Theo tôi thấy, hành vi của giáo sư Tôn chưa bao giờ "bình thường" cả. Người này lụy vào hai chữ "danh lợi" vì chút hư danh mà bỏ nhà bỏ nghiệp, lại bất chấp thủ đoạn dối trá lừa lọc, gạt cả người bạn cũ là giáo sư Trần, hơn nữa tính cách còn cố chấp, chẳng khác nào một tên trộm, nửa đêm nửa hôm lén lút trèo cửa sổ vào viện bảo tàng để "nghiên cứu khảo cổ", thử hỏi hành vi của loại người như thế, có thể dùng hai chữ "bình thường" để hình dung sao ?

Nhưng hình như Shirley Dương không phải đang nói tới chuyện này, cô không muốn giáo sư Tôn chú ý, bèn hạ giọng nói với tôi: "Vừa nãy khi cả bọn nấp phía sau cỗ quan tài, em thấy giáo sư Tôn, móc... móc từ trong tai ra một con nhặng."

Tôi nghe câu này, suýt chút nữa thì đập đầu vào tường, lão già này mất vệ sinh quá đi thôi, bao nhiêu năm nay không lấy ráy tai rồi? Nếu không thì cũng là mắc bệnh viêm tai, bên trong mưng mủ hôi thối, kéo cả nhặng đến bu vào.

Shirley Dương có vẻ hơi ngần ngừ, không nói tiếp nữa, chỉ là, tôi biết cô chắc chắn đã phác giác ra điểm gì bất thường nơi Tôn Cửu gia, chẳng qua vì sợ tôi và Tuyền béo hành động thiếu suy nghĩ với lão ta, nên trước khi có chứng cứ xác thực, cô vẫn chưa muốn khơi sự việc ra mà thôi.

Tôi nhớ ra đúng là giáo sư Tôn mắc bệnh viêm tai giữa, vả lại người này quanh năm vùi đầu vào công việc, ăn mặc lúc nào cũng lôi thôi, nhưng cũng không thể vì lão ta ăn ở mất vệ sinh mà khai trừ ra khỏi hành động lần này được. Shirley Dương không phải loại người soi mói tiểu tiết, nếu cô đã nói ra những lời này, chứng tỏ hành vi của giáo sư Tôn có vấn đề.

Tôi đột nhiên nhớ ra một chuyện, giật bắn ngưởi, quay đầu hỏi Shirley Dương: "Vừa nãy em nói trong tai Tôn Cửu gia có gì vậy ? Nhặng ăn xác trong mộ cổ à?" Shirley Dương khe khẽ lắc đầu, lúc nãy phía trước mộ thất chỉ có ánh lửa bập bùng hắt ra, cô không dám tùy tiện xác nhận.

Cô nói thế, tôi cũng đành coi như thứ xuất hiện trên người giáo sư Tôn chính là "nhặng đen ăn xác". Ở trong lăng mộ Ô Dương vương đã bị Quan Sơn thái bảo đào rỗng này, phàm nơi nào có xác chết đều có tung tích của lũ nhặng đen này, bao gồm cả xác lũ chuột chết, rắn chết, cá chết trong đầm nước, tất cả đều trở thành thức ăn và nơi đẻ trứng của lũ nhặng đen. Giống nhặng đen ăn xác này không như côn trùng bình thường, bọn chúng chỉ tiếp cận với thi thể, trên người giáo sư Tôn tại sao lại xuất hiện nhặng ăn xác? Chẳng lẽ lão ta đã chết rồi? Một tử thi sao có thể cùng chúng tôi đi cả chặng đường dài tiến vào mộ cổ được chứ?

Một chuỗi những câu hỏi lóe lên trong óc tôi, dựa theo cách phân biệt hiện tượng thi biến của Mô Kim hiệu úy, thì chét mà không thối rữa gọi là "cương", chết rồi mà vẫn như sống gọi là "hành", chẳng lẽ Tôn Cửu gia lại là một cỗ "hành thi" hay sao? Nghĩ tới đây, tôi chợt thấy một luồng hơi lạnh chạy từ đỉnh đầu dọc theo xương sống xuống đến tận gan bàn chân, bấc giác ngoái đầu liếc nhìn giáo sư Tôn một cái.

Chỉ thấy, giáo sư Tôn ở cửa mộ thất đang trợn mắt nhìn tôi chằm chằm, thần sắc lão ta vẫn như thường, trên bộ mặt cứng nhắc gàn bướng là ánh mắt có đôi phần cáu kỉnh, toát lên vé oán hận cuộc đời, thoạt trông đã khiến người ta không có cảm giác thân thiết, thật chẳng khác gì hồi tôi gặp lão ta lần đầu tiên ở huyện Cổ Điền tỉnh Thiểm Tây.

Tôi bấy giờ mới tạm yên tâm, thầm nhủ: Trong mộ thât âm u ẩm thấp, sinh khí long mạch sớm đã bị phá vỡ, khắp nơi toàn chuột chết rồi côn trùng chét, mà cái xác đàn bà trong quan tài cũng dụ lũ nhặng đến. Chúng ta tiếp xúc nhiều vói xác cổ, trên người khó tránh ám mùi xác chết, sao có thể chỉ vì một con nhặng đen ăn xác mà đã đoán định Tôn Cửu gia là xác sống chứ?"

Tôi thầm suy đi tính lại mấy lần, không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất, dẫu sao thì trong vạn vẫn có nhất, "vạn nhất" Tôn Cửu gia thật sự là một cỗ hành thi thì tính sao? Móng lừa đen chuyên dùng để khắc chế cương thi, nghe nói cũng có thể đối phó với hành thi. Tương truyền, hành thi tức là xác chết thành tinh, nói năng hành động không khác gì người sống, nhưng thực chất lại là ma đầu chuyên ăn tim gan người ta. Năm đó, ông nội Hổ Quốc Hoa của tôi cũng đã gặp phải tình huống này. Phàm chuyện gì cũng yậy, ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng quan trọng nhất, trong đầu tôi đã có ý nghĩ ấy, nên cứ cảm thấy giáo sư Tôn có vấn đề, định ra hiệu cho Shirley Dương và Tuyền béo giúp tôi khống chế lão ta.

Shirley Dương nói: "Anh chớ làm bừa, có lẽ trong mộ cổ này ngoài nhặng đen ăn xác còn cả những côn trùng biết bay khác, em chỉ muốn nhắc nhở anh lưu ý một chút thôi, hẻm núi Quan Tài này nhiều điều cổ quái, em có một... dự cảm chẳng lành, lần hành động này của chúng ta có thể sẽ không được thuận lợi".

Tôi gật gật đầu, quyết định trước khi có chứng cứ xác thực giáo sư Tôn là xác chết thành tinh, tạm thời nhẫn nhịn không làm gì lão ta vội, đã có móng lừa đen của Mô Kim hiệu úy trong tay dẫu hung hiểm cũng có thể đảm bảo cho cả bọn an toàn rút lui, tôi còn sợ quái gì lão ta nữa?

Lúc này, giáo sư Tôn đang ở trước cửa mộ thất thúc giục chúng tôi: "Sao hả? Tìm được gì không? Tôi đoán Đỗ tiên kia có thể là một dạng ảo thuật, sẽ xuất hiện khi đốt xác vật nữ trong Nam Đẩu mộ thất. Thời cổ, đúng là có thuật lợi dụng hương trầm để thôi miên, chỉ sợ gian mộ thất này chưa chắc đã có cương thi đời Đường chứa Đỗ tiên trong bụng đâu."

Tôi nghe vậy chợt ngẩn người ra, cảm thấy chuyện này thực rất khó suy đoán, bèn bảo giáo sư Tôn: "Cổ mộ thời xưa có một thủ đoạn phòng trộm, là giấu thuốc độc hoặc mê hương vào đèn dầu, nến, nước, rượu, đơn dược trong mộ thất, hễ chạm vào liền phát động, có thể khiến người ta rơi vào ảo giác, Phong Soái Cổ lại có thể dùng ảo thuật giấu 'Quan Sơn chỉ mê phú' trong mộ thất như thế ư? Sao có thể làm được?"

Giáo sư Tôn nói: "Hành vi của đám thuật sĩ trộm mộ ấy, người thường khó mà tưởng tượng nổi, nếu biết được sự huyền ảo bên trong, tôi đã chạy thẳng đến mộ cổ Địa Tiên lấy quẻ đồ Chu Thiên rồi, còn đi loanh quanh trong cái địa cung trống huếch này với các cậu làm gì ?"

Tôi và Tuyền béo thấy ở mộ thất tầng dưới cùng không tìm được đầu mối gì, đành nghe theo kiến nghị của Tôn Cửu gia, đi tới chỗ "Quần long nhả nước" ở tầng cao nhất của mộ cổ. Mộ Ô Dương vương này được xây theo lối chồng chất, có rất nhiều mộ thất, hành lang ngoằn ngoèo, nhưng bố cục vẫn tuân theo phép cổ, sắp xếp theo phương vị của tinh tú trên trời, tôi dẫn cả bọn rẽ qua rẽ lại bên trong, không hề lo bị lạc đường.

Mọi mộ đạo đều phải đi qua quách điện của mộ chủ, lúc tới quách điện ở tầng giữa, chỉ thấy bên trong minh điện được ghép từ những khối đá lớn, cũng là một khung cảnh hỗn loạn, tượng nô lệ đá, thú đá ngổn ngang khắp nơi, tường mộ vẫn còn dấu vết bị đục ra lấy vàng bạc khảm bên trên. Trong điện có một quách đá lớn, bên trên khắc hình sông núi nguy nga hiểm trở, mấy tầng quan quách đều đã bị bậy nắp bỏ sang một bên, minh khí, thi thể bên trong đều không còn nữa.

Tuyền béo không cam tâm, soi đèn pin, cắm xẻng công binh quơ qua quơ lại bên trong: "Bọn giặc Quan Sơn này, thực hiện chính sách Ba sạch còn ghê hơn cả quân Nhật nữa, ngay chút cặn cũng không để lại cho chúng ta vớt..."

Tôi bảo giáo sư Tôn: "Cả tòa lăng mộ này gần như đều trống rỗng, theo những truyền thuyết dân gian kia, năm đó địa tiên Phong Soái Cổ dẫn theo hơn vạn người vào trong mộ cổ tránh nạn binh đao, hơn một vạn người là rất nhiều, bao nhiêu người như thế trốn ở đâu cho hết?"

Giáo sư Tôn nhăn trán trầm ngâm một lúc mới nói: "Trong hẻm núi Quan Tài có rất nhiều di chỉ mỏ muối Vu, hang động trong núi cũng rất nhiều, chắc hẳn mộ cổ Địa Tiên nằm trong một hang động nào đấy ở gần địa cung Ô Dương vương, chúng ta muốn tìm được vị trí của nó, vẫn phải dựa vào 'Quan Sơn chỉ mê phú', ngoài ra có lẽ không còn cách nào khác đâu."

Giáo sư Tôn cho rằng "Quan Sơn chỉ mê phú" là một đầu mối cực kỳ quan trọng, kể cả trung đoàn trưởng Phong, người bạn ở nông trường cải tạo lao động của lão ta, củng chưa chắc đã biết toàn văn bài phú này, bởi vì dọc đường đến đây, từ chỗ cái xác vô danh ở lối vào hang động cho đến cầu tiên vô ảnh và Quan Sơn thần bút, cuối cùng là Đỗ tiên trong mộ thất, mỗi nơi đều giấu một đoạn ám thị "Quan Sơn chỉ mê" địa tiên Phong Soái Cổ làm vậy, chắc chắn để để phòng cơ mật bị tiết lộ, có thế nói là "tính toán chu toàn, mưu kế thâm sâu"

Hiện giờ, đoạn "Quan Sơn chỉ mê phú" mà chúng tôi tìm được ở chỗ Đỗ tiên, hẳn phải là mấu chỗt trong các mấu chỗt, "Vu Hiệp Quan Sơn, Địa Tiên độn ẩn; Quần long nhả nước, Cổ mộ di đồ; Vũ hầu tàng binh, Quan lầu mê hổn; Sinh môn tương liên, Một đầu một đuôi; Hai vạn bốn nghìn, Bách đơn hữu thất...", đoạn ám thị này có vẻ quá đỗi ảo diệu, thật khiến người ta không biết nên suy đoán từ đâu.

Chúng tôi đều mù mờ trước nội dung của "Quan Sơn chỉ mê phú", đành bàn tính rằng cứ biết đến đâu hay đến đấy, tùy cơ ứng biến. Vả lại, tôi vẫn hết sức nghi ngờ, lỡ như Tôn Cửu gia nghe nhầm, chỉ lầm một chữ thôi, nội dung cũng có thể khác một trời một vực rồi. Khi chúng tôi đến chỗ Quần long nhả nước kia, liệu có nguy hiểm gì bất ngờ đang rình rập hay không?

Lúc này, Út lại mang đén cho chúng tôi một thông tin cực kỳ quý giá, cô nói, những nghệ nhân trong Phong Oa sơn chuyên nghề chế tạo cơ quan, ám khí, trục ngâm bát bảo..., thậm chí có thể thiết kế một số công sự tuyệt diệu để phòng thủ thành trì, vì vậy, người trong ngành này, ít nhất cũng phải có bản lĩnh của thợ mộc xây nhà, ngoài ra còn phải hiểu được lẽ sinh khắc biến hóa của ngũ hành bát quái.

Phong Oa sơn xưa nay đều thờ hai vị tổ sư, một vị là lão tổ tông của nghề mộc, Lỗ Ban, vị còn lại chính là Gia Cát Vũ Hầu đã thiết kế ra "trâu máy ngựa gỗ".

Phong Oa sơn có một pho điển tịch bí mật, gọi là Vũ Hầu Tàng Binh đồ có thể dựa theo hình vẽ trong đó để chế tạo người gỗ, trâu gỗ. Về mặt nguyên lý, người gỗ này cũng giống như "trâu gỗ người gỗ" dùng để vận chuyển lương thực, có điều, cơ quan trong Tàng Binh đồ đều là cạm bẫy chết người, dựa theo đạo sinh khắc trong trận pháp cổ mà bố trí mai phục, tùy theo địa hình địa thế, có thể xây nhà giấu binh, hoặc cũng có thể đắp tường tàng binh, thần diệu vô song.

Nhưng cũng chính vì bộ sách về chế tạo cơ quan này là "bảo vật trấn sơn" của Phong Oa sơn, không được lưu truyền rộng rãi, nên đã thất truyền từ thời Tống - Nguyên, trên đời này không còn ai biết phương thức chế tạo Lầu Tàng Binh nữa. Út nghe Tôn Cửu gia không ngừng lẩm nhẩm mấy chữ Vũ Hầu tàng binh, bèn nói chuyện này ra, có lẽ Vũ Hầu tàng binh được để cập đến trong "Quan Sơn chỉ mê phú" chính là loại cạm bẫy giết người thần bí ấy, vì trong đoạn sau của bài phú, cũng nhắc đến cả Sinh môn nữa.

Ông chủ Lý từng giảng giải với Út, trong cơ quan thiết kế dựa theo Vũ Hầu tàng binh đồ, ắt phải có một chốt tổng, gọi là "cảnh". Không loại trừ chốt tổng này, ắt sẽ bị những cơ quan cạm bẫy tầng tầng lớp lớp đẩy đến chỗ chết. "Cảnh", chắc chắn nằm ở trong Sinh môn, nhưng cũng phân ra làm hai loại "minh cảnh" và "ám cảnh". Nếu là ám cảnh, thì rất khó tìm, vả lại, còn tùy theo các cấu tạo khác nhau, chỉ có người nắm giữ bản vẽ thiết kế cơ quan mới biết Sinh môn thực sự nằm ở nơi nào.

Câu cuối cùng Sinh môn tương liên, một đầu một đuôi; Hai vạn bốn nghìn, Bách đơn hứu thất trong "Quan Sơn chỉ mê phú", có lẽ chính là chỉ phương vị của ám cảnh, nhưng với vốn kiến thức của mình, Út hoàn toàn không hiểu nổi Hai vạn bốn nghìn, Bách đơn hữu thất nghĩa là gì, đây cũng không phải nội dung trong khẩu quyết của Phong Oa sơn, dù ông chủ Lý có ở đây, cũng chưa chắc giải đoán ra được.

Tôi nhớ đến lão Trần mù trùm phái Xả Lĩnh, những năm Dân Quốc, lão từng đại phá thành cơ quan ở Bình Sơn, theo lời lão kể thì tòa thành nhỏ ấy hẳn thuộc loại "minh cảnh". Trong nghề đổ đấu, thường nghe chuyện kẻ trộm mộ gặp phải cạm bẫy lầu Tàng Binh trong mộ cổ vương lăng mà mất mạng, nhưng người thực sự từng trải qua có lẽ cực kỳ ít ỏi.

Quan Sơn thái bảo chuyên đi trộm mộ cổ, biết đâu đã đào được một bộ cơ quan chế tạo theo Vũ Hầu tàng binh đồ, đem giấu bên trong địa cung Ô Dương vương làm một bức bình phong đoạt mạng cho thôn Địa Tiên, nếu không giải được ám thị Sinh môn tương liên, Một đầu một đuôi, Hai vạn bốn nghìn, Bách đơn hữu thất, chỉ sợ khó lòng vượt qua được cánh cửa này.

Cả bọn ngơ ngác nhìn nhau, tôi nhìn anh, anh nhìn tôi, đều bó tay bất lực, ngay cả cao thủ Phong Oa sơn còn lúng túng, huống hồ đám Mô Kim hiệu úy chúng tôi. Mỗi nghề mỗi bí quyết, nhất thời làm sao nghĩ được cách gì hay chứ?

Để cổ vũ khí thế cho cả bọn, tôi bèn nói, cả đời tôi chưa gặp mộ cổ nào ẩn giấu sâu như cái thôn Địa Tiên này, theo tôi thấy, tay Phong Soái Cổ thủ lĩnh Quan Sơn thái bảo kia, thực chất là một tên điên, nếu tư duy theo lối người thường, hẳn khó lòng đoán ra dụng ý của ông ta; nhưng nói theo Mao chủ tịch thì, "Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão, Nhân gian chính đạo thị tang thương(21)", không gặp gian nan thì không thể hiện được cái hay cái giỏi, chỉ cần trong mộ cổ Địa Tiên thật sự có bảo vật quý hiểm như "đơn đỉnh", thì cũng không uổng công chúng ta bôn ba nếm trải bao khó khăn nguy hiểm. Lúc này, chúng ta vẫn chưa biết cơ quan thiết kế theo Tàng Binh đồ của địa tiên Phong Soái Cổ được bố trí thế nào, là lầu, hay là thành trì ? Hay là thứ gì đấy khác? Nhưng cũng đừng nên quá lo lắng, cách đều do con người nghĩ ra, đường cũng do người ta đi mà thành, cứ đến thực địa quan sát một phen, chưa chắc đã không tìm được đối sách kia mà.

Tôn Cửu gia lại chau mày: "Nói thì nói thế, nhưng trước mắt chỉ sợ còn nhiều trắc trở lắm, không thể lạc quan quá được..." Dứt lời, lão ta liền bước lên bậc đá trong mộ đạo để lên tầng trên của quách điện.

Tôi lo giáo sư Tôn đi nhanh quá bị tách khỏi nhóm, vội vẫy tay bảo ba người còn lại bám sát theo lão ta. Bên dưới bậc thang dẫn lên trên có nước đọng, bước lên có thể nghe thấy tiếng nước bắn tung tóe, bốn phía xung quanh đều có suối ngầm chảy xuyên qua mộ đạo, ngôi mộ này quả nhiên được xây trên mạch thủy long. Lúc này, tôi chợt thấy bên tai có tiếng vo ve, thì ra lại có mấy con nhặng đen lượn vòng quanh mấy người chúng tôi.

Tôi vội xua tay đuổi chúng đi, dưới ánh sáng loang loáng của ngọn đèn chiếu gắn trên chóp mũ, chợt thấy trên gáy Tôn Cửu gia có một con nhặng đen bám vào, ánh huỳnh quang trên cơ thể nó tựa như ngọn lửa ma trơi yếu ớt chớp nháy không ngừng.

Lần này thì nhìn rõ mốn một, không lầm được nữa, tôi vươn tay tóm lấy giáo sư Tôn hỏi: "Gượm đã, trên người Tôn Cửu gia ông sao lại có nhặng đen ăn xác bám vào ? Rốt cuộc ông là người sống hay ngưòi chết ?"

Giáo sư Tôn ngẩn người, rồi lập tức nổi giận dùng dùng, gắt lên: "Cậu nói nhăng nói cuội cái gì thế? Lúc trước đã chụp mũ lung tung cho tôi, giờ lại nói tôi là người chết hả? Tôi vẫn chưa chết, có chết cũng là bị cậu làm cho tức chết đấy."

Tôi đốp lại: "Được, ông cũng già mồm lắm, vậy ông xem đây là cái gì?" Dứt lời, tôi xòe bàn tay ra, huơ huơ cái móng lừa đen trước mặt lão ta mấy lượt.

Tôn Cửu gia biến sắc, nhảy lùi vể phía sau đánh "soạt" một tiếng như đụng phải rắn rít, tựa lưng vào tường mộ, chỉ mặt tôi nói: "Hồ Bát Nhất, thằng nhãi nhà cậu khinh người quá lắm, giờ là thời đại nào rồi, cậu lấy móng lừa đen ra làm trò gì? Tôi không cho phép cậu lăng nhục nhân cách của tôi như thế! Cậu còn bước thêm một bước, tôi sẽ liều cái mạng già này với cậu!" Hồi trước, tôi chỉ biết, thời Cách mạng Văn hóa, giáo sư Tôn từng bị phê đấu chụp mũ nhiều lần, cũng từng phải "ngồi máy bay phản lực(22)", ban ngày phê đấu xong, tối về lại bị nhốt vào chuồng trâu, vì vậy sâu trong lòng lão ta vẫn luôn phản cảm với những người từng làm Hồng vệ binh như tôi và Tuyền béo, rất dễ bị kích động, nhưng tôi cũng không ngờ lão lại phản ứng dữ dội đến thế, còn bị lão ta làm cho giật bắn cả mình.

Lúc này, Shirley Dương cũng bước lên khuyên giải, tôi tự vấn lòng, quả cũng hơi áy náy, nhưng nghĩ lại, từ đấu chí cuối không thấy trong quách điện này có thi thể gì, dù trong quan quách rỗng có thi khí ám vào thì sau mấy trăm năm hẳn cũng tiêu tán cả rồi, việc nhặng đen ăn xác xuất hiện quanh giáo sư Tôn nhất định là một dấu hiệu lạ thường, không thể vì mềm lòng nhất thời mà lưu lại mối họa, Tôn Cửu gia có phải một cỗ xác sống hay không, thử là biết ngay.

Nghĩ tới đây, tôi nhe răng ra cười, bảo Tôn Cửu gia: "Hiểu lầm rồi, tôi thấy ông tâm sự trùng trùng, muốn giúp ông giữ được tình thần cách mạng lạc quan, mới cố ý đùa với ông một chút, sao lại coi là thật được? Cái móng lừa đen này nếu ông thấy không thuận mắt, thì ném nó đi là được, bắt lấy này..." Vừa nói, tôi vừa cất tay, ném cái móng lừa đen vể phía giáo sư Tôn.

Tôi thầm nhủ, chỉ cần Tôn Cửu gia bắt lấy móng lừa đen, có nghĩa lão ta không phải xác chết thành tinh, nào ngờ giáo sư Tôn thấy móng lừa đen ném tới trước mắt, lại lách người né sang một bên. Cái móng lừa đen đập vào tường, rơi xuống, bị lão ta co chân đá xuống vũng nước đọng dưới thềm đá, sau đấy, lão ta trừng mắt nhìn tôi, gắt lên: "Nếu cậu giúp tôi tìm được quẻ đồ Chu Thiên thì có bảo tôi ăn móng lừa đen trước mặt cậu cũng được, nhưng giờ tôi chẳng bụng dạ nào mà đùa với cậu đâu!"

Tôi ngẩn người tại chỗ, thầm mắng lão già này sao mà giảo hoạt, chẳng những không bắt lấy cái móng lừa đen, mà còn đá văng nó xuống nước, chẳng lẽ vị "Tôn Cửu gia" dẫn chúng tôi vào trong mộ cổ này, thật sự là một xác chết thành tinh?

Những kinh nghiệm lăn lộn trên lẳn ranh sinh tử nhiều năm nay khiến tôi không thể không trở thành một kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi. Tôi bảo Tuyền béo đi đằng sau mau lấy thêm một cái móng lừa đen nữa, nhưng cậu ta nói: "Lần nào đi cũng mang theo mà chẳng dùng được vào việc gì, lần này không phải cậu bảo là trang bị gọn nhẹ thôi sao? Tôi thấy cậu đã mang một cái rồi, liền không mang theo nữa, tôi làm vậy chẳng phải cũng chỉ muốn... muốn có thêm chỗ trong ba lô, để... để đựng được nhiều minh khí hơn hay sao ?"

Tôi lại đưa mắt nhìn sang Shirley Dương, thấy cô khẽ nhún vai, ý bảo mình cũng không mang theo bên người. Tôi sững cả người, sớm biết vậy thì vừa nãy đã không tỏ vẻ ta đây thông minh ném móng lừa đen cho Tôn Cửu gia rồi. Phen này đúng là khéo quá hóa vụng, giờ làm sao phân biệt được lão ta là người sống hay hành thi đây? Đúng lúc này, chợt nghe giáo sư Tôn ở bên trên bậc thểm phát ra một tràng cười lạnh lẽo, trong tiếng cười thấp thoáng vẻ điên cuồng đáng sợ, trong mộ thất âm u tính lặng lại càng khiến người ta rởn hết gai ốc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện