Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

C 115: Cải tiến ngành dệt may

Việc Hoàng Anh Kiệt chỉ huy một xưởng dệt nhỏ đánh thắng một liên minh gồm toàn những kẻ kỳ cựu trong ngành dệt không khỏi khiến Mai Diễm càng thêm thán phục và muốn tìm hiểu rõ về đứa trẻ này. Và cô ta thông qua Đào Thùy Linh và Trần Phương Nhung để tìm hiểu thêm. Đặc biệt cô ta muốn biết Kiệt nghĩ gì khi mà nhanh chóng đồng ý hòa giải vậy.

- Vì Kiệt không muốn leo thang căng thẳng giữa hai bên. Nếu như các xưởng dệt cũ bị o ép quá, họ sẽ cố cự lại bằng cách tiết kiệm chi tiêu thông qua việc giảm lương nhân công hoặc đuổi việc họ. Cậu ấy không muốn thế.

- Sao vậy? - Kiệt nói nếu vậy thì vô số người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, mà lý do lập ra Xưởng Dệt không phải là thế.

- Thật sự là rất quân tử đấy.- Mai Diễm gật gù- Nhưng mà những người còn lại không phản đối gì sao?

- Kiệt biết cách thuyết phục mọi người lắm. Cậu ấy đưa ra những điểm lợi khi hợp tác, cùng điểm hại nếu cố đánh tới cùng. Bọn người Chu Văn Bàn nghe một hồi là cứ há hốc miệng và làm theo thôi.

- Thật sao, cô thực sự tò mò về những gì Kiệt đã nói, các cháu kể lại nhé.

- Vâng. Về phần lợi ích của việc hợp tác, Kiệt bảo là những người kia có nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường thân quen lớn, nếu hợp tác với họ thì thứ của họ cũng là của mình; tiếp đó là nhà xưởng càng xây rộng, thì sẽ càng làm nhiều sợi và sản phẩm hơn, đào tạo thêm công nhân từ đầu kiểu này sẽ rất tốn, hợp nhất lại sẽ có được một lượng nhân công lành nghề dồi dào.- Linh kể trước về phần lợi ích của sự hợp tác, những điểm này Kiệt nói lúc đó thao thao bất tuyệt, nói vừa hay vừa nhiều ví dụ. Còn cái Linh có thể nhớ để nói lại là phần đề cương được trao cho mỗi người dự họp. Kiệt làm kiểu như trong các cuộc họp quan trọng ở thế kỷ 21, vừa có thuyết trình, vừa có tài liệu để đọc mà ngẫm. Và dù không nói giỏi như Kiệt, nhưng các vấn đề đưa ra vốn rất chính xác, khó phản bác, nên Mai Diễm cũng ngầm hiểu tại sao lại có thể thuyết phục người nghe. Nói hết phần lợi ích, Linh hơi khô cổ, phải uống miếng nước. Đến lượt Nhung kể về các Kiệt nói lên những phần hại khi mải tranh đấu với nhau

- Kiệt nói rằng, nếu ép những người kia quá đáng, họ có thể dùng vũ lực. Không cần nhiều, cho một tên lưu manh, ném một mồi lửa vào xưởng ta là quá đủ thiệt hại. Khi đó, ta ngay đêm nơm nớp lo sợ, thì còn làm ăn được gì nữa. Thời gian qua, tuy đã đối phó thành công, nhưng đó là hai bên còn có sự dè chừng nào đó. Ép chúng tới mức quá đáng, không còn sự hạn chế là vấn đề khác đi…. Nhưng mà những luận điểm đó chủ yếu là khi nói với đám Chu Văn Bàn, nên phải nhấn mạnh về thiệt hại tài chính. Còn những lý do mà Kiệt muốn chủ yếu vẫn là lo việc đám chủ xưởng dệt kia loại thải nhân công, cắt tiền,… làm đời sống những người kia đã khổ nay còn khổ hơn. Cô không biết chứ những người nhân công ở xưởng dệt làm ngày làm đêm, cơm ăn không đủ no, ốm không dám nghỉ, làm sáng tới tối, con không gặp được mẹ cha. Đọc những gì anh Minh nói bọn con đã thấy thương họ, trực tiếp tìm hiểu còn thấy thương hơn. Chính ra so với con, họ vẫn khổ hơn rất nhiều.

- Cho nên bọn mình nhất định phải giúp Kiệt, hiểu không?

- Tất nhiên.

- Được rồi, dù gì thì cũng thành công rồi, hai đứa cũng phải thấy vui chứ.

- Dạ vâng.

- À cô Diễm, bọn cháu tới đây là để đưa thiệp mời cô tới dự Đại hội Cổ đông lần I của Liên minh Dệt Hồng Bàng- Nam Bình.

- Đại hội Cổ đông là gì?

- Cô biết đấy, do những biến chuyển rất đột ngột của việc kinh doanh, nhất là khi Liên minh Dệt Hồng Bàng- Nam Bình giờ có rất nhiều nguồn vốn đổ vào, tạo một tập thể lớn. Nhưng tập thể đông đúc thì cũng có khi chín người mười ý, rất có thể tạo cảnh ngáng chân nhau, nhằm tránh hiện tượng ấy thì anh Kiệt quyết định tổ chức cuộc họp hàng năm, thông báo doanh thu, hướng đi, lập kế hoạch kinh doanh mới,… để năm sau cứ thế mà làm, đỡ thắc mắc.

- Vậy là sẽ nghiêm trọng lắm nhỉ? Bàn nhiều việc thế cơ mà!

- Dạ, con cũng không biết, chắc là to hơn cuộc họp bình thường của Xưởng Dệt Hồng Bàng một chút.

Mai Diễm nhún vai, chắc cũng na ná những lần Nữ Lưu họp mặt thôi. Và cô đưa tay nhận tấm thiệp. Thời gian tổ chức là 5 ngày nữa. Tới ngày hẹn, Mai Diễm lên xe tới chỗ tổ chức, chính là một khu vực ở nơi mà Xưởng Dệt Hồng Bàng mua, nay dựng lên một cái lều vải cực lớn- Kiệt đã dùng kiểu phong bạt đám cưới ở thời của mình để tạo chỗ họp cho nhanh, bàn ghế cũng là kiểu có thể gập lại, nhanh chóng thu dọn hay tổ chức, bố trí.

- Hít hà!- Đi vào trong cái bạt, Mai Diễm phải ngạc nhiên khi thấy lượng người có mặt. Chí ít là phải 200 người, họ ngồi trên những cái bàn, tụ thành đám dựa theo sự quen thân, nói chuyện. Mai Diễm cũng nhanh chóng tìm một nơi để ngồi, nơi cô ta có thấy vài bóng người quen đang ở đó, những người thuộc Nữ Lưu hoặc là người quen của cô ta.

Chào hỏi một chút, hỏi han việc thường nhật, rồi cùng thảo luận về toàn bộ cái gọi là Đại hội Cổ đông lần I này, ai cũng tỏ ra tò mò, không biết sẽ có gì đặc biệt không.

- Keng!- Một âm thanh vang lên ở một chỗ tương đối trống, và Hoàng Anh Kiệt xuất hiện, cùng mấy người bạn và các quản đốc. Do chưa có loa, các quản đốc sẽ thuật lại lời của Kiệt cho tất cả mọi người, loa người.

- Thưa các vị, giờ họp đã chính thức bắt đầu, xin tất cả ổn định trật tự để ta khai mạc đại hội.

Kiệt nói xong, ra hiệu cho mấy tay quản đốc hò hét to để mọi người chú ý. Khi tất cả đã tương đối trật tự, Kiệt bắt đầu khai mạc Đại hội Cổ đông lần I này. Trước tiên thì là vài lời phi lộ, tóm tắt sự ra đời của Liên minh Dệt Hồng Bàng- Nam Bình. Để giữ mặt cho các bên, Kiệt nói nguyên nhân ra đời là do nhu cầu các bên, các xưởng cũ muốn cải tiến kỹ thuật, Xưởng Dệt Hồng Bàng thì cần nhân công quen việc và sự trợ giúp của các bậc tiền bối. Nghe Kiệt nói thế, bên các chủ xưởng cũ cũng tỏ ra mát dạ phần nào. Quả thực lý do mà họ chịu liên minh, cũng phần nào là thua kém công nghệ thật.

Sau khi nói sơ qua về Liên minh Dệt xong, Kiệt nói một việc quan trọng, là về khái niệm cổ đông, cổ phần. Kiệt chia cố phần ra làm 3 loại: loại dánh cho nhân viên, loại góp vốn và loại dành cho các ông chủ. Loại nhân viên là quà thưởng cho tất cả nhân công làm cho Liên minh, chia theo cấp bậc làm việc, chỉ có thể lĩnh một khoản tiền cuối năm gọi là thưởng nếu Liên minh làm ăn tốt. Cách làm này để khuyến khích nhân công lao động hăng say miệt mài. Tiếp đó là cổ phân góp vốn, là dành cho những người góp tiền vào Liên minh, tiền vốn của họ không thể rút ra trong ít nhất một năm, chỉ có trả lãi, họ cũng không được can dự vào việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, song Liên minh Dệt cũng đảm bảo tiền lãi mức cao cho họ. Cao nhất là cổ phần của chủ, là gồm các chủ xưởng dệt, những người vừa góp tiền, góp sức, có khả năng trong ngành dệt. Họ có thể nhận tiền lãi, tham gia kiểm tra giám sát và đề đạt ý kiến cho công việc của Liên minh Dệt. Nếu họ muốn rút ra, có thể rút bất kỳ lúc nào, nhưng lãi không theo họ được, chỉ được lấy vốn thôi.

Những người bên dưới tranh luận một hồi, cảm thấy vậy là được. Chỉ có vài người hơi thắc mắc việc chia tiền cho nhân công, nhưng Kiệt có thể át đi với lý do là phần thưởng khuyến khích lao động hăng say hơn, với cả số tiền chia ra không đáng kể, nên hỏi cho có thôi, không ai đi sâu.

Khi tất cả đã hiểu vấn đề công đông và cổ phần, cũng như quyền lợi trách nhiệm bản thân, Kiệt mới bàn về phương hướng của Liên minh Dệt thời gian tới. Liên minh Dệt thành lập, đồng nghĩa tài nguyên có nhiều, song cũng lắm thách thức. Đơn giản nhất, là cách hoạt động.

Các chủ xưởng kia đơn giản muốn Xưởng Dệt Hồng Bàng tập trung kéo sợi cho họ để họ dệt, họ trả tiền mua sợi với giá thương lượng, như xưa thôi. Kiệt không tán thành ý kiến này, cậu hỏi họ nếu làm thế, vậy những người làm việc kéo sợi cũ sẽ thế nào. Đám kia nói thẳng là đuổi việc. Kiệt từ chối đề nghị này, bảo rằng làm vậy quá phí phạm, thay vao đó muốn họ đưa sang bên cậu ta, Kiệt đang có kế hoạch lớn cần nhiều nhân công hơn.

Tất cả nghe thế, liền ào ào lên giá, muốn Kiệt phải thuê người của mình. Họ đã nếm mùi kế hoạch nho nhỏ của Kiệt và cũng biết cậu có nhiều bài kiếm tiền, nên không chịu để không.

- Các vị, nếu các vị ép tôi phải thuê, nó đơn giản là hai bên đã sòng phẳng, nhưng nếu có thể cho không theo kiểu Liên minh Dệt là người một nhà, ta sẽ có thể bàn nhiều chuyện lớn lao hơn. Ví dụ, tôi đang muốn cải tiển việc kéo sợi hơn nữa đây.

Nghe Kiệt nói vậy, tất cả ngẫm một hồi, đồng ý chuyển giao nhân công kéo sợi sang cho Kiệt tùy ý chỉ huy, tuy nhiên tiền công của nhân công, Kiệt phải tự lo. Kiệt gật đầu ngay, và trình bày ý tưởng của mình. Hiện ngành dệt đay đang dần tiếp cận đỉnh, lượng hàng làm ra sẽ lớn hơn mức tiêu thụ, nếu không sớm lo, thì sẽ là thừa hàng, ế ẩm. Thực trạng này mà diễn ra, là các xưởng may lại phải trông đợi thị trường chứ không có biện pháp, Kiệt không thích điều này. Cậu muốn chủ động hơn, đa dạng ngành dệt: dệt vải buồm, dệt vải từ tơ chuối, mở rộng sang ngành may mặc,…

Để có thể có nhân lực nghiên cứu, cậu sẽ liên tục tìm những thợ kéo sợi có năng lực cần thiết để cùng làm việc này, trong đó e rằng phần lớn phải lấy từ thợ ở xưởng cậu, từ đó sản lượng dệt phải giảm xuống.

- Chẳng phải cậu Kiệt vừa lấy một đống thợ kéo sợi từ chỗ bọn tôi hay sao?

- Đúng vậy, nhưng họ chưa bằng người của tôi, cần phải rèn thêm vài tháng nữa!- Kiệt đáp

Đám chủ xưởng kia tỏ thái độ hoài nghi, Kiệt mời họ vào xem một thợ kéo sợi dùng máy kéo sợi sức nước làm việc. Đi vào, nhìn thợ của Kiệt làm thoăt thoắt, sợi kéo ra đều tăm tắp, số lượng nhiều, chất lượng đảm bảo, đám chủ xưởng đều lè lưỡi thán phục, đồng thời thèm thuồng cái máy kéo sợi sức nước. Kiệt bảo giờ họ gọi thử thợ mình vào, quả nhiên lúng ta lúng túng là không xong. Mà đây là thợ khéo và tiếp thu nhanh đấy nhé. Các chủ xưởng kia không còn gì để nói nữa.

Kiểm tra trình độ thợ kéo sợi rồi, để các ông bạn chủ xưởng dệt khác thấy trình độ khác biệt là thế nào, Kiệt cũng an ủi họ bằng cách đề nghị họ phải thử tìm mối làm ăn mới, có thị trường nào tiềm năng chưa khai thác gì, các loại sợi vải nào thì được ưu chuộng,… Họ là những người có quan hệ rộng, việc này phải nhờ họ rồi. Nghe Kiệt nói, thấy được tầm quan trọng bên mình, các vị chủ xưởng đều vui vẻ nhận lời, tỏ ý tận lực tìm kiếm cho được những mối làm ăn.

Hội họp kết thúc, các bên đều vui vẻ, nhân công vui vì được tiền, những người góp vốn thấy nơi góp vốn hăng say kiếm tiền, lãi mình nhận được sẽ chỉ tăng không giảm, sao không vui cho được. Các chủ xưởng dệt kiểu cũ thì được chứng kiến công nghệ, càng thấy tương lai rực rỡ hơn, càng vui hơn. Người duy nhất không quá vui vẻ, là Lã Xưởng.

Lã Xưởng vốn là người có uy tín trong ngành dệt ở Nam Bình, giờ đây lại lép vế hơn Hoàng Anh Kiệt rất nhiều, khiến ông ta cảm thấy mất mặt. Đúng là lũ thấy tiền quên hết, bị một thằng nhãi chỉ đông là không dám đi đằng tây, Lã Xưởng chửi thầm trong bụng.

Khi mà Xưởng Dệt Hồng Bàng dần chiếm thế thượng phong bằng những chính sách kinh doanh đột phá của Hoàng Anh Kiệt, Lã Xưởng lại thấy vui. Bên mình càng thiệt nhiều, thì càng dễ đoàn kết. Ông ta thậm chí đã sẵn sàng một đề nghị cực kỳ thâm hiểm, đuổi hàng loạt nhân công kéo sợi, rồi nhân lúc họ vô cùng khổ sở vì mất việc thì bịa đặt sao để họ nghĩ rằng Xưởng Dệt Hồng Bàng là lý do họ chịu khổ. Lã Xưởng tin là với đòn này, Xưởng Dệt Hồng Bàng không bị phá nát mới gọi là lạ. Thế nhưng, như biết được ý định của Lã Xưởng, Kiệt lại lén gặp các chủ xưởng khác, đề nghị một sự hợp tác. Do Kiệt rất thành ý giải thích các lợi ích của việc hợp tác mà đám này chỉ là thương nhân, có lời là đủ, nên rất nhanh hòa giải xong xuôi. Tới lúc này, Lã Xưởng thấy đại thế đã mất, cũng phải chấp nhận hòa giải, tạo lập Liên minh Dệt Hồng Bàng- Nam Bình như hiện tại. Hóa ra, sự nhân đạo của Kiệt, khi lo nghĩ cho những người dân lao động, những thợ kéo sợi kia, lại vô tình giúp cậu giành một thắng lợi mà cậu không ngờ tới. Nếu Kiệt chỉ nghĩ về lợi ích hay cố giành chiến thắng cho thỏa lòng, có lẽ giờ đây cậu đã thua một bàn thua trông thấy. Cơn giận của quần chúng lao khổ không bao giờ là không đáng sợ cả.

........................................

Ngay từ sau buổi học, những nhân công kéo sợi từ các xưởng bắt đầu tới Xưởng Dệt Hồng Bàng để học việc. Kiệt giống hệt với nhân công bên mình, bắt đầu công tác huấn luyện ban đầu: vệ sinh, sinh hoạt, tác phong làm việc,... cho tới việc làm quen với máy, vì thế sản lượng tăng chậm, thậm chí có lúc hỏng nhiều do nhân công phải làm đi làm lại. Những việc làm này của Kiệt làm ai cũng thấy khó hiểu, từ nhân công tới những ông chủ xưởng, họ chả hiểu gì cả.

- Nếu cậu sợ bọn nó không nghe lời, để tôi cho mấy thằng tới chỉ đạo, hả?

Ý của họ là mong Kiệt mau mau chóng chóng bắt đám kia đi vào sản xuất đi, làm mấy trò gì mà tác phong làm việc, kỷ luật làm việc làm gì, cho mấy thằng bặm trợn tới, thằng nào lười là ăn đòn,..

- Các vị, hiện nay tôi thấy hàng bắt đầu bán chậm lại, có tăng cường sản xuất chưa phải là ý hay, cứ chậm đã. Các vị cứ yên tâm mà kiếm mối hàng đi, tôi đảm bảo có mối là có sợi đủ để dệt.

Nghe vậy, các chủ xưởng cũng không còn biết nói gì hơn, đành cố đi mà kiếm mối làm ăn mới. Trong khi đó, Kiệt vẫn cẩn thận đào tạo nhân công. Cuộc sống của những người này khi sống dưới trướng Kiệt là một sự cải tạo rõ rệt. Bất chấp các quy định rất nghiêm về kỷ luật của Kiệt, mọi người đều cảm thấy như đang sống ngày một tốt hơn: được ăn no, có chỗ nghỉ đàng hoàng, không bị cúp lương, đánh đập,... Quan trọng hơn, Kiệt còn cho phép những người nào có thành tích tốt được một chút tiền thưởng để đem ngay về cho gia đình. Chút tiền thưởng không quá nhiều với Kiệt hoặc đám chủ xưởng cũ, với các nhân công lại là khoản lớn, đủ để cải thiện bữa ăn ở nhà của con cái.

Đi đôi việc huấn luyện nhân công làm quen với máy, Kiệt cũng tuyển chọn những người có năng lực tiếp thu tốt, kinh nghiệm làm dệt lâu, có tinh thần phấn đấu để chuẩn bị việc làm thêm sản phẩm. Như Kiệt đã nói, sản phẩm vải đay cơ bản là sắp hết thị trường gần, thị trường xa chưa thấy có mối, nên phải đa dạng hóa sản phẩm.

Hai hướng đi Kiệt muốn triển khai ngay là sợi tơ chuối và sợi đay đan đồ lao động. Vải tơ chuối nhiều nơi làm được, công đoạn không khó, song chủ yếu vẫn là làm thủ công, giá thành cao, thậm chí Tri Châu Lương Vũ Phong cũng không có mấy bộ quần áo tơ chuối để mặc, ngoại trừ các bộ quan phục. Còn vụ làm các loại vải sợi đay to bền phục vụ lao động, thì là Kiệt nghĩ tới các loại bao để đựng thóc gạo, hoặc quần áo lao động cần bền chắc hơn nữa, thậm chí là cả găng tay cho những người phải đi làm việc bẩn hoặc dễ bị thương ở tay,... Lý do Kiệt chuyển hướng về đây, chính là từ huyện Thanh Sơn và các làng phía bắc huyện Sơn Hải, người đi đào mỏ hay bị rách quần áo, khi vào trong hầm có khi nến tắt phải mò tay tìm đường hay bị thương, còn nông dân muốn đựng thóc gạo phải làm những đồ đựng khá nặng nề, khó vận chuyển. Các thị trường này chưa bị khai thác, tiềm năng đi vào là không nhỏ đâu. Có điều để làm được những thứ này với sức sản xuất lớn, tức là dùng tới máy móc, cần phải có những lần thử nghiệm. Kiệt không có thời gian nhiều cho vụ này, vì không phải dân chuyên, nên cậu mới dùng quá trình huấn luyện nhân công để tìm ra được người có thể dùng, tiêu chuẩn có thể là: thạo nghề kéo sợi, có tinh thần cầu tiến, có khả năng tiếp thu tốt,... để họ cùng các nhân viên kỹ thuật từ làng Hồng Bàng cải tiến máy kéo sợi.

Chọn được chừng 50 người từ số 1200 nhân công kéo sợi từ các xưởng dệt chuyển qua, quả là khốc liệt. Những người này được bố trí làm quen với máy móc sâu một chút, để khi bắt đầu việc thử nghiệm kéo sợi thì họ sẽ có thể hiểu được lý do của việc thành bại từ kéo sợi bằng tay với kéo sợi bằng máy. Những người này, do yêu cầu công việc cao hơn, nên Kiệt duyệt chi trước các khoản tiền bồi bổ, cho họ ăn uống tốt, để có sức mà làm. Lao động trí óc cũng mệt lắm chứ bộ.

Với sự chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp này, những sản phẩm Kiệt chủ đích tạo nên sớm có được các thành quả. Sợi vải tơ chuối đã có đột phá, đang dần có cơ hội được làm bằng máy kéo sức nước, trong khi việc tạo nên những sợi đay bền hơn, thành loại vải lao động đã ra đời. Kiệt cho dệt thử nên áo lao động, quần lao động, găng tay lao động và các loại bao đựng thóc, gạo. Chúng có độ bền cao, quần áo chịu được độ mài cao, những người làm dưới hầm mỏ sẽ ưu, găng tay càng thích hơn với các thợ mỏ, khi khai thác trong hầm, cần sờ mó kiểm tra quặng không sợ sứt sát, còn bao đựng thóc gạo rất tiện cho nhà nông, khi mà dễ vận chuyển hơn các bồ thóc đan bằng tre nứa.

Sau khi kiểm tra chất lượng rồi, Kiệt bắt đầu mời các chủ xưởng dệt khác trong Liên minh Dệt tới gặp mặt để bàn chuyện. Ý tưởng của Kiệt được họ tán thành, quả thực khi nhìn qua những sản phẩm đó, họ đều tin rằng chúng sẽ rất được hoan nghênh. Uy tín của Kiệt với mấy người này càng tăng thêm một bậc. Nhân lúc này, Kiệt cũng đề xuất thêm vấn đề kiểm tra sức khỏe nhân công một lượt, rồi cho họ ăn uống bồi bổ. Thời gian sắp tới làm việc sẽ nhiều, một nhân công bị ốm, mất sức lao động thì sản xuất đình trệ một phần, tức là lỗ, chi bằng lúc này hãy cho họ ăn uống, thuốc thang, nghỉ ngơi cho khỏe, làm việc đều đều, kiếm lợi. Tất cả mọi người liền gật đầu đồng ý, dù sao cũng phải đi mời chào, cũng còn thời gian mà, làm vội chưa chắc đã hay, mà tiền này Hoàng Anh Kiệt cũng nói rõ là cậu ta bỏ tiền ra mà.

Lã Xưởng vừa rời khỏi cuộc họp, vào xe ngựa đi về thì mặt hầm hầm. Hắn lệnh cho người mình đi tìm một người tới. Người đó chính là một trong số những người được Kiệt chọn để đi làm công tác nghiên cứu dệt mới. Lão cầm gậy vụt người nọ một trận tới tấp.

- Tao đã bảo mày hãy vào đó, dò la, tìm được cái mới thì phải báo tao ngay cơ mà.

- Thưa ông, con xin ông, chuyện thực khó lắm, tất cả đều làm rất hăng hái, họ cố gắng từng giây từng phút để làm, con có cố học theo cũng không kịp những gì họ chế tạo.

- Mẹ mày cái đồ vô dụng!- Lã Xưởng càng nghe càng giận, càng đánh hăng. Lão thật không ngờ Hoàng Anh Kiệt lại có thể biến cát thành vàng, đám người kéo sợi ở chỗ những kẻ như lão là đám làm thuê, lúc máy kéo sợi có thì là thứ đồ phế thải, giờ thì thành con gà để trứng vàng. Cứ đà này, chả mấy mà tên nhóc nói gì đám kia sẽ nghe theo mất. Đáng giận thật mà. Hiện tại, Hoàng Anh Kiệt chứng tỏ rằng, hắn thật sự có tài năng về mặt quản lý và phát triển, nếu có thể, lão muốn chiêu mộ nó về dưới trướng. Dù gì, lão vẫn còn giàu hơn cái làng Hồng Bàng kia vài lần cơ mà.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện