Tôi vô cùng hiếu kỳ đối với điệu nhảy "hoa hồng đêm" mà chị nói.

Mỗi khi các anh chị khóa trên trong quảng trưởng định dạy điệu nhảy mới, tôi luôn chú ý.

Nói chính xác hơn, đó là một loại chờ mong.

Tôi vẫn giữ thói quen tránh trong chỗ tối khi gặp phải điệu nhảy hai người.

Nhưng chị luôn tìm thấy tôi, kéo tôi khỏi bóng tối, đi về phía ánh sáng, cùng khiêu vũ với nhau.

"Cậu em, chị thấy em rồi. Em còn trốn à?"

"Đừng có giả chết, cậu em. Mau ra đây."

"Óa!" Có khi chị còn lén lút đi tới sau lưng tôi, hét to một tiếng.

Khi thấy tôi kinh ngạc chật vật quay lại, chị sẽ cười khanh khách không ngừng.

"Không ngờ hả, cậu em. Đây là điệu nhảy của Hy Lạp, mình cùng nhảy đi."

Có lúc vừa nhảy xong điệu "Dũng khí" của Mỹ, vì điệu "Dũng khí" cần động tác bước quân hành (Balance step) rất mạnh, tôi không cẩn thận làm chân tría bị thương. Vì vậy rời khỏi quảng trường, định về ký túc xá nghỉ ngơi.

Đi được vài bước xong, lúc nhìn lại, thấy chị đang bối rối tìm quanh quảng trường đan xen giữa bóng tối và ánh sáng.

Cuối cùng chị dường như buông bỏ, buồn bã ngồi lên bức tường thấp bên cạnh quảng trường.

"Chị." Tôi lê chân tới sau chị, gọi mộ tiếng.

Chị quay đầu lại, cười một cái như không có việc gì, song ánh mắt vẫn còn sót lại lại chút buồn bã: "Lần này sao em lại trốn? Hại chị tìm mãi không thấy."

Chị đứng dậy, kéo tay phải tôi: "Đây là điệu nhảy rước dâu của Malaysia. Mình cùng nhảy đi."

Tôi cắn răng, cố bước thật bình thường.

Tôi nhớ rất rõ khuôn mặt hoang mang khi đi tìm tôi của chị, cũng nhớ rất rõ nụ cười khi tôi đột nhiên xuất hiện phía sau, càng nhớ rõ hơn vẻ buồn bã nhàn nhạt trong khóe mắt chị, nhưng không thể nhớ nổi cơn đau của chân trái.

Từ đó về sau, tuy tôi vẫn không thoải mái mời bạn nhảy nhảy điệu hai người, nhưng tôi cũng không trốn nữa.

Vì tôi không muốn thấy vẻ hoang mang và buồn bã của chị.

Tôi thử đứng ở nơi sáng tối giao nhau trên quảng trường, nhìn về phía trung tâm.

Lần đầu chị thấy tôi đứng giữa chỗ sáng tối đó, lập tức ngừng bước.

Chị kinh ngạc nhìn tôi, đứng đó vài giây rồi bắt đầu mỉm cuời.

Sau đó, một anh khóa trên di tới mời nhảy, chị dùng tay phải khẽ vén váy, khom người.

Khi chị đi vào giữa vòng tròn, lại quay đầu lại cười với tôi một cái.

Đó là lần đầu tiên tôi đứng ngoài vòng tròn ngắm chị khiêu vũ.

Động tác của chị nhẹ nhàng lại tao nhã, bước nhảy đúng nhịp không chút sai lệch, còn khuôn mặt của chị luôn nở nụ cười.

Sau hôm đó, chị không cần đi khắp quảng trường sáng tối đan xen tìm tôi nữa, chị chỉ cần đứng một chỗ, thoáng nhìn qua là có thể thấy tôi.

Sau khi thấy tôi, chị sẽ cười một cái, sau đó vẫy vẫy tay với tôi.

Khi tôi tới bên chị, chị cũng chỉ nói một câu: "Mình cùng nhảy đi."

Đương nhiên, trước khi vẫy tay với tôi, cũng có lúc có người tới gần mời chị nhảy.

Chị luôn mỉm cười đồng ý, sau đó nhún vai lè lưỡi với tôi.

Chỉ có một lần là ngoại lệ. Tôi nhớ lần đó vừa nhảy một điệu Ba Lan xong.

"Xin hãy mời bạn nhảy!" Giọng đàn anh vẫn vang dội như xưa.

Tôi lui lại vài bước, đứng đó, chuẩn bị thưởng thức bước nhảy tiếp theo trong vòng tròn.

"Điệu nhảy tiếp theo..."Anh ta cúi đầu xuống nhìn tờ giấy trong tay rồi ngẩng đầu lên nói: "Hoa hồng đêm."

Không biết vì sao, sau khi nghe vậy, động tác trong vô thức lại là bước vào vòng tròn.

oOo

Đêm bão Nạp Lị đột kích vào, nước lũ rốt cuộc cũng tràn qua đê sông Cơ Long, đổ bộ vào Đài Bắc.

Một cánh dọc theo đường Trung Hiếu Đông sáu luồng điên cuồng đổ về phía tây, một cánh khác lại xung phong dọc theo đường Cơ Long tiến về phía nam.

Nước lũ chia quân thành hai đường, sau đó gặp nhau ở nơi giao nhau giữa đường Cơ Long và đường Trung Hiếu Đông.

Nơi hai quân giao nhau, sóng lớn nổi lên cuồn cuộn, trong nháy mắt nước đã sâu hơn hai mét.

Đường Trung Hiếu Đông được coi là phồn hoa nhất Đài Bắc, chỉ trong một đêm đã thành sông Trung Hiếu.

Còn xe điện ngầm dọc đường Trung Hiếu Đông, gần như không làm gì được, bị nước lũ dễ dàng tràn vào.

Vì thế trước đây là đường cho tàu chạy, giờ lại là đường cho nước lũ tàn phá.

Nước lũ rốt cuộc cũng tràn vào nhà ga Đài Bắc, nuốt trọn mọi hàng hoát thiết bị, nhà ga Đài Bắc trở thành tòa thành dưới đáy biển.

Nếu định đi xe lửa, chắc phải mặc áo lặn với mang theo bình dưỡng khí.

Sáng sớm hôm sau nữa, cho dù thành phố Đài Bắc không thông báo nghỉ làm nghỉ học, tôi cũng chẳng cách nào đi làm được.

Vì chẳng có thuyền nào chở tôi tới công ty.

Vì tổn thất rất nghiêm trọng nên Đài Bắc thông báo nghỉ làm nghỉ học hai ngày liền.

Tới ngày thứ ba bắt đầu trở lại đi làm như bình thường, song cuộc sống của tôi lại nảy sinh một thay đổi rất lớn.

Vì tôi đã không thể đi làm bằng xe điện ngầm.

Trong trạm xe điện ngầm tích đầy nước, muốn bơm hết nước khỏi đó cũng phải mất vài ngày.

Còn nếu muốn trở lại hoạt động như bình thường, sợ là phải đợi một đến hai tháng nữa.

Buổi tối ngay trước hôm đi làm trở lại, Diệp Mai Quế nhắc tôi ngày mai phải đi sớm một chút.

"Sớm hơn bao lâu?" Tôi hỏi.

"Đại khái sớm hơn so với bình thường khoảng một giờ. Vì cậu cần phải đi xe bus đi làm."

"Sớm hơn một giờ á? Cô đùa hả?"

"Tôi nói thật đấy." Cô trừng mắt nhìn tôi một cái: "Cậu không tin cũng được."

"Tôi đương nhiên tin lời cô rồi, nhưng sớm một giờ chẳng phải quá..."

"Chẳng phải quá phóng đại sao. Cậu định nói vậy đúng không?"

"Đúng vậy. Vậy chẳng khác nào tôi phải ngủ ít đi một giờ? Thế thì vô nhân đạo quá. Cô thì sao?"

"Tôi đi xe máy đi làm, cho nên không khác biệt nhiều lắm. Cùng lắm là phải đi sớm hơn 10 phút thôi."

"Bất công quá! Tôi cũng muốn sớm hơn 10 phút thôi." Tôi đứng dậy kháng nghị.

"Tùy cậu." Cô lại chuyển ánh mắt về tivi: "Dù sao tôi cũng đã nhắc cậu rồi."

"Ừm, được rồi. Tôi dậy sớm hơn 15 phút là được."

Cô tắt tivi, lấy ra một quyển sách, bắt đầu đọc, dường như không để ý tới tôi nữa.

"Vậy 20 phút thì sao?" Tôi lại tăng thêm 5 phút.

Diệp Mai Quế lại ngẩng đầu lên trừng mắt với tôi một cái rồi lại cúi đầu xuống tiếp tục đọc sách.

Sau khi tôi tới Đài Bắc làm vẫn luôn lên xe điện ngầm đi làm, chưa hề biết tắc đường lâu thế nào.

Trước kia khi ở Đài Nam thường nghe nói tình hình tắc đường ở Đài Bắc rất nghiêm trọng, nhưng cũng nghe nói sau khi có xe điện ngầm, tình hình tắc đường đã được cải thiện rất nhiều.

Vì vậy tôi rất khó tưởng tượng vì sao mình lại phải đi sớm hơn trước những một giờ.

Tôi nhìn Diệp Mai Quế, cô hẳn không nói đùa rồi.

Hơn nữa xem động tác lật trang sách của cô có hơi thô lỗ, hẳn là tức tôi không nghe lời đây.

"Tôi đi sớm hơn 25 phút là được. Cô nghĩ sao?" Tôi thử bắt chuyện với Diệp Mai Quế.

Cô vẫn không chút phản ứng, như không nghe thấy tôi nói.

"30 phút." Tôi vòng ngón trỏ với ngón cái, dựng thẳng ba ngón tay còn lại lên, giơ về phía cô: "Chỉ 30 phút thôi. Không thể hơn được."

"Cậu bệnh à, đây có phải là cò kè mặc cả đâu." Cô khép quyển sách lại, lớn tiếng nói: "Tôi nói một giờ là một giờ."

Cho nên trước khi ngủ tôi vặn đồng hồ báo thức về trước số tám một giờ.

Nhưng khi đồng hồ báo thức gọi tôi dậy, tôi thật sự không cách nào tiếp nhận chuyện nó kêu sớm như vậy, vì vậy lại vặn nó tới gần số tám hơn một chút, rồi lại một chút, một chút nữa, một chút nữa nữa, mãi tới lúc lương tâm tôi phát hiện ra mới thôi.

Xuống giường, mơ mơ màng màng đẩy cửa ra, phát hiện Diệp Mai Quế cũng mở cửa phòng mình ra gần như cùng lúc.

"Chào buổi sáng." Tôi lên tiếng chào cô, đây là lần đầu tôi thấy cô trước tám giờ sáng.

"Không phải tôi bảo anh phải dậy sớm một giờ sao?"

"Bởi vì..." Tôi ngại ngùng đáp: "Đồng hồ báo thức kêu sớm quá, tôi không quen."

"Được." Diệp Mai Quế dùng khóe mắt lườm tôi một cái: "Được lắm."

Tôi toàn thân phát lạnh, cũng vì thế hoàn toàn tỉnh táo.

Tôi nhanh chóng giả bộ như vội vội vàng vàng, cũng tự mắng mình vài câu, vì tôi muốn Diệp Mai Quế cảm thấy tôi không cố ý không nghe lời cô.

Trước khi ra ngoài, theo lệ thường, tôi ngồi xuống vuốt ve đầu Tiểu Bì: "Tiểu Bì ngoan, anh sẽ về nhanh thôi."

Tiểu Bì cũng theo lệ thường, cắn ống quần của tôi không buông.

Diệp Mai Quế thấy tôi kéo co với Tiểu Bì ngoài hành lang như vậy không khỏi cười thành tiếng: "Nó ngày nào cũng vậy sao?"

"Đúng vậy." Tôi kéo tung ống quần khỏi cái răng cuối cùng của Tiểu Bì cắn lên, đứng dậy.

"Làm vậy quần cậu sẽ hỏng đấy."

"Thật không?" Tôi gác chân trái lên đùi phải, tay phải chống vào vách tường, kiểm tra cẩn thận. "Á! Đúng là có lỗ này này." Tôi đếm một chút: "Tổng cộng có bảy lỗ nhỏ, xếp thành hình như thất tinh bắc đẩu trên trời. Tiểu Bì thật không đơn giản."

"Vớ vẩn." Cô xoay người, tiêp tục việc của mình.

"Tôi đi đây, tối gặp lại." Tôi vuốt vuốt mũi, mở cửa.

"Đi đi." Diệp Mai Quế trả lời rất bình thản.

Tôi nhìn đồng hồ, vừa vặn tám giờ đúng, đi làm sớm hơn bình thường nửa giờ.

"Thói quen cũng thỏa mãn thuyết tương đối đấy." Tôi cảm thấy vẫn còn sớm vì vậy lại bắt đầu nói: "Thói quen là tương đối, không phải tuyệt đối. Trước kia tám giờ 20 tôi rời giường, 8 giờ rưỡi ra khỏi cửa, hôm nay 7 giờ 50 rời giường, 8 giờ ra khỏi cửa. Thói quyen tuyệt đối đã thay đổi nhưng thói quen tương đối vẫn không đổi, vẫn là 10 phút sau khi rời giường thì ra khỏi cửa." Tôi chậc chậc vài tiếng: "Mình thật không đơn giản."

"Rốt cuộc cậu có đi không đây?" Diệp Mai Quế lạnh lùng buông một câu, như phóng ra một ngọn phi đao.

"Rõ." Tôi nơ nụ cười trả lời: "Đi ngay đây."

"Này!" Diệp Mai Quế đột nhiên gọi một tiếng.

"Sao thế?" Tôi thu lại chân phải vừa bước ra cửa, đi về hành lang, ngó đầu vào phòng khách.

"Cậu quên mang cặp rồi."

"Hôm đó vội vàng đi taxi về tìm cô, tôi để cặp ở công ty, quên không mang nó về."

"À." Cô lên tiếng, giọng nói chuyển thành ôn nhu: "Sau này đừng bất cẩn như vậy nữa."

"Ừ. Tôi biết rồi."

Tôi quay người ra cửa, lại nghe cô gọi này một tiếng.

"Còn chuyện gì à?"

"Nếu đến muộn cũng đừng nóng nảy."

"Cô yên tâm, tôi không đi muộn đâu."

"Thật không? Vậy cược không?"

"Đuợc. Nếu tôi không muộn, tối cô phải nấu cơm cho tôi ăn, còn phải rửa bát nữa."

"Không. Nếu cậu tới muộn tôi mới nấu cơm."

"Tốt vậy sao? Vậy tôi ngược lại tình nguyện đi muộn."

"Bất kể cậu nguyện hay không nguyện, cậu chắc chắn sẽ muộn."

"Nếu tôi không muộn thì sao."

"Thì tối tôi nấu mỳ."

"Cô." Tôi đột nhiên sửng sốt, không biết nên nói gì.

Vì vậy có nghĩa là cho dù tôi muộn hay không muộn, tối nay Diệp Mai Quế đều sẽ nấu thứ gì đó.

Vốn tôi cho rằng hoa hồng đêm chỉ lặng lẽ nở rộ vào buổi tối, không thích ánh mặt trời.

Không ngờ sáng sớm vẫn yêu kiều như đêm.

Thậm chí khi ánh nắng sớm rọi xuống, đóa hoa hồng đêm mông lung lại ngời sáng diễm lệ.

Tôi rốt cục cũng thấy được màu sắc của hoa hồng đêm.

Đó là mầu đỏ thẫm chứ không phải màu đỏ sậm mà tôi vẫn nghĩ tới.

"Cám ơn cô." Tôi nghĩ một lúc, chỉ có thể nói tiếng cám ơn ngốc nghếch.

"Không cần cám ơn. Mau đi đi."

"Thật ra tôi có nghe lời cô nói, nhưng tôi ham ngủ quá nên cứ vặn đồng hồ báo thức tới gần tám giờ."

"Đừng nói nữa, đi mau đi."

"Cô có cảm thấy cô đang lấy ơn báo oán không? Hay có cảm giác 'Vốn ta gửi lòng nơi trăng tỏ -

Nhưng sao trăng lại chiếu rạch nào'?"

Diệp Mai Quê đột nhiên đứng phắt dậy đối mặt với tôi, tay phải chống eo, tay trái chỉ mạnh sang trái: "Đi mau cho tôi!"

Tôi chạy ra ngoài như bay.

Đến trạm dừng xe bus tôi mới hiểu rốt cuộc vì sao lại phải đi sớm một giờ.

Nơi đó đã có một đống người, chẳng khác nào hôm nay đi xe bus không những miễn phí còn được nhận quà.

Tôi không thể dùng "dòng người dài dằng dẵng" để hình dung người chờ xe bus, vì vốn chẳng có ai xếp hàng.

Mỗi khi xe bus ngừng lại, mọi người ùa lên, chỉ đợi người cuối cùng xuống xe cái là tranh nhau lên.

Đã từng xem đấu bóng rổ chưa? Khi tranh bóng trong vòng cấm dưới rổ, mọi cầu thủ đều nhìn chăm chú vào trái bóng nảy trên thành rổ, nắm lấy thời cơ để nhảy lên, đập bóng vào rổ.

Người chờ xe bus cũng như chơi bóng rổ vậy.

Vừa trở lại đi làm, xe điện ngầm ngừng hoạt động, vì thế mọi người vốn đi dưới lòng đất giờ toàn bộ trở lại bên trên.

Người điều hành xe bus ở Đài Bắc lại không thể nào sơ tán những người dân bỏ gian tà theo chính nghĩa lúc này, vì thế khiến cho giao thông vô cùng hỗn loạn.

Cho dù tôi vất vả lắm rồi cũng lên được xe, nhưng lúc trước đi xe điện ngầm tôi chỉ tốn có 7 phút, giờ đi xe bus tôi tôi phải đợi mất 50 phút.

Cho nên bữa tối nay tôi phải ăn cơm, vì tôi đến muộn 20 phút.

Khi ở thang máy dưới lầu công ty, vừa vặn gặp Sơ Hồng Đạo.

"Hi! Tiểu Kha." Sơ Hồng Đạo dường như rất vui vẻ: "Chúng ta đúng là anh hùng chí lớn gặp nhau."

"Đã tới muộn thế này sao anh còn vui vẻ vậy."

"Đã rất lâu rồi anh không đến muộn, sắp quên tâm trạng lo lắng khi đi muộn rồi. Hôm nay vừa hay, có thể nhân dịp nay ôn lại giấc mộng cũ."

Tôi mặc kệ anh ta, vươn ngón trỏ tay phải định ấn nút, anh lại giữ tay phải của tôi lại.

"Sao vậy?" Tôi quay lại hỏi.

"Từ từ hãng ấn nút. Xin hãy để anh hưởng thụ tâm trạng tới muộn thêm chút nữa."

"Này!" Tôi nhanh chóng giơ tay trái ra, anh ta lại lập tức nắm lấy tay trái tôi.

Kết quả chúng tôi lôi lôi kéo kéo như đánh thái cực quyền ở cửa thang máy.

Vốn tôi hẳn chỉ muộn 20 phút, lại biến thành 30 phút.

Vốn chúng tôi có thể lén lút chui vào văn phòng, nhưng Sơ Hồng Đạo vừa vào đã gào tướng lên: "Chào mọi người! Chúng tôi tới muộn."

Ông chủ nghe tiếng đi tới giảng giải tinh thần với chúng tôi một phen.

Sau lại nghe nói hôm đó công ty có rất nhiều người đi muộn, chỉ có điều tôi với Sơ Hồng Đạo là tới muộn nhất .

Cho nên ông chủ lặp lại bài diễn thuyết của mình tới vài lần.

Hôm nay chủ đề thảo luận và bàn tán của văn phòng đều xoay xung quanh thành phố Đài Bắc bị nước lũ bao quanh.

Khoảng 11 giờ, ông chủ gọi công tác nhỏ của chúng tôi vào họp.

Tổ công tác nhỏ của chúng tôi ngoại trừ giám đốc, tôi, Sơ Hồng Đạo, còn có hai đồng nghiệp nam cùng với cô Lý có màu son môi khiến người ta tưởng là trúng độc.

Trọng điểm của cuộc họp là thảo luận vì sao Đài Bắc lại xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như vậy.

Vì tôi là người trẻ tuổi nhất, cũng là người có ít kinh nghiệm nhất, hơn nữa lại không quen thuộc đối với Đài Bắc cho nên đại bộ phận thời gian tôi chỉ sắm vai người nghe, ngẫu nhiên ghi chép một chút.

Thẳng tới lúc ông chủ đột nhiên nói một câu: "Chúng ta nên cảm thấy may mắn khi cơn bão Nạp Lị đổ bộ vào, vì nó khiến cho công ty chúng ta có rất nhiều việc để làm."

Tôi nghe vậy, tay cầm bút vì hơi tức giận và kích động mà run run.

"Tiểu Kha." Ông chủ hỏi tôi: "Cậu có ý kiến gì sao?"

"Bão mang tới lũ lụt, gây thiệt hại, sao chúng ta còn bảo may mắn được?" Tôi nói.

Ông chủ mỉm cười, buông tài liệu trong tay xuống rồi ngồi xuống ghế tựa, hỏi tôi: "Nếu không có thiệt hại do lũ lụt, cậu có việc gì làm không?"

"Nếu cậu là bác sĩ, cậu sẽ mong là thường xuyên có người mắc bệnh, nhờ đó mới kiếm được nhiều tiền khám bệnh chứ?"

"Không ai mắc bệnh, vậy ngày ngày bác sĩ kiếm tiền ra sao?"

"Vì có người mắc bệnh nên mới cần bác sĩ. Chứ vì có bác sĩ nên mới mong cho bệnh tật không ngừng sinh sôi. Có nguyên nhân mới có kết quả, không thể lấy kết quả làm nguyên nhân được."

"Ồ, thế sao? Ít nhất những thiệt hại về lũ lụt có thể khiến cho công trình thủy lợi được coi trọng hơn đúng không?" Ông chủ lại cười nói: "Đài Loan luôn không coi trọng các công trình thủy lợi, cậu không thấy là nếu thường xuyên xảy ra lũ lụt, công trình thủy lơi sẽ càng được coi trọng, địa vị của kỹ sư thủy lợi cũng sẽ tăng cao sao?"

"Ý nghĩa cho sự tồn tại của công trình thủy lợi không phải vì được coi trọng." Tôi buông bút, đứng dậy nói: "Mà là vì cần thiết."

Tôi nói xong, không khí trong phòng họp như cứng lại, mọi âm thanh đều đột nhiên ngưng bặt.

"Được, nếu cậu đã nói những thứ như 'cần thiết', vậy ngoại trừ phần cứng của công trình chống lũ với kế hoạch kiểm soát dòng chảy của sông ra, cậu cho rằng muốn chống lũ còn cần gì nữa?"

Ông chủ đứng thẳng dậy, rời khỏi ghế tựa, hai mắt nhìn thẳng vào tôi.

"Một bộ máy dự báo lũ và báo động chống lũ hoàn chỉnh." Tôi trả lời.

"Có thể mời cậu nói cụ thể hơn không."

"Ừm. Tôi học hành không tốt lắm, nếu có sơ sót hay sai lầm gì mong các vị chỉ cho."

"Mau nói đi." Ông chủ hiển nhiên không kiên nhẫn nổi.

"Vấn đề này rất phức tạp, vì tính không xác định của "dự báo" tương đối lớn. Nếu muốn thành lập hệ thống dự báo đầy đủ phải từ khi cục khí tượng bắt đầu tuyên bố cảnh báo bão, chú ý chặt chẽ đường đi của bão. Căn cứ theo đường đi trước đó của cơn bão, độ khí áp cùng tốc độ gió, tính toán sóng từ ngoài biển đánh vào, đánh giá mức thủy triều dâng cao ở cửa sông Đạm Thủy. Sau đó lại dự đoán trước lượng mưa, tính toán lưu lượng nước sông, cũng phải xem xét hệ thống chống nước xả nước ra sông cùng lưu lượng mà trạm bơm nước bơm ra sông. Vì hệ thống sông Đạm Thủy bao gồm cả sông Đạm Thủy, sông Cơ Long, khe Tân Điếm, khe và sông Đại Hán. Vì vậy phải tính toán toàn bộ nước lũ từ hệ thống sông, dự báo đánh giá mực nước ở các cầu và ở gần các khu dân cư đông đúc. Mà đập chứa nước Phỉ Thúy ở thượng lưu vạn nhất xả lũ, cũng phải đưa vào tính toán, tránh cho việc mực nước ở hạ lưu dâng quá cao, vì vậy cần có chiến lược xả lũ tốt nhất.Dự báo chắc chắn không chính xác cho nên cần phải sử dụng số liệu quan sát mới nhất, kịp thời chỉnh sửa và thay đổi kết quả tính toán.Đài Bắc có địa hình trũng, không xử lý nước lũ kịp thời, rất có thể khiến cho lượng nước lũ nhanh chóng tăng lên, bởi vậy càng phải tranh thủ thời gian kiểm soát, xử lý lũ lụt.Mặt khác, các phương tiện truyền thông điện tử phải không ngừng tập trung tiêu điểm ở tình trạng thiên tai và lượng mưa, phối hợp với kết quả dự báo, đưa tin nhắc nhở dân chúng nên sơ tán và nên sơ tán tới đâu.Tóm lại phải tranh thủ thật nhiều thời gian phản ứng để giảm bớt tổn thất về người và tài sản."

"Ý cậu là, thời gian là cực kỳ quan trọng?" Ông chủ sau khi nghe xong bèn hỏi tôi.

"Đứng trên góc độ phòng chống lũ lụt mà nói, đúng vậy."

"Vậy sao hôm nay cậu lại đi muộn nửa tiếng?"

"Đó là vì..."

"Cậu không thể dự đoán được thời gian tăng lên do việc chuyển từ xe điện ngầm sang xe bus, đúng không."

"Đúng vậy."

"Như vậy đối với tính không xác định của toàn bộ hệ thống dự báo, cậu sẽ dự đoán ra sao?"

"Tôi sẽ dự đoán được."

"Cậu muốn tôi tin rằng một kẻ đi muộn, một kẻ không có khái niệm về thời gian lại giúp tôi tranh thủ được thêm càng nhiều thời gian cảnh báo chống lũ sao?"

Tôi lập tức nghẹn lời, cúi đầu, không đáp.

Kết thúc cuộc họp, trong lòng tôi rất bực bội.

Tuy tôi biết việc không dự đoán được thời gian tăng thêm khi đi làm sáng nay chẳng liên quan gì tới việc cảnh báo chống lũ, song trong lòng tôi vẫn cảm thấy đôi chút hổ thẹn, còn cả một ít bối rối.

Cũng như cảm giác bối rối khi học tiểu học, bị giáo viên gọi đứng lên trả lời bài, kết quả lại trả lời sai.

Vốn chẳng có tâm tình ăn cơm trưa, nhưng Sơ Hồng Đạo vẫn cứng rắn kéo tôi đi ăn cùng anh ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện