Lão Trần lập tức trả tiền, đứng dậy xuống lầu, mấy tay trộm vặt chẳng hay biết gì, vẫn thì thầm bàn mưu tính kế. Lão Trần đánh tiếng gọi mấy tên thuộc hạ đang đứng chờ ở cửa, bảo chúng đưa bọn người Ngô Lão Đại xuống Long cung dưới đáy hồ Động Đình dạo chơi một chuyến, sau đó tìm người bản địa hỏi thăm cửa hiệu của thầy phong thủy họ Hồ, cùng Gà Gô vào thành thăm hỏi.

Hồ tiên sinh cũng có chút tiếng tăm trong thành, bất luận là đoán chữ gieo quẻ hay là cất nhà âm dương đều mười lần linh nghiệm cả mười, chưa sai bao giờ, nên chỉ cần hỏi thăm qua loa đã tìm đến nơi.

Lão Trần vốn tự phụ tài hoa xuất chúng, thuở thiếu thời từng học qua Nguyệt ba chiếu quản động thần cục, thông thạo mọi ngón nghề của đám thuật sĩ giang hồ xem sao xem tướng, biết đó chẳng qua chỉ là mánh khóe lừa gạt bách tính của mấy tên quê mùa mồm mép giảo hoạt, ngữ ấy nếu thực sự bói được vận mạng, sao chẳng bói cho mình trước đi.

Lão và Gà Gô đều không tin vào chuyện bói toán, chẳng qua nhất thời sinh trí hiếu kỳ nên tiện đường ngó qua xem sao. Đến trước hiệu bói, thấy bên trong bày biện sạch sẽ, Hồ tiên sinh đang gật gà gật gù đàm luận với mấy tay thân hào địa chủ chuyện di dời một tổ thế nào.

Lão Trần và Gà Gô ở bên nghe một lúc, thấy Hồ tiên sinh nói về chuyện âm trạch dương trạch, quả là bách hô bách ứng, đối đáp trôi chảy, tỏ ra rất tinh thông về thuật Thanh Ô. Tuy chỉ nói về chuyện hương thổ tu mồ sửa mả trong dân gian nhưng hiểu biết sâu rộng, lời lẽ như phun châu nhả ngọc, có nhiều cách nhìn khác với tiền nhân, hai người nghe mà không khỏi gật gù: “Hồ tiên sinh này nói năng thành thạo, thế sự thông suốt, tất được cao nhân truyền dạy, không phải nhân vật tầm thường.”

Hồ tiên sinh giảng giải một hồi cho đám thân sĩ cường hào về phong thủy mộ tổ, nhận tiền cảm ơn rồi tiễn họ ra cửa quay lại đã thấy Gà Gô và lão Trần đứng đó. Vài năm trước Hồ tiên sinh từng làm sĩ quan trong một đội phiến quân cũ, nên rất hiểu nhân tình thế thái, giờ làm nghề gieo quẻ bói toán lại càng giỏi quan sát lời ăn tiếng nói, nhìn mặt biết người. Lão vừa nhìn là biết ngay hai người này không phải hạng tầm thường, tuy ăn mặc giản dị nhưng vẫn không giấu được cốt cách xuất chúng toát ra từ đầu đến chân, hơn nữa trên người sát khí nặng nề không giống với kẻ làm ăn buôn bán, nhất định là có chuyện mới đến điện Tam Bảo, lão đâu dám chậm trể, vội mời hai người ngồi xuống, vừa pha trà mời khách vừa hàn huyên: “Khi nãy mải ba hoa với đám hương hào ở đây, không biết có khách quý ghé qua, không nghênh tiếp được từ xa, mong nhị vị thứ lỗi.”

Gà Gô vòng tay đáp lễ: “Đâu có đâu có, anh em tôi ngưỡng mộ cao danh của tiên sinh đã lâu, nay mạo muội gõ cửa quấy rầy, mong tiên sinh rộng lòng lượng thứ. Khi nãy nghe giọng Hồ tiên sinh chắc là người ở đây?”

Hồ tiên sinh nói: “Tổ tiên bần sĩ không phải người ở đây, chẳng qua phiêu bạt giang hồ đã lâu, thường học theo tiếng phương Nam, quên mất giọng cố hương, thật khiến các vị chê cười”.

Gà Gô và lão Trần nghe vậy, cảm thấy Hồ tiên sinh này quả nhiên tinh tế, nói chuyện vô cùng kín kẽ, đoán không ra gốc gác. Lão Trần muốn thử bản lĩnh của lão, bèn ngửa mặt cười ha hả, nói “Chúng ta có gì nói thẳng không khách sáo nữa, anh em tôi đang muốn đi xa một chuyến, nhờ tiên sinh xem giúp cho một chữ, đặng chuyến này đi hung cát thế nào, xin cho mượn bút giấy”.

Nói xong liền tới bên bàn lấy bút nghiên giấy mực, mài mực nhúng bút, giơ cây bút lông sói lên vẽ một chữ “sơn” trên tờ giấy trắng, nét chữ uy nghiêm sừng sững, đoạn mời Hồ tiên sinh giảng giúp chữ “sơn” này.

Lão Trần viết chữ “sơn” là có hai ý, Hồ tiên sinh thông minh hiểu chuyện, nhìn thấy chữ thì hơi sững người , lập tức hiểu ý, vội ra cửa nhìn trước ngó sau xem có ai không, đoạn đóng cửa hiệu, quay vào hành lễ lần nữa, dùng tiếng lóng trong sơn kinh thăm hỏi: “Bốn biển nay giờ không dậy sóng, qua núi cao rồi đến biển khơi, trời Tây Bắc đùn mây mỏng, trùm núi mênh mông khói tím ngời, núi là quân mây là thần, không biết hai vị ai núi ai mây?”

Lão Trần cười hì hì đáp: “Tây Bắc trời quang chẳng thấy mây, chỉ có hai ngọn núi Hắc Bạch, chẳng hay tiên sinh hỏi Hắc sơn hay Bạch sơn?”

Hồ tiên sinh nghe nói thế quả thực quá bất ngờ, cảng cảm thấy lai lịch hai người đối diện quyết không tầm thường, luống cuống nói: “Qua Hắc sơn là tới Bạch sơn, Hắc Bạch âu cũng đều là núi; diều hâu liệng từ Đông sang Tây, kim phong thông thốc chín tầng mây. Dám hỏi hai vị hạ cố tới tiệm của bần sĩ chẳng hay có gì muốn hỏi?”

Lão Trần bê bát trà lên nhấp một ngụm, bắt chân thong thả nói: “Trong ngũ hành không hỏi kim mộc thủy hỏa, chỉ hỏi riêng chữ thổ mà hôi.”

Hồ tiên sinh thầm thất kinh, lão đã từng gặp nhiều loại người, sớm nhận ra hai vị khách này chẳng phải hạng lương thiện, nhìn thế nào cũng không giống người đến xem âm trạch tổ mộ, liền đánh bạo hỏi một câu: “Không lẽ là… dân đổ đấu?”

Gà Gô đáp lời: “Tiên sinh quả có mắt tinh đời, chẳng giấu gì tiên sinh, anh em tôi chuyên nghề đổ đấu. Lần này tới đây là vì nghe nói trên đời có môn bí thuật phong thủy, có thể chỉ ra long mạch bảo địa, trăm lần chính xác cả trăm, không biết có thực vậy không? Mong tiên sinh thực tình chỉ giáo.”

Hồ tiên sinh bấy giờ đã nhìn ra đây chắc chắn là quân trộm cướp giết người không chớp mắt, bụng nghĩ bọn người này coi quốc pháp ra gì, rặt lũ ác ôn “xòe tay ra lệnh, thu tay giết người”, mình không thể rượu mời không uống đi uống rượu phạt, chẳng may chọc giận bọn chúng, e rằng tính mạng khó giữ, thôi thì đành nói thật vậy.

Hồ tiên sinh nói, trò gieo quẻ đoán chữ này đều là lừa đảo, thuật bói cổ xưa giờ đã thất truyền, ông ta chẳng qua chỉ dựa vào đó mưu sinh mà thôi. Nhưng cái món phong thủy thì đích thị được chân truyền, bí thuật phong thủy lão học có nguồn gốc cổ pháp, sau kết hợp với lý luận phong thủy Hình Thế Tông của Giang Tây, nhào nặn thành bí thuật phong thủy Âm Dương.

Dựa vào thuật Thanh Ô Hình Thế Tông xem phong thủy, quan sát kinh mạch sông núi, không chỉ thấy được hình dáng bên ngoài mà còn thấy được cái cốt hà lưu sơn mạch bên trong, nhìn thấu cả tinh thần khí chất của sự vật, gọi là “hình, thế, lý, khí”, chuẩn xác vô cùng.

Ví dụ như, dùng thuật phong thủy để xem xét đo đạc đất đai, cũng giống như xem tướng cho người ta. Có cổ nhân cho rằng xem tướng là không chuẩn xác, bời từ cổ chí kim, có biết bao kẻ đại ác mang diện mạo lương thiện, lại có biết bao người chân thiện mang diện mạo độc ác.

Nếu nói một người sinh ra tướng mạo đường đường khí phách bất phàm là người có tướng tốt thì cũng chưa hẳn. Sách sử từng ghi, Trụ vương cuối đời nhà Thương sinh ra đã Thiên đình đầy đặn, Địa các vương tròn, hai tai chảy dài, nhìn thế nào cũng có tướng tôn quý phi phàm. Vậy mà thân làm vua một nước lại đi sủng ái Đát Kỷ vô đạo, phản lại bảy mươi hai lộ chư hầu trong thiên hạ, khiến cho muôn dân chịu cảnh lầm than, như vậy tướng của ông ta chẳng phải hung tướng tàn sát sinh linh hay sao? Lại nói Chu Văn vương, người đời đều biết ông ta là bậc minh quân đắc đạo, nhân nghĩa vô cùng, yêu dân như con nhưng sinh ra đã có cặp lông mày dựng ngược, eo rắn nước nhìn kiểu gì cũng ra kẻ tiểu nhân phúc mỏng, vậy mà ngược lại không chỉ là người đặt nền móng cho cơ nghiệp tám trăm năm của vương triều nhà Chu, mà còn có phúc trăm con, nhìn vào đó thì thấy tướng mạo không thể nói chuẩn hay không được.

Thực ra muốn nhìn một người phải nhìn từ trong ra ngoài, có câu rằng “cốt cách con người ở hết trong tinh thần cũng chính là “có hình không bằng có cốt, có cốt không bằng có thần”, mỗi con người như một chiếc đèn dầu, tinh thần giống như dầu đèn, bề ngoài giống như ngọn lửa, dầu phải trong đủ đầy thì ngọn lửa mới có thể cháy sáng.

Thuật phong thủy Âm Dương chủ yếu nhìn vào tinh thần khí chất của sông suối núi non, nếu nghiên cứu học tập thông suốt, chắc chắn có thể đạt tới ranh ranh giới cao minh thiên nhân tương ứng “trên xem thiên văn dưới dò địa mạch, tường tận lầu rồng điện báu, chỉ đâu trúng đấy”, mớ thủ đoạn xem đất xem cát lừa bịp trên giang hồ không thể so bì.

Lão Trần và Gà Gô nghe xong đều giơ ngón cái tán thưởng. Lão Trần khen ngợi: “lời luận bàn cao kiến của tiên sinh thật chí lý, giúp hai anh em tôi rẽ mây nhìn thấy mặt trời…” Liền đó, lão nói đến chuyện muốn mời Hồ tiên sinh ra mặt, tới Vân Nam và sa mạc tìm kiếm lầu rồng điện báu, dốc tâm dốc sức vì Thường Thắng sơn, làm một phen kinh thiên động địa, mưu cầu đại phú đại quý, để đời con đời cháu sau này hưởng mãi không hết, há chẳng hơn là làm ăn kiểu cò con chuốc tội vào thân ở chốn này sao?

Hồ tiên sinh ngay từ đầu đã đoán ra tâm ý này của họ, nhưng trước mắt hai vị đại hành gia tinh tường không dám giấu giếm, giờ đã lật ngửa bài, cũng đành thực thà mà kể khổ: “Hai vị lão gia đều là bậc đại cao thủ, chút tài mọn này của bần sĩ chỉ để kiếm cơm đút mồm mà thôi, hơn nữa tiên sư trước khi lâm trung từng dặn dò phải an phận thủ thường, nay nhà còn mấy miệng ăn, vạn phần không dám nghĩ khác.”

Ông ta còn bảo bí thuật phong thủy vừa nói khi nãy đều là những điều cao siêu huyền bí, mình chỉ là hạng ếch ngồi đáy giếng, biết vài tiểu xảo xem âm trạch dương trạch mà thôi, muốn lên núi tìm long mạch vẫn còn kém mười vạn tám ngàn dặm, có đi cũng chẳng giúp được gì, ngược lại còn làm lỡ đại sự.

Lão Trần thấy người này không biết điều, đang định nổi giận thì Gà Gô vốn tâm cao khí ngạo, không thích ép buộc người khác, đã nói với Hồ tiên sinh: “Mỗi người mỗi chí, không tiện cưỡng ép. Hôm nay gặp tiên sinh đã là được mở rộng tầm mắt rồi. Trước khi từ biệt còn có chuyện muốn nói, những mong tiên sinh cẩn trọng.” Rồi anh ta kể lại văn tắt chuyện có đám trộm đã nghe được tiếng tăm của ông ta, lên kế hoạch bắt già trẻ lớn bé trong nhà để huy hiếp, ép ông ta chỉ cho chúng long mạch bảo huyệt, hiện giờ đám người này đã bị “đả phế”, từ nay về sau không thể tìm tới quấy nhiễu nữa, nhưng cây to thì gió lớn, lão mở cửa hiệu xem phong thủy đoán chữ thế này, khó tránh phải va chạm với nhiều loại người, nghề thì vẫn phải giữ, song nếu không thu liễm lại vài phần tất không thoát được tai mắt quân trộm cướp.

Nói xong liền ôm quyền chào Hồ tiên sinh: “Đa tạ tiên sinh khoản đãi, xin được cáo từ.” đoạn đứng dậy đi thẳng. Lão Trần nghĩ bụng: “Mình là loại người nào chứ? Tài đức phong độ sao lại thua đạo nhân Ban Sơn được?” cũng không tiện lải nhải nữa, phẩy tay áo bước ra cửa.

Hồ tiên sinh sợ toát mồ hôi lạnh, vội theo sau luôn miệng cảm ơn rối rít, sắp tới cửa lớn ông ta mới chợt nhớ ra một chuyện, liền kéo Gà Gô lại nói: “Nhị vị ân công, không phải tiểu nhân tham sống sợ chết không dám đi đổ đấu mà vì quả thật đã trót thề bồi trước mặt sư phụ, suối đời sẽ không mó tay vào việc này nữa, nhưng mà…”

Hồ tiên sinh bống lái sang chuyện khác, nói trước đây từng tham gia phiến quân, sau khi bại trận liền lên núi đào mộ, được Âm Dương Nhãn Tôn Quốc phụ cứu giúp nên nguyện bái ông ta làm thầy. Nay hai vị hảo hán muốn dùng quyết tầm long để trộm mộ, sao không mời Mô Kim hiệu úy giúp đỡ?

Gà Gô và lão Trần nghe thế khác nào sét đánh ngang tai, kinh ngạc hỏi: “Lẽ nào Hồ tiên sinh lại quen biết với Mô Kim hiệu úy?”

Hồ tiên sinh bèn nói rõ đầu đuôi. Hóa ra sự phụ Âm Dương Nhãn của lão tuy không phải Mô Kim hiệu úy, nhưng sư phụ của sư phụ lại là một đại sư Mô Kim tiếng tăm lừng lẫy vào cuối đời nhà Thanh, hiệu là “Trương Tam Liên Tử”. Trương Tam Gia từng phò tá Tôn Đường Tả đại nhân đi bình định phản loạn ở Tân Cương, lập nhiều công lớn, sau khi thu binh bèn rút khỏi quân ngũ, đi mò vàng khắp các mộ cổ ở Thiểm Tây Hà Nam, bình sinh gặp lắm chuyện ly kỳ, về sau một mình đeo ba lá bùa Mô Kim, bùa Mô Kim cổ được lưu truyền đến nay chỉ có ba lá này thôi, cũng bởi vậy mà sư phụ của sư phụ mới có biệt hiệu này.

Hồ tiên sinh hay nghe sư phụ nhắc nhỏm, cũng biết nhiều chuyện về Mô Kim hiệu úy, nhưng đệ tử của Trương Tam Gia rất đông, bùa Mô Kim không đến lượt truyền tới Hồ tiên sinh lên ông ta cuối đời vẫn không thể trở thành một Mô Kim hiệu úy. Hồ tiên sinh bảo Liễu Trần trưởng lão trong chùa Vô Khổ là người được Trương Tam Gia đích thân truyền dạy, là một Mô Kim hiệu úy chính tông có điều nay ông ta tuổi cao sức yếu nên đã rửa tay gác kiếm từ lâu, chỉ chuyên tâm niệm kinh lễ Phật không ra mặt nữa.

Nhưng trưởng lão này có thể biết được tung tích hai lá bùa Mô Kim còn lại, nếu tới chùa Vô Khổ tham kiến Liễu Trần trưởng lão, hẳn có thể hỏi thăm từ miệng ông ta hai vị Mô Kim hiệu úy còn lại hiện đang hành nghề ở đâu, nếu may mắn chỉ cần mời được một trong hai vị thì mồ to mả lớn trên đời này đều tìm được hết.

Những việc sau này lão Trần chỉ nghe nói lại nên không biết tường tận. Sau khi lão đi Vân Nam không lâu, ở Tương Âm xảy ra một trận dịch lớn, Hồng cô nương của Nguyệt Lương Môn cũng nhiễm bệnh, trước khi nhắm mắt vẫn không được gặp măt Gà Gô lấy một lần.

Còn Gà Gô lại bái Liễu Trần trưởng lão làm sư, sau đó tới Hắc Thuỷ thành ở Tây Hạ, không ngờ gặp phải bất trắc bị trọng thương, nghe nói cố nhân mắc nạn, không chết cũng lưu lạc ở đâu chẳng rõ thì nản lòng khoái chí, dẫn tân quyến tho một vị thần phu người Mỹ bỏ ra hải ngoại, không quay lại nữa.

Shirley Dương nghe lão Trần thuật lại chuyện trộm mộ năm xưa, chỉ thấy mù mờ như một giấc mộng, dường như hố sâu ngăn cách giữa hai thế hệ chúng tôi và bọn lão phải sâu lắm chứ không vừa. Có điều trong thư tín nhật ký Gà Gô để lại không hề thuật rõ câu chuyện trộm mộ Bình Sơn, nếu không được nghe kể lại từ lão Trần mù, e rằng tất cả sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn. Điều này khiến cô nàng tin vàoự xui khiến của số mệnh huyền bí, còn hỏi tôi có tin vào sự an bài của số phận hay không.

Tôi bảo đây chưa chắc đã là “số mệnh” gì cả, cái nghề đổ đấu này đã lụi tàn từ thời Dân Quốc, truyền đến đời chúng ta còn được mấy người? Đây gọi là “mèo có đường mèo, chó có đường chó, chim câu sang lối khác bay”, nghệ nhân đổ đấu hàng ngày tiếp xúc với những ai, đương nhiên không thể thiếu đám nhân sĩ cùng ngành phong thủy, trộm mộ, cổ đồng, bọn họ lại chẳng túm lại với nhau ấy à. Nhưng nghe lão Trần mù kể chuyện lần này thực khiến chúng tôi được mở rộng tầm mắt, hôm nay mới xem như biết Ban Sơn, Xả Lĩnh đổ đấu ra sao, phương pháp thực khác xa Mô Kim hiệu úy. Ai cũng nói phải Mô Kim là vua, xong cứ nhìn phương pháp đổ đấu của Ban Sơn Xả Lĩnh muôn màu muôn vẻ, thực khiến người ta phải mắt tròn mắt dẹt, thì có kém gì Mô Kim.

Lão Trần than thở: “Lão phu nay cũng không dám ba hoa khoác lác. Cậu xem Ban Sơn Xả Lĩnh đều đã suy yếu thành ra thế nào rồi? Chỉ e rồi từ đây tuyệt tích, Mô Kim lại có vẻ bắt đầu chấn hưng, thiết nghĩ cũng có cái lý của nó. Ban Sơn Xả Lĩnh xuống tay quá tàn độc, không được như Mô Kim hiệu úy lấy Dịch làm tôn chỉ. Sinh sối nảy nở ấy là Dịch, cổ nhân thật chẳng lừa ai bao giờ, tiếc là lúc đó lão phu tài trí trác tuyệt, duy chỉ chưa nghộ ra đạo lý này, giờ hiểu ra thì đã muộn.”

Tôi chợt nhớ ra truyện đồng nhân, đồng quỷ trong mộ cổ Bình Sơn mà lão mù nhắc tới, hình như giống với đồng long tôi từng gặp, cả đồng ngư khảm trên Tần Vương Chiếu Cốt kính, đều cùng một chủng loại, trước đây từng nghe lão nói vật này có liên quan tới quẻ số thời cổ, nhưng lúc đó chưa kịp tìm hiểu, giờ chợt nhớ ra bèn nhờ lão giảng giải giúp.

Lão Trần nói: “Nguồn gốc xuất xứ của những món minh khí này… lão phu khi xưa tuy là hạng học cao hiểu rộng, không thua Khổng Mạnh, nhưng thực chẳng đọc ra Sửu Dần Tí Mão trên mấy thứ đồ này. Vì sao mà biết thì phải nói tới một cơ duyên khác.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện