Trang viên đã đông vui hẳn lên, ngày nào Bách cũng nghĩ ra một món mới.

Để phục vụ cho Đinh Nhu mở quán, hắn chọn lựa mấy món ăn đường phố đời sau rất thịnh hành.

Đinh Nhu định sẽ mở những dãy nhà hàng bên cạnh Quỹ kiến thiết, như vậy sẽ chính là vòng quanh hồ Tây bây giờ.

Nếu ở đây mà không có mấy quầy bán bánh tôm, bánh gối thì thật có lỗi, lại thêm mấy món phở xào, phở cuốn và mấy món chè mát lạnh mùa hè thì sao xứng với danh thắng.
Thái Đường vui lắm, cả ngày kè kè bên hắn, từ khi lấy Bách, nàng vui vẻ ở trang viên quên cả kinh thành rồi.

Ở đây tốt, trượng phu tốt, trưởng bối càng tốt.

Lại có nhiều món ngon trước nay nàng chưa từng được nếm.
Chỉ là nàng bực dọc vì cuối năm có đứa ở Kinh Thành về lắm miệng, kể chuyện trong kinh thành có lời đồn.

Tên khốn kiếp nào đó xếp Sơn Tây Hầu vào Thăng Long Tam Hại.

Đứng đầu là cái Chuông Quy Điền, liệt vào thần khí mà đánh không kêu, may mà thứ này bị đánh cắp rồi.
Thứ hai chính là con gà chọi Khổng Tước Đại Minh Vương của Tĩnh Quốc Vương, thành tích mười trận bất thắng.
Thứ ba chính là Sơn Tây Hầu hồi môn bạc vạn, danh xưng là “Chạn Vương”.

Chỉ là trượng phu nàng không coi việc này là xấu hổ.

Nghe xong thì vỗ tay khoái chí, nói Chạn vương chính là chức nghiệp hắn ưa thích nhất trên đời.

Gặp được người tung tin đồn này nhất định phải thưởng cho hắn.
Đến ngày hai mươi chín tháng chạp, các thứ bày biện đầy đủ.

Giữa cửa trang viên trồng một cây nêu cực lớn.

Trong trang viên, chỗ thờ thần cửa, câu đối, bài treo, đều sơn lại một màu bóng loáng.

Từ cửa ngoài, nhà khách, noãn các, nhà trong đến chính đường, suốt một dãy các nhà chính đều mở toang cả.

Dưới thềm, hai bên đốt hai hàng nến to và cao đỏ chói như hai con rồng vàng.
Nhà thờ dựng sau một cái vườn riêng phía trong hàng rào sơn đen, có năm gian cửa lớn, trên treo bức hoành viết bốn chữ Hoàng thị tôn tử, hai bên có đôi câu đối:
“Ân đức thần cho lưu đệ trạch
Khí lành người gặp phát tường quang”
Đó là chữ viết của Cao lão, như rồng bay phượng múa.

Đi vào trong sàn, giữa có đường mái võng lát đá trắng, hai bên đều là tùng bách xanh um, trên nguyệt đài bầy những đỉnh vạc bằng đồng.

Trong chính điện, treo bức hoành sơn xanh vẽ rồng uốn khúc.

“Tổ củng tôn bồi”.
Bên trong đèn đuốc sáng trưng, trượng thêu màn gấm, đây là ban thờ quan thần linh thổ địa.
Nhà họ Hoàng chính thức giờ chỉ có 3 người, xếp hàng đứng yên.

Đinh lão phải phụ giúp hiền tế, đứng hướng dẫn hắn cúng bái, những việc dâng rượu, bưng hương đáng nhẽ nam đinh phải làm thì nay Đinh Tú và Thái Đường phải làm cả.
Ba lần dâng rượu, hương bái xong, đốt vàng mã, rót rượu.

Lễ xong lại lui ra ngoài.

Hai người theo Bách đến trước chỗ bày ảnh ở trên chính đường, màn gấm treo cao, bình phong căng rộng, hương bay nghi ngút, nến thắp sáng trưng.

Chính gian giữa, treo bức chân dung của Nam Sơn cư sĩ râu dài như cước mặc áo Tôn Trung Sơn trắng đang cười hiền từ,
Bọn gia nhân đều đứng ngoài nghi môn.

Cứ một món ăn dâng lên đến cửa nghi môn, là Đinh Tú, Thái Đường đỡ lấy, theo thứ tự đưa đến tay Bách.

Mỗi lần hai nàng đưa món ăn đến trao cho Bách, Bách lại đưa đến trước bàn thờ.
Đến khi dâng cỗ và chè rượu xong, Bách mới lui ra ngoài, đứng hàng đầu.

Theo lệ nếu nhà đông con cháu thì trai ở bên đông, gái ở bên tây nhưng nhà hắn thì cứ vậy mà đứng.

Khi Bách thắp hương lạy rồi, hai người đều quỳ xuống, bọn gia nhân ngoài thềm trên thềm dưới, giày dép sột soạt im lặng như tờ, không dám có một tiếng động.
Một lúc lễ xong, Bách và hai nàng lui ra chuẩn bị ăn tất niên.

Bàn lớn đã bày ra.

Hai trưởng bối là Đinh lão và Cao lão ngồi trên, bọn hàng thứ hai là Bách, ba anh em họ Đinh và hai cha con Điền Công cùng Đinh Nhu ngồi một bàn.

Phụ nữ ngồi một bàn khác gồm Dương thị, mẹ Đinh Đang và hai dì, Thái Đường, Đinh Tú.

Các cháu nhỏ độ chục đứa ngồi một bàn.

Không khí rất vui vẻ.
Ăn uống xong xuôi, lại dọn dẹp một lúc để cúng giao thừa, cỗ cúng là một con gà trống lớn ngậm hoa hồng.

Cúng xong thì Cao lão và Đinh lão ngồi ở trên, Bách cùng các anh làm lễ bái trưởng bối.

Tuy đã lớn tuổi nhưng ai cũng được mừng phong bao đỏ.
Tiếp sau đó theo thứ tự.

Một bên trai, một bên gái, tốp này đến tốp khác, lũ lượt vào làm lễ.


Bách lại mang những đĩnh vàng nhỏ phát hết cho các cháu.

Lại lấy phong bao phát cho gia nhân.
Tối hôm ấy, các nơi từ đường thắp hương vòng suốt đêm.

Ngoài sân nhà chính cửa treo đèn lồng, rọi sáng hai bên.

Kẻ trên người dưới đều ăn mặc đẹp.

Suốt đêm, tiếng cười nói ồn ào.

Đến canh năm ngày hôm sau mới dậy.

Lại cúng cơm ban sáng, chưa tiếp ai cả, chỉ ngồi nói chuyện với người trong nhà chờ người đến xông đất.

Mọi người vui vẻ như vậy đến Nguyên Tiêu thì Đinh gia về Thậm Thình.

Còn Bách và Cao gia bận rộn với việc xây học phủ.
Trang viên đã vào vụ mới, những cánh đồng đã xanh như ánh mắt thiếu nữ đón chào năm Thiệu Long Nguyên Niên thứ tư.

Đám học sinh đầu tiên đã bắt đầu đến trang viên học tạm.

Chúng là con em dân chạy nạn ở lộ Thanh Hoá đến, tuổi từ 12-15, được cho học chữ và toán thuật trước.

Bọn chúng buổi sáng học chữ, buổi chiều làm việc.
Biết làm sao được, thời buổi này chưa có luật lao động trẻ em.

Lão Đinh dạy chúng học chữ, phân ra rất nhiều nhóm nhỏ, lão dạy dỗ cốt để chúng nắm được ký tự chứ không gò ép, cứ một ngày học chữ, tối về ôn luyện, hôm sau lại học toán.
Cuốn “Đinh gia toán thuật” đã hoàn thiện tương đối.

Các phép cộng trừ nhân chia số học được Đinh Tú dạy đầu tiên, toàn bằng ký tự Ả-rập.

Nàng say mê công việc này, cũng say mê cái bảng đen, cục phấn trắng.

Cứ cuối ngày là đầu tóc bám đầy bụi phấn.

Bách lo lắng không thôi, cứ thế này sẽ bị ho lao mất, hắn lại tự tay đi nung đá vôi, làm máy ép để cải tiến phấn, không thể để tình trạng như vậy kéo dài.
Sắt từ mỏ trên Trại Cau được công bộ phân chia về đây không đủ, dù hắn là Thiết Sử nhưng trong nước trăm việc cần đến sắt, không phải một mình công trình xây học phủ cần sắt.

Cũng may với thợ thuyền thời này, việc thiếu dụng cụ đã thành hiển nhiên, họ cho rằng thế cũng đã là may mắn lắm rồi.


Bách bôn ba qua lại công trường học phủ và trang viên mấy tháng thì được lệnh về Kinh.
Bách sắp sửa mọi thứ, lại cùng với hai nàng về Kinh.

Vừa về đến Hầu phủ thì Lê Văn Hưu đã đến, giục hắn vào Cung.

Hắn dặn dò Đinh Tú sang Lê phủ thỉnh an Lão Thái Thái, còn mình dẫn Thái Đường vào cung.
Đến cửa Tường Phủ thì để Thái Đường vào hậu cung, còn mình thì vào cung Thánh Từ.

Trên đường đi hắn hỏi Lê Văn Hưu thì được biết, Nguyên Thế Tổ sai bọn Mạng Giáp, Lý Văn Tuấn mang thư sang dụ kèm theo đó là một số yêu cầu.

Hai vua có chuyện chưa xử lý được, cần quần thần góp ý.

Bách lấy làm lạ, mấy việc này thì liên quan đến tên phò mã như hắn?
Vào đến cửa cung đã thấy có hơn chục đại thần ở đấy.

Lại có cả Quốc Tuấn, Quang Khải, duy chỉ có Trần Thủ Độ là không thấy.

Bách đi vào, quỳ xuống làm lễ:
- Thần Tây Sơn Hầu, chúc Thái Thượng Hoàng, Quan Gia vạn tuế, vạn vạn tuế.
Thái Tống phất tay:
- Bình thân! Ngươi đã đến rồi.

Hôm nay triều đình nghị sự vì có việc hệ trọng, lại liên quan đến ngươi.

Quang Khải nói cho hắn đi.
Quang Khải đưa cho Bách một chiếu thư trên chiếu viết:
“Chiếu văn của Hoàng đế chỉ dụ cho vua An Nam là Trần Nhật Cảnh, ngày 3 tháng 12 Trung Thống nguyên niên:
Các vị tổ tông của ta lấy võ công gầy dựng cơ nghiệp; nên các việc văn hoá chưa được đầy đủ; từ khi ta nối nghiệp, đã từng canh tân cải cách, vỗ yên muôn nước, bèn lấy năm canh thân đặt niên hiệu Trung Thống nguyên niên, ban ra Ân Chiếu, lần lượt thi hành.

Không lờn người gần, không quên kẻ xa, việc gì cũng lấy điều thành thật mà đối đãi, mà có chỗ chưa được chu đáo.

Vừa có Đại lý tự quan là Nhiếp Mạch Đình phát mã thượng tâu rằng: nước khanh có lòng thành thật theo chiều mộ nghĩa, vả lại, khanh đã tỏ lòng trung thành làm tôi với tiền triều, sai sứ qua chầu và dâng lễ vật, thổ sản; cho nên trẫm mới ban lời chiếu chỉ này.

Nay sai Mạng Giáp sung chức An nam tuyên dụ sứ, Lý Văn Tuấn làm phó sứ, để tuyên dụ quan lại, sĩ tử nước khanh, phàm y quan, điển lễ và phong tục, việc gì cũng theo cựu lệ bản quốc, không nên thay đổi; huống chi gần đây nước Cao Ly sai sứ thần qua, ta đã ban lời Chiếu chỉ, đều y như vậy.

Trừ ra các biên tướng tại các xứ Vân Nam, cấm không được thiện quyền dấy binh, lấn cướp bờ cõi, làm rối loạn nhân dân; nước khanh từ quan liêu cho đến thân sĩ, nhân dân, đều phải ở yên như cũ.

Nay ban lời chiếu, để cho nhớ mà giữ gìn.”
Bách đọc xong thì cảm thán, “Như vậy Hốt Tất Liệt thắng lợi đoạt được ngôi Đại Hãn, tự xưng Nguyên Thế Tổ rồi”.

Hắn trả lại tờ chiếu cho Trần Quang Khải hỏi:
- Bọn sứ giả hiện nay ở đâu?
- Đạo chiếu này được phát ra từ tháng 12 năm trước, bọn chúng đi sang nước ta cũng mất nửa năm, hiện triều đình đã tiếp đãi sứ giả, lại cho bọn chúng nghỉ ngơi bên dịch quán.

Tuy nhiên đạo chiếu này còn kèm theo một số điều kiện.

Thế mới gọi ngươi lên đây bàn bạc.
- Bọn chúng yêu cầu gì?

- Đáng nhẽ cũng chỉ là mấy yêu cầu về tiền tài, sản vật, cống phẩm thôi.

Hai tên khốn kiếp này trên đường đến đấy, đi qua một số vùng lãnh thổ nước ta không biết từ đâu biết được nước ta có cách rèn sắt mới, bọn chúng nằng nặc đòi xem xong mới về.

Ta đoán việc này Hốt Tất Liệt khi ra chiếu cũng không biết, chỉ là hai tên này tự tiện gây khó cho chúng ta.

Việc này cực kỳ hệ trọng, ngươi lại đang là Thiết Sử, cần đưa ra đối sách.
- Thì ra là vậy!
Bách ngửa đầu cười, lại chắp tay với Thái Tông:
- Thượng hoàng đang lo lắng về việc này?
- Mỏ sắt từ khi ngươi lên khai mỏ, đã đi vào sản xuất ổn định.

Sản lượng sắt nâng cao không biết bao nhiêu mà kể.

Từ đó, nông cụ, vũ khí của nước ta ngày càng nhiều lên, các công cụ phục vụ các ngành thủ công khác cũng hưởng lợi.

Nếu cho chúng lên xem mỏ sắt, không phải chúng sẽ nắm được công nghệ này hay sao?
- Thượng hoàng yên tâm, cứ giao việc này cho thần, thần đảm bảo bọn chúng u u mê mê mà về, chỉ là Thượng Hoàng phải cứng rắn một việc.
- Việc gì?
- Không cho chúng đưa ra yêu cầu cống thợ giỏi của nước ta.

Chỉ cần hắn đưa ra yêu cầu này phải chặt đứt tâm tư của chúng ngay.
- Việc này đương nhiên, ta không thể để thợ giỏi lộ bí mật này ra cho người Nguyên được.
Bách quay lại hỏi:
- Bọn chúng còn yêu cầu gì nữa không?
Quang Khải lại đưa cho Bách một quyển sổ, hắn mở ra xem thì trợn mắt:
Lư hương, bình hoa, hạc, đài bằng vàng mỗi thứ trăm lạng, Bạc: 5 vạn lạng, Lụa và cấp mỗi thứ: 100 cây, Sừng tê: 20 bộ, Ngà voi 14: đôi, quế: 1000 cân, hồ tiêu: 1000 cân , tô mộc: 1000 cân , 20 lọ hương hun áo, 1000 nén tuyền hương, 24 khối tốc hương.
Bách thầm chửi trong lòng.

“Bọn chó, không làm mà đòi có ăn, chuyến này ông cho chúng mày ăn …”.

Lại quay sang hỏi:
- Những thứ này triều đình có định cho chúng không?
- Vẫn phải cho nhưng số lượng chỉ bằng 1 phần 10 thôi.
Hắn quay lên chỗ hai vua.

Chắp tay:
- Vậy được! xin Thượng hoàng và quan gia yên tâm.

Ta có cách cho hai tên tham quan này không còn quần mà về.
- Người định làm gì?
- Thần sẽ tức tốc lên mỏ sắt bố trí, hai ngày nữa, mời Chiêu Minh Vương đưa chúng lên đấy.

Việc còn lại xin cứ để thần và Chu Đại Lực làm.
- Chu Đại Lực? Là tên đầu trộm đuôi cướp ở bến Đông Bộ Đầu ngươi xin cho làm quan.

Vậy được, cứ làm theo lời ngươi nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện