Cũng phải nhắc đi nhắc lại câu nói này: Buổi sáng ngày thứ hai, trước khi mặt trời lên khoảng mười đến mười lăm phút, tôi đang rảo bước trên cánh đồng hoang vu ở quê hương mình.Trong lúc này, tôi đang kế thừa cả truyền thống đại tiện không thối cũng như những kiểu tư duy rối rắm và phức tạp của đại gia tộc, nghĩ đến chuyện ông Tứ và ông Cửu vì một người đàn bà mặc váy đỏ mà hiềm khích với nhau, lại nghĩ đến con họa mi và chú ngựa vằn ở kinh thành, và bao trùm hơn cả là hình ảnh người đàn bà đã tặng cho tôi hai bạt tai nõn nà đang nằm trên giường.

Khi mặt trời bắt đầu le lói những tia sáng đầu tiên trên cánh đồng hoang, hai chân tôi bỗng dưng linh hoạt hẳn lên.Tôi nhảy, tôi chạy và tất cả những tạp niệm trong đầu hoàn toàn biến mất, toàn thân được nhuộm hồng bởi những tia sáng huy hoàng đầu tiên của một ngày. Đứng trên cánh đồng hoang vu của quê hương, tôi nhận ra một cảm giác an toàn như thuở tôi còn được ôm ấp trong bụng mẹ.

Gia tộc của chúng tôi có một cách biểu đạt tình cảm rất độc đáo nhưng những thứ ngôn ngữ đẹp đẽ của chúng tôi đã bị người đời chửi là thô tục, bẩn thỉu, rác tai, nhớp mắt… Chúng tôi quá oan khuất. Khi chúng tôi ca tụng đại tiện, ca tụng hạnh phúc được đại tiện thì những người trong bụng chứa đầy phân lại chửi chúng tôi là bẩn thỉu, hạ lưu… Chúng tôi càng oan khuất! Những lọn phân mà chúng tôi đại tiện ra trông chẳng khác nào những quả chuối tươi nguyên được dán nhãn thương hiệu nhập khẩu từ nước ngoài vào, tại sao chúng tôi lại không được ca tụng nó? Lúc đại tiện, chúng tôi luôn liên tưởng đến một hình thức cao thượng của ái tình, thậm chí có khi thăng hoa thành một nghi thức mang tính tôn giáo, tại sao chúng tôi lại không thể ca tụng nó? Nửa vành mặt trời đã nhô lên khỏi mặt đất, ánh sáng màu vàng, ánh sáng màu đỏ hỗn dung, đồng cỏ rực rỡ lấp lóa. Chỉ cần nửa vành mặt trời mà ánh sáng đã ngập tràn muôn trượng, những tia sáng như những cánh tay đầy sức mạnh đang quét sạch những vẩn bụi trong không gian. Trời cao lồng lộng không một áng mây, một màu xanh thăm thắm như đại dương dập dềnh, dập dềnh.

Cả vùng Đông Bắc Cao Mật lâu lắm rồi không mưa đang run rẩy dưới trời xanh thăm thẳm.

Tôi đứng trên đồng hoang, đạp trên mặt đất đen cứng và khô đòn để cho những tia sáng mặt trời ghé thăm đôi mắt mình.

Vùng đất hoang này chính là nơi tôi đã từng chăn dê chăn trâu thuở ấy, cũng là nơi đã từng nhận lấy những lọn phân đẹp như quả chuối nhập khẩu của tôi. Bây giờ, cỏ trên đồng đã khô quắt, những con mương xa xa đang tỏa lên không gian những mùi xú uế nồng nặc, trước mắt tôi là một đống phân do ai đó thải ra cũng đang bốc mùi thối kinh khủng. Tôi thất vọng vô cùng. Khi nhìn thấy đống phân này, đột nhiên một câu nói chưa hề được suy nghĩ kỹ càng và cũng nằm ngoài những dự liệu đã lóe lên như điện trong đầu óc tôi: Trong tầng sâu của những lớp bùn đất màu đỏ này đã mai táng quá khứ vô cùng hiển hách và cũng vô cùng phức tạp linh loạn của gia tộc đại tiện không thối ở vùng Đông Bắc Cao Mật. Hiện tại và tương lai, nó chính là sự trầm tích của một vùng văn hóa độc đáo, là hỗn hợp thi thể của châu chấu đỏ, phân không thối, và của các loài động vật khác cũng như những chất dịch tiết ra từ thân thể con người.

Năm mươi năm trước, khi vốc một nắm châu chấu trong tay, ông Tứ bỗng nhiên cảm thấy sợ hãi và kính trọng đối với loài côn trùng bé nhỏ này.

Năm mươi năm sau, tôi đi trên vùng đất hoang lặng lẽ của quê hương mình. Mặt trời đã lên, vừa to vừa trắng, ánh sáng rực rỡ chiếu lên muôn vật. Tôi quan sát rất kỹ những con châu chấu màu đỏ sậm đang bám đầy trên những cành lá, trên cỏ và phát hiện những đôi mắt trong veo như thủy tinh đang phát ra một thứ ánh sáng vừa e ấp vừa điên cuồng, hai thiếc râu nhỏ xíu rất đối xứng trên đầu rung rung như đang trêu chọc tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng đã chứng kiến được những con châu chấu mà tôi vẫn thường mơ ước. Tôi nghĩ là những con châu chấu mà tôi đang trông thấy đây có chỗ giống nhưng cũng có chỗ không giống với những con châu chấu mà mọi người đã thấy năm mươi năm trước, cũng giống như chuyện hiện nay người ta đại tiện về cơ bản cũng giống như năm mươi năm trước, nhưng tất nhiên là không thể giống nhau đến độ hoàn toàn.

Mặt trời đã lên cao, những chiếc xúc tu trên đầu châu chấu cũng dao động mạnh hơn và gần như đồng thời, tất cả châu chấu bắt đầu vận động và sau đó thì nhảy loạn xạ. Mặt đất im lìm nứt nẻ lâu ngày bỗng nhiên sinh động hẳn lên, tất cả cành cây cuống lá đều có đeo những con châu chấu, lúc này chỉ to hơn con ruồi một tí. Một thứ âm thanh, nhỏ thôi nhưng vô cùng dày đặc vang lên.

Tôi tiếc là mình không được chứng kiến kỳ quan châu chấu chui lên khỏi mặt đất như ông Tứ năm xưa. Tôi tin rằng, nếu những nhân viên nghiên Cửu của Phòng nghiên Cửu châu chấu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp được nghe ông Tứ kề về chuyện này, có lẽ sự tiếc nuối của họ còn lớn hơn tôi nhiều. Họ đã đến, chân mang giày da, đi từ phía mặt trời đến đây. Họ vác mặt trời trên lưng đi về phía tôi, ánh sáng mặt trời ban mai luồn qua đôi chân họ, họ đạp lên cỏ mà tôi có cảm giác họ đang đạp lên lồng ngực mình. Tôi vẫn biết cảm giác này là không lành mạnh và cũng rất vô lý nhưng tôi không thể nào khống chế chính mình. Họ đi thành một hàng ngang chín người, ba nữ sáu nam. Cả ba cô gái đều còn rất trẻ, trong số sáu người đàn ông thì có bốn thanh niên, hai người còn lại tóc đã bạc phơ. Ba cô gái đều đeo kính đổi màu, sáu người đàn ông cũng đeo kính nhưng hình dáng và màu sắc không hoàn toàn giống nhau. Tất cả đều đội mũ vải mềm màu trắng, ở Đông Bắc Cao Mật này chỉ có trẻ sơ sinh mới đội mũ như thế. Người dân ở nông thôn cười mũi coi thường nhóm người này, tuy bên ngoài vẫn biểu lộ sự kính trọng sợ sệt, nhưng trong lòng thì nhìn họ chẳng ra gì.

Tất cả chuyên viên nghiên Cửu về châu chấu của Viện nghiên Cửu đều đeo máy ảnh trước ngực, thi thoảng có người quỳ xuống đất để bấm máy, vô số châu chấu bắn lên như những viên đạn nhỏ bám chặt vào quần áo và máy ảnh của họ. Ba cô gái bị những gọng kính quá lớn che mất khuôn mặt nên chỉ có thể cảm nhận sự khác biệt của họ thông qua hình thể. Khi họ tiến sát đến bên cạnh, tôi trông thấy người già nhất trong nhóm đeo kính gọng bạc đang dùng kính lúp để quan sát một con châu chấu nhỏ đang nằm im trên một lá cỏ.

Khi đứng trên mảnh đất này, tôi luôn cảm nhận được một niềm tự hào, một cảm giác trên cao nhìn xuống đối với tất thảy. Tôi đường hoàng tiến thẳng đến nhóm nghiên Cửu viên, cánh tay vung vẩy suýt chạm vào eo lưng của một cô, nhưng tôi chẳng thèm quan tâm đến chuyện ấy. Tôi khom lưng, mông hướng lên trời, lão già đeo kính gọng bạc đang ngồi dưới mắt tôi. Tôi thở phì phò như một con rắn độc đang chuẩn bị tấn công con mồi. Tôi nhìn những đường gân xanh xanh nổi cộm như những con giun đất trên mu bàn tay trắng nhợt của lão già. Chiếc kính lúp xanh xanh đang được kẹp giữa hai ngón tay của lão cũng giống như chiều hôm trước tôi đã dùng hai ngón tay của mình kẹp lấy đuôi con chuồn chuồn. Tôi còn phát hiện, trên mu bàn tay của lão già có một cái bớt màu đỏ lớn hơn hạt đậu. Đầu lão đang cúi xuống nên trên cổ, những nếp nhăn đùn lại, khô khốc. Chiếc kính lúp đang lấp lánh những ánh sáng trắng xanh. Tôi cúi đầu xuống thấp hơn và đột nhiên, tôi phát hiện ra một con châu chấu cực to.

- Đúng rồi, đúng rồi! Là loại châu chấu bay điển hình của vùng Đông Á! – Lão già lẩm bẩm như nói cho chính mình nghe, không hề ngước đầu lên, đôi gọng kính trên mắt lão gần như dán vào chiếc kính lúp. Dưới chiếc mũ vải mềm màu trắng, mái tóc bạc trắng của lão vừa mềm mại vừa thưa thớt, mồ hôi tiết ra từ chân tóc của lão chảy ròng ròng xuống cổ và bốc lên một thứ mùi của xác côntrùng nát rữa.

Khi lão đưa cao chiếc kính lúp lên, một con châu chấu to như một con chim én xuất hiện trước mắt tôi. Con châu chấu được phóng đại lên đến mấy trăm lần càng bộc lộ vẻ uy nghiêm và bỗng dưng tôi cảm thấy sợ hãi. Cặp xúc tu trên đầu nó to như một cọng lúa rưng rung. Té ra xúc tu của châu chấu lại có hình dáng dáng sợ như thế sao? Nó vừa giống như một chiếc roi trúc với nhiều đốt lồi lõm, lại vừa giống như một con rắn nhỏ có nhiều khoang, màu đó sậm – màu cơ bản là đỏ sậm, bởi từ gốc đến ngọn, màu đỏ sậm này đã nhạt dần và đến đoạn cuối thì đã có màu sữa, một thứ màu khơi gợi nhục cảm. Tôi chăm chú nhìn vào chiếc xúc tu. Cảm giác của nó rất nhanh nhạy, có lẽ bên trong là rất nhiều sợi thần kinh. – Tôi chợt nghĩ đến những chiếc đuôi của những loài động vật bò sát: rắn, rắn mối, thạch sùng, cá cóc Trên cái đầu hình chiếc búa, con mắt lồi lên lồ lộ trông có hình lục lăng. Tôi chợt nhớ đêm hôm trước, khi lật cuốn “Châu chấu đã đọc thấy một đoạn giới thiệu về loại mắt này. Lúc này, đôi mắt ấy đang lấp lánh một thứ ánh sáng màu lam sậm, không, nó phải là màu lam pha lẫn màu vàng đang nhìn chằm chằm vào tôi, không hề di chuyển khiến tôi cảm thấy có một chút bất an. Nó có hai chiếc chân rất to khỏe và bốn chiếc chân nhỏ hơn nhưng có phần quá dài. Bụng của nó có một, hai, ba, bốn, năm, đúng rồi, năm khoang, càng về sau càng nhỏ dần, khi gần với đuôi, chiếc bụng lại chẻ làm hai.

Đây là con châu chấu đực, hay là cái? Tôi thoáng nghe một câu nói chia làm hai đoạn thoát ra từ miệng tôi, nhưng sao nó lại ồ ồ và có vẻ lạ lẫm, hình như đó không phải là giọng nói của chính tôi.

- Cậu có mắt không đấy? Ngay cả một con châu chấu đực hay cái mà cũng không phân biệt nổi hay sao? – Lão già nói với một chất giọng vừa trào tiếu vừa khinh miệt, khi nói lão cũng không hề ngẩng đầu lên.

Tôi nghĩ, lão già này chẳng khác gì yêu tinh. Sao lại có thể xác định dược là châu chấu đực hay cái được nhỉ?

- Giáo sư! – Cô nghiên Cửu viên mặc chiếc váy màu đỏ, đôi chân trắng của cô ta bị cỏ khô cứa thành những vết xước màu trăng trắng kêu lên – Giáo sư, đi thôi! Chúng ta phải ăn sáng đã!

Té ra lão già ấy lại là một giáo sư.

Lão già, không, phải gọi là giáo sư thôi. Giáo sư châu chấu khó khăn đứng dậy nhưng đôi mắt vẫn luyến tiếc liếc nhìn những con châu chấu. Có lẽ chân ông ta đã bị tê, nhất định ông ta là một kẻ ăn không ngồi rồi nhưng ít chịu rèn luyện, do vậy chân ông ta mới bị tê. Bước chân ông ta lảo đảo, nghiêng bên này vẹo bên kia trông thật khổ sở. Khi đứng lên, ông ta đánh rắm một tràng thật dài, đánh rắm dài như thế chỉ có những người sắp chết mới có thể làm được. Điều này khiến tôi kinh ngạc vô cùng, không ngờ rằng một giáo sư đường đường oai phong cũng đánh rắm! Châu chấu bám đầy trên quần ông ta. Luồng khí từ trong bụng ông ta tuồn ra mạnh như thế mà vẫn không thổi rơi những con châu chấu bám chung quanh đũng quần gần hậu môn, cho thấy độ bám của những con châu chấu là rất tốt. Giáo sư đánh rắm vừa to vừa dài vừa thối. Tôi vốn đã biết ông ta không phải là loài động vật ăn cỏ cao cấp, nói chung là đám người này không hề ăn cỏ; đối với châu chấu, họ không hề tôn kính cũng chẳng hề sợ hãi, họ là những người dùng ánh mắt của kẻ bề trên nhìn xuống để quan sát cỏ xanh và đầm lầy.

Giáo sư cùng với những cộng sự – những con người không hề ăn cỏ, xiên xiêu vẹo vẹo đi về hướng tây rồi rẽ ngoặt về hướng nam. Ở phía bắc đầm lầy đã có ba chiếc lều màu trắng sữa được dựng trên cỏ. Họ đi về phía những chiếc lều ấy. Giả sử trong một đêm nào đó, bên trong những chiếc lều này ánh lửa rực lên, những tấm vải bố màu trắng run rẩy trong ánh sáng, đồng cỏ được ánh lửa nhuộm cho đỏ rực, những con châu chấu sẽ kéo thành từng đàn ào ạt xông về phía ánh lửa; còn những người dân trong làng thì tề tựu trên bờ mương đầu thôn, miệng nhai những cọng rễ cỏ tranh khô, nhâm nhi vị ngọt của rễ cỏ và cũng là để kỳ cọ bữa cơm đóng ở chân răng, mắt nhìn những bóng người to đùng di chuyển liên tục in trên nền vải trắng và những đàn châu chấu dày đặc như những đám mây đang bổ nhào về phía ánh lứa. Cho đến khi mùi thối của thịt động vật cao cấp và mùi khét của loài châu chấu bị thiêu cháy đan quyện vào nhau xộc vào mũi cũng chẳng có ai trong số họ động chân động tay. Cái gia tộc ăn cỏ xanh này vẫn giữ một thái độ lạnh nhạt gần như là cao ngạo của ngọn lửa. Trong lịch sử tồn tại lâu dài của bất kỳ gia tộc nào cũng đều có những sự kiện trọng đại mang tính thần thoại có ảnh hưởng rất lớn đến mệnh vận của từng gia đình, về sau càng ngày càng được phủ thêm những sắc thái thần bí. Giống như gia tộc họ Tiết ở Tây Bắc Cao Mật xem chim én là kẻ thù, xem ruồi là linh vật, gia tộc ăn cỏ xanh đồ sộ ở Đông Bắc Cao Mật chúng tôi rất kính trọng và sợ hãi ngọn lửa trên đồng cỏ.

Trên đường quay trở về làng, tôi đã gặp ông Cửu – người đã xuất hiện trong lời kể của tôi ở trước. Ông Cửu đã tám sáu tuổi nhưng trông vẫn còn khỏe lắm. Mười mấy năm trước trên con mương đầu làng, ông đã dùng chiếc chĩa ba cứu bà Cửu sắp bị nhấn chìm xuống bùn, vì say rượu nên đôi mắt ông đỏ ngầu, chân cẳng quýnh quáng. Mười mấy năm không gặp, hình như ông có cao lên và gầy đi, mặt trơn nhẵn chẳng có lấy một sợi râu. Rõ ràng ông Cửu đẹp hơn xưa nhiều, mắt không đỏ, phổi cũng trong hơn nên không còn ho sù sụ nữa, màu cỏ xanh ẩn ẩn hiện hiện trong mắt ông. Trong ký ức của tôi, ông Cửu không hề nuôi chim, còn ông Tứ thì năm nào cũng nuôi một con sơn ca. Nhưng hôm nay thì mọi chuyện hình như đã thay đổi. Ông đang đi về phía tôi, trên tay cầm một chiếc lồng chim đúc bằng đồng đã đổi thành màu xanh như một hiện vật vừa mới quật lên từ dưới lòng đất. Gặp ông vừa đi tới, tôi bước tránh sang một bên nhường đường, cất tiếng chào:

- Ông Cửu ơi! Ông đi ra đồng đại tiện đấy ạ?

Ông Cửu dùng đôi mắt lấp lóa màu xanh nhìn tôi, chiếc mũi khoằm trông như mũi chim ưng hấp háy, không nói. Lâu lắm, ít ra là phải hút đến nửa điếu thuốc, ông mới cất giọng mũi ồm ồm nói:

- Đồ tiểu tạp chủng! Mày chạy trốn đi đằng nào lâu vậy?

- Chạy trốn lên thành phố ạ.

- Trên thành phố có cỏ tranh cho mày ăn không?

- Không có, trên thành phố không có cỏ tranh để cháu ăn đâu ạ.

- Mày xem hàm răng của mày kìa!

Ông Cửu nhe đôi hàm răng trắng đều ra và cười chê hàm răng của tôi, bởi lâu ngày không ăn cỏ nên hàm răng tôi vừa vàng khè vừa cáu bẩn.

Ông Cửu lôi tử trong chiếc túi áo hình vuông ra một nắm rễ cỏ tranh trông rất sạch sẽ đưa cho tôi rồi dùng giọng thân tình của người trên dạy dỗ kẻ hậu bối nói với tôi:

- Cầm lấy, ăn nhanh lên! Không được nhả ra, phải nuốt hết.

Vừa nói, ông Cửu vừa dùng chiếc đầu lưỡi hồng hồng đẩy những cọng rễ cỏ đang nhai trong miệng đến độ nát nhừ ra ngoài, dùng môi kẹp lại cho tôi xem. Đôi mắt ông mở rất to màu xanh trong mắt như muốn tuôn chảy ra ngoài.

- Nhai kỹ rồi nuốt đi!

Ông Cửu tiếp tục nhai cỏ, tiếng nhai chóc chách vang lên có vẻ rất ngon lành, tiếp tục nhắc nhở tôi: Nhai kỹ rồi nuốt đi?

Vâng, thưa ông Cửu, cháu nhất định sẽ nhai kỹ và cháu sẽ nuốt. Rất nhanh, tôi rút mấy cọng rễ cỏ tranh nhét vào miệng, vừa nhai vừa nhìn ông lão tám sáu tuổi thầm thề với ông như vậy. Để biểu thị lòng kính trọng đối với ông, tôi tiếp tục hỏi:

- Ông Cửu ơi, ông ra đồng đại tiện đấy à?

Bởi trong miệng có cỏ tranh nên giọng nói của tôi cũng biến thành một thứ giọng mũi giống hệt như ông Cửu.

- Ông vừa đại tiện xong, bây giờ thì đem chim đi dạo – Ông Cửu nói.

Lúc này tôi mới phát hiện ra trong chiếc lồng màu xanh

có một con chim.

Thì ra đó là một con cú mèo, lông cánh rất dày, có lẽ được cho ăn quá nhiều nên rất mập, chiếc mỏ cong cong đang rúc vào trong vòm lông dày dưới ngực. Vì chiếc lồng quá bé nên trông nó to lớn kinh khủng. Khi con cú mèo mở to đôi mắt vàng vàng ra, tôi phấn khích đến độ muốn gào to lên. Trong đôi mắt tròn vo của nó có hai điểm sáng chỉ lớn hơn đầu mũi kim nhưng đang phát ra một thứ ánh sáng màu vàng rất kỳ lạ. Nó đang dùng những móng vuốt rất sắc và chắc bám xuống một cành cây bắc ngang trong lồng, đứng rất vững vàng. Trên cành cây, trong chiếc lon đựng nước bầy nhầy những thịt và máu.

Ông Cửu ơi! – Tôi nghi nghi hoặc hoặc hỏi – Tại sao ông lại nuôi loại chim này? Ông có biết là những người ở thành phố gọi nó là loài chim tan cửa nát nhà không?

Một cách tức tối, ông Cửu vỗ vỗ vào chiếc lồng. Con cú mèo mở mắt, nhìn tôi một cách độc ác và căm thù rồi ngoác chiếc mõm khoằm lên kêu một tiếng. Tôi kinh hoàng đến độ nuốt vội bã cỏ tranh vẫn chưa kịp nát xuống bụng một cách vô thức. Bã cỏ chui vào cuống họng tôi, rát và ngứa khiến tôi ho lên sù sụ .

Tôi rất muốn trốn tránh cái nhìn đáng sợ như muốn bới hết tâm linh con người của con cú mèo nhưng đồng thời lại muốn giao lưu tư tưởng với nó bằng cách nhìn thẳng vào mắt nó. Cuối cùng thì tôi cũng đã khắc chế được nỗi sợ hãi đáng xấu hổ của mình để đường hoàng nhìn thẳng vào mắt con cú mèo. Đôi mắt nó tròn đến độ không thể tròn hơn được nữa, hai đốm sáng màu vàng vẫn cứ thế, uy nghiêm và thần bí vô cùng.

Tôi đã phát hiện những móng vuốt của nó đang bám trên cành cây đã bắt đầu run lên nhè nhẹ. Tôi tin tưởng rằng, chỉ cần ông Cửu thả nó ra khỏi lồng, nó sẽ phóng vút đến và chỉ cần hai cú mổ, nó đã lôi đôi tròng mắt của tôi ra ngoài.

Con cú mèo có lẽ đã mệt, khép mắt lại. Tôi hỏi ông Cửu có bao nhiêu loài chim đẹp và biết hót tại sao ông không nuôi, chẳng hạn như họa mi, như sơn ca, như chào mào, như cu cườm…, hà cớ gì ông lại nuôi một con quái vật hung ác và có tiếng kêu khiến người ta phải dựng tóc gáy lên như thế. Ông Cửu lại biện hộ cho con cú mèo của mình. Ông nói không thích các loài chim khác mà chỉ độc tôn cú mèo, còn bảo cần đến hai năm cộng với chín ngày mới có thể dạy được cho con cú mèo này biết nói. Ông còn bảo rằng, công việc đầu tiên là phải cải tạo cái thói quen ban ngày ngủ ban đêm thức của nó, do vậy mà ông không để cho nó yên tĩnh lấy một phút vào ban ngày. Vừa nói, ông Cửu vừa đập thật mạnh vào chiếc lồng làm cho con cú mèo vừa mới nhắm mắt hoảng hồn đập mạnh đôi cánh chao đảo trên cành cây.

- Cưng ơi, dậy đi, đậy đi! Ban đêm hẵng ngủ!

Ông Cửu thân thiết kêu lên với nó. Con cú mèo ngoặt chiếc cổ có thể quay 360 độ của nó, bất đắc dĩ phải mở mắt ra nhìn láo liên. Đôi mắt của nó lại ngập tràn màu xanh giống như đôi mắt của chủ.

- Can Ba! – Ông Cửu kêu tên cúng cơm của tôi, cái tên mà ngay chính, tôi cũng đã quên mất – Sau hai năm chín ngày, mày đến nhà để nghe cục cưng của ông nói nhé

Con cú mèo hình như muốn khẳng định quyết tâm với chủ, ngoác mõm kêu lên một tiếng. Tiếng kêu của nó đã phảng phất hơi hướng của ngôn ngữ loài người!

Ông Cửu xách chiếc lồng chim xiêu vẹo đi thắng vào đồng cỏ mênh mông. Ông cất giọng ca một bài, khúc điệu của bài hát tôi không có cách nào ghi lại được bởi tôi không hề có chút kiến thức nào về nhạc lý, nhưng thật lòng mà nói, chẳng có nhạc sĩ thiên tài nào có thể ghi lại được những âm thanh từ miệng ông Cửu phát ra. Ca từ thì có thể nghe ra một cách đại khái. Thì ra con người có ý tưởng ngông cuồng là dạy cho cú mèo biết nói tiếng người lại có riêng một thứ ngôn ngữ chỉ thuộc về ông. Đây là một đoạn ca từ của ông mà tôi cũng chẳng hiểu là gì, chỉ xin chép lại để mọi người thưởng thức:

Cáp lý minh minh a phá liễu khố khố – công công công cộng cộng cộng tiểu mã câu – Bảo bối hồ lô phốc lỗ phốc lỗ – Chủy lý thổ xuất nhục nhục thố thố…

Lời ca của ông Cửu đích thực là những lời thần chú trên miệng của các thầy phù thủy. Tôi đoán chắc là những lời ca này chẳng có ý nghĩa gì hết, hình như là ông Cửu muốn đem hết những từ ngữ mà ông tích lũy được cho riêng mình cả một đời tuôn ra nhằm dạy cho con cú mèo của mình những nhận thức căn bản đầu tiên về âm thanh của loài người mà thôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện