“Thầy là Dương Minh Hải, là viện trưởng của học Viện Sử Học Quốc Gia.” Viện trưởng Dương Minh Hải trịnh trọng nói. “Thầy đại diện tất cả các giáo viên ở đây chào mừng các em đến tham dự kỳ thi tuyển sinh viên năm nay.”

“Vì thời gian không còn sớm nữa, nên thầy sẽ đi thẳng vào vấn đề chính.” Viện trưởng Minh Hải nói tiếp. “Trước tiên, thầy sẽ nói sơ qua về kỳ thi lần này, sau đó sẽ giảng giải chi tiết về điều lệ và quy định của cuộc thi.”

“Kỳ thi này được chia thành bốn phần thi, gồm có – Mưu, Văn, Sử, Chiến – với mục đích khảo nghiệm kiến thức và khả năng của các em trong bốn lãnh vực khác nhau – mưu lượt, văn thơ, sử học, và chiến đấu.”

“Mỗi phần thi sẽ được chấm trên thang điểm mười, chỉ cần đạt được năm điểm trên mười điểm thì sẽ được tính là vượt qua phần thi đó. Các em phải vượt qua ít nhất ba trong bốn phần thi để đậu kỳ thi này.”

“Kỳ thi sẽ bắt đầu vào khoảng nửa tiếng nữa và các em sẽ có đến lúc mặt trời lặn để làm hết tất cả bốn phần thi. Các em sẽ nghe một hồi chuông đổ báo hiệu cuộc thi bắt đầu, và một hồi khác khi cuộc thi kết thúc.”

“Bây giờ, các giáo viên sẽ phát cho các em mỗi người một thẻ bài gỗ.” Lúc viện trưởng Minh Hải nói đến đây, các giáo sư phòng bắt đầu đi phân phát cho các em học sinh những chiếc thẻ bài gỗ hương vân, kích thước bằng nửa bàn tay, được khéo léo trạm khắc tên học viện trên một mặt. Mỗi thẻ đều được cột vào một sợi dây thừng nhỏ, vừa đủ dài để đeo vào cổ như một sợi dây chuyền. Các em tay nhận thẻ bài, tò mò lật trước lật sau, nhìn ngắm nó.

Sau khi mỗi học sinh nhận một thẻ bài, viện trưởng Minh Hải bắt đầu nói tiếp: “Hãy cẩn thận cất giữ chúng. Khi cuộc thi kết thúc, những em nào còn thẻ bài trong tay sẽ được tính là đạt năm điểm trong phần thi Chiến, đủ điểm để vượt qua phần thi này. Các em sẽ nhận được thêm một điểm cho mỗi thẻ có thêm, với điểm tối đa là mười điểm, cũng tức là năm thẻ bài.”

Khi nói đến đây, ông viện trưởng dừng lại, dường như để xem có em hoc sinh nào thắc mắc gì không. Một cậu học sịnh giơ tay lên hỏi: “Thưa viện trưởng, nhưng mà mỗi người chỉ có một thẻ bài... vậy làm sao để lấy thêm thẻ bài nữa?”

Nghe xong câu hỏi này, viện trưởng Minh Hải khẽ cong khoé miệng lên cười vì cậu học sinh đó đã hỏi đúng câu hỏi. Ông ta chậm rãi trả lời: “Mỗi người các em vừa nhận được một thẻ bài, tổng cộng có hơn ngàn thẻ đã được phát ra... Làm sao để mình có thêm thẻ, các em tự hiểu đi.”

Ông viện trưởng vừa dứt lời thì một số em học sinh bắt đầu xôn sao, nơm nớp lo sợ, nhìn trước, nhìn sau các bạn chung quanh, tay siết chặc thẻ bài của mình hơn, lo lắng có người sẽ cướp đoạt nó. Các em lo lắng cũng đúng, vì cướp đoạt chính là ngụ ý của ông viện trưởng... Muốn được điểm cao, thì phải có nhiều thẻ bài, mà muốn có thẻ bài, thì phải lấy của người khác.

Nhưng trái lại, trong phòng cũng có một số em học sinh rất bình thản, đảo mắt nhình quanh khắp phòng, dường như muốn tìm kiếm những con mồi thích hợp để đoạt thẻ bài của chúng.

Xem thấy các em đã hiểu ý của mình, ông viện trưởng lại nói tiếp: “Phần thi Mưu, Văn và Sử sẽ được tổ chức ở Đông viện. Các em phải đi đến Đông viện để làm bài thi.”

“Hiện tại, chúng ta đang ở Tây viện. Đi theo các bản đồ được đặt khắp nơi trong phạm vi học viện thì các em có thể tìm được đường tới Đông viện. Các em có thể thi bất cứ phần nào trước cũng được, không cần theo một thứ tự nhất định.”

Đề thi phần Mưu, Văn và Sử, vào Đông viện các em sẽ biết... đó là... nếu như các em có thể vào Được.” Ông viện trưởng vừa cười nham hiểm, vừa nói.

“Muốn vào trong viện để làm bài thi, các em phải nộp một thẻ bài cho mỗi bài thi. Cho nên, các em sẽ cần ba thẻ bài tất cả để được dự thi cả ba phần Mưu, Văn và Sử. Nên nhớ rằng, các em cần giữ lại cho mình ít nhất là một thẻ khi cuộc thi kết thúc để vượt qua phần thi Chiến.”

“Bây giờ, thầy sẽ nói về luật thi. Các em được phép làm tất cả những gì có thể để lấy đủ thẻ bài, nhưng các em chỉ có thể tranh đấu lấy thẻ bài trong phạm vi rừng Bạch Mã, còn khi ở trong Đông viện thì không được lộn xộn, lấy thẻ của người khác.”

“Khi vào Đông viện thi Mưu, Văn và Sử, các em không được quay bài, gian lận, và cũng không được gây rối, đánh nhau với các bạn khác.”

“Khoảng mười phút nữa cuộc thi mới bắt đầu, các em có thể dùng thời gian này chuẩn bị cho cuộc thi, nhưng không được gây gỗ, đánh nhau với những bạn khác. Chờ đến khi nghe được hồi chuông đồng báo hiệu cuộc thi bắt đầu thì các em mới được phép hành động.”

“Và còn một chuyện nữa rất quan trọng... Đó là trời cũng đã gần trưa, chắc các em cũng sắp đói bụng. Nếu muốn ăn thì phải nộp một thẻ bài mới được vào nhà ăn trong Đông viện.” Ông viện trưởng cười đắc ý. “Mà nếu đói quá không chịu nỗi, chỉ cần nói với một trong các giáo sư ở đây là các em muốn bỏ thi, thì các em sẽ lập tức được ăn. Nhưng làm như vậy, các em sẽ bị đánh rớt.”

Vừa nghe viện trưởng nói xong, các em học sinh ai nấy cũng há hốc miệng, bất mãn nhìn ông viện trưởng bằng ánh mắt đầy cay đáng. Không ngờ ổng lại chơi ác như vậy, ăn cũng keo kiệt, không cho ăn thì làm sao mà có sức đi thi. Đúng là luật rừng! Viện trưởng lại nói tiếp. “Các giáo sư đều mang khăn vấn để các em có thể nhận diện ra họ. Có rất nhiều giáo sư giám sát kỳ thi năm nay, bọn họ sẽ có mặt khắp nơi trong khuôn viên trường, nên các em sẽ dễ dàng tìm ra họ khi cần thiết. Bây giờ, các em có thể rời khỏi phòng này để chuẩn bị cho cuộc thi. Chúc các em may mắn!”

Viện trưởng Minh Hải vừa dứt lời, các em học sinh liền đẩy nhau, tản dần ra khỏi cửa chánh viện. Một số học sinh tụm năm, tụm ba, bắt chuyện với những bạn kế bên, tìm người thích hợp để làm thành cặp, thành đội, cùng trợ giúp nhau vượt qua kỳ thi này.

Nhưng cũng có nhiều em thích hành động đơn độc, một mình hướng vào sâu trong rừng Bạch Mã, biến mất trong những cành cây, tán lá xanh vô tận, nhìn giống như là bọn họ đã bị thần rừng nuốt chửng.

Một lúc sau,

Hồi chuông vang động, ngân nga kêu lên, báo hiệu rằng kỳ thi đã chính thức bắt đầu. Tiếng chuông vang vọng đến tận trời cao, làm náo động phong cảnh thiên nhiên im ắng, tĩnh lạnh. Một nơi nào đó trong rừng, có bầy chim trĩ sao* đang vô tâm, vô sự uống nước quanh thác nước, bỗng nghe tiếng chuông, hoảng loảng bay khỏi thác, chỉ để lại bọt tráng xóa và vài cộng lông lả tả rơi xuống đất.

* Chim trĩ sao: thuộc họ nhà gà, một loài chim lớn, sinh sống trong rừng Bạch Mã, lông đen pha vàng với đốm nâu, trên đầu có lông trắng, rất đẹp.

Khi hồi chuông vừa dứt cũng là lúc một tiếng thét hãi hùng âm vang từ sâu thẳm trong rừng, cảnh báo cho mọi người biết sự nguy hiểm của kỳ thi này. Nếu muốn vượt qua, những người tham gia phải đề cao cảnh giác, tập trung chú ý mọi nơi. Bây giờ, gặp ai cũng phải coi là địch, bời vì ai cũng ngăm nghe thẻ bài của họ.

Lúc này, Thiện Hùng đang đi lang thang, vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ… Không biết là mình có nên dùng thẻ bài để vào nhà ăn hay không? Nãy giờ đứng nghe ông viện trưởng nói lảm nhảm, giải thích dài dòng, làm cho mình nhức đầu nhức óc, mệt lả cả người, cái bụng cũng bắt đầu rên kêu! Thôi kệ, cứ ăn trước rồi tính sau. Ông bà mình vẫn nói “có thực mới vực được đạo đó thây”!

Thiện Hùng hướng về phía Đông viện đi. Dựa theo bản đồ, Tây viện và Đông viện cách nhau tới mười kilômét, chưa kể phải trèo đèo, lội suối. Nhưng nếu đi theo đường mòn thì chỉ khoảng tám kilômét.

Thiện Hùng ngây thơ, ngâm nga rảo bước đi trên con đường mòn. Vì đang đói bụng nên cậu đã để cái bụng suy nghĩ thay cho đầu, không hề mảy may chú ý con đường mòn vào lúc này rất hiểm trở. Có nhiều học sinh gian manh đã lập ra mai phục, kiên nhẫn chờ đợi những con mồi thơ ngây trên đường mòn để cướp đoạt thẻ.

Chỉ vừa đi có vài phút, Thiện Hùng đã rơi vào một ổ phục kích đông đảo, thằng đầu gấu không phải ai xa lạ mà chính là kẻ đã gây rối, hung hăng đánh cậu lúc xuống xe buýt.

Thằng gây rối dẫn theo một nhóm khoảng ba chục người, ai nhìn cũng thật đầu trâu mặt ngựa, tay cầm những cành cây to lớn bọn họ đã bẻ được hay nhặt được trong rừng, lưu manh, hống hách đứng cản đường Hùng.

“Tưởng ai xa lạ, hóa ra là người quen.” Thằng gây rối mỉa mai nói. “Chúc mừng mày thật may mắn, làm khách mở hàng cho bọn tao. Biết điều, ngoan ngoãn đưa thẻ bài của mày cho tao, tao sẽ nể tình cũ mà nhẹ tay với mày.”

Thằng gây rối nói xong, đồng bọn của nó liền đắc ý cười ha hả, một tiếng cười hết sức xấu xa, bỉ ổi của những kẻ vô liêm sỉ, ỷ đông hiếp yếu.

“Không được.” Hùng có chút e dè, nhưng cũng dứt khoát từ chối. “Tôi cần thẻ bài để ăn cơm, các anh muốn ăn thì dùng thẻ của mình đi.”

Nghe Hùng nói xong, bọn lưu manh ngạc nhiên, há hốc mồm trước cái ly do của Hùng, thầm nghĩ… Không ngờ, giờ phút này lại có người ngu ngốc đến nỗi dùng thẻ bài để đổi lấy đồ ăn. Bộ nó không hiểu rằng bây giờ, thẻ bài này quý còn hơn vàng hay sao? Muốn ăn thì vào rừng hái nấm, hái trái cây thì thiếu gì?

“Thằng ngu si không biết giá trị của thẻ bài!” Thằng gây rối khinh bỉ nói. “Làm sao lại dùng thẻ mà đổi lấy đồ ăn? Có thẻ bài mới được làm bài thi, ai lại đi đổi lấy đồ ăn! Mày có ăn bao nhiêu cũng không thông minh thêm được chút nào đâu! Thẻ bài trong tay mà thật là uổng phí! Giờ mày có đưa thẻ bài cho tao hay không?”

“Không!” Hùng cầm thẻ bài đang đeo trên cổ, bỏ vào trong cổ áo mình và lùi nhanh về phía sau.

Thấy thế, thằng gây rối vung cành cây trong tay nó, chỉ thẳng lên trên trời, hét to: “TIẾN LÊN,” ra lệnh cho đồng bọn của nó hướng về phía Thiện Hùng tấn công.

Thiện Hùng không phí một giây, quay ngược về sau, co cẳng chạy.

Mặc dù Hùng là đai đen võ thuật, có thể địch năm, địch mười, nhưng mà bọn du côn có tới ba chục người, dù Hùng có ba đầu sáu tay, sợ cũng không thể làm xi nhê gì đám côn đồ đông đảo.

Cho nên, trong lúc này, xách dép chạy lấy mạng là một quyết định sáng suốt. Trong tam thập lục kế*, chẳng phải chuồn là kế tốt nhất hay sao?

* Tam thập lục kế: một bộ sách gồm ba mươi sáu kế mưu lượt quân sự của Trung Quốc cổ đại, vào thời nhà Minh (thế kỷ mười bốn đến mười bảy) thì được tập hợp thành bộ sách.

“Đừng để nó chạy thoát!” Thằng gây rối quát đồng bọn của nó, cầm gậy đuổi theo sau Hùng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện