Cắt nhượng thành trì không phải chỉ có mình Nam Tử là có thể quyết định được, nàng muốn đem tin thỏa hiệp đạt được với Khánh Kỵ mang về Tống quốc, rồi để cho phụ thân là Tống quốc quốc quân định đoạt. Nam Tử viết lại tỉ mỉ những chuyện đã trải qua và quan điểm phân tích của mình, cho đến ngày thứ hai mới cử tâm phúc mang về Tống quốc, trước đó tai mắt của Ngô quốc đã phụng lệnh tăng cường trinh sát khu vực Vệ Tống và Tấn quốc.

Khánh Kỵ tận dụng mạng lưới thương nghiệp của Thành Bích làm cơ sở xây dựng mạng lưới tình báo vừa rộng khắp vừa hữu hiệu của mình, trong đó vừa có sự cơ động qua lại, gặng hỏi thăm dò của hành thương, vừa móc nối được với những người dân, sĩ tử địa phương, trong khi đó vào thời này thương nhân có thể độc lập trao đổi những sản phẩm của nước mình với nước khác, làm giàu có và phong phú thêm cho nền kinh tế, là một nhân vật không thể thiếu trong các nước, không những nhận được sự hoan nghênh từ các nước, mà hạng người mà đám thương nhân này tiếp xúc đều là giới quan chức quý tộc, không những có thể được giúp che dấu thân phận, mà cũng có thể thông qua các cửa ngõ để thu thập thông tin tình báo dễ dàng, thậm chí có thể làm thay đổi tình hình ngoại giao và chính trị ở các nước. Lực lượng binh sĩ không giáo mác này rất được Khánh Kỵ coi trọng, dưới sự chủ trì của hắn, dùng quốc lực chèo chống, khiến cho lực lượng này ngày càng hùng mạnh.

Rất nhanh chóng, thông tin tình báo được báo về liên tục, trong đó có động tĩnh quân sự của Vệ Tống và Tấn, có một số hoạt động trong mảng chính trị, những đại quan thế khanh nào quan hệ thân thiết với nhau, thậm chí vị đại phu nào gần đây tổ chức mấy buổi yến tiệc, muôn hình muôn kiểu, không có gì là thừa hết.

Thuộc hạ của Khánh Kỵ sẽ chỉnh lý tập hợp các thông tin đó, rồi trình báo cho Khánh Kỵ, tình hình ba nước Vệ Tống Tấn dần dần được hiện ra và hoàn thiện trước mắt hắn, khiến cho hắn có một sự thông thạo và am hiểu nhất định đối với tình hình trong nước của những nước trên.

Liên quân Vệ Tống đúng như Nam Tử nói, luôn thất thế khi đối đầu với Tấn quân, nhất là sau khi cuộc chiến chớp nhoáng giữa Tần Sở và Tấn quốc kết thúc, Tấn quốc đã tăng cường thế tấn công đối với Vệ Tống. Công Tử Triều phát giác ra âm mưu trừ khử mình của Nam Tử, hoảng sợ thất thần, may nhờ có tướng lĩnh thống quân Tống quốc Hiên Viên Hành và Vệ quốc thống quân Công Tôn Bạt không nghe theo sự chỉ bảo của Nam Tử, hai người đều là những bậc quân tử công minh chính trực, không muốn vội vàng giết chết Công Tử Triều, dẫn tới thị phi của chúng tướng. Muốn tìm cơ hội thuận lợi hơn nữa để danh chính ngôn thuận trừ khử Công Tử Triều.

Công Tử Triều vì vậy mà có được cơ hội lấy hơi, bí mật phái thân tín đi thương lượng với Tấn, sau khi được Triệu Giản Tử chấp thuận, từ quân tiền quay giáo phản kích, đầu nhập sang Tấn quốc. Rồi dẫn quân Tấn đi chinh phạt Vệ Tống, thậm chí một hơi đánh đến cố đô Triều Ca của Vệ quốc, gần sát với đô thành Đế Khâu hiện tại, khiến cho bọn người Bắc Cung Hỉ, Chử Sư Phố cũng đã chuẩn bị sẵn chỉ chờ quân Tấn tới là đầu hàng thôi.

Trong tình thế cam go như vậy, cuộc đấu tranh giữa hai phe phái thế lực ở Vệ quốc lại trở nên kịch liệt hơn. Bắc Cung Hỉ yêu cầu Tề Báo hạ đài, truy vấn tội để thất thế về mặt chiến sự của Công Tôn Bạt, đả kích kịch liệt những thế lực thân vua, một lần nữa lại tiến cử sử dụng lại Tề Báo. Tề Báo với hắn vốn cùng một Đảng, hai kẻ cùng được cùng mất, dùng hắn đương nhiên là sẽ yên tâm hơn dùng kẻ khác.

Hơn nữa sau khi Tề Báo bị tước bỏ chức vị, uy vọng năm xưa giảm xuống rất nhiều, rất nhiều bạn cũ trong triều đều thay đổi lập trường, đi theo Bắc Cung Hỉ, bây giờ hắn lại được Bắc Cung Hỉ sử dụng lần nữa, tuy nặng về quyền bính, nhưng cũng không thể uy hiếp được quyền lực của Bắc Cung Hỉ.

Phe Bắc Cung Hỉ cơ cấu lại tổ chức đồng thời tiến hành phân phối nên khí thế hừng hực, công bằng mà nói, phe của chúng cũng chỉ là muốn nắm giữ nhiều quyền lực hơn mà thôi, làm thế khanh Vệ quốc, lợi ích gia tộc của chúng gắn chặt với lợi ích của quốc gia, bất luận là chủ quan hay khách quan thì chúng đều tuyệt đối không muốn gây tổn hại tới Vệ quốc, vì vậy vừa khi nắm giữ được quyền lực, đã dốc hết tâm huyết nhằm bảo vệ vận mệnh của Vệ quốc.

Do suốt mấy trăm năm nay Vệ quốc luôn được Tề thị và Bắc Cung thị chia nhau quyền hành, cũng chỉ mới hai mươi năm nay bị bào huynh của Vệ hầu Công Mạnh Trập cướp đoạt quyền vị của hắn, rất nhanh chóng nắm giữ toàn bộ quân đội trong tay, về đối nội cố nhiên xác lập địa vị bất bại của chúng trên chốn quan trường, đồng thời phát huy sức chiến đấu tích cực hơn trong cuộc chiến với Tấn. Bởi vậy tuy Tấn tấn công rất mạnh, nhưng đều bị liên quân Vệ Tống phản kháng mạnh mẽ, khiến thế tấn công không được như mong muốn, không đến tình cảnh nguy hiểm như Nam Tử đã kể.

Nhưng những điều đó đều là những việc xảy ra trong thời gian gần đây, theo như bình thường, nước Ngô nằm ở vùng Đông Hải xa xôi, lại đang bận bịu với Sở, Việt, Đông Di, giờ đây nếu muốn hiểu tường tận tình hình thì không thể chỉ bỏ công sức ngày một ngày hai. Nam Tử không thể ngờ rằng Ngô quốc lại có mạng lưới tình báo rộng lớn như vậy, chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã có thể nắm rõ tình hình chiến sự ba nước này. Nam Tử tính sai chính là ở chỗ này. Nhưng đó cũng không được coi là một sai lầm. Trước đó, ở các nước trong thiên hạ không hề có một quốc gia nào coi trọng tới công tác tình báo, vậy mà Ngô thậm chí còn lập ra hẳn một tổ tình báo chuyên biệt. Nam Tử dựa theo tình hình bên ngoài của các nước để suy đoán sự nắm bắt thông tin của Ngô quốc với chiến tranh vùng Tây Bắc. Thế nhưng trớ trêu thay, Khánh Kỵ lại đều biết rất chính xác những thông tin chiến trận.

Những thông tin tình báo thám tử đưa về, ngoại trừ những động thái quân sự khó có thể che dấu, những thông tin về mặt chính trị rất có hạn. Những thứ họ nắm được chỉ là những động tĩnh của các nhân vật cấp cao, nhà nào tổ chức đại yến tiệc gì, nhà nào đi lại với nhà nào, nhà nào cử sứ xuất ngoại...

Những thông tin đó cần Khánh Kỵ phải phân tích kỹ càng, từ những manh mối nhỏ đó để chắp nối lại tạo nên một bối cảnh cụ thể rồi từ đó có thể đoán định xem những bước đi tiếp theo của đối phương là như thế nào.

Trên đại điện nghị sự chất đầy những đống văn kiện tài liệu tình báo khác nhau của các nước, Khánh Kỵ, Tôn Vũ, Văn Chủng, Yểm Dư, Anh Đào chụm đầu vào đống giấy tờ văn kiện dò tìm thông tin. Thỉnh thoảng lại trao đổi với nhau đôi ba câu phân tích, có khi còn đưa ra mấy câu nói đùa giảm bớt căng thẳng. Quân thần tình cảm hòa thuận, vui vẻ, không câu nệ lễ tiết rườm rà.

Văn Chủng đang xem một tập thẻ tre trên tay, trầm ngâm nói:

- Đại vương, người tên Nam Tử Vệ quốc quân phu nhân này quả thật là rất tài ba, cứ xem cách ả đi tới đi lui giữa các nước Vệ Tống, rồi lén lút tiếp xúc với khá nhiều đại thần công khanh đại phu, hành tung vô cùng bí mật. Đám Bắc Cung Hỉ, Tề Báo, Chử Sư Phố sau khi nắm giữ đại quyền thế lực bắt đầu suy yếu theo Vệ hầu, bọn chúng đều đi về phe của Nam Tử, từ những dữ liệu phân tích được, Vệ hầu trên thực tế đã đang bị giam lỏng trong cung, quân lệnh bị bó buộc. Hiện tại Nam Tử mới là người nắm giữ vị trí quân chủ Vệ quốc.

Khánh Kỵ gật gù nói:

- Ừ, người đàn bà này luôn rất xảo trá đa đoan, Vệ hầu hoang dâm vô đạo, bỏ bê chính sự, đám người Bắc Cung Hỉ muốn nắm đại quyền Vệ hầu lâu dài, nhưng không có đủ thực lực để thay thế hẳn. Chỉ còn biết đưa ra một kẻ phụ thuộc vào chúng, đồng thời có thể danh chính ngôn thuận lãnh đạo nhân dân Vệ quốc. Đương nhiên người đó phù hợp với Nam Tử, hai bên cùng có lợi.

Ha ha, tức cười thật, vậy mà ả vẫn còn cố làm ra vẻ giả vờ giả vịt đáng thương để lừa gạt quả nhân. Vệ hầu với ả bằng mặt không bằng lòng, đôi bên đấu đá nhau đã lâu, nếu như ả thua kém Vệ hầu và Tống công thì làm sao có thể lấy thân phận tôn quý quân phu nhân một nước bí mật rời Vệ tới Ngô được. Làm sao có thể thao túng và sai khiến được cả kẻ thân tín của Vệ hầu như Di Hạ đây? Anh Đào cười nói:

- Đại vương mắt sáng như gương, đương nhiên không để cho ả che mắt, nhưng nếu đổi là kẻ khác, trông thấy vẻ mặt yêu kiều mỹ lệ, yếu đuối mỏng manh đó thì chắc chắn đã phải lộ ý thương hoa tiếc ngọc, làm sao còn có tâm tư để nghi ngờ ả có dụng ý khác chứ?

Khánh Kỵ cười mỉm, đang định chọc ghẹo vài câu, bỗng nhiên nội tâm đổi ý:

- Chỉ e Anh Đào nói trúng rồi đó, nếu không phải là ta từng nghe điển tích nổi tiếng trong lịch sử về việc Khổng Khâu gặp Nam Tử, Nam Tử tác phong dâm loạn, nhưng lại đẹp say lòng người, bên trong còn rất nhiều bộ mặt khác nữa, những tài liệu về ả được tích trữ suốt mấy nghìn năm, khi gặp ả ta cũng cố gắng hết sức để kiên định ý chí, suýt nữa thôi đã chỉ vì những giọt nước mắt yếu mềm của ả làm cho cảm động, chưa chắc đã nghĩ được như thế này đâu.

Văn Chủng nghiêm trang nói:

- Việc ả có ý khuếch trương khốn cảnh của mình hay không không quan trọng, có khi chỉ là tranh thủ kích đại vương mấy câu để ngài tỏ ý thương hoa tiếc ngọc mà hào phóng giúp không cho ả cũng nên. Điều quan trọng là, mục đích của ả liệu có phải chỉ là muốn để Tần đi chặn hậu phương của Tấn, rồi khiến Tấn phải chấp nhận lui binh đình chiến. Nếu như chỉ có một lý do như vậy, thì e rằng người Tống chưa chắc đã chịu cắt nhượng thành trì cho ta.

Tôn Vũ vuốt chòm râu nói:

- Nhưng đại vương khi đưa ra yêu cầu cắt nhượng thành trì, Nam Tử thậm chí còn không thèm phản bác lấy một câu, còn đồng ý ngay lập tức sẽ đưa chuyện này nói cho Tống công, cho thấy trong lòng ả đã thầm chấp nhận chuyện này, hơn nữa hình như đó còn là mục đích ả muốn đạt tới, thành trì mất là một cái giá xứng đáng.

Khánh Kỵ xoa xoa mũi, thầm nghĩ: “Binh thánh lần này đã đoán sai rồi, tuy Nam Tử không từ chối thẳng thừng, nhưng cũng đã có ý dùng mỹ nhân kế để ta phải rút bỏ điều kiện đó. Chỉ có điều... tuy rằng một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành khiến người ta động lòng thật, nhưng bảo lấy một thành trì như vậy để đổi chác thì quả nhân tiếc lắm.”

- Hừ..., Nam Tử..., kẻ này phong tình muôn vẻ, quốc sắc thiên hương, vẻ đẹp không cần phải bàn cãi, nhưng đôi mắt xanh biếc, thân hình thanh mảnh đó quả thực không giống như một dâm phụ lả lơi. Vệ hầu rất phóng khoáng, chỉ bảo nàng không can thiệp vào chuyện của mình, nếu như Nam Tử dâm loạn trong hậu cung thì hắn cũng nhắm mắt làm ngơ, chỉ cần ả hây hẩy ngón tay mời gọi thôi, thì đã có không biết bao nhiêu công khanh đại phu nam nhi trai tráng, tuấn tú khôi ngô phải xin quỳ dưới váy nàng rồi, thế nhưng theo như thông tin tình báo mà chúng ta có được, thì ả không hề giống vậy, tính đến nay, ả cũng chỉ mới yêu có mình Công Tử Triều mà thôi, nếu không phải là nghĩa nặng tình thâm, thì nay cũng không đến nỗi hận hắn thấu xương như vậy. Khi ả ở trong Ngô Quái cư e ấp trong lòng ta, chỉ là muốn đạt được mục đích của mình mà thôi, quả thật hư hư thực thực khiến quả nhân không biết đâu mà lần cả.

Nghĩ tới đây, hắn lại bất giác nhớ lại hương vị ngọt ngào trên đầu môi căng mọng ấm ấp của nàng cùng hương thơm thoang thoảng trên da thịt, đến giờ dường như vẫn còn chút cảm giác trên đầu ngón tay. Khánh Kỵ gạt đống văn kiện ra, cúi đầu nhìn xuống mặt bàn trơn láng sáng bóng, lấy bàn thay kính, khẽ chau mày soi trước "gương", nở một nụ cười sáng lạn tươi tỉnh.

- À, ta hiểu rồi!

Công tử Yểm Dư hét lên, Khánh Kỵ giật bắn mình, cùi chỏ huých sang một bên, khiến cho ngọn núi nhỏ bằng giấy tờ kia đổ ầm lả tả.

Tôn Vũ, Văn Chủng, Anh Đào từ trong những đống giấy tờ ngóc đầu lên, nghểnh cổ nhìn hắn, cùng đồng thanh nói:

- Đại tư đồ phát hiện ra chuyện gì sao?

Yểm Dư hưng phấn nói:

- Nam Tử gần đây rất hay tiếp xúc với đám đại phu ở Vệ quốc trung thành với ả, hơn nữa còn nhiều lần tiếp kiến Hiên Viên Hành, còn mấy lần đi tới Tống quốc, trước kia khi ả quay về Tống, nhiều lần ở trong cung thành không xuất cung một bước, lần này thì sao nào? Theo thông tin tình báo, ả không những nhiều lần xuất cung, còn lấy danh nghĩa là trưởng công chúa Tống quốc, Vệ quốc quân phu nhân thiết yến khoản đãi công khanh Tống quốc. Theo danh sách khách mời thì những kẻ được mời đều là công khanh thế tộc có máu mặt ở Tống quốc...


Tôn Vũ chen ngang nói tiếp:

- Vậy thì sao nào?

Yểm Dư hít một hơi dài, trịnh trọng nói:

- Nam Tử, Nam Tử đang rất nóng lòng muốn Tấn lui binh đình chiến, là bởi... ả đang rất nôn nóng muốn được động thủ.

Mấy người Khánh Kỵ đưa mắt nhìn nhau, một hồi sau, Khánh Kỵ mới lập lờ nói:

- Đại tư đồ, ngươi nói Nam Tử muốn động thủ..., ách, ả muốn động thủ với ai chứ?

Yểm Dư nhún vai, tự tin nói:

- Nam Tử có tham vọng rất lớn, lại rất giỏi quyền mưu, ắt hẳn là nghe nói tới chuyện Đông Di Thiền Nhi muốn kiến quốc xưng vương, vậy nên cũng muốn hùa theo, hợp binh Vệ Tống tự lập làm nữ vương.

Đám người Khánh Kỵ bị Yểm Dư công tử khai sáng đạo lý như vậy vô cùng sửng sốt bất ngờ, ai nấy đều trợn mắt há mồm, một hồi lâu không thể lên tiếng.

Yểm Dư thấy vậy thì giải thích thêm:

- Nam Tử hiện nay trên thực tế đã nắm thực quyền tại Vệ, còn ở Tống, Tống quân không có đại chí, thế tử nhỏ tuổi, Nam Tử quyền to thế lớn, với thủ đoạn của ả, muốn có được sự ủng hộ của công khanh, đặc biệt là lấy việc hợp nhất Vệ Tống làm mồi nhử, chắc chắn sẽ khiến cho đại để công khanh đại thần Tống quốc phải thần phục. Hơn nữa, Hiên Viên Hành hiện tại đang lãnh binh tác chiến tại Vệ quốc, để chống Tống, Tống đã điều động gần như toàn bộ binh lính, tất cả nằm trong tay của Hiên Viên Hành. Nam Tử có thể dùng quan to lộc hậu, thậm chí... nói không chừng là cả thân xác của mình. Chỉ cần Hiên Viên Hành về phe ả, chỉ cần Tấn lui binh, lập tức sẽ đem quân về, việc lấy Tống quốc chẳng phải đã dễ như trở bàn tay? Nguồn gốc hai nước Vệ Tống đại vương và chư vị đại phu đều biết rõ, muốn liên hợp làm một nước thống nhất quá ư dễ dàng.

Yểm Dư là hậu nhân của họ Cơ, nên những lời này có chút mơ hồ khó hiểu, có điều những người ngồi đó đều rất hiểu ý hắn. Tuy rằng người Chu sau khi có được thiên hạ, luôn đổ nhiều công lực hạ thấp Thương triều, thế nhưng những người đứng đây đều là những văn sĩ học thức uyên thâm, đương nhiên biết được chân tướng bên trong.

Năm đó khi Đế Tân(Trụ Vương) kế vị, Thương triều đã có dấu hiệu tàn lụi, nhưng Đế Tân có thể được coi là vị minh chủ sáng suốt. Văn chính võ công khác hẳn người thường, hắn dốc hết khả năng ra sức phát triển công thương, khiến cho Thương vương triều lại lần nữa hưng thịnh trở lại. Đó là sự thực không phải tranh cãi, đến cả Á thánh Mạnh Tử cũng còn phải khen ngợi hắn không tiếc lời.

Lúc đó kẻ địch lớn nhất của Thương triều chính là Đông Di, Đông Di thường xuyên xâm lấn đất Thương, giết người cướp của, gây nên nỗi khiếp sợ trong dân chúng. Thương triều nhiều lần thảo phạt nhưng đều không thể diệt trừ triệt để được Đông Di. Sau khi Đế Tân kế vị, mong muốn ổn định và hoà bình lâu dài, đã dốc sức đóng đúc những binh khí bằng đồng đen, đích thân dẫn quân đi chinh phạt Đông Di, đánh đến tận vùng ven Đông Hải, bắt được rất nhiều người Đông Di làm nô, chinh phục rất nhiều bộ lạc ở Đông Di.

Nhưng vào lúc này Tây Kỳ Vũ vương Cơ Phát lại liên hợp đám chư hầu ăn ở hai lòng nhân lúc nội bộ triều Thương không có người cai quản, bất ngờ tạo phản, Đế Tân đang thống lĩnh đại quân bên ngoài, chỉ còn biết đi khinh xa quay về Triều Ca, vội vàng tổ chức những đám tù binh ngoại tộc đang làm nô lệ bảo vệ đô thành.

Khi hai quân giao chiến, những nô lệ Đông Di kia không chịu bán mạng cho người, kết cục đào ngũ rất nhiều. Quân Thương kiên trì cố trụ trong vài ngày, đáng tiếc Đế Tân tự phụ, không thèm thiết lập phòng thủ ở quốc đô. Đô thành Triều Ca không có tường thành, chỉ có một chiến hào nhỏ, những tinh binh ít ỏi không thể chống chọi nổi sự bao vây tấn công của Chu, cuối cùng quân Chu đánh vào Triều Ca, Đế Tân anh hùng không còn đường thoát, bất đắc dĩ tự sát tại Lộc Đài, triều Thương từ đó diệt vong.

Nhưng sau khi Đế Tân chết, người Thương cũng không chịu khuất phục người Chu, khởi nghĩa nổ ra liên tục, Chu công tự mình dẫn đại quân bình định đám phản loạn, cuối cùng dời đô đến vùng Tống quốc hiện nay, lập Ân Đế hậu Thương làm quốc quân, để làm yên lòng dân. Còn người dân tầm thường, cùng đám gia nô vẫn phải lưu lại vùng đất cũ, lấy Triều Ca làm quốc đô, phong một công tử dòng giống tông thất họ Cơ lên làm vua. Chung quanh đồng thời lập nên ba nước chư hầu, dùng để giám sát.

Đến đây, mới coi như đã hoàn toàn dẹp bỏ được cái loạn người Ân, nhưng Vệ quốc quốc quân là hậu duệ Tông Chu, con dân bách tính đều là hậu nhân của nhà Thương, để mong cho giang sơn vững vàng, do vậy nên Vệ quốc quốc quân luôn đi lại rất gần với Tống quốc, hơn nữa còn kết thông gia để ràng buộc nhau, tránh một bên có ý định trở mặt. Con dân hai nước vốn cùng một nòi giống, cùng chung tổ tông, cho nên nhân dân hai nước gần gũi hơn nhiều những nước khác.

Người Tống vốn là cố chủ người Vệ, nếu như lấy Vệ Tống hợp liên để kích động dân chúng Vệ quốc, thì sẽ rất dễ có được sự ủng hộ của dân chúng. Hơn nữa Hiên Viên Hành đang nắm giữ quân chủ lực của Tống đóng quân tại Vệ quốc, nếu như có thể khiến hắn quy thuận, thì sẽ rất dễ dàng cướp đoạt lấy chính quyền Tống quốc, hơn nữa một khi gạt bỏ Vệ hầu, những mâu thuẫn nhỏ nhoi vấp phải sẽ hầu như không có.

Không thể không nói, tuy ý kiến của Yểm Dư có chút viển vông, nhưng căn cứ lập luận lại rất đầy đủ, hơn nữa dựa theo thế lực hiện tại của Nam Tử, muốn làm được điều này cũng rất có khả năng. Nhưng Khánh Kỵ luôn cảm thấy có chút hoang đường, Nam Tử không phải là Võ Tắc Thiên, nàng có năng lực chấp chính, nhưng không có dã tâm cầm quyền, nếu nói Nam Tử dùng trăm phương ngàn kế chỉ để hợp nhất Vệ Tống, tự lập làm nữ vương, thật sự khó bề tưởng tượng, nhất là hai nước Vệ Tống không thể so với thị tộc bộ lạc Đông Di, trở lực lớn nhất đến từ quan niệm của người dân, lập một nữ vương trong một nơi chịu nhiều ảnh hưởng của văn minh Tông Chu hun đúc ở Trung Nguyên, một khi Nam Tử làm như vậy thật, chỉ e rằng các nước chư hầu xung quanh sẽ liên kết lại mà tấn công.

Yểm Dư trông thấy vẻ mặt biến dạng của Khánh Kỵ và Tôn Vũ, không khỏi có chút ái ngại nói:

- Không lẽ đại vương và các vị đại phu thấy ý kiến của ta là hàm hồ bâng quơ ư?

Khánh Kỵ nín cười nói:

- Haizzz, đại tư đồ cả nghĩ rồi, nói đúng ra thì lời của đại tư đồ đều có căn cứ rõ ràng, khả năng đó cũng không phải là không có, quả nhân chỉ cảm thấy, Nam Tử không phải không có điều kiện đó, mà chỉ là ả không có tâm địa đó, có lẽ quả nhân đã nhìn nhầm, nhưng quả nhân vẫn cảm thấy... Cường thế của ả chỉ là bảo vệ chính ả mà thôi. Hợp nhất Vệ Tống thậm chí tự lập vương vị không phải là chí hướng của ả. Chúng ta phải làm rõ mục đích thật sự của ả, để tránh việc bị giẫm vào vũng bùn, nên vẫn cần phải nhiều chứng cứ xác thực hơn nữa. Cách nghĩ này của đại tư đồ cứ tạm để đấy, chúng ta tiếp tục lục tìm chứng cứ, để xem còn có khả năng nào khác nữa không.

Khánh Kỵ nói xong, sắc mặt của Yểm Dư mới dễ thở hơn một chút, mọi người lại bắt đầu vùi đầu vào những đống tài liệu la liệt.

Khánh Kỵ lục xem một hồi, tư duy vẫn bị cách nghĩ của Yểm Dư làm quẫn trí, nhất thời không thể thoát ra được, những hành vi của Nam Tử, những cuộc tiếp xúc với các triều thần cỡ bự hai nước, càng lúc càng khiến Khánh Kỵ nghĩ rằng chỉ có cách giải thích của Yểm Dư mới có thể gỡ rối được. Thế nhưng vấn đề ở chỗ, rất nhiều động tĩnh của ả, tai mắt của Khánh Kỵ có thể nghe ngóng được, thì không có lý gì Vệ hầu và Tống công lại không biết cả. Cho dù Vệ hầu đã bị ả khống chế, ả cũng không nghĩ rằng Vệ hầu có thể làm được việc gì cả, thế nhưng nàng sớm được gả sang Vệ, trước khi xuất gia còn là một thiếu nữ đài các, không thể nào một sớm một chiều đã có thể nắm được thế lực của Tống quốc, nếu như Tống công không chấp nhận, liệu còn có thể trắng trợn như vậy được không?

Từ hai nước Vệ Tống không thể tìm ra tư liệu hữu ích khác có thể phân tích được mục đích của Nam Tử, Khánh Kỵ liền hướng tư duy về Tấn quốc. Nói về nước mạnh nhất trong các chư hầu thiên hạ là Tấn quốc kia, nguồn gốc của nó mang nhiều sắc thái truyền kỳ nhất. Trước kia Vũ Vương đoạt thiên hạ không lâu đã qua đời, con trai Thành Vương lên kế vị, Thành Vương lúc đó tuổi còn nhỏ, có một lần chơi đùa trong cung với chúng đệ, thuận tay ngắt một cành ngô đồng rồi tạo dáng thành hình ngọc khuê( một dụng cụ bằng ngọc dùng trong nghi lễ của vua chúa thời xưa)tặng cho một người em tên là Ngu, rồi nói giỡn chơi:

- Ta dùng cái này để phong cho đệ.

Bên cạnh thiên tử còn có sử quan tùy tùng, vị sử quan này liền ghi chép lại chuyện đó, rồi hỏi ngày để sắc phong chức vụ. Thành Vương hoảng hồn, luống cuống giải thích rằng hắn chỉ giỡn chơi với em của mình mà thôi, thế nhưng sử quan cho rằng "quân không nói chơi", Thành Vương đành phải nghe theo, phong vùng đất Sơn Tây(tỉnh Sơn Tây bên Trung Quốc, không phải Việt Nam nha) ngày nay cho Ngu.

Cơ Ngu sau khi có được nước, trong vòng hai trăm năm, đã dần chiếm đoạt các quốc gia nhỏ xung quanh như Hoắc, Cảnh, Ngụy, Bắc Quắc, Ngu... còn có cả Nhung, Địch như Xích Lộ thị, Xích Địch Giáp thị, Lưu Hu, Đạc Thần, Phì Đẳng. Tổng cộng thôn tính hơn hai mươi quốc gia đồng tính hoặc dị tính khác nhau, đất đai rộng lớn gấp trước mấy chục lần. Sau này Tấn quốc được Chu Tương Vương ban cho đám Ôn, Nguyên, Tán Mao phần Nam thái hành sơn, phần Bắc Hoàng Hà, do vậy lãnh thổ phía Nam lại được mở rộng thêm vượt quá thái hành sơn, vươn tới bờ Bắc của Hoàng Hà. Giờ đây đã trở thành đại quốc chư hầu siêu cấp của chín châu trong Hoa Hạ, hơn nữa còn trú ngụ ở mảnh đất Trung Nguyên màu mỡ.

Đến thời của vị quân vương đời thứ 22 của Tấn quốc là Tấn Văn Công Trọng Nhĩ, trở thành một trong năm bá chủ xuân thu. Năm vị hiền sĩ dưới trướng Tấn Văn Công: Triệu Suy, Hồ Yển, Tiên Chẩn, Cổ Đà, Ngụy Vũ Tử đều được hắn phong thưởng phong ấp đồn điền. Về sau, trong năm người Triệu Suy, Hồ Yển, Tiên Chẩn, Cổ Đà, Ngụy Vũ Tử, trừ Cổ thị ra, bốn nhà còn lại đều trở thành những thế tộc mạnh mẽ, lại cộng thêm bảy nhà Tư thị, Khước thị, Loan thị, Phạm thị, Tuân(Trung Hành) thị, Chí thị, Hàn thị, Tấn quốc tổng cộng có mười một nhà cùng chia nhau giữ đại quyền Tấn quốc, không ngừng đấu đá gằm gè nhau, đến nay chỉ còn lại Phạm thị, Trung Hành thị, Chí thị, Triệu thị, Ngụy thị, Hàn thị, hiện tại chỉ có lực lượng của ba nhà Chí thị, Phạm thị, Trung Hành thị là lớn nhất...

- Phạm, Trung Hành, Chí, Triệu, Ngụy, Hàn..., Triệu, Ngụy..., Triệu, Ngụy, Hàn!

Khánh Kỵ nghĩ câu được câu chăng, bỗng nhiên nhớ tới ba nước Triệu, Ngụy, Hàn nằm trong thất hùng thời chiến quốc, không khỏi bất giác ngồi thẳng lưng, tâm trạng hỗn loạn:

- Ba nhà Triệu Ngụy Hàn phân Tấn từ lúc nào? Còn nhớ vạch kẻ xác định trong lịch sử thời xuân thu chiến quốc của các sử gia có chỉ rõ việc lấy thời gian ba nước Triệu, Ngụy, Hàn chia Tấn làm cột mốc, giờ đã sắp đến lúc rồi!

Lẩm bẩm tới đây, Khánh Kỵ bỗng nhớ tới một văn kiện lúc nãy có nói tới việc Nam Tử thiết yến mời hai đại tướng quân nắm giữ binh chủ lực hai nước là Hiên Viên Hành, Bắc Cung Hỉ, một thủ hạ của hắn vừa hay ở đó kinh doanh hải sản, buổi cung yến đã mua rất nhiều sơn hào hải vị từ chỗ hắn, lúc đó hắn áp giải đoàn xe vào cung giao hàng, mới biết đến những nhân vật được mời đến, trong danh sách hình như hắn có đọc được một đoạn miêu tả nào đó.

Khánh Kỵ lập tức lại lục lọi một hồi trong đống thẻ tre, mở lại tập tin tình báo kia ra xem xét, quả nhiên trong đó có nói tới một câu: "Hai người mặc cẩm bào sóng vai đi qua, một người nói giọng Tấn quay sang người kia bảo: Bắc Cung đại phu, Hiên Viên tướng quân đã đến chưa?

- Chính là hắn rồi, một người Tấn có thể sánh vai đi cùng với Bắc Cung Hỉ, thân phận không thể tầm thường được! Huống hồ Vệ Tống đang giao chiến với Tấn, tại sao lại còn mời người Tấn đến dự tiệc? Chẳng lẽ Nam Tử không muốn hợp nhất, mà muốn chia tách, rút củi đáy nồi, diệt trừ vĩnh viễn cái họa Tấn quốc? Trong đó không chừng còn có cả điều kiện muốn người Tấn phải giao nộp thủ cấp Công Tử Triều nữa.

Khánh Kỵ vỗ mạnh xuống thư án, mọi người đang chăm chú tra cứu tư liệu đều giật mình, ngẩng đầu lên xem rõ sự tình, không biết Khánh Kỵ đại vương định phát biểu cao kiến gì đây.

Bỗng nghe thấy Khánh Kỵ hớt hơ hớt hải nói:

- Chư vị ái khanh, mau tìm thông tin tình báo về động tĩnh của lục khanh Tấn quốc, mang tất ra đây để quả nhân tham chiếu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện