Tiếp đến là chuỗi ngày tra án khó khăn.
Thực ra việc của tôi chỉ là vài ba ngày tới quán rượu một lần với mục đích họp mặt cùng team Dạ Hành. Mặc dù tôi đã cố gắng sử dụng hết năng lực của bản thân để phân tích bài đồng dao mới nhất, nhưng có vẻ đầu óc hoạt động không được trơn tru cho lắm nên mười ngày nửa tháng rồi vẫn chưa đâu vào đâu.
Không có sự giúp đỡ của khoa học công nghệ, việc điều tra gặp rất nhiều cản trở, đặc biệt là việc đi tìm thông tin của đám gia nhân nhà họ Lưu. Đã gần hai tháng trôi qua sau cái chết của những nạn nhân đầu tiên, tất cả gia nhân coi như mất việc, cho đến giờ đã phân tán khắp nơi rồi.
Trong thời gian này Đoàn Nhữ Hài theo Trần Thuyên lên núi Yên Tử nên ở nhà chỉ có tôi và mẹ, không khí vô cùng bức bối. Có đánh chết tôi cũng không ngờ bản thân lại rơi vào tình trạng bị ép hôn khi chưa tròn hai mươi tuổi, tâm trạng này giống như bản thân đã trở thành gái ế bốn mươi ở thời hiện đại rồi.
Đỗ Quân chỉ ra mặt được một lần duy nhất, bởi vậy những lần sau mỗi khi tôi muốn dắt Đông Ly ra quán rượu thì đều phải hứng chịu ánh nhìn toé lửa của mẹ.
Tôi cười cười chống chế: "Mẹ này, con ế... à nhầm, dù sao con cũng lớn tuổi rồi, có chạy nhông ngoài đường thêm vài lần cũng chẳng chết ai. Hơn nữa con mà cứ ở nhà mãi thì làm sao có được cơ hội gặp ý trung nhân của đời mình chứ ạ."
Mở mồm ra là gây hoạ, trông gân xanh nổi trên trán mẹ thế kia có khi lại muốn cấm cửa không cho tôi bước chân ra ngoài ấy.
Trong đầu loé lên một ý nghĩ, tôi vội nói: "Mẹ đừng vội tức giận, nghe con nói đã. Ngày trước con thực sự đã gặp được một người."
Nghe vậy, cán chổi đang cầm trên tay mẹ dần hạ xuống, biểu cảm mong chờ tôi tiếp tục. Đông Ly đứng cạnh đó trợn mắt lên, không đoán được tiếp theo tôi sẽ nói gì.
"Chắc mẹ có biết Hành khiển Trần Khắc Chung phải không ạ?"
Mẹ vội gật đầu. Đông Ly đưa tay lên đỡ trán.
Tôi sà vào nắm lấy tay mẹ thủ thỉ: "Trưa hôm nọ con đã có duyên gặp gỡ với con trai của ngài ấy, là Tả chính ngôn Đỗ Trung Đế của Trung thư sảnh đó! Nhưng vì vội trở về nhà quá nên chỉ mới trò chuyện vài câu..."
"Thật hả?" Mẹ bán tín bán nghi nhìn tôi.
Đầu gật lia lịa, tôi lập tức cười lấy lòng: "Mẹ này, con trước giờ ngoan ngoãn, nào dám nói dối mẹ chứ!"
Đó là Đoàn Niệm Tâm, còn tôi đây có thể nói điêu thành thần, mặt không đổi sắc.
Nghe chừng mẹ đã xuôi tai, đồng ý cho tôi và Đông Ly đi chơi phố. Kể cả không có hẹn ở quán rượu thì gần như hôm nào tôi cũng phải tìm cớ ra ngoài. Tôi có thể nhận ra được càng ngày mẹ càng ngứa mắt với tôi rồi.
Chưa nói đến việc tôi hoàn toàn không sở hữu chút xíu nào đức tính tốt đẹp của Đoàn Niệm Tâm khi xưa, tôi còn đang lo sợ rằng một ngày đẹp trời nào đó mẹ sẽ lôi tôi ra kiểm tra mấy trò nữ công gia chánh gì đó và đảm bảo thứ chờ tôi ở phía cuối con đường chỉ là cái chết mà thôi.
Đông Ly đi bên cạnh, hít một hơi thật sâu mới mở dám miệng hỏi: "Cô Tâm... cô thật sự có cảm tình với Chính ngôn Trung Đế sao ạ?"
Cô bé đã nghe tôi kể lại vụ việc ngày ấy, biết rõ rằng tôi chán ghét tên điên kia vô cùng.
Tôi phá lên cười: "Đầu óc sao dễ quên vậy chứ? Ta lấy cớ với mẹ như vậy thôi."
"A." Đông Ly liền thở phào một cái. "Con lại cứ tưởng..."
Tôi nghiêm mặt: "Xưng là em."
"Dạ dạ. Em biết rồi, cô đừng mắng em." Đông Ly lè lưỡi trêu đùa. Do qua một thời gian rồi mà tôi vẫn không thể quen được với cách xưng hô giữa chủ nhân và kẻ dưới của thời đại này nên tôi đã kiên quyết bắt Đông Ly phải xưng là "em" thay cho "con" như trước. Dù sao tuổi tác chúng tôi cũng xấp xỉ nhau, làm chị-em là được rồi.
Chậc, thực ra thì tôi đâu muốn lôi Đỗ Trung Đế ra làm lá chắn cho mình. Chỉ bởi vì trước đây Đỗ Quân đã lỡ miệng khẳng định với mẹ rằng chỉ coi tôi là em gái, nên là cái quý danh của Ngũ đô Chỉ huy sứ đã trở nên hoàn toàn vô dụng trong mắt mẹ tôi rồi. Thêm vào đó, tôi lại càng không dám nói rằng thời điểm hiện tại bản thân đang "lằng nhằng" với Quan gia, đại nghịch bất đạo như vậy mẹ không lấy dao phay ra đuổi tôi mới lạ.
Một ngày trôi qua, rồi lại thêm một ngày.
Tôi tựa người bên khung cửa sổ lớn, tay giơ lên tờ giấy đầy những "ký hiệu đặc biệt" trong mắt Đông Ly mà thực tế chính là chữ Quốc Ngữ của thời hiện đại. Vốn phải tập trung suy luận, tôi lại để hồn mình bay theo những giọt nắng vương đầy trên sân, rơi từ trên kẽ lá xuống nền đất.
Hôm nay trời xanh ngắt, chỉ có đôi ba đụn mây kéo nhau trôi lững lờ.
Ngẩng đầu lâu quá nên hơi mỏi cổ, tôi rời mắt trở về với bản phân tích chỉ toàn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Chợt nghe tiếng nói ồn ào ngoài gian chính, tôi vội vứt giấy xuống giường, nâng vạt váy chạy ra. Thì ra Đoàn Nhữ Hài đã về, hiện đang trong vòng tay đầy nức nở của mẹ. Đi vắng cả tháng trời mới về, nhìn dáng đi cục mịch thế này, cậu ta có khi phải béo lên vài ký.
Hai mẹ con Đoàn Nhữ Hài hội ngộ cùng nước mắt nước mũi tèm lem, cả nửa ngày cũng không dứt ra được. Mẹ sụt sùi, nắn bóp cánh tay Đoàn Nhữ Hài: "Con trai, con gầy quá! Đi theo Quan gia không được ăn uống đầy đủ hay sao..."
Tôi suýt ngất. Rõ ràng 'khuôn trang đầy đặn, nét ngài nở nang' ra thế kia mà mẹ còn bảo gầy được.
Nghe mẹ nói, em trai Nhữ Hài liền xanh lét cả mặt mày: "Mẹ! Quan gia nào phải là người để mẹ có thể nhận xét linh tinh như vậy!"
Đoàn Nhữ Hài làm quan to, lời nói đương nhiên vô cùng có sức nặng. Mẹ vội vã vỗ vào miệng vài cái nhận tội rồi nói: "Mau mau tắm rửa qua cho sạch bụi bẩn, để mẹ xuống bếp làm mấy món con thích."
Chưa bao giờ thấy mẹ phóng nhanh như thế.
Tôi vỗ vỗ vai Đoàn Nhữ Hài đầy cảm thông: "Em trai đã vất vả rồi."
Cậu ta nhếch môi "Ờ" một tiếng rồi bảo: "Có tiến triển gì chưa?"
Tôi nhún vai, lắc lắc: "Vẫn đang chờ điều tra. Hơn nữa trong này trống rỗng." Vừa nói, tay vừa chỉ vào đầu.
Đoàn Nhữ Hài nhíu mày tỏ vẻ không hiểu. Tôi thở dài: "Ý là tôi không nghĩ ra gì cả."
Cậu ta cũng thở dài theo. Trong chốc lát hai chị em tôi như già đi cả mười tuổi.
Mới giữa buổi chiều nhưng trên chõng đã đặt một mâm món ngon của lạ để tẩm bổ cho Đoàn Nhữ Hài "gầy gò ốm yếu". Cậu em trai này tuy đanh đá cá cầy với kẻ khác nhưng lại là một đứa con rất nghe lời mẹ, dù không đói cũng phải nhét đầy miệng thức ăn cho mẹ vui.
Tôi cũng ngồi cạnh cậu ta trong suốt thời gian đó, nhằm thể hiện sự quan tâm nhiệt tình của người chị gái sinh đôi lâu này không gặp. Thi thoảng tôi lại gắp một cọng rau vào bát Nhữ Hài, luôn miệng nói em trai mau ăn chóng lớn. Đoàn Nhữ Hài lén lút lườm nguýt, trong khi mẹ lại tỏ ra vô cùng hài lòng vì sự hoà thuận của hai chị em tôi.
"Xin hỏi có tiểu thư Niệm Tâm ở nhà không?"
Cả ba mẹ con không hẹn cùng ngẩng đầu lên, quay ngoắt ra phía cổng lớn.
Và đây là lần thứ hai tôi thấy mẹ có tốc độ kinh người đến như vậy. Đến khi tôi kịp xỏ chân vào giày vải, hớt hải chạy ra ngoài đã nghe thấy tiếng mẹ đang chất vấn ai đó.
"Cậu là con nhà ai? Đến gặp Tâm nhà tôi có việc gì?"
Đoàn Nhữ Hài theo sát bên cạnh, gương mặt tái nhợt đi đôi chút.
Người vốn thích trèo tường nhà dân trong đêm giờ lại xuất hiện giữa ban ngày, đang đứng tủm tỉm cười trước mặt mẹ tôi.
Trần Thuyên?
Nghe Đoàn Nhữ Hài nói thuyền rồng cập bến Lô Giang sáng nay, cũng có nghĩa anh chỉ kịp nghỉ ngơi chốc lát trong cấm cung rồi đến nhà chúng tôi ngay.
Gà mẹ đang chống nạnh giữa cổng, hai chú gà con mang theo sự kinh hãi vội vàng lao ra.
Nhữ Hài kéo mẹ lại phía sau, tôi xông lên ngăn giữa Trần Thuyên và mẹ. Nếu bà biết mình vừa to tiếng với Quan gia thì liệu có ngất xỉu ngay lập tức không nhỉ?
Trần Thuyên vẫn duy trì bộ dáng hiền lành nhún nhường còn Bách Chu theo hầu đã xám tro cả mặt mày.
"Tâm!" Mẹ rốt cuộc cũng xoay mũi dùi sang tôi. "Như thế này là sao? Cậu đây là ai mà lại đến tận cửa tìm con!"
Em trai Nhữ Hài tỏ ra rất bất lực, chỉ muốn bịt miệng mẹ lại mà không làm nổi. Tôi đảo mắt, đưa tay theo phản xạ đẩy Trần Thuyên ra sau một bước.
"Mẹ, đây là anh Trần Thanh, họ... họ hàng của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật!"
Nói thế cũng không sai. Mẹ nghe thấy danh Chiêu Văn vương liền khựng lại, biểu cảm trên mặt có chút biến chuyển.
Không để bà kịp nói thêm câu nào, tôi liến thoắng giải thích: "Chiêu Văn vương có lòng yêu thích tài năng âm nhạc của con nên đã đưa thiệp mời đến. Hôm nay anh Thanh đây tới là để dẫn con đến phủ vương đó mẹ. Thôi con phải đi đây kẻo lỡ giờ."
"Thiệp nào? Sao mẹ không..."
Tôi nhanh chóng túm lấy tay áo Trần Thuyên, co chân kéo anh phóng một mạch, kệ xác Đông Ly và Bách Chu vội vàng chạy theo phía sau.
Còn nghe tiếng mẹ hét lên văng vẳng: "Này! Cậu họ Đỗ đã cho người tới hỏi... chuyện... rồi..."
Thật lòng không biết cảnh tượng hoàng đế bị một dân phụ tra khảo "là con nhà ai" hay một vị vua quần là áo lượt hớt hải chạy trên đường phố sẽ đáng sợ hơn. Lúc này tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết cắm đầu cắm cổ tránh xa phủ nhà họ Đoàn càng nhanh càng tốt.
Đến khi tóc mai dính bết lại, trên trán lấm tấm mồ hôi tôi mới dừng chân, nhận ra thay vì nắm lấy áo Trần Thuyên thì bày tay nhỏ bé của tôi đã được bao trọn trong tay anh từ khi nào. Trần Thuyên không hổ là thiên tử, so với bộ dạng mệt đứt hơi của tôi thì anh vẫn áo quần anh vẫn không một vết gấp, gương mặt hồng hào, hơi thở chậm rãi như chưa từng có một cuộc chạy đua.
Tiên nhân ơi, xin được nhận của tôi một lạy!
Tôi suy tính, dự định mở miệng xin Trần Thuyên chút bí quyết giữ được phong cách thần tiên này thì anh đã lên tiếng trước: "Cậu họ Đỗ là ai?"
Tôi cũng ngẩn ra. Ừ nhỉ, ai đấy?
Đông Ly đuổi theo tới nơi, hiện đang gập người, một tay chống vào hông thở hổn hển, tay kia giơ thẳng lên trời như đang xin phép phát biểu trong lớp học. (Còn Bách Chu tương đối giống với Trần Thuyên, dáng thẳng như tùng, không hề bị rối loạn nhịp thở.)
Một khoảng lặng trôi qua, Đông Ly thở hắt ra một hơi: "Con... con biết!"
Trần Thuyên trầm giọng: "Mau nói."
Con bé vội cúi người thưa: "Dạ bẩm, họ Đỗ ấy chính là Tả Chính ngôn Đỗ Trung Đế, con trai của Hành khiển Trần Khắc Chung ạ."
Kinh ngạc hết mức, tôi hô lên: "Cái gì? Hắn đến nhà lúc nào sao ta không biết?"
Câu trả lời là vì phần lớn thời gian tôi đều không ở nhà.
Tôi đỡ trán, thật không ngờ tên dở hơi ấy lại dám mò tới tận phủ họ Đoàn trong khi tôi và hắn chẳng hề có chút liên hệ nào với nhau. Bỗng nhiên mu bàn tay nhói lên một cái, tôi hướng mắt xuống dưới, chỉ thấy Trần Thuyên đang dùng lực siết chặt tay tôi lại. Tôi dở khóc dở cười, phân tán sự chú ý của Trần Thuyên bằng cách kể lại chuyện "đụng độ" Đỗ Trung Đế ngày ấy.
Quả nhiên sức lực thả lỏng hơn đôi phần, tôi vội rút tay ra đề phòng bị bóp nát như trái cam của Trần Quốc Toản.
Trần Thuyên tỏ ra không vui: "Hắn?"
Tôi vội gật đầu: "Tôi cho rằng có âm mưu gì đó phía sau."
Anh đưa tay lên bóp trán, đồng tình: "Ta cũng nghĩ như vậy."
Tôi:?
Đến Trần Thuyên cũng không tin tôi có đủ sức quyến rũ đối với Đỗ Trung Đế sao!
"Còn chuyện hắn tới phủ là như thế nào?" Trần Thuyên chắp tay sau lưng, giọng nói muôn phần lạnh lẽo.
Trước mặt Trần Thuyên, Đông Ly không dám giấu diếm chi tiết nào dù con bé cũng chỉ là nghe lại từ kẻ khác.
Chuyện là đúng hôm tôi và Đông Ly bay nhảy bên ngoài, Đỗ Trung Đế sai gia nhân trong nhà đi tới phủ họ Đoàn cùng một bà mối. Vâng! Hẳn là một bà mối!
Bình thường hỏi cưới cũng phải là bề trên tới nhà, đây hắn ta lại để gia nhân tới, rõ ràng là muốn xỉ nhục tôi mà. Quá quắt hơn nữa, tên Đỗ Trung Đế này đã có vợ cả vợ hai ở nhà rồi mà vẫn muốn nhắm đến tôi.
Tuy rằng tôi đúng là gái ế hai mươi tuổi, nhưng đường đường là chị gái của Trung tán Đoàn Nhữ Hài, lại có "quan hệ phức tạp" với Quan gia, rõ ràng là tôi cũng không đến nỗi đi làm thiếp của người khác chứ.
Vậy mà mẹ lại có vẻ rất vừa ý với "mối duyên" này, không nói cũng đoán được chín phần là bởi tôi đã tỏ ra bản thân có cảm tình với tên dở hơi kia, đúng là hoạ từ miệng mà ra.
Kể vừa dứt câu, Đông Ly vội cúi đầu. Vẻ mặt Trần Thuyên tối sầm, lông mày ép xuống thấp, nhíu sát lại. Hiển nhiên anh đang vô cùng tức giận. Nhiệt độ xung quanh như hạ xuống thấp, giữa buổi chiều đầy nắng mà tôi lại thấy rét run cả người.
Càng nghĩ càng tức, tôi gắt lên: "Rõ ràng mắc bệnh thần kinh chứ người bình thường ai lại làm thế! Tôi... tôi thà nhảy sông cũng không chịu làm thiếp của kẻ khác!"
Vô cùng hùng hồn, vô cùng quyết liệt.
Sắc mặt Trần Thuyên hoà hoãn đi vài phần.
Anh thở dài, bảo: "Nàng không cần lo lắng, cứ để trẫm lo liệu."
Ừ, còn ai vào đây nữa.
Trần Thuyên chưa tiết lộ mục đích anh ghé thăm ngày hôm nay, mà tôi cũng chắc chắn rằng anh không rảnh rỗi tới mức chạy tới tận đây mà không có nguyên do đặc biệt nào. Chúng tôi sóng vai đi dọc phố, tôi để ý thấy anh rất chăm chú quan sát người đi đường, đặc biệt là những kẻ bên ngoài lam lũ đang phải bê vác nặng nhọc.
Anh chỉ vào một người đàn ông cao lớn, da ngăm đen, gương mặt góc cạnh đang kéo một chiếc xe nặng nề chất đầy những bao tải lớn, hỏi tôi: "Nàng nghĩ sao về người đàn ông kia?"
Tôi nghiêng đầu, đáp: "Gã... không phải là người Đại Việt ta chăng? Tôi để ý thấy cơ thể gã to lớn khác thường, hơn nữa mặt mũi cũng đôi phần khác biệt so với chúng ta."
Trần Thuyên tán thưởng: "Đúng, nhưng chưa đủ chính xác. Gã là người vùng cao, với hình thể như vậy thì khả năng cao thuộc tộc Sơn Quynh trên vùng núi Tây Bắc. Nàng sai ở chỗ, dù có diện mạo khác biệt đến đâu thì những bộ tộc thiểu số vẫn là con dân Đại Việt." (1)
Tôi vội cúi đầu nhận lỗi, chăm chú lắng nghe anh phổ cập kiến thức.
Đúng là lãnh đạo cao cấp, gì cũng biết. Cái tên Sơn Quynh có nghĩa là "cảnh đẹp trên núi", bởi tộc người này sinh sống chủ yếu trên miền cao, ở phía nam chân núi Hoàng Liên Sơn. Không rõ tên này là ai đặt, và đây cũng chỉ là cái tên người đồng bằng sử dụng để gọi tộc người này.
Sơn Quynh vốn là một tiểu quốc, có bộ máy cai trị và ngôn ngữ riêng biệt, không phụ thuộc vào Đại Việt. Vài năm trước, Sơn Quynh đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt nên không được coi là tiểu quốc độc lập nữa. Nghe đâu Sơn Quynh rất thân thiết với Ai Lao, hai tộc người này thi thoảng lại bắt tay nhau vùng lên gây chiến với Đại Việt, được coi là một cộng đồng không mấy an phận.
Cái gì cũng có nguyên do của nó. Người dân của những bộ tộc thiểu số được gọi bằng rất nhiều cái tên, ví như người thượng (tức người trên vùng cao) (2), người man (man di), và thậm chí là mọi (mọi rợ). Gần như cái tên nào cũng mang hàm ý coi thường sâu sắc.
Phân biệt vùng miền, dù xưa hay nay, vẫn là một vấn đề rất căng thẳng. Người thượng xuống vùng đồng bằng sinh sống phần lớn đều không được công nhận, phải chịu sự khinh bỉ và chỉ được làm công việc chân tay vất vả. Nếu được thu nhận để nuôi trong nhà như một gia nô thì thân phận cũng kém hơn người đồng bằng rất nhiều.
Tôi chợt lên tiếng: "Quan gia... Liệu... các vụ án vừa rồi có liên quan tới người thượng không ạ?"
"Ừ." Trần Thuyên đáp. "Vội tới gặp nàng cũng là để mang đến vài tin tức."
Chúng tôi chọn một quán nước vắng người, gọi mấy bát nước chè giải khát.
Dạ Hành điều tra được thông tin gì thì cũng sẽ báo cáo với Trần Thuyên đầu tiên, còn anh vì muốn trao đổi thêm với tôi nên mới đích thân đến.
Tôi bỗng nhớ tới Lưu Thị Lan, nhận ra cô ta lỡ lời nhắc tới từ "mọi" trong câu chuyện của mình. Theo cách tư duy của một người hiện đại thì có lẽ "mọi" không quá xúc phạm như thời xưa, vì vậy tôi đã lỡ bỏ qua chi tiết này mà không nghĩ tới.
Trần Thuyên nhấp một ngụm nước, đưa mắt ra hiệu cho Bách Chu tiếp lời.
"Theo tin tức điều tra được thì cả hai nhà họ Lưu và họ Triệu có một điểm chung là đều sở hữu những mối làm ăn với người thượng. Hơn nữa, họ Triệu còn lén lút nuôi người thượng làm gia nô. Khả năng cao là họ Lưu cũng vậy."
Vì sao lại gọi là lén lút? Trước đây đám Đoàn Nhữ Hài có nhắc tới luật của Đại Việt cấm buôn bán người, bao gồm cả người nước ngoài như Chiêm Thành, Ai Lao... và người vùng cao. Có thể thuê làm công, nhưng không được phép buôn người.
Như cách Lưu Thị Lan tỏ ra giấu diếm trước đó thì chắc chắn gia đình họ Lưu có gia nô là người thượng rồi. Thái độ của cô ả cũng tỏ rõ sự khinh miệt, tôi đồ rằng thường ngày họ cũng không hề đối xử tốt với kẻ dưới.
Tôi suy tính trong đầu, thầm phác hoạ lên chân dung hung thủ rồi nói với Trần Thuyên: "Hung thủ khoảng hai lăm đến ba mươi tuổi, có võ công. Tôi nghĩ gã từng bị đối xử bất công nên đã hình thành ảo tưởng, tự coi mình là kẻ thay trời hành đạo, thực thi công lý. Từ những điểm chung giữa hai nhà Lưu – Triệu và hành động bộc phát trong vụ án thứ nhất, khả năng rất lớn hung thủ cũng là người thượng. Ngoài ra, hung thủ có thể sở hữu hình cao lớn đặc trưng của người thượng, khuôn mặt cũng có nét khác người, có thể là vết sẹo hoặc chàm... Nơi ở của hung thủ nằm trong khu vực gần với hai nhà Lưu – Triệu, bởi với những đặc điểm trên thì gã rất dễ bị chú ý nên sẽ không thể đi xa được."
Nói một lèo khô cả cổ họng, còn chưa kịp gọi thêm nước thì Trần Thuyên đã đẩy bát của anh sang cho tôi.
Trần Thuyên "ừ" một tiếng rồi bảo: "Suy luận của nàng đã giúp thu hẹp phạm vi tra án rồi." Đoạn lệnh cho Bách Chu mang thông tin về cho Dạ Hành và phủ Kiểm Pháp, khoanh vùng chỗ ở của hung thủ, điều tra cộng đồng người thượng tại kinh thành.
Bách Chu đi rồi Đông Ly liền tỏ ra tay chân lóng ngóng, không dám ngồi tại chỗ nữa nên xin phép được ra chợ dạo một vòng, được Trần Thuyên cho phép cái là cắp váy chạy đi rất nhanh.
Tựa như có một ký ức loé sáng trong dòng suy tư, tôi vội lên tiếng: "Quan gia, tôi vừa nhớ ra một chuyện. Ngày ấy tưởng rằng vô nghĩa, nhưng mà..."
Trần Thuyên đưa tay lên ngăn lại tỏ ý không cần nói tiếp, lại nhìn tôi với ánh mắt sâu không đáy: "Nàng muốn nói đến chuyện ở lộ Bắc Giang?"
Tôi cảm thấy có chút sợ hãi, cẩn thận gật đầu. Khi thôi miên thằng bé Hỷ và nghe được câu nói dự báo thời tiết của kẻ bí ẩn: "Mưa rào xua tan, còn dông rải rác", tôi chỉ chửi bới một hồi chứ không suy nghĩ gì sâu xa.
"Hỷ đã nghe nhầm câu nói ấy, đó không phải tiếng nói của người Đại Việt ta phải không?"
Biểu cảm của Trần Thuyên đã cho tôi thấy suy đoán của mình là đúng. Giọng anh trầm xuống, mang vài phần dè chừng: "Thứ ngôn ngữ này tới tám phần là của người Sơn Quynh, lại dùng mật hiệu nên ta chưa chắc chắn lắm về ý nghĩa phía sau."
Cả người tôi nhất thời nổi lên một tầng da gà, ớn lạnh toàn thân. Độc Chúc Đương Phong có nguồn gốc từ miền núi, lần theo dấu vết tới lộ Bắc Giang liền xuất hiện một tên người Sơn Quynh giết người giệt khẩu... và dạo gần đây ở kinh thành cũng xảy ra những vụ án liên quan tới người thượng.
Nếu không phải trùng hợp thì thật sự phía sau những chuyện này... hẳn là một âm mưu rất lớn!
Tôi ngước nhìn Trần Thuyên, e rằng mục đích sâu xa của tên "boss" cuối này chính là hoàng đế của Đại Việt – Anh Hoàng, Trần Anh Tông.
Mới nghĩ tới đây mà đã muốn ói máu ra và ngất đi cho xong chuyện, trái tim nhỏ bé của tôi 100% không thể chịu nổi áp lực này.
Vội trả tiền cho quán nước, tôi kéo Trần Thuyên đứng dậy. Cứ phải được hít khí trời, nạp chút vitamin D vào thì mới thông tỉnh tinh thần được. Hơn nữa vừa đi bộ rèn luyện sức khoẻ, lại có cơ hội quan sát nhiều kiểu người, sẽ giúp suy luận đúng hướng.
Chúng tôi lượn qua lượn lại, phát hiện kẻ giàu có trong kinh thành quả là không ít, và tương đương với đó là số lượng người nghèo, kẻ làm công còn đông đúc hơn vài phần. Không phải ai cũng biết suy nghĩ yêu thương đồng loại, người có tấm lòng rộng như trời bể lại càng hiếm.
Trần Thuyên chỉ thở dài. Đêm nay trở về nội cung, có lẽ anh sẽ thức trắng bên đống tấu chương mất thôi...
"Trần... Quan gia, tôi chợt nghĩ... câu 'để trâu ăn lúa' trong bài đồng dao mới đây liệu có đại diện cho thóc gạo gì đó không nhỉ? Nạn nhân tiếp theo là địa chủ, sở hữu những cánh đồng lúa lớn?"
Trần Thuyên nhìn tôi ngạc nhiên: "Đúng vậy, vì sao ta lại không nghĩ tới chứ?"
Mở được nút thắt đầu tiên, những khó khăn phía sau sẽ giảm bớt rất nhiều.
Tôi mỉm cười, bảo: "Được rồi, chúng ta đi tìm Đông Ly thôi. Sắp tới giờ ăn rồi, tôi không về kịp là mẹ sẽ mắng mất."
Anh dịu dàng cười: "Mẹ trở về nên cuộc sống bị bó buộc hơn sao?"
Được đà quan tâm, tôi lập tức tuôn ra vạn lời than thở. Chồng con gì chứ, vứt hết! Trần Thuyên lắng nghe rất chăm chú, thi thoảng còn an ủi góp vài câu.
Đi được một vòng chợ, chưa thấy bóng dáng Đông Ly đâu nhưng lại gặp người quen. Quân Trì dẫn theo kẻ hầu là Bính, trông dáng vẻ giống với chúng tôi mấy phần, chỉ quan sát người qua kẻ lại chứ không có ý định mua sắm thứ gì.
Hai bên chạm mắt nhau, còn chưa chịu lại gần chào hỏi là không phải phép rồi. Tôi nói xã giao vài câu, chợt nhớ ra Trần Thuyên vẫn đang đứng cạnh. Hừm... Quân Trì đích xác là người quen của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, và tuy rằng Trần Thuyên đúng là cháu của ông thì tôi cũng nghĩ mình không nên nói linh tinh về thân phận của anh thêm nữa.
Tôi nhắc Trần Thuyên về người có tài phá án mà hai chúng tôi gặp trên thuyền về lộ Bắc Giang ngày ấy, phía ngược lại thì bỗng như gà mắc tóc, lời đã ra tới miệng mà không biết phải nói sao cho phải.
Ngờ đâu Quân Trì lại cúi đầu, chắp tay rất đúng mực, miệng nói nhỏ, chỉ đủ cho mấy người chúng tôi nghe thấy: "Quan gia."
Trần Thuyên nhìn Quân Trì không cảm xúc, lạnh nhạt đáp lời: "Ồ?"
Chưa được Quan gia cho phép, Quân Trì phải giữ nguyên tư thế hành lễ. Anh ta ung dung đáp: "Tôi theo hầu Chiêu Văn vương, từng có phúc phận diện kiến long nhan từ xa."
Trần Thuyên khoát tay cho anh ta đứng thẳng người, không có ý định tiếp chuyện. Quân Trì tỏ ý mình đang có việc nên không làm phiền thêm, quay người sang hướng khác rời đi. Tôi vốn đang nhìn Trần Thuyên, nghĩ thế nào lại chuyển ánh mắt sang Quân Trì mới không bỏ lỡ được một màn đặc sắc. Ánh nhìn của anh ta sắc lẹm, môi trên và cánh mũi hơi nhếch lên, thể hiện một sự chán ghét không thể nào che giấu.
Thấy Quân Trì tỏ thái độ thù địch không rõ ràng với Trần Thuyên, cả người tôi lạnh toát, anh ta có mấy cái mạng mà dám thê hiện như vậy chứ?
Tôi giải thích qua loa với Trần Thuyên về thân phận của Quân Trì, tuy đúng là người quen của Chiêu Văn vương nhưng rõ ràng tôi cũng không biết thân thế anh ta là ai.
Trần Thuyên nhìn theo hướng Quân Trì đi, nói: "Kẻ này có điểm kỳ lạ, nàng chớ nên gần gũi."
Tôi liền gật đầu với Trần Thuyên, tỏ vẻ nghe lời.
Đông Ly như từ trong không khí bước ra, trong tay còn cầm một túi bánh gạo nóng hổi, vui mừng khoe với tôi.
Cùng lúc ấy Thành An cũng xuất hiện, tôi liền bảo: "Nơi này cũng gần nhà nên Quan gia và anh Thành An không cần đi cùng đâu, chúng tôi tự về nhà được. Tôi sợ mẹ tôi đứng chờ ở cổng lắm..."
Trần Thuyên bật cười, không dùng dằng thêm mà chỉ dặn tôi và Đông Ly cẩn thận, sau đó cùng Thành An quay bước về phía hoàng thành.
...
Với sự can thiệp của Trần Thuyên, đương nhiên chuyện với Đỗ Trung Đế hoàn toàn tan thành mây khói. Tôi mất đi cái cớ để ra ngoài, dứt khoát vùi mình trong phòng suốt hai, ba ngày. Trời sáng thì ngồi bên cửa sổ với một đống giấy lộn chi chít chữ Quốc Ngữ, mà về sau tôi sẽ phải đem đốt sạch để tránh gây ra những vấn đề không đáng có; tối đến tôi thổi tắt đèn từ sớm, chăn đắp cao tới tận cằm. Nghe nói vụ án Đồng dao tiến triển khá tốt, tôi tạm thời để được cục nợ này xuống mà yên tâm ngủ tới sáng.
Vốn nghĩ cuộc sống đã bình yên trở lại, cho tới đêm nọ khi tôi đang kê gối ngủ say thì giật mình tỉnh lại bởi tiếng hét lớn từ đâu vọng tới.
Là giọng của Đông Ly.
Tôi bật dậy nhanh như chớp, không kịp châm đèn, không kịp xỏ giày mà vội vã lao ra ngoài. Ý nghĩ Đông Ly đang gặp nguy hiểm khiến cả người tôi như bị điện giật, không thể nào bình tĩnh nổi.
Cả phủ thắp đèn, ồn ào tiếng người gọi kẻ thưa.
Gặp Đoàn Nhữ Hài trên đường ra ngoài cổng lớn, cậu ta cũng giống tôi, vẫn mặc nguyên bộ đồ ngủ mỏng manh, chỉ khác là chân đã kịp xỏ giày và tay còn mang theo ngọn đèn.
Hai chị em tôi là những người đầu tiên tìm thấy Đông Ly. Trong con ngõ bên cạnh phủ họ Đoàn, cô ngồi bệt dưới mặt đất, hai tay ôm lấy mặt, có vẻ như đang trong tình trạng vô cùng hoảng loạn. Tôi vội ngồi xụp xuống ôm lấy cô, tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra.
"Tâm..." Đoàn Nhữ Hài soi đèn ra phía trước, giọng nói mang theo chút run rẩy.
Gần đó là một xác chết nữ, hai mắt trợn trừng, phần ngực bị rạch toang, máu chảy lênh láng...
—-
(1) Tộc Sơn Quynh: Đây là chi tiết hư cấu, được tác giả tạo ra dựa trên tiểu quốc Ngưu Hống có thật trong lịch sử.
(2) Người thượng: Theo tác giả tìm hiểu thì cách này có từ thời Nguyễn, xin phép được sử dụng trong truyện.
Danh sách chương