay ghế, nhún vai.

- Cũng thường mà!

- Mọi thứ có vẻ khác rồi, nhỉ? - Anh Thư có phần khó chịu trước sự khinh khỉnh của Lê Nam.

- Ừ! Mọi thứ giờ đã khác lắm rồi, em!

*

- Mọi thứ giờ khác quá rồi, hả em? - Lê Nam chua chát hỏi.

- Anh có giận, có trách thì em cũng chịu! - Anh Thư nén tiếng thở dài. - Nhưng em thật sự không đủ sức...

- Ừ! Yêu anh mệt mỏi quá, đúng không?

- Đúng! - Anh Thư khẳng khái. - Em chưa và không bao giờ muốn cãi lời ba mẹ!

- Anh hiểu! - Lê Nam chỉ nói được vậy rồi cắn chặt môi.

Nhìn thái độ này của Lê Nam, Anh Thư càng thêm chán nản. Anh đang cố để không khóc đấy ư? Yếu đuối quá thể! Cô không phải kiểu phụ nữ vui thích khi nhìn thấy đàn ông nhỏ nước mắt vì mình, chắc chắn không! Ai chắc rồi cũng tưởng con gái của gia đình "trâm anh thế phiệt" như cô sẽ được bảo bọc đến mức ủy mị, vô dụng và hoang tưởng về thứ gọi là tình yêu. Có thể, một vài cô tiểu thư nhà giàu khác thì thế, nhưng Anh Thư thì không! Cô nhìn cách cha mình vững vàng đứng giữa thương trường như một chiến binh kiêu hãnh luôn đủ sức đánh thắng trăm trận, để tự cấy cho bản thân suy nghĩ, dẫu thế nào cũng phải là người mạnh mẽ! Cô nhìn cách mẹ mình ung nhiên, điềm tĩnh giải quyết mọi khó khăn cùng cha như một hoàng hậu trí tuệ dám cùng chồng dự nhiếp chính, để nuôi lớn cái suy nghĩ, phụ nữ càng thông minh thì càng giỏi kiểm soát gia đình! Thế nên, đối diện với một người mà cô từng rất yêu thương, là mối tình đầu của cô nữ sinh nổi bật giữa trường, Anh Thư không những không cảm thông mà thậm chí còn cảm thấy chán ghét khi phải nhìn thấy một sự ủy mị.

Cô không cho rằng cha mẹ hoàn toàn đúng khi nghiêm túc nói thẳng rằng, họ không thích cô yêu Lê Nam, chỉ đơn giản vì anh rơi vào cụm từ rất quen thuộc với giới nhà giàu - "không môn đăng hộ đối"; cô cũng không dễ dàng buông xuôi mối tình đầu của mình chỉ vì một mệnh lệnh từ mẹ cha. Những gì cô vừa nói, hoàn toàn không phải để kết thúc mối tình đẹp giữa họ suốt hai năm qua, mà để nhắc nhở anh rằng, muốn yêu nhau, muốn gắn bó lâu dài hơn là chuyện tình sinh viên chóng nở sớm tàn, thì phải có những thứ gọi là cố gắng. Cô tin chắc rằng, với trí tuệ của Lê Nam thì chẳng khó khăn gì cả! Thế mà, chỉ vừa nói ra điều hoàn toàn là sự thật kia - dẫu thú thật thì cũng khá khó nghe - anh ngoài tự ái, ngoài đau đớn như thể chứng kiến cả thế giới sụp đổ, chẳng thêm được chút gì khác! Câu chuyện vừa mở ra đã vội kết lại, bằng duy nhất một cảm giác trong Anh Thư - chán chường!

Cô tự nhiên thấy chán ngán với những cuộc hẹn ở công viên, ở bờ hồ đầy muỗi mòng, trong bộ trang phục mua vội ở một shop quần áo rẻ tiền, chỉ để anh không bị cảm giác mặc cảm. Cô thấy đầy ứ với những đợi chờ hàng tháng ròng - đủ thời gian để Lê Nam tích cóp từ số tiền làm thêm ít ỏi - để được đặt chân đến một tiệm kem cũng chẳng quá đắt đỏ gì. Và bội thực với những món quà kỳ cục anh tự tay làm cho cô; dĩ nhiên, chúng chứa nhiều tình cảm và lấy đi của anh rất nhiều thời gian trong những đêm ngắn ngủi được ngủ nghỉ, nhưng cô biết trưng bày chúng thế nào trong căn phòng đầy thứ đắt tiền của mình đây? Cô không chê bai tình cảm Lê Nam dành cho mình, nhưng sự thật, những hiện vật thể hiện tình yêu ấy không tìm thấy được chỗ đứng phù hợp cho chúng trong cuộc sống của cô... Giá như, lúc này, đối diện cô là một cặp mắt sắc lạnh mang màu quyết tâm, thì thậm chí anh chẳng cần hứa hẹn gì, cô cũng sẵn sàng đợi! Thế nhưng, ngoài cái cắn môi đến sắp bật máu kia, anh chỉ làm một điều duy nhất, là để cho cuộc tình của họ rơi vào khoảng không của sự nghèo hèn mang mùi rất khó ngửi.

- Em phải về rồi! - Anh Thư nói ngay khi vừa đứng dậy.

- Em đi cẩn thận!

Thật ra, đến tận giây phút này, Anh Thư vẫn hy vọng sẽ nhận được một thứ gì đó để khẳng định, anh sẽ vì cô, vì mối quan hệ này mà phải khác đi, mà phải tìm được cách để đặt bàn chân anh vào cái thế giới mà vốn cô đã thuộc về từ khi chưa sinh ra. Nên nhận câu nói dẫu rất buồn, nhưng sự thật là tuyệt tình của Lê Nam, Anh Thư chỉ bật cười khan một tiếng, rồi thảy lại một câu mà cô tin rồi anh sẽ phải nhớ đến khi trí nhớ còn.

- Yên tâm! Em có tài xế riêng mà!

*

- Em nghĩ mình nên về! - Anh Thư cố gắng cắt đứt cảm giác khó thở trong mình lúc này.

- Em có đi xe không? - Lê Nam bình thản, không có vẻ muốn níu kéo thêm cuộc gặp vô tình này.

- Không!

- Vậy để anh đưa em về!

Anh Thư muốn từ chối! Không phải vì cô e ngại chuyện mình đã có chồng, qua lại với một người đàn ông khác là cái cớ để bị dị nghị. Giới thượng lưu có những thứ rất khác với giới nhà nghèo, họ có quyền đi lại với những người cùng đẳng cấp mà chẳng bao giờ sợ thị phi, bởi chẳng ai biết những cuộc gặp đấy có giá trị gì, hoặc giả, họ không đủ thời gian để đàm tiếu. Cô muốn từ chối, vì trong lòng cảm thấy không ưng với chuyện phải thừa nhận Lê Nam đã ngang hàng với mình trong xã hội này. Một suy nghĩ kỳ lạ và rất ích kỷ; chẳng lý do gì phải thấy khó chịu khi ai đấy giàu lên cả, thế mà, thật sự lúc này, Anh Thư cảm thấy rất không thoải mái khi Lê Nam bình thản xuất hiện và thở ra hơi thở có mùi của nhà giàu. À, như mẹ cô từng nói, người đã nghèo, có giàu lên cách mấy thì cũng chắc gì đáng được gọi là thượng lưu? Anh ta chắc gì đã thật sự giống được cô mà lại ngồi đây ngạo nghễ thể hiện nhỉ?

Nhưng không đợi Anh Thư phản ứng gì thêm, Lê Nam đã đứng dậy, tiến về phía sau lưng và kéo ghế cho cô.

- Em chưa gọi thanh toán! - Anh Thư chán nản tìm cái cớ xoàng nhất trong những cái cớ mà cô có.

- Anh tính rồi! - Lê Nam cười. - Em vẫn luôn biết hưởng thụ nhỉ?

Đương nhiên! Chứ anh nghĩ gì? Đến đây và gọi những món ăn tầm trung như những kẻ kiếm được chút ít sau một mùa bội thu giữa những chuỗi nhập nhằng không chắc chắn được rồi mùa sau sẽ thế nào, cố vơ vét lấy chút hơi hướm của kẻ biết tiêu tiền chắc? Anh Thư bước đi, chẳng buồn trả lời, chẳng thấy cần tương tác với một người chưa từng biết về quá khứ thật của cô để mà lên tiếng đánh giá rằng cô có thật sự biết giá trị của cuộc sống hay không?!

Những con số nhảy thụt lùi trên bảng điện tử của thang máy hôm nay lười biếng đến độ, cứ xuống mỗi tầng nghe chừng lâu như cả thế kỷ. Hai người họ lặng im trong khoảng không gian chật hẹp cùng gã phục vụ với vẻ ngoài bóng bẩy đang ngẫm nghĩ không biết sẽ nhận được bao nhiêu tiền boa cho việc bấm nút và cúi chào hai lần của mình. Anh Thư thật sự thấy khó thở. Cô muốn thang máy dừng thật nhanh, được bước ra thật nhanh và nói với người đàn ông có vẻ lịch lãm kia rằng, họ nên chào tạm biệt nhau ở đây và tốt nhất đừng bao giờ gặp lại nữa.

Có vẻ như Lê Nam đoán được những gì Anh Thư vừa nghĩ, nên đã chủ động bước ra ngoài trước, ân cần quay lại nhìn cô và mỉm cười - nụ cười ngọt ngào đúng cái ngày cô nhận lời yêu anh mười năm về trước.

- Trời sắp mưa rồi! Đợi ở đây, anh ra lấy xe.

Chiếc Bentley Mulssane màu xanh ngọc chầm chậm trờ tới, cập sát bậc thang nơi Lê Nam đang đứng đợi; lại thao tác boa kín đáo, lại cái gật đầu lễ độ dành cho nhân viên giữ xe, rồi quay nhanh vào đón Anh Thư đang lặng im quan sát. Rõ ràng, anh ấy không đơn thuần là một kẻ mới giàu lên. Mười năm, chà, khoảng thời gian có vẻ quá ngắn để một con người vừa có thể xây dựng cho mình một cơ ngơi đáng gờm - sở hữu chiếc siêu xe ấy thì không thể đơn giản có tài sản trăm tỷ đâu - vừa học được cung cách của những con người kiến tạo nên xã hội này nhưng chấp nhận những người xung quanh là một phần của cuộc sống. Lê Nam, anh đã thật sự làm những gì? Và, anh thật sự là ai vậy?

Dòng này đảm bảo có đăng khi số hóa
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện