Tạm định ngày kết hôn là tháng 5 năm sau.
Lúc này Thịnh Kinh Lan không đập tiền khoa trương như trước mà làm theo quy củ, mang những món đồ tượng trưng cho sự cát tường và một đôi ngỗng sống tới nhà họ Ôn.
Bà mối thông hiểu lễ nghi lấy bát tự và ngày sinh của hai bên, báo quy tắc cho họ.

Nào ngờ khi Thịnh Kinh Lan biết chuyện này, anh liếc nhìn một cái rồi nói: “Không cần xem, cứ viết cho tôi theo hướng tốt nhất.”
Bà mối nghe vậy thì phản bác: “Không được…”
Thịnh Kinh Lan tiện tay thả một tấm thẻ lên.
Tròng mắt bà mối đảo vòng quanh: “Tôi thấy ngũ hành hai vị bổ khuyết cho nhau, ngày nguyên tương hợp, đã định sẵn là lương duyên trời định, ngày sau phu thê đồng tâm, ân ái tới bạc đầu.”
Theo quy củ, nhà gái cũng phải đặt ngày sinh bát tự của nhà trai trước tượng Phật, bà mối đi hỏi thử, nào ngờ đằng gái cũng như vậy.
Hai con người trông có vẻ theo quy tắc này lại bất chấp hết các loại quy tắc, đúng là nên thành đôi.
Đã tạm định hôn ước, còn rất nhiều chuyện rườm rà cần phải hoàn thành từng bước một.

Họ chọn ngày cưới vào sang năm vì mùa thu thì không kịp chuẩn bị, mùa đông quá lạnh, sau mùa xuân là thích hợp nhất.
Thịnh Kinh Lan nhắc tới váy cưới, Tống Lan Chi xua tay với anh, gọi Ôn Từ vào nhà: “A Từ, vào đây.”
Bà cụ bước rất chậm, đưa cháu gái vào trong phòng, lấy một chiếc chìa khóa ở ngăn tủ trong góc ra rồi cắm vào ổ khóa.

Cửa phòng mở ra, ánh mặt trời xuyên qua cửa chiếu lên mặt đất, trên chiếc ma nơ canh ở chính giữa phòng là một bộ váy cưới màu đỏ tươi, nổi lên ánh vàng kim.
Phần thân được thêu tay hình long phượng, cổ tay được gắn ngọc trai, là một bộ váy cưới ngụ ý cát tường, đẹp đẽ, trân quý và chói mắt.
“Đây…” Ôn Từ không khỏi bước lên một bước, duỗi tay chạm vào bộ áo cưới vô cùng tinh tế này, khuôn mặt không khỏi rung động.
Thần thái Tống Lan Chi sáng láng, trên mặt là một nụ cười hiền từ: “Cháu có biết năm ngoái bà xin quẻ trong miếu, được quẻ như nào không?”
Ôn Từ chậm rãi lắc đầu.
Tống Lan Chi kéo tay cô, khóe mắt già nua không giấu được ý cười: “Trên quẻ nói, lương duyên của bọn cháu là được trời ban, gặt hái được cả danh lẫn lợi.” Nên từ khi đó, bà đã bắt đầu chuẩn bị váy cưới cho cháu gái.
Cũng không phải chỉ vì quẻ ấy mà còn là vì bản thân đã có tuổi, thị giác và tinh thần đều không bằng được trước đây, nên bà chuẩn bị sớm một chút, mong cháu gái sẽ mặc được bộ váy cưới mình tự tay thêu vào lúc mà cô muốn.
Đây là lời chúc phúc của bà ngoại.
“Bà ngoại.” Đôi mắt Ôn Từ rơm rớm.
“Đừng khóc mà, gả cho người mình thích là chuyện tốt, sau này có người ở bên A Từ của chúng ta cả đời.” Bà cụ giơ tay trấn an cảm xúc của cháu ngoại.
Ôn Từ cúi người ôm lấy bà, cười cười rồi khịt mũi: “Cháu vui lắm, cảm ơn bà ngoại.”
Những người khá thân quen quanh họ đều biết hai người chuẩn bị kết hôn, Dụ Dương là người lắm mồm, ngày nào cũng càu nhàu với người ngoài chuyện Thịnh Kinh Lan làm lố: “Mọi người có biết bây giờ cậu ta làm gì mỗi ngày không?”
Thịnh Phỉ Phỉ và Chu Hạ Lâm đồng thanh: “Làm gì?”
“Ngày nào cũng bảo tôi liên hệ cái này, tra cái kia, đòi làm cái gì mà ô giấy, tráp long phượng… Sư phó cũng phải tìm người tốt nhất, kiểu người đại diện cho cả một nghề gia truyền ấy.” Mới mấy thứ anh ta biết thôi đã là cả một đống lớn, bây giờ mới là tháng Chín, không biết bảy tám tháng tới Thịnh Kinh Lan còn làm những gì nữa.
Thịnh Phỉ Phỉ ngồi bên cạnh cười vui vẻ: “Chú Út nhà em cũng chỉ kết hôn có một lần này thôi, anh Dụ Dương đành phải vất vả giúp chú ấy vậy.”
“Tôi thì cũng vui lòng chỗ trợ thôi, nhưng thái độ của cậu ta không ai tưởng tượng được đâu.

Hai người phải ở đó mới hiểu tâm trạng của tôi.” Anh ta nhớ hồi trước Thịnh Kinh Lan là một người ghét bỏ các loại quy củ trói buộc, nhưng lần này, việc gì anh cũng tự tay làm lấy, những chuyện có thể tự làm thì chắc chắn sẽ không nhờ vả người ngoài.
Chẳng mấy chốc mà đã đến tháng Mười, sinh nhật Ôn Từ trùng ngày với lễ Quốc Khánh, ngoài những vị khách nhà họ Ôn ra thì còn cả bạn bè của Thịnh Kinh Lan, không có quá nhiều người, đều là những người mà Ôn Từ có quen biết.
Những người đồng trang lứa ngồi cùng một bàn, uống rượu xong, Dụ Dương với bộ mặt đỏ bừng đi qua cầm lấy cổ áo Thịnh Kinh Lan: “Cậu định ăn vạ ở nhà họ Ôn đấy à?”
“Có nghe đến ở rể bao giờ chưa?” Bộ dạng anh rất đắc ý, nghe chừng rất lấy làm tự hào.
Sa Sở thì thầm bên tai Ôn Từ: “Cậu ta muốn đến nhà em ở rể thật đấy à?”
Ôn Từ mỉm cười lắc đầu: “Không đâu, anh ấy định cư ở thành Nam, bà ngoại với mẹ em đều đã thấy tấm lòng của anh ấy, em cũng đâu cần anh ấy phải hạ mình vì em.

Sau này là cuộc sống của hai bọn em, không quy định em phải gả vào nhà anh ấy hay anh ấy đến ở rể nhà em.”
Sa Sở cầm chén rượu trong tay: “Chị thấy cậu ta cũng vui lòng đấy chứ.”
Ôn Từ nhoẻn miệng cười: “Ừm, anh ấy cũng không để ý tới chuyện này lắm.”
Sa Sở nhìn đám đàn ông đang chuốc rượu nhau bên kia: “Không để ý? Em bảo cậu ta đổi sang nhà khác mà xem?”
Hồi trước mọi người đều cảm thấy Thịnh Kinh Lan là kẻ không thể khống chế, thật ra không cần khống chế anh, chỉ cần Thịnh Kinh Lan rung động, anh sẽ tự trả giá hết thảy.
Ôn Từ một tay chống cằm, đứng bên cạnh bàn: “Vậy chị thì sao?”
Sa Sở: “Chị?”
Ôn Từ nhìn cô, nói rõ ràng: “Chị với Dụ Dương.”
Sa Sở không chút do dự: “Hai bọn chị không thể đâu.”
Ôn Từ hơi sửng sốt, dò hỏi: “Là chị không thích, hay là?”
Sa Sở chống tay dưới cằm, ngẩng đầu nhìn lên không trung.

Tối nay không mưa không gió không sao, như nội tâm đã sớm hoang vu cô tịch của cô ấy vậy: “A Từ, em sẽ không hiểu đâu, sau khi trải qua một mối tình khắc cốt ghi tâm, em thật sự sẽ mất đi khả năng yêu người khác.”
Bên kia, không biết Thịnh Phỉ Phỉ với Tô Hòa Miêu lại bắt đầu ra tay từ bao giờ, Chu Hạ Lâm tính chen chân vào lại bị hai cô gái hợp sức đẩy ra ngoài.
Thấy khung cảnh này, Tống Lan Chi không khỏi cảm thán: “Trong nhà lâu rồi không náo nhiệt đến thế này, đúng là người trẻ tuổi mới có sức sống.”
“Ồn.” Mọi người đều vô cùng vui vẻ, chỉ có Ôn Như Ngọc vẫn giữ vẻ mặt không đổi sắc ấy, không khác gì lúc bình thường ngồi trong văn phòng xử lý công việc.
“Con ấy à, chẳng biết hưởng thụ gì cả.

Một năm A Từ chỉ có một ngày sinh nhật, chẳng nhẽ con muốn ngồi ăn cơm yên tĩnh như con, ăn xong là đi?” Người càng già thì càng thích náo nhiệt: “Mẹ đã bảo cậu Trình dọn hết phòng cho khách rồi, tối nay giữ mấy đứa này lại đây.”
Nhà họ Ôn chuẩn bị phòng cho những người muốn ngủ lại, Ôn Từ ngồi trong phòng, bỗng thấy cửa sổ hơi lạnh.

Cô quay đầu nhìn ra, người đàn ông chống tay lên cửa sổ của cô, nhanh nhẹn nhảy qua cửa sổ vào trong phòng.
Ôn Từ chứng kiến hết thảy, cũng không biết nên miêu tả tâm trạng của mình ra sao: “Anh không biết đi đường cửa sao?”
Người đàn ông vỗ lớp bụi vốn chẳng tồn tại trên tay: “Đi cửa nhiều rồi, hết thú vị.”

“Anh trèo cửa sổ đến nghiện đấy à?” Ôn Từ không thể tin nổi: “Lỡ bị người khác nhìn thấy, còn tưởng chúng ta đang làm gì đó…”
Người đàn ông tùy tiện bước đi trong phòng, ngồi xuống bên mép giường của cô: “Chẳng lẽ em thấy nửa đêm anh tới phòng tìm em là còn muốn làm chuyện đứng đắn?”
Lời nói thẳng thắn làm Ôn Từ đỏ bừng mặt, cô giơ tay lên che mặt, kêu lên: “Thịnh Kinh Lan, anh để ý mặt mũi một tí chứ.”
“Mặt mũi thì có tác dụng gì?” Người đàn ông thờ ơ nhướng mày, sau đó như nhớ tới điều gì, lại nói: “À thật ra cũng có tác dụng, ví dụ như Khanh Khanh rất thích khuôn mặt này của anh.”
Không ngờ anh lại đắc ý như vậy, Ôn Từ cạn lời hồi lâu, cuối cùng chỉ thốt ra được một câu: “Bớt dát vàng lên mặt.”
Người đàn ông dùng ngón cái tự sờ mặt mình, ra vẻ tự hỏi: “Mỗi lần lúc anh đi ngủ, là ai sấn qua lợi dụng anh, sờ mặt anh?”
Sở thích nho nhỏ bị người ta phơi bày, Ôn Từ thẹn quá thành giận: “Có phải lần nào em cũng sờ đâu? Mặt anh làm bằng vàng chắc? Sờ một tí thì làm sao.”
Anh cười: “Khuôn mặt bé cÔn Từng sờ qua, anh phải tính xem có nên mua bảo hiểm cho nó không.”
Quá là ra vẻ, dáng vẻ của người đàn ông không chút đàng hoàng, từng câu từng câu khiêu khích cô, Ôn Từ hoàn toàn không chống đỡ nổi.
Anh lại một lần nữa bắt cóc Ôn Từ khỏi nhà họ Ôn.
Bảo vệ nhìn chằm chằm vào camera: “Chuyện này…”
Chú Trình giơ tay che mắt, chỉ coi như mù.
Thịnh Kinh Lan uống rượu không được lái xe, lần này là Ôn Từ làm tài xế: “Đi đâu thế?”
Thịnh Kinh Lan chỉ vào một địa chỉ trên điện thoại, đặt trước mặt để Ôn Từ đi theo hướng dẫn.
Ban đêm, con đường trong thành phố rất trống trải, ước chừng qua hơn mười phút, biển hướng dẫn ghi đã sắp tới đích.
Khóa xe lại, Thịnh Kinh Lan kéo cô đi bộ tiếp.

Ôn Từ đánh giá khung cảnh bốn phía, quanh đây đều là những dinh viện độc lập được trang hoàng kiểu Trung Quốc, cách bờ hồ không xa.
“Năm ngoái anh đã mua lại chỗ này rồi, vẫn chuẩn bị mãi nên chưa nói với em.” Anh đã lên kế hoạch từ rất lâu trước đây.
Anh nói đây là quà sinh nhật cho cô, Ôn Từ vừa mừng vừa lo: “Anh không nghĩ, nếu em không đồng ý anh, chẳng phải mọi chuyện đều đổ sông đổ bể ư?”
Người đàn ông cúi đầu cụp mắt xuống, thở dài: “Nếu Khanh Khanh không đồng ý, anh chỉ đành giữ ngôi nhà to đùng này lại, chờ ngày em quay đầu nhìn anh một cái.”
Phản ứng của anh làm cô cảm thấy áy náy, ngày vui như thế này, việc gì cô phải đưa ra giả thiết ấy: “Thịnh Kinh Lan…”
Nào ngờ người đàn ông bỗng ngẩng đầu dậy, chỉ vào chóp mũi cô rồi nói: “Lừa em đó, anh phải bất chấp mọi thủ đoạn để lừa em về nhà chứ.”
Ôn Từ: “…”
Hiển nhiên, là cô đã đánh giá quá cao đạo đức của người đàn ông này.
Ngôi nhà này được tu sửa như một phủ đệ thời xưa, những thiết kế hiện đại nằm kín trong góc, trọn vẹn một khối.

Ôn Từ đi theo anh hồi lâu vẫn chưa tới điểm cuối: “Sau này bọn mình sẽ ở đây à?”
“Sau khi kết hôn sẽ ở đây.” Anh cố tình nhấn mạnh hai chữ “kết hôn”, tựa như đang ám chỉ điều gì.
Ôn Từ buộc phải nhắc nhở người đàn ông uống rượu đến hồ đồ này, chọc chọc cánh tay anh: “Lễ kết hôn đã được định vào tháng Năm năm sau.”
Anh bình tĩnh nói: “Có thể đi đăng ký trước mà.”
“Đúng ha.”
Ôn Từ khoanh tay đánh giá xung quanh: “Thì ra anh muốn làm như vậy.”
Người đàn ông bật cười, cũng không phản bác mà chỉ vòng tay từ đằng sau ôm lấy eo cô: “Ôn Khanh Khanh.”
“Hửm?”
Cô chậm rãi buông tay ra, sau đó đầu vai bỗng cảm thấy nặng nề, hô hấp cực nóng phả vào bên tai: “Em sẽ luôn lựa chọn anh, đúng không?”
“Chỉ có anh thôi.” Cô quay một vòng trong lòng người đàn ông, cuối cùng nhón chân hôn lên khóe miệng anh: “Chọn một ngày đẹp, chúng ta đi đăng ký đi.”

Cô cứ nghĩ Thịnh Kinh Lan sẽ chọn ngày gần nhất, nhưng sau đêm đó anh lại không nhắc lại chuyện đăng ký nữa.

Ôn Từ cũng ngại chủ động mở miệng, hai người cứ sống bên nhau như bình thường, ai đi làm việc người nấy.
Bây giờ ngày nào bên ngoài phòng làm việc “Tàng Trân” cũng có bảo vệ đóng giữ, vốn Thịnh Kinh Lan sắp xếp tận hai người, Ôn Từ cảm thấy làm vậy quá nổi bật, còn dễ dọa phải khách nên cuối cùng chỉ để lại một người.
Gần đây nghe chừng Thịnh Kinh Lan còn bận hơn cô, ngày nào cũng tăng ca trong phòng làm việc.

Ôn Từ tan ca sớm, cố ý đến phòng làm việc của anh.
Dụ Dương thấy cô tới thì chỉ thẳng về phía phòng làm việc của Thịnh Kinh Lan, lúc Ôn Từ đi vào thấy anh đang nhét gì đó vào ngăn bàn: “Anh đang làm gì thế?”
Người đàn ông ngẩng đầu, ngồi thẳng dậy, tùy tiện cầm một cuốn sách gì đó bên cạnh lên, nghiêm trang nói: “Đọc sách.”
Ôn Từ nghi ngờ nhíu mày, nghiêng đầu xác nhận bìa sách: “Nhưng mà anh cầm ngược kìa.”
Thịnh Kinh Lan: “…”
Dụ Dương ngồi bên ngoài ngó vào trong hóng hớt được vài câu, nghe thấy cuộc hội thoại của hai người thì suýt nữa cười xỉu.
Đọc sách cái khỉ gì, ngày nào cũng cầm giấy bút ngồi trong đó lặp đi lặp lại một đoạn thư, giấy nháp cũng ném hết tờ này đến tờ khác vào thùng rác.

Anh ta từng tò mò không biết với khả năng của Thịnh Kinh Lan thì sẽ viết được đến đâu, lén lấy mấy tờ xem thử, thế mà Thịnh Kinh Lan lại run tay!
Một đoạn hôn thư ngăn ngắn anh lại viết đi viết lại, khoảng cách giữa các chữ phải bằng nhau, mỗi nét bút đặt xuống đều phải gọn gàng sạch sẽ, không được nhem nhuốc.

Tóm lại, anh không cho phép trên lá thư xuất hiện một chút tỳ vết nào, đến bây giờ cũng chưa dám đặt bút lên vải đỏ.
Bà mối bảo anh: “Tiếp theo là tới đại lễ, cậu Thịnh phải chuẩn bị lời tựa và sính lễ, còn phải mời hai người phụ nữ có phúc phần trong gia đình tới nhà họ Ôn đưa sính lễ cùng tôi.”
Thịnh Kinh Lan nhíu mày: “Sao phải là người thân?”
Bà mối giải thích: “Được thế là tốt nhất, nếu không được thì cũng có thể tìm người khác.

Chỉ cần mấy người họ đều khỏe mạnh, còn cha còn mẹ, có trai có gái, vợ chồng hòa thuận, thì được coi là người có phúc phần.”
“Được.”
Để tìm được người có phúc phần, Thịnh Kinh Lan quấy rầy đám bạn của mình một lượt.

Anh quen biết rộng, muốn tìm người có phúc phần không khó, nhưng tiêu chuẩn tìm người của anh còn nghiêm khắc hơn bà mối, cuối cùng tìm được hai người phụ nữ có phúc phần còn khéo léo giỏi giang.

Một người là nghệ nhân phục chế văn vật của viện bảo tàng, sinh ra trong một gia đình thư hương, cha mẹ khỏe mạnh, anh em hòa thuận, kết duyên với người chồng cũng là nghệ nhân, con trai con gái cũng rất hiếu thảo, có tiền đồ.
Một người khác là phu nhân của một vị quan lớn, gia thế hiển hách, cả đời thuận buồn xuôi gió, người bình thường muốn hẹn bà đi ăn cơm cũng khó, Thịnh Kinh Lan lại mời được cả bà tới.
Đó là một ngày nắng đẹp nào đó của tháng Mười hai, từng chiếc rương đỏ thẫm lục tục được khiêng vào nhà họ Ôn, danh sách sính lễ thật dài, đọc hết nửa tiếng đồng hồ.
Tô Hòa Miêu đứng trong góc tường, không khống chế được mà há miệng thật to: “Này đâu có phải sính lễ, rõ ràng là của cải.”
Những đồ đã từng đưa tới, Thịnh Kinh Lan không chịu mang đi, sính lễ chính thức lần này chỉ có nhiều hơn chứ không hề ít hơn trước.
Tống Lan Chi và Ôn Như Ngọc không còn gì để nói.
Chỉ là Tống Lan Chi có ngầm hỏi đến gia đình anh: “Chuyện của cháu với A Từ, người trong nhà có biết không?”
“Biết một phần ạ.”
“Bà hỏi cháu, cháu có tính đưa Ôn Từ về gặp người lớn trong nhà không?”
Thịnh Kinh Lan chần chờ một lát rồi mới mở miệng: “Bà ngoại, nhà họ Thịnh không giống vậy đâu.”
Chuyện Thịnh Kinh Lan không hòa thuận với gia đình mọi người đã biết từ lâu, chỉ là nhớ tới chuyện năm ngoái Thịnh Kinh Lan đặt may sườn xám cho bà ngoại, Tống Lan Chi cảm giác có tâm như vậy, không giống như không có tình cảm: “Chuyện nhà cháu bà cũng có nghe qua, nhà họ Ôn chúng ta không phải người cổ hủ.

Cháu thấy được thì cứ nói với người nhà, nếu không muốn liên lạc nữa thì sau này cứ coi nhà họ Ôn chúng ta là người nhà.”
Cứ tưởng là sẽ tạo áp lực, kết quả lại cho anh cảm nhận được sự thả lỏng đã lâu không thấy.
Hẳn là tính cách Ôn Từ được di truyền từ bà ngoại, hai người đều cực kỳ bao dung với người nhà.
Tết Nguyên Đán, Ôn Từ với Thịnh Kinh Lan cùng về thành phố Cảnh, họ không đi gặp bất kỳ ai của nhà họ Thịnh mà tới trước bia mộ của ông ngoại, báo cho ông biết tin hai người sắp kết hôn.
Mấy tháng này, bà cụ Thịnh và Nguyễn Cầm không liên lạc với Thịnh Kinh Lan lấy một lần, vì chuyện của Thịnh Cảnh Ngôn nên cả nhà thấy rất có lỗi với anh, còn thấy rất sợ anh, mỗi lần nói chuyện đều vô cùng uyển chuyển, chỉ cần Thịnh Kinh Lan tỏ vẻ hơi cứng rắn một tí, đối phương sẽ rụt lại ngay.
Buổi tối trước khi định về nhà họ Thịnh, Thịnh Kinh Lan khó chịu ra mặt: “Nói thật, anh không muốn đưa em đi gặp mấy người kia lắm, chướng khí mù mịt.”
Ôn Từ thuận theo anh: “Thì thôi không gặp nữa.”
Người đàn ông hỏi: “Em không ngại?”
Ôn Từ lắc đầu, tính cô hiền hòa, cũng phân rõ thân sơ.
Hiếm lắm mới thấy anh rút ra chiếc bật lửa và hộp thuốc như hôm nay, Thịnh Kinh Lan đứng một mình ngoài ban công hồi lâu, chờ mùi khói tan đi mới bước vào: “Thôi, anh đã làm bà cụ mất một đứa cháu rồi, trả lại cho bà một cô cháu dâu vậy.”
Bà cụ ngày càng ốm yếu, bác sĩ gia đình thường xuyên ra vào khu bà ở, ước chừng chỉ còn thời gian cỡ một năm.
Bây giờ bà cụ gần như không ra sân nổi, phần lớn thời gian đều nằm trên ghế hoặc trên giường.

Thịnh Kinh Lan nắm tay Ôn Từ đi đến trước giường bệnh, bà run rẩy muốn ngồi dậy.

Thịnh Kinh Lan bước tới đỡ, bà cụ thuận thế bắt lấy tay anh.
Bà cụ không có sức, anh có thể tránh thoát dễ dàng, nhưng Thịnh Kinh Lan vẫn giữ tư thế ấy, nghe bà cụ chậm rãi nói: “Kinh Lan, cuối cùng cháu cũng chịu về nhà rồi.”
Vốn Thịnh Kinh Lan cũng rất kính trọng bà, nhưng khi nằm trong bệnh viện nghe thấy những câu nói phản bội của người nhà mình, thậm chí anh còn nghi “vốn cưới vợ” mà bà cụ nói cũng chỉ để anh giơ cao đánh khẽ với nhà họ Thịnh.
Cũng chỉ là lợi dụng mà thôi.
Đối với bà cụ, anh thật sự không còn nói nổi những lời làm bà vui lòng nữa.
Thấy tâm trạng bà cụ không tốt, Ôn Từ gọi một tiếng “bà nội” theo Thịnh Kinh Lan, thanh âm ôn hòa mềm mại chui vào lòng: “Cháu với Kinh Lan sắp kết hôn rồi, bà chăm sóc bản thân cho khỏe, tới lúc đó bọn cháu mời bà tới dự đám cưới nhé ạ.”
Nhưng thật ra họ cũng hiểu, thân thể bà cụ không thể chịu nổi tới tháng Năm để đến thành Nam dự đám cưới.
Hai người ở trong viện của bà cụ một lát, lúc rời đi thì nhận ra không biết từ bao giờ, Nguyễn Cầm đã đợi ở bên ngoài.
Nguyễn Cầm: “Về nhà cũng chẳng báo lấy một câu.”
Thịnh Kinh Lan: “Con nói mẹ cũng đâu muốn nghe.”
Hai mẹ con chưa bao giờ gặp nhau mà hòa thuận cả, Nguyễn Cầm hít sâu một hơi: “Mẹ biết hai con đang tính kết hôn, Ôn Từ là một đứa bé ngoan, con không được để con bé chịu thiệt thòi.

Mẹ vẫn còn chút bất động sản…”
Thịnh Kinh Lan giơ tay ngăn lại: “Không cần.”
Anh vẫn nhớ sắc mặt của Nguyễn Cầm lúc nói Ôn Từ là đồ con riêng trong bệnh viện, bây giờ lại đến tặng quà, chẳng khác nào một lời châm chọc.
“Vẫn nên để lại cho con dâu cả của mẹ đi.”
Nhắc tới Thịnh Cảnh Ngôn, sắc mặt Nguyễn Cầm hết trắng lại xanh, nhân tài bà bồi dưỡng nhiều năm lại bị hủy hoại chỉ trong một sớm một chiều.
“Con không có anh cả, Thịnh Cảnh Ngôn đã bị xóa tên khỏi gia phả nhà họ Thịnh rồi.” Khi Thịnh Cảnh Ngôn cầm dao ép Ôn Từ lên sân thượng, nhà họ Thịnh đã không còn dám lưu lại mối họa này nữa.

Nếu không, họ sẽ có lỗi với liệt tổ liệt tông, cũng không sống được dưới miệng lưỡi thế gian.
Thịnh Kinh Lan vỗ tay nói hay lắm: “Nên như vậy từ lâu rồi mới phải.”
Quay về nhà họ Thịnh cứ như là qua năm quan trảm lục tướng, đến người làm bố trước giờ chẳng quan tâm anh chút nào cũng cố ý chạy về nhà một chuyến.
Thịnh Tề Thiên muốn ôn chuyện, lại phát hiện ra kỷ niệm giữa hai người ít đến đáng thương.
“Nghe nói con sắp kết hôn? Định tổ chức ở đâu? Muốn mời những ai? Bố có một người bạn là chủ một công ty tổ chức tiệc cưới nổi tiếng…” Mất đi người con trai cả, Thịnh Tề Thiên như già đi mười tuổi trong nửa năm, bây giờ chỉ đành tóm chặt lấy con út.
Tiếc là Thịnh Kinh Lan không hề cảm kích: “Không phiền bố quan tâm, tự tôi có thể sắp xếp.”
Hiếm lắm mới thấy Thịnh Tề Thiên cúi đầu được một lần: “Hồi trước con muốn cổ phần của anh cả con đúng không? Nếu con muốn, bố có thể sắp xếp con vào công ty bất cứ lúc nào.”
Thịnh Kinh Lan: “Không cần.”
Sắc mặt Thịnh Tề Thiên dần trở nên khó coi: “Anh cả con đã vậy rồi, chờ tới khi bố xanh cỏ, nhà họ Thịnh cũng chỉ thuộc về con thôi.”
Thịnh Kinh Lan tùy ý vỗ tay: “Ngại quá, tôi tính qua nhà họ Ôn ở rể.”
“Ở rể?” Nghe hai chữ này, bộ mặt thật của Thịnh Tề Thiên lập tức bại lộ: “Con trai của Thịnh Tề Thiên bố sao lại đi ở rể cho nhà người ta được? Con muốn làm bố tức chết à?”
“Kết hôn cũng không mời các người, các người không xứng nhận lễ của cô ấy.” Không có gì bất ngờ, anh lại một lần nữa làm nhà họ Thịnh nháo nhào.
Ôn Từ ngồi dưới lầu nghe thấy động tĩnh thì bỗng đứng dậy, thấy người đàn ông chạy nhanh từ trên cầu thang xuống, cô duỗi tay khẽ túm ống tay áo anh: “Kinh Lan, chúng ta đi thôi.”
Anh kéo Ôn Từ ra khỏi nhà họ Thịnh, rồi bỗng thấp giọng thốt lên một câu: “Nhìn ông ta bực bội là anh vui lại liền.”
Anh đã mang thù, sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ phản bội.
Nhưng nghe câu này, Ôn Từ hiểu, anh vẫn bận tâm trong lòng.

Cô nắm lấy bàn tay lạnh lẻo của Thịnh Kinh Lan, đặt tay anh lên mặt mình: “Chúng ta về nhà đi.”
Có một số người, phải mất cả đời mới chữa lành được vết thương thời thơ ấu.
May mà, họ vẫn còn cả một đời.

Sau tết Nguyên Đán, sinh nhật Thịnh Kinh Lan cũng sắp tới.
Ngày sinh nhật, người đàn ông phá lệ đăng một vài thông tin về cuộc sống của hai người họ lên tường nhà, là hai cuốn sổ đăng ký kết hôn và một bức ảnh hai bàn tay đan vào nhau.
Thịnh Phỉ Phỉ cảm động gớt nước mắt: “Chú Út tỉ mỉ quá, còn tặng cả quả.”
Chu Hạ Lâm: “Cậu bị lừa rồi, tiền mừng cưới còn hơn thế.”
Thịnh Phỉ Phỉ: “…”
Đây là ngày Thịnh Kinh Lan đã chọn rất kỹ, anh phải dùng một ngày lễ hoàn toàn mới để che lấp những hồi ức không tốt, Ôn Từ nghe anh hết.
Sau khi đăng ký kết hôn, hai người mới chọn loại thiệp và bìa thiệp mời, nội dung bên trong đều được Ôn Từ viết tay và đóng dấu bằng tay, tên các vị khách cũng được hai người tự tay đề bút.
Quà kỷ niệm được gửi cùng với thiệp, mỗi một phần đều là một món quà vô cùng tinh thế.
Tháng Ba, Thịnh Kinh Lan đưa Ôn Từ đi đặt làm một chiếc ô đỏ bằng giấy rất phù hợp với cô, còn mời thợ thủ công chế tác một đôi hoa chúc long phượng theo kiểu thủ công, đây đều là những vật phẩm cần thiết cho hôn lễ.
Tháng Tư, họ gần như đã chuẩn bị xong hết những vật phẩm cần thiết cho hôn lễ, từ mũ phượng hoa lệ đến giày cưới nạm ngọc, Ôn Từ thử hết một lượt, chỉ thiếu một cây quạt.
Thứ họ không thiếu nhất là quạt thêu tay, lúc Ôn Từ đang tự mình ra tay, Đường Lâm Lãng bỗng đưa tới một chiếc quạt hợp hoan: “Cho cô.”
Ôn Từ khó hiểu.
Từ sau khi cô rời khỏi Linh Lung Các, hai người nước sông không phạm nước giếng, thỉnh thoảng cũng có gặp nhau vì chuyện công việc chứ không thân quen gì lắm.
Thấy cô thất thần không nhận, Đường Lâm Lãng đặt luôn cái hộp bên cạnh: “Tuy kỹ thuật thêu của tôi không bằng cô, nhưng cũng coi như là không tệ.

Có lấy hay không là việc của cô.”
Nghe giọng điệu khẩu thị tâm phi của cô ta, Ôn Từ mở hộp ra, là một chiếc quạt được thêu tinh tế đẹp đẽ, đến mặt quạt và chất liệu khung quạt cũng thuộc hàng thượng đẳng, đúng là được chế tác rất tinh tế.
“Ôn Từ, tôi không cố tình làm vỡ vòng tay của cô.” Nhiều năm trôi qua, Đường Lâm Lãng lại nhắc tới chuyện khi xưa, và cả một sự thật Ôn Từ cũng không biết: “Cô giáo cũng không thiên vị tôi, hôm ấy cô giáo đã bắt tôi quỳ cả một đêm.”
Cô ta không muốn bị người khác chế nhạo nên vẫn luôn giấu chuyện này trong lòng, chưa từng nói cho ai, đến tận hôm nay.
“Cô biết tại sao mấy năm nay cô Ôn vẫn luôn bồi dưỡng tôi chứ không muốn cho cô quản lý Linh Lung Các không?”
“Vì cô ấy nói, cô không thích cuộc sống như vậy.”
Người làm mẹ như Ôn Như Ngọc, đương nhiên sẽ biết rõ điều con gái mình hằng mong muốn, bà không giỏi thể hiện, cũng không muốn kể lể cho con gái là mình đã làm được bao nhiêu.
Ôn Từ thả cây quạt lại vào hộp: “Tại sao tự dưng cô lại đến nói với tôi những điều này?”
“Cô sắp phải gả chồng rồi, tôi giữ mấy chuyện này trong lòng cũng chẳng có gì thú vị.”
Mấy năm trước cô ta còn muốn tranh giành thi đấu với Ôn Từ một phen.

Mà giờ tuổi ngày càng lớn, cô ta cũng nhìn thấy thế giới rộng rãi hơn, đạt được thứ mình muốn bằng thực lực của chính mình, cô ta mới nhận ra trước đây mình ấu trĩ đến nhường nào.
“Năm mười tám tuổi, tôi đã ký một hiệp định vĩnh viễn với cô Ôn, tất cả những tài sản tôi lấy được từ Ôn thị đều phải chia cho cô một nửa.”
“Nghe như hiệp định bóc lột đúng không? Nhưng thật ra cũng công bằng thôi, cô ấy nâng đỡ tôi được như ngày hôm nay, còn tôi phải đảm bảo cho con gái bà ấy hưởng lạc cả đời.”
Ôn Từ kinh ngạc ngước mắt lên.
Những lời Đường Lâm Lãng vừa nói đều là những chuyện cô không biết.
Đường Lâm Lãng nhìn cô chằm chằm, đây là ánh mắt không nhiễm thế tục, làm người ta vừa yêu vừa hận: “Cô có một gia thế như mơ, dù cô chẳng làm gì cũng có bao nhiêu người yêu thương cưng chiều cô, hồi trước tôi rất ghen tị với cô, nhưng cô chẳng hiểu gì cả, còn coi tôi như chị gái.”
“Bây giờ tôi cũng chẳng thích gì cô, nhưng Ôn Từ, tôi chúc cô hạnh phúc.”
Những lời cần nói cũng đã nói xong, Đường Lâm Lãng không hề dừng lại lâu, ngay khi quay đầu đi thì lại nghe sau lưng vang lên một giọng thì thầm: “Tôi cũng không thích cô.”
Đường Lâm Lãng đưa lưng về phía cô, không quay đầu lại.
Cô ta nhớ tới một cơn mưa sau giờ trưa trong quá khứ, khi đi sau lưng Ôn Như Ngọc, cô ta nhìn thấy một cô gái xinh đẹp mặc váy dài đang nhảy ngẫu hứng trong sân.
“Chị Lâm Lãng, sau này chị sẽ ở lại nhà em ư?”
“Tốt quá, em có chị gái rồi.”
Cô gái không nhiễm một hạt bụi, có một đôi mắt thuần túy nhất mà cô ta từng gặp từ lúc sinh ra tới giờ.

Tháng Năm.
Ngày mà mọi người chờ mong hồi lâu cuối cùng cũng tới, trong ngoài nhà họ Ôn treo đầy lụa đỏ, dán chữ hỉ, trong bán kính vài dặm ai cũng biết nhà họ Ôn sắp có chuyện vui.
Trước khi xuất giá, Ôn Từ quay về nhà họ Ôn ở, như một tập tục về nhà mẹ đẻ để chuẩn bị xuất giá.
Hôm nay Tống Lan Chi mời những người thạo nghề, biết ăn nói và quen thuộc quy trình tới chủ trì buổi lễ.
“Mời chấp lễ che mặt cho cô dâu.”
Ôn Từ mặc áo cưới ngồi ngay ngắn ở chính giữa, khi người chủ trì cất tiếng hô cát tường, bà mối sẽ gập mảnh vải đỏ thành hình chữ thập, che mặt Ôn Từ một cách rất thành thạo.
“Mời mẹ cô dâu cầm lược gỗ đàn hương, chải đầu cho con gái.”
Ôn Như Ngọc cầm lược đi tới sau lưng con gái, một tay nhẹ nhàng cầm lấy mái tóc đen của cô, cúi người chải xuống một lượt, tới khi lược rời khỏi đuôi tóc mới đứng dậy, lần nào cũng thế.
“Lượt một chải tới đuôi, vợ chồng ân ái trọn đời; lượt hai chải tới đuôi, cuộc đời vinh hoa phú quý; lượt ba chải tới đuôi, con cháu đủ đầy quấn quít.”
Sau khi chải xong ba lượt, Ôn Như Ngọc chậm rãi ngồi dậy, cầm lấy cảnh liễu xua xui xẻo, gieo phú quý.
Đốt nến đỏ, thắp hương tổ tiên, cầu trời ban phúc.
“Mời đôi vợ chồng son minh ước.”
Những lời minh ước chính là đoạn thư Thịnh Kinh Lan đã viết.
Ôn Từ thành kính lẩm bẩm: “Cao đường tại thượng, lấy bức thư này làm chứng.”
Thịnh Kinh Lan cũng lặp lại: “Cao đường tại thượng, lấy bức thư này làm chứng.”
Hai người đang nhìn về phía trưởng bối chậm rãi xoay sang nhìn nhau, Ôn Từ khẽ cụp mắt xuống, rặng đỏ trên mặt cũng rực rỡ thêm phần nào: “Hai họ liên hôn, cùng nhau đính ước.”
Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt cô, không cần suy nghĩ mà đã khắc ghi nội dung vào xương tủy từ lâu: “Vĩnh kết lương duyên, xứng đôi vừa lứa.”
Anh hơi ngừng lại một lát, thấy gò má vợ mình đỏ ửng như đóa hoa đào, ý cười trong mắt ngày càng rõ: “Nay hoa đào đua nhau khoe sắc, nghi thất nghi gia.”*
*Một câu khai hôn thời dân quốc, mượn ý trong bài “Đào yêu”
Dịch nghĩa bài “Đào yêu”:
Cây đào tơ xinh tươi,
Hoa nhiều rậm.
Nàng ấy đi lấy chồng,
Thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình.
Khẽ liếc thấy ánh mắt chan chứa tình cảm của anh, hơi thở Ôn Từ hơi hỗn loạn: “Ruộng dưa xanh ngát một màu, dây leo quấn quít*.”
*Một câu được tham khảo từ câu đầu của bài bài Miên – Đại Nhã – Thi Kinh, đại loại là nói về nguồn gốc của con người, ý nói ruộng dưa sinh sôi nảy nở đại diện cho con cháu đầy đàn.
Hai người đồng thanh cùng thề ước bên nhau trọn đời: “Nay cùng thề nguyền bên nhau tới bạc đầu, ghi tại hồng tiên*, lưu giữ cùng thời gian.”
*Hồng tiên: Dạng sách làm bằng trúc thời cổ đại.
Họ đã từng trải qua sinh tử, khó khăn lăm mới đi được tới ngày hôm nay, giờ đây cuối cùng cũng gạo nấu thành cơm, nắm tay nhau cùng bước về phía trước.
Lúc cùng đọc lá thư với Thịnh Kinh Lan, Ôn Từ mới nhận ra, lá thư vốn là chữ viết tay lại biến thành lá thư thêu trên giấy, nét chữ vẫn là kiểu chữ của Thịnh Kinh Lan, mà người thêu bức thư này…
Còn chưa kịp tìm Tôi nghiên cứu, Thịnh Kinh Lan đã cầm con dấu lên, ấn lên mu bàn tay cô, đồng thời ấn thêm một hình lên lá thư.

Cô không khỏi liếc nhìn anh một cái, đụng phải ánh mắt đắc ý của người đàn ông.
Người này!
Đến hôn thư cũng không thành thật.
Cũng may anh vẫn làm theo quy củ, nghiêm túc hành lễ với trưởng bối, rót trà, hoàn thành xuất sắc những lễ nghi của một buổi hôn lễ.
Tranh thủ lúc không ai chú ý, Ôn Từ lặng lẽ hỏi anh: “Sao hôn thư lại biến thành thư thêu tay?”
Thịnh Kinh Lan đã đổi xưng hô rất thuần thục: “Mẹ chúng ta thêu đấy.”
Lúc anh mang hôn thư qua, Ôn Như Ngọc đã lén tìm anh bàn bạc, muốn dùng chỉ vàng thêu lại hôn thư để có thể bảo tồn vĩnh viễn.
Lễ thành hôn chính thức được cử hành vào ngày hôm sau.
Họ có thay đổi những tập tục cũ một chút, không có chặn cửa mà chặn luôn chú rể và phù rể ở dưới lầu, cô dâu cầm quạt tròn đứng trên gác mái, chỉ cho nhìn chứ không cho ăn.
Tô Hòa Miêu vòng tay làm thành cái loa bên miệng: “Chú rể phải lấy được hồng tú cầu thì mới được rước cô dâu về.”
Đoàn đón dâu bên dưới không dám tin, đơn giản như vậy thôi á?
Quả nhiên nhóm phù dâu trên lầu không làm bọn họ thất vọng, quả tú cầu bị treo trên không trung bằng một sợi dây trong suốt, cũng nhìn được mà không sờ được, không khác gì cô dâu.
“Anh Kinh Lan, giờ mình phải làm sao?”
“Trèo tường.”
Lý Chiếu Tuyết và Tô Hòa Miêu không ngờ mấy người này lại hoang dã đến thế, không hỏi họ cách lấy hồng tú cầu mà trèo tường luôn.
Lý Chiếu Tuyết suy tư: “Không thể nào, lầu cao như vậy, họ không bò lên được.”
Ôn Từ: “Không… Anh ấy làm được đấy.”
Dù sao Thịnh Kinh Lan còn từng lật cả cửa nhà họ Ôn lên, cái gác mái tí xíu này có đáng là bao.
Mấy cô ấy cũng không dám để tân lang trèo tường trong ngày cưới thật nên vội cho người đi lên lầu, canh giữ ở cửa rồi thu mấy bao lì xì tượng trưng.
Cuối cùng Thịnh Kinh Lan cũng được nhìn thấy cô dâu, cô dâu cầm quạt che trước mặt, không cho xem mặt.

Thịnh Kinh Lan cúi người ngồi xổm xuống trước mặt cô, cầm lấy chiếc giày thêu bên cạnh đi vào cho cô.
Ôn Từ không có bố và anh trai, cũng chẳng muốn tiếp xúc với những người khác phái đồng trang lứa nên để Thịnh Kinh Lan bế cô ra cửa.
Người làm mẹ như Ôn Như Ngọc thì bung ô đỏ cho con gái, đến tận khi con gái bước vào kiệu hoa.
Không ai để ý thấy, Tiêu Văn Sâm đứng trong nhóm người cũng đã nhìn thấy cảnh này, vẻ hối hận lóe lên trong mắt ông ấy, không khỏi lau nước mắt.
Giường ngàn công, kiệu vạn công, mười dặm hồng trang đều là của cô dâu.
Khung cảnh nổi bật như vậy làm cả thành phố cùng vây xem, những nơi kiệu hoa đi qua, ai ai cũng nhận được kẹo mừng.
Kiệu hoa đi một vòng quanh hồ, đối diện với một chiếc thuyền gỗ treo đầy lụa đỏ, ngụ ý mối tình như cá gặp nước, cuộc sống thuận lợi.
Lúc hoàng hôn buông, thuyền cũng cập bờ.
Thịnh Kinh Lan vén mành che khoang thuyền lên, duỗi tay vào bên trong, cười tươi đến mức đôi mắt đào hoa híp lại: “Vợ ơi.”
Gió thổi tấm vải đỏ, thổi qua cả đôi má đào của cô dâu, bàn tay với những móng tay được sơn đỏ khẽ khàng đặt lên bàn tay anh.

Thịnh Kinh Lan không hề do dự, anh nắm chặt lấy bàn tay ấy, không muốn buông ra nữa.
Nghi thức được cử hành ở một sân viện bên cạnh hồ Lâm, từ bờ đá đến thính đường được trải kín thảm đỏ, không để Ôn Từ đặt chân xuống mặt đất dù chỉ là một phần.
Người dẫn cao giọng nói: “Giờ lành đã điểm.”
Cô dâu chú rể hành lễ ba quỳ chín lạy, cho đến khi kết thúc buổi lễ.
Hai người bước vào phòng tân hôn, rải khăn, cùng uống rượu hợp cẩn.
Hồ lô chia hai nửa, tơ hồng vắt hai bên, hai người giao bôi với nhau, Ôn Từ gần như không dám nhìn vào đôi mắt quyến rũ phía đối diện.
Tô Hòa Miêu với Chu Hạ Lâm nóng lòng muốn thử náo loạn động phòng, hai người quậy bên ngoài, tay Ôn Từ run lên, rượu dính vào môi: “Bọn họ sẽ không xông vào chứ?”
Người đàn ông hơi híp mắt, hừ một tiếng rồi cao giọng nói: “Bọn họ dám à.”
Quả nhiên mấy người đang chờ ngoài cửa không dám nhúc nhích nữa.
Ôn Từ dịu dàng khuyên nhủ: “Anh đừng gắt quá.”
Người đàn ông quay mặt lại đối diện với cô thì lại khác ngay, anh liên tục quấn dây tơ hồng vào hồ lô, kéo tới giữa hai người, nhìn cô bằng ánh mắt sáng rực: “Anh đâu có…”
Hôm nay anh dễ tính lạ thường, Ôn Từ xấu hổ cúi đầu, nghe thấy ngoài cửa vang lên tiếng Thịnh Phỉ Phỉ: “Ôi, mọi người mau ra xem này, trên mặt hồ toàn là hoa đăng thôi.”
Nghe vậy, Ôn Từ đang ngồi bên mép giường cũng phải ngẩng đầu, Thịnh Kinh Lan nhìn thấy tâm tư của cô: “Có muốn đi xem không?”
Quả nhiên cô mừng rỡ: “Được không?”
“Đương nhiên là được.”
Những chiếc hoa đăng hình vuông trôi nổi dập dìu trên mặt hồ đen nhánh, dần dần chồng lên nhau như những chiếc đèn lồng, thắp sáng cả mặt hồ.
“Mọi người xem, trên hoa đăng có chữ hết này.”
Những chiếc hoa đăng này có hình dạng khác hẳn trước đây, trước đây mọi người thích viết tâm nguyện lên một tờ giấy, gấp lại giấu trong đèn không cho người khác thấy.
Những ngọn hoa đăng trước mắt lại có bốn bề trong suốt, những con chữ được ánh đèn chiếu xuyên thấu ra ngoài.
Nơi hoa đăng trôi qua, không ngừng có người tò mò đọc nội dung trên đó:
“Cùng cạn chén rượu, cùng tới bạc đầu.”
“Cùng đàn cùng hát, còn gì tuyệt hơn.”
“Vợ yêu Khanh Khanh, tình yêu của anh.”
Vừa uyển chuyển vừa thẳng thắn, dường như muốn viết hết những lời chúc phúc trên thế gian này lên hoa đăng.
Ôn Từ ngơ ngẩn nhìn dải ngân hà màu vàng trước mắt, bên tai là một luồng hô hấp cực nóng: “Đây là món quà thứ năm mươi mốt Thịnh Kinh Lan tặng Ôn Từ.”
Ôn Từ hơi xúc động, không nói nên lời nữa mà thể hiện luôn bằng hành động, cô duỗi tay ôm lấy anh.
Thịnh Kinh Lan vỗ nhẹ sau lưng cô để trấn an: “Ôn Khanh Khanh, em đang cảm động đấy à?”
“Ừm.” Đầu mũi cô hơi chua xót, nói chuyện cũng như đang nức nở.
Thịnh Kinh Lan cười cười xoa mũi cô: “Phải làm sao đây, vẫn còn một món quà nữa cơ.”
“Là gì?”
“Nhắm mắt lại nào.”
Thịnh Kinh Lan nói sao thì cô làm theo vậy.
Người đàn ông nắm lấy ngón tay cô, ấn vào hộp mực màu đỏ rồi ấn lên một tờ giấy.

Ôn Từ bỗng mở mắt ra, lại thấy người đàn ông đắc ý kéo một góc trang giấy: “Ký giấy bán mình cho em.”
Có rất nhiều người từng nói là không ai khống chế được anh, sẽ rất dễ làm người khác cảm thấy không an toàn.
Nhưng bây giờ, người đàn ông cao ngạo khó thuần đã cam nguyện cúi đầu, anh cải đôi giày cưới màu đỏ ra, thành kính hôn lên đôi chân cô: “Ôn Từ, anh cho em quyền kiểm soát anh mãi mãi.”
Anh ngẩng đầu lên, rơi vào đôi mắt rưng rưng nước ấy.
“Thịnh Kinh Lan sẽ không bao giờ phụ Khanh Khanh.”
 
------oOo------
 


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện