Hình pháp nhà Trần nổi tiếng tàn khốc, chỉ đơn giản ví dụ như đối với những kẻ ăn trộm ăn cắp đều bị chặt ngón chân, sau đó giao cho người bị hại tự xử lý, nếu không cũng sẽ để voi giày chết.

Tôi đã từng đọc qua về mấy điều luật của nhà Trần nên cảm thấy bản thân thật sự quá may mắn. Tất cả đều nhờ cô gái mà Hiếu Hoàng gặp được mười năm trước - người có diện mạo giống với tôi - đã giúp tôi giành được sự ưu ái không nhỏ từ Hiếu Hoàng.

Không chỉ vậy, kể cả khi Nguyễn Tái biết tôi không phải cô gái ấy cũng vẫn đối xử với tôi y như cũ, không chút thay đổi.

"Tiểu thư Niệm Tâm đã nghĩ tới việc khi nào rời đi chưa?"

Nguyễn Tái gọi thêm trà, tỏ vẻ quan tâm.

Tôi liếc nhìn y, có lẽ y đã biết tất cả những gì tôi nói với Hiếu Hoàng hôm ấy rồi. Tôi mỉm cười cảm ơn với cậu bé đang rót trà rồi đáp: "Thực ra tôi muốn cũng không thể rời đi được."

"Ồ?" Nguyễn Tái nhướn mày, nhìn tôi tò mò.

Tôi khẽ cười, trong đầu đã chuẩn bị sẵn một câu trả lời: "Vạn sự tùy duyên. Khi người ta muốn tôi đi thì tôi nhất định sẽ ở lại, nhưng đến khi họ giữ tôi ở lại thì tôi sẽ rời đi."

Nghe thì rất lú, nhưng thực tế thì ngay cả tôi cũng không rõ đến bao giờ mới có thể trở về thời hiện đại, nếu không đưa ra một câu trả lời mông lung thì thực là tự mua dây buộc mình rồi.

Nguyễn Tái khá ngạc nhiên với câu nói của tôi, trong mắt y lóe lên một tia sáng nghi ngờ.

Thế rồi y bật cười, nói: "Tiểu thư Niệm Tâm hiểu lầm rồi, Quan gia đã ban chỉ giữ cô lại như khách quý, chỉ cần cô không muốn ở lại thì có thể rời đi dễ dàng."

Tôi cũng cười, đáp: "Tuy tôi không rõ bao giờ mình mới có thể đi nhưng thời gian ở lại nơi này cũng không còn lâu đâu."

"Vậy cô có dự định gì chưa?"

Tôi nhấp một ngụm trà, trầm ngâm. "Không giấu gì học sĩ, hiện tại tôi không có nơi nào để đi, cũng không có bạn đồng hành. Tôi chỉ cần một chỗ ăn chỗ ngủ, đến thời điểm phù hợp dù không muốn cũng sẽ phải đi thôi."

Nguyễn Tái im lặng nghĩ ngợi rồi nói: "Chỉ vài ba ngày nữa là thái tử và ta sẽ theo quan gia trở về kinh thành. Nếu cô có thể đi cùng xa giá thì thái tử có lẽ sẽ rất vui."

"Kinh thành Thăng Long sao?"

"Đúng vậy, quan gia luôn mong ngóng được trở về kinh thành để trực tiếp giải quyết việc triều chính."

Tôi trợn mắt lên nhìn y, phải kìm nén lắm mới không hét ầm lên: "Tôi cũng có thể...?"

Y phì cười: "Niệm Tâm, dù cô không phải người mà Quan gia luôn muốn gặp lại nhưng hiện tại cô vẫn là khách quý của quan gia, còn là bạn của thái tử nữa. Ai có thể ngăn không cho cô tới Thăng Long?"

Tôi cười ngại ngùng không đáp.

Nguyễn Tái lại nói: "Chỉ là nếu đưa cô vào cấm thành thì vẫn có chút khó khăn. Cô không có danh phận, cũng không phải cung nữ, để có thể lưu lại trong cấm thành một thời gian thì cái danh khách quý kia cũng không hợp lý cho lắm. Ta nghĩ thái tử cũng sẽ không đồng ý để cô ở bên ngoài đâu."

Vậy là Nguyễn Tái sẽ tìm mọi cách để có thể đưa tôi cùng về Thăng Long. Hiếu Hoàng hẳn cũng đã xác định rằng tôi là một người hoàn toàn vô hại, trong thời điểm hiện tại lại vô cùng thân thiết với Trần Thuyên, giữ tôi ở lại chỉ có lợi chứ không có hại.

Cả tôi và Nguyễn Tái đều trầm ngâm suy nghĩ, chỉ có điều cái mà tôi đang suy tư chắc chắn không giống với y.

Liên quan tới việc vượt thời gian, có vài vấn đề như sau.

Thứ nhất, Đạt đã nói rằng thường thì thời gian tôi ở thế giới này chỉ khoảng vài ngày nhưng thực tế đã có lần Rosie bị trục trặc khiến Đạt biến mất cả tháng trời. Nếu không phải nó có ông anh sáu múi bao che cho thì hẳn bố mẹ tôi đã báo công an rồi.

Cho tới hiện tại, tôi đã ở nơi này được gần một tuần rồi mà chưa có dấu hiệu gì, khả năng tôi bị kẹt lại đây còn lâu hơn thế là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thứ hai, theo lý thuyết thì chiếc đồng hồ dở hơi này sẽ bắt đầu đếm ngược từ mười lăm cho tới ba mươi phút trước quá trình tạo ra lỗ hổng thời gian. Vậy nếu tôi đang ở chốn đông người mà chiếc đồng hồ này lại kêu lên inh ỏi thì phải biết làm sao?

Tôi len lén thở dài, cái thói mê trai này nhất định phải bị loại bỏ! Chỉ vì một tấm ảnh của ông anh sáu múi mà tôi lại đồng ý với thằng Đạt nhanh tới vậy. Đợi đến khi tôi trở về mà nó không giới thiệu tôi cho ông anh sáu múi thần thánh ấy thì thằng này chết chắc!

"Hai người các ngươi được lắm! Dám trốn ta ra ngoài này sao?"

Không ngờ vừa nhắc tới Tào Tháo mà Tào Tháo đã đến ngay được.

Trần Thuyên xuất hiện trong bộ trang phục tối màu, rõ ràng đã suy tính tới việc xuất hiện giữa chốn đông người. Ở phía xa đằng sau cậu còn có vài tên lính đi tới đi lui, giả bộ như đang tuần phố nhưng rõ ràng chỉ là để bảo vệ vị thái tử trẻ con này.

Tôi đứng dậy, miệng nở nụ cười thật tươi: "Thái..."

Nguyễn Tái ở đối diện ho một tiếng thật lớn.

Tôi sửa lại ngay lập tức: "Cậu chủ, thật nhanh."

Trần Thuyên quắc mắt nhìn tôi: "Cái gì?"

Tôi tủm tỉm nói: "Mới nãy cậu bị đức ông gọi đi mà giờ đã đứng ở đây rồi nè."

Thái tử trẻ con nghe tôi nói vậy liền hừ một tiếng, nói: "Ta vốn có lòng tốt muốn cùng chị dùng bữa trưa, vậy mà loáng một cái chị đã biến mất rồi!"

Giọng điệu Trần Thuyên chỉ có dỗi hờn, không có giận dữ khiến tôi phải hít mấy hơi thật dài mới không bật cười.

Trần Thuyên cộc cằn nói tiếp: "Gọi thêm một bát mỳ đi, ta đói lắm rồi."

Cậu ngồi xuống bàn vô cùng tự nhiên, đưa mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi lén nhìn sang Nguyễn Tái, thấy y khẽ gật đầu một cái mới yên tâm gọi chủ quán mang ra thêm một bát mỳ. Có lẽ trước giờ cậu thái tử này cũng ra khỏi cung cấm không ít lần mới đạt được cảnh giới thoải mái tới như vậy.

Có Trần Thuyên ở đây nên tôi và Nguyễn Tái không thể bàn bạc chuyện kia được nữa. Tôi không chịu được sự yên lặng liền đề nghị kể một câu chuyện, cả Trần Thuyên lẫn Nguyễn Tái đều đồng ý và tỏ ra vô cùng mong chờ.

Tôi khẽ hếch mũi, từ trước tới giờ trong những câu chuyện tôi kể với Trần Thuyên phần lớn đều là truyện cổ tích và số ít là tôi bịa từ phim và tiểu thuyết ra.

Trần Thuyên sinh ra và lớn lên trong cung cấm, hoàn toàn không có cơ hội được tiếp xúc với văn học dân gian như tôi đã tưởng, vì vậy mà tôi đã nắm lấy cơ hội này để thể hiện kiến thức của bản thân. Điều ấy đã khiến một đứa con gái vừa ế vừa thất nghiệp như tôi lại trở thành một vị khách quý trong mắt Hiếu Hoàng và Trần Thuyên, và chắc cũng nhờ vậy một phần mà tôi được chính thức cấp quyền ăn ở tự do tại hành cung Tức Mặc.

Cậu nhóc thái tử vừa ăn mỳ vừa cằn nhằn tại sao tôi lại có thể bỏ đi cùng Nguyễn Tái như thế, sau đó lại quay sang dọa dẫm y rằng sẽ thưa với Hiếu Hoàng về chuyện này. Thật khó có thể tưởng tượng được chỉ vài năm nữa, cậu nhóc này sẽ lên ngôi hoàng đế, trở thành vị vua thứ tư của nhà Trần.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã khen Trần Thuyên – Trần Anh Tông rằng: "Vua khéo léo kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng cũng là bậc vua tốt của triều Trần."

Hiện tại Trần Thuyên đã được mười ba tuổi, chỉ bốn năm sau là Hiếu Hoàng sẽ thoái vị, trở thành Thái thượng hoàng và Trần Thuyên nối ngôi báu, tự xưng Anh Hoàng. Chính sách cai trị của nhà Trần khá đặc biệt và được cho là hoàn thiện hơn nhà Lý. Để tránh việc tranh giành ngôi vua như những triều đại trước đó, các hoàng đế sẽ nhường ngôi cho thái tử khi còn rất trẻ, lui về làm Thái thượng hoàng.

Tuy vậy, Thái thượng hoàng vẫn nắm một phần quyền lực, cùng vị hoàng đế mới điều hành chính sự, và hoàng đế sẽ có cơ hội được tiếp xúc cũng như học hỏi từ Thái thượng hoàng về công việc cai trị đất nước cho tới khi thực sự trưởng thành.

Mười bảy tuổi trở thành vua một nước là chuyện không hề dễ dàng.

Trần Thuyên của hiện tại đang ngồi húp mì trước mặt tôi đây vẫn là một cậu nhóc mà vui buồn giận hờn đều lộ rõ trên mặt, để có thể trở thành một vị hoàng đế xứng với lời khen trên kia không biết sẽ phải thay đổi nhiều tới mức nào?

Choang!

Trước cửa quán mỳ, một bình rượu vỡ tan. Tiếng khóc lóc, tiếng la hét, tiếng xì xào bàn tán hòa lại thành một thứ âm thanh ồn ào hỗn tạp. Bàn của chúng tôi ngay cạnh cửa, không tránh được ảnh hưởng nên cả ba đều ngó ra xem có chuyện gì.

Một người phụ nữ nằm dưới nền đất, tay ôm một chiếc áo, mặt mũi đẫm nước mắt, trên má còn hằn rõ vệt năm ngón tay.

Cạnh chị ta là một người đàn ông sắc mặt hồng hào, đôi mắt lờ đờ, dáng người loạng choạng đứng không vững, miệng chửi bới: "Con đàn bà thối tha này, mày lựa lúc ông đây đi uống rượu mà chạy đi thông dâm với thằng nào? Còn dám đem áo mới của ông cho nó mặc hả? Nói ngay!"

Tên đàn ông to lực lưỡng vừa chửi vừa đá vào người người phụ nữ kia, khiến thị không chịu nổi cơn đau mà phải gập người lại.

Thị vừa ôm bụng vừa khóc: "Mình tha cho tôi, tôi đâu có dám làm điều xằng bậy ấy. Áo mới của mình bị rách, tôi chỉ..."

Còn chưa nói hết câu, tên đàn ông kia đã chặn miệng thị lại bằng một cái tát thật kêu. Thị ôm lấy mặt, khóc không ra tiếng. Xung quanh dân chúng đứng xúm lại chỉ trỏ bàn tán, tuyệt không một ai lên giúp đỡ người phụ nữ.

Tôi chỉ mới nhìn được một lát mà giận sôi cả máu, tên khốn nạn kia không những vũ phu đánh vợ giữa đường, còn chửi thị ta bằng những lời lẽ thô tục không gì bằng.

Vì đã có Nguyễn Tái cùng Trần Thuyên làm hậu phương vững chắc, lại thêm tốp lính thoắt ẩn thoắt hiện của thái tử, tôi không ngần ngại mà lao lên, hét một tiếng: "Dừng lại!"

Cả đám đông đột nhiên im phăng phắc.

Tôi chen vào, thấy tên đàn ông kia đang ngoác mồm ra chửi: "Đứa nào? Đứa nào?"

Chân gã vẫn tiếp tục đá vào vợ, càng đá càng hăng.

Tôi bặm môi, phi ra đẩy mạnh một cái. Tuy gã to lớn hơn tôi nhưng do đang say rượu, đứng còn không xong, bị tôi đẩy một cái liền chao đảo, ngã thẳng xuống đất.

Gã không đứng dậy nổi, hét toáng lên: "Mày là đứa nào mà động vào ông..."

Tôi không thèm để ý mà đỡ người phụ nữ kia ngồi dậy, vỗ vỗ vào lưng an ủi. Thị ta đã có chút bình tĩnh, chỉ nấc lên vài tiếng.

Lúc này Trần Thuyên và Nguyễn Tái đã chen lên được phía sau tôi, vội vàng hỏi tôi chuyện gì. Tôi khoát tay không trả lời rồi nhẹ nhàng hỏi người phụ nữ: "Chị không sao chứ?"

Người phụ nữ gật đầu, cả người run run.

Tôi lại hỏi: "Có chuyện gì mà chồng chị đánh chị như vậy?"

Người phụ nữ run rẩy, liếc mắt qua phía chồng mình đang nằm sõng soài ở phía trước, không dám trả lời.

Tôi khẽ gạt sợi tóc vương trên trán thị, nói: "Đừng lo, tôi... chúng tôi là người của quan phủ. Chúng tôi sẽ đòi lại công bằng cho chị."

Trong lúc không thể suy nghĩ được gì, tôi đã sử dụng tạm một câu thoại trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc thường thấy. Tôi cố tình xưng là "chúng tôi", để người phụ nữ thấy rằng còn có rất nhiều người đáng tin ở đây. Tuy vậy, thị ta vẫn tỏ ra rất do dự, cúi đầu không nói gì.

Tôi lại khuyên nhủ: "Nếu chị để chúng tôi đi, chồng chị nhất định sẽ lại đánh chị. Chuyện này không được làm rõ, tương lai hắn sẽ tiếp tục hành hạ chị. Chị phải biết cách bảo vệ bản thân, ít nhất là cho hắn thấy chị có phía quan phủ bảo vệ. Chị hiểu không?"

Người phụ nữ chần chừ giây lát, quay sang nhìn chồng mình vẫn đang ngã sõng soài dưới đất. Thị đưa tay áo lên lau hết những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mặt rồi mỉm cười: "Cảm ơn cô, chuyện nhà tôi tự có thể lo được."

Nói đoạn, chị đi đến cạnh gã đàn ông, nói: "Mình à, về nhà thôi."

Gã tựa thân hình to lớn của mình vào vợ, lảo đảo bước đi.

Khi đi ngang qua chúng tôi, người vợ cảm kích nói: "Có những chuyện cả quyền lực cũng không giúp ích được gì, ý tốt của cô tôi xin nhận. Nếu các người thật sự là người của an phủ..." Thị dừng lại, đôi mắt nhìn tôi nhiều ẩn ý. "...Thì hãy tới tiệm vải Như Ý, ở đó đang có cãi nhau lớn đấy."

Hai vợ chồng đã đi khỏi được một lúc mà mắt tôi vẫn tiếp tục lòi ra ngoài, chưa có dấu hiệu thu vào. Mẹ tôi là tổ phó tổ dân phố, đồng thời kiêm chức hội trưởng hội phụ nữ, mỗi tuần phải giải quyết không dưới năm vụ gia đình bất hòa mà phần lớn lý do thuộc về hai loại: Một, vợ chồng cùng đi làm cả ngày nhưng việc đón con, giặt dũ, chợ búa, nấu cơm đều vào tay vợ, cuối cùng vợ không chịu nổi nữa mà vùng lên, lôi nhau ra đường cãi lộn; Hai, vợ phát hiện ra chồng bồ bịch, kết quả không cần nói nữa.

Tôi đi theo mẹ tới từng nhà giải quyết không ít lần, không nhịn được thở dài một cái thắc mắc: "Tại sao họ không ly dị quách đi hả mẹ?"

Mẹ tôi bảo tôi ngốc, người ta không còn tình nhưng vẫn còn nghĩa, họ có con cái, nếu giờ bố mẹ chia tay thì con cái biết phải sống thế nào? Nếu chuyện giải quyết được thì nên giúp đỡ họ, đến mức đã thật sự không chịu nổi nữa thì mới ra tòa. Mẹ còn nói thêm rằng nếu người ngoài mang tâm lý "vợ chồng đóng cửa bảo nhau" thì những chuyện vợ cãi chồng đánh sẽ còn xảy ra nữa. Mẹ tôi ăn nói vừa nhẹ nhàng vừa thuyết phục, phần lớn những gia đình có sự can thiệp của mẹ tôi cuối cùng đều hòa giải trong hòa bình.

Tôi đã hạ quyết tâm phải giúp đỡ người phụ nữ này. Bởi nếu kết quả tốt, không những có thể giúp được vợ chồng không còn hiểu lầm, lại khiến cho những người đàn ông khác dù mang nặng tư tưởng phong kiến cũng phải nhìn lại mình.

Chỉ không ngờ mục đích cao cả này của tôi lại bị dập tắt trong nháy mắt. Tôi thở dài một hơi, ngoái đầu lại nhìn Nguyễn Tái, nhếch miệng: "Tiệm may Như Ý ở đâu vậy?"

Trần Thuyên lấy tay vỗ vào trán "tét" một tiếng, giọng đầy chán nản: "Này, chị thích xen vào chuyện thiên hạ lắm à?"

Tôi khinh bỉ không thèm đáp. Có hậu thuẫn lớn là Thái tử Đại Việt cùng Học sĩ Hàn Lâm Viện ở đây thì đời nào tôi lại không muốn lo chuyện bao đồng chứ?

Tôi liền với tay hỏi địa chỉ một người đi đường, kéo theo một Trần Thuyên một Nguyễn Tái cùng cả một đám lính thần bí đang lén lút bám đằng sau tới tiệm may Như Ý.

"Quả là một cảnh tượng hiếm có!"

Nguyễn Tái đã thốt lên ngay khi chúng tôi đặt chân tới trước cửa tiệm may kia. Một người, nếu tôi đoán không lầm, chính là chủ tiệm may với cái bụng vĩ đại đang ngoác mồm ra chửi bới, và một người cũng gân cổ lên cãi trả không hề kém cạnh. Chỉ là ngôn ngữ bất đồng, anh chửi tôi cái gì tôi không hiểu, nhưng tôi vẫn phải chửi lại cho bằng bạn bằng bè.

Cũng là một thân áo đen cổ tròn, quần lụa trắng, chân đất rất sành điệu, nhưng chàng trai này chỉ nhìn qua cũng có thể xác định được không phải người Việt. Nước da của anh ta ngăm đen, dáng người vạm vỡ cao ráo, so với đại bộ phận dân chúng đang vây quanh tiệm vải thì phải cao hơn tới cả cái đầu.

Anh ta tỏ ra khá đanh đá, miệng không một chút ngơi nghỉ cứ nhắm thẳng vào người chủ tiệm mà tuôn ào ào.

Tôi đánh giá một hồi, cuối cùng bỏ cuộc vì không thể xác định nổi thứ ngôn ngữ mà anh ta đang chửi mắng kia là của nước nào. Vốn có sở thích xen vào chuyện người khác, tôi không chần chừ liền gạt đám đông hiếu kỳ ra rồi phăm phăm bước vào "sân khấu".

Trần Thuyên vội vàng nắm lấy tay tôi, ngơ ngác hỏi: "Chị đi đâu đấy?"

"Vào xem sao." Tôi nôn nóng gạt tay Trần Thuyên ra rồi chui tọt vào suối người đang tụ tập lại ngày càng đông.

Với kinh nghiệm hai năm chen chúc trên xe bus Hà Nội, chưa đầy một phút sau tôi đã có mặt đằng sau lưng chàng trai ngoại quốc, lời vàng ngọc từ phía chủ tiệm cũng vừa kịp lúc bay đến đậu trên tai tôi.

"Này, ông nói cho mà biết, đã không mua thì biến! Ông đây không có rảnh mà tiếp chuyện với cái đồ kì quái nhà mày!"

Lồng ngực chàng trai ngoại quốc phập phùng, khuôn mặt đăm chiêu như đang suy nghĩ xem mình phải đáp trả như thế nào.

Tôi thò mặt lên, thỏ thẻ hỏi: "Anh không biết tiếng Việt thật à?"

Bà thím A đứng cạnh tôi liền chen vào: "Không biết thật đâu. Cãi nhau tới một lúc rồi mà vẫn như vậy đó."

Ông chú B vội vàng cho tôi biết thêm một thông tin vô dụng khác: "Không nhanh chóng dẹp đi là quan binh tới mất."

Tôi suy nghĩ thật nhanh, quyết định dùng vốn tiếng Anh nửa vời của mình, lòng thầm cầu mong sẽ có tác dụng.

"Này, nói được tiếng Anh không?"

Tay tôi đập cái "chát" vào lưng chàng trai ngoại quốc, anh ta quay ngoắt lại, trợn mắt lên nhìn tôi dễ tới nửa ngày. Còn chưa kịp thất vọng, anh ta liền mở miệng, giọng nói có chút ngượng ngùng:

"Có... Tôi nói tiếng Anh."

A ha!
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện