Type: yenxitrum89

1.

Mẹ nuôi của ta là tú bà, nghĩa phụ là một nam tử văn nhã, còn cả một đám thúc thúc, dì, bá bá, thẩm thẩm, ca ca, tỷ tỷ muốn vì sự nghiệp thanh lâu mà cúc cung tận tụy đến chết không thôi.

Trọng phụ (*) lúc nào cũng mắng ta không có phong thái điềm tĩnh, đối với chuyện này, ta chỉ có thể lấy làm tiếc chứ chẳng thể làm gì được. Ta nghĩ, nỗi khổ của ta chỉ có mỗi Tuế Tuế và Nguyệt Nguyệt hiểu được thôi.

(*) Trọng phụ: Cách gọi tôn trọng của Đế vương với trọng thần Tể tướng trong triều.

Hai người này chính là nghĩa đệ và nghĩa muội của ta, là cặp sinh đôi long phụng của mẹ nuôi và nghĩa phụ, nhỏ hơn ta hai tuổi. Từ nhỏ đến lớn, ta chỉ có duy nhất, à không duy nhị hai người này là bằng hữu.

So với ta mà nói, có lẽ họ lại càng cảm nhận được sự khó khăn và gian khổ khi phải sinh sống trong một hoàn cảnh như thế này.

Ba chúng ta cùng tay nắm tay, vai kề vai, cuối cùng cũng có thể trở thành những thanh niên tốt, không những tâm hồn trong sáng mà còn có ích cho đất nước, quả thực quá là đáng quý, chỉ có thể nói là ông trời có mắt.

Ta là Hoàng đế, Tuế Tuế là thống lĩnh cấm vệ quân của ta, còn Nguyệt Nguyệt là hoàng hậu tương lai ta sẽ rước về.

2.

Thật ra đến bây giờ ta vẫn không thể hiểu được, một người có tính cách ôn hòa như Tuế Tuế, sao có thể trở thành lão đại, có thể khiến cho mười vạn cấm vệ quân kinh thành một lòng ủng hộ, nhất nhất phục tùng được chứ nhỉ? Tuế Tuế chính là nhũ danh của y, y đương nhiên có họ và tên đàng hoàng, có điều chúng ta đều đã quen gọi y như vậy rồi, nhất là mẹ nuôi, còn thích thêm một chữ “Tiểu” nữa ở phía trước, lúc nào cũng gọi “Tiểu Tuế Tuế”, “Tiểu Tuế Tuế”, đến ngay cả một người có năng lực chống chọi siêu quần như ta đây mà còn cảm thấy ngứa ngáy hết cả da đầu. Thế mà người đã tròn mười tám tuổi bị gọi thế mà lại chẳng hề để bụng chút nào, vẫn có thể mỉm cười trả lời.

Nghĩ kỹ lại thì, quen biết y cả mười bảy năm trời, ta thật sự vẫn chưa nhìn thấy y nổi giận với ai bao giờ, lúc nào cũng ôn hòa, tao nhã. Cho dù Nguyệt Nguyệt có sinh sự vô cớ như thế nào, trêu đùa ức hiếp y như thế nào, y cũng đều tỏ ra vui vẻ chịu đựng, cùng lắm thì chỉ nhíu mày, thở dài mà thôi, hệt như dáng vẻ vừa bất lực vừa yêu thương của một vị trưởng bối đối với một vãn bối nghịch ngợm.

Ta tin rằng, nếu không phải y là một tên thích chịu ngược đãi thì là do kiếp trước y đã nợ người muội muội này quá nhiều.

Ài, ta lại bắt đầu nghĩ bậy nghĩ bạ rồi, nếu như để Trọng phụ biết được trong đầu ta có những suy nghĩ trời đánh như thế này, sợ rằng ta sẽ lại phải chịu một trận giáo huấn tơi bời đấy.

Nói đến Trọng phụ, ta lại không kìm được sự ghen tị với nha đầu Nguyệt Nguyệt.

Trong những người mà ta quen, Trọng phụ là người bình thường nhất, thực ra thì, có chút bình thường quá mức. Nghiêm túc đứng đắn hệt như là một thanh sắt vậy, tựa như cả đời này ông ấy cũng sẽ chẳng bao giờ đi sai một bước nào hay làm ra một nửa chuyện gì vượt quá khuôn phép. Ta thật hoài nghi, rốt cuộc làm sao ông ấy có thể quen biết, thân nhau rồi duy trì mối giao tình hơn mười năm với một đám người kỳ lạ luôn lấy sự bất bình thường làm tôn chỉ sống như vậy.

Trong ấn tượng của ta, Trọng phụ rất ít cười, cho dù đôi lúc có mỉm cười thì đa phần là làm bộ ngoài mặt, ứng phó cho có lệ với các đồng liêu (*) mà thôi. Chỉ có những lúc nhìn thấy Nguyệt Nguyệt, ông mới để lộ ra nụ cười chân thật, vậy nên khiến ta lúc nhỏ ganh tị không biết bao nhiêu lần.

(*) Đồng liêu: Những người cùng làm quan trong triều.

Bất kể Nguyệt Nguyệt có gây chuyện phá phách, coi trời bằng vung như thế nào đi chăng nữa, thậm chí có một lần còn suýt chút nữa dùng thuốc nổ phá tan gần một nửa hoàng cung, Trọng phụ đều cười trừ cho qua chuyện. Ta nghĩ, dù có bị Nguyệt Nguyệt nhổ sạch từng cọng râu một, ông ấy cũng có thể vừa cười vừa khen “nhổ hay lắm, nhổ giỏi lắm!” ấy chứ.

Ta và Tuế Tuế là hai đứa trẻ đáng thương lúc nào cũng phải sống trong những đòi hỏi khắt khe, bình thường vào những lúc như vậy, chúng ta chỉ biết ngồi xổm ở bên góc tường vừa chảy nước miếng vừa vẽ vòng tròn. Có điều so với ta vừa ngưỡng mộ, vừa ganh tị, vừa hận thì Tuế Tuế lại tỏ ra rất ôn hòa, dù sao đi nữa trong mắt y, chỉ cần muội muội vui vẻ thì vạn sự tốt lành, còn bản thân y thế nào cũng được.

3.

Phụ mẫu ta mất rất sớm, chỉ để lại duy nhất một đứa con độc đinh là ta trên đời này. Các huynh đệ tỷ muội của phụ thân ta, người thì chết, người thì đi lưu đày, từ lâu đã không còn tông tích tại kinh thành nữa. Còn về mẫu thân, nghe nói người là một cô nhi.

Vậy nên, ta thật sự hoàn toàn là một người cô độc lẻ loi. Để tránh cho ta mắc phải đủ các chứng bệnh tâm lý của trẻ nhỏ, từ lúc ta ba tuổi, Tuế Tuế và Nguyệt Nguyệt đã bắt đầu thường vào cung chơi với ta, đến lúc bảy tuổi bèn dứt khoát để cho họ ở lại trong cung làm thư đồng của ta luôn.

Tuy họ đến với thế gian này chỉ cách nhau có một khoảng thời gian ngắn, nhưng tính cách lại khác nhau một trời một vực.

Mỗi lần nhìn thấy Nguyệt Nguyệt tính nóng như lửa chống nạnh dạy bảo Tuế Tuế ôn hòa như nước, ta đều không kiềm chế được cảm thán thần sáng thế thật sự quá thần kỳ.

Tuế Tuế trời sinh là một người có khiếu học hành, Nguyệt Nguyệt thì ngược lại. Thế là mỗi lần lão thái phó lên lớp, Nguyệt Nguyệt lúc nào cũng bị phạt, có điều toàn do Tuế Tuế kiên quyết chịu thay. Cho nên về sau, lão thái phó vừa không nhẫn tâm thấy đệ tử tâm đắc của mình bị phạt roi, vừa không cam tâm để đệ tử quậy phá nhất nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, ông dằn vặt đến mức đầu tóc bạc vốn đã không nhiều nhặn gì nay lại còn bị rụng lả tả, cực kỳ thê lương.

Trọng phụ cuối cùng cũng không thể để yên được nữa, bèn cho Nguyệt Nguyệt ngừng ngay việc gây họa ở thư phòng mà mang máu bạo lực dồi dào đó đi học võ công cùng các cao thủ đại nội.

Rốt cuộc, Tuế Tuế sợ muội muội không chịu khổ được, lại sợ lỡ muội muội phạm sai lầm không có ai chịu phạt thay, bèn tuyết định nửa ngày đọc sách, nửa ngày luyện võ. Mấy năm qua đi, không ngờ lại vô tình trở thành văn võ song toàn.

Trọng phụ yêu thích nhân tài, bèn dắt y theo bên cạnh, tự mình truyền thụ binh pháp cùng đạo trị quân, dần dà, lại tạo ra được một thống lĩnh cấm vệ quân trẻ tuổi nhất trong lịch sử.

Trong khoảng thời gian này, Nguyệt Nguyệt đương nhiên cũng không rảnh rỗi, sau khi xưng bá hoàng cung, cảm thấy vẫn chưa đã nàng bèn đi làm đầu sỏ một môn phái phi pháp trong giang hồ để chơi cho vui. Theo ta thấy thì tôn chỉ sống của nàng ngoài “rảnh rỗi sinh sự” thì chẳng còn gì khác. Bởi vì cả cuộc đời này của nàng không cầu tiền tài cũng không cầu có ý trung nhân, việc duy nhất phải làm là ăn no rửng mỡ đi giết thời gian.

Thân là con gái bảo bối của cặp phu phụ giàu có nhất thiên hạ, mũi tên mà Nguyệt Nguyệt dùng để bắn người đều được đúc bằng vàng ròng. Thân là thê tử tương lai của Hoàng đế, người có quyền thế nhất thiên hạ, từ nhỏ Nguyệt Nguyệt đã hiểu được ngoài ta ra, những tên nam nhân khác chỉ là phù du nơi chân trời, ngay cả liếc mắt cũng thấy tốn thời gian.

Được rồi, ta nói sai, trong những tên nam nhân khác đó tất nhiên không bao gồm phụ thân của nàng, tức là nghĩa phụ của ta.

4.

Ta thật không hiểu lắm, tại sao ta lại gọi mẹ nuôi là mẹ nuôi, nghĩa phụ là nghĩa phụ mà không phải gọi mẹ nuôi là nghĩa mẫu, nghĩa phụ là cha nuôi? Tuy nhiên ta cũng không định làm sáng tỏ câu hỏi này, dù sao đi chăng nữa, bất luận ta gọi là nghĩa phụ hay cha nuôi, vị nam tử văn nhã kia cũng đều cực kỳ không ưa gì ta.

Chẳng hạn như hiện giờ ta đã ngồi ở trong đại sảnh Tiêu phủ uống hết tám ly trà, uống đến nỗi buồn tiểu đến nơi rồi, vậy mà chủ nhân vẫn còn chưa xuất hiện.

Không phải là không có nhà, chẳng qua là chủ nhân Tiêu phủ đang cố ý làm lơ ta.

Bọn hạ nhân đứng hầu hạ bên cạnh biết ta là ai, cũng biết rằng ta đã bắt đầu bực mình rồi, nhưng vẫn chẳng hề lộ ra chút hoang mang sợ hãi nào. Không phải bởi vì ngày thường họ vẫn bị huấn luyện nghiêm khắc hay là can đảm không sợ chết, mà chỉ bởi vì họ đã thấy quá nhiều nên thành quen rồi.

Từ khi ta đột nhiên hạ thánh chỉ, phong Nguyệt Nguyệt làm Quốc mẫu tương lai tại yến tiệc sinh thần năm nàng mười tuổi thì vẫn thường diễn ra những tình cảnh như thế này. Nhất là sau khi Tuế Tuế chính thức nhậm chức vào năm kia, tình hình lại càng tệ hại hơn, thậm chí có khi nàng còn mất hết lý trí làm ra những chuyện hoang đường, khiến ta mình.

Thật tình mà nói, ta cũng có thể hiểu được sự nóng nảy tức giận của nghĩa phụ.

Tiêu gia từ xưa đến nay đều không nhúng tay vào triều chính, hầu hết con cháu trong tộc đều đi theo con đường kinh thương, dòng chính lại tuyệt đối không có tiền lệ làm quan, cũng tuyệt đối không kết thân với Hoàng tộc.

Mà nghĩa phụ hết thảy có hai người con, một người làm Hoàng hậu, người kia là thống lĩnh. Ta mà là ông ấy, chắc đã sớm túm tóc đập đầu vào tường để tự sát tạ tội với thiên hạ, đoạn tuyệt với dân chúng rồi….

Nhưng chuyện này cũng đâu thể trách ta được.

Khi Nguyệt Nguyệt hơn hai tuổi đã từng thề rằng sẽ chịu trách nhiệm với long căn của ta, ta cũng đâu thể không nể mặt nàng chứ, từ bé ta đã được sư phụ giúp rèn luyện nên đức tính tốt đẹp tôn trọng nữ nhân rồi.

Tuế Tuế khi đó cũng từng có ước nguyện giống như vậy, nhưng xét thấy ta tạm thời chẳng hề có chút hứng thú nào với công cuộc tưới nước cây hoa cúc nhỏ, mà bông cúc nhỏ của y cũng không định để cho người ta chiếm lấy, cho nên chỉ có thể đổi sang cách khác để thực hiện lời hứa.

Vậy nên, cùng lắm ta chẳng qua chỉ thuận nước dong thuyền, không cự tuyệt ý tốt của họ thôi mà, tại sao đến cuối cùng lại đều là lỗi của ta chứ?

Đúng là mỗi khi nghĩ tới điều đó đều khiến cho người ta đau buồn, nghẹn ngào không nói nên lời mà.

Ta đang than thân trách phận thì đột nhiên nghe thấy tiếng bước chân đều đều từ bên ngoài vang lên, thế là ngay lập tức ta không cảm thấy buồn tiểu nữa, bởi vì tất cả đều đã trở thành mồ hôi lạnh túa ra ngoài rồi.

5.

Ta nghe nói hình như ở dân gian có một câu như thế này “Nhạc mẫu nhìn con rể, càng nhìn càng vừa lòng”. Nhưng không biết có nửa câu sau: “Nhạc phụ nhìn con rể, càng nhìn càng bực bội” hay không. Nếu như không có, vài ngày nữa ta sẽ ban một đạo thánh chỉ chiếu cáo thiên hạ để hợp thành một câu đối, hoành phi sẽ đề là: “Con rể khó làm”.

Ta không chỉ là con rể, mà còn là con nuôi, còn là nghĩa tử, quả thật khó đến mức ta cả ngày đều thấy gió mây biến sắc, cây cỏ đau buồn…

Mẹ nuôi ta đối với ta cực kỳ tốt, tuy cho đến bây giờ vẫn cứ động một chút lại véo má ta, xoa đầu ta cứ hệt như đối với trẻ con khiến cho đám người đứng xem xung quanh đều hận không thể “tự chọc mù đôi mắt của mình”, nhưng so với cách thức mà nghĩa phụ đối xử với ta thì quả thật ta chỉ mong sao mẹ nuôi có thể ôm ta vào lòng mà gọi ta là “bảo bối cục cưng”…

Nói thế này đi, nếu như không phải sợ Nguyệt Nguyệt trở mặt thì ta tuyệt đối có lý do tin rằng, nghĩa phụ sẽ sớm bảo Cao thúc thúc cho ta một kiếm để ta khỏi phải làm chướng đôi pháp nhãn của ông ấy.

Nhắc đến vị Cao thúc thúc như chui từ trong núi tuyết ra kia, ta liền không kìm nén được run bắn cả người, đang run lên cầm cập thì ta liền nghe thấy một tiếng nói cung kính vang lên: “Thảo dân không biết Thánh thượng giá lâm, kiến giá chậm trễ, tội đáng muôn chết!”.

Ta tức khắc đứng bật dậy, bước dài hai bước tiến nhanh tới trước, hai tay đỡ lấy cánh tay của người nọ, ngăn không cho ông quỳ xuống hành lễ, giọng nói run lên như vừa lõa thể chạy bên ngoài trong ngày Tam Cửu (*) vậy: “Nghĩa phụ, người lại đang diễn trò gì nữa vậy?”.

(*) Ngày Tam Cửu: Ngày lạnh nhất trong năm.

“Không biết Hoàng thượng nói như vậy là có ý gì? Người làm thảo dân sợ hãi lắm ạ.”

Ông kiên quyết muốn hành lễ, ta lại cảm thấy bắp chân đang rút gân, đầu gối mềm nhũn cả ra. Nếu như không phải sợ ông ấy bị thiên lôi đánh, một Hoàng đế chỉ có thể quỳ trước thiên địa, tổ tông như ta thật sự muốn quỳ xuống dập đầu trước ông ấy luôn.

Người vừa mới sợ hãi thôi mà mạng nhỏ của ta đã tiêu mất gần một nửa rồi…

6.

Khi ta còn nhỏ đã từng hỏi nghĩa phụ, tại sao mỗi lần nghĩa phụ trông thấy ta đều có vẻ không vui cho lắm. Còn nhớ khi đó người đã trả lời như thế này: “Không phải là không vui cho lắm mà là rất không vui”.

Khi đó ta còn rất ngây thơ, đầu óc đơn giản nên không thể hiểu được “không” và “rất không” thì có gì khác nhau, chờ đến khi ta mày mò hiểu ra được thì cũng đã qua mấy năm trời rồi.

Thật ra là ta không thể nào không hiểu cho được, bởi vì khi nghe thấy thái giám tuyên đọc đạo thánh chỉ phong Nguyệt Nguyệt làm chủ nhân hậu cung, gương mặt của nghĩa phụ đen cứ như là… Nếu không phải khi đó mẹ nuôi cho ông một cái hôn sâu vô cùng nhiệt tình dập tắt đi cơn lửa giận bừng bừng đồng thời đốt lên một đống lửa khác thì có lẽ ta đã bị ông bóp chết ngay tại trận rồi ấy chứ.

Thế là ta đành phải khiêm tốn thỉnh giáo ông ấy lần nữa, rốt cuộc ta có điểm nào khiến ông ấy không vừa lòng. Câu trả lời của ông là: “Bởi vì ngươi không phải là một nam nhân tốt”.

Lời nói này đối với một đứa trẻ vừa mới mười hai tuổi, còn một khoảng thời gian dài mới trở thành nam nhân như ta mà nói, quả thật là quá sức mơ hồ, ta suy đi nghĩ lại mãi cũng không ra mà còn suýt chút nữa sinh ra chứng u uất.

Sau đó, may là mẹ nuôi khai ân, nói cho ta biết nam nhân tốt nghĩa là gì. Tuy nhiên một đứa trẻ từ nhỏ đến giờ vẫn luôn ngủ một mình trên long sàn rộng lớn như ta cứ vẫn ngu ngơ lờ mờ chẳng hiểu gì, thôi thì đành phải chờ lúc rảnh rỗi thì cố gắng suy ngẫm, tiếp đó ta lại phải suy ngẫm đến mấy năm trời.

Sau cùng, ta cũng hiểu được nhưng cũng giống như xưa, ta không thể nào không hiểu cho được.

Bởi vì Nguyệt Nguyệt quá mức tận tụy với long căn của ta, ngay cả khi đi lăn lộn giang hồ nàng cũng định mang nó theo bên người để dễ bề chăm sóc. Vì bày tỏ quyết tâm muốn làm một nam nhân tốt nhất trong những nam nhân tốt từ xưa đến nay, ta bèn đuổi hết tất cả các cung nữ trong cung, mà chỉ để lại thái giám, nội trong phạm vi năm trăm dặm ngay cả một nửa con chuột cái cũng không dám giữ lại. Nhờ vậy, cuối cùng mới có thể tránh khỏi có vinh dự trở thành vị Hoàng đế “vô căn” đầu tiên trong lịch sử.

Dưới sự nỗ lực không ngừng, nghĩa phụ cũng có thể xem như đã giảm bớt được một chút xíu sát khí đối với ta.

Song, ta vừa định cảm thán ông trời không phụ lòng người có lòng, cuối cùng cũng đã đợi được đến khi mây tan thấy vầng trăng sáng thì lúc này lại xảy ra chuyện của Tuế Tuế. Ngọn lửa giận hừng hực này của nghĩa phụ ấy à… ngay đến cả mẹ nuôi ta cũng khó mà đè nén lại được.

7.

Tuế Tuế là con trai độc nhất của nghĩa phụ, vừa sinh ra là đã định phải trở thành người nối nghiệp Tiêu gia.

Từ sau khi y và Nguyệt Nguyệt tiến cung làm thư đồng của ta, nghĩa phụ liền mua một phủ đệ trong kinh, sống ở cả hai nơi kinh thành và Giang Nam. Một nửa nguyên do chính là vì muốn ở cùng một nơi với con trai và con gái, nửa còn lại là vì muốn dạy cho Tuế Tuế đạo kinh thương.

Cho nên, Tuế Tuế hiểu biết về cả ba mặt văn, võ và kinh thương, hơn nữa còn rất tinh thông. Trước giờ ta vẫn luôn cảm thấy khó hiểu, làm thế nào mà y lại học được hết tất cả những thứ này mà không bị điên nhỉ…

Tuế Tuế cũng biết được vị trí sau này của mình, nên từ nhỏ y đã ước vọng được trở thành một nho thương (*) giống như phụ thân, phải mở rộng sản nghiệp của Tiêu gia ra cả nước, thậm chí là khắp thiên hạ.

(*) Nho thương: Nghĩa là người vừa có được đạo đức và tài trí của nhà nho vừa có được của cải và sự thành công của một thương nhân, là tấm gương sáng của các nhà nho và là tinh anh trong thương giới.

Tuy nhiên, ước vọng này đã chấm dứt chỉ vì một trận chính biến cung đình.

Thật ra thì cũng không có gì là to tát, chẳng qua là người mưu phản thôi ấy mà, rất nhanh sau đó đã bị Trọng phụ áp chế rồi. Song, Tuế Tuế khi đó mới mười bốn tuổi thì lại cho rằng, muốn bảo vệ muội muội, bảo vệ ta, bảo vệ người nhà thì phải làm quan, phải nắm trong tay binh quyền.

Hai năm sau, y gia nhập cấm quân, bắt đầu từ một hộ vệ nhỏ nhoi cho đến khi trở thành thống lĩnh.

Chính vì chuyện này, nghĩa phụ đã phải sử dụng gia pháp với y.

Bình thường ngoài việc chưa từng nhìn ta bằng một vẻ mặt hòa nhã ra thì nghĩa phụ đối với ai cũng rất ôn hòa, dịu dàng, từ đầu đến chân ông đều tỏa ra khí chất thanh tao văn nhã. Đặc biệt là với người nhà, ông lại càng mong sao lúc nào cũng có thể nâng niu trong lòng bàn tay để mà thương yêu, bảo vệ. Trong mười sáu năm nay chưa bao giờ nghĩa phụ nói chuyện lớn tiếng hay đụng đến hai đứa con này dù chỉ một sợi lông tơ. Cho dù khi Nguyệt Nguyệt quyết tâm phải làm Hoàng hậu của ta cho bằng được, nghĩa phụ cũng chỉ bất lực thở dài, sau đó để mặc cho nàng thích làm gì thì làm.

Vậy mà, quyết định này của Tuế Tuế lại khiến cho ông nổi giận lôi đình.

8.

Nghe nói, những người tính tình hiền hòa một khi nổi giận lên sẽ rất đáng sợ, ta hoàn toàn tin tưởng vào điều này.

Ngày đó, ban đầu nghĩa phụ mắng Tuế Tuế một trận, sau đó bắt phạt quỳ, cuối cùng ông đã dùng đến cây roi mây mà rất nhiều năm rồi vẫn chưa từng động đến.

Cánh cửa từ đường mở rộng, ta, mẹ nuôi, Nguyệt Nguyệt, Trọng phụ, sư phụ và rất nhiều người nữa đều đứng ở bên ngoài, nhưng lại không có một ai bước lên khuyên giải.

Chúng ta nhìn Tuế Tuế thẳng vai quỳ trước bài vị của tổ tiên, lưng áo từ màu trắng dần dần biến thành màu đỏ. Y không hề rên lên một tiếng, nghĩa phụ cũng không nói chuyện, chỉ liên tục vung gia pháp lên cho đến khi nó gãy thành hai đoạn.

Sau đó, Trọng phụ mới nói với nghĩa phụ: “Có ta ở đây, huynh yên tâm”.

Nghĩa phụ lại nắm tay mẹ nuôi nói: “Xin lỗi”.

Tuế Tuế loạng choạng xoay người lại, dập đầu ba cái thật mạnh.

Tiểu tử này rất có khí phách, cho dù có ngất đi cũng không rên lên tiếng nào.

Tiểu tử này rất ngoan cố, những chuyện y đã quyết, tuyệt đối sẽ không hối hận.

Tiểu tử này phản bội lại gia tộc, phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ, từ bỏ con đường rộng rãi bằng phẳng, mà lại dùng con đường đầy rẫy khó khăn, gian truân gập ghềnh mình đã chọn, dùng chính cách thức của mình để bảo vệ người nhà, còn cả ta nữa.

Liên hôn cùng với hoàng tộc, nếu không có thế lực trong triều chống lưng, chỉ cần sơ ý một chút, rất dễ mang tai họa sát thân. Tuế Tuế hiểu, nghĩa phụ càng hiểu, nhưng ông không nhẫn tâm nhìn thấy con trai mình phải gánh vác hết tất cả. Tuế Tuế biết, mọi người chúng ta đều biết.

Thế nhưng, tiểu tử này ôn hòa như nước, lại cũng ương ngạnh như con lừa.

Có lẽ, bởi vì hiểu được, bởi vì biết rõ, nên mới không còn lựa chọn nào khác. 

Nói tóm lại là chuyện này đã ngã ngũ như vậy đấy. Chỉ có điều sau đó mỗi khi nghĩa phụ nhìn thấy ta, cái vẻ mặt tức giận tột cùng như thể nhìn thấy kẻ thù này quả thực giống hệt như ta đã đánh con trai ông vậy. Có lẽ nếu không để cho ông ấy báo thù thì cả đời ta đừng hòng sống yên.

Hay là, ta cứ để cho ông ấy đánh một trận nhỉ?

Ta đang suy ngẫm đến tính khả thi của phương án này liền nghe nghĩa phụ nói một câu: “Ngươi hãy để lại một đạo thánh chỉ đi, nếu ngươi băng hà, con gái ta có thể tái giá”.

Bớ nghĩa phụ, con vẫn còn chưa xuất chinh mà sao người lại nỡ nói với con như vậy chớ…

9.

Kinh đô là nơi các văn nhân, nho sĩ tề tựu, trong triều càng không thiếu những bậc anh tài văn hoa xuất chúng, nhưng ta thật rất hiếm khi nhìn thấy người nào có thể phân cao thấp với nghĩa phụ, cho dù là phong thái nho nhã điềm đạm của người có học hay là tài năng hạ bút thành văn, xuất khẩu thành thơ.

Mà Tuế Tuế hiển nhiên đã kế thừa được điểm này của ông, thêm vào đó là nền tảng võ công tập từ khi còn bé cùng với sự tôi luyện trong hai năm nay ở quân doanh, trong sự phong lưu tao nhã hòa lẫn mấy phần hiên ngang dũng mãnh, quả thật đã cướp đi trái tim không biết bao nhiêu cô nương rồi.

Đôi huynh muội song sinh Tuế Tuế và Nguyệt Nguyệt này, trước lúc mười tuổi từ diện mạo cho đến dáng người gần như đều giống hệt như đúc ra từ một khuôn vậy. Nhưng sau đó, Tuế Tuế bắt đầu lớn phổng lên rất nhanh, khung xương cũng dần dần to ra. Vài năm qua đi, y đã cao hơn Nguyệt Nguyệt nửa cái đầu, y có thể từ trên cao nhìn xuống, thở dài vỗ vỗ đỉnh đầu của đứa muội muội vẫn còn tiếp tục bắt nạt y không hề biết chùn tay.

Còn về diện mạo của hai người, nói sao đây nhỉ, dù sao đi nữa ta vẫn luôn cảm thấy ngũ quan của Tuế Tuế trông tinh tế hơn, đẹp hơn một chút. Đương nhiên, mấy suy nghĩ như vậy nhất thiết không được để lộ ra ngoài.

Còn nhớ khoảng vào năm ta bảy tám tuổi, có một lần ta khen Tuế Tuế rất đẹp, trẻ con mà, nghĩ gì nói nấy, ta thật sự cảm thấy so với đám đại thần, thái giám gì gì đó mà ta đã từng gặp, Tuế Tuế đẹp hơn rất nhiều, rất nhiều.

Nào ngờ vừa mới nói dứt lời, nghĩa phụ đã nhào tới ôm vội lấy Tuế Tuế rồi co giò chạy mất, cứ làm như ta sẽ biến thành hổ ăn thịt con trai của ông ấy không bằng.

Sau đó, cuối cùng ta cũng hiểu, không phải ông sợ ta biến thành hổ, mà sợ ta biến thành sắc lang (*).

(*) Sắc lang: Yêu râu xanh.

Đúng là oan cho ta quá đi! Bởi lẽ cho dù ta có nổi lên tà tâm gì với Tuế Tuế đi chăng nữa thì cũng chỉ dám nghĩ mà không dám làm, nghĩa phụ thật chẳng hề hiểu gì về quyết tâm và tác phong dứt khoát không niệm đến thân tình của con gái người trong việc bảo vệ chủ quyền đối với long căn mà…

10.

Sau khi thương nghị với nghĩa phụ xong, ta rảo bước đến bên một rặng trúc xanh thì thấy Tuế Tuế vội vàng chạy tới.

Chắc y vừa mới thao luyện ở trong ngự lâm quân về, bộ áo giáp mỏng màu trắng mặc trên người vẫn chưa kịp cởi xuống, trong lúc y bước nhanh, nó va chạm với thanh kiếm đeo bên hông phát ra những tiếng leng keng nhỏ.

Y trông thấy ta mà dường như lại không hề cảm thấy ngạc nhiên, chỉ cung kính hành lễ theo kiểu võ tướng.

Ta bất đắc dĩ tiếp nhận.

Từ khi biết nói, Nguyệt Nguyệt vẫn luôn gọi ta là “Ức ca ca”, nhiều năm như vậy rồi chưa từng thay đổi. Còn Tuế Tuế thì ban đầu gọi ta là “Nghĩa huynh” trong mấy năm, sau khi làm thư đồng của ta liền đổi lại là “Hoàng thượng”, về sau vào triều làm quan thì cho dù ở trước mặt hay sau lưng y đều làm hết bổn phận của một thần tử.

Nguyệt Nguyệt vẫn luôn bảo y cổ hủ hệt như một lão già, y lại chỉ mỉm cười chứ không hề biện bạch.

Ta biết, y sợ bị người ta nói rằng, ỷ là bằng hữu từ nhỏ của ta liền đắc ý kiêu ngạo, cũng sợ lỡ như đi sai một bước nào sẽ bị những kẻ có ý đồ xấu bắt được sơ hở rồi nhân đó gây bất lợi cho Trọng phụ và Tiêu gia.

Suy nghĩ của y, ta đều hiểu được, ta chỉ hy vọng rằng trong vô số những băn khoăn đó của y không hề có “gần vua như gần hổ”, như vậy đã đủ lắm rồi.

“Đệ vội vàng chạy về như vậy là để tìm ta sao?”

“Khởi bẩm Hoàng thượng, chính phải.”

“Trọng phụ đã nói với đệ rồi?”

“Thần không tán thành việc Hoàng thượng ngự giá thân chinh.”

“Đệ nên hiểu rằng, vì lý do gì mà ta làm như vậy.”

“Thần hiểu.”

“Tuy ta đã tự mình chấp chính nhiều năm, nhưng đám lão thần tử đó lại vẫn cứ xem ta như một đứa trẻ đang khoa tay múa chân. Trận chiến này đến đúng lúc, vừa có thể dùng chiến tích để bịt miệng họ lại, vừa có thể bồi dưỡng thế lực của ta trong quân đội, tại sao đệ phải phản đối chứ?”

“Về công, trận chiến này vô cùng nguy hiểm. Về tư, thần không muốn để cho muội muội phải lo lắng.”

“Nếu là trận chiến dễ đánh thì việc gì ta phải đích thân ra trận? Còn về Nguyệt Nguyệt, ta không định nói cho muội ấy chuyện này, cho nên mới phải nhờ Minh chủ của Huyết Ngọc Minh dạy cho muội ấy một bộ chưởng pháp, để tạm thời giữ chân muội ấy ở lại tổng đà, không biết đến thế sự.”

“Thì ra Hoàng thượng đã an bài ổn thỏa tất cả mọi thứ rồi, có điều, thần vẫn không tán thành.”

“Lý do?”

“Thần vẫn không muốn để cho tương lai của muội muội có chút bất trắc gì cả.”

“Đệ cho rằng ta sẽ thua à?”

“Hoàng thượng tuy rằng anh minh thần võ, thế nhưng trong chiến tranh, chúng ta không thể đoán trước được điều gì.”

“Lẽ nào, đệ muốn để cho Trọng phụ tuổi đã ngũ tuần phải xuất chinh sao?”

“Không, thần xin Hoàng thượng ra lệnh, trận chiến này, do thần làm thống soái.”

11.

Hai tháng trước, Tuế Tuế vừa tròn mười tám tuổi, vẫn còn chưa Gia Quan (*).

(*) Gia Quan: Hay còn gọi là Lễ Gia Quan hoặc là Lễ Đội Mũ. Thời cổ đại Trung Quốc, con trai cứ đến hai mươi tuổi sẽ tiến hành nghi lễ đội mũ để chứng tỏ đã đến tuổi trưởng thành.

Tuy rằng phong thái rất chín chắn điềm tĩnh, nhưng trên khuôn mặt vẫn còn một chút nét trẻ con khó mà che giấu được, loáng thoáng còn có thể thấy được hình bóng của đứa trẻ năm đó ôm lấy bắp đùi của ta, dùng hết sức kéo về phía mình.

Còn trẻ như vậy mà được làm thống lĩnh cấm quân đã là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử, nếu còn làm thống soái ba quân thì chỉ sợ rằng sẽ khiến cho cằm của biết bao nhiêu người rơi vỡ đây.

Ta bước đến trước một cây trúc, khoanh tay dựa vào nó. Thân trúc bị ta uốn cong, bèn búng lên lại, thân thể ta liền cứ thế lắc lư theo mỗi lần nó cong vào lại rồi duỗi ra.

Cho dù ở trước mặt ta, y có muốn tuân thủ những lễ nghi nào đi chăng nữa thì ta vẫn bỏ đi tất cả sự đề phòng, cứ làm một vị huynh trưởng cà lơ phất phơ, không nghiêm chỉnh như vậy.

“Đệ cũng đã nói rồi còn gì, trên chiến trường bất kỳ biến cố gì cũng có thể xảy ra, ta làm sao có thể để cho đệ mạo hiểm thay mình? Lỡ như đệ có chuyện gì bất trắc, đừng nói đến phản ứng của mẹ nuôi và nghĩa phụ, chỉ mình nha đầu Nguyệt Nguyệt cũng đủ để nuốt sống ta, ngay cả mẩu xương vụn cũng không chịu nhổ ra ấy chứ.”

“Hưởng bổng lộc của vua, phải giúp vua phân ưu. Là một thần tử, vốn nên vì quốc gia mà cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi…”

Ta thở dài, cắt ngang lời y: “Đệ mà còn nói với ta những lời vô nghĩa này thì ta không rảnh mà tiếp ngươi đâu nhé. Nghĩa phụ vừa nãy đã chịu nói ra mấy con đường chạy thương bí mật để ta vận chuyển binh lực, ta còn đang vội trở về thương nghị với chư vị tướng quân đây này”.

Tuế Tuế ngừng một chút, y vẫn luôn cúi đầu, lúc này bỗng dưng ngẩng lên, dáng người cao thẳng tựa như cây tùng, cây bách, trên gương mặt đã bớt đi vài phần dè dặt, kính cẩn, thay vào đó là sự ngạo nghễ thách thức mà chỉ có ở trước mặt ta thỉnh thoảng y mới để lộ ra: 

“Nếu người ngự giá thân chinh, chúng tướng sĩ sẽ mang tâm lý chỉ mong không xảy ra sơ sót gì chứ không mong lập được chiến công, chỉ mong tạm thời đánh lui quân địch chứ không mong đánh cho chúng hoàn toàn tan tác. Giặc Nhung Địch lần này xâm phạm nước ta, tuy rằng là hành động đã dày công trù tính nhiều năm quyết không thắng không lui binh, nhưng, thần chắc chắn có thể tiêu diệt quân chủ lực của chúng, cướp quốc thổ của chúng, vĩnh viễn trừ đi mối họa chiến tranh cho vùng Tây Bắc nước ta, giúp cho bá tánh tại vùng biên cương có thể an cư lạc nghiệp ít nhất trong ba mươi năm.

Trong quân doanh đa số là bộ hạ cũ của Ngụy bá bá, mà thần lại là đệ tử chân truyền của người, họ nhất định sẽ tận lực tương trợ. Trong trận chiến lần này, chúng ta có thể nhân cơ hội huy động hết sức mạnh của cả nước, mở rộng chiến tuyến hơn, như vậy cùng với việc giành được thắng lợi, thần cũng có thể giúp Hoàng thượng tuyển chọn nhân tài. Ngoài ra, có Hoàng thượng trấn thủ trong Kinh thành, công việc hậu cần, tiếp viện mới có được sự bảo đảm lớn nhất, giảm bớt được nỗi lo về sau của các tướng sĩ nơi sa trường. Thần tin rằng qua trận chiến này, trong triều chắc chắn sẽ không còn ai dám xem nhẹ Hoàng thượng nữa!”.

Những lời này, vang dội mà mạnh mẽ. Đây mới là vị thống lĩnh trẻ tuổi sẽ khiến cho mười vạn binh sĩ tinh nhuệ nhất nước trong quân đội hết lòng ủng hộ.

Trong lòng ta thật sự bị rung động, yên lặng một lúc lâu, sau cùng y đứng thẳng người dậy.

“Xem ra đệ đã bàn bạc với Trọng phụ cả rồi mới đi tìm ta.”

“Thần đã cùng Ngụy bá bá cân nhắc toàn bộ kế hoạch rồi.”

“Nói như vậy, ta không đồng ý cũng không được rồi nhỉ?”

Tuế Tuế nghiêm mặt, nén cười: “Sợ là không được rồi”.

Ta hừ lên một tiếng: “Đệ phải biết là ta đã chờ mong được dùng đao thật, thương thật xông pha chiến trường giết giặc bao nhiêu năm rồi không?”.

Y ngước mắt nhìn ta: “Cho dù Hoàng thượng có xuất chinh, thì nhất định cũng chẳng thể nào đụng đến bất kỳ đao thương nào được đâu”.

Ta buồn nẫu ruột.

Chắc hẳn là y muốn an ủi ta, thế nên mới thành khẩn kiến nghị: “Nếu như Hoàng thượng thật sự cảm thấy ngứa tay thì có thể đi tìm Nguyệt Nguyệt”.

Ta xua tay lia lịa: “Ta chỉ ngứa tay thôi, đâu phải ngứa da!”.

Cười nói mấy câu, ta lại hỏi: “Nắm chắc mấy phần thắng?”.

“Bảy phần. Còn lại thì phải dựa vào ý trời.”

“Thế thì đệ và ta sẽ cùng hợp lực, hãy để cho ông trời cũng đứng về phía chúng ta!”

Tuế Tuế chầm chậm gật đầu, rồi cùng ta đập tay lập lời thề. Y cười, rất hiếm khi bắt gặp được nụ cười rạng rỡ như vậy trên khuôn mặt y.

Ta không biết, đây là do cuối cùng y cũng đã thực hiện được ước vọng chinh chiến xa trường, bảo vệ đất nước cùng bách tính. Hay là chỉ đơn thuần vì y có thể khiến cho người nam nhân mà muội muội y yêu tránh xa khỏi hiểm cảnh được tạo thành từ máu và lửa kia nữa.

12.

Ngày đại quân xuất phát, bầu trời quang đãng ngàn dặm.

Ta tự tay dìu Tuế Tuế trong bộ bạch bào bạch giáp lên trên lưng ngựa, khẽ nói với y: “Ngày đệ khải hoàn cũng là lúc trở thành đại cữu tử của ta”.

Y sững sờ, sau đó nhẹ nhàng đấm một quyền lên hõm vai ta: “Chứng ngứa tay của huynh đến khi đệ về sẽ trị sau”.

“Đến khi đó, chúng ta nhất định phải uống say một trận cho ra trò.”

“Đánh một trận nữa chứ!”

Y cười sảng khoái rồi thúc ngựa.

Mũi kiếm chỉ đến đâu, ai dám bất tuân. Thét lên một tiếng khiến ba quân tan tác, nam nhi là phải như vậy.

Lá cờ soái thêu chữ “Tiêu” thật lớn dần dần biến mất khỏi tầm mắt ta, khi ta nhìn thấy lại, đã là mùa đông của hai năm sau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện