Trong cơn rét xuân cuối tháng hai, Từ Oánh Nguyệt đứng bên cạnh cây thạch lựu dưới bậc thềm chính viện, khẽ run.

Vì nàng dậy sớm vấn an hơi lớn tiếng nên đích mẫu Từ đại phu nhân cho rằng nàng không cung kính, phạt nàng đứng ở đây để nàng biết rõ quy củ.

Nàng đã đứng sắp hơn nửa canh giờ, nhìn theo đích trưởng tỷ Từ Vọng Nguyệt tiền hô hậu ủng ra ngoài đến tiệc hoa nhà Long Xương hầu phủ làm khách, nhị tỷ tỷ Từ Tích Nguyệt và tiểu muội muội Từ Kiều Nguyệt đều là thứ nữ ở cùng Từ đại phu nhân dùng bữa sáng rồi ôm áo lông về viện của mình.

Hiện tại đã cuối giờ thìn, Từ đại phu nhân bắt đầu lo liệu việc nhà, các quản sự, đại nương có việc cần bẩm lục tục kéo đến, nàng vẫn ôm bụng đói đứng ở đây.

Tứ chi cóng lạnh lẽo và bụng đói âm ỉ đau, nàng không phân biệt được cái nào khó chịu hơn một chút.

Những người tới tới lui lui này, ánh mắt đều cố ý hay vô tình quét qua nàng, bị phạt đứng không phải chuyện gì thể diện, Oánh Nguyệt không muốn bắt gặp cái nhìn của họ nên giả vờ bị cây thạch lựu bên cạnh hấp dẫn, ngẩn ngơ nhìn chằm chằm một cành cây.

Cành cây này, mới nảy ra một chồi non nhỏ so với hôm qua.

Oánh Nguyệt biết rõ như vậy, vì hôm qua nàng cũng bị phạt đứng ở đây___ừm, đây không phải lần đầu tiên nàng ra ngoài “biết rõ” quy củ, lý do hôm qua Từ đại phu nhân phạt nàng là nói giọng nàng thỉnh an quá nhỏ, nghi ngờ nàng không muốn thỉnh an đích mẫu.

Cho nên hôm nay nàng mới to giọng một chút, không ngờ lại bị Từ đại phu nhân phạt.

Điều này không lạ, đích mẫu muốn bới móc lỗi sai của thứ nữ đúng là quá dễ dàng, chỉ cần Từ đại phu nhân muốn, mỗi sợi tóc của Oánh Nguyệt đều là lỗi sai.

Đương nhiên, bản thân Từ đại phu nhân không cho rằng mình làm vậy có gì hà khắc, bà không đánh không mắng, cũng không phải trời đông giá rét, lúc này ra bên ngoài đứng thì có thể đứng thành bệnh à? Chút trừng phạt nho nhỏ nhân từ như vậy cũng chịu không nổi thì chắc chắn là thứ nữ này có tâm bất chính, ý đồ dùng khổ nhục kế chống đối đích mẫu___

Cho nên hiện tại hai chân Oánh Nguyệt đứng thành cọc gỗ không còn tri giác cũng chỉ đành tiếp tục đứng.

Có điều vào giờ này cũng dễ chịu đựng chút, vì mặt trời dần lên cao, cơn gió sớm mai mang theo hơi lạnh dần ngừng lại, ánh nắng vàng nhàn nhạt trước đó chiếu vào cuối cùng cũng có sự ấm áp chân thật.

Cũng vào giờ này, đại nha hoàn Kim Linh bên cạnh Từ đại phu nhân mặc áo ngắn màu xanh đá mới tinh bước ra, vải hoa tím cụt tay, nàng ấy chắp tay, như cười như không đứng trước mặt nàng, nói:

– Tam tiểu thư, phu nhân sai nô tỳ ra hỏi một tiếng, tiểu thư biết sai chưa? Oánh Nguyệt há miệng___mặt nàng hơi đông cứng, mất một lát mới đáp:

– __Biết rồi.

– Vậy tiểu thư đi đi, ngày mai đừng tái phạm nữa.

Kim Linh truyền lời Từ đại phu nhân, cũng tức là đại diện cho Từ đại phu nhân, Oánh Nguyệt khom đầu gối đã hơi cứng:

– Dạ, đa tạ phu nhân dạy bảo.

Kim Linh dịch sang bên cạnh nửa bước, không nhiều lời, xoay người bước lên bậc thềm rồi vén rèm bước vào.

Oánh Nguyệt lúc này mới dám giẫm giẫm cái chân tê cứng, đưa tay lên miệng hà hơi lấy tí hơi ấm rồi từ từ đi ra khỏi viện.

Bóng lưng khom khom gầy yếu của nàng rơi vào mắt người lui tới đứng đợi cũng giành được một hai tiếng thương hại:

– Haiz, đầu thai thành tiểu thư thì sao chứ, không có mẹ…

– Suỵt, ngươi không muốn sống à?

Một nha hoàn hơi lớn chút đúng lúc đi ngang qua tiểu nha hoàn đang lau hành lang cảm thán, nghe tiếng, lập tức quay đầu giáo huấn:

– Phu nhân đang khỏe mạnh, tam tiểu thư sao lại không có mẹ? Để phu nhân nghe thấy sẽ lột da ngươi đó!

Tiểu nha hoàn vội không ngừng xin tha, chờ đại nha hoàn đi rồi thì lau trụ hành lang, không dám nhiều lời nữa.

***

Oánh Nguyệt trên đường về được nha hoàn Đỗ Quyên của mình đón.

Vành mắt Đỗ Quyên đỏ lên, lo lắng đi tới đi lui bên đường, vừa thấy bước đi tập tễnh của nàng liền vội chạy tới đón, nước mắt đồng thời rơi xuống:

– Tiểu thư!

Oánh Nguyệt được nàng ấy đỡ, lập tức giảm bớt không ít gánh nặng, thả lỏng dựa vào nàng ấy, cười nói:

– Khóc gì mà khóc, ta không sao, về rồi nè.

Đỗ Quyên nức nở:

– Tiểu thư đừng nói nữa, mau về thôi, Ngọc Trâm tỷ tỷ đã chuẩn bị xong nước nóng với lò sưởi rồi, tiểu thư mau mau về sưởi ấm.

Oánh Nguyệt vừa lạnh vừa đói, cũng không có sức nói chuyện, bèn gật đầu, theo đường cũ về Thanh Cừ viện.

Vị trí Thanh Cừ viện rất hẻo lánh, nằm ở góc tây bắc cách chính viện xa nhất, Oánh Nguyệt ngày ngày đi thỉnh an phải đi một quãng đường rất dài, vào mùa đông lại càng khổ sở, sáng chiều mỗi ngày đều phải hứng gió lạnh. Nhưng Oánh Nguyệt vẫn rất thích nơi này.

Là thứ nữ không được sủng ái nhất trong nhà, có thể độc chiếm một tiểu viện như vậy đã xem như may mắn.

Mẹ đẻ nàng là nha hoàn Từ gia, bệnh mất từ rất sớm, Từ đại phu nhân thấy thứ nữ thì chướng mắt chướng tim, không muốn đón nàng về chính viện nuôi nên vứt nàng cho mẹ đẻ Từ Tích Nguyệt là Vân di nương.

Oánh Nguyệt ở trong viện của Vân di nương hai năm, lúc đó nàng mới là một đứa trẻ ba tuổi, cái gì cũng không hiểu, việc gì cũng theo sau tỷ tỷ Tích Nguyệt lớn hơn một tuổi, Tích Nguyệt được Vân di nương dạy làm gì thì nàng học theo cái đó, hai tỷ muội ngày ngày cùng đi thỉnh an cùng về, hai đứa trẻ be bé trông rất hòa thuận.

Cứ thế qua hai năm, không biết sao Từ đại phu nhân tỉnh táo lại, cho rằng như vậy là cho Vân di nương thêm trợ lực, Oánh Nguyệt do bà ấy nuôi lớn thì chẳng phải việc gì cũng nghe theo bà ấy sao?

Thế là bà lại tốn công đưa Oánh Nguyệt ra, nhưng bà vẫn không muốn nuôi nàng, bèn tìm một tiểu viện trống, nhét bừa vài hạ nhân rồi bỏ nàng ở đó.

Oánh Nguyệt lúc nhỏ không biết gì, vừa rời khỏi Tích Nguyệt còn khóc nước mắt nước mũi tèm lèm, nhưng dần lớn lên, nàng cảm thấy mình có một khoảnh riêng cũng tốt.

Tiểu viện này quá hẻo lánh, người bình thường thăm xã giao cũng chẳng thăm tới chỗ này, Oánh Nguyệt về, đóng cửa viện lại, để tất cả những gió sương hỗn loạn kia bên ngoài.

– Tiểu thư!

Nha hoàn Ngọc Trâm đứng ngoài rèm trông ngóng, thấy nàng về thì vội chạy qua:

– Tiểu thư mau vào, nô tỳ đun nước đặt trên lò sưởi, bây giờ còn nóng, tiểu thư mau qua hơ tay chân cho ấm.

Hai nha hoàn một trái một phải dìu Oánh Nguyệt vào phòng, Đỗ Quyên giúp nàng cởi giày vớ, Ngọc Trâm đến giường lấy bình sưởi (1) đặt vào lòng nàng rồi lại quay đầu lấy chậu đồng đặt trên bếp sưởi.

 (1) Bình sưởi (汤婆子): dụng cụ sưởi ấm ngày xưa, có hình tròn tròn dẹt dẹt, đổ nước nóng vào rồi ủ trong chăn làm ấm chỗ ngủ hoặc cầm theo bên người để làm ấm tay.

Giày vớ cởi ra, đôi chân xinh xắn của Oánh Nguyệt treo lơ lửng, mũi chân nàng lạnh đến mức vừa đau vừa ngứa, gấp gáp muốn đặt vào trong chậu, Đỗ Quyên vội nói:

– Tiểu thư đợi đã.

Đỗ Quyên xoa xoa chân kể cả bắp chân nàng trước, khi xoa đến tỏa nhiệt mới cho nàng đặt chân vào nước.

Oánh Nguyệt ngoan ngoãn ôm bình sưởi do nàng ấy đặt, hơi nóng từ nước ùa vào chân, thấm vào mắt cá chân, nàng thoải mái thở ra, dựa vào chiếc ghế dựa màu xanh sẫm cũ kỹ.

Ngọc Trâm thấy tai nàng đỏ, đưa tay sờ thấy lạnh băng, không khỏi thương tiếc:

– Còn chịu như vậy thêm hai ngày nữa là tai tiểu thư cũng bị cóng luôn cho xem.

Sợ nàng sinh bệnh, nàng ấy thay nàng xoa nắn, cẩn thận tránh hai hạt trân châu rủ bên vành tai.

Oánh Nguyệt tự an ủi:

– Chắc là không đâu, trời càng ngày càng ấm lên rồi.

Đỗ Quyên xoay người đi lấy khăn sạch nghe lời này liền cuống, vội quay lại nói:

– Nói vậy, mai tiểu thư vẫn phải đi chịu phạt ạ? Không được, mai nô tỳ nhất định phải đi theo tiểu thư, tiểu thư đừng dỗ nô tỳ ở lại nữa.

Tiểu thư yêu kiều yếu ớt, đi trong nhà rất ít khi đi lẻ, hôm nay Oánh Nguyệt bị phạt đứng đó một mình là vì hôm qua nàng mang theo Đỗ Quyên đi, kết quả hai chủ tớ đều cùng bị đứng gần một canh giờ, nàng cảm thấy tình huống hôm nay có lẽ cũng không khác mấy nên dỗ không mang Đỗ Quyên theo. Kết quả, quả nhiên là vậy.

Ngọc Trâm cũng nói:

– Hay mai nô tỳ đi theo tiểu thư, không có lý nào tiểu thư chịu khổ mà chúng nô tỳ lại an nhàn được.

Oánh Nguyệt từ chối:

– Khỏi. Ai đi là người đó sẽ chịu tội uổng thôi, ta bệnh có các ngươi chăm sóc chứ các ngươi bệnh thì sao đây? Tay chân ta vụng về, không biết hầu hạ đâu.

Đỗ Quyên dở khóc dở cười:

– Tiểu thư nói gì đó, ai dám phiền tiểu thư hầu hạ chúng nô tỳ chứ?

Nói xong, nàng ấy lại lo âu:

– Cơn giận quái gở này của phu nhân chừng nào mới hết đây?

Trước đây kỳ thực cuộc sống của Oánh Nguyệt không khó khăn như vậy, nàng sống trong tiểu viện xa xôi này, không tranh không cướp bất kỳ thứ gì, cho gì nhận nấy, Từ đại phu nhân có quan hệ cần giao thiệp, có việc nhà cần quản lý, có con cái ruột cần quan tâm, trong tình huống bình thường, bà chẳng hơi đâu gây sự với một thứ nữ sống như cái bóng, bỏ nàng đi xa xa chút, ít nhìn thấy là được.

Hiện tại chợt trở nên khác thường, đương nhiên là có nguyên nhân.

Nguyên nhân này, thực ra trong nhà từ trên xuống dưới đều biết, chỉ là không muốn động vào Từ đại phu nhân để nhận xui xẻo nên chưa ai dám nói rõ ngoài mặt.

Nhưng trong tiểu viện của mình, Oánh Nguyệt vẫn có thể nói.

Chân ngâm tốt rồi, người ấm trở lại, Ngọc Trâm sang phòng sát vách bưng cháo táo đỏ trên lò nhỏ qua, Oánh Nguyệt hỏi Đỗ Quyên đang mang vớ giúp nàng:

– Sao? Tin tức nghe ngóng chính xác chứ?

Đỗ Quyên buổi sáng không đi chịu phạt với nàng cũng không phải thật sự an nhàn ở nhà, Oánh Nguyệt dỗ, tìm việc cho nàng ấy làm, bảo nàng ấy đi nghe ngóng một chuyện mà hôm qua mọi người bàn tán.

Có thể làm người hầu trong Thanh Cừ viện lạnh lẽo này đều không phải là hạ nhân có bản lĩnh có bối cảnh, nhưng Đỗ Quyên là con của gia đình nô bộc, muốn nghe ngóng sẽ luôn tìm ra cách để nghe.

Nàng ấy vừa đưa chân Oánh Nguyệt vào trong đôi giày thêu vải mềm mang trong nhà vừa ngẩng đầu hăng hái nói:

– Nghe ngóng được rồi! Nô tỳ đến viện của Vân di nương tìm Mai Lộ tỷ tỷ, giả vờ mượn mẫu thêu hoa của nhị tiểu thư xem, chưa đợi nô tỳ nhắc thì nha hoàn ở đó đang bàn tán____Phương đại thiếu gia thực sự đã về, hơn nữa còn về được bảy tám ngày rồi!

Phương đại thiếu gia mà nàng ấy nói là trưởng tôn chi trưởng của Bình Giang bá phủ trong kinh, vị hôn phu của Từ đại tiểu thư Từ Vọng Nguyệt.

Năm năm trước, Phương đại thiếu gia ngoài xưng hô trưởng tôn chi trưởng, vì phụ mẫu mất sớm, tổ phụ yêu thương nên hắn còn một thân phận khác hiển hách hơn được thừa kế từ phụ thân: Bình Giang bá thế tử.

Nhưng mùa xuân năm đó hắn xảy ra chuyện, bị trọng thương, sau khi được khiêng về phủ tuy mạng được bảo vệ, nhưng vì cổ bị thương nên không nói được nữa, biến thành một người câm, cũng bởi vậy mà mất đi vị trí thế tử.

Ngày thúc phụ hắn mở tiệc mừng bản thân được sắc phong thế tử, hắn bỏ nhà ra đi, một lần đi là đi hết năm năm, bặt vô âm tín, không ai biết hắn đi đâu.

___Bởi vậy, Từ đại phu nhân quản việc nhà, không ai có mắt lại đến nói trước mặt bà, nhưng sau lưng bà thì đám nha hoàn lại ngang nhiên bàn tán.
(*) Bình sưởi là dụng cụ như vầy nè:

6854365_161042771000_2

Hoặc như cái mấy cô này cầm:

1826823889_773090056
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện