Nếu đúng là một thị trấn, thì thị trấn này quả thực quá nhỏ bé. Mặc dù nhìn từ xa, cũng thấy nhà cửa tầng tầng lớp lớp, song số lượng kỳ thực không nhiều. Mà điểm quan trọng nhất chính là những ngôi nhà đều rất nhỏ! Độ cao của mái hiên xem ra chỉ hơn chiều cao của người thường chút đỉnh, khung cửa còn thấp hơn nữa, vào ra có lẽ phải cúi lom khom. Diện tích nhà cũng nhỏ, chỉ khoảng một phần ba nhà cửa thông thường.
Trong thị trấn không có lấy một bóng người, cũng không hề có tiếng người, ngay cả tiếng gà gáy chó sủa cũng không, tịch mịch hệt như một thế giới chưa ai biết đến.
o O o
Mưa bay lất phất, dày đặc như khói như sương, trùm lên núi non trập trùng một bức màn mông lung mờ ảo. Trên sườn núi hai bên đường, trúc biếc ken dày, trông lặng phắc âm u trong màn mưa mịt mờ như khói toả. Nhưng trong khe suối ven núi, dòng nước băng băng cuộn chảy, róc rách lao đi bên con đường đá, tô điểm thêm vẻ thanh tân thần bí chỉ có ở chốn rừng sâu.
Lỗ Thiên Liễu đứng một mình ở cuối con đường đá, nhìn về phía trước với ánh mắt hoang mang, bất lực. Cơ thể cô đã ướt đẫm, nhưng những sợi mưa dày đặc vẫn đùa giỡn với cô không chịu buông tha, mau chóng đọng thành từng giọt lớn trên mái tóc, trượt xuống theo những món tóc mai đã bết lại, ngoằn ngoèo chảy qua gò má trắng nhợt, rồi rơi lộp độp xuống mặt đường lát đá, vỡ tan thành vô số vụn nước li ti.
Con đường đá quanh co lượn quanh một mặt nước thẫm xanh, rồi mất hút sau một khu nhà ngói đen tường trắng. Những toà kiến trúc cũ kỹ nằm im lìm dưới cơn mưa bụi mịt mù, chìm sau cây xanh trúc rợp, nhìn xa xa cảm giác như một thị trấn nhỏ đã bị người đời quên lãng. Tại sao lại gọi là thị trấn nhỏ? Vì mặc dù nhà cửa nhấp nhô san sát, nhưng hướng nhà hỗn loạn, thông thường chỉ những thị trấn có quán xá suốt dọc đường mới có cách cục kiến trúc kiểu này.
Nếu đúng là một thị trấn, thì thị trấn này quả thực quá nhỏ bé. Mặc dù nhìn từ xa, cũng thấy nhà cửa tầng tầng lớp lớp, song số lượng kỳ thực không nhiều. Mà điểm quan trọng nhất chính là những ngôi nhà đều rất nhỏ! Độ cao của mái hiên xem ra chỉ hơn chiều cao của người thường chút đỉnh, khung cửa còn thấp hơn nữa, vào ra có lẽ phải cúi lom khom. Diện tích nhà cũng nhỏ, chỉ khoảng một phần ba nhà cửa thông thường.
Trong thị trấn không có lấy một bóng người, cũng không hề có tiếng người, ngay cả tiếng gà gáy chó sủa cũng không, tịch mịch hệt như một thế giới chưa ai biết đến.
Cảnh tượng trước mắt đã khiến Lỗ Thiên Liễu phải nghĩ ngợi. Trước đây, khi ông Lục giảng giải phong thuỷ cho cô, có nói rằng, núi non trùng điệp bao quanh, mặt nước chặn cửa, đó là cách cục tàng phong tụ khí cực tốt. Đó là lý luận được ghi chép trong một điển tích phong thuỷ rất phổ biến, không biết tên gì. Lỗ Thiên Liễu vắt óc cố nhớ. Đúng rồi! “Táng cát phổ”! Một cuốn sách chuyên nghiên cứu về phong thuỷ âm trạch[28].
Phong thuỷ âm trạch? Đúng vậy, nhìn từ xa lại, thị trấn cũ kỹ trước mắt không có vẻ gì giống với nơi ở của người thường, lẽ nào chúng được xây cho...
Nghĩ đến đây, Lỗ Thiên Liễu vô cùng kinh sợ, một luồng khí lạnh toát chạy rùng rùng trong cơ thể, thấu qua từng lỗ chân lông; trí não hoang mang, tràn đầy nỗi cô độc và vô vọng.
Làm thế nào bây giờ? Bảo cấu có lẽ đã ở ngay phía trước, nên một mình xông vào, hay đợi cha và Ngũ Lang tới rồi cùng đi? Thế nhưng liệu họ đã thoát khỏi nguy hiểm hay chưa? Phải mất bao lâu nữa mới đuổi kịp tới nơi? Sau khi lên núi, họ đã liên tiếp đụng đầu với hàng loạt khảm diện. Đám người Lỗ gia gặp nút giải nút, gặp khảm phá khảm. Nhưng trận Trăm đột đan xen trong rừng đạm trúc lợi hại phi thường, chỉ trong nháy mắt đã cầm chân tất cả bọn họ. Chỉ còn Lỗ Thiên Liễu nhờ vào tài khinh công tuyệt đỉnh và ba giác mẫn tiệp, đã phóng đôi Phi nhứ bạc đu người trên ngọn trúc di chuyển trên không mà thoát được ra ngoài.
Sau khi thoát thân, Lỗ Thiên Liễu buộc phải nhanh chóng tiến lên phía trước, nếu không bọn tay chân canh giữ trận Trăm đốt đan xen và những nút người ở vòng ngoài chắc chắn sẽ hợp lại tập kích cô lần nữa.
Thông thường, bọn điều khiển khảm diện và nút người gài trong khảm diện đều có chức trách riêng, ai làm việc nấy, giữ vững vị trí, vì vậy, trong những khảm trận có diện tích lớn, bố trí phức tạp, khoảng cách giữa các khảm diện chính là vị trí an toàn nhất.
Giờ đây, Lỗ Thiên Liễu đang đứng ở vị trí như thế, song mối nguy hiểm vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tiến về phía trước đương nhiên nguy hiểm, nhưng đứng chôn chân đợi ở đây cũng nguy hiểm không kém.
Đối phương phát hiện có kẻ thoát khỏi khảm diện, chắc chắn sẽ phái người truy kích. Nguy hiểm trước sau gì cũng đến, chỉ có điều không biết nó sẽ đến vào lúc nào, đến từ hướng nào.
Sắc trời mỗi lúc một thêm u ám, chỉ một lát nữa thôi, sẽ là đêm thứ tám Lỗ Thiên Liễu tiến vào vùng núi Thiên Linh, và cũng là đêm đầu tiên cô phải một mình đối diện với màn đêm rừng núi. Cô buộc phải đưa ra quyết định trước khi màn đêm ập xuống. Hoặc là tiếp tục tiến lên lấy công làm thủ, hoặc là dừng lại nghĩ cách tự bảo vệ mình, cô đều phải đưa ra quyết định nhanh chóng.
Cô duỗi thẳng cánh tay, từ từ xoè rộng lòng bàn tay không hề mềm yếu. Cô đã cảm nhận được những cái va chạm liên hồi của từng sợi mưa rơi trên lòng tay, cảm nhận được cái nhột nhạt và nhoi nhói khi những hạt mưa đập xuống làn da văng ra tứ phía. Thoáng chốc, trên lòng bàn tay cô đã chi chít những hạt nước li ti, trong suốt tựa pha lê, xoá nhoà tất cả những đường vân kẽ chỉ và các vết thương ngang dọc.
Cô đột ngột nắm chặt tay lại, rồi dứt khoát gật mạnh đầu. Món tóc mái đã bết thành một dải bị hất khỏi trán, những giọt mưa lớn đọng trên mớ tóc văng đi, rơi xuống vỡ tan trên mặt đường đá.
Trên khuôn mặt đã nhợt nhạt bởi nước mưa bỗng lộ ra một nét cười. Lỗ Thiên Liễu đã biết mình cần phải làm gì...
Sau khi thoát khỏi khu vườn ở Tô Châu, vốn dĩ Lỗ Thịnh Nghĩa muốn quay trở lại Dương Sơn ẩn náu một thời gian. Nhưng trên đường qua vịnh Thập Bát trên Thái Hồ, đã bị người ta tập kích, ba thuyền giao chiến giữa đêm, gián điệp Lỗ Ân lộ diện. Lúc đó họ mới biết ngôi nhà ở Dương Sơn từ lâu đã bị bại lộ, nên lập tức quay thuyền đi xuống phía nam.
Đi về phía nam sẽ đến Tam Đảo Thái Hồ, đảo chủ chính là người bạn cố tri của Lỗ gia – Rùa gai Du Hữu Thích, bọn họ có thể tạm thời ẩn náu tại đây để phục hồi thương thế. Lỗ Thiên Liễu đã dùng mai rùa mà ông Lục để lại để bói một quẻ, quẻ tượng cho thấy thiên cách lý số, tam nguyên vận trù của cô đều hợp với phía nam.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, sang tới mua xuân, vết thương của Lỗ Thịnh Nghĩa đã khỏi hẳn, nhưng đi lại vẫn hơi cà nhắc. Ngũ Lang tuy bị thương nặng hơn Lỗ Thịnh Nghĩa, song lại bình phục nhanh hơn, dù sao anh ta cũng đang lúc thanh niên trai tráng. Du Hữu Thích thường xuyên phái thủ hạ đi nghe ngóng tình hình ngoài đảo, họ phát hiện ra tin tức về sự biến tại khu vườn Tô Châu không hề ồn ã trong giang hồ, mọi người chỉ kháo nhau rằng nơi đó gặp động đất. Những đồng thời họ cũng phát hiện ra một thế lực giang hồ rất lớn đang từ từ di chuyển lên phía bắc, chỉ nghe đồn có kẻ âm thầm bỏ ra một số tiền lớn mua chuộc các thế lực giang hồ nhằm vây bắt một chàng thanh niên trẻ.
Vừa nghe được thông tin, Lỗ Thịnh Nghĩa đã lập tức khẳng định rằng việc này chắc chắn có liên quan tới cậu con trai Lỗ Nhất Khí.
Trong khoảng thời gian đó, Lỗ Thiên Liễu đã trở nên trầm lặng hơn, cũng là chín chắn hơn. Trận quyết đấu trong thành Tô Châu với cô khác nào một đợt tôi luyện khắc nghiệt trong sự giằng co giữa được và mất. Mấy ngày nay, trên tay cô không lúc nào rời cuốn “Huyền giác” mà ông Lục đã tặng. Cô đọc rất chăm chú, hy vọng rằng có thể tìm ra được bí quyết gì trong đó, để tìm hiểu xem món đồ được lấy ra từ hộp ngọc trong ngôi mộ trôi rốt cục ẩn giấu huyền cơ gì.
Bên trong hộp ngọc chỉ có một mảnh lụa vàng khá nhỏ, chỉ có điều thứ lụa này được dệt bằng sợi kim tuyết vặn thừng, hoa chìm vân nổi, nước ngâm không thấm, lửa đốt không cháy. Mặt lụa thoạt nhìn trống trơn không có thứ gì, song bí mật thực chất lại nằm trên những đường vân nổi. Có thể phát hiện ra bí mật này, chính là nhờ vào xúc giác phi thường trong ba giác đặc biệt của Lỗ Thiên Liễu.
Phương pháp dệt hoa chìm vân nổi, thực chất là trong quá trình dệt, sẽ rút sợi kim tuyến ở từng bộ phận với mức độ lỏng chặt khác nhau. Nếu rút chặt, sợi kim tuyến ở vị trí đó sẽ bị dồn nén mà hơi nhô lên, khiến cho toàn bộ bề mặt miếng vải không được bằng phẳng. Sắp xếp những vị trí không bằng phẳng đó theo một quy luật hoặc hoạ tiết nhất định, sau khi dệt xong, do mặt lụa một màu có chỗ lồi chỗ lõm, nên sự phản xạ ánh sáng ở các vị trí cũng có khác nhau, từ đó hình thành những hoa văn lờ mờ ẩn hiện.
Những điểm nổi lên trên tấm lục này rất mực kín đáo, chỉ nhìn bằng mắt thường, khó mà phát hiện ra được. Thực ra trên thế giới có rất nhiều thứ không thể nhìn được bằng mắt thường, bởi vì ngay từ khi làm ra những thứ này, người ta đã có ý không muốn để người khác phát giác ra. Nhưng Lỗ Thiên Liễu lại có xúc giác trong sáng mẫn tiệp hơn cả mắt thường, sau nhiều lần ngưng thần tụ lực, cô đã lần thấy những điểm lỏng chặt không đều của chỉ kim tuyến trên tấm lụa vàng được sắp xếp thành hai hàng chữ: “Hoả linh kế, hư hải tế; giả Chân Vũ, thực nhạn linh”.
Dòng chữ này có ý nghĩa gì? Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Thiên Liễu đã thử phân tích từ rất nhiều mặt, nhưng tìm đủ mọi cách vẫn không thể giải mã được.
Nhưng vấn đề này bắt buộc phải giải quyết. Trước mắt chỉ có thể nhờ cậy chưởng giáo Thiên sư núi Long Hổ. Thế là sau khi xác nhận tình hình giang hồ vẫn còn tạm ổn, Lỗ Thiên Liễu đã âm thầm lên núi Long Hổ một mình.
Chưởng giáo Thiên sư không hỏi xuất xứ của dòng mật ngữ, cũng chẳng hỏi nguyên nhân, chỉ trầm ngâm ngẫm ngợi một hồi. Sau đó lại tìm các cao thủ khác trong phái cùng đến phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng vẫn không thể tìm ra đáp án chính xác. Chưởng giáo Thiên sư bèn bảo Lỗ Thiên Liễu quay trở về Tam Đảo Thái Hồ trước, họ sẽ tiếp tục suy nghĩ tìm ra đáp án, khi nào có lời giải chính xác sẽ cho người thông báo sau.
Sau khi Lỗ Thiên Liễu trở về được mấy ngày, khoảng thời gian yên bình ở Tam Đảo Thái Hồ đã bị phá vỡ.
Đảo chủ của Tam Đảo Thái Hồ là Rùa gai Du Hữu Thích. Đây không phải là tên thật của hắn, mà do hắn giỏi sử dụng một cặp Nga Mi thích[29] rẽ nước ngắn trông rất cổ quái, nên thành biệt danh. Hắn tuổi ngoại tứ tuần, lưng rộng chân thô, bụng ngang ngực nở, tướng tá giống hệt thương nhân tài chủ.
Sự thực thì hắn không phải thương nhân tài chủ, cũng chẳng phải ngư dân đúng nghĩa, mà là đầu sỏ của đám phỉ trong hồ, tự chiếm đảo làm vương làm tướng. Nguyên nhân đều do một tai hoạ thập tử nhất sinh, nếu không, hắn muốn làm tài chủ hay ngư phu cũng chẳng có gì khó.
Trước đây Du Hữu Thích vốn là công tử trong một gia đình cự phú ở Giang Nam, bẩm sinh đã giỏi bơi lội, có thể lặn xuống nước tay không bắt cá. Gia tộc họ Du phát đạt nhờ buôn bán trên sông, đến đời ông nội hắn, gia sản trong nhà đã có đến mấy vạn mẫu sông hồ ao đầm. Tất cả những làng chài bến bãi dọc bờ sông đều phải nộp thuế cho nhà họ. Nhưng sau khi ông nội hắn qua đời, gia đạo bắt đầu sa sút, phần lớn gia sản dần dần rơi vào tay kẻ khác. Và cũng trong vài năm đó, người nhà họ Du đang yên đang lành bỗng theo nhau đổ bệnh, ngay cả Du Hữu Thích vốn dũng mãnh như hùm beo cũng không tránh khỏi tai ương.
Khi Lỗ Thịnh Nghĩa và ông Lục đến phủ nhà họ Du, người nhà họ Du đã ốm chết gần hết, bản thân Du Hữu Thích cũng chỉ còn thoi thóp hơi tàn. Bao nhiêu thầy thuốc giỏi đều không tìm ra nguyên nhân gây bệnh, nhưng Lỗ Thịnh Nghĩa và ông Lục đã phát hiện ra, nguyên nhanh là do ngôi nhà, do phong thuỷ.
Lỗ Thịnh Nghĩa áp dụng kỹ pháp định cơ của nhà họ Lỗ, đào xới ở đoạn phía trước cột hành lang bên trái cửa nhà chính, cách cột hành lang năm bàn tay, và lôi lên được một túi vải đen, bên trong đựng nửa cái đầu lâu và một khúc xương ống chân vát nhọn. Đầu lâu và xương ống đều đã được ngâm qua máu. Đây chính là loại cổ chú “đầu đứt chân cụt” vô cùng tàn độc có xuất xứ từ vùng biên viễn phía Tây, được chôn đúng vị trí trung tâm của nhà họ Du, rõ ràng nhằm mục đích tận diệt cả nhà, đến gia súc cũng không tha. Cổ chú vừa được đào lên, ông Lục lập tức dùng bùa Giải hối hoàn hồn cứu giúp, nhờ vậy mà cái mạng của Du Hữu Thích mới giữ được.
Sau đó, ông Lục lại phát hiện ra trên phần mộ tổ tiên của nhà họ Du, vốn có phong thuỷ rất tốt, mọc lên mấy gốc cây rất quái lạ, rậm rạp um tùm trông rất có thế. Hỏi Du Hữu Thích đó là cây gì, do ai trồng, hắn lại không hề hay biết. Ông Lục bèn bảo Du Hữu Thích cho người đào lên, lúc này mới phát hiện ra chúng quả thực vô cùng quái dị, rễ cây kết chùm lan rộng hơn tán cây rất nhiều, tua rễ rất dài, toả khắp bốn phía.
Tiếp tục đào men theo rễ, mới phát hiện ra nhiều sợi rễ cây đã xuyên thủng cả quan tài trong mộ tổ, vặn nát thi hài bên trong. Trong phong thuỷ gọi tình trạng này là “diệt tổ tuyệt mạch”. Thứ ác phá này một khi đã hình thành, không cách nào phá giải. Nếu đã gặp phải, con cháu trong nhà sẽ phải mười đời chịu ba mệnh tiện, nếu không, không những đời đời không thể hưng thịnh, mà con cháu đời nào cũng phải đoản thọ chết yểu.
Ba mệnh tiện, tức là trộm cướp, ăn mày, nô bộc. Du Hữu Thích một thân ngạo cốt, tuyệt đối không chịu khuất thân làm ăn mày hay nô bộc, vì vậy đã một mồi lửa thiêu rụi toàn bộ dinh cơ, dẫn theo mấy người bạn thân, nô bộc tình nguyện đi cùng, lên Tam Đảo Thái Hồ làm cướp. Đương nhiên, suốt những năm đó, hắn vẫn âm thầm điều tra, muốn tìm xem kẻ nào đã rắp tâm hãm hại cả gia tộc họ Du, khiến hắn tan nhà nát cửa.
Tuy làm thảo khấu Thái Hồ, song bọn họ không làm hại dân lành, cướp bóc bừa bãi, càng không giết người phóng hoả, nguồn sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Khi có thuyền bè qua lại, họ chỉ cướp bóc chút đỉnh gọi là, giống như hàng xóm tắt mắt của nhau, chỉ có tiếng hão là thổ phỉ Thái Hồ, nên quan phủ và ngư dân trong vùng đều không động chạm gì đến họ.
Những ngày tháng nơi Tam Đảo Thái Hồ cứ trôi đi yên bình như thế ngoại đào viên. Song đến ngày thứ năm sau khi Lỗ Thiên Liễu trở về, trong đám thủ hạ trên đảo bỗng có hai người tự dưng lăn ra chết, không thể tìm thấy nguyên nhân. Hai kẻ xấu số còn chưa được chôn cất, lại có thêm một người tử vong, là bị người ta đập chết, nửa đầu bên trái vỡ nát, cả hộp sọ lõm vào đến một nửa. Hình dạng thê thảm của hắn khiến Du Hữu Thích liên tưởng tới nửa cái đầu lâu chôn trước cửa nhà mình.
Sau đó, không những tiếp tục có người chết thình lình, mà hình tướng của người chết cũng ngày càng khủng khiếp đến khó tưởng tượng. Có người toàn bộ cột sống, nội tạng từ lồng ngực trở xuống đều bị bẻ gãy, giật đứt, có người đầu bị vặn ngược một vòng ra sau rồi xoay trở lại, thậm chí có xác chết còn tự nhét tay vào miệng, nắm tay xuyên thủng gáy ra phía sau đầu.
Đến ngày thứ tư, Du Hữu Thích, Lỗ Thịnh Nghĩa dẫn theo tất cả những người còn lại rời khỏi Tam Đảo. Hai mươi bảy chiếc thuyền đồng thời xuất phát. Khi đến đoạn mặt hồ rộng rãi, đoàn thuyền lập tức tản mát mỗi chiếc một hướng. Như vậy cho dù có kẻ địch đeo bám sau lưng, nhất thời cũng chẳng biết nên đuổi theo hướng nào.
Lỗ Thiên Liễu và Du Hữu Thích chèo hai con thuyền nhỏ. Trên thuyền của Lỗ Thiên Liễu còn có Lỗ Thịnh Nghĩa, Ngũ Lang và một đệ tử của Du Hữu Thích, tay đệ tử này cũng là một kẻ lái thuyền cừ khôi. Trên thuyền của Du Hữu Thích, ngoài hắn ra còn có một đệ tử và một người anh em kết nghĩa. Họ đều là những người thân tín nhất của Du Hữu Thích, sẵn sàng giao phó cả tính mạng cho hắn.
Sau khi hai con thuyền tản đi, bọn họ đã lượn một vòng trên mặt hồ, sau đó âm thầm quay trở lại, ẩn nấp ở Tam Đảo Thái Hồ, vì Lỗ Thiên Liễu còn muốn lưu lại chờ tin tức của Thiên Sư giáo.
Sau đó, trên đảo không còn xảy ra chuyện giết chóc nữa. Khoảng nửa tháng sau, Thiên Sư giáo cuối cùng cũng đã phái người đến, đó là Chu thiên sư cai quản Biện Vi đường, cùng đến còn có một đồ đệ và hai tiểu đồng.
Lỗ Thiên Liễu có biết Chu thiên sư. Lần trước khi cùng ông Lục đến Biện Vi đường để hỏi chuyện huyền nghi, hai bên đã từng gặp mặt.
Chu thiên sư vừa lên đảo đã tỏ ra vô cùng căng thẳng, vì vừa mới bước vào địa phận Thái Hồ, đã lập tức bị đeo bám, làm thế nào cũng không thể cắt đuôi. Sau khi nghe họ thuật lại những sự việc xảy ra trên đảo khi trước, Chu thiên sư lập tức yêu cầu mọi người nhân khi trời tối bỏ trốn ngay khỏi đảo.
-Mọi người đã đánh giá quá thấp đối thủ rồi! Mấy ngày nay chúng không tìm ra tung tích của mọi người, chắc chắn sẽ chuyển hướng suy nghĩ ngược về Tam Đảo. Mà chưa biết chừng chuyện trước đây chính là do đối phương sắp đặt, dùng các thủ đoạn tàn sát, đe doạ để xua đuổi những người không liên quan bỏ đi, khiến người nhà họ Lỗ phải hiện nguyên hình. Đây gọi là chiêu “sàng cát giữ đá”.
Bọn họ người thì há hốc miệng, người thì đỏ bừng mặt, song tất cả đều nhanh chóng thu dọn hành trang, trời vừa sẩm tối liền lách qua bờ lau rậm rạp xuống bến, di chuyển về phía đông nam vào sâu trong Thái Hồ.
Trên thuyền, Chu thiên sư đã kín đáo nói cho Lỗ Thiên Liễu biết sự thật về hai hàng chữ trên tấm lụa vàng.
Chưởng giáo thiên sư tổng cộng đã phái đi tám nhóm, chia thành tám lộ ra ngoài tìm kiếm manh mối. Mỗi nhóm người chỉ đi tìm hiểu ba chữ, như vậy cho dù có tìm được ý nghĩa của ba con chữ, cũng không thể hiểu được những nội dung còn lại, tránh được nguy cơ để lộ bí mật ra ngoài. Nói đến chuyện đi tìm manh mối, phá giải mật ngữ trên tấm lụa, trên nét mặt Chu thiên sư có đôi chút đắc ý, vì đến giờ, người thu hoạch được nhiều nhất trong tám nhóm chính là ông ta.
Nơi Chu thiên sư tìm đến đầu tiên chính là núi Võ Đang thuộc địa phận Hồ Bắc, vì ở đó ông có một người họ hàng xa từ hồi chưa xuất gia. Đó là một vị đạo sĩ già lưng gù chuyên quản lý việc thu thập và chỉnh lý kinh thư sách vở, đầy bụng kinh thư sử tịch. Ở chỗ ông ta, Chu thiên sư còn ngẫu nhiên biết được ý nghĩa của ba con chữ khác trên tấm lụa.
“Giả Chân Vũ”, ba con chữ vừa được bày ra trước mặt, lão đạo sĩ lưng gù chưa kịp chớp mắt đã nói ngay:
-Ta sẽ đưa mọi người lên đỉnh núi xem thử, đến đó, có lẽ ngươi sẽ ngộ ra được ý nghĩa ẩn chứa bên trong!
Chu thiên sư đi cùng vị đạo sĩ lưng gù lên đỉnh Thiên Trụ, đỉnh núi chính của dãy núi Võ Đang. Ở đó có một khối kiến trúc vô cùng kỳ bí: Chân Vũ kim điện.
Tuy gọi là kim điện, tức điện vàng, nhưng thực ra toàn bộ ngôi điện đều được chế tác từ đồng, xây dựng theo hình thức đúc rời ghép lại. Tất cả những bộ phận cấu thành đều được đúc sẵn từ kinh thành, sau đó vận chuyển lên núi Võ Đang mới lắp ghép lại thành ngôi điện hoàn chỉnh. Những bộ phận cấu thành đều được chế sẵn khớp, mộng, sử dụng các phương pháp ghép mộng, tán đinh, ráp nối, hàn để liên kết lại với nhau, thủ pháp tinh mật, một thể thống nhất, không hề để lộ một dấu vết ghép nối. Toàn bộ thiết kế và cấu tạo của ngôi điện đồng quả thực xứng đáng là khéo đoạt hoá công.
Kim điện mặt tiền rộng rãi, sâu vào ba gian, cao năm thêm năm “khí bộ hành”[30], rộng bốn thêm bốn “khí bộ hành”, sâu ba thêm ba “khí bộ hành”. Toàn bộ kiến trúc được làm từ đồng mạ vàng mô phỏng kết cấu gỗ, mái chồng diêm hai tầng, đầu đao cong vút. Trong điện có mười hai cây cột tròn, đá kê chân cột tạo hình hoa sen báu, mái đỡ bằng đấu củng, kết cấu vô cùng thanh thoát tinh xảo.
Tượng thần, bàn thờ và đồ thờ trong điện cũng đều được đúc bằng đồng, trong điện thờ Chân Vũ Đế Quân, mình mặc áo bào mang giáp trụ, tóc xoã chân trần, phong thái lẫm liệt, chỉ có điều tướng mặt của pho tượng Chân Vũ ở đây có khác so với những tượng Chân Vũ được thờ tại nơi khác. Tương truyền bức tượng Chân Vũ này được tạc mô phỏng theo tướng mạo của Chu Đệ, nên dân gian có câu “thần Chân Vũ, hình Vĩnh Lạc”.
Vừa bước vào kim điện, Chu thiên sư đã lập tức có điều lĩnh ngộ. Sự tích về toà kim điện, trước đây ông cũng nghe ngóng được ít nhiều. Bức tượng Châu Vũ mang hình hài Vĩnh Lạc, phải chăng chính là “giả Chân Vũ”? Chu thiên sư không dám khẳng định, vì ông cảm thấy chuyện này chắc chắn không đơn giản như mình nghĩ.
-Có nhìn thấy pho tượng Chân Vũ kia không? Có lẽ mọi người cũng đã nghe nói, pho tượng được tạc phỏng theo tướng mạo của Vĩnh Lạc hoàng đế. Nhưng tại sao lại xây toà điện đồng, đúc pho tượng đồng này trên Kim Đỉnh của núi Võ Đang? Nội tình trong đó, có lẽ mọi người vẫn chưa biết rõ.
Sau khi Vĩnh Lạc đế Chu Đệ đoạt được ngai vàng từ tay Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn, tuy đã được ngồi lên ngôi báu, song trong tâm vẫn phấp phỏng bất an. Ta từng đọc được những ghi chép rất hàm hồ trong tài liệu viết về việc xây dựng toà kim điện, đại khái có ý nói rằng một số món đồ vật hệ trọng có liên quan tới ngôi vị đế vương của họ Chu đã bị Chu Doãn Văn mang theo khi bỏ trốn. Vì vậy, sau này Vĩnh Lạc đế đã triệu tập rất nhiều cao thủ văn chương, tiến hành chỉnh lý lại toàn bộ sử liệu, thư tịch được tàng trữ trong cung, đồng thời sưu tầm rộng rãi một số lượng lớn các trước tác thư tịch trong dân gian, biên soạn thành tổng tập “Vĩnh Lạc đại điển” đồ sộ, song mục đích thực sự là muốn tìm lại thứ mà ông ta đã mất.
Cũng coi như trời không phụ lòng người, trong một đoạn ký lục về cuộc trao đổi bí mật giữa Thái Tổ và Lưu Cơ, có người đã tìm thấy câu “Hoả linh chi kế tục, duy giả vu Chân Vũ...” (nối tiếp của Hoả linh, chỉ nhờ vào Chân Vũ). Chỉ có điều ghi chép về cuộc trao đổi bí mật chỉ đến đây là kết thúc, phía dưới không còn nội dung nào khác, dường như viên quan chịu trách nhiệm ghi chép đã bị ai đó ngăn trở. Bởi vậy, hai câu này có ý nghĩa gì, không ai biết được.
Chu thiên sư nghe đến đây, tim bỗng nảy lên một nhịp, trên mặt bừng lên một nét hân hoan khó giấu. Ông đã được nhìn thấy toàn bộ mười hai con chữ trên tấm lụa vàng, câu đầu tiên chính là ba chữ “Hoả linh kế”, vừa nãy lão đạo sĩ có nhắc đến “Hoả linh chi kế tục”, có lẽ là trùng khớp với ba chữ này. Xem ra lần này tìm tới Võ Đang đã là đi đúng hướng, không những đạt được mục đích ban đầu, lại có thêm thu hoạch bất ngờ khác nữa.
Lão đạo sĩ không chú ý tới sự biến đổi trên sắc mặt của Chu thiên sư, vẫn tiếp tục kể:
-Bắt được một câu không đầu không đuôi này, Vĩnh Lạc đế mừng rỡ như tìm ra báu vật. Theo như tài liệu trên, dường như Vĩnh Lạc đế đã hiểu được ý nghĩa của câu “Hoả linh chi kế tục”, song còn câu sau “duy giả vu Chân Vũ”, ông lại không hiểu nó có hàm nghĩa gì. Không còn cách nào khác, ông bèn tập hợp các nhân tài văn chương và Đạo gia đến để tìm cách giải nghĩa.
Bọn họ đã đưa ra hai lời giải. Một ý kiến cho rằng “giả vu Chân Vũ” tức là nhờ vào Chân Vũ, mượn nhờ thánh lực của thần Chân Vũ để thi hành thiên đạo. Ý kiến thứ hai lại cho rằng, bước thứ nhất là tạo ra một vị thần Chân Vũ giả, sau đó tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, như vậy sẽ có thể đạt được mục đích cuối cùng. Song những bước tiếp theo là gì, thì quan ghi chép không thấy ghi lại.
Chu thiên sư lại vắt óc suy nghĩ, liệu những bước tiếp theo không được ghi chép có liên quan gì tới nội dung những chữ còn lại trên tấm lụa vàng hay không?
-Cả hai lời giải trên, Vĩnh Lạc đế đều không phê chuẩn. Nhưng không lâu sau, ông ta đã cho người xây dựng toà kim điện này. Sau này mới nhận ra, Vĩnh Lạc đế đã đưa ra một biện pháp rất ổn thoả, tức là kết hợp cả hai lời giải vào làm một. Xây Chân Vũ kim điện, tức là nhờ cậy vào Chân Vũ. Trong điện lại đặt pho tượng Chân Vũ phỏng theo hình tướng Vĩnh Lạc đế, chính là pho tượng Chân Vũ giả.
Chu thiên sư nhân tiện hỏi một câu:
-Vậy tại sao lại phải xây trên đỉnh Thiên Trụ núi Võ Đang?
Lão đạo sĩ cười khẽ thành tiếng:
-Nghe nói ngay từ trước khi Vĩnh Lạc cướp ngôi Kiến Văn đế, ông đã mời cao nhân tìm kiếm các huyệt nhãn trọng yếu trong thiên hạ, biết được vị trí của Tử Cấm Thành và núi Võ Đang chính là hai huyệt nhãn âm dương trời đất, nên Vĩnh Lạc đế mới dời đô về Bắc Kinh, đồng thời đặt tên cho toà điện chính trong Tử Cấm Thành là điện Thái Hoà, và ban cho núi Võ Đang cái tên là núi Thái Hoà. Bản thân hoàng đế ngự tại Tử Cấm Thành là chiếm được một huyệt nhãn phong thuỷ. Để giữ cho giang sơn yên ổn, đời đời bình yên, đương nhiên sẽ phải đặt pho tượng Chân Vũ giả mang hình tướng của mình trấn tại một huyệt nhãn còn lại.
Chu thiên sư kéo lão đạo sĩ gù vào một góc điện, tách khỏi những người khác, sau đó móc ra vài phiến thuốc lá đại hoàng, bóp vụn, cuốn thành điếu thuốc, đưa cho lão đạo sĩ rồi châm lửa.
Lão đạo sĩ hít liền mấy hơi, rồi lim dim đôi mắt, thở ra một hơi dài thật sảng khoái, xem ra vô cùng thoả mãn.
Chu thiên sư chớp lấy cơ hội này, nói nhỏ với lão đạo sĩ:
-Anh ơi, tôi cũng chẳng giấu gì anh mục đích thực sự khiến tôi đến núi Võ Đang lần này. Có một tín chủ đối với Thiên Sư giáo chúng tôi rất mực thành tín, năm nào cũng cúng phụng rất chu đáo. Có điều gần đây phong thuỷ tổ tiên bị phá, gia đạo suy sụp thảm hại. Chuyện này Thiên Sư giáo chúng tôi không thể nhắm mắt làm ngơ, nên đã ra tay giúp đỡ. Tuy là đã tìm ra khối đá nguyền có khắc ba chữ “giả Chân Vũ” tại phần mộ tổ tiên, song đối phương lại còn hạ cổ chú “ý bất di” (ý không dời), nên bây giờ dù có di chuyển khối đá nguyền ra khỏi phần mộ tổ cũng chẳng có tác dụng gì. Chỉ còn cách giải được ý nghĩa chính xác của ba chữ kia, may ra mới tìm được chỗ khuyết để xuống tay. Vì vậy mong anh hãy giúp tôi đưa ra vài lời phân tích về hai lời giải đó!
Lão đạo sĩ không đáp lời, chỉ mỉm cười một cách sâu xa. Lại hít thêm hai hơi thuốc nữa, rồi mới bỏ điếu thuốc xuống, khẽ đặng hắng rồi nói:
-Cùng là Đạo gia, song xử sự lại không hoàn toàn giống nhau. So với Võ Đang của ta, Thiên Sư giáo của người có phần thế tục hơn một chút. Lời đã nói như vậy, ta cũng không muốn bắt bẻ ngươi, lại càng không tiện nói thẳng, chỉ có ngươi trong lòng hiểu rõ là được!
Nghe ông ta nói vậy, Chu thiên sư trong lòng bối rối, trên mặt cũng thấy nóng ran. Xem ra vị đạo sĩ già đã biết tỏng những lời Chu thiên sư vừa nói ra chỉ là bịa đặt. Thế nhưng Chu thiên sư lại không thể kể rõ sự thực cho ông ta biết.
-Chuyện ngươi vừa hỏi, ta không thể đưa ra câu trả lời chính xác, nhưng ta có thể cho ngươi biết một số hiện tượng, sau đó ngươi hãy tự mình phân tích. Nhân quả tuần hoàn, tin vào phán đoán của mình vẫn là cách tốt nhất! - Lời của lão đạo sĩ rất thấu tình đạt lý, Chu thiên sư trong lòng cảm kích, gật đầu lia lịa.
-Đã từng nghe chuyện “Lửa sét luyện điện” chưa? Đây là một cảnh tượng lạ thường của điện Chân Vũ. Mỗi khi gặp trời sấm chớp, lại xuất hiện những quả cầu lửa lăn tròn khắp xung quanh kim điện, nhưng sét không bao giờ đánh được vào trong điện. Sau khi kim điện bị sét đánh trúng, không những không hề hư hại, mà ngược lại, tất cả bụi bặm han gỉ trong điện sẽ được đốt sạch trơn. Sau đó nước mưa xối rửa, lại sáng bóng như mới. Kỳ quan này được gọi là “lửa sét luyện điện”. Cứ trước khi xảy ra hiện tượng “lửa sét luyện điện”, pho tượng đồng Chân Vũ lại đổ mồ hôi, còn tượng đồng hải mã bên cạnh cũng phun ra sương khói, không biết là do sợ hãi sấm sét, hay là muốn thu hút sấm sét. Đây cũng là một cảnh tượng kỳ lạ chưa thể giải thích của kim điện.
Chân Vũ Đại Đế, vốn là thuỷ thần ở phương Bắc, Ngũ Dật trong “Cửu chương hoài cú” gọi ngài là: “Thiên Quy thuỷ thần”. Trong quyển thứ sáu của “Trùng tu vĩ thư tập thành” là “Hà đồ” có viết: “Chòm sao bảy vị thần ở phương bắc, kỳ thực bắt đầu từ sao Đẩu, trấn ở phương bắc, chủ về mưa gió”. Thế nhưng Vĩnh Lạc hoàng đế lại đặt vị thần linh phương bắc này ở phía nam, tức là nam đế thái hoà, âm dương đảo ngược.
-Ý của anh là dùng thuỷ thần để dẫn dụ Hoả linh? - Lời vừa buột ra khỏi miệng, Chu thiên sư lập tức cảm thấy hôm nay tâm nguyên bộp chộp, thiếu đi sự cẩn trọng cần có của người tu đạo.
Đạo sĩ già làm như không nghe thấy lời Chu thiên sư, tiếp tục mạch nói của mình:
-Ngươi có nhìn thấy đĩa đèn dầu trong điện không? Mặc dù chỉ là những đốm lửa nhỏ bé, ánh sáng ít ỏi, song đã cháy suốt năm trăm năm chưa bao giờ tắt. Đây lại là một kỳ quan nữa trong kim điện, liệu trong đó có ẩn ý gì chăng? Biết bao hiện tượng lạ thường, ai mới có thể liên kết chúng lại với nhau, ngộ được mấy phần thiên cơ trong đó? – Trong lời nói của lão đạo sĩ gù vừa có vẻ bất lực, lại có phần cảm khái.
Nói đến đây, hai người cùng trầm ngâm một hồi lâu. Bởi vì một người đang suy nghĩ, còn một người đang chờ đợi.
Suy nghĩ, là muốn phân tích những hiện tượng lạ lùng kia để tìm ra đáp án mà mình cần biết; chờ đợi, là vì biết rõ đối phương vẫn muốn có thêm những câu trả lời khác.
-Anh à, lúc nãy anh có nhắc tới cuộc trao đổi bí mật giữa Lưu Cơ và Thái Tổ, có ghi lại một câu “Hoả linh chi kế tục, duy giả vu Chân Vũ...”. Vậy “Hoả linh chi kế tục” có nghĩa là gì?
Lão đạo sĩ gù nở một nụ cười có pha chút đắc ý. Quả nhiên tất cả đều nằm trong dự đoán của ông ta.
-Vào những năm Vĩnh Lạc, quan sao lục[31] trong cung là Tất Triệu Ấp sau khi về quê ẩn cư, có viết một cuốn “Biên soạn tồn nghi tế tích”[32], phần lớn nội dung trong đó đều là chỉ ra những nghi vấn và thiếu sót còn tồn tại trong quá trình biên soạn cuốn “Vĩnh Lạc đại điển”. Trong cuốn sách có đưa ra phân tích về câu “Hoả linh chi kế tục” như sau: Từ thời viễn cổ, trời đất mới phân tách, muôn vật mới bắt đầu, đạo Ngũ hành chia thành Hoả linh, Thuỷ minh, Thổ thánh, Kim tinh, Mộc tuỷ. Vì vậy câu “Hoả linh chi kế tục”, tức là nối tiếp theo Hoả linh, hẳn là chỉ Thuỷ minh.
-Ồ! – Chu thiên sư bật thốt lên, song phản ứng này chỉ là biểu lộ sự khâm phục trước học vấn uyên bác của lão đạo sĩ, chứ không phải đã ngộ ra điều gì.
-Tất Triệu Ấp đã tìm kiếm trong thư tịch cổ, đối chiếu với cổ văn để tiến hành giải thích. Nhưng ta lại cảm thấy rằng, nếu căn cứ theo mặt chữ, câu này còn có thể diễn dịch thành “để tiếp nối sức mạnh của Hoả linh”, sau đó sẽ chỉ rõ cần thực hiện như thế nào. Có điều đoạn trao đổi giữa Thái Tổ và Lưu Cơ mới chỉ được ghi lại một câu mở đầu, thiếu mất nội dung cụ thể phía sau, không thể móc nối trước sau để giải thích. Bởi vậy, muốn biết ý nghĩa thực sự, chỉ còn cách tự mình tìm tòi!
Lão đạo sĩ nói dứt câu, lập tức đứng dậy, bước thẳng xuống đỉnh Thiên Trụ. Mặc dù ông ta gù lưng, song bước chân vẫn thung dung nhẹ nhõm khác thường.
Chu thiên sư mới bước theo ông ta hai bước, đã dừng ngay lại, vì lão đạo sĩ đã chậm rãi xua tay ra sau lưng.
-Ngươi có việc gấp, lần này ta cũng không giữ chân ngươi. Nếu còn thời gian, hãy lưu lại kim điện nghiền ngẫm thêm chút nữa. Còn nếu thời gian gấp gáp, hãy xuống núi thôi! Chỉ cần nhớ kỹ, thân tuy không theo mình, song ý do tâm sinh, nhân quả trong ý niệm, sống chết một nước cờ. Nếu làm, chớ nên oán trách; không làm, chớ nên hối hận!
Chu thiên sư đứng sững tại chỗ một hồi lâu. Ông đang suy nghĩ, suy nghĩ về những lời lão đạo sĩ vừa nói trước lúc rời đi. Còn về câu “Hoả linh kế, giả Chân Vũ”, ông cũng không định bỏ công suy nghĩ gì thêm nữa, vì cuối cùng sẽ có người khác đưa ra phán đoán. Ông chỉ cần mang những thông tin thu lượm được trở về, là đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi xuống núi Võ Đang, Chu thiên sư không trở về núi Long Hổ, mà chỉ sai một đệ tử quay về, báo cáo lại tình hình tìm kiếm cho chưởng giáo thiên sư, còn ông đi thẳng đến Tam Đảo Thái Hồ. Vì khi bọn họ chia nhau xuống núi, Chưởng giáo thiên sư đã dặn dò kỹ lưỡng, không tìm được đáp án thì thôi, nếu như tìm được, phải trực tiếp mang tin đến hội tụ ở Tam Đảo Thái Hồ, để tránh đêm dài lắm mộng.
Nhưng thật không ngờ tình thế trên đảo hiện giờ lại nguy cấp đến vậy, nếu nấn ná ở thêm, rất có thể sẽ bị đối phương vây khốn. Vì vậy, không thể tiếp tục ngồi chờ người của các lộ khác tìm tới, cần phải thoát khỏi vòng nguy hiểm trước, mọi sự sẽ tính sau.
Sau khi Chu thiên sư thuật lại tỉ mỉ toàn bộ quá trình tìm kiếm và toàn bộ những thông tin thu thập được cho Lỗ Thiên Liễu nghe, chi tiết khiến Lỗ Thiên Liễu chú ý nhất chính là những câu nói sau cùng của lão đạo sĩ gù. Trong cõi vô hình, cô cảm giác như đã từng có người nói với cô những lời tương tự ở một nơi nào đó, dường như trong mơ, dường như trong kiếp trước, dường như chúng đã từng khiến cô phải lệ nóng tuôn trào...
Lỗ Thiên Liễu men theo con đường đá quanh co tiến về phía trước. Cô đã quyết định một mình đối diện với thị trấn hoang vu lạnh lẽo hệt như một bãi tha ma.
Trên lòng bàn tay chằng chịt những đường vân, nếp chỉ, mấu xương ngang dọc, sau khi bị bụi mưa dày đặc phủ kín, dưới ánh sáng trời phản chiếu, chúng hiện lên những vẻ sáng tối khác nhau, chỗ mờ chỗ tỏ. Nhìn vào sự phân bố của chỉ tay và những khoảng giao thoa sáng tối, Lỗ Thiên Liễu đã tìm ra đáp án: “tướng thuận xuất”. Phương pháp chiêm bói mà cô sử dụng là sự tổng hợp giữa cách “bói bàn tay” và “bói hoàn cảnh”, ngoại trừ những người bẩm sinh đã thông tỏ huyền hư như Lỗ Thiên Liễu, số người có thể học và vận dụng được phương pháp này là cực kỳ ít ỏi.
“Tướng thuận xuất! Đã có thể “thuận xuất”, tức thuận lợi vượt qua, vậy thì xông vào hẳn cũng không có gì đáng ngại!” - Lỗ Thiên Liễu thầm nghĩ. Còn quẻ tượng này có chính xác hay không, sau khi xông vào sẽ phải đối đầu với bao nhiêu nguy hiểm, cô không hề nghĩ đến.
Cô đã đi vòng qua ao nước, phía trước chính là lối vào của thị trấn.
Lỗ Thiên Liễu lại dừng bước, dùng ba giác siêu phàm rà soát thật kỹ lưỡng. Kỳ thực cô chỉ mong tìm ra dấu vết của con người trong khối kiến trúc kia, cho dù có là địch thủ, là nút người rình rập, cô cũng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều so với lúc này.
Bên đường có một khóm hoa dại vừa chớm nở, cánh hoa nhỏ xíu, trắng mụn, trong sắc trắng loáng thoáng pha chút ánh lam, nuột nà như châu, mơn mởn như ngọc, gần như trong suốt, càng lộ rõ vẻ mong manh run rẩy dưới cơn mưa. Trong khóm hoa, có một cành nhỏ đã bị gãy ngang, thõng xuống khẽ đung đưa theo gió.
Lỗ Thiên Liễu bẩm sinh đã có một tình yêu thương đặc biệt với hoa lá cỏ cây, nhìn thấy cành hoa bị gãy, trong lòng cô bỗng dấy lên một nỗi xót xa. Cô bước lại gần, ngồi thụp xuống, đưa tay ngắt lấy cành hoa. Trên cành có mấy đoá hoa nhỏ trắng muốt, cánh hoa phủ kín những bụi nước li ti, toát lên vẻ diễm lệ thuần khiết trời sinh.
Lỗ Thiên Liễu cài cành hoa lên búi tóc, trong lòng dấy lên một niềm thấp thỏm rất khó diễn tả. Trong cả khóm hoa chỉ có một cành bị gãy, không phải do gió thổi, không phải do mưa táp, chắc chắn đã có người vượt lên phía trước cô!
Thận trọng tiến vào trong trấn, mới được vài bước, Lỗ Thiên Liễu lập tức phát hiện có điều bất ổn. Bên dưới mái hiên của những ngôi nhà đang chảy xuống những dòng nước mưa rất lớn. Lúc này đang mưa bụi lâm thâm, thông thường lượng mưa phải ở mức trung bình thì nước giọt gianh mới có thể chảy xuống thành dòng lớn như vậy. Nhà cửa ở đây không xây dựa núi, toàn bộ quần thể kiến trúc cũng không áp dụng phương pháp chồng diêm tiếp mái, vì vậy chắc chắn không phải là suối trên núi chảy xuống.
Lỗ Thiên Liễu đưa mắt quan sát xung quanh, bỗng thấy trước mắt chao đảo, tiếp đó là cảm giác chóng mặt lợm giọng muốn nôn. Cô cứ ngỡ nước mưa trên trán chảy xuống đã làm nhoà đôi mắt, nên vội đưa tay lên vuốt mạnh. Song không phải vậy! Sau khi nhìn rõ hơn, cô lại càng thêm chếnh choáng, trước mắt chỉ thấy những dòng nước giọt gianh đang đổ xuống, mỗi lúc một dày đặc, mỗi lúc một chảy xiết, dần dần biến thành vô số tấm lưới giăng kín mít, phản xạ thứ ánh sáng lấp loá chập chờn. Dưới tác dụng của sự phản xạ ánh sáng, Lỗ Thiên Liễu cảm thấy tất cả mọi thứ xung quanh bỗng trở nên méo mó biến dạng, núi non ở hai bên như đổ sập về phía cô, con đường dưới chân cũng như nhấp nhô trồi sụt.
“Trúng khảm rồi!” – Ý thức của Lỗ Thiên Liễu vẫn khá tỉnh táo – “Khảm diện màn che mắt, chỉ cần cắt đứt màn che, sẽ phá giải được!”
Song Lỗ Thiên Liễu thực không ngờ động tác nhắm mắt lại tốn sức đến vậy. Phải khó khăn lắm cô mới nhắm được đôi mắt lại, nhưng còn khiến cô bất ngờ hơn nữa là hình ảnh về bức rèm nước trong đáy mắt vẫn không hề biến mất. Lỗ Thiên Liễu vẫn hoa mắt chóng mặt, vẫn cảm thấy tất cả mọi thứ đang méo mó đến dị dạng, mức độ còn ghê gớm hơn cả lúc chưa nhắm mắt.
Bước đi bắt đầu loạng choạng, cơ thể đã khó mà giữ được thăng bằng, cô gần như sắp gục ngã đến nơi.
Trong lúc cấp bách, cô lại muốn mở mắt ra. Nhưng hai mi mắt nặng trình trịch như đeo đá, cứ như đã dính chặt lại với nhau, cố gắng thế nào cũng không thể mở ra được.
Thì ra ngay từ trước khi cô nhắm mắt lại, bức màn che mắt đã kịp tác động trực tiếp đến tư duy trong não bộ. Trong giây lát, Lỗ Thiên Liễu bỗng cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, tựa như vừa sảy chân rơi xuống vực sâu vạn trượng, mất đi tất cả mọi chỗ dựa và điểm tựa. Lỗ Thiên Liễu bất lực đổ người về phía trước, hai tay chống thẳng trên mặt đất.
Khảm diện vẫn rất yên ắng, chưa thấy có sự biến đổi nào, cũng không thấy có nút lấy nào hoạt động. Song tư thế cơ thể lúc này khiến Lỗ Thiên Liễu càng cảm thấy chóng mặt hơn, lục phủ ngũ tạng cuộn lên dữ dội, khiến cô há miệng nôn thốc nôn tháo ra một bãi lớn nước vàng. Cũng giống như ý muốn mở mắt sau khi nhắm lại, lúc này, cô chỉ muốn gượng đứng lên. Nhưng động tác thường ngày vốn cực kỳ đơn giản, giờ đây đã nằm ngoài khả năng của cô. Hai lòng bàn tay như thể đã dính chặt lên mặt đất, sức lực của cánh tay và chân dường như chỉ vừa đủ để cô giữ được cơ thể trong tư thế này, không dư thừa lấy một tơ hào để cô chuyển dịch được tư thế dù chỉ là chút ít.
Trong thị trấn cũ kỹ giữa lòng núi hoang vu, trên mặt đường lát đá núi xanh thẫm, một cơ thể non nớt, yếu đuối đang phải gồng mình chịu đựng nỗi giày vò. Tình cảnh vô cùng quái dị, cũng hết sức khó lường. Xung quanh cơ thể đang trong cơn giằng giật kịch liệt kia, kỳ thực chẳng hề có vật gì, nhưng trong cảm giác của cô, khác nào đã bị cả trái núi đè lên. Thứ áp lực vô hình quái đản này đã vượt xa khỏi phạm vi lý giải của tư duy thông thường.
Chú thích
[28] Âm trạch là tên gọi chung của mồ mả, lăng mộ, tức những công trình kiến trúc dành cho người chết.
[29] Nga Mi thích vốn là loại vũ khí được cải tiến từ trâm cài đầu của phái Nga Mi, dài khoảng 30cm, với hai đầu nhọn dẹt, ở giữa phình ra, có móc tròn để xỏ ngón tay vào.
[30] Một loại đơn vị đo lường rất bí ẩn đã từng được Đạo gia sử dụng, một khí bộ hành dài khoảng 1 mét, năm thêm năm khí bộ hành tức khoảng 5,5 mét.
[31] Chức quan phụ trách việc ghi chép.
[32] Có nghĩa là phân tích chi tiết về những điều tồn nghi trong quá trình biên soạn.