Nhà họ Ngạc ở Nam Dương (tỉnh thành Hà Nam) bị hồ quấy phá, tiền bạc đồ dùng cứ bị lấy trộm, chửi mắng thì càng phá phách thêm. Ngạc có cháu ngoại là Cơ sinh, là kẻ danh sĩ, tính vốn không chịu bị ràng buộc, cứ đốt hương khấn khứa năn nỉ thay Ngạc nhưng hồ không nghe. Lại khấn khứa xin tha cho nhà ông ngoại, bảo cứ về nhà mình mà phá phách, hồ cũng không chịu, người ta đều cười. Sinh nói “Hồ có thể biến hóa thì ắt biết suy nghĩ, nên ta cố dẫn dắt cho vào đường chính", cứ hai ba hôm lại khấn khứa một lần. Tuy vẫn không hiệu nghiệm nhưng cứ sinh tới thì hồ không phá phách gì nữa, vì vậy Ngạc thường giữ sinh ngủ lại. 

Sinh đêm đêm cứ nhìn lên trời khấn khứa ngày càng thêm kiên tâm. Một hôm sinh về nhà, đang ngồi một mình trong phòng, chợt cửa phòng từ từ khép lại, sinh đứng lên kính cẩn nói “Hồ huynh tới đấy ư?”, nhưng không có tiếng động nào khác nữa. Một đêm cánh cổng tự mở ra, sinh nói "Nếu đúng là hồ huynh giáng lâm thì đó là vì tiểu sinh khấn khứa nài nỉ, ngại gì mà không cho gặp mặt?”, thì lại yên ắng, nhưng có hai trăm đồng tiền để ở đầu bàn, sáng ra nhìn tới đã mất rồi. Đến đêm sinh lại để thêm vài trăm đồng, giữa khuya nghe ngoài màn có tiếng động, sinh nói "Lại tới đấy ư? Có sẵn vài trăm đồng tiền để đó phòng khi huynh cần dùng, ta tuy không dư dả gì nhưng cũng chẳng phải loại keo kiệt, nếu huynh cần gấp để chi dùng cứ hỏi mà lấy có hề gì, cần chi phải lấy trộm?". Lát sau ra nhìn thấy chuỗi tiền bị rút mất hai trăm đồng, sinh vẫn để yên đó nhưng mấy đêm không bị mất nữa. 

Có con gà luộc định đãi khách thì mất, tối đến sinh lại đặt thêm bầu rượu vào đó, nhưng từ đó hồ tuyệt tích luôn. Nhà họ Ngạc thì vẫn bị quấy phá như cũ, sinh qua khấn nói "Ta để tiền mà ông không cầm, để rượu mà ông không uống, còn ông ngoại ta già yếu, sao cứ quấy phá mãi thế? Ta có sắp sẵn vật mọn, đêm nay nhờ ông tới lấy giúp". Rồi lấy mười ngàn đồng tiền và một vò rượu gói lại đặt lên bàn, sinh nằm ngay bên cạnh nhưng cả đêm không thấy một tiếng động, tiền và rượu vẫn còn nguyên chỗ cũ, từ đó hết hẳn nạn hồ. Một hôm chiều tối sinh về nhà, mở cửa phòng sách thấy trên bàn có một bầu rượu, một đĩa thịt gà luộc và bốn trăm đồng tiền xâu bằng dây đỏ, là những món bị mất trước đây, biết là hồ đem tới. 

Ngửi bầu rượu thấy thơm phức, rót ra thấy màu xanh biếc, uống vào vô cùng ngon ngọt, uống cạn bầu rượu thì hơi say, chợt nảy ý tham lam muốn đi ăn trộm bèn mở cổng bước ra. Nhớ lại trong thôn có một nhà giàu bèn tới đó nhảy qua tường, tuy tường cao nhưng nhảy lên rồi nhảy xuống nhẹ nhàng như có cánh, vào phòng xách luôn cái áo cừu, bưng cái đỉnh đồng trở ra quay về nhà đặt ở đầu giường rồi mới đi ngủ. Sáng ra cắp vào phòng vợ, vợ ngạc nhiên hỏi, sinh thì thào kể lại, dáng vui vẻ lắm. Vợ lúc đầu còn cho là sinh đùa, khi biết là thật hoảng sợ nói "Chàng vốn ngay thẳng, sao bỗng nhiên lại đi làm chuyện này?". Sinh thản nhiên không hề lấy làm lạ lùng, còn kể chuyện hồ có tình nghĩa. Vợ giật mình hiểu ra ắt là trong bình rượu có thuốc độc của hồ, nhân nghĩ đan sa có thể giải tà độc bèn lấy nghiền ra hòa vào rượu bảo sinh uống. 

Giây lát chợt sinh rú lên nói “Tại sao ta lại đi ăn trộm?", vợ giải thích nguyên do, sinh thẫn thờ như mất của. Lại nghe nói nhà giàu bị trộm, cả làng đồn đại, sinh cả ngày bỏ ăn không biết làm sao, vợ bàn nhân đêm tối đem ném trả vào trong tường, sinh nghe theo. Nhà giàu lấy lại được vật bị mất, việc ấy mới lắng xuống. Sinh khảo khóa cuối năm đỗ đầu, lại được cử làm Chư sinh hạng ưu, theo lệ thì được thưởng gấp đôi. Đến ngày phát thưởng chợt trên xà nhà công thự có một tấm thiếp dán vào, trên viết "Cơ sinh là ăn trộm, lấy trộm áo cừu đỉnh đồng của ông Mỗ, sao lại được hạng ưu?". Xà nhà rất cao, không thể nhảy lên mà dán vào được, khảo quan lấy làm ngờ vực, cầm tấm thiếp hỏi sinh. Sinh ngạc nhiên, nghĩ việc này ngoài vợ ra thì không ai biết, huống hồ công thự canh gác nghiêm cẩn thì tấm thiếp từ đâu tới được, chợt sực nghĩ ra nói “Đây chắc là hồ làm ra". Rồi kể lại mọi việc không e ngại gì, khảo quan bèn thưởng thêm cho. Sinh vẫn tự nghĩ không làm gì nên tội với hồ, mấy lần mình sa hầm sẩy hang cũng chỉ là cái nhục của kẻ tiểu nhân, vì mình là kẻ tiểu nhân mà thôi. 

Dị Sử thị nói: Cơ sinh muốn dẫn dắt kẻ tà đạo vào đường chính mà lại bị kẻ tà mê hoặc, chưa chắc là hồ đã có ác ý, có lẽ sinh đùa dẫn dắt thì hồ cũng đùa phá quấy thôi. Nhưng nếu thân không có túc căn, nhà không có vợ hiền, thì biết đâu lại chẳng như Nguyên Thiệp vẫn nói “Gia nhân, quả phụ vì trộm cắp nhơ danh rồi làm bậy luôn*”, sao! Ôi, đáng sợ thay! 

*Nguyên Thiệp... làm bậy luôn: Tiền Hán thư, Du hiệp truyện chép Nguyên Thiệp làm Huyện lệnh Cốc Khẩu, tính ưa chiêu hiền đãi sĩ, có người môn khách nghèo bệnh chết, Thiệp tới tận nhà giúp đỡ tiền bạc tống táng chu đáo, lại thường chu cấp cho vợ con người ấy. Có người chê Thiệp bỏ tiền mua cái danh hào hiệp, Thiệp nói người ta ai cũng muốn làm đầy tớ trung thành, góa phụ trinh tiết, nhưng nếu trong nhà thiếu thốn phải trộm cắp nhơ danh thì sẽ làm bậy luôn, nên phải giúp đỡ cho họ giữ được tiếng trong sạch mà giữ lòng trong sạch.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện