Còn nhớ tối ngày hôm trước, sau khi tìm thấy nguồn thông tin ghi chép về loại chó kì lạ trong sách cổ, Khanh đem lên bàn đọc ngấu nghiến. Quá nửa đêm mới dừng lại, vì cậu còn tranh thủ nghiên cứu cả một số cách kiết ấn, bài chú mới, định bụng sẽ dùng trong trường hợp cấp bách. Sau đó, lại chiếc hộp, lấy cái nhẫn tạc hình phật bằng đồng đen lên đeo vào ngón tay trỏ, ngắm nghía hồi lâu rồi mới lên giường.

Lúc này, ông đã dẫn cậu Khanh vào nhà, ngồi bên bàn nước, lại mời cậu dùng chè bằng bộ ấm nhỏ màu xanh nhàn nhạt. Khanh tiện mắt quan sát bèn nói luôn:

- À, hôm trước sang mải ngắm mấy món này, cháu quên không dặn chú, mấy món đồ cổ này chỉ nên để trưng thôi, chớ có đặt lên bàn thờ cắm hoa hay rót rượu mời các cụ trong ấy.

- Ồ, sao lại thế hở cậu?.

- Nói chung là đồ cổ không nên dùng làm đồ thờ cúng cho gia tiên chú ạ. Đồ càng cổ càng có " linh ", có thể ví như vật sống. Để trên bàn thờ gia tiên là một điều cấm kị, trái phong thuỷ, đem lại vận xui cho gia chủ.

- Ra vậy, lát tôi đem cái bình kia xuống. Sáng nay mồng một nên đem ra cắm ít hoa vào bày thắp hương cho các cụ. Mà ban nãy cậu bảo " đã có kết quả ", là đã có cái gì?.

- À, chính là về con chó của nhà chú đây!.

Ông em nghe thấy cậu Khanh nói đã tìm ra gốc gác của con vàng liền chộn rộn trong lòng, con chó nhà ông vốn mập mờ về lai lịch, nay xem như có cơ hội được tỏ tường rồi. Bèn vội vàng hỏi:

- Thật sao, quý hoá quá!. Rốt cuộc nó là giống gì vậy cậu?.

Khanh không trả lời câu hỏi ngay, vầng trán rộng hơi chau lại, cơ hồ có chút băn khoăn về những điều sắp sửa nói ra. Cậu chống tay lên đùi đằng hắng đáp:

- Thế này chú H, đêm qua cháu về lục tìm những kỷ vật mà ông nội để lại, nhìn thấy trong một quyển sách cổ có ghi chép về một loại chó cổ xưa, rất hiếm gặp tên là " Âm Dương Hoả Khuyển ". Con chó của chú chính là loại đó!.

- Cái gì mà Âm Dương...cậu này, tôi...tôi chưa hiểu gì cả, cậu giải thích thêm đi. - Ông em bồn chồn, ngơ ngác nghe những lời cậu Khanh nói, dường như không nuốt nổi mấy chữ ấy, bèn giục.

- Chú đừng vội, cháu còn chưa nói hết. Chuyện này cũng khá dài dòng.

Đưa tay nhấp một ngụm chè nóng, Khanh chậm rãi trình bày:

- Về thời gian xuất hiện trường hợp đầu tiên thì đã không còn chính xác nữa, chỉ có thể nhận định là rất cổ xưa. Ông nội cháu hồi trẻ trước khi lưu lạc sang Việt Nam có lang thang ở những vùng núi giáp biên giới hai nước. Đó là những nơi địa hình hiểm trở, bốn bề đều là núi non, rừng rú, sông lớn uốn khúc chảy qua. Trong một lần đi vào một bản nhỏ tìm cây thuốc và qua đêm tại đó, ông nội cháu được dịp chuyện trò với một vị trưởng lão mà người dân trong bản thường gọi là già làng. Bên bếp lửa bập bùng của căn nhà sàn, vị trưởng lão kể cho ông nội nghe rất nhiều giai thoại li kỳ về những con ma rừng, ma núi...Trong đó có nhắc tới một loại chó kì lạ, chỉ xuất hiện ở những nơi núi non trùng điệp, rừng rậm bao phủ mà chỉ những người già cả trong làng mới biết và thường gọi nó với cái tên: " chó lửa " hay " chó cầm đuốc ", do phía chót đuôi của nó có một nguồn năng lượng bí ẩn có thể phát ra thứ ánh sáng vàng cam đỏ rực như ngọn đuốc. Về sự giải thích của loại chó đó, người già làng kể, trước kia, vị thầy mo của làng cho rằng, " chó lửa " là một con chó giống đực khi sinh ra không có nhịp tim nên bị chó mẹ bỏ rơi trên một vùng đất chí âm, ví dụ như nghĩa địa, nơi có mồ mả... Chính vì ở nơi vượng âm như thế mà con vật có thể phát triển bình thường bởi nó hút âm khí mà lớn. Cơ bản có thể xem con chó đó như một loại cương thi vậy. Cơ thể nó giống như một vật chứa, có thể hấp thụ bất kì nguồn khí nào. Sau bảy ngày bảy đêm, con chó lại được một con hổ cái đem về thu nạp, nuôi dưỡng dòng rã bảy bảy bốn chín ngày. Hổ là một loài thuần dương, vía của loài hổ rất mạnh, con chó lại là vật thu hút nguồn khí, lập tức hấp thụ khí dương từ con hổ mẹ. Vậy là trong cơ thể nó hình thành một dòng chảy âm dương tuần lặp, có thể điều hoà hai dòng khí đối nghịch trong cùng một chỉnh thể đồng nhất. Âm, dương bình sinh vốn được xem như đối lập nhau, thế nhưng khi được con chó hấp thụ, nó liền dung hoà hai thái cực ấy lại, cuối cùng kết tinh chính là ngọn lửa âm dương nơi chót đuôi dài của nó. Loại lửa này, bản chất có thể xem như giống " tam muội chân hoả " của Thái Thượng Lão Quân trong truyền thuyết, hoặc " Lửa Bát Nhã ", có thể thiêu đốt mọi thứ nó muốn. Riêng với loại ma, quỷ, vong hồn, đây giống như khắc tinh của chúng vậy.

Cậu Khanh nói một chặp, đến đây thì dừng lại, ánh mắt đang trầm ngâm nhìn ra khu vườn ngoài kia. Phía đối diện, ông em chăm chú lắng nghe, dường như vẫn còn mơ màng chìm trong câu chuyện như liêu trai chí dị mà chàng thanh niên Hứa gia vừa kể. Chẳng biết nói gì, có lẽ do quá kinh ngạc về nguồn gốc đầy cổ quái của con chó mà ông nuôi bấy lâu nay, ông em thở dài một tiếng, mặt hơi cúi xuống, buồn bã đáp:

- Vậy cậu bảo, tôi nên làm sao?. Nói như cậu, vàng nhà tôi đích thực là loài yêu quái?.

- Không hẳn thế!. - Khanh lắc đầu:

- Thằng cả nhà chú nhặt con chó ở đâu vậy?.

- Nó nhìn thấy con chó trong lần về nhà nghỉ phép đợt trước cậu ạ!. Trên đường đi xe về, gần doanh trại nó đóng quân. Là ở mạn QH, BT.

- Ồ, vùng đó xa xôi, hẻo lánh lắm, toàn rừng núi rộng lớn, vậy là phải rồi. Có khả năng, con chó này được tạo ra như lời vị thầy mo kia nói. - Khanh chau mày thì thầm.

- Vâng, vùng ấy toàn người miền núi. Có lần, doanh trại của thằng con tôi còn phải cử lính xuống gác đêm cho dân ngủ vì sợ cọp, hùm mò đến bắt trộm gia súc, phá hoại hoa màu cơ mà.

Ngày xưa, ở những miền cao xa xôi, hẻo lánh, trong rừng thời ấy còn bắt gặp hổ, báo trú ngụ chứ không như bây giờ, đều bị con người săn bắt lấy cao, lông, răng và móng vuốt...để trục lợi. Dần dần, đến cả cây rừng còn không thể sống yên huống hồ chi loài vật. Lúc này, cả hai người ánh mắt đều hướng ra phía ngoài sân, nhìn xa xăm ra khoảng mênh mông vô định, theo đuổi suy nghĩ riêng của mình. Không gian lúc này thật yên tĩnh, bầu trời cũng rất trong và xanh. Chẳng ai biết được sắp tới sẽ phải đối mặt với quỷ dữ.

Ngồi uống nước hồi lâu, cậu Khanh lên tiếng phá ngang sự yên tĩnh, hỏi ông em:

- Ô thế con chó đâu chú, bao lần cháu đến đều không thấy đâu. Có vẻ như nó trốn cháu ấy.

- Ờm, tôi biết sao được. Đúng là mỗi khi cậu đến là nó lủi đi đâu mất. Có khi nào...

- Chắc cu cậu ngửi thấy mùi " chết chóc " trên người cháu. Tưởng rằng kẻ xấu xa này đến bắt em ấy đi. Ha ha.

- Lẽ nào nó ý thức được nguồn gốc của bản thân?. - Ông em nhăn mặt thắc mắc.

- Loại này vốn đã không phải con vật bình thường rồi thì cháu nghĩ, có thể nó biết nhiều thứ. Chú gọi nó ra đây đi, cháu muốn hoá giải khúc mắc với nó. Sau này, để tiêu diệt hai con quỷ nhi kia, phải nhờ đến sự trợ giúp của cu cậu. Chứ một mình sức lức của cháu, vốn không tu tập đến nơi đến chốn lại non yếu e rằng muốn trấn yểm bọn chúng còn khó chứ nói gì đến chuyện tiêu diệt!.

- Vậy được, cậu ngồi đây để tôi đi tìm. Ban nãy còn nằm dài trên nóc chuồng mà, cái con này...!.

Nói dứt câu, ông em đứng dậy, nhanh chóng bước ra sân đi ra phía bờ giếng, cất tiếng gọi:

- Vàng, vàng ơi!. Chạy đâu rồi!. Ra ông bảo!. Vàng...

Ông em gọi mấy hồi, mãi mới thấy nó lừ lừ đi lên từ dưới mé vườn, ánh mắt lấm lét. Ông lập tức gọi ngay:

- Vàng, lên đây, nhanh!.

Nó hơi vẫy đuôi nhưng vẫn không dám chạy đến chỗ ông, vừa liếc mặt vào nhà nhìn vừa rón rén cảnh giác đi tới. Khi vàng bước đến chỗ ông đang đứng, ông cúi xuống vuốt nhẹ lên đầu nó:

- Ô hay cái con này, người nhà cả mà làm gì lấm la lấm lét vậy hở?!. Ra đây!.

Đoạn, xốc nách nó ôm vào lòng chẳng câu nệ như ôm đứa cháu nhỏ đi vào hiên nhà. Con chó hơi cụp tai lại, vẻ bé nhỏ lắm. Vô tình lúc ôm nó, ông đưa tay sờ lên lồng ngực bên trái của nó, quả nhiên yên ắng, không cảm nhận được chút nhịp đập nào của quả tim. Nụ cười trên mặt ông em vụt tắt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện