- Con Thiên đâu, rót nước mang ra đây.

Tôi đang lúi húi nấu nướng trong bếp, nghe tiếng mẹ chồng gọi thì vội vàng lau tay vào tạp dề rồi rót hai cốc nước mang ra ngoài phòng khách. Tôi cứ nghĩ hôm nay bạn của mẹ chồng đến chơi, nhưng lúc ra đến nơi mới thấy người đến chẳng phải ai xa lạ mà là Nguyệt - em gái mưa của chồng tôi… Nụ cười đang nở sẵn trên môi tôi bỗng chốc cứng ngắc.

- Con mời mẹ uống nước ạ, mời Nguyệt.

Mẹ chồng tôi đang tươi cười xem tạp chí với Nguyệt, nghe thấy giọng tôi thì bỗng nhiên trở nên khó chịu, bà nói:

- Gớm, nhờ chị rót cho cốc nước mà mặt chị như đưa đám thế kia thì ai dám uống. Cái Nguyệt lâu lâu mới đến chơi chứ có gì mà chị phải tỏ ra như thế nhỉ? Không rót được thì thôi, để đó tôi rót.

- Không ạ. Con đang bị đau bụng chứ không có ý gì cả đâu ạ.

- Tôi còn lạ gì chị nữa, chị lâu nay vẫn ghen tức với Nguyệt vì nó quen thân với nhà này nên lần nào nó đến chị chẳng viện cớ khó chịu với nó. Tôi bảo chị này, bây giờ chị lấy thằng Phong rồi nhưng nó ngoài vợ thì còn phải có thêm mối quan hệ khác. Đàn bà thì đừng có nhỏ mọn ích kỷ, phải khôn phải khéo vào thì mới giữ được chồng. Chứ suốt ngày ghen ăn tức ở thì sớm muộn nó cũng mệt mỏi rồi đi kiếm người khác thôi.

Nguyệt ngồi bên cạnh nghe mẹ chồng tôi nói thế thì nhếch môi cười khẩy, cô ta ôm lấy tay mẹ chồng tôi, thỏ thẻ khuyên can:

- Dì đừng mắng chị Thiên nữa, chắc chị ấy bị đau bụng thật nên mới thế. Thôi để con vào pha nước cam cho dì nhé. Dì hay đau dạ dày mà uống nước lạnh thế này cũng không tốt.

- Đấy, chỉ có con là tốt với dì thôi, không như ai kia, mặt mày suốt ngày sưng sưng sỉa sỉa.

- Kìa dì.

- Dì nói không đúng à mà con còn bênh. Đấy, nãy giờ nói chuyện mà nó cũng cứ im im như thóc ngâm ấy. Đúng là con dâu mà đối xử với mẹ chồng chẳng bằng người dưng.

Từ khi tôi lấy chồng về đây, mẹ chồng không ưng tôi nên tôi có làm gì thì bà cũng không thấy vừa mắt. Tôi quen rồi nên cũng không để bụng so đo với bà nữa, người già khó tính là chuyện bình thường, huống hồ con trai bà giỏi giang đẹp trai ngời ngời như thế, chấp nhận lấy một đứa chẳng có gì tương xứng như tôi, bà không hài lòng cũng là phải thôi.

- Con vào pha nước cam cho mẹ đây ạ. Mẹ cứ ngồi đấy nói chuyện với Nguyệt rồi tý con mang ra. Mẹ có cần gì thì gọi con.

Nói xong, tôi không chờ mẹ chồng trả lời mà quay người đi xuống bếp, lát sau đang vắt nước cam thì Nguyệt đi xuống, cô ta khoanh tay trước ngực, bĩu môi bảo tôi:

- Ôi giời, ngày nào chị cũng pha nước cam thì dì Ân cũng chẳng thích chị đâu. Anh Phong cũng thế. Nói chung là có những cái cố gắng thì đạt được, nhưng mà cũng có nhiều thứ nỗ lực đến đâu thì cũng vô ích thôi.

- Thế à? Tôi cười cười, tỏ vẻ không quan tâm đến cô ta, tiếp tục vắt cam:

- Còn hơn có những người bày đủ mọi thủ đoạn cũng không đạt được thứ mình cần.

- Chị…

- Chị cái gì? Tôi chẳng cần biết trước cô thích anh Phong hay là có quan hệ thân thiết kiểu gì với nhà tôi, nhưng bây giờ chồng tôi đã là người có vợ, mong cô tự trọng đi một tý. Suốt ngày đến đây bám dính lấy nhà tôi thì cũng không ra gì đâu.

Nguyệt thích chồng tôi lâu rồi, tôi cũng chẳng biết trước kia cô ta với Phong có chuyện gì nhưng tôi biết cô ta rất ghét tôi. Mà tôi thì cũng chẳng phải loại hiền lành cam chịu gì, tốt với tôi thì tôi tốt lại, còn ghét tôi thì tôi cũng chẳng cần phải tử tế. Thế nên, lúc nghe tôi nói thẳng thừng như vậy, cô ta tức lắm, nghiến răng kèn kẹt:

- Nói là vợ anh ấy mà không thấy xấu hổ à? Lừa anh ấy lên giường thì vẻ vang lắm chắc? Có chắc anh ấy thích chị không hay chỉ cưới chị về cho bố anh ấy vui thôi? Tôi bảo này, bớt tự mãn đi, một ngày nào đấy chứng kiến chồng mình ngủ với người khác lại sốc đấy.

- Làm được rồi hẵng hay. Tránh ra.

Tôi cầm hai cốc nước cam đầy ắp, không để ý đến cô ta nữa mà thản nhiên đi qua người Nguyệt rồi mang lên nhà, đặt trước mặt mẹ chồng:

- Nước cam đây ạ, mẹ uống đi.

- Không dám. Tôi không có phúc ấy.

- Uống nước cam nhiều, nó lên men trong dạ dày không tốt đâu mẹ ạ. Mẹ uống một cốc nước trắng rồi hãy uống nước cam nhé. Con đi nấu cơm đây.

Tôi biết rõ ràng nước cam có nhiều acids nên không tốt cho dạ dày, nãy nghe Nguyệt nói thế tôi vẫn im im như không có gì, pha xong mới nói cho mẹ chồng việc dạ dày bà nên uống ít nước cam, để xem bà như thế nào. Ai ngờ bà vẫn bênh cô ta ra mặt, cầm cả cốc nước đổ vào sọt rác trước mặt tôi, tôi cũng không nói gì nữa, đi thẳng vào trong bếp.

Mùa này, đứng trong bếp nấu nướng một lúc thì mồ hôi nhễ nhại, trên nhà lại nghe văng vẳng tiếng cười nói của Nguyệt và mẹ chồng, tôi khó chịu trong người nhưng cũng không biết làm thế nào cả, cuối cùng lơ đãng thế nào mà tay không bắc cả nồi canh nóng xuống, bỏng hết cả hai bàn tay.

Nhìn bàn tay trước kia chưa từng phải nấu nướng của mình, bây giờ đầy vết sẹo vì bị đứt lẫn bị bỏng, móng tay dính đầy dầu mỡ và mùi hành tỏi, tôi đứng dưới vòi nước, lặng lẽ cười buồn.

Trước đây khi gia đình tôi chưa tan vỡ, tôi cũng được bố mẹ nuông chiều như một tiểu thư chính hiệu, đôi tay này ngoài cầm bút và chơi đàn ra thì chưa bao giờ phải làm bất kỳ việc gì nặng nhọc, vậy mà bây giờ chỉ qua một thời gian ngắn, tôi như biến thành một người hoàn toàn khác. Mạnh mẽ hơn, kiên gan hơn, bận rộn hơn, và biết ngấm ngầm chịu đựng nhiều hơn…

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác tuyệt vọng khi ấy, lúc tôi ngồi trong nhà tang lễ khóc đến đứt từng đoạn gan ruột, khóc đến mức cổ họng khản đặc không thể phát ra bất cứ âm thanh gì. Ngày đó, những người luôn xum xoe nịnh nọt khi gia đình tôi có tiền đều không một ai xuất hiện, cũng chẳng còn người thân nào bên cạnh mà chỉ có một mình bác Nhân, cũng là bố chồng tôi bây giờ an ủi tôi:

- Cháu phải mạnh mẽ lên. Bây giờ bố mẹ cháu ở trên trời cũng mong cháu sống thật tốt, sống thật vui vẻ khỏe mạnh. Buồn một thời gian thôi nhé, chuyện gì cũng sẽ nguôi ngoai thôi.

- Cháu… không biết… nữa. Bố mẹ cháu… mất rồi. Cháu sống với ai… nữa… bây giờ. Sống với ai nữa bây giờ…

- Cháu còn có bác, còn chị gái cháu nữa. Cháu phải cố lên, có chuyện gì thì vẫn có mọi người ở đây. Không ai bỏ rơi cháu cả.

Nhắc đến chị gái, tôi lại càng đau lòng gào khóc to hơn, không phải đau lòng vì lễ tang của cả bố lẫn mẹ mà chị không đến, mà là vì chồng của chị chính là người đã đẩy gia đình tôi đến bước đường ngày hôm nay. Anh rể đã cướp toàn bộ gia sản của gia đình tôi, ép bố mẹ tôi phải nhảy lầu tự tử.

Nghĩ đến cảnh bố mẹ mình đến khi chết rồi cũng không nhắm nổi mắt, lồng ngực tôi lại đau thắt lại, đau không thể thở được. Tôi gần như kiệt sức, không còn nơi nào để đi, cũng chẳng còn nhà để về, bây giờ bố mẹ chết rồi, tài sản cũng bị cướp hết, tôi trở thành một kẻ mồ côi không nhà không cửa, ngay cả lễ tang này cũng là do bác Nhân đứng ra tổ chức giúp cho tôi.

- Cháu không còn ai cả, bác ơi, cháu không còn ai nữa… Cháu cũng… không có nhà… mà về nữa rồi. Nhà bị… xiết nợ rồi.

- Không sao, về nhà ở với bác, có bác gái với em Thanh nữa. Nhà nhiều phòng để không, cháu cứ dọn đồ đến ở là được.

Tất nhiên là mới đầu, tôi từ chối.

Những tháng ngày sau khi bố mẹ mất, tôi đơn độc chống chọi với cảm giác toàn bộ thế giới sụp đổ, cảm giác ngã ngựa từ voi xuống chó, tất cả mọi người thân đều ngoảnh mặt quay lưng, tiền bạc không có, cuối cùng, tôi suy sụp bỏ ngang Đại học.

Ngày bác Nhân biết tôi không chịu đi học nữa, bác ấy đã khuyên nhủ rất nhiều, thậm chí còn mắng cho tôi một trận.

Trước bố tôi còn sống cũng đi bộ đội, bác Nhân với bố tôi ngoài tình đồng đội ra còn thân thiết với nhau như anh em. Sau này bố tôi xuất ngũ đi buôn hoa quả, có tiền rồi lấn sân sang bất động sản rồi mở công ty, bác Nhân thì vẫn ở lại quân đội, bây giờ đã làm đến cấp Tướng rồi nhưng vẫn qua lại với nhà tôi suốt.

Đến bây giờ khi gia đình tôi trở nên thế này, họ hàng người thân sợ liên lụy nên không ai ngón ngàng, chỉ có người đồng chí năm xưa là sẵn sàng giúp đỡ gia đình tôi đến tận cùng nghĩa tử.

- Sao cháu lại bỏ ngang Đại học? Có thế nào cũng phải học hành đàng hoàng chứ, sao cháu lại bỏ ngang? Công sức bố mẹ nuôi cháu mười mấy năm trời thì sao? Cháu không nghĩ à?

- Cháu xin việc làm thêm ở ngoài rồi ạ.

Tôi không muốn nói với bác ấy, tôi bỏ học một phần bởi vì không có tiền. Bác Nhân vẫn cho tôi tiền nhưng tôi không lấy, tôi không muốn đã nợ còn thêm nợ, tôi sợ không trả được.

- Sao cháu lại đi làm thêm? Cháu cứ đi học bình thường, việc tiền nong bác sẽ lo. Có thế nào cũng vẫn phải đi học chứ. Ngày mai cháu chuyển về nhà bác, không ở trọ nữa. Ở đây bác gái nấu cơm cho ăn, cháu ở ngoài ăn uống linh tinh, mới một tháng mà đã gầy rạc đi rồi.

- Cháu không sao đâu, bác đừng lo. Cháu ở nhà thuê tốt lắm.

- Bây giờ bố cháu không còn, cháu cứ coi bác như người thân, không phải ngại với bác. Trước khi bố cháu mất đã gửi gắm bác chăm sóc cháu, bác không muốn cháu ở ngoài. Lỡ cháu có việc gì thì sau bác chết đi cũng không dám nhìn mặt bố cháu.

- Bác đừng nghĩ thế, cháu lớn rồi, cháu tự lo được mà. Bác cứ yên tâm, cháu sẽ không sao đâu.

- Người lớn nói cháu phải nghe lời. Cháu cứ đến ở nhà bác đi, bác bảo bác gái dọn phòng cho cháu rồi.

Cấp Tướng ở trong quân đội to lắm, cả người mỗi động tác giơ chân nhấc tay đều toát lên phong thái quân nhân, lời nói ra ai cũng phải răm rắp nghe theo, tôi cũng thế. Từ nhỏ tôi đã ngưỡng mộ bác Nhân, ngoài sự ngưỡng mộ còn có cả kính trọng. Bây giờ bác ấy đã kiên quyết như thế thì tôi không dám từ chối nữa, cuối cùng phải dọn đến ở nhà bác ấy, và cũng từ đây tôi bắt đầu nung nấu rắp tâm trở thành vợ một người.

Bác Nhân ở trong doanh trại suốt nên ở nhà chỉ có tôi, bác gái và em chồng tôi bây giờ, ngoài ra còn có Phong nữa. Phong là con trai đầu của bác Nhân, từ nhỏ đến lớn học rất giỏi, anh còn được học bổng du học toàn phần ở Úc nên mới về nước được ba bốn năm thôi, giờ đang làm CEO cho một chi nhánh công ty có trụ sở ở nước ngoài rồi. Ngày nhỏ vì hai gia đình quen nhau nên tôi với Phong cũng gặp gỡ vài lần, từ khi tôi đến ở thì chạm mặt anh cũng không nhiều vì anh đi làm suốt, đêm muộn mới về nhà.

Sau một thời gian ở nhà bác Nhân, tôi phát hiện ra nếu như muốn đòi lại tất cả những thứ mà anh rể đã cướp trắng của gia đình mình, tôi buộc phải có nơi để cậy nhờ. Bây giờ tôi thân cô thế cô, một xu cũng không có chứ đừng nói là có thể ra toà kiện được, mà Phong thì vừa giỏi vừa nhiều tiền. Thế là tôi muốn lợi dụng anh để đòi lại mọi thứ cho tôi.

Năm ấy, tôi mới hai mươi tuổi nên suy nghĩ cực kỳ nông cạn, tôi gạt sang một bên mọi ân tình của bác Nhân với gia đình tôi mà nhất quyết dùng đủ thủ đoạn để thực hiện dã tâm của mình. Tôi lên mạng tìm mua một loại thuốc mê dạng lỏng, sau đó chờ đến một hôm Phong đi tiếp khách bên ngoài về say rượu, tôi giả vờ mang cho anh một cốc nước ấm, đợi Phong ngấm thuốc rồi đỡ anh lên giường.

Đêm ấy, chúng tôi không hề làm gì cả nhưng sáng hôm sau khi Phong tỉnh dậy, trên người của anh và tôi đều không một mảnh vải, quần áo rơi vung vãi dưới sàn nhà.

Anh hốt hoảng nhìn tôi rồi lại nhìn cốc nước hôm qua vẫn còn để trên bàn, cuối cùng cười nhạt:

- Em muốn gì hả Thiên?

Không uổng công là người học rộng biết nhiều, trong hoàn cảnh thế này mà vẫn ăn nói bình tĩnh như thế. Tôi đoán Phong tỉnh dậy cũng thừa biết tôi bỏ thuốc anh rồi, thế nên tôi cũng bình thản nhặt từng thứ quần áo mặc vào người, tôi nói:

- Giờ đã thế này rồi, anh còn hỏi em muốn gì là sao? Theo anh thì bây giờ đời con gái của em mất trong tay anh rồi, em còn muốn gì được nữa?

- Tôi hỏi lại một lần nữa, em muốn gì?

Muốn tiền, muốn tiền phát điên lên được. Có tiền mới kiện được lũ khốn nạn kia ra tòa, có tiền mới có quyền. Nhưng tôi không thể nói thế được, cuối cùng tôi đáp:

- Em không muốn gì cả, coi như không có gì cả đi.

Vừa nói dứt lời thì cửa phòng mở ra, mẹ chồng tôi chắc thấy con trai hôm nay không dậy sớm đi làm nên lên phòng gọi. Bà vừa nhìn thấy chúng tôi quần áo xộc xệch trên giường thì kêu toáng lên:

- Ôi trời ơi, hai đứa chúng mày làm gì thế này?

- Cháu…

- Thiên, cháu ở trong đây làm gì? Sao cháu lại ở trong này? Ở trong này từ lúc nào, mới vừa vào thôi phải không?

Tôi cúi gằm mặt không nói gì, nói chung trong lòng đã chuẩn bị tinh thần sẵn cho tình cảnh này rồi nhưng bây giờ vẫn cảm thấy xấu hổ không sao ngẩng đầu lên được. Ai mà ngờ một đứa con gái được nuông chiều, tiêu tiền không phải nghĩ như tôi cũng có ngày đê tiện đến mức này. Đê tiện đến mức vứt sạch cả liêm sỉ của bản thân.

- Cháu trả lời đi xem nào? Sao cháu lại ở đây? Tối qua cháu với thằng Phong làm gì? Trả lời đi xem nào.

- Cháu… xin lỗi…

- Nhà tôi thấy cháu đáng thương nên cưu mang, thế mà giờ cháu dụ dỗ con trai mà tôi thế này à? Đúng là nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Cháu làm thế mà được à? Đàn bà con gái chui vào phòng đàn ông để làm gì? Muốn dụ dỗ nó hay làm gì?

Mẹ chồng tôi ngày trước cũng buôn bán nhỏ, nhưng từ khi bố chồng làm đến cấp cao thì nghỉ, chỉ ở nhà nội trợ. Với bà, Phong là niềm hy vọng và tự hào lớn nhất, tôi lại chỉ là một đứa tứ cố vô thân, bà không muốn con trai bà dính dáng đến tôi.

- Sao không nói được à? Bây giờ cô dọn đồ đi ngay, đi ngay cho khuất mắt tôi. Nhà tôi không thể nuôi loại người lấy oán trả ơn như cô nữa. Đi ngay.

- Vâng.

Tôi xấu hổ đứng dậy định đi, không ngờ vừa đi được hai bước thì Phong đột nhiên nói:

- Mẹ, thôi đi.

- Thôi cái gì, con làm sao đấy? Mẹ còn chưa hỏi đến con đâu. Con đừng tưởng giờ lớn rồi thích làm gì cũng được. Mẹ không đồng ý cho con có bất kỳ quan hệ gì với con Thiên đâu, con dâu nhà này phải đàng hoàng tử tế. Không có cái chuyện vớ vẩn như thế được.

Mẹ chồng mắng Phong xong lại quay sang chỉ tôi:

- Tôi nói cho cô biết, thằng Phong phải lấy người môn đăng hộ đối với nó, nhà tôi thương hại cô mới cưu mang cô, cô đừng có được nước lấn tới. Tôi không bao giờ chấp nhận cô đâu, cô có ngủ với nó tôi cũng không chấp nhận.

- Cháu xin lỗi dì. Cháu biết sai rồi, cháu sẽ đi ạ, cháu sẽ đi ngay.

Phong nói:

- Không phải đi đâu cả. Cứ ở đây.

Tôi biết trước Phong là kiểu đàn ông sòng phẳng, tôi hiểu anh sẽ chịu trách nhiệm với tôi nên mới sắp đặt mọi chuyện như thế. Tôi giả vờ bất ngờ, quay đầu lại nhìn anh, còn Phong thì không thèm nhìn tôi mà chỉ nói với mẹ:

- Mẹ đừng nặng lời với người ta thế. Tối qua con gọi Thiên sang đây.

- Cái gì? Anh nói cái gì đấy? Anh bị làm sao mà dám nói với tôi như thế hả? Anh hết người để ngủ rồi à mà đi ngủ với nó? Anh định làm tôi tức chết đấy à?

- Mẹ bình tĩnh đã. Giờ mẹ cứ xuống nhà trước rồi tý nữa con xuống nói chuyện với mẹ.

- Bình tĩnh, anh bảo tôi bình tĩnh kiểu gì? Hai đứa mày làm trò vớ vẩn trong cái nhà này rồi còn bảo tôi bình tĩnh à?

- Mẹ, mẹ cứ xuống đi. Con thay quần áo.

Phong bình thường ít nói, nhưng lời anh nói ra cũng rất có trọng lượng nên mẹ chồng tôi cũng đành hậm hực xuống nhà ngồi chờ. Lúc bà vừa đi khỏi, Phong mới hỏi tôi:

- Giờ em định thế nào?

- Không định thế nào cả. Giờ ở đây cũng không ở được nữa, tý nữa em dọn đồ đi. Em xin lỗi anh.

- Em không cần phải giả vờ với tôi, em muốn gì thì cứ nói thẳng. Bây giờ mọi chuyện xảy ra như đúng ý em muốn rồi đấy, đi hay ở là tùy em.

Đi hay ở là tùy tôi, nghĩa là miễn cưỡng đến với nhau hay coi như không có chuyện gì, anh cho tôi quyền lựa chọn. Cuối cùng, khi hai chúng tôi xuống dưới nhà để nói chuyện với mẹ thì bác Nhân cũng đi thể dục từ bên ngoài về, sau khi biết chuyện, bác không nói không rằng câu nào đã đấm cho Phong một quyền chảy cả máu mồm:

- Con bé là con nhà chú Lịch đấy, nó cũng như em gái mày đấy, mày làm cái gì thế hả thằng kia? Mày không có não à?

Mẹ chồng tôi thấy thế thì vội vàng chạy lại giữ lấy tay bác Nhân, cuống lên khuyên:

- Không phải là thằng Phong đâu, tự con Thiên chạy sang phòng nó. Sao ông lại đánh con. Tại ông mang con bé kia về mới xảy ra chuyện này, ông đuổi nó đi đi, sao ông lại đánh con.

- Bà im ngay. Thằng con bà không muốn thì ai bắt được nó, bà còn bênh nó à?

Tôi nhìn Phong lặng lẽ lau máu trên miệng, cũng cảm thấy ân hận vì mình làm gia đình anh mâu thuẫn ra thế này, nhưng đã đến bước đường đó rồi thì cũng không thể quay đầu lại được, cuối cùng, tôi phải lên tiếng xin bác Nhân:

- Bác ơi lỗi là tại cháu, là cháu tự sang phòng anh Phong. Anh Phong say rượu nên không biết gì cả. Bác đừng đánh anh ấy.

- Say rượu cái gì, đàn ông cứ đổ tội cho say rượu là xong à? Cháu không phải sợ nó, hôm nay bác phải đánh cái thằng mất dạy này. Đánh cho nó thành người.

Người làm quân nhân, kỷ luật thép, con trai đã gần ba mươi tuổi đầu vẫn bị đánh như thường. Bác Nhân giận lắm, chửi ầm lên:

- Mày nghĩ cái gì thế hả thằng kia? Lương tâm mày ném đâu rồi? Giờ con gái nhà chú Lịch mày tính sao? Nó còn có một thân một mình, mày còn hại đời nó thế thì mày tính sao?

Phong im lặng rất lâu, im lặng giống như anh muốn chờ đợi quyết định của tôi, nhưng mà cuối cùng vì tôi không nói gì nên rốt cuộc, anh đành nói với bố mình, nói một cách đầy chán nản và miễn cưỡng:

- Nếu Thiên muốn cưới thì con cưới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện