Đậu xe vào bãi đâu vào đấy xong, chúng tôi cùng leo
lên lầu 4.
Đi tới trước cửa nhà, tôi đột nhiên nhớ ra một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, lập tức quay ra sau nhìn Mộ Thừa Hòa.
“Còn có việc khác?”
“Em….” Tôi muốn nói, thầy ơi, em thay đổi ý định rồi. Nhưng, còn kịp không? “Chờ em một phút.”
Nói xong tôi bỏ lại anh ấy ở ngoài cửa, tự mình chạy vào trong, dùng tốc độ của siêu nhân dọn hết quần áo ngủ, áo ngực, đồ sạc pin trên sopha, sau đó là sữa rửa mặt, tạp chí, thức ăn vặt trên bàn, mang hết vào phòng ngủ, rồi mới ra mở cửa mời anh ấy vào.
Mộ Thừa Hòa nhìn quanh một vòng, rồi cười cười mà nói: “Cũng không tệ, sạch sẽ hơn trong tưởng tượng.”
Mặt của tôi tối sầm lại, tôi dám cá chắc chắn hắn đang cười thầm trong lòng.
Và cuối cùng là, hắn thì ngồi trên sopha thổi máy lạnh xem tivi, còn tôi thì vùi đầu trong bếp nấu nướng. Tôi vừa vo gạo vừa nhìn Mộ Thừa Hòa đang ngồi ngoài phòng khách bằng ánh mắt ai oán, trong lòng chỉ có một cảm giác – Hối hận! Hối hận vì sao hắn mời tôi ăn tôi không đi, còn tự mình đề nghị sẽ làm cho hắn ăn?
Trên bàn ăn là chai Vodka do hắn mang đến, nhìn nó mà tôi chỉ có thể nuốt nước dãi.
Một lúc sau, chính ngay khi tôi đang làm khoai tây chiên thì nghe thấy hắn hỏi: “Có cần giúp đỡ không?”
“Không cần, còn một món cánh gà chiên nữa là xong rồi.”
“Nhiều món vậy à.” Hắn nhìn nhìn, “Không ngờ em biết nấu ăn thật.”
“Trước đây mẹ đi làm, ba thì lái xe, một ngày ba bữa đều do em tự nấu hết, các món ăn bình dân thế này không làm khó được em đâu, nhưng nếu là món phức tạp hơn thì em chịu thua.”
Mộ Thừa Hòa đi luôn vào bếp, hỏi tôi: “Có rượu đỏ không?”
“Có chứ. Để làm gì?”
“Món tiếp theo, để tôi làm cho em ăn.”
Nói xong anh ấy liền lấy chiếc tạp dề hình hoa hướng dương treo trên tường xuống mặc vào người, rồi rửa tay, rửa cánh gà, để cho ráo nước, sau đó quay lại hỏi tôi: “Có bơ không?”
Tôi còn đang thẫn thờ trước một loạt những hành động đó, thật sự không mấy quen, vì vậy mà phải đến một lúc lâu sau tôi mới trả lời: “Không có.”
“Sữa bò cũng được.”
“Sữa bò có!”
“Tương cà?”
“Có.”
Chuẩn bị xong mọi thứ thì tôi đứng ở một bên nhìn anh ấy dùng các nguyên liệu đó ướp cánh gà.
“Thầy định làm món gì?”
“Cánh gà hầm rượu đỏ.”
“Cánh gà cũng có thể làm chung với sữa bò và rượu đỏ sao?”
“Cách làm của Nga.” Tiếp đó, anh ấy bổ sung thêm một câu: “Tôi thấy thông thường trẻ con đều thích ăn món này.”
“………”
“Em có một người bạn, nó có đứa con, năm nay cũng đã 3 tuổi rồi.” Tôi nói.
“Hở….” Anh ấy hơi khựng lại, “Bao nhiêu?”
“Ba tuổi.” Tôi giơ ngón tay ra trước mặt anh ấy, “Là bạn học thời phổ thông, thi tốt nghiệp xong là bạn ấy về quê đổi hộ khẩu rồi kết hôn luôn. Trong kỳ nghỉ đông năm hai tụi em có một buổi họp lớp, bạn ấy dắt con trai theo, bảo nó gọi tụi em là dì, thiệt tình, làm tụi em hết hồn.”
Mộ Thừa Hòa cười một cái, không nói gì, chỉ mở bếp lò lên.
“Chắc chắn là thầy cũng từng gặp phải chuyện như thế.” Tôi nói.
“Bạn học lúc trước đều lớn hơn tôi.” Anh ấy nói, “Bây giờ đa phần đều đã sinh con đẻ cái rồi.”
“Phải chăng trong số đó cũng có những bạn học nữ khiến thầy phải tiêu hao tinh thần?” Tôi hỏi với vẻ mặt xảo huyệt.
“Một, hai người.” Thật không ngờ lại dám thành thật trả lời!
“Hả?” Tôi kinh ngạc, “Có thật sao?”
“Nhưng người ta không để ý tôi, lúc ấy tôi nhỏ hơn họ đến mấy tuổi.”
“Ồ.” Tôi gật đầu đầy ý vị, đúc kết ra rằng, “Hóa ra thầy thích người lớn tuổi hơn mình.”
Mộ Thừa Hòa mỉm cười lắc đầu, nhìn như là mất công mở miệng biện cãi nhiều với tôi vậy.
Công tắc nồi cơm điện bật lên, tôi rút dây ra, xới cơm, sau đó ra ngoài bày sẵn chén đũa.
Đúng lúc này, Lưu Khải gọi đến.
“Ăn chưa?” Lưu Khải hỏi.
“Chuẩn bị ăn.”
“Hỏi thăm thầy Mộ thay anh.”
“Ừm.”
Không hiểu tại sao, tôi đã giấu không nói cho cậu ấy biết tôi và Mộ Thừa Hòa đang nấu ăn ở nhà.
Mộ Thừa Hòa bưng đĩa cánh gà hầm rượu ra đặt lên bàn, sau đó trở về nhà bếp cởi tạp dề. Cánh gà đó trông đỏ đỏ, rất thơm. Thế là, tôi thừa cơ định bóc một miếng lên ăn, ngờ đâu nóng quá, liền vội vàng rút tay lại rồi nhanh chóng để vào miệng nút.
Ngọt lắm! Rất khiêu khích!
Đợi anh ấy ngồi vào bàn, tôi hỏi: “Có muốn uống rượu không?”
“Em có thể uống một chút, tôi không uống.”
Tôi cười hì hì, liền chạy đi lấy ly. Vừa vào bếp thì điện thoại reo lên, thế là lại quay trở ra nghe điện thoại.
“Alô?” Tôi nói.
“Đồng Đồng.” Là mẹ tôi.
“Mẹ.”
“Con đang ở đâu?”
“Ở nhà.”
“Đồng Đồng, Trần Nghiên chết rồi.”
Tôi sững cả người, hỏi lại: “Trần Nghiên? Không thể nào!”
Chỉ nghe trong đầu đùng lên một tiếng.
“Sao lại như thế được? Mấy hôm trước bạn ấy còn nhắn tin cho con. Chẳng phải sáng nay mẹ cũng nói về bạn ấy sao?”
“Tối hôm qua đã phát hiện nó mất tích, lúc nãy đã tìm lại được, nó…..” Mẹ không nói tiếp nữa, thay vào đó là: “Nếu con có thời gian thì qua đây một chuyến đi.”
Tôi gác máy mà trong lòng không suy nghĩ được gì, chỉ quay lại nhìn Mộ Thừa Hòa, và rồi tôi vừa giải thích mọi chuyện vừa tìm chứng minh thư, lấy đồ sạc pin, thu dọn quần áo. Mộ Thừa Hòa đặt đũa xuống, ngồi trên ghế, lặng lẽ nhìn tôi bận rộn. Cuối cùng, chỉ nói một câu: “Tôi đi với em.”
Đến khi chúng tôi cùng ngồi lên xe khách đến thành B thì đã là 4 giờ chiều. Vé của chúng tôi là 17, 18, nhưng không ngờ hai chỗ ngồi lại không kề nhau. Mộ Thừa Hòa đến nói vài lời với người phụ nữ lớn tuổi, và dễ dàng xin đổi được chỗ ngồi.
Người phụ nữ ấy nhìn tôi rồi lại nhìn Mộ Thừa Hòa, cười cười nói: “Hai cháu là bạn học à, nghỉ hè rồi nên cùng về nhà phải không?”
Tâm trạng của tôi không tốt nên không đáp lời. Mộ Thừa Hòa thì chỉ cười, không khẳng định cũng không phủ nhận. Tôi phát hiện rằng khi không muốn nói chuyện với đối phương, anh ấy chỉ cần cười với người đó một cái là được, quả thật là một phương pháp hay.
Vừa chạy vào đường cao tốc, tài xế bắt đầu mở phim lên. Hai chúng tôi đều không đọc tạp chí trên xe, chỗ ngồi lại cách tivi quá xa, thế nên chỉ còn cách nhìn ra cảnh vật đang vút nhanh bên ngoài cửa sổ. Tôi im lặng, anh ấy cũng im lặng.
Xe vòng qua đường cao tốc, chạy qua cầu vượt, cảnh vật chuyển sang hướng khác. Ánh mặt trời chói chang rọi vào cửa sổ bên phía chúng tôi làm tôi không thể không kéo rèm cửa lại.
Ngồi yên một chỗ khiến tôi cảm thấy khó chịu, tôi tựa đầu vào tấm kính cửa sổ, xe vẫn đang chạy, lâu lâu lại bị xóc một cái. Dưới sự dao động “nhịp nhàng” như thế, tôi bất giác đi vào giấc ngủ. Mơ mơ hồ hồ, giấc ngủ cũng không yên lành, chỉ cảm thấy có người đã tắt máy lạnh trên đỉnh đầu của tôi, còn khẽ đặt đầu tôi lên bờ vai của người đó.
Tôi mở mắt ra, phát hiện đây không phải là giấc mộng, tôi đích thật đang dựa trên người của Mộ Thừa Hòa. Anh ấy rất gầy, bờ vai không có thớ thịt thừa nào, tựa trên đó cũng không mấy êm ái. Nhưng rồi sau khi do dự một lúc, tôi vẫn quyết định duy trì tư thế này.
Anh ấy không động đậy. Tôi cũng không dám nhúc nhích.
Tôi sợ. Nếu để phát ra bất kỳ một động tĩnh nhỏ nào thì sẽ làm anh ấy phát hiện tôi đã tỉnh.
Không biết xe đã lại chạy được bao nhiêu cây số, tôi không nhìn được màn hình, chỉ có thể nghe nội dung của phim, chỉ biết, nam chính trong lần tỏ tình đầu tiên đã bị nữ chính từ chối.
Cổ của tôi mỏi quá, cuối cùng cũng không giữ được tư thế ấy nữa, rời khỏi bờ vai của Mộ Thừa Hòa, tôi mới phát hiện thật ra anh ấy đã ngủ rồi. Anh ấy ngã đầu ra phía sau, mím chặt bờ môi, dường như vì muốn để tôi có thể ngủ thoải mái trên bờ vai của mình, anh ấy đã ngồi rất thấp. Tay phải cầm điện thoại, tay trái đặt trên chân, năm ngón nắm chặt, lòng bàn tay để ngửa lên trên.
Thỉnh thoảng xe lại bị xóc, mỗi xóc một cái, bàn tay trên đầu gối của anh ấy sẽ lại tụt xuống một chút. Nó từ từ tụt xuống, đến cuối cùng khi nó rơi hẳn xuống ghế là vừa đúng chạm vào tay tôi.
Tôi thừa nhận, lúc nãy tôi đã cố ý để tay của mình ở chính giữa hai người, ngồi ôm cây đợi thỏ chờ nó rơi xuống tay tôi. Nhưng đến khi hai tay đã chạm vào nhau, tôi lại giật bắn người lên, hoang mang rút tay lại. Trong buồng xe máy lạnh, tay của anh ấy có hơi mát, trái lại tay tôi lại nóng hổi.
Tôi không khỏi ngồi tự mắng nhiếc mình, đã hẹn hò với Lưu Khải rồi lại còn ôm mộng tưởng với Mộ Thừa Hòa. Nghĩ vậy, tôi lấy điện thoại ra nhắn tin cho Lưu Khải, nói với cậu ấy tôi có việc phải đến chỗ mẹ tôi một chuyến.
Không biết có phải vì cử động của tôi đã làm Mộ Thừa Hòa thức giấc hay không. Anh ấy nhìn vào đồng hồ đeo tay rồi rất tự nhiên mà thu bàn tay vừa chạm vào tay tôi lúc nãy trở về đầu gối.
Mấy phút sau, Lưu Khải trả lời tin nhắn cho tôi.
“Việc gấp gì?”
“Con gái của đồng nghiệp của mẹ em vừa qua đời, em qua đó.”
“Vậy em nhớ cẩn thận.”
Nhìn dòng chữ ấy một lúc, tôi ấn nút trở về. Tôi không biết người khác hẹn hò có giống như hai chúng tôi hay không. Ban đầu chấp nhận Lưu Khải là vì tôi ích kỷ, tôi muốn mượn cậu ấy để quên đi Mộ Thừa Hòa, sau đó Lưu Khải đối xử tốt với tôi, tôi cũng an tâm mà qua lại với cậu ấy, thậm chí công khai quan hệ của chúng tôi. Khi ở bên cậu ấy, tôi rất an tâm, tôi cảm thấy cậu ấy tốt với mình thì mình nên chấp nhận. Đồng thời cũng cho rằng những tình yêu cảm động trời đất ở trong sách, ở trên phim chỉ là những thủ đoạn nghệ thuật để lấy nước mắt và tiền tài của người xem, tình yêu trong hiện thực là phải như tôi và Lưu Khải vậy: bình dị, có thời gian thì cùng ăn cơm dạo phố, khi bận rộn thì mạnh ai nấy làm việc của mình, mấy ngày không gặp nhau cũng không nhớ nhung hay cảm thấy trong lòng trống trải.
Tôi thậm chí còn cảm thấy thiện cảm mà tôi đối với Mộ Thừa Hòa chỉ là sự si mê và theo đuổi ngây ngô của thời niên thiếu, đợi khi có Lưu Khải rồi, tôi chắc chắn sẽ quên anh ấy. Nhưng, lúc nãy, trong giây phút chạm phải tay của Mộ Thừa Hòa, tôi cảm tưởng như mình bị con rắn độc cắn một cái thật đau, và …. không biết phải làm thế nào.
“Thầy Mộ.” Tôi gọi nhỏ, thế nhưng người đàn ông cầm báo đang đứng giữa đường đi ở dãy ngồi trước vẫn đã nghe thấy lời xưng hô này, ông ấy quay lại nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò.
“Hmm?” Mộ Thừa Hòa đáp.
“Hình như đã đi được hơn nửa đường rồi.” Tôi vội thay đổi cách nói chuyện. Thật ra thì tôi muốn hỏi, lỡ như đến đó rồi, tôi phải giới thiệu với mẹ tôi như thế nào, nói thầy là thầy của tôi, hay là bạn của tôi? Song ánh mắt của người đó đã làm tôi nhất thời không biết phải mở lời ra sao.
“Chắc khoảng 8 giờ sẽ đến nơi.” Anh ấy nhận ra được gì đó nên bổ sung thêm, “Đợi khi đưa em đến đó, tôi sẽ về thành A.”
“Thầy Mộ…..” Tôi lại gọi.
Anh ấy quay sang nhìn tôi.
“Cám ơn thầy.” Tôi nói.
Ngay cả Lưu Khải cũng không nghĩ đến việc phải đến đây với tôi, vậy mà anh ấy lại không một chút do dự.
Mộ Thừa Hòa cười, “Mỗi lần em nói cám ơn, nét mặt đều rất nghiêm túc.”
“Hả?” Tôi bồn chồn, “Lúc nào?”
“Lần trước khi ở Starbucks cũng thế.”
Nhớ lại lần đó mình vừa khóc vừa đi trên phố, tôi hơi ngượng, liền hỏi ngược lại: “Có sao? Với lại, thầy là thầy, em là học sinh của thầy, đương nhiên không thể đùa cợt trước mặt thầy rồi.”
Và rồi tôi im lặng, không nói tiếp nữa, bởi vì tôi phát hiện đôi đồng tử của anh ấy hơi lạ. Chân mày của anh ấy nhíu lại, ánh mắt nhìn vào môi của tôi, sau đó lại dời đi, cảm giác đó… giống như đột nhiên cảm thấy không vui vậy.
“Có phải em đã nói sai điều gì không?” Tôi hỏi.
Anh ấy nhìn vào mắt của tôi, có hơi mơ màng, rồi nhìn vào bờ môi tôi.
“Em thật sự đã nói sai điều gì rồi sao?” Tôi lại hỏi.
Hình như Mộ Thừa Hòa đã hiểu rồi, anh ấy lắc đầu, còn mỉm cười với tôi, sau đó quay đầu sang hướng khác, đầu vẫn tựa ra sau ghế, anh ấy nhắm mắt lại, im lặng không nói thêm gì.
Tôi phát hiện trên trán anh ấy đẫm một lớp mồ hôi, tôi lo lắng vô cùng: “Có phải cảm thấy không khỏe không? Say xe?”
Anh ấy không đáp trả tôi.
Tôi chợt nhớ ra giao thừa năm ngoái, đêm đó, anh ấy cũng như thế, giống như đột nhiên phản ứng chậm chạp hơn ngày thường, lời nói cũng phải lặp lại hai ba lần mới nghe hiểu, hoàn toàn không giống với Mộ Thừa Hòa của mọi ngày. Một cảm giác không hay ùn đến. Tôi nhìn đăm đăm vào anh ấy, chỉ sợ anh ấy có chỗ nào không khỏe.
Không bao lâu thì xe giảm dần tốc độ, cuối cùng dừng hẳn. Tài xế đi hỏi thăm về mới biết phía trước xảy ra tai nạn giao thông, hiện giờ chỉ cho chạy một chiều. Xe dừng lại, tài xế cũng tắt luôn động cơ, lát sau còn tắt cả máy lạnh. Không đến một phút, nhiệt độ trong xe bắt đầu tăng lên. Hành khách than phiền, tài xế liền nói lại trong bực dọc: “Chúng tôi dùng bao nhiêu xăng dầu là do công ty quy định, bây giờ lại không biết phải kẹt đến bao giờ, chỉ còn cách tiết kiệm thôi. Cùng lắm tôi mở một lúc, tắt một lúc.”
Nhưng dẫu cho có như thế đi nữa thì vẫn rất nóng.
Mộ Thừa Hòa không hề động đậy, đôi mắt nhắm lại, chân mày chụm vào nhau. Tôi nhớ anh ấy rất sợ nóng, để hòng anh ấy nóng lên càng cảm thấy khó chịu hơn, tôi liền lấy từ trong giỏ xách ra quyển nhật ký, xé ra vài trang giấy ngồi xếp thành cây quạt.
Cuối cùng anh ấy cũng chịu mở mắt ra nhìn tôi, nhưng lại chỉ nói bốn chữ: “Tiết Đồng, không cần.”
Tôi nói: “Không sao đâu, dù gì em cũng rãnh.”
Anh ấy nhắm mắt lại, không một chút cảm xúc.
Nhìn nét mặt ấy, tôi nhớ lại lúc nhỏ, khi ba vẫn còn sống, khi ấy chúng tôi vẫn còn sống ở khu nhà cũ, mỗi lần khiêng bình ga về ba đều phải leo lên đến lầu 8. Ba rất béo tròn, lại dễ đổ mồ hôi, leo chưa được hai tầng thì đã phải bỏ bình ga xuống nghỉ mệt, mồ hôi ướt đẫm cả tấm lưng. Tôi thì chạy theo ở phía sau, cầm cây quạt nhỏ nhón chân lên quạt cho ba. Thật ra thì ít gió mọn đó cũng chẳng có tác dụng gì, nhưng ba thì luôn rất vui vẻ mà nói: “Đồng Đồng đúng là bảo bối ngoan của ba.” Những lúc trời nóng, lại gặp cúp điện, ba sẽ cầm quạt giấy nằm bên cạnh quạt cho tôi, trong khi bản thân ba lại mồ hôi nhễ nhại. Song thông thường trong những trường hợp đó, ba luôn luôn ngáy ngủ trước cả tôi.
Nhớ lại chuyện xưa, lại nghĩ về sự ra đi đột ngột của Trần Nghiên, và căn bệnh của Mộ Thừa Hòa, tôi không khỏi thương cảm bội phần, trong lòng lại càng thêm khó chịu. Tốc độ quạt càng ngày càng chậm, cổ tay hơi mỏi, tôi đổi sang tay kia, kiên trì không được bao lâu, lại tiếp tục chậm lại.
Chính trong lúc tôi định đổi tay thêm lần nữa, bàn tay của anh ấy đã giơ ra, ngón tay chạm vào cánh tay của tôi trước, sau đó từ từ dời xuống, đến cổ tay, cuối cùng là nắm lấy bàn tay của tôi. Tay anh ấy nắm chặt tay tôi, trực tiếp dùng hạnh động ngăn chặn tôi.
(2)
Tay tôi đang cầm cây quạt giấy, và anh ấy, thì đang nắm lấy tôi. Không phải kiểu mười ngón đan vào nhau nhưng những người đang yêu, mà là tay anh ấy phủ lấy tay tôi từ bên ngoài, đặt nó lên chân mình. Cây quạt giấy nằm trong tay đã nhăn đến không còn là cây quạt ban đầu nữa. Tôi biết, anh ấy cảm thấy tôi không nghe lời, nên đã dùng hành động để làm tôi không thể tiếp tục cử động.
“Nếu thầy cảm thấy em phiền thì em không quạt nữa, được chưa?” Tôi nói. Anh ấy thì như chẳng nghe thấy, vẫn không buông tay.
Trời đã dần tối. Màn hình trên kia đã chuyển sang một bộ phim khác.
Ruộng đồng ở đằng xa đã dần bị màn đêm che lấp, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy ánh đèn của một hai căn nhà trên đỉnh núi. Còn phía trước, đèn pha của xe tụ lại vào nhau, hợp thành một dãy đèn lồng màu cam pha lẫn màu đỏ.
Lòng bàn tay của anh ấy ươn ướt, nóng hổi. Tôi nghĩ, có lẽ anh ấy không phải là không thấy nóng, có lẽ anh ấy không phải cảm thấy tôi phiền, mà chỉ sợ tôi làm như vậy sẽ mệt. Cũng giống như ba tôi năm xưa, ba thường hỏi: Con dùng nhiều sức để quạt cho ba như vậy, tay của con không mỏi sao? Và rồi, tôi không động đậy nữa, không giải thích, cũng không giằng co, tôi cam tâm tình nguyện, nghe theo anh ấy.
Đúng lúc này, xe cũng bắt đầu chuyển từ trạng thái đứng yên thành chuyển động từ từ.
Động cơ được khởi động, đèn trong xe cũng cùng lúc sáng lên.
Cạnh chỗ ngồi của Mộ Thừa Hòa là đường đi, bên kia đường đi là hai hành khách nam, bên kia nữa là kính cửa sổ. Cửa kính lúc này trông như một tấm gương, từ trong đó, tôi có thể nhìn thấy nửa gương mặt của Mộ Thừa Hòa, và cả tôi. Chàng trai trong gương đang nhíu chặt chân mày, nắm lấy bàn tay của cô gái một cách…. hơi cố chấp. Và cô gái ấy, trông như bình tĩnh, kỳ thực lại đang ngượng ngùng, sợ sệt, và….. e thẹn. Đột nhiên nhìn thấy con người thật của mình, tôi hoang mang chẳng biết làm gì.
Tôi lập tức dời mắt đi, không dám nhìn thẳng, ngờ đâu quay trở về đây lại nhìn thấy cửa sổ bên mình, vẫn là một tấm gương, còn là gần ngay trước mắt, và rõ ràng hơn lúc nãy. Tôi cắn môi, lấy hết dũng khí nhìn thẳng vào trong đó.
Ánh mắt nhìn xuyên qua mình, dừng lại ở Mộ Thừa Hòa, sau đó, tôi dùng bàn tay còn lại lấy điện thoại ra, viết một tin nhắn cho Lưu Khải:
“Chúng ta chia tay đi.”
Nhập số điện thoại xong, tôi im lặng nhìn những chữ ấy rất lâu, ngón tay cái cứ mãi chần chừ ở nút “xác nhận”, cuối cùng tôi thở dài, lưu nó vào bản nháp.
Xe đã trở về vận tốc bình thường, nhiệt độ hạ xuống, tài xế tắt đèn xe đi.
Tất cả chúng tôi lập tức rơi vào bóng tối, luồng sáng duy nhất lúc này là màn hình tivi ở phía trước. Và trong xe, bắt đầu chớp nhoáng những tia sáng của ánh sáng trong phim.
Tôi bất chợt cảm thấy, hoặc giả chỉ trong một khung cảnh thiếu ánh sáng như thế này, tôi mới có thể che đậy con tim ích kỷ của mình lại. Nghĩ vậy, tôi bất giác ngã hết người ra đằng sau, thấy nản lòng, cùng lúc ấy, tay tôi cũng động đậy một cái. Cử động của tôi rất nhẹ thôi, nhưng vẫn đã làm anh ấy giật mình. Anh ấy hơi tỉnh lại, buông tay tôi ra.
Tôi thu tay mình lại rồi hỏi: “Có khỏe hơn chưa?”
Anh ấy mở mắt, gật đầu, xem ra đã đỡ hơn thật rồi.
Tôi lại hỏi: “Có muốn ăn gì không?” Hai chúng tôi đều không ăn trưa thì đã ra bến xe, thậm chí bữa tối cũng chỉ có thể giải quyết ở trên xe, do đó trước lúc lên xe anh ấy đã mua rất nhiều thức ăn.
Anh ấy nói: “Không cần đâu.”
Tôi nghiêng đầu nhìn anh ấy, khẽ hỏi: “Thầy bị bệnh gì? Có thể nói cho em biết không?”
Anh ấy quay sang nhìn tôi, sau đó điềm nhiên nói: “Có lúc sẽ tự nhiên bị ù tai, rồi không nghe thấy gì cả, rồi chóng mặt.”
Tôi kinh ngạc: “Tại sao?”
“Là một căn bệnh trong màng nhĩ, hội chứng Meniere.”
“Bắt đầu bị từ khi nào? Năm ngoái?” Tôi nói, “Hay năm trước nữa?”
“Lúc mới mấy tuổi thì đã bị. Có còn nhớ tôi từng kể với em, khi còn nhỏ tôi thường chơi ở hồ hoa sen bên thư viện, có một lần bị rơi xuống hồ không? Đó là lần phát bệnh đầu tiên.”
Tôi nhìn chăm chăm vào mắt anh ấy.
Anh ấy cười, nói như muốn an ủi tôi: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất ổn, bệnh nhẹ thôi, cũng không có gì phải lo lắng, chỉ có một điều hơi tiếc là rất nhiều sở thích đều bị bác sĩ ban lệnh cấm.”
“Sở thích gì?”
“Lặn và chạy xe. Sau này khó khăn lắm bác sĩ mới đồng ý cho tôi chạy xe trong thành phố, và chạy với tốc độ chậm.”
“Em chưa từng đi lặn, bơi em cũng không biết, em là con vịt khô mà người ta thường nói.”
“Lặn và bơi không liên quan gì nhau, lần sau có cơ hội sẽ dạy em.”
“Không phải mới nói là bác sĩ không cho sao?”
“Chúng ta chơi lén, họ không biết đâu.”
Một lúc sau, tôi hỏi: “Chắc chắn sẽ chữa trị khỏi mà, đúng không?”
“Chóng mặt thì không nặng lắm, tôi thuộc dạng bị nặng về phía thính giác.”
“Vậy là sẽ…..” Tôi không biết phải nói sao, trong đầu không ngừng tìm kiếm từ ngữ, chỉ tiếc là đến cuối cùng cũng đành chịu thua.
Song Mộ Thừa Hòa đã hiểu ý của tôi, anh ấy nói: “Không cần lo lắng, không phải là bệnh gì rất nặng, rất dễ chữa khỏi, tôi từng thấy bệnh nhân nghiêm trọng nhất, đến lúc già cũng chỉ bị điếc thôi.” Anh ấy nhìn sang hướng khác, nói trong bình thản: “Nhưng, bất kể là hiện giờ hay là khi già yếu, thính giác đối với tôi mà nói cũng không phải là quá quan trọng, tôi không phải nhà soạn nhạc hay diễn viên, ca sĩ, cho dù không nhìn thấy gì, tôi vẫn có thể tiếp tục làm những việc mà mình muốn làm, do vậy, đây không phải là đả kích chí mạng gì đối với tôi.”
Nói xong, anh ấy quay trở lại nhìn tôi, nở một nụ cười.
Lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác không rõ là gì, đặc biệt là sau khi nhìn thấy nụ cười đó của Mộ Thừa Hòa. Anh ấy không phải loại người gượng cười để làm vui lòng người khác, cũng không phải cố tình làm ra vẻ kiên cường, đó là… một sự bình thản, hiểu sự chân thực. Nụ cười nở ra trên khóe môi luôn hàm chứa ý cười của anh ấy, sau đó thấm đượm cả một đôi mắt, đôi chân mày, nhẹ nhàng, chân thành, nhưng lại khiến người ta tự nhiên cảm thấy đau lòng. Phảng phất như, tim đã bị rúc nhỏ lại trong giây phút ấy. Lần thứ hai trong đời, tôi muốn ôm chặt anh ấy vào lòng.
Đột nhiên, điện thoại reo lên.
“Đồng Đồng, con đến đâu rồi?” Mẹ hỏi.
“Lúc nãy bị kẹt xe, chắc là sắp ra khỏi đường cao tốc rồi.”
“Mẹ có cuộc họp khẩn, con đến nhà bác Trần trước, bác ấy đang ở nhà một mình.”
“Dạ.”
“Tiểu Lý sẽ đến đón con, nhưng có lẽ sẽ trễ một chút, con nhớ phải cẩn thận, xuống xe thì đến phòng chờ, chỗ đó bảo vệ.”
“Không sao, con không sợ, có người đi cùng với con.”
“Ai?”
“Bạn con.” Tôi nói.
Câu trả lời của tôi khiến mẹ có hơi khựng lại, sau đó mới nói: “Vậy cũng tốt.”
Không ngờ Tiểu Lý còn đến sớm hơn chúng tôi. Anh ấy tinh mắt, tôi vừa xuống xe thì anh ấy đã trông thấy tôi.
“Bạn em à?” Tiểu Lý nhìn thấy Mộ Thừa Hòa đi cạnh tôi.
Mộ Thừa Hòa chủ động bắt tay với anh ấy, “Tôi tên Mộ Thừa Hòa.”
“Tôi là Lý Bỉnh, mọi người đều gọi tôi là Tiểu Lý.”
“Tiết Đồng đưa tới tay anh rồi, xem như nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vẫn còn có thể đi chuyến xe cuối cùng trở về.”
“Sao? Muộn như vậy mà còn về sao?” Tiểu Lý vừa nói vừa nhìn tôi.
Tôi không ngờ anh ấy về thật, bèn nóng ruột nói: “Đã hai bữa rồi không ăn gì, hay là ngày mai mới về đi.” Lúc nãy khi nhắc với mẹ về anh ấy thì tôi đã quyết định sẽ không để anh ấy đi xe về thành A một mình.
Không biết là Tiểu Lý đã nhanh chóng hiểu ra ý của tôi hay là đã hiểu lầm quan hệ giữa tôi và Mộ Thừa Hòa, tóm lại anh ấy hoàn toàn đứng về phe bên tôi, “Nếu giám quan Đồng mà biết tôi để anh trở về như vậy chắc chắn sẽ không tha cho tôi. Anh Mộ à, dù gì cũng chờ qua luôn tối nay đã rồi về.” Nói xong thì liền kéo tay Mộ Thừa Hòa đi ra xe.
Cũng may Mộ Thừa Hòa không phải loại người cố chấp, anh ấy đồng ý, và ngồi chung với tôi ở dãy ghế sau.
Chúng tôi không đến nhà của bác Trần, Tiểu Lý nói bà ngoại của Trần Nghiên nghe tin xong thì bệnh tim tái phát hiện giờ đã vào bệnh viện, bác Trần cũng đã vào đó.
“Vậy….. chúng ta đi thăm Trần Nghiên.”
Tiểu Lý nhìn tôi qua kính chiếu hậu, nói: “Được.”
“Thật ra đã xảy ra chuyện gì?”
Ánh mắt của Tiểu Lý lập tức ảm đảm, khác hẳn tính tình ngày thường, anh nói trong nghẹn ngào: “Trần Nghiên…. tối qua suốt đêm không về nhà, trước đây chưa từng xảy ra chuyện như thế, điện thoại lại không ai bắt máy, sau đó mọi người cùng phân tán ra tìm kiếm, đến sáng hôm nay cũng không có kết quả gì. Sau đó, có người phát hiện thấy kẹp tóc của Trần Nghiên rơi ở góc rẽ lầu 1 trong khu nhà của chính ủy, và….” Anh ấy hơi dừng lại, “Đến buổi trưa, mọi người tìm thấy….. thi thể của Trần Nghiên ở…. trong rãnh cống ở phía sau bãi đậu xe của khu chung cư nhỏ, còn bị người ta…..” Anh ấy không nói tiếp nữa.
Khi đến nơi, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều phóng viên và cảnh sát.
Có người nói: “Có lẽ hung thủ đã theo dõi người bị hại về nhà, chụp thuốc mê ở gần cầu thang. Bãi đậu xe là hiện trường vụ án.”
“Cưỡng hiếp trước, rồi mới giết. Vết cắt ở động mạch trên cổ là vết thương chí mạng.”
“Sau đó hung thủ kéo người bị hại đến rãnh cống cách chỗ này mấy chục mét, lấy lá cây đậy lại.”
Tôi nóng lòng gạt đi nhóm người bao vây, theo sau Tiểu Lý đến phòng đặt tử thi. Tiểu Lý vào đó trước, rồi quay lại nhìn tôi. Tôi đứng ngoài cửa, nhìn người đang nằm trên giường.
Cơ thể được che bởi một tấm vải trắng. Ngón chân bên phải bị lộ ra ngoài, ngón tay cái sơn màu xanh lam. Màu sơn móng tay này tôi cũng có dùng qua, chúng tôi đã cùng đi mua, lúc ấy tôi chọn màu hồng phấn, Trần Nghiên chọn màu lam bảo thạch.
Tôi tiến gần đến Trần Nghiên, đứng yên, mở một góc vải lên, nhìn thấy gương mặt của nó. Nước da ẩn lên màu tím xanh, không ghê rợn như những người ngoài kia miêu tả, nét mặt rất khoan thai, một bên gò má bị xây xát.
Ban đầu khi nghe lời họ nói, bất kể là mẹ, hay là Tiểu Lý, thậm chí là cảnh sát ở ngoài kia, tôi cũng cảm thấy không mấy thương tâm, vì tận sâu đáy lòng tôi vẫn chưa tin đây là sự thật…. cho đến bây giờ, khi nhìn thấy gương mặt dưới mảnh vải trắng này. Tôi chợt cảm thấy bao tử của mình bắt đầu co thắt, một dòng máu nóng sùng sục đang sôi lên, chớp mắt đã lên đến cổ họng, tôi bụm miệng lại, phóng nhanh ra ngoài góc tường nôn mửa.
Nhưng căn bản là trong bao tử chẳng có gì cả, ngoài dịch vị ra thì chẳng ói ra được gì nữa.
Tôi không phải một người nhát gan, thi thể của ba cũng là do tôi đến phòng đặt tử thi nhận lại, không ngờ bao nhiêu năm sau, hai hình bóng trong não của tôi lại trùng điệp vào nhau.
Ban đầu là ba, sau đó là Trần Nghiên.
Ba nói: “Đồng Đồng, con là bảo bối của ba.”
Trần Nghiên nói: “Sống một mình sướng biết chừng nào, không lo âu phiền muộn, huống chi mình còn có những ước mơ khác.”
Sau đó, tôi bắt đầu thổn thức. Một hồi sau, tôi lại ói, mãi cho đến khi có người đến kéo tôi dậy, một lần nữa gạt khỏi dòng người, đưa tôi ra ngoài.
Người đó nâng mặt tôi lên, không ngừng lấy tay lau nước mắt cho tôi, người đó nói: “Tiết Đồng, đừng khóc nữa đừng khóc nữa, đừng khóc.”
Ngón tay ướt hết, người đó thay bằng mu bàn tay, mu bàn tay ướt lại đổi sang lòng bàn tay. Tôi chưa từng nhìn thấy anh ấy khờ khạo và vụng về như thế.
Anh ấy có thể lập tức cho ra đáp án của phép tính nhân 4 số mà đối với tôi đó là một phép tính thiên văn.
Anh ấy có thể đứng trên khán đài, trả lời hết những câu hỏi quái gỡ phức tạp một cách bình tĩnh và tự tin trước bao chuyên gia trong và ngoài nước.
Anh ấy có thể dùng tâm thái thanh thản nhất để nói về căn bệnh của mình.
Anh ấy có thể là mục tiêu vươn lên của rất nhiều người trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Nhưng đến khi tôi khóc đến cơ hồ quên mất phải hít thở, anh ấy lại trở nên vô phương, và chỉ giống như một người lớn mắc phải lỗi lầm, dỗ dành một đứa trẻ một cách khờ khạo, miệng chỉ biết lặp đi lặp lại hai chữ “Đừng khóc.”
(3)
Mặc dù đã đứng ở nơi khuất sáng, nhưng thỉnh thoảng cũng sẽ có một vài người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét. Do đó, Mộ Thừa Hòa đã tìm Tiểu Lý để lấy chìa khóa xe, rồi cùng tôi ngồi vào dãy ghế sau. Tôi thổn thức một hồi lâu, cuối cùng cũng bình tĩnh trở lại.
Ánh trăng len lỏi qua hai dãy lầu rồi rọi xuống mặt đất, tôi quay mặt sang hướng khác, nhìn thấy vành bán nguyệt ấy. Phía đối diện có một chung cư cũ, không biết là ai trong đó đã đóng cửa mạnh tay quá, làm cho những bóng đèn cảm ứng âm thanh của mấy tầng lầu cùng lúc sáng lên, được vài giây, ánh sáng màu cam ấy lại đồng loạt tắt lịm.
Tôi nói: “Lúc nhỏ em cảm thấy loại bóng đèn cảm ứng âm thanh này rất kỳ lạ. Sau khi chuyển từ dưới tỉnh lên thành phố, em mới lần đầu tiên biết đến thứ này. Lúc đó, những chuyện dù nhỏ nhặt cách mấy cũng sẽ làm em tò mò, cho nên em đã tự mình đứng trên hành lang liên tục tạo ra đủ loại âm thanh để làm chúng sáng lên. Sau đó em còn làm thí nghiệm xem rốt cuộc phải tạo âm thanh bao lớn thì bóng đèn mới vừa đủ sáng.”
Dần dần khi đã trưởng thành, tôi cảm thấy trái tim của rất nhiều người cũng giống như loại bóng đèn cảm ứng âm thanh này, đều đang chờ đợi một âm thanh vừa đủ để giúp nó vượt khỏi ranh giới của mình, và một khi đã xuất hiện, nó nhất định sẽ chiếu sáng khắp nơi. Song khi đến bình minh, dưới ánh mặt trời, nó lại sẽ tự ti và không thể phát sáng. Cũng giống như tôi yêu Mộ Thừa Hòa, vì tự ti, vì nhút nhát mà không dám nói thật cho anh ấy biết.
Đúng vậy, tôi yêu anh ấy. Tôi đã từng nghi ngờ về tình yêu này, tôi sợ đó chỉ là một sự kính ngưỡng, một sự ỷ lại, tôi sợ đó là si mê, là dựa dẫm, mãi đến khi tôi nhìn thấy di thể của Trần Nghiên. Giây phút ấy tôi đã suy nghĩ rất nhiều, thậm chí tôi còn nghĩ, giả như người nằm trên đó là tôi thì sẽ như thế nào? Có những ai sẽ đến gặp tôi? Có những ai sẽ đau lòng?
Khi sinh mạng bỗng dưng phải chấm dứt, điều khiến tôi hối hận và tiếc nuối nhất sẽ là gì?
Tôi lấy điện thoại ra gửi mẫu tin nhắn soạn nháp khi nãy cho Lưu Khải, sau đó tắt nguồn. Và, tôi gọi Mộ Thừa Hòa: “Thầy Mộ.”
“Hmm?” Anh ấy quay đầu lại.
Tôi nói: “Thầy có thể ôm em một lúc không?”
Ánh mắt của Mộ Thừa Hòa dừng lại trên gương mặt tôi một giây, sau đó anh ấy giang hai tay ra ôm tôi vào lòng, thu chặt cánh tay lại, rất chặt. Nhớ lại lần đầu tiên anh ấy ôm tôi là trong đêm giao thừa, khi tiếng chuông đón chào năm mới đổ lên, anh ấy đã trao cho tôi một vòng tay lịch sự, ấm cúng. Tôi đặt tay trên lưng anh ấy, bất chợt cảm nhận thấy buồng tim của mình rúc nhỏ lại một cách nhanh chóng, cảm giác ấy chớp mắt đã truyền tải đến tứ chi, tay chân của tôi đều hơi run lên. Đầu của tôi tựa trên bờ vai của anh ấy, lại ngửi thấy mùi thông đó, và trong khoảnh khắc nhắm mắt lại, nước mắt đã lặng lẽ lăn xuống.
Yêu, đó là điều chắc chắn, nhưng sao nó lại chua chát và khó mở lời đến thế.
E rằng một khi nói ra chữ này, tôi sẽ như đã làm khinh nhờn anh ấy.
Vào ngày Trần Nghiên ra đi, tôi và Lưu Khải đã chia tay.
Ngày hôm sau thì Mộ Thừa Hòa đã đáp xe về thành A.
Lưu Khải tương đối bình tĩnh, chỉ đáp lại bằng một cuộc điện thoại, hỏi tôi: “Tại sao?”
“Chúng ta không hợp nhau.”
“Anh đề nghị em suy nghĩ lại, chúng ta có thể tạm thời không gặp nhau.”
“Lưu Khải……..”
“Hai tháng đủ để suy nghĩ không?”
“Vấn đề của hai chúng ta không phải như anh tưởng, em đã suy nghĩ rất kỹ càng.”
“Một tháng?”
“Hoàn toàn là do em……”
“Được, vậy thì một tháng.” Sau đó nhanh chóng gác máy.
Lòng tôi rối bời, cũng chẳng còn tâm trí để nghĩ đến cảm nhận của Lưu Khải nữa. Có lúc tôi cảm thấy phụ nữ thật sự là loài động dễ mềm long nhất, lại cũng tàn nhẫn nhất.
Thông qua máy camera giám sát của khu chung cư, và những manh mối thu thập được, không bao lâu cảnh sát đã điều tra ra được hung thủ giết chết Trần Nghiên.
“Con còn nhớ chuyện vượt ngục hồi tết không?” Mẹ nói, “Hung thủ chính là con trai của người đó.”
“Tại sao?” Tôi hỏi.
“Sau khi bị bắt, hình phạt hoãn chết của người đó đã biến thành tử hình chấp hành tức thì. Mới tháng trước khi nhận được công văn từ Tòa án Nhân dân Tối cao thì người đó đã tức thì bị xử bắn.”
“Vậy Trần Nghiên thì có liên quan gì….” Vốn dĩ cũng cảm thấy chuyện này hoang đường, song khi lời đã nói ra một nửa, tôi chợt nhận ra mối liên hệ trong đó, lập tức cảm thấy phẫn nộ vô cùng.
“Có lẽ hung thủ muốn đối phương phải thử mùi vị bị mất đi người thân.”
“Nhưng bác Trần cũng chỉ là làm đúng phận sự của mình, đây là pháp luật, đâu phải ân oán cá nhân.” Tôi nói.
Mẹ không tiếp tục thảo luận đề tài này với tôi nữa, trái lại bà nói: “Con hãy ở lại đây thêm vài ngày, nhưng buổi tối đừng ra đường một mình.”
“Bao lâu?”
“Đến khi mẹ nói đã đủ.”
“Nhưng…. Triệu Hiểu Đường giúp con tìm được một công việc, mấy ngày nữa là con phải đi làm rồi.”
“Đừng đi nữa, tốt nhất là hãy ở lại đây với mẹ, tìm công việc khác ở thành B.”
Tôi nhìn mẹ, “Lúc trước mẹ đâu phải như vậy.”
Mẹ dừng lại công việc xếp quần áo, nhìn tôi rất lâu rồi mới từ từ nói: “Đồng Đồng, mẹ không dám tưởng tượng nếu hôm đó không phải Trần Nghiên, mà là con….. nếu là con thì…..”
Mẹ không thể tiếp tục nữa, bèn giả vờ dọn dẹp đồ đạc, tránh khỏi ánh mắt của tôi.
Tôi nói: “Chẳng phải lúc trước ba có tìm người xem bói cho con sao, nói con sẽ sống mạnh khỏe đến 88 tuổi, sau đó già chết tại nhà mà.”
Mẹ cười: “Con đó, chỉ thích nghe ba con nói bừa thôi.”
Vì là một phi vụ báo thù ác tính, do đó vụ án của Trần Nghiên đã được tỉnh quan tâm cao độ, sở công an đăng lệnh truy nã hạng B lên mạng. Một tuần sau, vào buổi trưa, hung thủ đã bị tóm cổ tại một huyện nhỏ cách đó 200 kilomet.
Vì giây phút ấy, tôi đã cùng Tiểu Lý đến phòng tạm giam để chờ người đó. Nhưng, bao nhiêu oán hận bao nhiêu cơn giận tích lũy lâu nay, lại chẳng thể trút hết ra ngoài ngay khi tôi nhìn thấy tên hung thủ đó. Hung thủ trong tưởng tượng của tôi, phải là một người có gương mặt hung dữ đôi mắt hằn máu, thậm chí phải mang rất nhiều vết thẹo do dao đâm, phải có rất nhiều tiền án, vì chỉ có người như thế mới làm ra chuyện cầm thú cũng không bằng như vậy.
Nhưng, nó lại chỉ là một đứa trẻ mới lớn, nhìn còn nhỏ hơn cả tôi, thậm chỉ tôi không biết nó đã 18 tuổi hay chưa. Giọng của nó sợ sệt như sắp khóc, không ngừng nói với người lớn bên cạnh: “Chú ơi, con biết lỗi rồi. Chú ơi, con biết lỗi rồi. Con biết lỗi rồi.”
Về sau tôi mới biết, ba của nó hạ độc là do làm nghề đào mỏ lén ở trong thôn, đợt cuối năm vừa qua viên đốc công cứ kéo mãi tiền công không trả, ông ấy nhất thời giận quá nên đã bỏ thuốc độc vào nước suối của viên đốc công, kết quả là người đó bị trúng độc chết, còn ông ta thì bị phán tội hoãn chết.
Dịp tết vừa rồi, vợ của ông đã treo cổ tự sát vì không chấp nhận được đả kích. Khi ở nhà cử hành tang sự, ông đã cầu xin cai ngục cho ông về gặp mặt vợ lần cuối. Nhà giam tuy có quy định cho phép tội phạm về nhà gặp người thân lần cuối, nhưng quy định này không áp dụng cho tội phạm bị tội hoãn chết. Và rồi, ông ta đã tự tìm cách trốn ra ngoài.
Việc này liên kết việc kia, cuối cùng, nút kết của sợi dây bi kịch đã rơi vào người Trần Nghiên.
Tôi kể lại mọi chuyện cho Mộ Thừa Hòa qua điện thoại. Nghe xong, anh ấy im lặng rất lâu, sau đó thở dài một cái thật nhẹ.
(4)
Trở về thành A, cuộc sống của tôi liên tiếp xảy ra những biến cố. Đầu tiên vì không kịp đến chỗ làm báo cáo, công ty bên Triệu Hiểu Đường làm đã khai trừ tên của tôi. Sau đó, Lưu Khải bị chuyển đến Sở Tư Pháp ở một thôn quê cách thành A 100 kilomet.
Khi Lưu Khải nói tin này với tôi, tôi sững người một lúc: “Không phải chứ, bao lâu mới được về đây?”
“Không biết, chắc là như vậy rồi.”
“Thật không vậy?”
“Do đó em lựa chọn chia tay với anh là quyết định sáng suốt.” Cậu ấy tự trêu.
“Lưu Khải!” Tôi nóng.
“Nhưng, anh vẫn chưa đồng ý.” Cậu ấy nói.
Tôi lại bắt đầu gia nhập vào đoàn quân tìm việc. Mỗi ngày đọc những mẫu đăng tuyển trên báo, không thì chạy đến Hội tuyển dụng được tổ chức tuần hai lần vào thứ ba và thứ năm ở Sàn Nhân Tài. Sau đó còn nghe theo Triệu Hiểu Đường, đăng rất nhiều thông tin lên mạng tìm việc.
Đầu tiên là một công ty bảo hiểm, những người đến ứng tuyển như tôi không có sáu mươi người cũng có năm mươi người. Cửa ải đầu tiên là thi viết. Tôi tưởng chức vị tôi ứng tuyển là thư ký, chuyên môn lại là Anh ngữ thì họ sẽ phát cho tôi một đề thi Anh văn, ngờ đâu đề mục lại là viết một bài văn.
Vài hôm sau, công ty bảo hiểm thông báo đến tôi là tôi đã đậu bài thi viết, cần phải tham gia chương trình huấn luyện.
Đợi đến khi tôi đi đến địa điểm huấn luyện với lòng tự tin, mới phát hiện năm sáu mươi người đó căn bản chẳng thiếu một ai, họ cũng đang chờ đợi được huấn luyện như tôi. Nội dung đào tạo gồm có: hợp tác đoàn thể, thi thố trí nhớ và khả năng trình bày, nếu thông qua hết thì sẽ trở thành một trong 500 nhân viên nghiệp vụ mới xuất sắc nhất trên thế giới.
Tôi nói với người điểm danh: “Tôi không phải ứng tuyển nhân viên nghiệp vụ, tôi xin làm thư ký.”
Đối phương trả lời tôi với nụ cười nghề nghiệp: “Trong công ty của chúng tôi, thư ký cũng phải có kiến thức về nghiệp vụ. Hơn nữa cô thích hợp làm văn phòng hay làm nghiêp vụ còn phải căn cứ vào thành tích.”
Tôi ngơ ngẩn, gật đầu.
Sau khi học thuộc lòng một cách máy móc hàng loạt tên gọi của những căn bệnh, vị huấn luyện viên tinh thần phấn chấn đang đứng trên sân khấu kia lại kêu gọi mọi người cùng hô lớn khẩu hiệu của công ty, và cũng chính trong lúc này, tôi đã lẻn chạy trốn ra ngoài.
Tôi nói với Bạch Lâm: “Thật là khủng khiếp, mình còn tưởng đã đi nhầm vào hội tuyển sales chứ.”
Những công ty đó không phải yêu cầu tuổi tác thì là yêu cầu kinh nghiệm làm việc, chẳng xét thêm điều kiện nào khác.
Công ty thứ hai là một công ty ngoại thương, đối phương bảo tôi hãy tự giới thiệu về mình, hỏi tôi một số vấn đề về tương lai và cơ hội của công ty, lại hỏi: “Tại sao tốt nghiệp lâu vậy rồi đến bây giờ mới nghĩ đến phải tìm việc làm?”
“Ờ….” Tôi cứng họng.
“Có thể nói về ấn tượng sâu đậm nhất của cô về thất bại gần đây nhất của mình không?” Sau đó lại hỏi, “Cô đã giải quyết nó như thế nào?”
“Ờ…” Tôi lại cứng họng, trong đầu đột nhiên xuất hiện hình bóng của Mộ Thừa Hòa. Trắc trở lớn nhất trong đời tôi đều xảy ra trên người của ai kia, cứ nghĩ đến anh ấy là tôi lại không biết phải làm sao. Như bị người khác nhìn trộm tâm tư của mình vậy, mặt của tôi đỏ lên, cuối cùng lại phun ra một câu cực kỳ ngớ ngẩn, “Tôi có thể không nói không?”
Và rồi, người ta không còn hỏi tôi thêm nữa.
Khi tôi kể lại với Bạch Lâm, nó đã cười “phụt ~” ra ngoài.
Nó nói: “Đáng lẽ cậu phải thành thật nói ra, không chừng người ta còn cảm thấy cậu là một nhân tài đấy.”
Tôi hỏi: “Lý do?”
Bạch Lâm nói: “Cậu đối với Mộ Thừa Hòa phải nói là chiến bại chiến tiếp, càng chiến càng dũng cảm, nếu cho cậu vào bộ phận marketing của công ty, không phải nhân tài thì là gì.”
Sau đó, Bạch Lâm đã tìm được cho tôi thông tin tuyển dụng của một công ty thương mại và mậu dịch ở trên mạng, tôi cẩn thẩn viết đơn xin việc, rồi gửi kèm qua đó lý lịch của mình, xong hết mọi việc mới rời nhà Bạch Lâm.
“Hay là, ở lại đây đi, dù gì cậu cũng chưa phải đi làm.” Bạch Lâm nói.
“Lát nữa sư huynh về, để anh ấy phải ngủ dưới đất thì mình ngại lắm.” Nói xong, tôi chào tạm biệt nó rồi ra đón xe buýt về nhà.
Từ bến xe về đến nhà của tôi còn phải đi một đoạn đường, tôi đeo tai nghe vào, không nghĩ ngợi gì nhiều thì đã rẽ vào con đường tắt lúc trước thường đi. Đi được nửa đoạn mới chợt nhớ ra sáng nay mình đã tự nói ban đêm không nên đi vào đây. Vì hai hôm nay đang giải tỏa, cửa tiệm ở hai bên đường hầu hết đã dọn đi cả rồi.
Đèn đường hơi tối, vách tường và nóc nhà đã bị dỡ hết một nửa.
Tôi dừng lại, nhìn trước nhìn sau, hai đầu đều xa như nhau. Lúc này, có người chạy xe đạp từ phía sau vượt lên, chớp mắt đã biến mất ở đằng trước, chỉ còn nghe thấy tiếng chuông xe đạp leng keng của người đó.
Do dự một hồi, tôi quyết định đi tiếp. Được vài bước, cảm thấy phía sau có động tĩnh gì đó, liền quay lại nhìn, phát hiện ở góc tường có một bóng người xẹt qua một cái, thấy dợn tóc gáy, tôi liền đi nhanh hơn, vừa đi còn vừa ngoảnh đầu lại nhìn. Không có gì nữa. Nỗi sợ hãi dần dần lan khắp người, tôi lấy tai nghe xuống, càng đi càng nhanh, càng đi càng nhanh, cuối cùng vắt chân lên chạy hì hục về nhà.
Ban đêm, nằm ngủ trên giường, thấp thoáng như nghe thấy tiếng động lạ thường từ đâu đó.
Tôi ngóng tai lên, hình như có người thật, tim càng đập càng mạnh, tôi nằm trên giường nín thở lại, tìm kiếm nguồn gốc của âm thanh. Không phải phòng khách. Là trong bếp!
Lúc trước mẹ từng dạy tôi, người đến trộm cắp có thể chia làm hai tình huống.
Thứ nhất là đối phương đã vào phòng, đã ở bên cạnh mình, như vậy thì cho dù đã thức dậy, mình cũng phải vờ như còn đang ngủ.
“Lỡ như người ta đâm con thì sao?” Tôi hỏi mẹ.
“Thông thường khi vào nhà ăn trộm, người ta đều không muốn giết người, trừ phi bị ép đến đường cùng.” Mẹ giải thích, “Nhưng nếu người ta đến là để hành hung, vậy thì cách này không dùng được.”
Thứ hai là đối phương vẫn chưa vào phòng, hoặc đã đến bước thu dọn chuẩn bị rời khỏi, ta có thể đột nhiên nói lớn gì đó hoặc mở đèn lên, như vậy đối phương sẽ hoảng hồn bỏ chạy. Vì thế mà thông thường khi đi vệ sinh buổi tối, cho dù có nhìn thấy đường đi nữa, mẹ cũng bắt tôi phải mở đèn. Một là để tránh bị đụng đầu, hai là nếu có người xấu đang nấp ở góc nào đó thì cũng có thể nhìn thấy.
Mẹ nói: “Mục đích mở đèn lên là để nói cho đối phương biết, có người dậy rồi, mau đi đi.”
Nhưng kiến thức an toàn mà mẹ dạy cho tôi từ nhỏ đến lúc này lại không dùng được. Mẹ không chỉ cho tôi cách phán đoán người đó vào nhà để hành hung hay là để ăn trộm. Cũng không nói động tĩnh như thế này là đã vào nhà hay là đang chuẩn bị rời khỏi.
Tôi ngồi dậy thật cẩn thận, sau đó rón rén đi chân không đến cửa phòng áp tai lên cửa nghe ngóng. Bên nhà bếp có tiếng động, hình như đối phương đang cậy cửa. Tôi quyết định mở đèn phòng ngủ lên.
Tiếng động đó tức thì ngưng bặt.
Sau đó tôi kêu lớn: “Anh hai, anh đi vệ sinh à?” Sau đó còn cố tình làm ra chút tiếng động, rồi tắt đèn, đứng im lặng trong bóng tối một hồi thật lâu, sau khi xác định ngoài kia đã hoàn toàn không còn động tĩnh, tôi khẽ mở cửa ra mò vào bếp mở đèn.
Bên ngoài nhà bếp là lang cang tự do, trung gian có cánh cửa sắt ngăn lại. Đang trong mùa hè, lại ở lầu 4, do đó tôi thỉnh thoảng mới khóa cánh cửa này lại. Nhưng lúc nãy trước khi ngủ, ma sai quỷ khiến thế nào ấy tôi lại đã khóa nó lại, và đúng lúc nó đã ngăn cản bước chân của người khi nãy. Có lẽ tiếng động làm tôi thức tỉnh kia là âm thanh do hắn cố cậy cánh cửa này. Con dao dùng để cắt dưa vốn dĩ đặt trên máy giặt, giờ đây lại đang nằm ở dưới đất ngay cạnh cửa.
Toàn thân tôi run rẩy, lập tức bật hết đèn lên rồi lấy điện thoại ra gọi cho bảo vệ.
Động tĩnh của bảo vệ lớn quá, làm kinh động đến hàng xóm xung quanh.
Dì sống ở lầu 1 đã chỉ vào mũi người quản lý nói: “Mấy người quản lý thế nào đấy hả? Mới tháng trước lầu kế bên kia đã bị trộm một lần, mấy người còn bảo đảm với chúng tôi sẽ gia tăng người tuần tra.”
Một ông chú lại nói: “Thu phí bảo vệ cao như vậy, có làm việc không chứ?”
Người quản lý bảo an cười trừ nói: “Làm, làm chứ, lát nữa công an đến chúng ta sẽ cùng đi xem lại băng thu hình.”
Một hàng xóm khác nói: “Tiểu Tiết à, cô ở lầu 3 cũng không bị gì, không chừng bọn trộm thấy cháu sống một mình nên mới lẻn lên đây đấy.”
Người bên cạnh gật đầu: “Phải đó, cháu phải cẩn thận một chút, hay là gắn một cái cửa sổ chống trộm tàng hình đi.”
Thế là các cô chú bác nhiệt tâm đã thay phiên nhau nghị luận. Một lúc sau, công an đến, rồi đi. Cuối cùng chỉ còn lại một mình tôi, và đồng hồ cũng đã chỉ 4 giờ sáng.
Tôi muốn gọi điện cho mẹ, nhưng nhớ lại nét mặt của mẹ khi lo lắng cho tôi lần trước, đành thôi. Ngồi một mình trong căn phòng rộng, xung quanh yên ắng đến đáng sợ. Đôi mắt tự nhiên nhìn về hướng nhà bếp, cứ sợ có người nào đó sẽ nhảy ra. Cuối cùng tôi cũng không kìm được sự sợ hãi, gọi điện cho Bạch Lâm. Nửa tiếng sau, sư huynh và Bạch Lâm cùng xuất hiện.
Bạch Lâm vừa quan sát hiện trường vừa kêu lên kinh sợ: “Quá nguy hiểm rồi! Quá nguy hiểm rồi!”
Sư huynh Lý lại kiểm tra cửa phòng cho tôi một lần nữa.
Bạch Lâm ôm lấy tôi nói: “Vậy đi, mình dọn qua đây ở với cậu.”
Sư huynh Lý nói: “Thôi đi, lỡ có người xấu đến, hai người ở cùng nhau cũng vậy thôi.”
Bạch Lâm quay qua nói với sư huynh: “Hay là anh cũng qua đây đi.”
Sư huynh nhìn tôi một cái, do dự: “Vậy…. không hay lắm thì phải.”
Tôi hiểu ý của sư huynh, một người đàn ông sống chung với hai cô gái, sợ người ta đàm tiếu cũng là lẽ thường tình. Huống chi anh ấy và Bạch Lâm khó khăn lắm mới có được thế giới hai người như bây giờ, tôi xen vào thì không hậu đạo cho lắm.
Thế nên tôi đã nói: “Bỏ đi, nhà mình cách xa chỗ cậu làm lắm.”
Bạch Lâm hỏi: “Vậy phải làm sao?”
Tôi nói: “Mình không sợ. Cùng lắm ngày mai mình gọi người ta đến gắn cửa sổ chống trộm.”
Bạch Lâm lại hỏi: “Quản lý chỗ này có cho không?”
Tôi nói: “Khu này nhỏ như vậy, có gì mà không cho chứ, lầu dưới cũng gắn rồi.”
Tìm đủ mọi lời, cuối cùng mới thuyết phục được Bạch Lâm.
Đêm hôm sau, lại chỉ còn một mình tôi. Trước khi ngủ, tôi kiểm tra toàn bộ cửa sổ, khóa thật cẩn thận mọi ngóc ngách. Đại khái là vì đêm qua cơ hồ không chợp mắt, do đó hôm nay chỉ vừa đặt lưng xuống giường thì tôi đã ngủ. Trước khi chợp mắt tôi còn mơ hồ nghĩ rằng, nếu tôi chết đi như vậy, cũng xem như một vụ án mật thất rồi.
Tôi lại mơ thấy giấc mơ rất dài rất dài ấy. Trong mơ, ba dắt tôi vào khu vui chơi, đi đến phòng mua vé mới phát hiện ra bị mất tiền, sau đó ba nói với tôi: “Đồng Đồng, đứng chờ ba ở đây, đừng đi đâu nhé.” Và sau đó, tôi ngồi ăn kẹo bạch nha ở bậc thềm, chờ mãi chờ mãi.
Có một người phụ nữ đi tới, nói trong kinh ngạc: “Ồ, bé gái, mẹ con là Đồng Ngọc Mai phải không? Cô là bạn của mẹ con, lần trước chúng ta đã gặp nhau.”
Tôi nhìn bà ấy, gật đầu, hình như đã từng thấy ở đâu.
Bà ấy cười hi hi, “Sao con lại ở đây một mình?”
“Ba đi tìm ví tiền, bảo con ngồi chờ.”
“Mẹ con bảo cô tới đón con đấy. Mẹ bảo đón con về nhà, ba con đã về nhà rồi.”
“Nhưng ba nói…..”
“Lời của ba với lời của mẹ, lời ai có hiệu lực hơn?”
Tôi suy nghĩ rồi đáp: “Mẹ.”
“Mẹ con bảo cô tới đón con, vậy có phải con nên nghe lời cô không?”
Cuối cùng, loay hoay một lúc tôi đã bị người này kéo đi.
Tôi cứ tưởng tôi đã quên mất chuyện này rồi, ngờ đâu giờ đây nó lại xuất hiện trong giấc mộng.
Trong khu vui chơi đó, người đến dắt tôi đi thật chất là mẹ của một nữ phạm nhân trong trại giam. Tôi từng nhìn thấy bà ấy là vì có một lần mẹ trực ca, có dắt tôi đến đó một ngày, lúc đó bà ấy đúng lúc đến thăm con mình. Con gái của bà ta đã mãn kỳ hạn và được phóng thích, nhưng cô ta đã từng nhiều lần bị phạt vì đánh nhau trong ngục. Mẹ tôi lại đặc biệt nghiêm ngặt về mặt này, do đó sau khi ra tù, phạm nhân đó vẫn còn ôm hận trong lòng. Hôm đó hai mẹ con họ tình cơ trông thấy tôi nên đã sinh lòng trả oán.
Tôi đã không còn nhớ họ bắt giam tôi bao nhiêu ngày nữa, chỉ biết sau khi cục công an cứu tôi ra, bà ngoại và ba đã ôm lấy tôi khóc rất nhiều. Cũng có lẽ vì chuyện này mà về sau, tình cảm giữa ba và mẹ đã nhạt dần. Mẹ cũng không còn để tôi tiếp xúc với bất kỳ việc gì liên quan đến công việc của mẹ nữa.
Tôi lật người lại, nỗ lực để mình ngủ lại lần nữa.
Mộng cảnh chợt thay đổi, tôi mơ thấy vũng máu tại hiện trường nơi ba bị giết, còn mơ thấy cây dao trong bếp. Cuối cùng khi mơ thấy thi thể của Trần Nghiên, tôi bừng tỉnh giấc.
Thở hổn hển, tôi từ từ ngồi dậy, chuẩn bị ra phòng khách rót ly nước, nhưng đi tới cửa phòng mới chợt dừng chân phát hiện mình không dám tiến tới trước nữa, bèn quay trở về, rụt người vào chăn.
Bóng tối ngoài cửa và không khí ghê rợn cùng ập vào mặt tôi. Tôi hoảng loạn ngồi dậy mở đèn, vẫn cảm thấy không yên lòng, cứ mãi ngờ vực như có người đang nấp trong tủ áo và dưới gầm giường, thậm chí không hề nhìn ra cửa sổ mà tôi cũng cảm thấy có người đang đứng ngoài kia nhìn mình. Chính trong giây phút bị sự khủng hoảng này dày vò đến mức sắp tắt thở, tôi đã gọi cho Mộ Thừa Hòa.
Chuông đổ ba tiếng sau thì có người bắt máy.
“Tiết Đồng?”
Giọng của anh ấy từ bên kia đầu dây truyền vào tai tôi, giây phút ấy, tâm lý phòng ngự của tôi hoàn toàn sụp đổ.
Tôi nói năng lộn xộn: “Em không dám nói cho mẹ nghe, em sợ sau khi mẹ biết được sẽ không cho em sống một mình ở thành A nữa. Em cũng không dám gọi cho Bạch Lâm, hôm qua em đã làm họ suốt đêm không ngủ rồi. Bạch Lâm tuy rất thân với em, nhưng sư huynh dẫu sao cũng là người ngoài. Em nghĩ đi nghĩ lại, ngoài thầy ra em không còn tìm được người thứ hai nữa.”
“Sao vậy?” Ngữ khí của anh ấy lo lắng cả lên, “Em nói từ từ thôi.”
“Hôm qua có trộm vào nhà em.” Tôi lau nước mắt, “Bây giờ em sợ muốn chết.”
“Em mở hết đèn lên, mở cả tivi nữa, tôi qua đó ngay.” Anh ấy nói.
Mộ Thừa Hòa đến nhà, sau khi nghe tôi thuật lại toàn bộ hiểm cảnh tối qua và ác mộng lúc nãy thì câu đầu tiên anh ấy nói ra là: “Em không thể ở đây một mình nữa.”
“Bạch Lâm và Triệu Hiểu Đường đều có bạn trai, em không thể bảo họ ở mãi với em.”
“Có người thân nào gần gũi sống ở đây không?”
“Có bà nội và bác của em, nhưng họ đều không thích em.” Tôi nói, “Hơn nữa nếu họ biết có chuyện xảy ra chắc chắn sẽ nói cho mẹ em biết.”
Mộ Thừa Hòa trầm ngâm một lúc, cuối cùng nói: “Vậy em đến chỗ tôi đi.”
(5)
Không ngờ anh ấy lại sống trong ký túc xá của giáo sư Đại học A. Ký túc xá này nằm đối diện với cửa Tây của trường, trồng đầy cây ngô đồng. Khi còn đi học, tôi chưa từng vào đây, chỉ biết rằng mấy năm trước nơi này có tu sửa lại, các tầng lầu cũ bị đập đi và xây lại thành một chung cư có thang máy.
Nhưng Mộ Thừa Hòa không sống trong khu chung cư mới đó, mà ở trong tòa lầu cũ phía sau nó. Nhà rất rộng, đặc biệt là phòng khách, đủ chỗ đặt cả một cái bàn làm việc to dài phía sau bộ sopha, trên bàn có hai máy vi tính xách tay, bên cạnh là một chồng sách và một xấp giấy được đặt tùy ý, trên xấp giấy là một hộp mắt kiếng.
Chiếc hộp chắc chắn đang rỗng, bởi vì cái mắt kiếng gọng đen ấy đang ở trên sóng mũi của anh ấy.
“Lúc trước có người nói với em, ba tầng lầu này là để dành cho giáo sư lão luyện cấp cao, vậy mà thầy lại có thể sống ở đây.” Có thể thấy, người này cũng là một loài động vật bậc cao.
“Nhà này của ba tôi, được phân cho khi còn dạy học.”
“Hả?” Tới tôi tò mò rồi, “Vậy sao trước đó thầy còn tới ở chung với thầy Trần?”
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi một cái, sau đó nói với một tâm trạng vô cùng nghiêm trọng: “Vì tầng lầu này có ma, một mình tôi không dám ở.”
Tôi trợn to mắt, nửa ngày không nói nên lời.
Sau đó anh ấy dùng mắt ra dấu cho tôi nhìn ra phía sau: “Nghe nói từng có người treo cổ chết trên khung cửa ở sau lưng em.” Mộ Thừa Hòa vừa dứt câu, tôi cuống cuồng nhảy về phía anh ấy, túm lấy tay áo của anh ấy, mắt thì cứ dán vào khung cửa đó, rồi tự nhiên cảm giác có một luồng gió lành lạnh ở sau ót.
Thế nhưng, anh ấy lại bật cười.
“Dọa em đó.”
Anh ấy nói: “Chẳng phải lúc nãy em giỏi lắm sao? Nói ma quỷ nào nhìn thấy em cũng phải vòng đường đi sao. Tôi chỉ nói bừa vài câu thôi mà dọa được em rồi?” Ý cười đã hoàn toàn lan ra trên khắp gương mặt ấy.
Tôi buông tay áo Mộ Thừa Hòa ra, “Đêm hôm khuya khắc mà tự nhiên thầy nói như vậy, là người thì ai cũng phải sợ thôi.” Huống chi tôi đâu có ngờ rằng tâm trạng của anh ấy tự nhiên lại đẹp đến thế, còn nói đùa với tôi nữa.
Phòng ngủ của tôi ở cạnh phòng ngủ của anh ấy. Giường không lớn, nghe Mộ Thừa Hòa nói đây là chỗ ngủ lúc nhỏ của anh ấy, do đó chỉ có nệm.
Trải giường và sắp xếp xong mọi thứ thì cũng đã 3 giờ sáng.
Chính bản thân tôi cũng không xác định được khi anh ấy nói “Đến chỗ tôi đi.”, tôi đã trả lời như thế nào. Hoặc giả lúc đó trái tim của tôi đã rối bời, bộ não rối như chỉ tơ, trông thấy anh ấy cũng như nhìn thấy ngọn cỏ cứu mạng. Hoặc giả vì trước đây tôi chưa từng chối từ lời đề nghị nào của anh ấy. Hoặc giả… trong lòng tôi đích thật đã trông mong như thế.
Dẫu cho suy nghĩ vẫn mãi vấn vương, nhưng tôi đích thật đã ngủ một giấc rất êm đềm.
Sáng hôm sau thức dậy nhìn điện thoại, tôi nhất thời muốn khóc thét cả lên. Vội vã ngồi dậy đi đánh răng rửa mặt.
“Vội vậy sao?” Mộ Thừa Hòa đặt tờ báo xuống và hỏi.
“Ừm.” Tôi bỏ đồ vào túi xách, “Người ta hẹn em phỏng vấn lúc 10 giờ. Sắp trễ rồi.”
“Tôi lấy sữa cho em uống.”
“Không cần đâu, không cần đâu.”
“Có cần tôi chở em đi không?”
“Em đi tàu điện ngầm là được, trạm dừng ngay chỗ đó.” Nói xong tôi liền vút ra ngoài như một làn gió.
Vừa chạy tới khúc quanh của cầu thang thì Mộ Thừa Hòa vội vã chạy ra gọi tôi lại: “Tiết Đồng!”
Tôi ngước đầu lên, nhìn anh ấy đứng ở bậc thang thứ 11 từ dưới đếm lên.
Anh ấy lắc lư một thứ trên tay, “Cái này cho em.” Sau đó, nhẹ nhàng thẩy nó xuống chỗ của tôi, chính xác vô cùng. Đó là một chiếc chìa khóa. Có lẽ vì không muốn để nó quá cô đơn chăng, Mộ Thừa Hòa đã móc thêm vào đó một con Doreamon. Tôi nắm chặt nó trong tay, nhìn anh ấy cười.
Công ty tôi đến ứng tuyển lần này là một công ty địa ốc, nhỏ hơn công ty lần trước khai trừ tên tôi. Phòng hội nghị có hai người đang ngồi, một nam một nữ, người phụ nữ lớn tuổi hơn. Hôm qua Bạch Lâm nói với tôi, công ty này thuộc dạng sản nghiệp gia tộc, thông thường thì tổng giám đốc, giám đốc, kế toán đều là người một nhà với nhau.
Sau vài câu hỏi thông lệ, vị giám đốc trẻ tuổi ấy lại đọc qua lý lịch của tôi một lần nữa rồi nói: “Biết tiếng Nga sao?”
“Tiếng Nga là ngoại ngữ hai của tôi.”
“Thành thạo không?”
“Cũng được.” Tôi lấy hết can đảm nói.
“Vậy hãy tự giới thiệu mình bằng tiếng Nga xem.”
Nghe xong câu này, tôi ngớ người. Giảng viên hướng nghiệp dạy chúng tôi rằng, hãy mang tất cả những đặc điểm kỹ năng có liên quan đến mình viết thành ưu thế nổi bật. Tôi chỉ mới cho nó nổi một chút thôi mà, mới đây đã phải hiện nguyên hình rồi sao?
Bài tự giới thiệu được viết bằng tiếng Nga là do Mộ Thừa Hòa viết thay tôi hồi năm ngoái. Tôi cũng không có ý học thuộc long nó.
“Được chứ?” Người đó lại hỏi.
Đã leo lên lưng cọp rồi, tôi đành nghĩ đối sách thôi.
“Да.” Tôi sực nghĩ ra một cách, bèn đọc một từ đơn.
“Gì?” Người đó hỏi lại, hiển nhiên là không hiểu gì.
“Có thể bắt đầu chưa ạ?” Tôi lập tức cười cười.
Đối phương gật đầu.
Sau đó tôi bắt đầu trả thuộc lòng một bài văn rất sâu sắc mà Mộ Thừa Hòa từng dạy. Trí nhớ của tôi rất tốt, anh ấy giảng bài đó xong, tôi đọc thêm vài lần là có thể nhớ được tám, chín phần.
Bài văn đó tựa là “Quê hương của tôi – Bắc Kinh”.
Để tăng thêm mức độ khả tín, tôi đổi hết những chữ “Bắc Kinh” trong bài thành “Thành A”.
“Мойроднойгород.Яродиласьивырославгороде……”
Về đến nhà, tôi ngồi trên sopha kể lại toàn bộ câu chuyện sáng nay cho Mộ Thừa Hòa nghe.
“Rồi sau đó?” Anh ấy rất hứng thú.
“Sau đó, thì em trả xong bài, rồi người đó nói với em, ‘Tiếng Nga của cô lưu loát y như tiếng Anh vậy’, còn bảo em lần sau đến phỏng vấn đợt hai nữa.” Tôi cười ha hả.
Mộ Thừa Hòa cũng không nhịn được cười.
Tôi nghiêng đầu nhìn anh ấy, phát hiện anh ấy cứ mãi nhìn tôi, không nói tiếng nào.
Nhìn lâu như thế không khỏi làm tôi cảm thấy là lạ, bèn xoa xoa mặt của mình, “Mặt em bị dính gì sao?”
“Không có.” Anh ấy thu hồi lại đôi mắt thất thần của mình, quay mặt sang hướng khác.
“Thầy không tin sao?” Tôi nói, “Nếu thầy không tin, em diễn lại lần nữa cho thầy xem.”
Thế là tôi khiêng một cái ghế đến ngồi ở trước mặt anh ấy, diễn lại toàn cảnh sáng nay.
“Мойроднойгород.ЯродиласьивырославгородеА,вкоторомяпровеласвоезолотоедетство.этогород……”
Khóe môi anh ấy khẽ cong lên, rồi bắt đầu đọc cùng với tôi, mãi đến câu cuối cùng của bài: “Тамвсемнедорого.” Sau đó, hai chúng tôi nhìn nhau và cười.
Vốn dĩ tôi còn lo lắng hai chúng tôi sống chung với nhau dưới một mái nhà như thế sẽ thấy gượng gạo, nhưng từ khi đọc xong bài văn đó, không khí lại trở nên hài hòa lạ thường. Ban đêm, tôi nằm trên giường nhớ lại cảnh tượng ấy, thấp thoáng cảm thấy như muốn nắm lấy gì đó nhưng lại không rõ đó là gì.
Mộ Thừa Hòa không hề nhắc đến Lưu Khải, thậm chí trong ngày bảo tôi đến đây ở, anh ấy cũng không hề hỏi, cho đến một bữa trưa, anh ấy chợt nói: “Không phải con gái đều thích dạo phố sao? Rất ít thấy em ra ngoài.”
“Bên ngoài nóng quá.” Tôi nói
“Cũng không ra ngoài với Lưu Khải?” Anh ấy gấp thức ăn, hỏi tự nhiên.
“Ờ….” Tôi khựng lại một lúc, sau đó cúi đầu nói nhỏ: “Anh ấy bị điều xuống huyện rồi.” Tôi không nói với anh ấy chuyện chúng tôi chia tay.
“Sao không nói với thầy?” Bạch Lâm hỏi tôi.
“Mình cảm thấy…. hình như chỉ có như thế mới có thể cảm nhận được sự bình đẳng giữa mình và anh ấy.” Tôi nói
“Vậy công việc thế nào?”
“Khó quá! Chỗ mình thấy được thì người ta không thấy mình được. Người ta thấy mình được thì mình lại chê người ta.”
“Từ từ thôi, đừng nóng vội. Có một câu danh ngôn thích hợp với cậu lắm.”
“Câu gì?”
“Thành gia trước, lập nghiệp sau.”
“…… Cậu nhảm rồi đấy.”
“Không thích à?” Bạch Lâm hỏi, “Vậy đổi câu khác hay hơn: Làm giỏi chi bằng khéo cưới.”
“………”
“Còn việc này phải nói với bạn.”
“Gì?”
“Sư huynh nói, hôm qua anh ấy gặp Lưu Khải ở ngoài đường.”
“Ồ.”
“Anh ấy thấy Lưu Khải đi cùng một cô gái.” Nó nhìn nhìn tôi.
“Ừm.”
“Trông khá thân mật.” Nó sợ tôi không hiểu, lại bổ sung thêm.
“Ừm. Tốt lắm.” Tôi nói tiếp
“Chia tay thật sao?” Bạch Lâm hỏi.
“Thật.”
“Chẳng phải lần trước cậu nói cậu ta xin cậu suy nghĩ một tháng sao? Còn chưa đến một tháng mà.”
“Như vậy càng tốt, mình khỏi phải áy náy.” Tôi lầm bầm.
Sau khi chính thức sống chung nhà với Mộ Thừa Hòa, tôi mới phát hiện anh ấy có rất nhiều thói quen mà tôi không biết. Ví dụ như khi làm việc, anh ấy vô cùng chuyên chú, có khi tôi ngồi ở bên cạnh nói chuyện với anh ấy cả nửa ngày trời, cuối cùng mới biết anh ấy chỉ lo tập trung vào công việc, không hề chú ý đến tôi. Đó là một trải nghiệm rất rất thất bại, thế mà lại thường xuyên xảy ra. Ví dụ như anh ấy rất kén ăn, món nào có vị ngọt ngọt sẽ đều được anh ấy ưa chuộng. Anh ấy thường xuyên làm việc đến nửa đêm. Thỉnh thoảng sẽ ngồi một mình trong bóng tối rất lâu, không nói tiếng nào. Tôi đã từng nhìn thấy khi đi vệ sinh ban đêm.
Lần đầu tiên khi nhìn thấy một bóng đen trên sopha, tôi đã mở đèn lên để xem kỹ. Ánh sáng rọi lên mặt của anh ấy, gương mặt ấy là cô đơn và lạc lõng đến thế, hoàn toàn khác với Mộ Thừa Hòa tươi cười hàng ngày, thấp thoáng như một con thú nhỏ bị hoảng hồn, song chỉ chớp mắt anh ấy lại trở về bình thường.
Từ sau lần đó, tôi không còn dám mở đèn một cách đường đột nữa.
Sau đó, chúng tôi cùng ngồi xem đài truyền hình, tôi chỉ vào Johnny Deep đang cười ở trong phim mà nói: “Tại sao có những người nhìn bề ngoài lại khác với con người thật của mình?”
Anh ấy chỉ xem phim, không lên tiếng.
Cảnh trong phim chuyển đổi, từ mặt biển mênh mông thành bầu trời bao la.
“Tiết Đồng, em có thích biển không?” Anh ấy hỏi.
“Thích chứ.”
“Em nhìn đó, biển cả cho dù có bao sâu đi nữa, bề mặt của nó vẫn luôn tĩnh lặng.” Mộ Thừa Hòa nói, “Trên đời này thứ sâu hơn biển chính là lòng người. Có lúc mỉm cười, không có nghĩa là mình không đau khổ, không sợ hãi, không tuyệt vọng.”
Tôi ám chỉ anh ấy.
Và anh ấy, ám chỉ lại tôi.
Đột nhiên, tôi hiểu ra có lẽ tôi và Mộ Thừa Hòa là cùng một loại người. Vì thế mà anh ấy mới thu hút tôi như vậy.
(6)
Hôm sau trời mưa lâm râm, tôi vội vàng chạy về nhà, cởi giày, bỏ túi xách xuống rồi định xông ra sân thượng, ngờ đâu mới chạy được nửa đường thì phát hiện Mộ Thừa Hòa cũng đang ở nhà, giờ đây đang đứng ngoài lang cang, bên cạnh là một chậu hoa lan.
Vì trời đang mưa, không khí bên ngoài tươi mát lạ thường.
Khu ký túc xá này chỉ có một cây keo, cao đến mười mấy mét, lá cây um tùm, giữa một rừng ngô đồng như vậy trông nó đặc biệt cao. Nó đứng cách tầng lầu này rất gần, nhánh cây gần nhất giương dài đến bên sân thượng. Giọt nước trên chiếc lá đang chực chờ nhĩu xuống, tôi thấy Mộ Thừa Hòa giơ tay ra hứng giọt nước đó, gương mặt tinh nghịch, cánh tay còn lại thì thả tự do bên cạnh, ngón trỏ và ngón giữa đang giữ một điếu thuốc.
Mộ Thừa Hòa vọc những giọt nước mưa, hút một hơi thuốc lá rồi mới nhìn thấy tôi.
Anh ấy sững người.
Trái lại tôi cũng chợt thấy gượng gùng vì hành động nhìn lén của mình, vội vàng nói: “Thầy…. cứ tiếp tục.”
Anh ấy cười tự nhiên, “Hôm nay thế nào?”
“Xui quá chừng.” Tôi bất giác nhìn qua điếu thuốc trên tay anh ấy.
Mộ Thừa Hòa lập tức hiểu ý, đi trở về phòng khách dập tắt mồi thuốc. Trước đây tôi cứ tưởng gạc tàn thuốc này chỉ là để trưng bày.
“Em còn tưởng thầy không hút thuốc.” Chưa từng nhìn thấy, cũng chưa từng ngửi thấy mùi thuốc lá trên người anh ấy.
“Thỉnh thoảng một hai điếu. Lúc đi dạy không hút.” Anh ấy ngại ngùng, cười nói “Huống chi hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.”
Trong nhà đã hết thức ăn, do đó buổi tối chúng tôi cùng ra ngoài, tình cờ bắt gặp Lưu Khải. Cậu ấy đi xuống ở thang cuốn bên cạnh, còn tôi và Mộ Thừa Hòa thì đi lên. Một cô gái dáng người mảnh mai đứng cạnh cậu ấy, đang thỏ thẻ gì đó.
Ngay khi tôi nhìn thấy Lưu Khải thì cậu ấy cũng đã nhìn thấy tôi.
Tôi cười với cậu ấy, ngược lại Lưu Khải lại cảm thấy bất an, như muốn gọi tôi, song lại như có nghi kỵ, cuối cùng chúng tôi không ai gọi ai.
Buổi tối Lưu Khải gọi điện cho tôi, tôi đi ra sân thượng.
“Tiểu Đồng, anh…..” Lưu Khải ấp úng.
“Em hiểu.”
“Em hiểu chuyện gì?”
“Chúng ta không hợp nhau, hơn nữa chúng ta đã chia tay từ tháng trước rồi.”
Cậu ấy thở dài, “Em biết hiện giờ anh bị điều đi chỗ khác, không biết có được về đây hay không, cục trưởng thường ngày cũng quan tâm anh lắm, con gái của ông ấy là sư muội của chúng ta, người cũng tốt, anh…..”
“Lưu Khải, em không giận, thật đó.” Tôi nói.
“Tiểu Đồng…..”
“Chúng ta chia tay là vì người đó?” Lưu Khải hỏi.
Tôi im lặng.
“Xem ra anh vẫn là người phản ứng chậm chạp, đáng lẽ phải hiểu ra từ sớm hơn. Anh cứ tưởng rằng chỉ vì anh chưa đủ cố gắng, do đó mới chờ đợi đến khi em thật sự chú ý đến anh, nhưng….. quá khó rồi.” Lưu Khải nói.
“Xin lỗi.” Tôi cắn môi nói.
“Anh không có nghị lực chờ đợi mãi mãi, do đó…….”
Vừa cúp máy, Tống Kỳ Kỳ đã gọi điện thoại đường dài đến.
“Nghe nói cậu và thầy Mộ sống chung với nhau rồi.” Tống Kỳ Kỳ cười gian xảo.
“Bạch Lâm đúng là bà tám, cậu ở xa vậy mà cũng nhận được tình báo.” Tôi nói.
“Hôm nay mình đã đi xem mắt.”
“Tốt đó chứ, cảm giác thế nào?”
“Điều kiện không tệ.” Tống Kỳ Kỳ nói, “Nhưng không hợp với mình.”
“Cậu….” Tôi muốn nói nhưng lại thôi.
“Không phải vì chuyện trước đây. Mình chỉ đơn giản là cảm thấy tính cách của người đó và mình không hợp nhau thôi.” Tống Kỳ Kỳ nói, “Thật ra hiện giờ mình nghĩ thông suốt lắm rồi, trước đây cứ tưởng rằng mình mãi mãi cũng không quên được anh ấy, cả đời này cũng không thể yêu người khác nữa. Nhưng chỉ chưa đến một năm thôi, mình đã phát hiện hiện thực không như mình tưởng.”
Nói chuyện với Tống Kỳ Kỳ thêm một lúc, tôi cúp máy, trở về phòng khách. Mộ Thừa Hòa đang ngồi trước bàn làm việc. Yên tĩnh quá, yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng cọ xát giữa ngòi bút của anh ấy với mặt giấy. Tôi ngồi trở về sopha, muốn nhớ lại nét mặt của Lưu Khải khi cậu ấy nói “Vì bạn rất dễ thương” với tôi ở trong thư viện, nhưng lại nhớ không ra. Nếu để Bạch Lâm biết được, nó chắc chắn sẽ mắng Lưu Khải vô tình vô nghĩa. Song, tôi biết là lỗi của tôi trước, là tôi đã lợi dụng cậu ấy trước.
Lại nhớ đến Tống Kỳ Kỳ và Tiêu Chính, nhớ lại Tống Kỳ Kỳ đã ôm lấy chúng tôi mà nói: “Tứ năm 17 tuổi thì mình đã yêu anh ấy, cho đến bây giờ, anh ấy chưa hề gạt mình.”
Đại khái vì nét mặt của tôi khi suy nghĩ những điều này thật sự quá khờ chăng, Mộ Thừa Hòa lườm tôi một cái rồi đứng dậy bật tivi, “Em có thể xem tivi.” Nói xong lại trở về bàn tiếp tục làm việc.
“Có ảnh hưởng đến thầy không?”
“Không.” Anh ấy trả lời mà không cần ngẩng đầu lên, chỉ lo làm việc của mình.
Mộ Thừa Hòa ngồi xéo với tivi, nhưng mặc cho tôi chuyển qua chương trình nào, anh ấy cũng không hề nhìn lấy một mắt. Khi làm việc, thỉnh thoảng chân mày của anh ấy nhíu lại, đeo mắt kiếng, vừa xem xét hình ảnh 3D trong vi tính vừa chuyên tâm chỉnh sửa lại các số liệu.
“Em không xem tivi đi, nhìn tôi làm gì?” Anh ấy chợt hỏi.
“È…..” Tôi ngượng ngùng, vén tóc vào tai, “Không có chương trình gì hay ho.”
“Hay là lên mạng?”
“Lên mạng cũng không có gì làm. Em xem tivi tiếp vậy.” Nói xong, tôi nằm xuống sopha, tiếp tục cầm remote lên bấm qua bấm lại.
Đợi đến khi tôi chuyển bảy mươi mấy kênh truyền hình ấy đến lần thứ năm thì cuối cùng anh ấy cũng không nhịn được nữa: “Ngày mai em có bận việc gì không?”
“Không. Có gì à?”
Anh ấy bỏ mắt kiếng xuống, massage sóng mũi, “Ngày mai tôi nghỉ, dắt em ra ngoài chơi.”
Sáng hôm sau, anh ấy căn dặn tôi mang theo kem chống nắng, lúc này tôi mới biết hóa ra anh ấy định dạy tôi lặn thật. Chúng tôi lái xe hơn 30 kilomet, đến một eo biển cạn ở ngoại ô thành A.
Vì mấy hôm trước vừa có mưa, hôm nay trời quang mây tạnh, mặt biển nhìn thật mênh mông vô tận, rất xa rất xa.
“The Big Blue!” Tôi tức thì cởi giày chạy ra bãi biển kêu lên, sau đó quay lại nói với Mộ Thừa Hòa: “Thầy có xem qua phim này chưa?”
“Đại Dương Xanh Thẳm?”
“Chính xác! Mỗi lần nhìn thấy màu xanh của biển, em đều sẽ nhớ đến những chữ này và cảnh tượng trong phim.”
“Nếu biết em sẽ vui như vậy thì đã dắt em đến đây sớm hơn rồi.” Mộ Thừa Hòa đi theo sau tôi, cười nhẹ.
“Nhưng em rất sợ nước, nên không biết bơi. Mỗi lần ra biển cũng chỉ đạp nước rồi đi về thôi.”
“Lần này chúng ta sẽ chơi cái khác.”
Trước cửa câu lạc bộ lặn có rất nhiều xe, nhìn mọi người như đều rất thân với Mộ Thừa Hòa.
“Tại sao mọi người ai cũng đen, chỉ một mình thầy trắng thôi vậy?” Tôi hỏi.
“Chứng tỏ tôi không có siêng như họ.”
“Không ngờ bên trong con người thầy lại phản nghịch đến thế.”
“Tại sao?” Anh ấy mang bình dưỡng khí và đồ lặn trở về rồi hỏi.
“Bác sĩ bảo thầy đừng lặn, vậy mà thầy lại đi lặn, như vậy còn không phải phản nghịch sao?”
“Ai nói thế, từ nhỏ tôi đã là một cậu bé nghe lời.”
“Kiểu như chưa từng đi trễ, lì lợm, không lười biếng, làm xong bài tập mỗi ngày, thi đạt điểm cao nhất?”
“Cũng…. không hoàn toàn là vậy.” Anh ấy nói.
Tôi nhìn anh ấy bằng ánh mắt “Vậy tức là phải rồi”, sau đó nhận lấy đồ lặn từ tay anh ấy rồi vào phòng thay.
Trước khi xuống nước, anh ấy nhắc đi nhắc lại với tôi: “Khi đeo kính lặn, mũi sẽ bị kẹp lại, em phải từ bỏ chiếc mũi của mình, dùng miệng để hô hấp.”
“Lát nữa, sau khi xuống đó rồi chúng ta sẽ không nói chuyện, chỉ dùng tay ra dấu.” Anh ấy nấm 4 ngón tay lại, ngón cái chỉ lên, “Nếu em cảm thấy khó chịu thì làm như vậy, chúng ta sẽ lên. Ngón cái hướng xuống có nghĩa là có thể xuống tiếp nữa.”
“Tôi luôn ở bên cạnh, em không cần phải sợ, lặn và bơi không liên quan gì nhau, em có bình dưỡng khí.”
Tôi mặc niệm những câu này trong lòng mấy trăm lần, thế mà trước khi xuống nước vẫn vô cùng khẩn trương.
“Lỡ như em không nổi lên được thì phải làm sao?” Tôi hỏi.
“……..”
Nước vừa qua đầu, tim liền đập nhanh, huyết dịch gia tăng tuần hoàn, sau đó cần khí Oxi. Tôi hít vào bằng mũi theo quán tính, nhưng mũi đã bị kẹp lại rồi, không hít được gì cả, lập tức tay chân hoảng loạn, tôi bắt đầu giãy giụa. Sau đó, Mộ Thừa Hòa kéo tôi lên, tôi túm lấy anh ấy một cách bất lực, sau khi phun ống hô hấp trong miệng ra, tôi hít hà không ngừng, rồi nhụt chí nói: “Em không chơi nữa.”
Anh ấy cười, “Quan trọng là đừng khẩn trương, nhớ hô hấp bằng miệng.”
Đợi khi tôi đã bình tĩnh, luyện tập cách hô hấp xong, chúng tôi lại xuống nước.
Lần này rất thành công! Dưới đáy nước, anh ấy nắm lấy tay tôi. Thỉnh thoảng nhìn thấy cá nhỏ bơi lội thảnh thơi qua người mình. Tôi cảm tưởng như mình cũng đã biến thành một con cá. Con cá này tuy rất ngu, cũng không biết bơi, nhưng nó lại có thể hít thở tự do dưới nước, còn có thể nhìn thấy rõ rang cảnh vật dưới biển.
Lúc ra khỏi nước, tôi kích động không tả được, tôi không ngừng nói với Mộ Thừa Hòa tôi đã nhìn thấy gì, đã sờ được gì, mắt có cảm giác gì, tai có cảm giác gì. Mộ Thừa Hòa im lặng mỉm cười nghe tôi nói.
Một anh A trên thuyền nói: “Cô bé, em sẽ yêu cảm giác này.”
Sau đó, chúng tôi lại ngồi thuyền đi đến một vùng biển xa hơn.
“Cảm giác sẽ khác hơn sao?” Tôi tò mò.
“Ừm. Nước trong hơn, cá nhiều hơn, và lạnh hơn khi nãy, cho nên mới bắt em mặc đồ lặn.”
“Em có thể xuống đến đáy biển không?”
“Tốt nhất là nên từ từ thôi, nếu cơ thể em không chống chịu nổi, nhất định phải ra dấu ngay, đừng cố gượng.”
“Chỗ này sâu bao nhiêu?”
“Mười mấy mét.”
“Lúc nãy em xuống đến bao nhiêu?”
“Ba bốn mét.”
“……..”
“Thầy lặn được sâu nhất là bao nhiêu?”
“Thông thường khoảng hai mươi mét, sâu nhất thì chưa từng thử, để lần sau thử xem.”
“Thầy….. tốt nhất đừng thử.”
“Em sợ tôi xuống đó rồi không bò lên được sao?” Anh ấy cười.
“Hơi hơi.” Tôi thành thật.
Nước biển rất xanh, ngoài những gợn sóng ra thì nó trông yên tĩnh vô cùng. Đất liền ở cách chúng tôi không xa, dưới chân là nước biển, buông mắt nhìn xa, có thể thấy được thuyền cá ở phía đường chân trời.
Chúng tôi xuống nước trước, sau đó họ mới đưa bình dưỡng khí xuống.
Mộ Thừa Hòa nắm tay tôi, khóe môi cong lên, anh ấy nói: “Tiểu cô nương, hoan nghênh em đến tham quan nội tâm của biển cả.”
(7)
Thể lực của tôi không chống chịu nổi, không bao lâu đã phải lên thuyền nghỉ ngơi, sau đó thoa kem chống nắng, tôi nói với Mộ Thừa Hòa: “Thầy có cần không? Sẽ đen đó.”
Anh chàng A trên thuyền nói: “Đàn ông đen một chút càng thêm gợi cảm.” Sau đó gương mặt đen của anh ta túm lại cười hì hì, lộ ra hàm răng trắng tinh.
Anh chàng B trên thuyền lại nói với tôi: “Chắc tại em không biết thôi, Mộ Thừa Hòa phơi kiểu nào cũng không đen.”
Tôi quay qua hỏi anh ấy: “Phơi không đen thật sao?”
“Đừng nghe họ nói bừa, sao mà không đen được chứ.”
Đến giờ ăn trưa, tôi mới biết thật ra không phải anh ấy phơi mãi không đen, mà là cho dù có đen cách mấy, lột da ra thì anh ấy sẽ trắng trở lại.”
“Chắc chắn là thầy tuổi rắn.” Tôi kết luận.
“Vậy em chắc tuổi cua.” Anh ấy nói.
“Tại sao?”
“Lúc nãy dạy em lái xe, con đường rộng hai mưới mấy mét mà còn không đủ một mình em chạy.”
“………..”
Buổi chiều, chúng tôi đến một đảo nhỏ ở bờ bên kia. Trên đảo có một bãi tắm thiên nhiên, mùa này đang nhằm mùa nghỉ mát, du khách đến đây rất nhiều. Hai chúng tôi chỉ dùng nửa tiếng đồng hồ để đi vòng qua đảo. Tôi còn phát hiện, trên đảo này ngoài nhà vệ sinh công cộng và bến tàu ra, thì kiến trúc duy nhất còn lại chính là tòa nhà có hình dáng như con thuyền này.
“Đây là gì vậy?”
“Khách sạn.”
“Khách sạn? Có người đến đây ở sao?”
“Ừm, nghe nói khách đông thường xuyên. Tối nay chúng ta cũng ở đây.”
“Chúng ta không về sao?”
“Trễ quá rồi, lát nữa là hết thuyền rồi.” Mộ Thừa Hòa nói xong thì hỏi lại, “Em muốn về?”
Tôi vội lắc đầu như cái trống lúc lắc, sao lại muốn về chứ.
Mộ Thừa Hòa ở phòng kế bên, tất cả các phòng trong khách sạn này đều nhìn ra được biển cả. Bên dưới là một hồ bơi nước ngọt, trẻ con đang đùa giỡn dưới đó, tiếng cười con nít hòa lẫn vào nhau, làm cho người nghe cũng vui lây.
Bãi tắm buổi sang giờ đây đã hoàn toàn biến thành một cảnh tượng khác dưới ánh hoàng hôn.
Đại đa số những du khách đều đã rời khỏi đảo, những người còn lại đều trú lại trong khách sạn. Bên lề đường là những hàng ăn hải sản, ở một bên khác là sân khấu, có hẳn màn hình và đèn chiếu. Một ban nhạc đang biểu diễn trên đó, người hát chính đang cầm micro nhìn ra biển lớn rống hát.
Người thì ngồi ở bên dưới uống rượu. Người thì gọi hàng ăn, bày ra ngồi ăn ngay bên dưới sân khấu.
Đến lúc này tôi mới biết hóa ra người ở lại trong khách sạn thật sự rất nhiều.
Dùng một ít thức ăn xong thì tôi chạy ra bãi biển, nằng nặc nói muốn xem mặt trời lặn. Nhưng không ngờ phương hướng bị sai, thế là tôi mãi đuổi theo ông mặt trời, chạy vòng quanh đảo.
“Không xem được đâu.” Mộ Thừa Hòa cười.
“Vòng qua bên kia đảo chắc chắn sẽ xem được.” Tôi không phục, nhưng cũng không ở lại cãi lý với anh ấy, chỉ sợ vài phút nữa thôi mặt trời sẽ lặn mất. Thế là bỏ dép ra, vừa chạy vừa nói, không thèm quay đầu lại: “Cầm giày giúp em, em đuổi theo.”
Một mình Mộ Thừa Hòa dạo bước thong thả ở phía sau. Đợi đến khi tôi hì hục chạy đến phía tây của ngọn đảo, mới biết được hóa ra những lời Mộ Thừa Hòa nói là đúng. Bên ngoài bãi biển là biển, và đầu bên kia của biển chính là chỗ đất liền mà chúng tôi đã ngồi thuyền đến đây. Mặt trời màu cam vàng đang từ từ chìm xuống núi. Sao tôi lại không nghĩ ra chứ, cả đường biển này đều ở phía đông của đất liền, do đó không thể nào nhìn thấy cảnh mặt trời lặn. Tôi rầu.
Đến khi nhìn thấy Mộ Thừa Hòa từ từ bước thong dong tới, còn mang nụ cười thắng lợi, tôi càng thêm rầu.
Tôi đi trở về, lấy lại dép từ tay anh ấy, đột nhiên cảm thấy mình mới giống như một con chó con, còn anh ấy là chủ nhân vứt đĩa bay. Tôi hì hục chạy đi nhặt đĩa bay, còn anh ấy thì ở phía sau nhìn tôi cười.
“Lần sau chúng ta đến một đảo xa đất liền hơn, chắc lúc đó em sẽ không phải thất vọng nữa.” Mộ Thừa Hòa nói.
Chúng tôi trở về chỗ bán đồ nướng khi nãy.
Bắp nướng ra có màu vàng kim, theo lời thỉnh cầu tha thiết của tôi, người ta đã bôi lên đó rất nhiều ớt. Tôi cắn vào một miếng xong hô lên đã quá.
“Ngon thật! Đó giờ không biết bắp nướng ra lại có thể ngon đến thế.”
Tôi ăn được một lúc, phát hiện Mộ Thừa Hòa cứ nhìn tôi, thế là tôi chỉ chỉ trái bắp: “Có muốn thử không?”
Mộ Thừa Hòa vừa cười vừa xua tay, “Cay đến vậy, sao mà ăn được.”
Sau đó, tôi hí hửng giao hết thức ăn cho Mộ Thừa Hòa bảo quản, một mình chạy ra ngoài đạp nước.
Một ngọn sóng đập vào, đôi dép lê của tôi bị nước cuốn đi, tôi vừa kêu vừa chạy theo sóng, một hồi mới nhặt lại được đôi dép, đặt gọn gàng sang một bên. Lát sau, phát hiện chúng lại rất bi kịch mà bị sóng cuốn đi nữa.
Cứ thế hết mấy lần, tôi cũng chơi đã rồi, bèn chạy trở về ngồi xuống bên cạnh Mộ Thừa Hòa, tiếp tục ăn bắp nướng.
Đến khi tôi chuyển sự chú ý ra biển mới biết rằng, trời đã tối hẳn rồi.
Tận cùng của biển có vài điểm sáng nhấp nhô, trông như một chuỗi dạ minh châu bị thả trôi trên mặt biển vậy.
“Những đốm sáng đó là gì? Thuyền cá?” Tôi hỏi.
“Hình như vậy.”
Gió biển thổi đến, xua tan khí trời mùa hè, mang đến cảm giác tươi mát.
Sóng cứ chảy lăn tăn vào bờ, dần dần tiến đến gần chúng tôi hơn.
“Thủy triều lên rồi.” Tôi nói.
“Ừm.” Anh ấy nói.
“Đang nghĩ gì?” Tôi hỏi.
“Tôi đang nghĩ,” Mộ Thừa Hòa nói: “Nếu như bây giờ có một điếu thuốc, cảm giác chắc sẽ khá lắm.”
“……..”
“Thật không muốn trở về, tối nay em sẽ ngủ ở đây.” Tôi thả người nằm xuống bãi cát, mặc kệ cát có dính vào tóc hay không, có luồn vào quần áo hay không.
Vô vàng ngôi sao đang treo trên bầu trời đêm sâu thẳm.
“Như vậy thoải mái hơn.” Tôi nói.
Anh ấy ngẩng đầu nhìn lên trời, sau đó nghe theo ý kiến của tôi, cùng nằm xuống.
“Em chỉ biết 7 ngôi sao Bắc Đẩu thôi, những ngôi sao khác đều không biết.” Tôi nói.
“Em thuộc chòm sao gì?” Mộ Thừa Hòa hỏi.
“Thiên Yết.”
“Vậy thì may mắn thật, cung Thiên Yết là chòm sao sáng nhất vào mùa hè.”
“Bây giờ có thấy được không?” Tôi hứng khởi.
“Ngôi sao rất sáng kia kìa, đó là một trong những ngôi sao trong cung Thiên Yết.” Mộ Thừa Hòa chỉ tay lên trời.
Dưới ánh mặt trăng, tôi nhìn thấy trên cánh tay của anh ấy có một vết thương, dài khoảng một tấc. Tay áo của anh ấy vừa đủ che lại nên tôi không hề phát hiện ra, cho đến bây giờ khi anh ấy nằm trên bãi cát, chỉ tay lên trời, tay áo tụt xuống, vết sẹo đó mới lộ ra ngoài.
“Á? Cái này bị làm sao vậy?”
“Vết dao.”
“Vết dao?” Tôi đang tiêu hóa hai chữ này.
“Bị người ta chém.” Anh ấy nói.
Tôi trợn to mắt, quay qua nhìn anh ấy, “Không phải chứ?” Sao lại… sao lại như thế được.
“Không gạt em đâu. Lúc còn đi học ở Nga, trong đường hầm ở trạm tàu điện ngầm, có ba bốn đứa trẻ độ mười mấy tuổi cùng tấn công tôi. Khi nhát dao đầu tiên đâm tới, tôi đã đưa tay lên đỡ theo quán tính.”
“Tại sao?”
“Ở Nga, đặc biệt là trong những thành phố lớn luôn có một số đoàn thể, họ thù…..” Anh ấy chần chừ một lúc, hiển nhiên là đang suy nghĩ từ ngữ, “Thù người đến từ nơi khác, do đó họ công kích những người nước ngoài đi một mình ở những nơi vắng vẻ. Tôi ở chung với thầy Trần của các em, hôm đó đúng lúc thầy ấy bị bệnh, nửa đêm tôi đi mua thuốc cho thầy ấy, phải đi ngang qua đó.”
“Vậy sau đó?”
“Cũng may có cảnh sát đi qua, họ liền giải tán.”
“Nguy hiểm vậy sao, nhưng sao em chưa từng nghe thầy nói họ không tốt.” Tôi bất giác lấy ngón trỏ sờ lên vết thương ấy.
“Tôi cũng chưa từng nói họ tốt đến cỡ nào.” Anh ấy cười, “Đối với mọi việc mọi vật, bình luận đều phải đứng ở vị trí khách quan. Hơn nữa, một người không thể oán trách và khinh thường nơi đã mang đến cho mình tri thức và những kinh nghiệm đáng quý.”
Tôi im lặng ngồi căn bắp, chợt nhớ ra một chuyện, liền cho anh ấy xem cù chỏ của mình, “Em cũng có một vết sẹo ở đây.”
Anh ấy nghe vậy, chồm đầu qua xem.
“Lúc còn nhỏ, ba em là công nhân trong xưởng, mẹ sống với em ở dưới quê. Vì muốn tiện việc đưa đón em đến nhà trẻ, mẹ đã mua một chiếc xe đạp. Trước cửa nhà em có một khe nước, rộng cỡ này,” Tôi diễn tả khoảng cách một thước hơn ấy, “Em ngồi ở yên sau. Lần đầu tiên mẹ chở em về nhà thì trời mưa, lúc chạy đến bên khe nước, mẹ nói: ‘Đồng Đồng, mẹ thấy chúng ta không cần xuống xe cũng chạy qua được’. Em chẳng hiểu gì cả, chỉ biết ôm lấy eo của mẹ, gật đầu ngây ngô. Cuối cùng…..”
“Cuối cùng mẹ em chạy qua được thật, nhưng em thì không?” Mộ Thừa Hòa hỏi.
“Đúng vậy đúng vậy. Sao thầy biết thế?” Tôi không nhịn được, ngồi cười khanh khách một mình.
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi với vẻ rất hứng thú. Sáng nay phơi dưới tia tử ngoại, giờ đây sóng mũi và gò má của anh ấy đều đang bắt đầu ửng đỏ. Đột nhiên, tôi phát hiện tư thế của chúng tôi hiện giờ rất mập mờ. Một nam một nữ nằm trên bãi cát, vốn dĩ chính giữa có một khoảng cách, nhưng chúng tôi trò chuyện nhập tâm quá, bất giác đã chụm vào nhau. Tôi hốt hoảng ngồi dậy, để che đậy sự ngượng ngùng, tôi đưa cây bắp nướng cho anh ấy.
“Em chỉ mới ăn có một bên thôi, bên kia chưa ăn, thầy thử đi.”
Ngờ đâu cử động này của tôi đúng lúc làm cho những hạt cát dính trên tay bị gió biển thổi bay vào mặt anh ấy.
“Cát bay vào mắt rồi.” Anh ấy chớp chớp mắt, chắc vẫn cảm thấy khó chịu chăng, anh ấy định dùng tay dụi.
“Đừng dụi! Để em xem.” Tôi vứt trái bắp đi, cúi đầu nhìn mắt của anh ấy.
Nhờ ánh sao sáng, tôi nhìn thấy lông mi của anh ấy bị vướng vài hạt cát, thế là chống tay trên mặt đất, thổi một cái vào mắt của anh ấy, tôi kiểm tra lại, vẫn chưa đi, thế là lại thổi thêm hai cái. Cuối cùng, tôi hài lòng nói: “Xong rồi.”
Lông mi của anh ấy hơi lay động, sau đó, đôi mắt ấy mở ra, dưới màn đêm, nó càng thêm sáng. Ánh mắt của anh ấy lướt qua đôi mắt của tôi, sóng mũi của tôi, cuối cùng lưu luyến trên bờ môi của tôi, không chịu rời khỏi.
Tôi chợt có một dự cảm bất an, “Sao vậy? Có phải lại không nghe thấy em……”
Đột nhiên, tay của anh ấy để ra sau ót tôi, kéo tôi đến gần mặt anh ấy. Cử động đột ngột này cướp mất nửa câu nói còn lại của tôi. Tôi kinh ngạc, chỉ đành nằm trên lồng ngực của anh ấy, tóc bên mang tai cũng xõa xuống. Anh ấy hơi ngưỡng đầu lên, hôn tôi. Lần đầu tiên giống như là dò thám, anh ấy chỉ chạm nhẹ lên môi tôi một cách cẩn thận. Tôi phản ứng không kịp, miệng mở ra, tròn xoe mắt, bộ máy trong đầu giống như đầu đĩa bị bấm ngưng, phút chốc chết hình. Đừng nói là suy nghĩ, ngay cả nhịp tim cũng đã tiêu biến.
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi sâu sắc, trong mắt có làn sóng gợn, tiếp đó, từ từ, anh ấy nghiêng mặt qua, lại hôn một lần nữa. Âm thanh cuối cùng lưu lại trong đầu tôi là lời nói của anh ấy.
“Em có thể nhắm mắt lại.”
Giây phút ấy, gió biển lướt qua người, ánh sao đêm rực rỡ.
Đi tới trước cửa nhà, tôi đột nhiên nhớ ra một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, lập tức quay ra sau nhìn Mộ Thừa Hòa.
“Còn có việc khác?”
“Em….” Tôi muốn nói, thầy ơi, em thay đổi ý định rồi. Nhưng, còn kịp không? “Chờ em một phút.”
Nói xong tôi bỏ lại anh ấy ở ngoài cửa, tự mình chạy vào trong, dùng tốc độ của siêu nhân dọn hết quần áo ngủ, áo ngực, đồ sạc pin trên sopha, sau đó là sữa rửa mặt, tạp chí, thức ăn vặt trên bàn, mang hết vào phòng ngủ, rồi mới ra mở cửa mời anh ấy vào.
Mộ Thừa Hòa nhìn quanh một vòng, rồi cười cười mà nói: “Cũng không tệ, sạch sẽ hơn trong tưởng tượng.”
Mặt của tôi tối sầm lại, tôi dám cá chắc chắn hắn đang cười thầm trong lòng.
Và cuối cùng là, hắn thì ngồi trên sopha thổi máy lạnh xem tivi, còn tôi thì vùi đầu trong bếp nấu nướng. Tôi vừa vo gạo vừa nhìn Mộ Thừa Hòa đang ngồi ngoài phòng khách bằng ánh mắt ai oán, trong lòng chỉ có một cảm giác – Hối hận! Hối hận vì sao hắn mời tôi ăn tôi không đi, còn tự mình đề nghị sẽ làm cho hắn ăn?
Trên bàn ăn là chai Vodka do hắn mang đến, nhìn nó mà tôi chỉ có thể nuốt nước dãi.
Một lúc sau, chính ngay khi tôi đang làm khoai tây chiên thì nghe thấy hắn hỏi: “Có cần giúp đỡ không?”
“Không cần, còn một món cánh gà chiên nữa là xong rồi.”
“Nhiều món vậy à.” Hắn nhìn nhìn, “Không ngờ em biết nấu ăn thật.”
“Trước đây mẹ đi làm, ba thì lái xe, một ngày ba bữa đều do em tự nấu hết, các món ăn bình dân thế này không làm khó được em đâu, nhưng nếu là món phức tạp hơn thì em chịu thua.”
Mộ Thừa Hòa đi luôn vào bếp, hỏi tôi: “Có rượu đỏ không?”
“Có chứ. Để làm gì?”
“Món tiếp theo, để tôi làm cho em ăn.”
Nói xong anh ấy liền lấy chiếc tạp dề hình hoa hướng dương treo trên tường xuống mặc vào người, rồi rửa tay, rửa cánh gà, để cho ráo nước, sau đó quay lại hỏi tôi: “Có bơ không?”
Tôi còn đang thẫn thờ trước một loạt những hành động đó, thật sự không mấy quen, vì vậy mà phải đến một lúc lâu sau tôi mới trả lời: “Không có.”
“Sữa bò cũng được.”
“Sữa bò có!”
“Tương cà?”
“Có.”
Chuẩn bị xong mọi thứ thì tôi đứng ở một bên nhìn anh ấy dùng các nguyên liệu đó ướp cánh gà.
“Thầy định làm món gì?”
“Cánh gà hầm rượu đỏ.”
“Cánh gà cũng có thể làm chung với sữa bò và rượu đỏ sao?”
“Cách làm của Nga.” Tiếp đó, anh ấy bổ sung thêm một câu: “Tôi thấy thông thường trẻ con đều thích ăn món này.”
“………”
“Em có một người bạn, nó có đứa con, năm nay cũng đã 3 tuổi rồi.” Tôi nói.
“Hở….” Anh ấy hơi khựng lại, “Bao nhiêu?”
“Ba tuổi.” Tôi giơ ngón tay ra trước mặt anh ấy, “Là bạn học thời phổ thông, thi tốt nghiệp xong là bạn ấy về quê đổi hộ khẩu rồi kết hôn luôn. Trong kỳ nghỉ đông năm hai tụi em có một buổi họp lớp, bạn ấy dắt con trai theo, bảo nó gọi tụi em là dì, thiệt tình, làm tụi em hết hồn.”
Mộ Thừa Hòa cười một cái, không nói gì, chỉ mở bếp lò lên.
“Chắc chắn là thầy cũng từng gặp phải chuyện như thế.” Tôi nói.
“Bạn học lúc trước đều lớn hơn tôi.” Anh ấy nói, “Bây giờ đa phần đều đã sinh con đẻ cái rồi.”
“Phải chăng trong số đó cũng có những bạn học nữ khiến thầy phải tiêu hao tinh thần?” Tôi hỏi với vẻ mặt xảo huyệt.
“Một, hai người.” Thật không ngờ lại dám thành thật trả lời!
“Hả?” Tôi kinh ngạc, “Có thật sao?”
“Nhưng người ta không để ý tôi, lúc ấy tôi nhỏ hơn họ đến mấy tuổi.”
“Ồ.” Tôi gật đầu đầy ý vị, đúc kết ra rằng, “Hóa ra thầy thích người lớn tuổi hơn mình.”
Mộ Thừa Hòa mỉm cười lắc đầu, nhìn như là mất công mở miệng biện cãi nhiều với tôi vậy.
Công tắc nồi cơm điện bật lên, tôi rút dây ra, xới cơm, sau đó ra ngoài bày sẵn chén đũa.
Đúng lúc này, Lưu Khải gọi đến.
“Ăn chưa?” Lưu Khải hỏi.
“Chuẩn bị ăn.”
“Hỏi thăm thầy Mộ thay anh.”
“Ừm.”
Không hiểu tại sao, tôi đã giấu không nói cho cậu ấy biết tôi và Mộ Thừa Hòa đang nấu ăn ở nhà.
Mộ Thừa Hòa bưng đĩa cánh gà hầm rượu ra đặt lên bàn, sau đó trở về nhà bếp cởi tạp dề. Cánh gà đó trông đỏ đỏ, rất thơm. Thế là, tôi thừa cơ định bóc một miếng lên ăn, ngờ đâu nóng quá, liền vội vàng rút tay lại rồi nhanh chóng để vào miệng nút.
Ngọt lắm! Rất khiêu khích!
Đợi anh ấy ngồi vào bàn, tôi hỏi: “Có muốn uống rượu không?”
“Em có thể uống một chút, tôi không uống.”
Tôi cười hì hì, liền chạy đi lấy ly. Vừa vào bếp thì điện thoại reo lên, thế là lại quay trở ra nghe điện thoại.
“Alô?” Tôi nói.
“Đồng Đồng.” Là mẹ tôi.
“Mẹ.”
“Con đang ở đâu?”
“Ở nhà.”
“Đồng Đồng, Trần Nghiên chết rồi.”
Tôi sững cả người, hỏi lại: “Trần Nghiên? Không thể nào!”
Chỉ nghe trong đầu đùng lên một tiếng.
“Sao lại như thế được? Mấy hôm trước bạn ấy còn nhắn tin cho con. Chẳng phải sáng nay mẹ cũng nói về bạn ấy sao?”
“Tối hôm qua đã phát hiện nó mất tích, lúc nãy đã tìm lại được, nó…..” Mẹ không nói tiếp nữa, thay vào đó là: “Nếu con có thời gian thì qua đây một chuyến đi.”
Tôi gác máy mà trong lòng không suy nghĩ được gì, chỉ quay lại nhìn Mộ Thừa Hòa, và rồi tôi vừa giải thích mọi chuyện vừa tìm chứng minh thư, lấy đồ sạc pin, thu dọn quần áo. Mộ Thừa Hòa đặt đũa xuống, ngồi trên ghế, lặng lẽ nhìn tôi bận rộn. Cuối cùng, chỉ nói một câu: “Tôi đi với em.”
Đến khi chúng tôi cùng ngồi lên xe khách đến thành B thì đã là 4 giờ chiều. Vé của chúng tôi là 17, 18, nhưng không ngờ hai chỗ ngồi lại không kề nhau. Mộ Thừa Hòa đến nói vài lời với người phụ nữ lớn tuổi, và dễ dàng xin đổi được chỗ ngồi.
Người phụ nữ ấy nhìn tôi rồi lại nhìn Mộ Thừa Hòa, cười cười nói: “Hai cháu là bạn học à, nghỉ hè rồi nên cùng về nhà phải không?”
Tâm trạng của tôi không tốt nên không đáp lời. Mộ Thừa Hòa thì chỉ cười, không khẳng định cũng không phủ nhận. Tôi phát hiện rằng khi không muốn nói chuyện với đối phương, anh ấy chỉ cần cười với người đó một cái là được, quả thật là một phương pháp hay.
Vừa chạy vào đường cao tốc, tài xế bắt đầu mở phim lên. Hai chúng tôi đều không đọc tạp chí trên xe, chỗ ngồi lại cách tivi quá xa, thế nên chỉ còn cách nhìn ra cảnh vật đang vút nhanh bên ngoài cửa sổ. Tôi im lặng, anh ấy cũng im lặng.
Xe vòng qua đường cao tốc, chạy qua cầu vượt, cảnh vật chuyển sang hướng khác. Ánh mặt trời chói chang rọi vào cửa sổ bên phía chúng tôi làm tôi không thể không kéo rèm cửa lại.
Ngồi yên một chỗ khiến tôi cảm thấy khó chịu, tôi tựa đầu vào tấm kính cửa sổ, xe vẫn đang chạy, lâu lâu lại bị xóc một cái. Dưới sự dao động “nhịp nhàng” như thế, tôi bất giác đi vào giấc ngủ. Mơ mơ hồ hồ, giấc ngủ cũng không yên lành, chỉ cảm thấy có người đã tắt máy lạnh trên đỉnh đầu của tôi, còn khẽ đặt đầu tôi lên bờ vai của người đó.
Tôi mở mắt ra, phát hiện đây không phải là giấc mộng, tôi đích thật đang dựa trên người của Mộ Thừa Hòa. Anh ấy rất gầy, bờ vai không có thớ thịt thừa nào, tựa trên đó cũng không mấy êm ái. Nhưng rồi sau khi do dự một lúc, tôi vẫn quyết định duy trì tư thế này.
Anh ấy không động đậy. Tôi cũng không dám nhúc nhích.
Tôi sợ. Nếu để phát ra bất kỳ một động tĩnh nhỏ nào thì sẽ làm anh ấy phát hiện tôi đã tỉnh.
Không biết xe đã lại chạy được bao nhiêu cây số, tôi không nhìn được màn hình, chỉ có thể nghe nội dung của phim, chỉ biết, nam chính trong lần tỏ tình đầu tiên đã bị nữ chính từ chối.
Cổ của tôi mỏi quá, cuối cùng cũng không giữ được tư thế ấy nữa, rời khỏi bờ vai của Mộ Thừa Hòa, tôi mới phát hiện thật ra anh ấy đã ngủ rồi. Anh ấy ngã đầu ra phía sau, mím chặt bờ môi, dường như vì muốn để tôi có thể ngủ thoải mái trên bờ vai của mình, anh ấy đã ngồi rất thấp. Tay phải cầm điện thoại, tay trái đặt trên chân, năm ngón nắm chặt, lòng bàn tay để ngửa lên trên.
Thỉnh thoảng xe lại bị xóc, mỗi xóc một cái, bàn tay trên đầu gối của anh ấy sẽ lại tụt xuống một chút. Nó từ từ tụt xuống, đến cuối cùng khi nó rơi hẳn xuống ghế là vừa đúng chạm vào tay tôi.
Tôi thừa nhận, lúc nãy tôi đã cố ý để tay của mình ở chính giữa hai người, ngồi ôm cây đợi thỏ chờ nó rơi xuống tay tôi. Nhưng đến khi hai tay đã chạm vào nhau, tôi lại giật bắn người lên, hoang mang rút tay lại. Trong buồng xe máy lạnh, tay của anh ấy có hơi mát, trái lại tay tôi lại nóng hổi.
Tôi không khỏi ngồi tự mắng nhiếc mình, đã hẹn hò với Lưu Khải rồi lại còn ôm mộng tưởng với Mộ Thừa Hòa. Nghĩ vậy, tôi lấy điện thoại ra nhắn tin cho Lưu Khải, nói với cậu ấy tôi có việc phải đến chỗ mẹ tôi một chuyến.
Không biết có phải vì cử động của tôi đã làm Mộ Thừa Hòa thức giấc hay không. Anh ấy nhìn vào đồng hồ đeo tay rồi rất tự nhiên mà thu bàn tay vừa chạm vào tay tôi lúc nãy trở về đầu gối.
Mấy phút sau, Lưu Khải trả lời tin nhắn cho tôi.
“Việc gấp gì?”
“Con gái của đồng nghiệp của mẹ em vừa qua đời, em qua đó.”
“Vậy em nhớ cẩn thận.”
Nhìn dòng chữ ấy một lúc, tôi ấn nút trở về. Tôi không biết người khác hẹn hò có giống như hai chúng tôi hay không. Ban đầu chấp nhận Lưu Khải là vì tôi ích kỷ, tôi muốn mượn cậu ấy để quên đi Mộ Thừa Hòa, sau đó Lưu Khải đối xử tốt với tôi, tôi cũng an tâm mà qua lại với cậu ấy, thậm chí công khai quan hệ của chúng tôi. Khi ở bên cậu ấy, tôi rất an tâm, tôi cảm thấy cậu ấy tốt với mình thì mình nên chấp nhận. Đồng thời cũng cho rằng những tình yêu cảm động trời đất ở trong sách, ở trên phim chỉ là những thủ đoạn nghệ thuật để lấy nước mắt và tiền tài của người xem, tình yêu trong hiện thực là phải như tôi và Lưu Khải vậy: bình dị, có thời gian thì cùng ăn cơm dạo phố, khi bận rộn thì mạnh ai nấy làm việc của mình, mấy ngày không gặp nhau cũng không nhớ nhung hay cảm thấy trong lòng trống trải.
Tôi thậm chí còn cảm thấy thiện cảm mà tôi đối với Mộ Thừa Hòa chỉ là sự si mê và theo đuổi ngây ngô của thời niên thiếu, đợi khi có Lưu Khải rồi, tôi chắc chắn sẽ quên anh ấy. Nhưng, lúc nãy, trong giây phút chạm phải tay của Mộ Thừa Hòa, tôi cảm tưởng như mình bị con rắn độc cắn một cái thật đau, và …. không biết phải làm thế nào.
“Thầy Mộ.” Tôi gọi nhỏ, thế nhưng người đàn ông cầm báo đang đứng giữa đường đi ở dãy ngồi trước vẫn đã nghe thấy lời xưng hô này, ông ấy quay lại nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò.
“Hmm?” Mộ Thừa Hòa đáp.
“Hình như đã đi được hơn nửa đường rồi.” Tôi vội thay đổi cách nói chuyện. Thật ra thì tôi muốn hỏi, lỡ như đến đó rồi, tôi phải giới thiệu với mẹ tôi như thế nào, nói thầy là thầy của tôi, hay là bạn của tôi? Song ánh mắt của người đó đã làm tôi nhất thời không biết phải mở lời ra sao.
“Chắc khoảng 8 giờ sẽ đến nơi.” Anh ấy nhận ra được gì đó nên bổ sung thêm, “Đợi khi đưa em đến đó, tôi sẽ về thành A.”
“Thầy Mộ…..” Tôi lại gọi.
Anh ấy quay sang nhìn tôi.
“Cám ơn thầy.” Tôi nói.
Ngay cả Lưu Khải cũng không nghĩ đến việc phải đến đây với tôi, vậy mà anh ấy lại không một chút do dự.
Mộ Thừa Hòa cười, “Mỗi lần em nói cám ơn, nét mặt đều rất nghiêm túc.”
“Hả?” Tôi bồn chồn, “Lúc nào?”
“Lần trước khi ở Starbucks cũng thế.”
Nhớ lại lần đó mình vừa khóc vừa đi trên phố, tôi hơi ngượng, liền hỏi ngược lại: “Có sao? Với lại, thầy là thầy, em là học sinh của thầy, đương nhiên không thể đùa cợt trước mặt thầy rồi.”
Và rồi tôi im lặng, không nói tiếp nữa, bởi vì tôi phát hiện đôi đồng tử của anh ấy hơi lạ. Chân mày của anh ấy nhíu lại, ánh mắt nhìn vào môi của tôi, sau đó lại dời đi, cảm giác đó… giống như đột nhiên cảm thấy không vui vậy.
“Có phải em đã nói sai điều gì không?” Tôi hỏi.
Anh ấy nhìn vào mắt của tôi, có hơi mơ màng, rồi nhìn vào bờ môi tôi.
“Em thật sự đã nói sai điều gì rồi sao?” Tôi lại hỏi.
Hình như Mộ Thừa Hòa đã hiểu rồi, anh ấy lắc đầu, còn mỉm cười với tôi, sau đó quay đầu sang hướng khác, đầu vẫn tựa ra sau ghế, anh ấy nhắm mắt lại, im lặng không nói thêm gì.
Tôi phát hiện trên trán anh ấy đẫm một lớp mồ hôi, tôi lo lắng vô cùng: “Có phải cảm thấy không khỏe không? Say xe?”
Anh ấy không đáp trả tôi.
Tôi chợt nhớ ra giao thừa năm ngoái, đêm đó, anh ấy cũng như thế, giống như đột nhiên phản ứng chậm chạp hơn ngày thường, lời nói cũng phải lặp lại hai ba lần mới nghe hiểu, hoàn toàn không giống với Mộ Thừa Hòa của mọi ngày. Một cảm giác không hay ùn đến. Tôi nhìn đăm đăm vào anh ấy, chỉ sợ anh ấy có chỗ nào không khỏe.
Không bao lâu thì xe giảm dần tốc độ, cuối cùng dừng hẳn. Tài xế đi hỏi thăm về mới biết phía trước xảy ra tai nạn giao thông, hiện giờ chỉ cho chạy một chiều. Xe dừng lại, tài xế cũng tắt luôn động cơ, lát sau còn tắt cả máy lạnh. Không đến một phút, nhiệt độ trong xe bắt đầu tăng lên. Hành khách than phiền, tài xế liền nói lại trong bực dọc: “Chúng tôi dùng bao nhiêu xăng dầu là do công ty quy định, bây giờ lại không biết phải kẹt đến bao giờ, chỉ còn cách tiết kiệm thôi. Cùng lắm tôi mở một lúc, tắt một lúc.”
Nhưng dẫu cho có như thế đi nữa thì vẫn rất nóng.
Mộ Thừa Hòa không hề động đậy, đôi mắt nhắm lại, chân mày chụm vào nhau. Tôi nhớ anh ấy rất sợ nóng, để hòng anh ấy nóng lên càng cảm thấy khó chịu hơn, tôi liền lấy từ trong giỏ xách ra quyển nhật ký, xé ra vài trang giấy ngồi xếp thành cây quạt.
Cuối cùng anh ấy cũng chịu mở mắt ra nhìn tôi, nhưng lại chỉ nói bốn chữ: “Tiết Đồng, không cần.”
Tôi nói: “Không sao đâu, dù gì em cũng rãnh.”
Anh ấy nhắm mắt lại, không một chút cảm xúc.
Nhìn nét mặt ấy, tôi nhớ lại lúc nhỏ, khi ba vẫn còn sống, khi ấy chúng tôi vẫn còn sống ở khu nhà cũ, mỗi lần khiêng bình ga về ba đều phải leo lên đến lầu 8. Ba rất béo tròn, lại dễ đổ mồ hôi, leo chưa được hai tầng thì đã phải bỏ bình ga xuống nghỉ mệt, mồ hôi ướt đẫm cả tấm lưng. Tôi thì chạy theo ở phía sau, cầm cây quạt nhỏ nhón chân lên quạt cho ba. Thật ra thì ít gió mọn đó cũng chẳng có tác dụng gì, nhưng ba thì luôn rất vui vẻ mà nói: “Đồng Đồng đúng là bảo bối ngoan của ba.” Những lúc trời nóng, lại gặp cúp điện, ba sẽ cầm quạt giấy nằm bên cạnh quạt cho tôi, trong khi bản thân ba lại mồ hôi nhễ nhại. Song thông thường trong những trường hợp đó, ba luôn luôn ngáy ngủ trước cả tôi.
Nhớ lại chuyện xưa, lại nghĩ về sự ra đi đột ngột của Trần Nghiên, và căn bệnh của Mộ Thừa Hòa, tôi không khỏi thương cảm bội phần, trong lòng lại càng thêm khó chịu. Tốc độ quạt càng ngày càng chậm, cổ tay hơi mỏi, tôi đổi sang tay kia, kiên trì không được bao lâu, lại tiếp tục chậm lại.
Chính trong lúc tôi định đổi tay thêm lần nữa, bàn tay của anh ấy đã giơ ra, ngón tay chạm vào cánh tay của tôi trước, sau đó từ từ dời xuống, đến cổ tay, cuối cùng là nắm lấy bàn tay của tôi. Tay anh ấy nắm chặt tay tôi, trực tiếp dùng hạnh động ngăn chặn tôi.
(2)
Tay tôi đang cầm cây quạt giấy, và anh ấy, thì đang nắm lấy tôi. Không phải kiểu mười ngón đan vào nhau nhưng những người đang yêu, mà là tay anh ấy phủ lấy tay tôi từ bên ngoài, đặt nó lên chân mình. Cây quạt giấy nằm trong tay đã nhăn đến không còn là cây quạt ban đầu nữa. Tôi biết, anh ấy cảm thấy tôi không nghe lời, nên đã dùng hành động để làm tôi không thể tiếp tục cử động.
“Nếu thầy cảm thấy em phiền thì em không quạt nữa, được chưa?” Tôi nói. Anh ấy thì như chẳng nghe thấy, vẫn không buông tay.
Trời đã dần tối. Màn hình trên kia đã chuyển sang một bộ phim khác.
Ruộng đồng ở đằng xa đã dần bị màn đêm che lấp, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy ánh đèn của một hai căn nhà trên đỉnh núi. Còn phía trước, đèn pha của xe tụ lại vào nhau, hợp thành một dãy đèn lồng màu cam pha lẫn màu đỏ.
Lòng bàn tay của anh ấy ươn ướt, nóng hổi. Tôi nghĩ, có lẽ anh ấy không phải là không thấy nóng, có lẽ anh ấy không phải cảm thấy tôi phiền, mà chỉ sợ tôi làm như vậy sẽ mệt. Cũng giống như ba tôi năm xưa, ba thường hỏi: Con dùng nhiều sức để quạt cho ba như vậy, tay của con không mỏi sao? Và rồi, tôi không động đậy nữa, không giải thích, cũng không giằng co, tôi cam tâm tình nguyện, nghe theo anh ấy.
Đúng lúc này, xe cũng bắt đầu chuyển từ trạng thái đứng yên thành chuyển động từ từ.
Động cơ được khởi động, đèn trong xe cũng cùng lúc sáng lên.
Cạnh chỗ ngồi của Mộ Thừa Hòa là đường đi, bên kia đường đi là hai hành khách nam, bên kia nữa là kính cửa sổ. Cửa kính lúc này trông như một tấm gương, từ trong đó, tôi có thể nhìn thấy nửa gương mặt của Mộ Thừa Hòa, và cả tôi. Chàng trai trong gương đang nhíu chặt chân mày, nắm lấy bàn tay của cô gái một cách…. hơi cố chấp. Và cô gái ấy, trông như bình tĩnh, kỳ thực lại đang ngượng ngùng, sợ sệt, và….. e thẹn. Đột nhiên nhìn thấy con người thật của mình, tôi hoang mang chẳng biết làm gì.
Tôi lập tức dời mắt đi, không dám nhìn thẳng, ngờ đâu quay trở về đây lại nhìn thấy cửa sổ bên mình, vẫn là một tấm gương, còn là gần ngay trước mắt, và rõ ràng hơn lúc nãy. Tôi cắn môi, lấy hết dũng khí nhìn thẳng vào trong đó.
Ánh mắt nhìn xuyên qua mình, dừng lại ở Mộ Thừa Hòa, sau đó, tôi dùng bàn tay còn lại lấy điện thoại ra, viết một tin nhắn cho Lưu Khải:
“Chúng ta chia tay đi.”
Nhập số điện thoại xong, tôi im lặng nhìn những chữ ấy rất lâu, ngón tay cái cứ mãi chần chừ ở nút “xác nhận”, cuối cùng tôi thở dài, lưu nó vào bản nháp.
Xe đã trở về vận tốc bình thường, nhiệt độ hạ xuống, tài xế tắt đèn xe đi.
Tất cả chúng tôi lập tức rơi vào bóng tối, luồng sáng duy nhất lúc này là màn hình tivi ở phía trước. Và trong xe, bắt đầu chớp nhoáng những tia sáng của ánh sáng trong phim.
Tôi bất chợt cảm thấy, hoặc giả chỉ trong một khung cảnh thiếu ánh sáng như thế này, tôi mới có thể che đậy con tim ích kỷ của mình lại. Nghĩ vậy, tôi bất giác ngã hết người ra đằng sau, thấy nản lòng, cùng lúc ấy, tay tôi cũng động đậy một cái. Cử động của tôi rất nhẹ thôi, nhưng vẫn đã làm anh ấy giật mình. Anh ấy hơi tỉnh lại, buông tay tôi ra.
Tôi thu tay mình lại rồi hỏi: “Có khỏe hơn chưa?”
Anh ấy mở mắt, gật đầu, xem ra đã đỡ hơn thật rồi.
Tôi lại hỏi: “Có muốn ăn gì không?” Hai chúng tôi đều không ăn trưa thì đã ra bến xe, thậm chí bữa tối cũng chỉ có thể giải quyết ở trên xe, do đó trước lúc lên xe anh ấy đã mua rất nhiều thức ăn.
Anh ấy nói: “Không cần đâu.”
Tôi nghiêng đầu nhìn anh ấy, khẽ hỏi: “Thầy bị bệnh gì? Có thể nói cho em biết không?”
Anh ấy quay sang nhìn tôi, sau đó điềm nhiên nói: “Có lúc sẽ tự nhiên bị ù tai, rồi không nghe thấy gì cả, rồi chóng mặt.”
Tôi kinh ngạc: “Tại sao?”
“Là một căn bệnh trong màng nhĩ, hội chứng Meniere.”
“Bắt đầu bị từ khi nào? Năm ngoái?” Tôi nói, “Hay năm trước nữa?”
“Lúc mới mấy tuổi thì đã bị. Có còn nhớ tôi từng kể với em, khi còn nhỏ tôi thường chơi ở hồ hoa sen bên thư viện, có một lần bị rơi xuống hồ không? Đó là lần phát bệnh đầu tiên.”
Tôi nhìn chăm chăm vào mắt anh ấy.
Anh ấy cười, nói như muốn an ủi tôi: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất ổn, bệnh nhẹ thôi, cũng không có gì phải lo lắng, chỉ có một điều hơi tiếc là rất nhiều sở thích đều bị bác sĩ ban lệnh cấm.”
“Sở thích gì?”
“Lặn và chạy xe. Sau này khó khăn lắm bác sĩ mới đồng ý cho tôi chạy xe trong thành phố, và chạy với tốc độ chậm.”
“Em chưa từng đi lặn, bơi em cũng không biết, em là con vịt khô mà người ta thường nói.”
“Lặn và bơi không liên quan gì nhau, lần sau có cơ hội sẽ dạy em.”
“Không phải mới nói là bác sĩ không cho sao?”
“Chúng ta chơi lén, họ không biết đâu.”
Một lúc sau, tôi hỏi: “Chắc chắn sẽ chữa trị khỏi mà, đúng không?”
“Chóng mặt thì không nặng lắm, tôi thuộc dạng bị nặng về phía thính giác.”
“Vậy là sẽ…..” Tôi không biết phải nói sao, trong đầu không ngừng tìm kiếm từ ngữ, chỉ tiếc là đến cuối cùng cũng đành chịu thua.
Song Mộ Thừa Hòa đã hiểu ý của tôi, anh ấy nói: “Không cần lo lắng, không phải là bệnh gì rất nặng, rất dễ chữa khỏi, tôi từng thấy bệnh nhân nghiêm trọng nhất, đến lúc già cũng chỉ bị điếc thôi.” Anh ấy nhìn sang hướng khác, nói trong bình thản: “Nhưng, bất kể là hiện giờ hay là khi già yếu, thính giác đối với tôi mà nói cũng không phải là quá quan trọng, tôi không phải nhà soạn nhạc hay diễn viên, ca sĩ, cho dù không nhìn thấy gì, tôi vẫn có thể tiếp tục làm những việc mà mình muốn làm, do vậy, đây không phải là đả kích chí mạng gì đối với tôi.”
Nói xong, anh ấy quay trở lại nhìn tôi, nở một nụ cười.
Lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác không rõ là gì, đặc biệt là sau khi nhìn thấy nụ cười đó của Mộ Thừa Hòa. Anh ấy không phải loại người gượng cười để làm vui lòng người khác, cũng không phải cố tình làm ra vẻ kiên cường, đó là… một sự bình thản, hiểu sự chân thực. Nụ cười nở ra trên khóe môi luôn hàm chứa ý cười của anh ấy, sau đó thấm đượm cả một đôi mắt, đôi chân mày, nhẹ nhàng, chân thành, nhưng lại khiến người ta tự nhiên cảm thấy đau lòng. Phảng phất như, tim đã bị rúc nhỏ lại trong giây phút ấy. Lần thứ hai trong đời, tôi muốn ôm chặt anh ấy vào lòng.
Đột nhiên, điện thoại reo lên.
“Đồng Đồng, con đến đâu rồi?” Mẹ hỏi.
“Lúc nãy bị kẹt xe, chắc là sắp ra khỏi đường cao tốc rồi.”
“Mẹ có cuộc họp khẩn, con đến nhà bác Trần trước, bác ấy đang ở nhà một mình.”
“Dạ.”
“Tiểu Lý sẽ đến đón con, nhưng có lẽ sẽ trễ một chút, con nhớ phải cẩn thận, xuống xe thì đến phòng chờ, chỗ đó bảo vệ.”
“Không sao, con không sợ, có người đi cùng với con.”
“Ai?”
“Bạn con.” Tôi nói.
Câu trả lời của tôi khiến mẹ có hơi khựng lại, sau đó mới nói: “Vậy cũng tốt.”
Không ngờ Tiểu Lý còn đến sớm hơn chúng tôi. Anh ấy tinh mắt, tôi vừa xuống xe thì anh ấy đã trông thấy tôi.
“Bạn em à?” Tiểu Lý nhìn thấy Mộ Thừa Hòa đi cạnh tôi.
Mộ Thừa Hòa chủ động bắt tay với anh ấy, “Tôi tên Mộ Thừa Hòa.”
“Tôi là Lý Bỉnh, mọi người đều gọi tôi là Tiểu Lý.”
“Tiết Đồng đưa tới tay anh rồi, xem như nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vẫn còn có thể đi chuyến xe cuối cùng trở về.”
“Sao? Muộn như vậy mà còn về sao?” Tiểu Lý vừa nói vừa nhìn tôi.
Tôi không ngờ anh ấy về thật, bèn nóng ruột nói: “Đã hai bữa rồi không ăn gì, hay là ngày mai mới về đi.” Lúc nãy khi nhắc với mẹ về anh ấy thì tôi đã quyết định sẽ không để anh ấy đi xe về thành A một mình.
Không biết là Tiểu Lý đã nhanh chóng hiểu ra ý của tôi hay là đã hiểu lầm quan hệ giữa tôi và Mộ Thừa Hòa, tóm lại anh ấy hoàn toàn đứng về phe bên tôi, “Nếu giám quan Đồng mà biết tôi để anh trở về như vậy chắc chắn sẽ không tha cho tôi. Anh Mộ à, dù gì cũng chờ qua luôn tối nay đã rồi về.” Nói xong thì liền kéo tay Mộ Thừa Hòa đi ra xe.
Cũng may Mộ Thừa Hòa không phải loại người cố chấp, anh ấy đồng ý, và ngồi chung với tôi ở dãy ghế sau.
Chúng tôi không đến nhà của bác Trần, Tiểu Lý nói bà ngoại của Trần Nghiên nghe tin xong thì bệnh tim tái phát hiện giờ đã vào bệnh viện, bác Trần cũng đã vào đó.
“Vậy….. chúng ta đi thăm Trần Nghiên.”
Tiểu Lý nhìn tôi qua kính chiếu hậu, nói: “Được.”
“Thật ra đã xảy ra chuyện gì?”
Ánh mắt của Tiểu Lý lập tức ảm đảm, khác hẳn tính tình ngày thường, anh nói trong nghẹn ngào: “Trần Nghiên…. tối qua suốt đêm không về nhà, trước đây chưa từng xảy ra chuyện như thế, điện thoại lại không ai bắt máy, sau đó mọi người cùng phân tán ra tìm kiếm, đến sáng hôm nay cũng không có kết quả gì. Sau đó, có người phát hiện thấy kẹp tóc của Trần Nghiên rơi ở góc rẽ lầu 1 trong khu nhà của chính ủy, và….” Anh ấy hơi dừng lại, “Đến buổi trưa, mọi người tìm thấy….. thi thể của Trần Nghiên ở…. trong rãnh cống ở phía sau bãi đậu xe của khu chung cư nhỏ, còn bị người ta…..” Anh ấy không nói tiếp nữa.
Khi đến nơi, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều phóng viên và cảnh sát.
Có người nói: “Có lẽ hung thủ đã theo dõi người bị hại về nhà, chụp thuốc mê ở gần cầu thang. Bãi đậu xe là hiện trường vụ án.”
“Cưỡng hiếp trước, rồi mới giết. Vết cắt ở động mạch trên cổ là vết thương chí mạng.”
“Sau đó hung thủ kéo người bị hại đến rãnh cống cách chỗ này mấy chục mét, lấy lá cây đậy lại.”
Tôi nóng lòng gạt đi nhóm người bao vây, theo sau Tiểu Lý đến phòng đặt tử thi. Tiểu Lý vào đó trước, rồi quay lại nhìn tôi. Tôi đứng ngoài cửa, nhìn người đang nằm trên giường.
Cơ thể được che bởi một tấm vải trắng. Ngón chân bên phải bị lộ ra ngoài, ngón tay cái sơn màu xanh lam. Màu sơn móng tay này tôi cũng có dùng qua, chúng tôi đã cùng đi mua, lúc ấy tôi chọn màu hồng phấn, Trần Nghiên chọn màu lam bảo thạch.
Tôi tiến gần đến Trần Nghiên, đứng yên, mở một góc vải lên, nhìn thấy gương mặt của nó. Nước da ẩn lên màu tím xanh, không ghê rợn như những người ngoài kia miêu tả, nét mặt rất khoan thai, một bên gò má bị xây xát.
Ban đầu khi nghe lời họ nói, bất kể là mẹ, hay là Tiểu Lý, thậm chí là cảnh sát ở ngoài kia, tôi cũng cảm thấy không mấy thương tâm, vì tận sâu đáy lòng tôi vẫn chưa tin đây là sự thật…. cho đến bây giờ, khi nhìn thấy gương mặt dưới mảnh vải trắng này. Tôi chợt cảm thấy bao tử của mình bắt đầu co thắt, một dòng máu nóng sùng sục đang sôi lên, chớp mắt đã lên đến cổ họng, tôi bụm miệng lại, phóng nhanh ra ngoài góc tường nôn mửa.
Nhưng căn bản là trong bao tử chẳng có gì cả, ngoài dịch vị ra thì chẳng ói ra được gì nữa.
Tôi không phải một người nhát gan, thi thể của ba cũng là do tôi đến phòng đặt tử thi nhận lại, không ngờ bao nhiêu năm sau, hai hình bóng trong não của tôi lại trùng điệp vào nhau.
Ban đầu là ba, sau đó là Trần Nghiên.
Ba nói: “Đồng Đồng, con là bảo bối của ba.”
Trần Nghiên nói: “Sống một mình sướng biết chừng nào, không lo âu phiền muộn, huống chi mình còn có những ước mơ khác.”
Sau đó, tôi bắt đầu thổn thức. Một hồi sau, tôi lại ói, mãi cho đến khi có người đến kéo tôi dậy, một lần nữa gạt khỏi dòng người, đưa tôi ra ngoài.
Người đó nâng mặt tôi lên, không ngừng lấy tay lau nước mắt cho tôi, người đó nói: “Tiết Đồng, đừng khóc nữa đừng khóc nữa, đừng khóc.”
Ngón tay ướt hết, người đó thay bằng mu bàn tay, mu bàn tay ướt lại đổi sang lòng bàn tay. Tôi chưa từng nhìn thấy anh ấy khờ khạo và vụng về như thế.
Anh ấy có thể lập tức cho ra đáp án của phép tính nhân 4 số mà đối với tôi đó là một phép tính thiên văn.
Anh ấy có thể đứng trên khán đài, trả lời hết những câu hỏi quái gỡ phức tạp một cách bình tĩnh và tự tin trước bao chuyên gia trong và ngoài nước.
Anh ấy có thể dùng tâm thái thanh thản nhất để nói về căn bệnh của mình.
Anh ấy có thể là mục tiêu vươn lên của rất nhiều người trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Nhưng đến khi tôi khóc đến cơ hồ quên mất phải hít thở, anh ấy lại trở nên vô phương, và chỉ giống như một người lớn mắc phải lỗi lầm, dỗ dành một đứa trẻ một cách khờ khạo, miệng chỉ biết lặp đi lặp lại hai chữ “Đừng khóc.”
(3)
Mặc dù đã đứng ở nơi khuất sáng, nhưng thỉnh thoảng cũng sẽ có một vài người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét. Do đó, Mộ Thừa Hòa đã tìm Tiểu Lý để lấy chìa khóa xe, rồi cùng tôi ngồi vào dãy ghế sau. Tôi thổn thức một hồi lâu, cuối cùng cũng bình tĩnh trở lại.
Ánh trăng len lỏi qua hai dãy lầu rồi rọi xuống mặt đất, tôi quay mặt sang hướng khác, nhìn thấy vành bán nguyệt ấy. Phía đối diện có một chung cư cũ, không biết là ai trong đó đã đóng cửa mạnh tay quá, làm cho những bóng đèn cảm ứng âm thanh của mấy tầng lầu cùng lúc sáng lên, được vài giây, ánh sáng màu cam ấy lại đồng loạt tắt lịm.
Tôi nói: “Lúc nhỏ em cảm thấy loại bóng đèn cảm ứng âm thanh này rất kỳ lạ. Sau khi chuyển từ dưới tỉnh lên thành phố, em mới lần đầu tiên biết đến thứ này. Lúc đó, những chuyện dù nhỏ nhặt cách mấy cũng sẽ làm em tò mò, cho nên em đã tự mình đứng trên hành lang liên tục tạo ra đủ loại âm thanh để làm chúng sáng lên. Sau đó em còn làm thí nghiệm xem rốt cuộc phải tạo âm thanh bao lớn thì bóng đèn mới vừa đủ sáng.”
Dần dần khi đã trưởng thành, tôi cảm thấy trái tim của rất nhiều người cũng giống như loại bóng đèn cảm ứng âm thanh này, đều đang chờ đợi một âm thanh vừa đủ để giúp nó vượt khỏi ranh giới của mình, và một khi đã xuất hiện, nó nhất định sẽ chiếu sáng khắp nơi. Song khi đến bình minh, dưới ánh mặt trời, nó lại sẽ tự ti và không thể phát sáng. Cũng giống như tôi yêu Mộ Thừa Hòa, vì tự ti, vì nhút nhát mà không dám nói thật cho anh ấy biết.
Đúng vậy, tôi yêu anh ấy. Tôi đã từng nghi ngờ về tình yêu này, tôi sợ đó chỉ là một sự kính ngưỡng, một sự ỷ lại, tôi sợ đó là si mê, là dựa dẫm, mãi đến khi tôi nhìn thấy di thể của Trần Nghiên. Giây phút ấy tôi đã suy nghĩ rất nhiều, thậm chí tôi còn nghĩ, giả như người nằm trên đó là tôi thì sẽ như thế nào? Có những ai sẽ đến gặp tôi? Có những ai sẽ đau lòng?
Khi sinh mạng bỗng dưng phải chấm dứt, điều khiến tôi hối hận và tiếc nuối nhất sẽ là gì?
Tôi lấy điện thoại ra gửi mẫu tin nhắn soạn nháp khi nãy cho Lưu Khải, sau đó tắt nguồn. Và, tôi gọi Mộ Thừa Hòa: “Thầy Mộ.”
“Hmm?” Anh ấy quay đầu lại.
Tôi nói: “Thầy có thể ôm em một lúc không?”
Ánh mắt của Mộ Thừa Hòa dừng lại trên gương mặt tôi một giây, sau đó anh ấy giang hai tay ra ôm tôi vào lòng, thu chặt cánh tay lại, rất chặt. Nhớ lại lần đầu tiên anh ấy ôm tôi là trong đêm giao thừa, khi tiếng chuông đón chào năm mới đổ lên, anh ấy đã trao cho tôi một vòng tay lịch sự, ấm cúng. Tôi đặt tay trên lưng anh ấy, bất chợt cảm nhận thấy buồng tim của mình rúc nhỏ lại một cách nhanh chóng, cảm giác ấy chớp mắt đã truyền tải đến tứ chi, tay chân của tôi đều hơi run lên. Đầu của tôi tựa trên bờ vai của anh ấy, lại ngửi thấy mùi thông đó, và trong khoảnh khắc nhắm mắt lại, nước mắt đã lặng lẽ lăn xuống.
Yêu, đó là điều chắc chắn, nhưng sao nó lại chua chát và khó mở lời đến thế.
E rằng một khi nói ra chữ này, tôi sẽ như đã làm khinh nhờn anh ấy.
Vào ngày Trần Nghiên ra đi, tôi và Lưu Khải đã chia tay.
Ngày hôm sau thì Mộ Thừa Hòa đã đáp xe về thành A.
Lưu Khải tương đối bình tĩnh, chỉ đáp lại bằng một cuộc điện thoại, hỏi tôi: “Tại sao?”
“Chúng ta không hợp nhau.”
“Anh đề nghị em suy nghĩ lại, chúng ta có thể tạm thời không gặp nhau.”
“Lưu Khải……..”
“Hai tháng đủ để suy nghĩ không?”
“Vấn đề của hai chúng ta không phải như anh tưởng, em đã suy nghĩ rất kỹ càng.”
“Một tháng?”
“Hoàn toàn là do em……”
“Được, vậy thì một tháng.” Sau đó nhanh chóng gác máy.
Lòng tôi rối bời, cũng chẳng còn tâm trí để nghĩ đến cảm nhận của Lưu Khải nữa. Có lúc tôi cảm thấy phụ nữ thật sự là loài động dễ mềm long nhất, lại cũng tàn nhẫn nhất.
Thông qua máy camera giám sát của khu chung cư, và những manh mối thu thập được, không bao lâu cảnh sát đã điều tra ra được hung thủ giết chết Trần Nghiên.
“Con còn nhớ chuyện vượt ngục hồi tết không?” Mẹ nói, “Hung thủ chính là con trai của người đó.”
“Tại sao?” Tôi hỏi.
“Sau khi bị bắt, hình phạt hoãn chết của người đó đã biến thành tử hình chấp hành tức thì. Mới tháng trước khi nhận được công văn từ Tòa án Nhân dân Tối cao thì người đó đã tức thì bị xử bắn.”
“Vậy Trần Nghiên thì có liên quan gì….” Vốn dĩ cũng cảm thấy chuyện này hoang đường, song khi lời đã nói ra một nửa, tôi chợt nhận ra mối liên hệ trong đó, lập tức cảm thấy phẫn nộ vô cùng.
“Có lẽ hung thủ muốn đối phương phải thử mùi vị bị mất đi người thân.”
“Nhưng bác Trần cũng chỉ là làm đúng phận sự của mình, đây là pháp luật, đâu phải ân oán cá nhân.” Tôi nói.
Mẹ không tiếp tục thảo luận đề tài này với tôi nữa, trái lại bà nói: “Con hãy ở lại đây thêm vài ngày, nhưng buổi tối đừng ra đường một mình.”
“Bao lâu?”
“Đến khi mẹ nói đã đủ.”
“Nhưng…. Triệu Hiểu Đường giúp con tìm được một công việc, mấy ngày nữa là con phải đi làm rồi.”
“Đừng đi nữa, tốt nhất là hãy ở lại đây với mẹ, tìm công việc khác ở thành B.”
Tôi nhìn mẹ, “Lúc trước mẹ đâu phải như vậy.”
Mẹ dừng lại công việc xếp quần áo, nhìn tôi rất lâu rồi mới từ từ nói: “Đồng Đồng, mẹ không dám tưởng tượng nếu hôm đó không phải Trần Nghiên, mà là con….. nếu là con thì…..”
Mẹ không thể tiếp tục nữa, bèn giả vờ dọn dẹp đồ đạc, tránh khỏi ánh mắt của tôi.
Tôi nói: “Chẳng phải lúc trước ba có tìm người xem bói cho con sao, nói con sẽ sống mạnh khỏe đến 88 tuổi, sau đó già chết tại nhà mà.”
Mẹ cười: “Con đó, chỉ thích nghe ba con nói bừa thôi.”
Vì là một phi vụ báo thù ác tính, do đó vụ án của Trần Nghiên đã được tỉnh quan tâm cao độ, sở công an đăng lệnh truy nã hạng B lên mạng. Một tuần sau, vào buổi trưa, hung thủ đã bị tóm cổ tại một huyện nhỏ cách đó 200 kilomet.
Vì giây phút ấy, tôi đã cùng Tiểu Lý đến phòng tạm giam để chờ người đó. Nhưng, bao nhiêu oán hận bao nhiêu cơn giận tích lũy lâu nay, lại chẳng thể trút hết ra ngoài ngay khi tôi nhìn thấy tên hung thủ đó. Hung thủ trong tưởng tượng của tôi, phải là một người có gương mặt hung dữ đôi mắt hằn máu, thậm chí phải mang rất nhiều vết thẹo do dao đâm, phải có rất nhiều tiền án, vì chỉ có người như thế mới làm ra chuyện cầm thú cũng không bằng như vậy.
Nhưng, nó lại chỉ là một đứa trẻ mới lớn, nhìn còn nhỏ hơn cả tôi, thậm chỉ tôi không biết nó đã 18 tuổi hay chưa. Giọng của nó sợ sệt như sắp khóc, không ngừng nói với người lớn bên cạnh: “Chú ơi, con biết lỗi rồi. Chú ơi, con biết lỗi rồi. Con biết lỗi rồi.”
Về sau tôi mới biết, ba của nó hạ độc là do làm nghề đào mỏ lén ở trong thôn, đợt cuối năm vừa qua viên đốc công cứ kéo mãi tiền công không trả, ông ấy nhất thời giận quá nên đã bỏ thuốc độc vào nước suối của viên đốc công, kết quả là người đó bị trúng độc chết, còn ông ta thì bị phán tội hoãn chết.
Dịp tết vừa rồi, vợ của ông đã treo cổ tự sát vì không chấp nhận được đả kích. Khi ở nhà cử hành tang sự, ông đã cầu xin cai ngục cho ông về gặp mặt vợ lần cuối. Nhà giam tuy có quy định cho phép tội phạm về nhà gặp người thân lần cuối, nhưng quy định này không áp dụng cho tội phạm bị tội hoãn chết. Và rồi, ông ta đã tự tìm cách trốn ra ngoài.
Việc này liên kết việc kia, cuối cùng, nút kết của sợi dây bi kịch đã rơi vào người Trần Nghiên.
Tôi kể lại mọi chuyện cho Mộ Thừa Hòa qua điện thoại. Nghe xong, anh ấy im lặng rất lâu, sau đó thở dài một cái thật nhẹ.
(4)
Trở về thành A, cuộc sống của tôi liên tiếp xảy ra những biến cố. Đầu tiên vì không kịp đến chỗ làm báo cáo, công ty bên Triệu Hiểu Đường làm đã khai trừ tên của tôi. Sau đó, Lưu Khải bị chuyển đến Sở Tư Pháp ở một thôn quê cách thành A 100 kilomet.
Khi Lưu Khải nói tin này với tôi, tôi sững người một lúc: “Không phải chứ, bao lâu mới được về đây?”
“Không biết, chắc là như vậy rồi.”
“Thật không vậy?”
“Do đó em lựa chọn chia tay với anh là quyết định sáng suốt.” Cậu ấy tự trêu.
“Lưu Khải!” Tôi nóng.
“Nhưng, anh vẫn chưa đồng ý.” Cậu ấy nói.
Tôi lại bắt đầu gia nhập vào đoàn quân tìm việc. Mỗi ngày đọc những mẫu đăng tuyển trên báo, không thì chạy đến Hội tuyển dụng được tổ chức tuần hai lần vào thứ ba và thứ năm ở Sàn Nhân Tài. Sau đó còn nghe theo Triệu Hiểu Đường, đăng rất nhiều thông tin lên mạng tìm việc.
Đầu tiên là một công ty bảo hiểm, những người đến ứng tuyển như tôi không có sáu mươi người cũng có năm mươi người. Cửa ải đầu tiên là thi viết. Tôi tưởng chức vị tôi ứng tuyển là thư ký, chuyên môn lại là Anh ngữ thì họ sẽ phát cho tôi một đề thi Anh văn, ngờ đâu đề mục lại là viết một bài văn.
Vài hôm sau, công ty bảo hiểm thông báo đến tôi là tôi đã đậu bài thi viết, cần phải tham gia chương trình huấn luyện.
Đợi đến khi tôi đi đến địa điểm huấn luyện với lòng tự tin, mới phát hiện năm sáu mươi người đó căn bản chẳng thiếu một ai, họ cũng đang chờ đợi được huấn luyện như tôi. Nội dung đào tạo gồm có: hợp tác đoàn thể, thi thố trí nhớ và khả năng trình bày, nếu thông qua hết thì sẽ trở thành một trong 500 nhân viên nghiệp vụ mới xuất sắc nhất trên thế giới.
Tôi nói với người điểm danh: “Tôi không phải ứng tuyển nhân viên nghiệp vụ, tôi xin làm thư ký.”
Đối phương trả lời tôi với nụ cười nghề nghiệp: “Trong công ty của chúng tôi, thư ký cũng phải có kiến thức về nghiệp vụ. Hơn nữa cô thích hợp làm văn phòng hay làm nghiêp vụ còn phải căn cứ vào thành tích.”
Tôi ngơ ngẩn, gật đầu.
Sau khi học thuộc lòng một cách máy móc hàng loạt tên gọi của những căn bệnh, vị huấn luyện viên tinh thần phấn chấn đang đứng trên sân khấu kia lại kêu gọi mọi người cùng hô lớn khẩu hiệu của công ty, và cũng chính trong lúc này, tôi đã lẻn chạy trốn ra ngoài.
Tôi nói với Bạch Lâm: “Thật là khủng khiếp, mình còn tưởng đã đi nhầm vào hội tuyển sales chứ.”
Những công ty đó không phải yêu cầu tuổi tác thì là yêu cầu kinh nghiệm làm việc, chẳng xét thêm điều kiện nào khác.
Công ty thứ hai là một công ty ngoại thương, đối phương bảo tôi hãy tự giới thiệu về mình, hỏi tôi một số vấn đề về tương lai và cơ hội của công ty, lại hỏi: “Tại sao tốt nghiệp lâu vậy rồi đến bây giờ mới nghĩ đến phải tìm việc làm?”
“Ờ….” Tôi cứng họng.
“Có thể nói về ấn tượng sâu đậm nhất của cô về thất bại gần đây nhất của mình không?” Sau đó lại hỏi, “Cô đã giải quyết nó như thế nào?”
“Ờ…” Tôi lại cứng họng, trong đầu đột nhiên xuất hiện hình bóng của Mộ Thừa Hòa. Trắc trở lớn nhất trong đời tôi đều xảy ra trên người của ai kia, cứ nghĩ đến anh ấy là tôi lại không biết phải làm sao. Như bị người khác nhìn trộm tâm tư của mình vậy, mặt của tôi đỏ lên, cuối cùng lại phun ra một câu cực kỳ ngớ ngẩn, “Tôi có thể không nói không?”
Và rồi, người ta không còn hỏi tôi thêm nữa.
Khi tôi kể lại với Bạch Lâm, nó đã cười “phụt ~” ra ngoài.
Nó nói: “Đáng lẽ cậu phải thành thật nói ra, không chừng người ta còn cảm thấy cậu là một nhân tài đấy.”
Tôi hỏi: “Lý do?”
Bạch Lâm nói: “Cậu đối với Mộ Thừa Hòa phải nói là chiến bại chiến tiếp, càng chiến càng dũng cảm, nếu cho cậu vào bộ phận marketing của công ty, không phải nhân tài thì là gì.”
Sau đó, Bạch Lâm đã tìm được cho tôi thông tin tuyển dụng của một công ty thương mại và mậu dịch ở trên mạng, tôi cẩn thẩn viết đơn xin việc, rồi gửi kèm qua đó lý lịch của mình, xong hết mọi việc mới rời nhà Bạch Lâm.
“Hay là, ở lại đây đi, dù gì cậu cũng chưa phải đi làm.” Bạch Lâm nói.
“Lát nữa sư huynh về, để anh ấy phải ngủ dưới đất thì mình ngại lắm.” Nói xong, tôi chào tạm biệt nó rồi ra đón xe buýt về nhà.
Từ bến xe về đến nhà của tôi còn phải đi một đoạn đường, tôi đeo tai nghe vào, không nghĩ ngợi gì nhiều thì đã rẽ vào con đường tắt lúc trước thường đi. Đi được nửa đoạn mới chợt nhớ ra sáng nay mình đã tự nói ban đêm không nên đi vào đây. Vì hai hôm nay đang giải tỏa, cửa tiệm ở hai bên đường hầu hết đã dọn đi cả rồi.
Đèn đường hơi tối, vách tường và nóc nhà đã bị dỡ hết một nửa.
Tôi dừng lại, nhìn trước nhìn sau, hai đầu đều xa như nhau. Lúc này, có người chạy xe đạp từ phía sau vượt lên, chớp mắt đã biến mất ở đằng trước, chỉ còn nghe thấy tiếng chuông xe đạp leng keng của người đó.
Do dự một hồi, tôi quyết định đi tiếp. Được vài bước, cảm thấy phía sau có động tĩnh gì đó, liền quay lại nhìn, phát hiện ở góc tường có một bóng người xẹt qua một cái, thấy dợn tóc gáy, tôi liền đi nhanh hơn, vừa đi còn vừa ngoảnh đầu lại nhìn. Không có gì nữa. Nỗi sợ hãi dần dần lan khắp người, tôi lấy tai nghe xuống, càng đi càng nhanh, càng đi càng nhanh, cuối cùng vắt chân lên chạy hì hục về nhà.
Ban đêm, nằm ngủ trên giường, thấp thoáng như nghe thấy tiếng động lạ thường từ đâu đó.
Tôi ngóng tai lên, hình như có người thật, tim càng đập càng mạnh, tôi nằm trên giường nín thở lại, tìm kiếm nguồn gốc của âm thanh. Không phải phòng khách. Là trong bếp!
Lúc trước mẹ từng dạy tôi, người đến trộm cắp có thể chia làm hai tình huống.
Thứ nhất là đối phương đã vào phòng, đã ở bên cạnh mình, như vậy thì cho dù đã thức dậy, mình cũng phải vờ như còn đang ngủ.
“Lỡ như người ta đâm con thì sao?” Tôi hỏi mẹ.
“Thông thường khi vào nhà ăn trộm, người ta đều không muốn giết người, trừ phi bị ép đến đường cùng.” Mẹ giải thích, “Nhưng nếu người ta đến là để hành hung, vậy thì cách này không dùng được.”
Thứ hai là đối phương vẫn chưa vào phòng, hoặc đã đến bước thu dọn chuẩn bị rời khỏi, ta có thể đột nhiên nói lớn gì đó hoặc mở đèn lên, như vậy đối phương sẽ hoảng hồn bỏ chạy. Vì thế mà thông thường khi đi vệ sinh buổi tối, cho dù có nhìn thấy đường đi nữa, mẹ cũng bắt tôi phải mở đèn. Một là để tránh bị đụng đầu, hai là nếu có người xấu đang nấp ở góc nào đó thì cũng có thể nhìn thấy.
Mẹ nói: “Mục đích mở đèn lên là để nói cho đối phương biết, có người dậy rồi, mau đi đi.”
Nhưng kiến thức an toàn mà mẹ dạy cho tôi từ nhỏ đến lúc này lại không dùng được. Mẹ không chỉ cho tôi cách phán đoán người đó vào nhà để hành hung hay là để ăn trộm. Cũng không nói động tĩnh như thế này là đã vào nhà hay là đang chuẩn bị rời khỏi.
Tôi ngồi dậy thật cẩn thận, sau đó rón rén đi chân không đến cửa phòng áp tai lên cửa nghe ngóng. Bên nhà bếp có tiếng động, hình như đối phương đang cậy cửa. Tôi quyết định mở đèn phòng ngủ lên.
Tiếng động đó tức thì ngưng bặt.
Sau đó tôi kêu lớn: “Anh hai, anh đi vệ sinh à?” Sau đó còn cố tình làm ra chút tiếng động, rồi tắt đèn, đứng im lặng trong bóng tối một hồi thật lâu, sau khi xác định ngoài kia đã hoàn toàn không còn động tĩnh, tôi khẽ mở cửa ra mò vào bếp mở đèn.
Bên ngoài nhà bếp là lang cang tự do, trung gian có cánh cửa sắt ngăn lại. Đang trong mùa hè, lại ở lầu 4, do đó tôi thỉnh thoảng mới khóa cánh cửa này lại. Nhưng lúc nãy trước khi ngủ, ma sai quỷ khiến thế nào ấy tôi lại đã khóa nó lại, và đúng lúc nó đã ngăn cản bước chân của người khi nãy. Có lẽ tiếng động làm tôi thức tỉnh kia là âm thanh do hắn cố cậy cánh cửa này. Con dao dùng để cắt dưa vốn dĩ đặt trên máy giặt, giờ đây lại đang nằm ở dưới đất ngay cạnh cửa.
Toàn thân tôi run rẩy, lập tức bật hết đèn lên rồi lấy điện thoại ra gọi cho bảo vệ.
Động tĩnh của bảo vệ lớn quá, làm kinh động đến hàng xóm xung quanh.
Dì sống ở lầu 1 đã chỉ vào mũi người quản lý nói: “Mấy người quản lý thế nào đấy hả? Mới tháng trước lầu kế bên kia đã bị trộm một lần, mấy người còn bảo đảm với chúng tôi sẽ gia tăng người tuần tra.”
Một ông chú lại nói: “Thu phí bảo vệ cao như vậy, có làm việc không chứ?”
Người quản lý bảo an cười trừ nói: “Làm, làm chứ, lát nữa công an đến chúng ta sẽ cùng đi xem lại băng thu hình.”
Một hàng xóm khác nói: “Tiểu Tiết à, cô ở lầu 3 cũng không bị gì, không chừng bọn trộm thấy cháu sống một mình nên mới lẻn lên đây đấy.”
Người bên cạnh gật đầu: “Phải đó, cháu phải cẩn thận một chút, hay là gắn một cái cửa sổ chống trộm tàng hình đi.”
Thế là các cô chú bác nhiệt tâm đã thay phiên nhau nghị luận. Một lúc sau, công an đến, rồi đi. Cuối cùng chỉ còn lại một mình tôi, và đồng hồ cũng đã chỉ 4 giờ sáng.
Tôi muốn gọi điện cho mẹ, nhưng nhớ lại nét mặt của mẹ khi lo lắng cho tôi lần trước, đành thôi. Ngồi một mình trong căn phòng rộng, xung quanh yên ắng đến đáng sợ. Đôi mắt tự nhiên nhìn về hướng nhà bếp, cứ sợ có người nào đó sẽ nhảy ra. Cuối cùng tôi cũng không kìm được sự sợ hãi, gọi điện cho Bạch Lâm. Nửa tiếng sau, sư huynh và Bạch Lâm cùng xuất hiện.
Bạch Lâm vừa quan sát hiện trường vừa kêu lên kinh sợ: “Quá nguy hiểm rồi! Quá nguy hiểm rồi!”
Sư huynh Lý lại kiểm tra cửa phòng cho tôi một lần nữa.
Bạch Lâm ôm lấy tôi nói: “Vậy đi, mình dọn qua đây ở với cậu.”
Sư huynh Lý nói: “Thôi đi, lỡ có người xấu đến, hai người ở cùng nhau cũng vậy thôi.”
Bạch Lâm quay qua nói với sư huynh: “Hay là anh cũng qua đây đi.”
Sư huynh nhìn tôi một cái, do dự: “Vậy…. không hay lắm thì phải.”
Tôi hiểu ý của sư huynh, một người đàn ông sống chung với hai cô gái, sợ người ta đàm tiếu cũng là lẽ thường tình. Huống chi anh ấy và Bạch Lâm khó khăn lắm mới có được thế giới hai người như bây giờ, tôi xen vào thì không hậu đạo cho lắm.
Thế nên tôi đã nói: “Bỏ đi, nhà mình cách xa chỗ cậu làm lắm.”
Bạch Lâm hỏi: “Vậy phải làm sao?”
Tôi nói: “Mình không sợ. Cùng lắm ngày mai mình gọi người ta đến gắn cửa sổ chống trộm.”
Bạch Lâm lại hỏi: “Quản lý chỗ này có cho không?”
Tôi nói: “Khu này nhỏ như vậy, có gì mà không cho chứ, lầu dưới cũng gắn rồi.”
Tìm đủ mọi lời, cuối cùng mới thuyết phục được Bạch Lâm.
Đêm hôm sau, lại chỉ còn một mình tôi. Trước khi ngủ, tôi kiểm tra toàn bộ cửa sổ, khóa thật cẩn thận mọi ngóc ngách. Đại khái là vì đêm qua cơ hồ không chợp mắt, do đó hôm nay chỉ vừa đặt lưng xuống giường thì tôi đã ngủ. Trước khi chợp mắt tôi còn mơ hồ nghĩ rằng, nếu tôi chết đi như vậy, cũng xem như một vụ án mật thất rồi.
Tôi lại mơ thấy giấc mơ rất dài rất dài ấy. Trong mơ, ba dắt tôi vào khu vui chơi, đi đến phòng mua vé mới phát hiện ra bị mất tiền, sau đó ba nói với tôi: “Đồng Đồng, đứng chờ ba ở đây, đừng đi đâu nhé.” Và sau đó, tôi ngồi ăn kẹo bạch nha ở bậc thềm, chờ mãi chờ mãi.
Có một người phụ nữ đi tới, nói trong kinh ngạc: “Ồ, bé gái, mẹ con là Đồng Ngọc Mai phải không? Cô là bạn của mẹ con, lần trước chúng ta đã gặp nhau.”
Tôi nhìn bà ấy, gật đầu, hình như đã từng thấy ở đâu.
Bà ấy cười hi hi, “Sao con lại ở đây một mình?”
“Ba đi tìm ví tiền, bảo con ngồi chờ.”
“Mẹ con bảo cô tới đón con đấy. Mẹ bảo đón con về nhà, ba con đã về nhà rồi.”
“Nhưng ba nói…..”
“Lời của ba với lời của mẹ, lời ai có hiệu lực hơn?”
Tôi suy nghĩ rồi đáp: “Mẹ.”
“Mẹ con bảo cô tới đón con, vậy có phải con nên nghe lời cô không?”
Cuối cùng, loay hoay một lúc tôi đã bị người này kéo đi.
Tôi cứ tưởng tôi đã quên mất chuyện này rồi, ngờ đâu giờ đây nó lại xuất hiện trong giấc mộng.
Trong khu vui chơi đó, người đến dắt tôi đi thật chất là mẹ của một nữ phạm nhân trong trại giam. Tôi từng nhìn thấy bà ấy là vì có một lần mẹ trực ca, có dắt tôi đến đó một ngày, lúc đó bà ấy đúng lúc đến thăm con mình. Con gái của bà ta đã mãn kỳ hạn và được phóng thích, nhưng cô ta đã từng nhiều lần bị phạt vì đánh nhau trong ngục. Mẹ tôi lại đặc biệt nghiêm ngặt về mặt này, do đó sau khi ra tù, phạm nhân đó vẫn còn ôm hận trong lòng. Hôm đó hai mẹ con họ tình cơ trông thấy tôi nên đã sinh lòng trả oán.
Tôi đã không còn nhớ họ bắt giam tôi bao nhiêu ngày nữa, chỉ biết sau khi cục công an cứu tôi ra, bà ngoại và ba đã ôm lấy tôi khóc rất nhiều. Cũng có lẽ vì chuyện này mà về sau, tình cảm giữa ba và mẹ đã nhạt dần. Mẹ cũng không còn để tôi tiếp xúc với bất kỳ việc gì liên quan đến công việc của mẹ nữa.
Tôi lật người lại, nỗ lực để mình ngủ lại lần nữa.
Mộng cảnh chợt thay đổi, tôi mơ thấy vũng máu tại hiện trường nơi ba bị giết, còn mơ thấy cây dao trong bếp. Cuối cùng khi mơ thấy thi thể của Trần Nghiên, tôi bừng tỉnh giấc.
Thở hổn hển, tôi từ từ ngồi dậy, chuẩn bị ra phòng khách rót ly nước, nhưng đi tới cửa phòng mới chợt dừng chân phát hiện mình không dám tiến tới trước nữa, bèn quay trở về, rụt người vào chăn.
Bóng tối ngoài cửa và không khí ghê rợn cùng ập vào mặt tôi. Tôi hoảng loạn ngồi dậy mở đèn, vẫn cảm thấy không yên lòng, cứ mãi ngờ vực như có người đang nấp trong tủ áo và dưới gầm giường, thậm chí không hề nhìn ra cửa sổ mà tôi cũng cảm thấy có người đang đứng ngoài kia nhìn mình. Chính trong giây phút bị sự khủng hoảng này dày vò đến mức sắp tắt thở, tôi đã gọi cho Mộ Thừa Hòa.
Chuông đổ ba tiếng sau thì có người bắt máy.
“Tiết Đồng?”
Giọng của anh ấy từ bên kia đầu dây truyền vào tai tôi, giây phút ấy, tâm lý phòng ngự của tôi hoàn toàn sụp đổ.
Tôi nói năng lộn xộn: “Em không dám nói cho mẹ nghe, em sợ sau khi mẹ biết được sẽ không cho em sống một mình ở thành A nữa. Em cũng không dám gọi cho Bạch Lâm, hôm qua em đã làm họ suốt đêm không ngủ rồi. Bạch Lâm tuy rất thân với em, nhưng sư huynh dẫu sao cũng là người ngoài. Em nghĩ đi nghĩ lại, ngoài thầy ra em không còn tìm được người thứ hai nữa.”
“Sao vậy?” Ngữ khí của anh ấy lo lắng cả lên, “Em nói từ từ thôi.”
“Hôm qua có trộm vào nhà em.” Tôi lau nước mắt, “Bây giờ em sợ muốn chết.”
“Em mở hết đèn lên, mở cả tivi nữa, tôi qua đó ngay.” Anh ấy nói.
Mộ Thừa Hòa đến nhà, sau khi nghe tôi thuật lại toàn bộ hiểm cảnh tối qua và ác mộng lúc nãy thì câu đầu tiên anh ấy nói ra là: “Em không thể ở đây một mình nữa.”
“Bạch Lâm và Triệu Hiểu Đường đều có bạn trai, em không thể bảo họ ở mãi với em.”
“Có người thân nào gần gũi sống ở đây không?”
“Có bà nội và bác của em, nhưng họ đều không thích em.” Tôi nói, “Hơn nữa nếu họ biết có chuyện xảy ra chắc chắn sẽ nói cho mẹ em biết.”
Mộ Thừa Hòa trầm ngâm một lúc, cuối cùng nói: “Vậy em đến chỗ tôi đi.”
(5)
Không ngờ anh ấy lại sống trong ký túc xá của giáo sư Đại học A. Ký túc xá này nằm đối diện với cửa Tây của trường, trồng đầy cây ngô đồng. Khi còn đi học, tôi chưa từng vào đây, chỉ biết rằng mấy năm trước nơi này có tu sửa lại, các tầng lầu cũ bị đập đi và xây lại thành một chung cư có thang máy.
Nhưng Mộ Thừa Hòa không sống trong khu chung cư mới đó, mà ở trong tòa lầu cũ phía sau nó. Nhà rất rộng, đặc biệt là phòng khách, đủ chỗ đặt cả một cái bàn làm việc to dài phía sau bộ sopha, trên bàn có hai máy vi tính xách tay, bên cạnh là một chồng sách và một xấp giấy được đặt tùy ý, trên xấp giấy là một hộp mắt kiếng.
Chiếc hộp chắc chắn đang rỗng, bởi vì cái mắt kiếng gọng đen ấy đang ở trên sóng mũi của anh ấy.
“Lúc trước có người nói với em, ba tầng lầu này là để dành cho giáo sư lão luyện cấp cao, vậy mà thầy lại có thể sống ở đây.” Có thể thấy, người này cũng là một loài động vật bậc cao.
“Nhà này của ba tôi, được phân cho khi còn dạy học.”
“Hả?” Tới tôi tò mò rồi, “Vậy sao trước đó thầy còn tới ở chung với thầy Trần?”
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi một cái, sau đó nói với một tâm trạng vô cùng nghiêm trọng: “Vì tầng lầu này có ma, một mình tôi không dám ở.”
Tôi trợn to mắt, nửa ngày không nói nên lời.
Sau đó anh ấy dùng mắt ra dấu cho tôi nhìn ra phía sau: “Nghe nói từng có người treo cổ chết trên khung cửa ở sau lưng em.” Mộ Thừa Hòa vừa dứt câu, tôi cuống cuồng nhảy về phía anh ấy, túm lấy tay áo của anh ấy, mắt thì cứ dán vào khung cửa đó, rồi tự nhiên cảm giác có một luồng gió lành lạnh ở sau ót.
Thế nhưng, anh ấy lại bật cười.
“Dọa em đó.”
Anh ấy nói: “Chẳng phải lúc nãy em giỏi lắm sao? Nói ma quỷ nào nhìn thấy em cũng phải vòng đường đi sao. Tôi chỉ nói bừa vài câu thôi mà dọa được em rồi?” Ý cười đã hoàn toàn lan ra trên khắp gương mặt ấy.
Tôi buông tay áo Mộ Thừa Hòa ra, “Đêm hôm khuya khắc mà tự nhiên thầy nói như vậy, là người thì ai cũng phải sợ thôi.” Huống chi tôi đâu có ngờ rằng tâm trạng của anh ấy tự nhiên lại đẹp đến thế, còn nói đùa với tôi nữa.
Phòng ngủ của tôi ở cạnh phòng ngủ của anh ấy. Giường không lớn, nghe Mộ Thừa Hòa nói đây là chỗ ngủ lúc nhỏ của anh ấy, do đó chỉ có nệm.
Trải giường và sắp xếp xong mọi thứ thì cũng đã 3 giờ sáng.
Chính bản thân tôi cũng không xác định được khi anh ấy nói “Đến chỗ tôi đi.”, tôi đã trả lời như thế nào. Hoặc giả lúc đó trái tim của tôi đã rối bời, bộ não rối như chỉ tơ, trông thấy anh ấy cũng như nhìn thấy ngọn cỏ cứu mạng. Hoặc giả vì trước đây tôi chưa từng chối từ lời đề nghị nào của anh ấy. Hoặc giả… trong lòng tôi đích thật đã trông mong như thế.
Dẫu cho suy nghĩ vẫn mãi vấn vương, nhưng tôi đích thật đã ngủ một giấc rất êm đềm.
Sáng hôm sau thức dậy nhìn điện thoại, tôi nhất thời muốn khóc thét cả lên. Vội vã ngồi dậy đi đánh răng rửa mặt.
“Vội vậy sao?” Mộ Thừa Hòa đặt tờ báo xuống và hỏi.
“Ừm.” Tôi bỏ đồ vào túi xách, “Người ta hẹn em phỏng vấn lúc 10 giờ. Sắp trễ rồi.”
“Tôi lấy sữa cho em uống.”
“Không cần đâu, không cần đâu.”
“Có cần tôi chở em đi không?”
“Em đi tàu điện ngầm là được, trạm dừng ngay chỗ đó.” Nói xong tôi liền vút ra ngoài như một làn gió.
Vừa chạy tới khúc quanh của cầu thang thì Mộ Thừa Hòa vội vã chạy ra gọi tôi lại: “Tiết Đồng!”
Tôi ngước đầu lên, nhìn anh ấy đứng ở bậc thang thứ 11 từ dưới đếm lên.
Anh ấy lắc lư một thứ trên tay, “Cái này cho em.” Sau đó, nhẹ nhàng thẩy nó xuống chỗ của tôi, chính xác vô cùng. Đó là một chiếc chìa khóa. Có lẽ vì không muốn để nó quá cô đơn chăng, Mộ Thừa Hòa đã móc thêm vào đó một con Doreamon. Tôi nắm chặt nó trong tay, nhìn anh ấy cười.
Công ty tôi đến ứng tuyển lần này là một công ty địa ốc, nhỏ hơn công ty lần trước khai trừ tên tôi. Phòng hội nghị có hai người đang ngồi, một nam một nữ, người phụ nữ lớn tuổi hơn. Hôm qua Bạch Lâm nói với tôi, công ty này thuộc dạng sản nghiệp gia tộc, thông thường thì tổng giám đốc, giám đốc, kế toán đều là người một nhà với nhau.
Sau vài câu hỏi thông lệ, vị giám đốc trẻ tuổi ấy lại đọc qua lý lịch của tôi một lần nữa rồi nói: “Biết tiếng Nga sao?”
“Tiếng Nga là ngoại ngữ hai của tôi.”
“Thành thạo không?”
“Cũng được.” Tôi lấy hết can đảm nói.
“Vậy hãy tự giới thiệu mình bằng tiếng Nga xem.”
Nghe xong câu này, tôi ngớ người. Giảng viên hướng nghiệp dạy chúng tôi rằng, hãy mang tất cả những đặc điểm kỹ năng có liên quan đến mình viết thành ưu thế nổi bật. Tôi chỉ mới cho nó nổi một chút thôi mà, mới đây đã phải hiện nguyên hình rồi sao?
Bài tự giới thiệu được viết bằng tiếng Nga là do Mộ Thừa Hòa viết thay tôi hồi năm ngoái. Tôi cũng không có ý học thuộc long nó.
“Được chứ?” Người đó lại hỏi.
Đã leo lên lưng cọp rồi, tôi đành nghĩ đối sách thôi.
“Да.” Tôi sực nghĩ ra một cách, bèn đọc một từ đơn.
“Gì?” Người đó hỏi lại, hiển nhiên là không hiểu gì.
“Có thể bắt đầu chưa ạ?” Tôi lập tức cười cười.
Đối phương gật đầu.
Sau đó tôi bắt đầu trả thuộc lòng một bài văn rất sâu sắc mà Mộ Thừa Hòa từng dạy. Trí nhớ của tôi rất tốt, anh ấy giảng bài đó xong, tôi đọc thêm vài lần là có thể nhớ được tám, chín phần.
Bài văn đó tựa là “Quê hương của tôi – Bắc Kinh”.
Để tăng thêm mức độ khả tín, tôi đổi hết những chữ “Bắc Kinh” trong bài thành “Thành A”.
“Мойроднойгород.Яродиласьивырославгороде……”
Về đến nhà, tôi ngồi trên sopha kể lại toàn bộ câu chuyện sáng nay cho Mộ Thừa Hòa nghe.
“Rồi sau đó?” Anh ấy rất hứng thú.
“Sau đó, thì em trả xong bài, rồi người đó nói với em, ‘Tiếng Nga của cô lưu loát y như tiếng Anh vậy’, còn bảo em lần sau đến phỏng vấn đợt hai nữa.” Tôi cười ha hả.
Mộ Thừa Hòa cũng không nhịn được cười.
Tôi nghiêng đầu nhìn anh ấy, phát hiện anh ấy cứ mãi nhìn tôi, không nói tiếng nào.
Nhìn lâu như thế không khỏi làm tôi cảm thấy là lạ, bèn xoa xoa mặt của mình, “Mặt em bị dính gì sao?”
“Không có.” Anh ấy thu hồi lại đôi mắt thất thần của mình, quay mặt sang hướng khác.
“Thầy không tin sao?” Tôi nói, “Nếu thầy không tin, em diễn lại lần nữa cho thầy xem.”
Thế là tôi khiêng một cái ghế đến ngồi ở trước mặt anh ấy, diễn lại toàn cảnh sáng nay.
“Мойроднойгород.ЯродиласьивырославгородеА,вкоторомяпровеласвоезолотоедетство.этогород……”
Khóe môi anh ấy khẽ cong lên, rồi bắt đầu đọc cùng với tôi, mãi đến câu cuối cùng của bài: “Тамвсемнедорого.” Sau đó, hai chúng tôi nhìn nhau và cười.
Vốn dĩ tôi còn lo lắng hai chúng tôi sống chung với nhau dưới một mái nhà như thế sẽ thấy gượng gạo, nhưng từ khi đọc xong bài văn đó, không khí lại trở nên hài hòa lạ thường. Ban đêm, tôi nằm trên giường nhớ lại cảnh tượng ấy, thấp thoáng cảm thấy như muốn nắm lấy gì đó nhưng lại không rõ đó là gì.
Mộ Thừa Hòa không hề nhắc đến Lưu Khải, thậm chí trong ngày bảo tôi đến đây ở, anh ấy cũng không hề hỏi, cho đến một bữa trưa, anh ấy chợt nói: “Không phải con gái đều thích dạo phố sao? Rất ít thấy em ra ngoài.”
“Bên ngoài nóng quá.” Tôi nói
“Cũng không ra ngoài với Lưu Khải?” Anh ấy gấp thức ăn, hỏi tự nhiên.
“Ờ….” Tôi khựng lại một lúc, sau đó cúi đầu nói nhỏ: “Anh ấy bị điều xuống huyện rồi.” Tôi không nói với anh ấy chuyện chúng tôi chia tay.
“Sao không nói với thầy?” Bạch Lâm hỏi tôi.
“Mình cảm thấy…. hình như chỉ có như thế mới có thể cảm nhận được sự bình đẳng giữa mình và anh ấy.” Tôi nói
“Vậy công việc thế nào?”
“Khó quá! Chỗ mình thấy được thì người ta không thấy mình được. Người ta thấy mình được thì mình lại chê người ta.”
“Từ từ thôi, đừng nóng vội. Có một câu danh ngôn thích hợp với cậu lắm.”
“Câu gì?”
“Thành gia trước, lập nghiệp sau.”
“…… Cậu nhảm rồi đấy.”
“Không thích à?” Bạch Lâm hỏi, “Vậy đổi câu khác hay hơn: Làm giỏi chi bằng khéo cưới.”
“………”
“Còn việc này phải nói với bạn.”
“Gì?”
“Sư huynh nói, hôm qua anh ấy gặp Lưu Khải ở ngoài đường.”
“Ồ.”
“Anh ấy thấy Lưu Khải đi cùng một cô gái.” Nó nhìn nhìn tôi.
“Ừm.”
“Trông khá thân mật.” Nó sợ tôi không hiểu, lại bổ sung thêm.
“Ừm. Tốt lắm.” Tôi nói tiếp
“Chia tay thật sao?” Bạch Lâm hỏi.
“Thật.”
“Chẳng phải lần trước cậu nói cậu ta xin cậu suy nghĩ một tháng sao? Còn chưa đến một tháng mà.”
“Như vậy càng tốt, mình khỏi phải áy náy.” Tôi lầm bầm.
Sau khi chính thức sống chung nhà với Mộ Thừa Hòa, tôi mới phát hiện anh ấy có rất nhiều thói quen mà tôi không biết. Ví dụ như khi làm việc, anh ấy vô cùng chuyên chú, có khi tôi ngồi ở bên cạnh nói chuyện với anh ấy cả nửa ngày trời, cuối cùng mới biết anh ấy chỉ lo tập trung vào công việc, không hề chú ý đến tôi. Đó là một trải nghiệm rất rất thất bại, thế mà lại thường xuyên xảy ra. Ví dụ như anh ấy rất kén ăn, món nào có vị ngọt ngọt sẽ đều được anh ấy ưa chuộng. Anh ấy thường xuyên làm việc đến nửa đêm. Thỉnh thoảng sẽ ngồi một mình trong bóng tối rất lâu, không nói tiếng nào. Tôi đã từng nhìn thấy khi đi vệ sinh ban đêm.
Lần đầu tiên khi nhìn thấy một bóng đen trên sopha, tôi đã mở đèn lên để xem kỹ. Ánh sáng rọi lên mặt của anh ấy, gương mặt ấy là cô đơn và lạc lõng đến thế, hoàn toàn khác với Mộ Thừa Hòa tươi cười hàng ngày, thấp thoáng như một con thú nhỏ bị hoảng hồn, song chỉ chớp mắt anh ấy lại trở về bình thường.
Từ sau lần đó, tôi không còn dám mở đèn một cách đường đột nữa.
Sau đó, chúng tôi cùng ngồi xem đài truyền hình, tôi chỉ vào Johnny Deep đang cười ở trong phim mà nói: “Tại sao có những người nhìn bề ngoài lại khác với con người thật của mình?”
Anh ấy chỉ xem phim, không lên tiếng.
Cảnh trong phim chuyển đổi, từ mặt biển mênh mông thành bầu trời bao la.
“Tiết Đồng, em có thích biển không?” Anh ấy hỏi.
“Thích chứ.”
“Em nhìn đó, biển cả cho dù có bao sâu đi nữa, bề mặt của nó vẫn luôn tĩnh lặng.” Mộ Thừa Hòa nói, “Trên đời này thứ sâu hơn biển chính là lòng người. Có lúc mỉm cười, không có nghĩa là mình không đau khổ, không sợ hãi, không tuyệt vọng.”
Tôi ám chỉ anh ấy.
Và anh ấy, ám chỉ lại tôi.
Đột nhiên, tôi hiểu ra có lẽ tôi và Mộ Thừa Hòa là cùng một loại người. Vì thế mà anh ấy mới thu hút tôi như vậy.
(6)
Hôm sau trời mưa lâm râm, tôi vội vàng chạy về nhà, cởi giày, bỏ túi xách xuống rồi định xông ra sân thượng, ngờ đâu mới chạy được nửa đường thì phát hiện Mộ Thừa Hòa cũng đang ở nhà, giờ đây đang đứng ngoài lang cang, bên cạnh là một chậu hoa lan.
Vì trời đang mưa, không khí bên ngoài tươi mát lạ thường.
Khu ký túc xá này chỉ có một cây keo, cao đến mười mấy mét, lá cây um tùm, giữa một rừng ngô đồng như vậy trông nó đặc biệt cao. Nó đứng cách tầng lầu này rất gần, nhánh cây gần nhất giương dài đến bên sân thượng. Giọt nước trên chiếc lá đang chực chờ nhĩu xuống, tôi thấy Mộ Thừa Hòa giơ tay ra hứng giọt nước đó, gương mặt tinh nghịch, cánh tay còn lại thì thả tự do bên cạnh, ngón trỏ và ngón giữa đang giữ một điếu thuốc.
Mộ Thừa Hòa vọc những giọt nước mưa, hút một hơi thuốc lá rồi mới nhìn thấy tôi.
Anh ấy sững người.
Trái lại tôi cũng chợt thấy gượng gùng vì hành động nhìn lén của mình, vội vàng nói: “Thầy…. cứ tiếp tục.”
Anh ấy cười tự nhiên, “Hôm nay thế nào?”
“Xui quá chừng.” Tôi bất giác nhìn qua điếu thuốc trên tay anh ấy.
Mộ Thừa Hòa lập tức hiểu ý, đi trở về phòng khách dập tắt mồi thuốc. Trước đây tôi cứ tưởng gạc tàn thuốc này chỉ là để trưng bày.
“Em còn tưởng thầy không hút thuốc.” Chưa từng nhìn thấy, cũng chưa từng ngửi thấy mùi thuốc lá trên người anh ấy.
“Thỉnh thoảng một hai điếu. Lúc đi dạy không hút.” Anh ấy ngại ngùng, cười nói “Huống chi hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.”
Trong nhà đã hết thức ăn, do đó buổi tối chúng tôi cùng ra ngoài, tình cờ bắt gặp Lưu Khải. Cậu ấy đi xuống ở thang cuốn bên cạnh, còn tôi và Mộ Thừa Hòa thì đi lên. Một cô gái dáng người mảnh mai đứng cạnh cậu ấy, đang thỏ thẻ gì đó.
Ngay khi tôi nhìn thấy Lưu Khải thì cậu ấy cũng đã nhìn thấy tôi.
Tôi cười với cậu ấy, ngược lại Lưu Khải lại cảm thấy bất an, như muốn gọi tôi, song lại như có nghi kỵ, cuối cùng chúng tôi không ai gọi ai.
Buổi tối Lưu Khải gọi điện cho tôi, tôi đi ra sân thượng.
“Tiểu Đồng, anh…..” Lưu Khải ấp úng.
“Em hiểu.”
“Em hiểu chuyện gì?”
“Chúng ta không hợp nhau, hơn nữa chúng ta đã chia tay từ tháng trước rồi.”
Cậu ấy thở dài, “Em biết hiện giờ anh bị điều đi chỗ khác, không biết có được về đây hay không, cục trưởng thường ngày cũng quan tâm anh lắm, con gái của ông ấy là sư muội của chúng ta, người cũng tốt, anh…..”
“Lưu Khải, em không giận, thật đó.” Tôi nói.
“Tiểu Đồng…..”
“Chúng ta chia tay là vì người đó?” Lưu Khải hỏi.
Tôi im lặng.
“Xem ra anh vẫn là người phản ứng chậm chạp, đáng lẽ phải hiểu ra từ sớm hơn. Anh cứ tưởng rằng chỉ vì anh chưa đủ cố gắng, do đó mới chờ đợi đến khi em thật sự chú ý đến anh, nhưng….. quá khó rồi.” Lưu Khải nói.
“Xin lỗi.” Tôi cắn môi nói.
“Anh không có nghị lực chờ đợi mãi mãi, do đó…….”
Vừa cúp máy, Tống Kỳ Kỳ đã gọi điện thoại đường dài đến.
“Nghe nói cậu và thầy Mộ sống chung với nhau rồi.” Tống Kỳ Kỳ cười gian xảo.
“Bạch Lâm đúng là bà tám, cậu ở xa vậy mà cũng nhận được tình báo.” Tôi nói.
“Hôm nay mình đã đi xem mắt.”
“Tốt đó chứ, cảm giác thế nào?”
“Điều kiện không tệ.” Tống Kỳ Kỳ nói, “Nhưng không hợp với mình.”
“Cậu….” Tôi muốn nói nhưng lại thôi.
“Không phải vì chuyện trước đây. Mình chỉ đơn giản là cảm thấy tính cách của người đó và mình không hợp nhau thôi.” Tống Kỳ Kỳ nói, “Thật ra hiện giờ mình nghĩ thông suốt lắm rồi, trước đây cứ tưởng rằng mình mãi mãi cũng không quên được anh ấy, cả đời này cũng không thể yêu người khác nữa. Nhưng chỉ chưa đến một năm thôi, mình đã phát hiện hiện thực không như mình tưởng.”
Nói chuyện với Tống Kỳ Kỳ thêm một lúc, tôi cúp máy, trở về phòng khách. Mộ Thừa Hòa đang ngồi trước bàn làm việc. Yên tĩnh quá, yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng cọ xát giữa ngòi bút của anh ấy với mặt giấy. Tôi ngồi trở về sopha, muốn nhớ lại nét mặt của Lưu Khải khi cậu ấy nói “Vì bạn rất dễ thương” với tôi ở trong thư viện, nhưng lại nhớ không ra. Nếu để Bạch Lâm biết được, nó chắc chắn sẽ mắng Lưu Khải vô tình vô nghĩa. Song, tôi biết là lỗi của tôi trước, là tôi đã lợi dụng cậu ấy trước.
Lại nhớ đến Tống Kỳ Kỳ và Tiêu Chính, nhớ lại Tống Kỳ Kỳ đã ôm lấy chúng tôi mà nói: “Tứ năm 17 tuổi thì mình đã yêu anh ấy, cho đến bây giờ, anh ấy chưa hề gạt mình.”
Đại khái vì nét mặt của tôi khi suy nghĩ những điều này thật sự quá khờ chăng, Mộ Thừa Hòa lườm tôi một cái rồi đứng dậy bật tivi, “Em có thể xem tivi.” Nói xong lại trở về bàn tiếp tục làm việc.
“Có ảnh hưởng đến thầy không?”
“Không.” Anh ấy trả lời mà không cần ngẩng đầu lên, chỉ lo làm việc của mình.
Mộ Thừa Hòa ngồi xéo với tivi, nhưng mặc cho tôi chuyển qua chương trình nào, anh ấy cũng không hề nhìn lấy một mắt. Khi làm việc, thỉnh thoảng chân mày của anh ấy nhíu lại, đeo mắt kiếng, vừa xem xét hình ảnh 3D trong vi tính vừa chuyên tâm chỉnh sửa lại các số liệu.
“Em không xem tivi đi, nhìn tôi làm gì?” Anh ấy chợt hỏi.
“È…..” Tôi ngượng ngùng, vén tóc vào tai, “Không có chương trình gì hay ho.”
“Hay là lên mạng?”
“Lên mạng cũng không có gì làm. Em xem tivi tiếp vậy.” Nói xong, tôi nằm xuống sopha, tiếp tục cầm remote lên bấm qua bấm lại.
Đợi đến khi tôi chuyển bảy mươi mấy kênh truyền hình ấy đến lần thứ năm thì cuối cùng anh ấy cũng không nhịn được nữa: “Ngày mai em có bận việc gì không?”
“Không. Có gì à?”
Anh ấy bỏ mắt kiếng xuống, massage sóng mũi, “Ngày mai tôi nghỉ, dắt em ra ngoài chơi.”
Sáng hôm sau, anh ấy căn dặn tôi mang theo kem chống nắng, lúc này tôi mới biết hóa ra anh ấy định dạy tôi lặn thật. Chúng tôi lái xe hơn 30 kilomet, đến một eo biển cạn ở ngoại ô thành A.
Vì mấy hôm trước vừa có mưa, hôm nay trời quang mây tạnh, mặt biển nhìn thật mênh mông vô tận, rất xa rất xa.
“The Big Blue!” Tôi tức thì cởi giày chạy ra bãi biển kêu lên, sau đó quay lại nói với Mộ Thừa Hòa: “Thầy có xem qua phim này chưa?”
“Đại Dương Xanh Thẳm?”
“Chính xác! Mỗi lần nhìn thấy màu xanh của biển, em đều sẽ nhớ đến những chữ này và cảnh tượng trong phim.”
“Nếu biết em sẽ vui như vậy thì đã dắt em đến đây sớm hơn rồi.” Mộ Thừa Hòa đi theo sau tôi, cười nhẹ.
“Nhưng em rất sợ nước, nên không biết bơi. Mỗi lần ra biển cũng chỉ đạp nước rồi đi về thôi.”
“Lần này chúng ta sẽ chơi cái khác.”
Trước cửa câu lạc bộ lặn có rất nhiều xe, nhìn mọi người như đều rất thân với Mộ Thừa Hòa.
“Tại sao mọi người ai cũng đen, chỉ một mình thầy trắng thôi vậy?” Tôi hỏi.
“Chứng tỏ tôi không có siêng như họ.”
“Không ngờ bên trong con người thầy lại phản nghịch đến thế.”
“Tại sao?” Anh ấy mang bình dưỡng khí và đồ lặn trở về rồi hỏi.
“Bác sĩ bảo thầy đừng lặn, vậy mà thầy lại đi lặn, như vậy còn không phải phản nghịch sao?”
“Ai nói thế, từ nhỏ tôi đã là một cậu bé nghe lời.”
“Kiểu như chưa từng đi trễ, lì lợm, không lười biếng, làm xong bài tập mỗi ngày, thi đạt điểm cao nhất?”
“Cũng…. không hoàn toàn là vậy.” Anh ấy nói.
Tôi nhìn anh ấy bằng ánh mắt “Vậy tức là phải rồi”, sau đó nhận lấy đồ lặn từ tay anh ấy rồi vào phòng thay.
Trước khi xuống nước, anh ấy nhắc đi nhắc lại với tôi: “Khi đeo kính lặn, mũi sẽ bị kẹp lại, em phải từ bỏ chiếc mũi của mình, dùng miệng để hô hấp.”
“Lát nữa, sau khi xuống đó rồi chúng ta sẽ không nói chuyện, chỉ dùng tay ra dấu.” Anh ấy nấm 4 ngón tay lại, ngón cái chỉ lên, “Nếu em cảm thấy khó chịu thì làm như vậy, chúng ta sẽ lên. Ngón cái hướng xuống có nghĩa là có thể xuống tiếp nữa.”
“Tôi luôn ở bên cạnh, em không cần phải sợ, lặn và bơi không liên quan gì nhau, em có bình dưỡng khí.”
Tôi mặc niệm những câu này trong lòng mấy trăm lần, thế mà trước khi xuống nước vẫn vô cùng khẩn trương.
“Lỡ như em không nổi lên được thì phải làm sao?” Tôi hỏi.
“……..”
Nước vừa qua đầu, tim liền đập nhanh, huyết dịch gia tăng tuần hoàn, sau đó cần khí Oxi. Tôi hít vào bằng mũi theo quán tính, nhưng mũi đã bị kẹp lại rồi, không hít được gì cả, lập tức tay chân hoảng loạn, tôi bắt đầu giãy giụa. Sau đó, Mộ Thừa Hòa kéo tôi lên, tôi túm lấy anh ấy một cách bất lực, sau khi phun ống hô hấp trong miệng ra, tôi hít hà không ngừng, rồi nhụt chí nói: “Em không chơi nữa.”
Anh ấy cười, “Quan trọng là đừng khẩn trương, nhớ hô hấp bằng miệng.”
Đợi khi tôi đã bình tĩnh, luyện tập cách hô hấp xong, chúng tôi lại xuống nước.
Lần này rất thành công! Dưới đáy nước, anh ấy nắm lấy tay tôi. Thỉnh thoảng nhìn thấy cá nhỏ bơi lội thảnh thơi qua người mình. Tôi cảm tưởng như mình cũng đã biến thành một con cá. Con cá này tuy rất ngu, cũng không biết bơi, nhưng nó lại có thể hít thở tự do dưới nước, còn có thể nhìn thấy rõ rang cảnh vật dưới biển.
Lúc ra khỏi nước, tôi kích động không tả được, tôi không ngừng nói với Mộ Thừa Hòa tôi đã nhìn thấy gì, đã sờ được gì, mắt có cảm giác gì, tai có cảm giác gì. Mộ Thừa Hòa im lặng mỉm cười nghe tôi nói.
Một anh A trên thuyền nói: “Cô bé, em sẽ yêu cảm giác này.”
Sau đó, chúng tôi lại ngồi thuyền đi đến một vùng biển xa hơn.
“Cảm giác sẽ khác hơn sao?” Tôi tò mò.
“Ừm. Nước trong hơn, cá nhiều hơn, và lạnh hơn khi nãy, cho nên mới bắt em mặc đồ lặn.”
“Em có thể xuống đến đáy biển không?”
“Tốt nhất là nên từ từ thôi, nếu cơ thể em không chống chịu nổi, nhất định phải ra dấu ngay, đừng cố gượng.”
“Chỗ này sâu bao nhiêu?”
“Mười mấy mét.”
“Lúc nãy em xuống đến bao nhiêu?”
“Ba bốn mét.”
“……..”
“Thầy lặn được sâu nhất là bao nhiêu?”
“Thông thường khoảng hai mươi mét, sâu nhất thì chưa từng thử, để lần sau thử xem.”
“Thầy….. tốt nhất đừng thử.”
“Em sợ tôi xuống đó rồi không bò lên được sao?” Anh ấy cười.
“Hơi hơi.” Tôi thành thật.
Nước biển rất xanh, ngoài những gợn sóng ra thì nó trông yên tĩnh vô cùng. Đất liền ở cách chúng tôi không xa, dưới chân là nước biển, buông mắt nhìn xa, có thể thấy được thuyền cá ở phía đường chân trời.
Chúng tôi xuống nước trước, sau đó họ mới đưa bình dưỡng khí xuống.
Mộ Thừa Hòa nắm tay tôi, khóe môi cong lên, anh ấy nói: “Tiểu cô nương, hoan nghênh em đến tham quan nội tâm của biển cả.”
(7)
Thể lực của tôi không chống chịu nổi, không bao lâu đã phải lên thuyền nghỉ ngơi, sau đó thoa kem chống nắng, tôi nói với Mộ Thừa Hòa: “Thầy có cần không? Sẽ đen đó.”
Anh chàng A trên thuyền nói: “Đàn ông đen một chút càng thêm gợi cảm.” Sau đó gương mặt đen của anh ta túm lại cười hì hì, lộ ra hàm răng trắng tinh.
Anh chàng B trên thuyền lại nói với tôi: “Chắc tại em không biết thôi, Mộ Thừa Hòa phơi kiểu nào cũng không đen.”
Tôi quay qua hỏi anh ấy: “Phơi không đen thật sao?”
“Đừng nghe họ nói bừa, sao mà không đen được chứ.”
Đến giờ ăn trưa, tôi mới biết thật ra không phải anh ấy phơi mãi không đen, mà là cho dù có đen cách mấy, lột da ra thì anh ấy sẽ trắng trở lại.”
“Chắc chắn là thầy tuổi rắn.” Tôi kết luận.
“Vậy em chắc tuổi cua.” Anh ấy nói.
“Tại sao?”
“Lúc nãy dạy em lái xe, con đường rộng hai mưới mấy mét mà còn không đủ một mình em chạy.”
“………..”
Buổi chiều, chúng tôi đến một đảo nhỏ ở bờ bên kia. Trên đảo có một bãi tắm thiên nhiên, mùa này đang nhằm mùa nghỉ mát, du khách đến đây rất nhiều. Hai chúng tôi chỉ dùng nửa tiếng đồng hồ để đi vòng qua đảo. Tôi còn phát hiện, trên đảo này ngoài nhà vệ sinh công cộng và bến tàu ra, thì kiến trúc duy nhất còn lại chính là tòa nhà có hình dáng như con thuyền này.
“Đây là gì vậy?”
“Khách sạn.”
“Khách sạn? Có người đến đây ở sao?”
“Ừm, nghe nói khách đông thường xuyên. Tối nay chúng ta cũng ở đây.”
“Chúng ta không về sao?”
“Trễ quá rồi, lát nữa là hết thuyền rồi.” Mộ Thừa Hòa nói xong thì hỏi lại, “Em muốn về?”
Tôi vội lắc đầu như cái trống lúc lắc, sao lại muốn về chứ.
Mộ Thừa Hòa ở phòng kế bên, tất cả các phòng trong khách sạn này đều nhìn ra được biển cả. Bên dưới là một hồ bơi nước ngọt, trẻ con đang đùa giỡn dưới đó, tiếng cười con nít hòa lẫn vào nhau, làm cho người nghe cũng vui lây.
Bãi tắm buổi sang giờ đây đã hoàn toàn biến thành một cảnh tượng khác dưới ánh hoàng hôn.
Đại đa số những du khách đều đã rời khỏi đảo, những người còn lại đều trú lại trong khách sạn. Bên lề đường là những hàng ăn hải sản, ở một bên khác là sân khấu, có hẳn màn hình và đèn chiếu. Một ban nhạc đang biểu diễn trên đó, người hát chính đang cầm micro nhìn ra biển lớn rống hát.
Người thì ngồi ở bên dưới uống rượu. Người thì gọi hàng ăn, bày ra ngồi ăn ngay bên dưới sân khấu.
Đến lúc này tôi mới biết hóa ra người ở lại trong khách sạn thật sự rất nhiều.
Dùng một ít thức ăn xong thì tôi chạy ra bãi biển, nằng nặc nói muốn xem mặt trời lặn. Nhưng không ngờ phương hướng bị sai, thế là tôi mãi đuổi theo ông mặt trời, chạy vòng quanh đảo.
“Không xem được đâu.” Mộ Thừa Hòa cười.
“Vòng qua bên kia đảo chắc chắn sẽ xem được.” Tôi không phục, nhưng cũng không ở lại cãi lý với anh ấy, chỉ sợ vài phút nữa thôi mặt trời sẽ lặn mất. Thế là bỏ dép ra, vừa chạy vừa nói, không thèm quay đầu lại: “Cầm giày giúp em, em đuổi theo.”
Một mình Mộ Thừa Hòa dạo bước thong thả ở phía sau. Đợi đến khi tôi hì hục chạy đến phía tây của ngọn đảo, mới biết được hóa ra những lời Mộ Thừa Hòa nói là đúng. Bên ngoài bãi biển là biển, và đầu bên kia của biển chính là chỗ đất liền mà chúng tôi đã ngồi thuyền đến đây. Mặt trời màu cam vàng đang từ từ chìm xuống núi. Sao tôi lại không nghĩ ra chứ, cả đường biển này đều ở phía đông của đất liền, do đó không thể nào nhìn thấy cảnh mặt trời lặn. Tôi rầu.
Đến khi nhìn thấy Mộ Thừa Hòa từ từ bước thong dong tới, còn mang nụ cười thắng lợi, tôi càng thêm rầu.
Tôi đi trở về, lấy lại dép từ tay anh ấy, đột nhiên cảm thấy mình mới giống như một con chó con, còn anh ấy là chủ nhân vứt đĩa bay. Tôi hì hục chạy đi nhặt đĩa bay, còn anh ấy thì ở phía sau nhìn tôi cười.
“Lần sau chúng ta đến một đảo xa đất liền hơn, chắc lúc đó em sẽ không phải thất vọng nữa.” Mộ Thừa Hòa nói.
Chúng tôi trở về chỗ bán đồ nướng khi nãy.
Bắp nướng ra có màu vàng kim, theo lời thỉnh cầu tha thiết của tôi, người ta đã bôi lên đó rất nhiều ớt. Tôi cắn vào một miếng xong hô lên đã quá.
“Ngon thật! Đó giờ không biết bắp nướng ra lại có thể ngon đến thế.”
Tôi ăn được một lúc, phát hiện Mộ Thừa Hòa cứ nhìn tôi, thế là tôi chỉ chỉ trái bắp: “Có muốn thử không?”
Mộ Thừa Hòa vừa cười vừa xua tay, “Cay đến vậy, sao mà ăn được.”
Sau đó, tôi hí hửng giao hết thức ăn cho Mộ Thừa Hòa bảo quản, một mình chạy ra ngoài đạp nước.
Một ngọn sóng đập vào, đôi dép lê của tôi bị nước cuốn đi, tôi vừa kêu vừa chạy theo sóng, một hồi mới nhặt lại được đôi dép, đặt gọn gàng sang một bên. Lát sau, phát hiện chúng lại rất bi kịch mà bị sóng cuốn đi nữa.
Cứ thế hết mấy lần, tôi cũng chơi đã rồi, bèn chạy trở về ngồi xuống bên cạnh Mộ Thừa Hòa, tiếp tục ăn bắp nướng.
Đến khi tôi chuyển sự chú ý ra biển mới biết rằng, trời đã tối hẳn rồi.
Tận cùng của biển có vài điểm sáng nhấp nhô, trông như một chuỗi dạ minh châu bị thả trôi trên mặt biển vậy.
“Những đốm sáng đó là gì? Thuyền cá?” Tôi hỏi.
“Hình như vậy.”
Gió biển thổi đến, xua tan khí trời mùa hè, mang đến cảm giác tươi mát.
Sóng cứ chảy lăn tăn vào bờ, dần dần tiến đến gần chúng tôi hơn.
“Thủy triều lên rồi.” Tôi nói.
“Ừm.” Anh ấy nói.
“Đang nghĩ gì?” Tôi hỏi.
“Tôi đang nghĩ,” Mộ Thừa Hòa nói: “Nếu như bây giờ có một điếu thuốc, cảm giác chắc sẽ khá lắm.”
“……..”
“Thật không muốn trở về, tối nay em sẽ ngủ ở đây.” Tôi thả người nằm xuống bãi cát, mặc kệ cát có dính vào tóc hay không, có luồn vào quần áo hay không.
Vô vàng ngôi sao đang treo trên bầu trời đêm sâu thẳm.
“Như vậy thoải mái hơn.” Tôi nói.
Anh ấy ngẩng đầu nhìn lên trời, sau đó nghe theo ý kiến của tôi, cùng nằm xuống.
“Em chỉ biết 7 ngôi sao Bắc Đẩu thôi, những ngôi sao khác đều không biết.” Tôi nói.
“Em thuộc chòm sao gì?” Mộ Thừa Hòa hỏi.
“Thiên Yết.”
“Vậy thì may mắn thật, cung Thiên Yết là chòm sao sáng nhất vào mùa hè.”
“Bây giờ có thấy được không?” Tôi hứng khởi.
“Ngôi sao rất sáng kia kìa, đó là một trong những ngôi sao trong cung Thiên Yết.” Mộ Thừa Hòa chỉ tay lên trời.
Dưới ánh mặt trăng, tôi nhìn thấy trên cánh tay của anh ấy có một vết thương, dài khoảng một tấc. Tay áo của anh ấy vừa đủ che lại nên tôi không hề phát hiện ra, cho đến bây giờ khi anh ấy nằm trên bãi cát, chỉ tay lên trời, tay áo tụt xuống, vết sẹo đó mới lộ ra ngoài.
“Á? Cái này bị làm sao vậy?”
“Vết dao.”
“Vết dao?” Tôi đang tiêu hóa hai chữ này.
“Bị người ta chém.” Anh ấy nói.
Tôi trợn to mắt, quay qua nhìn anh ấy, “Không phải chứ?” Sao lại… sao lại như thế được.
“Không gạt em đâu. Lúc còn đi học ở Nga, trong đường hầm ở trạm tàu điện ngầm, có ba bốn đứa trẻ độ mười mấy tuổi cùng tấn công tôi. Khi nhát dao đầu tiên đâm tới, tôi đã đưa tay lên đỡ theo quán tính.”
“Tại sao?”
“Ở Nga, đặc biệt là trong những thành phố lớn luôn có một số đoàn thể, họ thù…..” Anh ấy chần chừ một lúc, hiển nhiên là đang suy nghĩ từ ngữ, “Thù người đến từ nơi khác, do đó họ công kích những người nước ngoài đi một mình ở những nơi vắng vẻ. Tôi ở chung với thầy Trần của các em, hôm đó đúng lúc thầy ấy bị bệnh, nửa đêm tôi đi mua thuốc cho thầy ấy, phải đi ngang qua đó.”
“Vậy sau đó?”
“Cũng may có cảnh sát đi qua, họ liền giải tán.”
“Nguy hiểm vậy sao, nhưng sao em chưa từng nghe thầy nói họ không tốt.” Tôi bất giác lấy ngón trỏ sờ lên vết thương ấy.
“Tôi cũng chưa từng nói họ tốt đến cỡ nào.” Anh ấy cười, “Đối với mọi việc mọi vật, bình luận đều phải đứng ở vị trí khách quan. Hơn nữa, một người không thể oán trách và khinh thường nơi đã mang đến cho mình tri thức và những kinh nghiệm đáng quý.”
Tôi im lặng ngồi căn bắp, chợt nhớ ra một chuyện, liền cho anh ấy xem cù chỏ của mình, “Em cũng có một vết sẹo ở đây.”
Anh ấy nghe vậy, chồm đầu qua xem.
“Lúc còn nhỏ, ba em là công nhân trong xưởng, mẹ sống với em ở dưới quê. Vì muốn tiện việc đưa đón em đến nhà trẻ, mẹ đã mua một chiếc xe đạp. Trước cửa nhà em có một khe nước, rộng cỡ này,” Tôi diễn tả khoảng cách một thước hơn ấy, “Em ngồi ở yên sau. Lần đầu tiên mẹ chở em về nhà thì trời mưa, lúc chạy đến bên khe nước, mẹ nói: ‘Đồng Đồng, mẹ thấy chúng ta không cần xuống xe cũng chạy qua được’. Em chẳng hiểu gì cả, chỉ biết ôm lấy eo của mẹ, gật đầu ngây ngô. Cuối cùng…..”
“Cuối cùng mẹ em chạy qua được thật, nhưng em thì không?” Mộ Thừa Hòa hỏi.
“Đúng vậy đúng vậy. Sao thầy biết thế?” Tôi không nhịn được, ngồi cười khanh khách một mình.
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi với vẻ rất hứng thú. Sáng nay phơi dưới tia tử ngoại, giờ đây sóng mũi và gò má của anh ấy đều đang bắt đầu ửng đỏ. Đột nhiên, tôi phát hiện tư thế của chúng tôi hiện giờ rất mập mờ. Một nam một nữ nằm trên bãi cát, vốn dĩ chính giữa có một khoảng cách, nhưng chúng tôi trò chuyện nhập tâm quá, bất giác đã chụm vào nhau. Tôi hốt hoảng ngồi dậy, để che đậy sự ngượng ngùng, tôi đưa cây bắp nướng cho anh ấy.
“Em chỉ mới ăn có một bên thôi, bên kia chưa ăn, thầy thử đi.”
Ngờ đâu cử động này của tôi đúng lúc làm cho những hạt cát dính trên tay bị gió biển thổi bay vào mặt anh ấy.
“Cát bay vào mắt rồi.” Anh ấy chớp chớp mắt, chắc vẫn cảm thấy khó chịu chăng, anh ấy định dùng tay dụi.
“Đừng dụi! Để em xem.” Tôi vứt trái bắp đi, cúi đầu nhìn mắt của anh ấy.
Nhờ ánh sao sáng, tôi nhìn thấy lông mi của anh ấy bị vướng vài hạt cát, thế là chống tay trên mặt đất, thổi một cái vào mắt của anh ấy, tôi kiểm tra lại, vẫn chưa đi, thế là lại thổi thêm hai cái. Cuối cùng, tôi hài lòng nói: “Xong rồi.”
Lông mi của anh ấy hơi lay động, sau đó, đôi mắt ấy mở ra, dưới màn đêm, nó càng thêm sáng. Ánh mắt của anh ấy lướt qua đôi mắt của tôi, sóng mũi của tôi, cuối cùng lưu luyến trên bờ môi của tôi, không chịu rời khỏi.
Tôi chợt có một dự cảm bất an, “Sao vậy? Có phải lại không nghe thấy em……”
Đột nhiên, tay của anh ấy để ra sau ót tôi, kéo tôi đến gần mặt anh ấy. Cử động đột ngột này cướp mất nửa câu nói còn lại của tôi. Tôi kinh ngạc, chỉ đành nằm trên lồng ngực của anh ấy, tóc bên mang tai cũng xõa xuống. Anh ấy hơi ngưỡng đầu lên, hôn tôi. Lần đầu tiên giống như là dò thám, anh ấy chỉ chạm nhẹ lên môi tôi một cách cẩn thận. Tôi phản ứng không kịp, miệng mở ra, tròn xoe mắt, bộ máy trong đầu giống như đầu đĩa bị bấm ngưng, phút chốc chết hình. Đừng nói là suy nghĩ, ngay cả nhịp tim cũng đã tiêu biến.
Mộ Thừa Hòa nhìn tôi sâu sắc, trong mắt có làn sóng gợn, tiếp đó, từ từ, anh ấy nghiêng mặt qua, lại hôn một lần nữa. Âm thanh cuối cùng lưu lại trong đầu tôi là lời nói của anh ấy.
“Em có thể nhắm mắt lại.”
Giây phút ấy, gió biển lướt qua người, ánh sao đêm rực rỡ.
Danh sách chương