Thấy vẻ hoài nghi vẫn lồ lộ trên nét mặt mọi người, Tiểu Phật Nhi bèn lùi hai bước, tới trước giá tủ thờ thần ở chính giữa gian nhà, nhẹ nhàng kéo tấm nhiễu đỏ phủ bên trên xuống...
Bên dưới tấm nhiễu đỏ là một thanh đao đầu quỷ toả ánh hào quang xanh lam sắc lạnh, lưỡi rộng mũi nhọn, với phần che tay hình bát giác, cán quấn dải da cá mập. Sống đao có tạo hình quỷ mặt cười, cuối chuôi có vòng khuyên sắt to cỡ ngón tay cái, buộc vào một tấm nhiễu đỏ rất lớn. Vừa nãy thanh đao được che phủ bởi chính tấm nhiễu này. Thanh đao mặt quỷ cười vừa lộ diện, tất cả những món đồng, thiếc trong gian nhà lập tức lu mờ, mất hẳn vẻ sáng bóng.
o O o
Cỗ chiến thuyền còn lại chẳng hề đếm xỉa đến đồng bọn, vẫn tiếp tục truy đuổi con thuyền ba lá của bọn Lỗ Nhất Khí. Nhưng mới chỉ đuổi theo được thêm ba, bốn dặm, nó đã bị mắc cạn. Tốc độ rút xuống của thuỷ triều nhanh hơn tưởng tượng rất nhiều.
Song từ trên cỗ chiến thuyền đã mau chóng thả xuống hai con thuyền ba lá nhỏ, tiếp tục vùn vụt đuổi theo đám Lỗ Nhất Khí.
Một bãi đất bằng đã trải rộng ngay trước mắt đám Lỗ Nhất Khí, không phải nhờ con thuyền ba lá đi nhanh, mà vì thuỷ triều rút xuống, đã để lộ ra một bãi lầy mênh mông bằng phẳng.
Đó chính là bãi lầy nghìn dặm ở phía nam bờ biển Hoàng Hải, một dải mênh mông ngút mắt. Khi thuỷ triều dâng là biển, khi thuỷ triều xuống là đất liền. Nơi đây hải sản phong phú, đặc biệt là các loài động vật nhuyễn thể, trong đó nhiều nhất là ngao, được mệnh danh là “món ngon đệ nhất thiên hạ”. Song bãi bùn nơi đây không phải là không tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trước hết, nơi đây cũng hệt như sa mạc, do diện tích mênh mông ngút mắt, không có vật gì làm dấu, nên rất dễ mất phương hướng. Thứ nữa, tuy thoạt trông nghìn dặm bằng phẳng, song kỳ thực lại lên xuống mấp mô, một số nơi thậm chí còn chằng chịt khe rãnh, nhưng do màu sắc đơn nhất, nhìn qua rất khó phát hiện. Bởi vậy, khi thuỷ triều lên, sẽ xuất hiện tình trạng nước biển chảy vòng quanh lên phía trước, nhìn về phía sau cứ ngỡ thuỷ triều còn ở rất xa, song kỳ thực đường lên bờ đã bị cắt đứt. Khi thuỷ triều rút cũng vậy, phía trước rõ ràng chỉ còn trơ lại mặt bùn dính nhép, buộc phải bỏ thuyền đi bộ, nhưng đi lên một đoạn mới phát hiện ra thuỷ triều chưa rút hết, vẫn còn một vùng nước rộng chắn mất đường đi.
Đám Lỗ Nhất Khí đang bị rơi vào tình huống trớ trêu đó. Bọn người đang đuổi sát họ tuy không phải là cao thủ, song đều là những sát thủ thực thụ, giống như đám Bách tuế anh trong viện Bắc Bình, nên trường khí toả ra từ Lỗ Nhất Khí không hề có tác dụng uy hiếp chúng. Mục đích của đám sát thủ cũng rất rõ ràng: giết chết ba người, bắt sống một người. Chúng chia làm hai bên trái phải đuổi tới, phục sức toàn một loại bó chẽn màu đen, mặt che vải đen. Nhìn vào cách thức phối hợp, có thể thấy chúng được sắp xếp theo vị trí mười bốn chòm sao Huyền Vũ phía bắc và Chu Tước phía nam.
Khi chúng sắp sửa tới gần, Lỗ Nhất Khí đã nổ súng, cậu không thể để hai khối sát thủ kia vây kín lấy mình. Mọi phát súng đều trúng mục tiêu, bất kể những kẻ đó di chuyển nhanh tới đâu, phản ứng của chúng sau khi súng nổ mau lẹ tới mức nào, thì những viên đạn vẫn lao trúng tim hoặc ấn đường không chệch một ly.
Đám sát thủ theo nhau ngã xuống, song lại theo nhau bò dậy. Súng đạn không thể hạ gục chúng, điều này khiến khả năng duy nhất của Lỗ Nhất Khí đã trở nên vô nghĩa.
Vùng nước thuỷ triều chắn lối tuy đang mau chóng rút đi, song trong tình huống hiện tại, tốc độ như thế vẫn là quá chậm.
Trong khi Lỗ Nhất Khí nổ súng, Sa Khẩu đã kịp cởi giày, rút đao, sau đó chủ động lao lên nghênh chiến. Trước khi hành động, còn hét lên thật lớn:
-Đi trước đi!
Cũng không biết là muốn nói với đám Lỗ Nhất Khí hay với đám sát thủ.
Sa Khẩu chân trần vừa lao vừa trượt, vụt một cái đã lao thẳng vào giữa đám người, động tác mau lẹ khác thường. Có lẽ do hắn đang đi chân không, cũng có lẽ do hắn đã rất quen thuộc với dạng địa hình như ở đây.
Vũng nước phía trước đã rút xuống thêm rất nhiều, lúc này đã chỉ còn ngang gối. Đám Lỗ Nhất Khí cũng không còn sự lựa chọn nào khác, dù bãi bùn phía trước là bằng phẳng hay lồi lõm, dù mặt nước phía trước có bao nhiêu nguy hiểm, họ cũng chỉ còn một con đường duy nhất là lao lên.
Vũ khí của đám sát thủ rất thống nhất, cũng rất lạ lùng, đều là đoản câu mười tấc với phần che tay hình trăng khuyết. Thân móc câu khá rộng, hai phía đều mài lưỡi sắc; đầu móc câu cũng lớn, bán kính uốn cong phải hơn năm tấc. Tấm che tay hình trăng khuyết cũng được mài sắc vót nhọn, cuối phần chuôi lại là mũi nhọn dài ba tấc, quả thực là xa thi móc, vừa thì chém, gần thì đâm, sau lưng giật ngược, lợi dụng triệt để đầu câu, thân câu, mảnh trăng khuyết và cán chuôi làm bộ phận tấn công. Loại vũ khí này rất dễ phản chủ, tự gây thương tích cho bản thân, rất khó luyện, nhưng khi đã thành thạo lại cực kỳ lợi hại, tàn độc vô cùng, có người đã gọi nó là “binh khí ma quỷ”.
Trên người Sa Khẩu mang theo rất nhiều dao, có nhọn có tù, có dày có mỏng, có thẳng có cong, có sắc có cùn, loại nào cũng có. Song dao tuy nhiều đến mấy cũng chỉ có thể mỗi tay cầm một thanh; dao có sắc nhọn tới đâu, cũng chỉ là dụng cụ đánh vảy, mổ cá, tách vỏ nghêu sò mà thôi, làm sao có thể địch nổi thứ vũ khí bá đạo nhường kia.
Sau khi Sa Khẩu róc phăng một mảng thịt từ cổ tay tới bả vai của một gã sát thủ sát đến tận xương giống như lóc cá, sau khi Sa Khẩu khoét rời xương bánh chè của một gã sát thủ giống như tách ruột ngao, thì bọn sát thủ mới nhận ra rằng con dao mổ cá tách sò trong tay đối thủ tuyệt đối không thể xem thường. Thế là bọn chúng để lại tám người, bao gồm cả hai gã bị thương, vây tròn lấy Sa Khẩu, sáu gã còn lại tiếp tục đuổi theo đám Lỗ Nhất Khí đang tháo chạy.
Trên mặt bãi bùn vừa lộ ra một lớp bùn lỏng nhão nhoét, bàn chân giẫm lên cứ trơn tuồn tuột. Lỗ Nhất Khí và Thuỷ Băng Hoa dìu nhau chệnh choạng lao đi, chốc chốc lại trượt ngã dùi dụi, bộ dạng nhem nhuốc lôi thôi như hai con khỉ bằng bùn. Lão mù vừa bước lên bờ, lập tức hiển lộ phong thái tặc vương, tuy mắt không nhìn thấy, hai chân cũng liên tục trượt vấp xiêu vẹo, song cơ thể gầy khô vẫn tựa như cành liễu đu đưa trong gió, ngả nghiêng kiểu gì cũng không ngã được.
Bởi vậy, hiển nhiên lão sẽ trở thành một khảm diện ngăn cản tốp sát thủ thứ hai. Song khoảng cách giữa sáu gã sát thủ lại kéo giãn khá xa, bởi vậy lão mù chỉ có thể ngăn cản được bốn tên, hai tên còn lại tiếp tục lao về phía Lỗ Nhất Khí.
Loại ủng đế mỏng lót cứng dưới chân bọn sát thủ rất không phù hợp với địa hình nơi đây, hơn nữa, khẩu súng trong tay Lỗ Nhất Khí tuy không thể lấy đi tính mạng của chúng, song dù sao vẫn khiến chúng phải e dè. Do vậy, dù đã đuổi theo Lỗ Nhất Khí và Thuỷ Băng Hoa một đoạn khá xa, nhưng chúng vẫn không thể ra tay.
-Ở kia! Ở kia có xe! - Cặp mắt sắc sảo của Thuỷ Băng Hoa đã phát hiện ra, trên bãi bùn đã lộ ra hoàn toàn phía trước có một vài chiếc xe bò đang từ từ tiến lại.
Có xe bò đương nhiên phải có người, hơn nữa, số người lại không hề ít. Bọn họ đang nhân lúc thuỷ triều rút ùa ra bãi bùn mò ngao sò, nhặt rong biển. Kỳ thực, ngay từ khi nãy, đám ngươi này đã bị kinh động bởi tiếng súng của Lỗ Nhất Khí, nên ai nấy đều lăm lăm cuốc thuổng gậy gộc trên tay, cảnh giác nhìn về phía họ.
Phần bãi bùn nơi đám xe bò đang đỗ nước rút sớm hơn, nên bùn đất đã khô cứng lại không còn trơn trượt nữa. Lỗ Nhất Khí và Thuỷ Băng Hoa đã dốc hết sức bình sinh mà chạy, song tốc độ của hai gã sát thủ cũng không hề chậm chạp.
Chạy gần đến chiếc xe bò, Thuỷ Băng Hoa bỗng loạng choạng ngã dúi vào một vũng nước, khiến Lỗ Nhất Khí cũng mất đà bổ nhào theo. Thuỷ Băng Hoa đã không còn đủ sức để chạy tiếp nữa.
Lỗ Nhất Khí ngã nhào xuống bên cạnh Thuỷ Băng Hoa, và nhìn thấy hai gã sát thủ tay huơ đoản câu đã đuổi tới sát sau lưng. Lưỡi đoản câu sáng bóng phản xạ ánh tà dương, chiếu loang loáng trên mặt, trên cổ Lỗ Nhất Khí.
Nước trong vũng bắn vào miệng Lỗ Nhất Khí mặn đắng. Cậu cố gắng ghìm lại hơi thở hổn hển, chờ đợi thời khắc cuối cùng ập đến với mình.
Song lưỡi đoản câu sắc lạnh đã không thể hạ xuống kịp thời, bởi lẽ đúng vào khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc đó, một rừng gậy gộc, cuốc thuổng, cào bừa đã ào ào lao đến, tới tấp băm bổ về phía hai gã sát thủ.
Đúng vậy, đám người đứng bên xe bò đã hành động, với mục đích rất rõ ràng: tấn công sát thủ, giải cứu đám Lỗ Nhất Khí.
Trước đây, nơi này thường xuyên bị giặc Oa[25], cướp biển tới quấy nhiễu, nên ngư dân đi biển và dân đánh bắt ven bờ ít nhiều đều phải luyện vài miếng võ phòng thân, ra biển đều kết thành phường nhóm để dễ phòng giặc cướp và hải tặc tấn công. Nhìn cách ăn mặc của hai gã sát thủ không giống người lương thiện, hơn nữa trong hai người bị truy sát lại có cả đàn bà, nên đám ngư dân đã không chút chần chừ xông vào giải cứu.
Đám ngư dân tuy dáng vẻ không giống người luyện võ, song ai nấy đều lực lưỡng khoẻ mạnh, ra đòn bài bản, chiêu thức rõ ràng. Trước sức tấn công đồng loạt của cả đám người, hai gã sát thủ phải đón đỡ mệt lử đến quýnh quáng cả tay chân.
Lợi dụng khoảng thời gian ngắn ngủi này, Lỗ Nhất Khí nhanh chóng thở ra một luồng khí đục thật dài, tâm tư đang hoảng loạn nhanh chóng trấn tĩnh trở lại. Và qua những khe hở giữa vô số cuốc thuổng cào bừa đang tới tấp lên xuống, cậu đã mau chóng tìm ra những chỗ khuyết trên cơ thể đạn bắn không thủng của sát thủ.
Tiếng súng lại vang lên, ba viên đạn lao đi liên tiếp.
Ba viên đạn cùng lao vào một vị trí duy nhất, là mắt trái của một sát thủ. Khi cơ thể gã sát thủ này mới đổ xuống được nửa chừng, gã sát thủ còn lại đột nhiên tung liền hai chiêu cuồng dại, đạp ngã văng một ngư dân, lao vọt ra từ mé trái phía sau.
Mục đích rất rõ ràng: gấp rút tháo chạy; phương pháp rất chính xác, dương đông kích tây đột phá vòng vây; hướng chạy trốn rất chính xác, vừa hay có thể lợi dụng đám ngư dân lộn xộn giúp gã chắn đạn.
Tốc độ tháo chạy cực nhanh, song sau hơn chục bước vẫn bị đạn đuổi kịp. Lần này chỉ có một viên, lao vọt qua khe hở giữa đám người nhốn nháo cuốc thuổng, xuyên vào gáy trái của sát thủ. Đó là vị trí tương tự với điểm viên đạn lao ra trên hộp sọ của sát thủ thứ nhất. Và lần này, viên đạn đã lao ra ngoài qua mắt trái của gã sát thủ, song mới chỉ nhô đầu nhọn ra ngoài đã dừng lại ngay, như thể tặng cho gã sát thủ một con ngươi mới bằng kim loại.
Thì ra đám sát thủ không phải là mình đồng da sắt, mà chúng đã lồng thêm một lớp áo giáp hộ thân đan bằng sợi mây dày sít vào bên trong khăn bịt mặt và lớp áo đen. Thứ áo giáp được kết từ nhiều lớp sợi mây, giữa các lớp lại chèn tấm lóp mềm dư sức bảo vệ sát thủ trước sự tấn công của súng đạn. Nhưng phải đợi tới khi Lỗ Nhất Khí xé bỏ lớp áo ngoài của sát thủ tử vong, cậu mới biết được sự thực này.
Sa Khẩu cũng đã dắt díu lão mù chạy được tới bên Lỗ Nhất Khí. Tám gã sát thủ bao vây Sa Khẩu, sau khi một tên bị Sa Khẩu gọt bay hàm dưới, hai tên bị cứa đứt cột sống cổ, đã lập tức rã đám, bỏ lại đồng bọn bị thương, chạy tháo thân về phía biển.
Nhưng bốn gã vây đánh lão mù lại không có tên nào bỏ chạy. Tuy mới đầu lão mù chỉ đâm thủng được xương bàn chân của hai tên, song sau đó, Sa Khẩu ở phía sau đuổi tới, hai tên vừa bị đâm thủng xương bàn chân đã bị Sa Khẩu dùng con dao sống rộng chuyên tách sò nghêu chặt đứt tiện xương cổ, hai tên còn lại cũng bị chiếc gậy của lão mù đâm nát lưng thận.
Nhờ sự chỉ dẫn của đám ngư dân, bốn người Lỗ Nhất Khí đã lên được tới bờ. Sau mấy chục ngày đêm lênh đênh trên biển, lúc này mới lại ngửi thấy mùi đất nồng nồng, nhìn thấy cây cối nhà cửa, Lỗ Nhất Khí tưởng như mình mới được sinh ra lần thứ hai.
Cũng phải đến lúc này, Lỗ Nhất Khí mới thực sự có được cảm giác ở gần bảo bối. Trải rộng trước mặt cậu là một vùng đồng bằng bao la, đất đai màu mỡ, sông suối tràn trề, là một vùng đất ẩm tốt tươi không xen sỏi đá, cực kỳ thuận lợi cho canh tác nghề nông. Hơn nữa, có một điều rất khó hiểu là nơi đây tuy gần sát biển, song lại không hề nhiễm mặn.
Hỏi thăm những ngư dân vừa nãy, mới biết rằng nơi đây thuộc địa phận của châu Nam Thông. Châu Nam Thông phía đông giáp biển, phía nam giáp sông, phía tây, bắc đều là đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, trong châu sông ngòi ngang dọc, sản vật phong phú, xứng danh là một vùng gạo trắng nước trong, nông ngư phát đạt. Trên bức đồ hình Lộng phủ có nhắc tới sự kiện một đệ tử Ban môn tên là Lỗ Tử Lang mang theo bảo bối cùng với một con trai, một cháu ruột, một cháu họ, xuôi thuyền theo sông Dương Tử ra biển, từ đó bặt vô âm tín. Có lẽ họ đã phạm phải sai lầm nào đó, không tìm ra hung huyệt, đành phải lưu lạc nơi đây, bất đắc dĩ mà phải để lại bảo bối ở chốn này.
Lỗ Nhất Khí cảm giác thấy bảo cấu không còn xa nữa, nên đương nhiên cậu sẽ không chịu bỏ đi. Bởi vậy, cậu cố tình lôi Lộng phủ ra ngoài cổ áo, hy vọng có thể nhờ tín vật này tìm ra bạn bè của Lỗ gia, hay hậu duệ Ban môn canh giữ bảo bối ở chốn này.
Nhờ sự chỉ dẫn của ngư dân, đám Lỗ Nhất Khí đã tới được một thị trấn nhỏ ven biển. Có thể nhận ra, thị trấn này được xây dựng chưa lâu, bởi lẽ nhà cửa đều khá mới, còn có rất nhiều ngôi nhà bằng đất mới được dựng tạm. Thì ra vài năm về trước, khi nạo vét xây dựng hải cảng, nơi đây là điểm quần cư của đám thợ thuyền. Sau này, khi cảng biển được xây xong, một bộ phận thợ mộc đã ở lại đổi sang nghề chài lưới, lại cộng thêm dân di cư từ nơi khác đến làm ăn và ngư dân địa phương lên bờ kiếm sống, đã dần dần hình thành nên thị trấn này.
Lỗ Nhất Khí nói thác rằng mình là thuyền nhân phương Bắc, trên đường đi bị hải tắc cướp bóc sạch trơn, may sao vẫn còn giữ được cái mạng. Dân trong thị trấn chất phác thuần hậu, nghe chuyện rất mực cảm thông, nhiệt tình sắp xếp chỗ tắm rửa cơm nước cho họ.
Song đám Lỗ Nhất Khí đã hết sức bất ngờ, vì họ vừa kịp tắm rửa thay quần áo xong, đã có người đợi sẵn họ bên mâm cơm. Đó là người đã nhận ra ngọc phù Lộng phủ.
Hứa Tiểu Chỉ, vốn là thủ lĩnh của đám ngư dân ven bờ, chuyên dẫn họ ra bãi biển bắt nghêu sò. Nghe nói cách thức bắt nghêu, sò của hắn rất khác biệt. Thường thì người ta dùng chân giẫm đạp bãi bùn cho lỏng ra, để nghêu sò bên dưới trồi lên, hoặc dùng cào, xẻng xúc, gạt để xới nghêu sò lên khỏi bùn. Nhưng hắn chỉ cần liếc qua đã biết ngay được vị trí của nghêu sò bên dưới mặt bùn phẳng lặng, rồi thọc ngón tay vào trong bùn nhặt lấy. Trực tiếp nhón bắt nghêu sò như vậy trong một thời gian dài, các ngón tay của hắn vô hình trung đã được rèn luyện đến độ cứng rắn như sắt thép, có thể chọc vỡ vỏ sò, xuyên thủng đá. Sau này có người đã đặt tên cho công phu đó là “chỉ công phá vỏ”.
Hiện giờ, gã Hứa Tiểu Chỉ kia không còn đi bắt nghêu sò nữa, mà đã đổi nghề mở cửa hàng thu mua hải sản. Hắn có biết ngọc phù Lộng phủ, song lại không hiểu ý nghĩa thực thụ của ngọc phù, bởi lẽ hắn mới chỉ nhìn qua hình mẫu. Một người bạn đã đưa hình mẫu cho hắn xem và nhờ hắn lưu ý tìm giúp người đeo Lộng phủ. Người bạn này hắn quen trong các vụ buôn bán hải sản, sống trong thành Thông Châu cách đó vài chục dặm.
Lỗ Nhất Khí không nói gì thêm với gã Hứa Tiểu Chỉ gầy khô đen đúa kia, chỉ yêu cầu được gặp bạn hắn.
Mấy người bọn họ lên thuyền chuyến nhỏ, theo cửa đông của thành Thông Châu để vào thành. Nhưng ngay từ lúc còn cách thành Thông Châu rất xa, Lỗ Nhất Khí đã cảm thấy nơi đây ráng mây vấn vít, ánh tía bừng bừng.
Trên đường đi, qua lời Hứa Tiểu Chỉ, Lỗ Nhất Khí biết rằng thành Thông Châu bốn phía sông dài bao bọc, sông ngòi chằng chịt, quanh năm gió thuận mưa hoà, chưa từng gặp hoạ thiên tai, từ xưa đã được mệnh danh là “Sùng Xuyên phúc địa”. Ở mặt nam thành Thông Châu, nơi tiếp giáp với sông có năm ngọn núi nhỏ, trong đó ngọn núi đẹp nhất tên là núi Sói. Nghe nói mới đầu nó có tên là núi Tử Lang (ngọc tía), về sau không hiểu tại sao cái tên thanh nhã vốn có lại bị đổi thành cái tên tầm thường nhường kia.
“Sùng Xuyên phúc địa”, “núi Tử Lang”, lại thêm “bãi bùn” nghìn dặm, như vậy cả ba chữ “phúc”, “lang”, “bãi” trên tấm thẻ ngọc đều đã xuất hiện đầy đủ. Bởi vậy chưa đợi đến lúc vào trong thành, Lỗ Nhất Khí đã khẳng định chắc chắn: bảo cấu ắt hẳn ở gần thành Thông Châu.
Tường thành cổ kính của thành Thông Châu giờ đã sạt lở nhiều nơi, song con sông đào bao quanh thành năm xưa vẫn trong vắt một màu. Con sông đào quanh thành để bảo vệ thành trì còn được gọi là hào, lịch sử chép rằng “có thành ắt có sông”, trong suốt hàng trăm hàng nghìn năm qua, con sông đã gánh vác rất nhiều trọng trách như phòng ngự, xả lũ, vận chuyển và cung cấp nước dùng cho toàn vùng. Mặt nước rộng hẹp nhịp nhàng, nước sông trong vắt, dòng chảy uốn lượn quanh co, sóng biếc lăn tăn, lân tinh lấp loáng, mặt sông nhộn nhịp cá lượn chim bay, quả là một cảnh sắc thiên nhiên sống động.
Đám Lỗ Nhất Khí đi theo dòng sông chở muối từ cổng đông thành, qua dưới cầu Long Vương, cầu Tam Nguyên rồi tới sông đào. Do đây là con thuyền chuyến chuyên dùng để chở khách, nên họ phải đi vòng tới bến nhỏ ở mé tây gác Bắc Cực mới lên được bờ.
Sau khi lên bờ, Hứa Tiểu Chỉ dẫn họ tiếp tục men theo sông đào đi bộ sang phía nam, qua cầu Thông Tế, cầu Vọng Tiên, cầu Chúng An, tới xưởng ép dầu Vạn Thịnh bên ngoài cửa nam.
Trên đường đi, hình dạng khái quát của thành Thông Châu đã khơi dậy một khái niệm phong thuỷ trong đầu Lỗ Nhất Khí: âu trời tụ phúc. Khái niệm này bắt nguồn từ cuốn “Tướng địa yếu lục” của Tiêu Cát đời Tuỳ. Phía nam thành có núi là nắp âu, xung quanh có dòng nước uốn lượn bao quanh là thân âu, bên trong có rất nhiều sông ngòi chạy ngang là những đường kẻ trên thành âu. Đối với nơi cư trú, đây quả thực là một cục thế phong thuỷ cực kỳ tốt đẹp, là vùng đất ấm no trù phú, không tai không hoạ.
Ngoài ra, bố cục của nơi này còn khiến Lỗ Nhất Khí nhớ tới một món đồ cổ tuyệt vời mà cậu từng nhìn thấy trong Lưu Ly Xưởng ở Bắc Bình: vòng liên hoàn ngũ phúc mặt ngọc. Ở đây có nhiều đường sông chằng chịt giao nhau là vòng nối liên hoàn, có nhiều cây cầu bắc ngang là mặt ngọc, phía nam có năm núi là ngũ phúc.
Trước cửa xưởng ép dầu Vạn Thịnh, cảnh tượng mua bán tấp nập ồn ào, song bên trong phòng xay lại vô cùng yên tĩnh. Do dầu làm ra đã xuất hết, nên đám thợ ép dầu đều đã tản về nhà cả. Trong phòng xay rộng thênh thang chỉ còn trơ lại hai người đang ngồi bên cạnh cối xay đá cỡ lớn uống trà ăn bánh mì nướng.
Vừa bước chân vào xưởng, Lỗ Nhất Khí đã ngửi thấy mùi dầu vừng thơm sực nức. Cậu đã từng ăn rất nhiều loại dầu vừng, cũng từng đến rất nhiều xưởng ép dầu, song chưa nơi nào có hương thơm đậm đà đến vậy. Xem ra xưởng ép dầu này chắc chắn có bí quyết kỹ thuật riêng, thảo nào khách khứa tấp nập đến thế.
Tuy nhiên, Lỗ Nhất Khí vẫn thấy thất vọng, vì từ cách bài trí trước cửa xưởng ép dầu cho tới dụng cụ ép dầu, cậu không phát hiện ra bất kỳ dấu tích nào có liên quan tới sáu công phu của Lỗ gia. Cũng có nghĩa là chủ nhân của xưởng này chẳng hiểu gì về “Ban kinh”, cũng không có chút dây mơ rễ má nào với Ban môn, lại càng không thể là hậu duệ của tổ tiên Lỗ gia lưu lại nơi đây cất giấu và bảo vệ bảo bối. Nhưng tại sao họ lại biết tới Lộng phủ? Tại sao lại có hình mẫu của Lộng phủ? Khi giới thiệu chủ xưởng ép dầu, Hứa Tiểu Chỉ không nói rõ họ tên, chỉ nói rằng biệt danh của Hắn là “Tả Thiết Cống”[26]. Bởi vì những xưởng ép dầu khác đều dùng lừa để kéo cối xay, còn tay Tả Thiết Cống này khi mới mở xưởng nhà nghèo xơ xác, không có cả tiền để mua con lừa quèn, đành phải tự kéo cối xay. Mới đầu dùng cối xay nhỏ, sau đó dần dần đổi cối to hơn. Bởi vì kéo cối xay một mình, nên phải kéo bằng tay trái, còn tay phải cho nguyên liệu vào cối. Dần dà, cánh tay trái của hắn đã trở nên cứng rắn như sắt thép, sức mạnh vô song, nên mọi người chỉ quen gọi hắn là Tả Thiết Cống.
Tả Thiết Cống khuôn mặt tròn quay, bóng nhẫy như dầu. Nhìn vào ngoại hình và tướng mạo của hắn, có thể đoán chắc rằng hắn giờ đây đã không còn là tay chủ nghèo xác năm xưa phải kéo cối xay thay lừa nữa.
Người đang ngồi uống trà cùng Tả Thiết Cống là một lão già quắc thước tinh anh, râu ria nhẵn thín, tóc cúp ngang tai bóng mượt dán sát da đầu, thẳng thớm ngay ngắn, chỉ hơi điểm bạc. Toàn bộ diện mạo tác phong của lão toát lên vẻ gọn ghẽ tinh tươm, và có một điểm rất giống với Sa Khẩu, đó là khuôn mặt lúc nào cũng như mỉm cười, một nụ cười có vẻ chân thực và kín đáo, chỉ có điều dường như còn ẩn giấu ý vị gì.
Chú thích
[25] Tức Nhật Bản, xưa kia người Trung Hoa gọi người Nhật Bản là Oa.
[26] Tức là tay đòn bằng sắt bên trái.