Sáng hôm đó, Martin Eden không đi tìm việc. Mãi đến gần chiều gã mới dứt cơn mê sảng, gã đưa cặp mắt nhức nhối nhìn quanh phòng. Mary, một đứa trong lũ con của Maria Silva lên tám tuổi, đang ngồi trông nom gã; thấy gã hồi tỉnh lại, nó rú lên. Maria đang ở bếp vội chạy vào. Chị đặt bàn tay đầy chai lên trán nóng rừng rực của gã và bắt mạch.

"Cậu muốn ăn không?" Chị hỏi.

Gã lắc đầu. Gã không thấy thèm ăn chút nào, và gã tự hỏi trong đời gã có lúc nào gã thấy đói không.

"Tôi ốm, chị Maria ạ." Tiếng gã nói yếu ớt. "Bệnh gì thế nhỉ? Chị có biết không?"

"Cúm đấy!" Maria trả lời. "Chỉ một, hai ngày rồi lại khoẻ thôi. Bây giờ đừng ăn thì hơn. Rồi tha hồ ăn, có thể là mai sẽ ăn được."

Martin không quen với ốm đau, khi Maria và cháu nhỏ ra khỏi phòng, gã cố gượng dậy mặc quần áo. Với một ý chí mãnh liệt, tuy đầu óc vẫn còn choáng váng, mắt vẫn còn nhức nhối không mở ra được, gã cố lê ra giường chỉ để đứng chết lặng đi bên bàn làm việc, giác quan như tê liệt. Nửa giờ sau, gã cố quay được về giường, và gã đành phải nằm xuống, nhắm nghiền mắt lại, phân tích bệnh trạng của mình và những cơn đau khắp mình mẩy. Lúc lúc, Maria lại vào để thay cái khăn đắp nước lạnh trên trán gã. Còn chị để cho gã nằm yên, khéo léo không hỏi chuyện, sợ làm gã bực dọc. Điều đó làm cho Martin cảm động, thầm biết ơn và gã khẽ nói một mình: "Maria, chị sẽ có một trại bò sữa, chắc chắn là có, chắc chắn như vậy."

Rồi gã nhớ lại tất cả cái quá khứ ngày hôm qua đã bị chôn vùi từ lâu. Hình như có cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc gã nhận được bức thư của tờ Xuyên lục địa nguyệt san: cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc mọi chuyện thế là kết thúc và một trang mới đã mở ra. Gã đã dốc sức, dốc hết sức và bây giờ thì gã bị gục, nằm xuống ở đây. Nếu gã không tự để mình chết đói, thì bệnh cúm đã chẳng có thể tấn công được gã thế này. Gã đã bị đánh gục và không còn đủ sức mạnh để đẩy lùi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Kết quả là như thế này đây.

"Viết sách chứa đầy một thư viện để rồi mà chết thì phỏng được cái lợi gì?" Gã hỏi to. "Đấy không phải là chỗ đứng của ta. Ta không dính vào chuyện văn chương nữa. Chỗ của ta là phòng kế toán, là sổ sách chi thu, là đồng lương hàng tháng và một căn nhà nhỏ với Ruth."

Hai hôm sau, sau khi ăn hết một quả trứng, hai khoanh bánh nướng và uống một tách trà, gã đòi Maria cho xem thư từ của gã, nhưng mắt gã còn đau quá chưa thể đọc được.

"Chị đọc dùm tôi, chị Maria," gã nói. "Đừng đọc những bức thư lớn, dày. Vứt chúng xuống gầm bàn ấy, chị đọc những bức nhỏ thôi."

"Tôi không biết đọc. Cháu Teresa, nó đi học, nó đọc được đấy."

Và thế là Teresa Silva, con bé chín tuổi, mở những bức thư ra và đọc cho gã nghe. Gã lơ đãng nghe bức thư đòi nợ dài dằng dặc của hiệu cho thuê máy chữ, óc gã còn đương bàn phương tính kế kiếm việc làm. Bỗng gã tỉnh hẳn người.

"Chúng tôi xin trả 40 đô la tiền nhuận bút về chuyện đăng nhiều kỳ của ông." Cháu Teresa đánh vần, đọc thong thả, "với điều kiện là ông cho phép sửa một vài đoạn mà chúng tôi đề nghị."

"Tạp chí nào thế?" Martin hét to. "Đưa cho chú xem nào?"

Bây giờ mắt gã có thể nhìn để đọc, gã không thấy lúc đọc nó vẫn đau nhức nhối. Tờ "Con chuột bạch" đã đề nghị trả gã 40 đô la, và truyện ngắn đó là "Cơn lốc," một trong những truyện rùng rợn đầu tay của gã. Gã đọc đi đọc lại bức thư. Người chủ bút nói thẳng cho gã biết là gã xử lý đề tài chưa tốt lắm, nhưng chính do đề tài của truyện mà họ ưng mua, vì nó độc đáo. Nếu gã đồng ý cho cắt bớt một phần ba, họ sẽ nhận đăng và gửi trả gã ngay 40 đô la khi nhận được thư trả lời.

Gã đòi lấy bút và mực, trả lời người chủ bút rằng nếu muốn, ông ta có thể cắt cả ba phần ba đi cũng được và đề nghị gửi ngay số tiền 40 đô la.

Khi Teresa đã đem bỏ thư vào thùng, Martin lại nằm xuống suy nghĩ: "Vậy cuối cùng cũng không phải là một điều dối trá." Tờ "Con chuột bạch" trả tiền ngay khi nhận đăng. Truyện "Cơn lốc" dài ba nghìn từ, cắt đi một phần ba, còn lại hai ngàn. Trả bốn mươi đô la, như vậy là hai xu một từ. Trả tiền ngay và hai xu một từ, những tờ báo hàng ngày đã nói thật. Thế mà trước gã vẫn cứ nghĩ tờ "Con chuột bạch" là thuộc loại báo hạng ba. Đúng là gã chưa hiểu nhiều về các tạp chí. Gã vẫn cứ cho tờ Xuyên lục địa nguyệt san là tạp chí loại nhất, ấy thế mà nó chỉ trả gã mười từ một xu. Gã vẫn liệt tờ "Con chuột bạch," vào loại xoàng, nó lại trả gã gấp hai mươi lần hơn tờ Xuyên lục địa nguyệt san, mà lại trả tiền ngay khi nhận đăng.

Ờ, có một điều chắc chắn là khi khỏi gã sẽ không đi kiếm việc nữa. Trong óc gã còn nhiều truyện hay chẳng kém gì "Cơn lốc"; cứ tính 40 đô la một truyện, gã có thể kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ một công việc hay một chức vụ nào khác. Đúng vào lúc gã nghĩ cuộc chiến đấu đã thất bại thì nó lại thắng lợi. Gã đã được thử thách và thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Đường đi đã rõ ràng. Bắt đầu bằng tờ "Con chuột bạch," rồi đây, ngày càng có nhiều tạp chí được xếp vào danh sách những người đỡ đầu của gã. Gã sẽ thôi không viết những bài lặt vặt nữa. Nó chí làm mất thì giờ vì chẳng mang lại cho gã được đồng nào. Gã sẽ dốc hết tâm lực để làm việc, viết những tác phẩm tốt, viết ra tất cả những gì hay nhất chứa chất trong trí óc. Gã mong giá có Ruth ở đây lúc này để cùng chia sẻ niềm vui; và khi gã giở hết tập thư còn lại ở trên giường, gã thấy có một bức thư của nàng. Nàng trách gã một cách nhẹ nhàng, không hiểu có cái gì đã làm gã xa nàng một thời gian dài ghê gớm như thế. Gã âu yếm đọc đi đọc lại bức thư, ngắm nhìn nét chữ của nàng, yêu từng nét viết của nàng và, cuối cùng hôn lên chữ ký.

Khi gã viết thư trả lời, không giữ gìn ý tứ gì, gã nói cho nàng biết là đã lâu lắm gã không dám đến gặp nàng vì bộ quần áo sang trọng nhất của gã, đã bị đem cầm. Gã cũng kể cho nàng biết gã bị ốm nhưng hiện nay đã gần khỏi và chỉ trong khoảng mươi ngày hay hai tuần lễ (khoảng thời gian từ lúc gã gửi thư đi New York City đến lúc có thư trả lời) gã sẽ chuộc lại quần áo và đến thăm nàng.

Nhưng Ruth không muốn phải đợi đến mươi ngày hay hai tuần lễ. Hơn nữa, người yêu của nàng lại đang ốm. Chiều hôm sau, có Arthur đi kèm, nàng đến thăm gã bằng xe ngựa riêng của gia đình; lũ con nhà Silvas và bầy trẻ ở phố thích quá, còn Maria thì ngạc nhiên quá đỗi. Chị bợp tai lũ con cái cứ đứng vây chặt lấy hai người khách lạ ở chỗ cổng đằng trước hẹp tanh tanh, và bằng một thứ tiếng Anh nói sai kinh khủng hơn lúc thường, chị cứ xin lỗi đi xin lỗi lại mãi vì cái bề ngoài của chị. Tay áo vén ngược lên, chỗ cánh tay để trần toàn bọt xà phòng, một mảnh khố tải ướt buộc ngang lưng nói lên rất rõ công việc chị đang làm trước mặt hai người trẻ tuổi sang trọng đến hỏi người ở trọ nhà chị, chị quên cả mời họ ngồi xuống trong cái phòng khách nhỏ xíu của chị. Muốn vào phòng Martin, họ phải đi qua nhà bếp nóng rừng rực, ẩm ướt, hơi bốc mù mịt vì đang giặt giũ ngổn ngang. Martin trong lúc hối hả đem đóng ập cánh cửa buồng và cánh cửa tủ vào với nhau, và trong năm phút đồng hồ qua cánh cửa để mở, hơi nước, mùi xà phòng, mùi rác rưởi ùa vào phòng người ốm.

Ruth khéo lách mình sang phải, sang trái rồi lại sang phải, đi dọc theo cái quãng chật hẹp giữa bàn và giường đến bên Martin. Nhưng Arthur thì hết va cái nọ lại chạm vào cái kia, đụng vào những xoong, chảo kêu loảng xoảng ở góc phòng nơi Martin nấu nướng. Arthur không ở lại lâu trong phòng. Ruth đã ngồi xuống cái ghế độc nhất rồi. Sau khi làm xong nhiệm vụ của mình, anh ta bước ra ngoài, đứng ở cửa giữa, bảy đứa con nhà Silva đang trầm trồ nhìn anh ta như nhìn một cái gì kỳ lạ lắm trong đám xiếc. Bọn trẻ con hàng phố thì vây quanh cái xe ngựa, nóng lòng đợi chờ một cái gì thê thảm khủng khiếp sắp xẩy ra. Xe ngựa chỉ đến phố chúng nó vào những dịp có đám cưới hay đám tang, ở đây chẳng có cưới mà cũng chẳng có tang, thế thì hẳn có chuyện gì hay ho đặc biệt lắm, đáng mất công chờ xem.

Martin sung sướng điên người khi được gặp Ruth. Bản chất gã là một người khao khát tình yêu, gã giàu tình cảm hơn bất cứ một người bình thường nào. Gã thèm khát tình cảm, đối với gã, tình cảm là sự cảm thông về tinh thần, nhưng gã vẫn chưa thấy rõ tình cảm của Ruth chỉ là đa cảm, chỉ là lịch thiệp xuất phát từ bản chất dịu dàng nhiều hơn từ sự hiểu biết thấu đáo đối tượng nàng yêu. Vì thế khi Martin cầm tay nàng sung sướng trò chuyện thì tình yêu của nàng đối với gã đã thúc giục nàng nắm lấy tay gã, mắt nàng rưng rưng và ánh lên khi nhìn thấy cảnh thiếu thốn của gã, những dấu vết của chịu đựng hằn trên khuôn mặt gã.

Nhưng khi gã kể lại cho nàng nghe về hai bức thư nhận đăng bài, về nỗi thất vọng của gã khi nhận được thư của tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" và nỗi vui sướng đổi lại khi nhận được thư của tờ "Con chuột bạch" thì nàng không để ý nghe. Nàng nghe rõ những lời gã nói, và hiểu nghĩa từng từ, nhưng nàng không cùng chia sẻ với gã niềm thất vọng cũng như niềm vui sướng. Nàng không thể nào thoát ra khỏi con người mình được. Nàng không để tâm gì đến việc bán tác phẩm cho các tạp chí. Hôn nhân mới là điều quan trọng đối với nàng. Tuy nhiên, chính nàng cũng không nhận thức thấy điều đó cũng như nàng không nhận thức thấy lòng mong muốn Martin có một chức vụ chính là sự thôi thúc bản năng chuẩn bị làm mẹ. Nếu có ai nói thẳng, nói rõ ra thì hẳn nàng sẽ đỏ mặt, rồi có thể sẽ phẫn nộ và cãi lại rằng điều quan tâm duy nhất của nàng là người mà nàng yêu, và nàng chỉ ao ước sao cho người đó phát huy hết tài năng. Vì thế trong khi Martin thổ lộ nỗi lòng, hân hoan với thắng lợi đầu tiên mà những tác phẩm chọn lọc của gã đã được tiếp nhận cuộc đời thì nàng chỉ để ý tới những từ trần trụi, lúc lúc lại đưa mắt nhìn quanh căn phòng, phát kinh lên vì những cái nàng nhìn thấy.

Lần đầu tiên Ruth nhìn rõ bộ mặt nhớp nhúa của nghèo khổ. Đối với nàng, những người tình đói khổ hình như bao giờ cũng lãng mạn, nhưng những người tình đói khổ ấy sống ra sao thì thật nàng không có một ý niệm nào cả. Nàng chưa bao giờ tưởng tượng được nó lại có thể như thế này. Nàng cứ đưa mắt nhìn từ căn phòng đến gã rồi lại từ gã tới căn phòng. Mùi quần áo bẩn bốc hơi theo nàng từ bếp vào thật buồn nôn. Nàng cho rằng nếu con mụ gớm ghiếc kia mà cứ giặt liên miên, thì nhất định cái mùi ấy phải thấm vào da thịt Martin, sự lây lan của sa đọa là thế đấy. Khi nhìn Martin, nàng tưởng như nhìn thấy tất cả những cái bẩn thỉu của mọi vật chung quanh in vết lên người gã. Chưa bao giờ nàng thấy gã, lúc chưa cạo mặt: râu ria gã lởm chởm ba ngày chưa cạo, làm nàng phát tởm. Không những nó làm cho gã trông tối tăm bẩn thỉu chẳng khác gì căn nhà của mụ Silva, bẩn từ ngoài vào trong mà như còn làm lộ rõ sức mạnh thú vật của gã, cái mà nàng không thích. Và giờ đây, vững tâm trong sự điên rồ của mình vì hai bức thư nhận đăng bài mà gã rất kiêu hãnh kể cho nàng nghe. Giá nó chỉ đến chậm ít lâu nữa thì gã đã phải đầu hàng và đi làm. Bây giờ thì gã vẫn cứ tiếp tục sống trong cái nhà kinh khiếp này, viết lách và chết đói dần thêm vài tháng nữa.

"Mùi gì thế nhỉ?" Nàng bỗng hỏi.

"Chắc là mùi quần áo giặt của chị Maria đấy, anh quen với những mùi ấy lắm rồi."

"Không, không, không phải mùi ấy. Mùi gì khác cơ. Mùi mốc buồn nôn lắm, ôi thối, tởm lợm!"

Martin hít hít không khí trước khi trả lời.

"Anh chả ngửi thấy mùi gì khác cả, chỉ có mùi khói thuốc lá mốc thôi."

"Đúng rồi, kinh quá. Tại sao anh hút nhiều thế, Martin?"

"Anh cũng chẳng hiểu tại sao, có điều là lúc nào có một mình anh lại càng hút nhiều. Đó cũng là một thói quen từ lâu, từ ngày anh còn ít tuổi."

"Thói quen ấy chẳng hay ho gì, anh biết đấy. Ngửi mùi kinh lắm."

"Đấy là tại thuốc. Anh chỉ có thể mua loại rẻ tiền nhất. Để đến khi nào lĩnh cái ngân phiếu 40 đô la, anh sẽ hút loại thuốc mà ngay cả đến tiền ngửi cũng thấy dễ chịu. Nhưng cứ kể trong ba ngày mà nhận được hai bức thư liền thế này thì cũng không phải là tồi em nhỉ? Với bốn mươi nhăm đô la này, đủ để anh trả hết nợ."

"Công hai năm trời làm việc?" Nàng hỏi.

"Không, không đầy một tuần lễ. Em làm ơn đưa cho anh quyển sách ở góc bàn đằng kia, quyển sổ ghi bìa xám ấy." Anh mở sổ ra và ghi nhanh, "Đúng, anh nói đúng: "Tiếng chuông" bốn ngày, "Cơn lốc" hai ngày. Làm việc một tuần lễ được bốn mươi đô la; một tháng một trăm tám mươi đô la. Nó vượt mọi số lương anh có thể kiếm được. Hơn nữa, đây cũng mới chỉ là bắt đầu. Rồi đây, một ngàn đô la mỗi tháng để mua cho em tất cả những cái mà anh muốn em có cũng không phải là quá nhiều. Lương năm trăm đô la một tháng sẽ là quá ít. Bốn mươi nhăm đô la này chỉ là bước khởi động. Em hãy đợi anh ổn định. Rồi em sẽ thấy "khói" của anh."

Ruth hiểu nhầm tiếng lóng ấy, nên quay lại chuyện thuốc lá.

"Anh hút thế này là nhiều quá đấy. Hút loại thuốc gì thì cũng vậy. Bản thân việc hút thuốc lá là không hay, không kể hút thuốc loại gì. Anh là một cái ống khói, một núi lửa đang phun, một ống khói tàu di chuyển thật là sa đoạ, Martin thân yêu, anh biết đấy!"

Nàng ngả người về phía gã, ánh mắt cầu khẩn. Nhìn khuôn mặt thanh tú và đôi mắt trong sáng của nàng, gã lại cảm thấy như trước đây, tất cả sự không xứng đáng của mình.

"Em muốn anh đừng hút nữa," nàng thì thầm, "đừng hút nữa, vì... em."

"Được, anh sẽ thôi không hút nữa," gã nói to. "Anh sẽ làm tất cả những gì mà em muốn, tất cả, em thân yêu, em biết đấy."

Một ý định táo bạo choán lấy nàng. Nàng nhìn thấy rất rõ khía cạnh rộng rãi, phóng khoáng trong bản chất của gã và nàng cảm thấy chắc chắn rằng nếu như nàng yêu cầu gã thôi không viết nữa, gã cũng sẽ làm cho nàng vui lòng. Trong một giây phút thoáng qua, những lời ấy run run trên môi nàng. Nhưng nàng không thốt ra được. Nàng không đủ can đảm, nàng không dám, nàng chỉ ngả người sát vào gã, trong cánh tay gã, nàng thì thầm:

"Anh biết đấy, thực ra không phải vì em, Martin à, mà chính vì anh. Em dám chắc chắn hút thuốc lá có hại cho anh. Vả lại chẳng tốt đẹp gì khi phải làm nô lệ cho bất cứ một cái gì. Nhất lại làm nô lệ ột chất ma tuý thì lại càng tồi tệ."

"Anh sẽ mãi mãi là nô lệ của em," gã mỉm cười.

"Nếu thế, thì em sẽ bắt đầu ra lệnh"

Nàng nhìn gã ranh mãnh, nhưng trong thâm tâm nàng thấy tiếc đã không đả động tới yêu cầu lớn nhất của mình.

"Tâu Nữ hoàng, tôi sống chỉ là để tuân lệnh."

"Được, thế thì lệnh thứ nhất là: hàng ngày người không được quên cạo râu. Anh xem, râu của anh làm xước cả má em đây này."

Và thế là câu chuyện kết thúc bằng những cái vuốt ve, những tiếng cười yêu đương. Nhưng nàng đã đạt được một điểm, nàng cũng không mong có thể đạt được nhiều hơn nữa trong một lúc. Nàng cảm thấy niềm kiêu hãnh của một người đàn bà ở chỗ đã bắt được gã bỏ thuốc lá. Lần khác, nàng sẽ thuyết phục gã phải kiếm một chức vụ gì, anh ấy chẳng nói là sẽ làm tất cả những gì nàng muốn đấy ư? Nàng rời gã đứng dậy đi thăm khắp căn phòng, xem kỹ những mẩu giấy ghi ở dây phơi quần áo trên đầu, tìm hiểu bí mật của cái móc treo xe đạp trên trần nhà, buồn rầu nhìn tập bản thảo chất đống dưới gầm bàn, chứng tỏ Martin đã lãng phí bao thời gian. Nàng rất thích cái bếp dầu, nhưng nhìn lên cái giá để thức ăn nàng thấy nó trống trơn.

"Sao, anh không có gì ăn à, tội nghiệp!" Nàng nói giọng thương cảm dịu dàng. "Anh đến chết đói mất."

"Anh cất nhờ ở chạn trong bếp của chị Maria," gã nói dối. "Để đấy tốt hơn, lo gì có chuyện chết đói. Em nhìn đây này?"

Nàng đã quay lại bên gã và thấy gã co gập cánh tay vào, bắp thịt cuồn cuộn dưới tay áo sơ mi nổi lên thành một cái u to và rắn chắc. Nàng trông mà phát khiếp. Về mặt tình cảm, nàng không thích nó. Nhưng máu nàng, từng mạch máu, từng đường gân thớ thịt của nàng lại yêu nó, thèm muốn nó, và cũng như trước đây, không sao giải thích được, nàng cứ ngả người vào gã chứ không lùi ra xa. Những giây phút tiếp theo đó, khi gã ghì chặt nàng trong cánh tay; óc nàng với những ý niệm rất nông cạn về cuộc sống thì phản kháng mãnh liệt, nhưng tim nàng, người đàn bà trong nàng đang háo hức với cuộc sống thì lại rộn lên chiến thắng. Chính trong những giây phút như thế, nàng cảm thấy tất cả sự lớn lao vô cùng tận của tình yêu của nàng đối với Martin. Đối với nàng, gần như là một khoái cảm ngây ngất khi đôi cánh tay rắn chắc của gã, ghì chặt lấy nàng, làm cho nàng đau lên vì sự cuồng nhiệt của nó. Chính trong những lúc ấy nàng đã thấy những lý lẽ để bào chữa tại sao nàng đã phản bội giai cấp mình, đã vi phạm những lý tưởng cao cả của mình và nhất là đã ngấm ngầm không nghe lời bố mẹ. Bố mẹ nàng không muốn nàng lấy con người này. Họ rất kinh ngạc khi thấy nàng lại có thể yêu con người này được; nhiều khi chính nàng cũng kinh ngạc, những lúc nàng xa gã và trở về với con người bình tĩnh biết suy luận trong nàng. Nhưng ở bên gã thì nàng lại yêu gã - thực ra, có nhiều lúc đó là một mối tình khó chịu, bực bội, nhưng đó là tình yêu, một tình yêu mạnh mẽ hơn chính nàng.

"Bệnh cúm này thì ăn thua gì?" Gã nói. "Chỉ đau người và nhức đầu qua loa, thấm vào đâu với những trận sốt kinh khủng rã rời xương cốt."

"Anh cũng đã từng bị sốt như vậy rồi à?" Nàng lơ đãng hỏi, óc đang miên man với những lý lẽ bào chữa cho niềm hạnh phúc nàng thấy trong cánh tay gã.

Và cứ như thế, nàng đưa ra những câu hỏi lơ đãng, cho đến lúc chợt một lời nói của gã làm cho nàng giật mình.

Gã đã bị mắc bệnh sốt đó trong một trại bí mật có ba mươi người hủi ở trên một hòn đảo của quần đảo Hawaii.

"Nhưng tại sao anh lại đến đấy?" Nàng hỏi.

Sự bừa bãi không giữ mình như vậy dường như là một trọng tội.

"Vì anh không biết," gã trả lời. "Anh không bao giờ nghĩ là có những người hủi. Khi anh trốn khỏi con thuyền buồm và bơi được vào bờ, anh cứ đi thẳng vào phía trong tìm một chỗ để ẩn náu. Trong ba ngày liền anh toàn ăn vả, táo dại và chuối, những thứ này mọc đầy trong rừng. Đến ngày thứ tư, anh thấy một con đường mòn, một con đường chỉ vừa bước chân đi. Nó dẫn vào đất liền, ngược lên núi. Đó là con đường anh đang muốn đi. Có những dấu vết chứng tỏ có người mới qua lại ở đấy. Có một chỗ nó chạy dọc theo đỉnh núi mảnh như lưỡi dao. Con đường mòn hẹp ở trên đỉnh núi rộng chưa đầy ba bộ, hai bên vách núi đổ xuống thành vực sâu thăm thẳm hàng mấy trăm bộ. Một người có đủ vũ khí, có thể giữ được chỗ đó chống lại hàng trăm ngàn người.

Đó là con đường duy nhất dẫn tới chỗ ẩn náu. Ba giờ sau khi thấy con đường, anh đã đến chỗ đó, trong một thung lũng nhỏ trên núi, một cái túi giữa những đỉnh núi phun thạch. Cả khoảng đất đã được san bằng để trồng khoai sọ, có cả những cây ăn quả mọc; có chín, mười túp lều cỏ. Nhưng vừa trông thấy những người ở đó, anh biết ngay anh đã gặp phải những người gì. Thoáng nhìn cũng đủ rõ.

"Rồi anh làm thế nào?" Ruth nín thở hỏi, chăm chú nghe như một nàng Desdemona, kinh hãi và mê say.

"Còn làm gì được. Trưởng trại là một ông già tử tế, bệnh đã khá nặng, nhưng lão cai quản cứ ý như một ông vua. Lão đã khám phá ra cái thung lũng nhỏ này và dựng nên khu trại. Tất cả việc làm ấy đều trái với pháp luật. Nhưng lão có đủ súng ống và rất nhiều đạn dược, những người Kanakas ấy được tập luyện bắn thú dữ và lợn rừng đều là những tay súng cừ. Không. Martin Eden này không còn cách nào trốn thoát được. Đành phải ở lại - ba tháng."

"Nhưng rồi anh làm thế nào mà trốn được?"

"Nếu không có một cô gái, nửa lai Trung hoa, phần tư lại Âu, phần tư lai Hawaii thì có lẽ đến bây giờ anh cũng vẫn còn ở đó. Cô ta rất đẹp và là người có học thức, thật tội nghiệp. Mẹ cô ta ở Honolulu, giàu có bạc triệu. Cuối cùng, cô ấy đã cứu anh ra khỏi trại. Mẹ cô ta đã cấp tiền cho bọn họ xây dựng khu trại này, vì thế cô ta không sợ bị họ trừng phạt về tội để anh trốn đi. Nhưng trước hết cô ấy bắt anh thề không bao giờ được tiết lộ cho ai biết nơi có khu trại đó. Và anh không hề nói cho ai hay. Đây là lần đầu tiên anh nói ra. Cô gái ấy đã có những triệu chứng đầu tiên của bệnh hủi. Những ngón ở bên tay phải hơi cong lại và trên cánh tay có một chấm nhỏ. Câu chuyện thế đấy. Anh nghĩ bây giờ thì cô ấy đã chết rồi!"

"Thế anh không sợ ư? Thoát khỏi nơi đó, không nhiễm phải cái bệnh kinh khiếp ấy, anh có mừng không?"

"Ồ, anh thú nhật, "lúc đầu anh cũng hơi run nhưng rồi về sau quen đi. Vả lại, anh cảm thấy thương cô gái tội nghiệp. Điều đó làm cho anh quên cả sợ. Cô ấy đẹp lắm, đẹp cả tâm hồn lẫn vẻ bề ngoài; cô ấy mới chỉ bị nhẹ thôi, ấy thế mà phải đày đọa sống ở đây, sống cuộc sống của một người nguyên thủy man rợ, thối rữa dần mòn. Bệnh hủi kinh khủng lắm, em không thể tưởng tượng nổi đâu."

"Thật tội nghiệp!" Ruth khẽ lẩm bẩm. "Thật là một điều kỳ lạ cô ấy đã để cho anh trốn đi."

"Ý em muốn nói gì?" Martin bất giác hỏi.

"Vì hẳn là cô ấy phải yêu anh," Ruth nói vẫn nhẹ nhàng. "Yêu một cách chân thực phải không?"

Công việc làm trong xưởng giặt và cuộc sống giữa bốn bức tường đã làm nhạt đi cái màu rám nắng trên khuôn mặt gã, đói khát ốm đau lại làm cho nó xanh thêm; và trên khuôn mặt xanh xao ấy, máu dần dần dồn lên đỏ ửng. Gã mở miệng nói, nhưng Ruth ngăn lại.

"Không sao, đừng trả lời, không cần thiết anh ạ." Nàng cười to.

Nhưng đối với gã, tiếng cười ấy hình như có một cái gì lành lạnh như tiếng kim khí, và ánh mắt nàng thì rất lạnh lùng. Ngay lúc đó, gã bỗng nhớ lại một trận cuồng phong gã đã gặp ngày nào ở Bắc Thái bình dương. Trong giây lát trận cuồng phong hiện lên rõ ràng trước mắt - một trận cuồng phong về đêm, bầu trời trong sáng, trăng tròn đầy, biển cả mênh mông, lạnh lẽo, lấp lánh dưới ánh trăng. Và rồi gã nhìn thấy cô gái trong trại hủi, nhớ lại chính vì yêu gã mà cô đã để gã đi thoát.

"Cô ta thật cao thượng," gã nói đơn giản. "Cô ấy đã cho anh cuộc sống."

Chỉ là một câu chuyện ngẫu nhiên nhưng gã nghe thấy Ruth cố nén một tiếng khóc nấc khô khan trong cổ họng và thấy nàng quay mặt đi, nhìn ra ngoài cửa sổ. Khi nàng quay lại thì nét mặt đã bình tĩnh, không còn một dấu vết gì của trận cuồng phong trong khoé mắt nữa.

"Em thật ngớ ngẩn quá," nàng rầu rĩ. "Nhưng em không sao ngăn được. Em yêu anh, Martin à, yêu lắm, yêu lắm. Rồi đây em sẽ khoan dung hơn, nhưng bây giờ thì em không thể nào ngăn nổi mình không ghen với những bóng ma ấy của quá khứ. Mà anh biết đấy, quá khứ của anh thì đầy những bóng ma."

Gã định nói nhưng nàng đã ngăn lại. "Hẳn là phải như thế, không thể khác được. Mà anh Arthur tội nghiệp đang ra hiệu cho em lại kia kìa. Anh ấy chờ đến phát ngán lên rồi. Bây giờ thì tạm biệt anh nhé, anh thân yêu."

"À, mà cửa hàng bào chế, có bán một thứ thuốc để cai thuốc lá đấy anh ạ," đi ra đến cửa nàng còn ngoái cổ lại nói, "em sẽ gửi cho anh một ít."

Cửa đã đóng rồi lại mở.

"Em yêu anh, yêu anh lắm," nàng thì thầm. Và lần này thì nàng mới đi hẳn.

Maria đưa nàng ra xe, đôi mắt chị đầy vẻ chiêm ngưỡng nhưng vẫn rất tinh, nhận ra ngay thứ hàng và kiểu may của bộ quần áo của nàng đang mặc (một kiểu may lạ làm tôn vẻ đẹp một cách rất thần bí). Bọn trẻ con thì thất vọng, dõi mắt nhìn theo cho đến khi chiếc xe ngựa đi khuất; rồi chúng quay lại nhìn Maria. Chị bỗng trở nên một nhân vật quan trọng nhất phố này. Nhưng chính một trong những đứa con của chị đã làm cho chị mất cả cái tiếng tăm ấy, nó nói là hai vị khách sang trọng ấy đến thăm cái chú ở trọ nhà nọ. Và sau đó Maria lại quay về với cái cảnh âm thầm tăm tối cũ của mình. Còn Martin thì bắt đầu nhận thấy bọn trẻ hàng xóm đối với mình có vẻ vị nể hơn. Còn đối với Maria, giá trị của Martin trong con mắt của chị được tăng lên một trăm phần trăm, và nếu như lão chủ hàng thực phẩm người Bồ Đào Nha mà được chính mắt trông thấy chiếc xe ngựa sang trọng buổi chiều hôm ấy thì lão đã để cho Martin mua chịu thêm ba đô la tám mươi nhăm xu nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện