LÁ VÀNG THU, TIẾC NUỐI GIỮA TAY NGƯỜI.

Cuộc đời người lính, phải chiến đấu giữa cái sống và cái chết, giữa niềm vinh quang và gian khó. Những tiếng cối nổ ùng oàng, tiếng nổ đanh như thép của các loại mìn, và cả tiếng bắn kêu hỗ trợ khẩn thiết của đồng đội. Không hẳn như vậy, và cũng không phải chỉ có thế. Người lính trước hết là một con người, có một thân phận và cũng có một tình yêu… có thể nó là cung bậc của sự thăng hoa, hay chỉ là sự hoang tưởng, và nhiều khi là cả một thời để hối tiếc, và cũng để hối tiếc mà thôi.

Tôi đã rơi vào trương hợp như vậy.

Giữa những ngày khốc liệt ở 428 cùng anh em d2 e95…

“… Cùng một số bạn bè ngày xưa của lớp mình, về đưa tang bạn Đức đến nơi an nghỉ cuối cùng… Cả bọn mới biết bạn đã nhập ngũ mấy năm, và đang chiến đấu ở một chiến trường đầy khắc nghiệt và gian khổ. Mình vô tâm quá…

Khi chia tay nhau sau kì thi nghiệt ngã... Bờ sông Hàn Đà Nẵng một đêm hè… Những quán cơm bình dân dọc đường Ông Ích Khiêm… đầu cầu Trịnh Minh Thế, khi những bàn tay rời nhau sau mấy ngày thi, để từ đây mỗi con người là một số phận… Thời gian năm năm trôi qua sao mà nhanh thế…

Mình cũng không đủ điều kiện để vào Đại học, cũng phải lao động mọi thứ để nuôi sống mình và giúp phần nào cho gia đình… Những đêm trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời… trong đó có hơn một nửa là nghĩ về một người… (mà không ngờ đã là một anh bộ đội)… Phù Mỹ chỉ cách Quy Nhơn chưa đầy 60 km, sao thấy xa quá… nhiều lần đã bạo gan xin mẹ đi chơi… nhưng cuối cùng phải hoãn lại, vì đâu biết chính xác địa chỉ…

Những năm ở Trung học Đệ nhất cấp, chỉ là lòng ngưỡng mộ trí thông minh, khi giải những bài đại số khó cho lớp… Những phương pháp giải các bài tập ngữ pháp về câu bị động, những mẹo về cách chia thì trong tiếng Anh.

Rồi năm cuối Trung học Đệ nhị cấp… một người thanh niên mạnh mẽ cá tính và hết lòng với bạn bè.

Mỗi buổi sáng… ngồi ở quán ăn trên đường Võ Tánh… chỉ có một điều duy nhất: nhìn thấy bước chân thoăn thoắt của một người con trai cùng lớp, trên đường vội vã đến trường…

Cả nhóm xuống nhà bạn, nhưng nghe đâu gia đình đã vào Nam hết rồi… lại một dịp may hiếm có vuột mất. Mẹ Đức bảo: cách đây không lâu, đài truyền thanh của xã còn đọc thư của bạn gửi về cho gia đình. Cả bọn lên tìm, và may quá còn sót lại mấy lá, và theo địa chỉ viết thư cho bạn đây.

Cũng nét chữ đẹp như hoa ấy, giọng văn cục mịch, đôi chỗ sang sảng như văn bình luận… chỉ có điều đã là một người lớn… có nói hơi nhiều đến hiện thực khách quan… đâu còn con người của ngày xưa nữa… còn gì sống động hơn là những cánh thư của lính gửi về cho gia đình.

Nước mắt mình không thể cầm được trên những trang thư của bạn. Ngả rẽ cuộc đời sao nhiều điều bất ngờ quá…

Trên đường trở lại Quy Nhơn… khi qua những nẻo đường xứ sở... trí thông minh, lòng kiên trì, biết sống vì mọi người, và coi mọi sự khó khăn, thậm chí cái chết như một làn sương mỏng…

Dọc đường, những em bé đen thủi đen thui, quần áo cái còn cái mất… chạy tung tăng trên những bãi cát trắng tinh, trong buổi chiều nắng chói chang của vùng biển…

Chín năm về trước, năm 1971, cũng có một đứa con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nắng và gió này, ngơ ngác bước vào ngôi trường xa lạ… để sáu năm sau đó ra đi… và đi về một nơi... có tiếng súng đang nổ vang.

Không biết rằng người ấy… giữa bão táp của chiến tranh… mang trong mình mọi sự cứng rắn mãnh liệt kia… có ẩn chứa phía sau là một trái tim còn rực lửa hay không? Có còn cảm nhận được rằng… nơi mái trường xưa… cũng có một người mong ngóng, những bước chân trở về… dù rằng không ai biết có một nỗi niềm như thế…”

Tôi lẩn thẩn hết mấy ngày… như người không hồn.

À ra thế! Trong lớp ngày xưa sao mãi nhìn mình. Nhà có xe máy… luôn đi chơi với bạn bè toàn bằng xe đạp sườn ngang, không có baga phía sau… ngồi phía trước bắt mình chở gần đứt hơi… khi lên dốc mộ thi sĩ Hàn… vẫn… phình… phường…

Mái tóc ngắn thơm mùi bồ kết, tung bay trước gió biển Quy Nhơn…vùng da trắng nõn nà sau gáy… cú ngoảnh mặt vô tình mỗi khi nói chuyện, chạm vào mặt mình với chiếc áo cổ tròn hơi rộng…

Tất cả đã được lập trình và có ý đồ chiến thuật hẳn hoi…

Giờ đây… nơi cao điểm 428… cũng chỉ là sự nuối tiếc.

“Ta trả lại và cảm ơn sự chia tay thầm lặng,

Lá vàng thu, tiếc nuối giữa tay người…”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện