Bà tôi mất hai năm sau đó, lúc tôi đang học lớp tám. Đối với tôi, đó là một tổn thất lớn lao. Tôi khóc bà đến sưng cả mắt. Mấy tháng sau, nhớ bà, tôi vẫn còn khóc. Bà không chỉ là bà tôi, bà còn là bạn tôi. Hồi nhỏ, nếu không có bà, tôi chẳng biết chơi với ai. Trong các cháu của bà, bà thương tôi nhất. Cũng trong các cháu của bà, tôi thương bà nhất. Thế mà bây giờ bà ngủ, ngủ hoài, như chú Hoan. Bà sẽ không bao giờ dậy nữa bà bỏ tôi một mình. Những hôm về làng, tối nào tôi cùng ra đứng trước hiên nhìn xuống chợ Đo Đo, tôi thấy hình ảnh bà ẩn hiện trong những chùm đèn lấp lánh. Và tôi khóc, sầu nhớ và phiền muộn, nước mắt nhòe cả má. Khi đi ngủ, tôi nhìn thấy bà trong cơn mơ. Bà mỉm cười hiền lành và đầy yêu thương, và trong khi gãi lưng cho tôi ngủ, bà lại thủ thỉ kể những câu chuyện cũ xưa trong đó chàng Thạch Sanh ngồi lẻ loi nơi ven rừng hát bài tình ca cũ xưa để đánh thức nàng công chúa bị nhốt trong hang đại bàng. Trong giấc mơ đẹp đẽ và buồn rầu đó, tôi chính là chàng Thạch Sanh dũng cảm, còn nàng công chúa hoạn nạn không ai khác hơn là Hà Lan. Chúng tôi bước ra từ trong câu chuyện của bà. Còn bà bước ra từ trong trái tim khôn nguôi thổn thức của tôi. Cho đến bây giờ, dù bà mất đã lâu, bà luôn luôn ở trong trái tim tôi.

Năm lớp tám, bên cạnh nỗi buồn lớn lao đó, tôi còn một nỗi buồn khác. Trong khi tôi chẳng lớn hơn năm lớp bảy chút nào thì Hà Lan bỗng nhiên cao nhòng hẳn lên như một phép lạ. Sau một đêm nằm mộng, sáng ra tôi chợt nhìn thấy ở cô bạn nhỏ ngày nào một người thiếu nữ xinh đẹp và lạ lẫm. Hà Lan lạ lùng đến mức tôi không tin nó đã từng là bạn tôi. Suốt một tuần lễ liền, tôi cứ trố mắt ra dòm nó, vừa ngạc nhiên thích thú lại vừa đau khổ nặng nề. Thế ra nó chính là nó, và như vậy nó chẳng còn là cô bạn bé bỏng của tôi nữa, nó có vẻ là... chị hai của tôi hơn.

Suốt năm lớp tám, tôi chẳng dám đến gần Hà Lan. Mỗi khi nói chuyện, tôi dừng lại nói qua loa vài câu rồi vội vã lảng đi chỗ khác. Tôi mặc cảm về thân phận bé mọn của mình. Đứng cạnh Hà Lan, tôi chỉ là một chú bé loắt choắt, hệt một thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch. Thật chẳng còn đâu oai phong ngày nào, khi tôi, mình đầy thương tích, tả xung hữu đột giữa một lũ cướp cạn để giành giật cái dùi trống về cho Hà Lan.

Cũng trong năm đó, hai đứa tôi không còn ngồi chung với nhau trên chiếc xe gắn máy xình xịch của ba tôi những chiều cuối tuần nữa. Chú Hà Lan mua cho nó một chiếc xe đạp mới toanh. Hằng ngày, nó đạp xe đi học và mỗi chiều thứ bảy, nó đạp xe về làng cùng năm, bảy đứa khác. Còn tôi, dọc đường, vẫn cùng với ba tôi ghé vào rừng Sim như một thói quen, nhưng đã không còn hào hứng.

Tôi trèo lên cây trâm, hái từng chùm trái tím thẫm ném xuống đất. Để thấy lòng buồn hiu hắt. Và để biết rằng tôi đã lớn, tôi ơi !

*****

Nỗi buồn của tôi không người bày tỏ. Nếu bà tôi còn sống, tôi sẽ thổ lộ với bà không giấu diếm. Nhưng bà đã không còn. Tôi cũng có thể tâm sự với cô Thịnh. Nhưng từ năm ngoái, khi tôi vừa lên lớp bảy, cô Thịnh và chị Nhường đã ra thành phố học tiếp lớp mười chẳng còn ở chung với tôi nữa. Chị Quyên lẽ ra năm nay lên lớp sáu, ra huyện trọ học với tôi, nhưng chị thi rớt, bác tôi cho chị nghỉ học ở nhà theo nghề buôn bán của bác.

Rốt cuộc, chỉ có mình tôi ở nhà bà Năm Tự, chiều chiều ra vườn hái rau dền với bà và thờ ơ nghe bà than vãn những điều tôi đã biết vanh vách.

Dù sao, khung cảnh vắng vẻ cũng thuận lợi cho một học sinh như tôi. Tôi vùi đầu vào học tập và cuối năm lớp tám, tôi đứng một thứ hạng khá cao trong lớp. Điều đó khiến tôi vô cùng sung sướng. Ba mẹ tôi rất tự hào về tôi và thường dắt tôi đến chơi các nhà trong làng để khoe tôi học giỏi khiến tôi xấu hổ muốn chui xuống đất.

Nhưng đó không phải là điều sung sướng nhất của tôi. Điều sung sướng nhất của tôi trong thời gian đó là một niềm vui rộng lớn không thể chia sẻ cùng ai, kể cả với ba mẹ tôi. Đó là việc, cũng như Hà Lan trước kia, sau một đêm ngủ dậy, tôi bỗng nhận ra mình lớn vọt hẳn lên, ra dáng một chàng trai hẳn hoi. Tôi vỡ giọng, tiếng nói khàn khàn như vịt đực. Bà Năm Tự bảo tôi trổ mã. Cô Thịnh ở thành phố về thăm làng, thấy tôi đứng cao hơn cô gần một cái đầu, mặt lại lấm tấm mụn, cô cười bảo tôi đến tuổi dậy thì.

Lúc này, Hà Lan không còn ra vẻ gì là chị hai tôi nữa. Năm ngoái tôi nhỏ xíu vậy mà năm nay, tôi cao hơn hẳn so với Hà Lan. Tôi không còn tránh Hà Lan nữa. Tôi lại trò chuyện với nó tự nhiên như trước. Chỉ có cách xưng hô là thay đổi. Chúng tôi đều đã lớn, tôi không thể tiếp tục "mày mày tao tao" với nó. Tôi gọi nó bằng tên và xưng tôi.

Hà Lan nhận ra ngay sự thay đổi. Nó cười.

Tôi hỏi:

- Hà Lan cười gì vậy ? - Cười Ngạn.

- Tôi sao ?

- Cách xưng hô ấy !

Tôi cũng cười:

- Nghe kỳlắm hả ?

- Không kỳ. Nhưng nghe chưa quen, thấy ngồ ngộ.

Tôi tặc lưỡi:

- Rồi Hà Lan sẽ quen. Chẳng lẽ gọi như cũ. Chúng mình đều đã lớn hết rồi.

Hà Lan gật đầu. Và nói:

- Ừ, Ngạn mau lớn ghê !

Hà Lan khen tôi như khen trẻ con khiến tôi đỏ bừng mặt. Và tôi nói:

- Năm ngoái Hà Lan đã lớn rồi. Năm nay đến lượt tôi. Con trai thường lớn chậm hơn con gái.

Nói xong, tôi nhìn Hà Lan. Nó cũng đang nhìn tôi. Càng lớn đôi mắt nó càng đẹp. Tự dưng tôi xốn xang quá thể.

*****

Năm lớp chín là một năm tuyệt vời. Cuộc sống như một trang sách mới mẻ, kỳ thù và luôn luôn mời gọi. Mỗi ngày trong tim tôi đều nở một nụ hồng tươi thắm. Một năm tôi sống trên mây.

Tôi mơ mộng. Và tôi trở nên kỳ quái. Tôi hay trò chuyện một mình. Tôi không biết đến thời gian. Đang ngủ trưa, bị lay dậy, tôi hỏi: sáng rồi hả bà ? Bà Năm Tự nghĩ tôi điên. Tôi chỉ cười.

Tôi sắm một cuốn sổ tay. Và tôi chép toàn thơ.

Tôi chép thơ Đinh Hùng:

Có những buổi ta nhìn em kinh ngạc

Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly

Ôi mắt xa khơi, ôi mắt dị kỳ

Ta trông đó thấy trời ta mơ ước

Ta thấy bóng một vừng đông thuở trước

Cả con đường sao mọc lúc ta đi

Cả chiều sương mây phủ lối ta về

Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ

Và tôi bỗng thấy nhớ Hà Lan vô cùng.

Rồi tôi chép thơ Xuâ Diệu:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn tôi bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu

Những lúc uốn éo ngâm nga, tôi thường nhìn ra sân nắng, thấy nắng quả nhiên nhạt nhạt, gió quả nhiên hiu hiu. Và tôi ngủ gục trên bàn lúc nào không hay, đầu gối lên những trang thơ đằm thắm.

Tôi không chỉ chép thơ. Tôi sắm một cây đàn ghi-ta, tối ôm đàn ngồi trước hiên nhà, gảy tưng tưng. Tôi làm chàng Trương Chi, hát những lời hoài vọng tình yêu.

Nhưng những bản nhạc mà tôi biết chán bỏ xừ. Chẳng có bản nào nói lên được tâm trạng của tôi. Lựa tới lựa lui, chỉ được có mỗi một bài "Mộng dưới hoa", chủ yếu nhờ hai câu về... mắt:

Mắt em là bóng dừa hoang dại

Âu yếm nhìn tôi không nói năng

Tôi không nhớ có lần nào Hà Lan nhìn tôi âu yếm không, nhưng tôi thấy mắt nó chẳng giống bóng dừa chút nào. Mắt mà giống bóng dừa thì xấu hoắc. Mắt Hà Lan giống bóng trăng hơn. Như bóng trăng đêm nào treo trên đường làng. Như bóng trăng đi vào giấc ngủ tôi, treo ở đó, suốt đời.

Nhưng dù sao bản nhạc cũng ca ngợi về đôi mắt nên tôi sẵn lòng tha thứ những so sánh kỳ cục của nó. Tuy nhiên, tôi không thể hát đi hát lại mãi một bản nhạc. Tôi lại chúa ghét câu "Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng...". Tôi gặp Hà Lan một tỉ lần. Tôi chơi với nó từ nhỏ. Vậy mà bảo tôi chưa gặp em, không đúng một chút nào.

Để gỡ bí, tôi đành phải mò mẫm sáng tác những ca khúc cho riêng tôi. Tôi chưa viết nhạc bao giờ nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi có năng khiếu về thơ hơn. Thế là tôi cặm cụi làm thơ. Rồi vừa ngân nga vừa đệm đàn, tôi tìm cách... phổ thơ mình thành nhạc. Tôi hát, nghe cũng xuôi tai:

Có những lúc

Tôi ngỡ ngàng

Tự hỏi

Tại vì sao

Tôi lại yêu em

Khi mặt trời

Sắp lẫn vào đêm

Không gì cả

Sao lòng tôi

Lại nhớ

Chiếc lá rơi

Trong chiều nổi gió

Tôi nhặt lên

Mà chẳng để làm gì

Và chiều nào sững bước

Giữa chân đi

Lòng không hiểu

Vì sao mình đứng lại

Ngậm trên môi

Một vành cỏ dại

Chợt hiểu rằng

Tôi đã khác tôi xưa

Trong mơ mộng

Khi hiên ngoài nhạt nắng

Tôi chợt biết

Có một ngày

Đã đến

Tôi say sưa hát tới hát lui bản nhạc đầu tay của mình hàng trăm lần, quên béng cả giờ giấc. Tôi chợt biết có một ngày đã đến mà không biết có một đêm đã đến. Tới khi bà Năm Tự gọi tôi đi ăn cơm, tôi mới hay trời đã tối từ lâu.

*****

Như người mộng du, mỗi ngày tôi viết một bản nhạc. Có bài dở ẹc, có bài hay. Nhưng tôi chẳng cần biết hay dở, tôi cứ mải mê gò người trên thùng đàn, cây bút chì và xấp giấy kẻ khuông nhạc để bên cạnh. Tôi không có ý định trở thành nhạc sĩ, tôi chỉ muốn bộc lộ tình cảm đang ứ nghẹn trong lòng tôi. Tôi muốn nghe thấy nó ngân lên bên tai và lan đi trong không gian, chia sẻ tình yêu của tôi với cỏ cây hoa lá, kể cả với đám rau dền ngớ ngẩn trong vườn bà Năm Tự.

Tới trường, tôi giấu tịt. Tôi không hó hé với ai tôi đang tập tễnh viết nhạc. Với Hà Lan, tôi càng câm như thóc, mặc dù tôi luôn ao ước đến một hôm đẹp trời nào đó, tôi sẽ hát cho nó nghe những bản nhạc tôi viết cho nó.

Nhưng dù đang chìm đắm trong tình yêu và âm nhạc, tôi vẫn không quên chuyện bài vở. Năm cuối cùng ở trường huyện, tôi chẳng dám lơ là. Sang năm lên lớp mười, học trò trường tôi phải ra thành phố học. Ba tôi đe: "Học sinh thành phố học giỏi lắm, con không học cật lực, sang năm con sẽ đứng bét lớp". Tôi sợ đứng bét lớp nên tôi cố học.

Không phải mình tôi sợ sang năm đứng bét lớp. Hà Lan cũng vậy, nó sợ học hành lôi thôi, ra thành phố sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Nhờ sợ, đời tôi nở hoa. Nó thường ôm tập đến nhà bà Năm Tự học chung với tôi, nhất là vào những ngày sắp đến kỳ thi.

Hôm đầu tiên Hà Lan đến nhà trọ của tôi bất ngờ hệt như cô Tấm bước ra từ trái thị trong vườn ông Cửu Hoành năm xưa. Tôi ngỡ ngàng hỏi:

- Hà Lan tới chơi hả ?

Hà Lan cười:

- Hà Lan tới học chung với Ngạn.

Nếu không ghìm mình lại kịp, tôi đã nhảy cẫng lên rồi. Tôi hớn hở nói:

- Ừ, nhà bà Năm Tự yên tĩnh lắm, Hà Lan đến học chung với tôi cho vui.

Rôi tôi hỏi, ngu như bò:

- Sao Hà Lan nghĩ ra chuyện đến đây hay vậy ?

Hà Lan nhún vai:

- Hà Lan đâu có nghĩ ra. Mẹ Hà Lan bảo Hà Lan đến học chung với Ngạn.

Câu trả lời của Hà Lan làm tôi cụt hứng. Hóa ra là vậy. Tôi không thèm xúc động vì Hà Lan nữa, tôi xúc động vì... mẹ nó. Mẹ Hà Lan rất mến tôi, bà luôn luôn nhớ đến ơn cứu tử của ông tôi từ thời xa lắc xa lơ nào. Nghĩ đến đó, tôi đâm ra yêu mến ông tôi vô cùng. Ông là một người ông tuyệt diệu. Khi chết đi, ông vẫn để đức lại cho con cháu. Nhờ ông, tôi mới có ngày hôm nay.

Từ ngày có Hà Lan đến học chung, tôi như trở thành một con người khác. Tôi ăn mặc tươm tất hơn, tắm rửa một ngày nhiều lần hơn, tóc tai gọn ghẽ hơn và chuẩn bị bài vở chu đáo hơn. Trước những câu hỏi của Hà Lan, tôi không muốn bị lúng túng một chút nào. Trước mắt Hà Lan, tôi muốn tỏ ra là một học sinh xuất sắc và nhờ trời, và nhờ Hà Lan, tôi đã làm được điều đó.

Ngay ngày đầu tiên, Hà Lan đã nhìn thấy cây đàn tôi treo trên vách. Lúc giải lao, nó hỏi:

- Ngạn biết chơi đàn hả ?

Tôi gật đầu.

Hà Lan đề nghị:

- Ngạn đàn cho Hà Lan nghe đi !

Tôi lấy đan` xuống, gảy từng tứng tưng.

Hà Lan nhăn mặt:

- Hát nữa !

Tôi cười. Và hát. Bài "Mộng dưới hoa".

Khi hát đến câu tủ:

Mắt em là bóng dừa hoang dại

Âu yếu nhìn tôi không nói năng

Tôi liếc Hà Lan xem nó có âu yếm nhìn tôi không nhưng tôi chẳng thấy gì. Mắt nó tỉnh khô. Tôi chán quá, không thèm hát nữa. Hà Lan ngó tôi:

- Sao vậy ?

- Sao cái gì ?

- Sao Ngạn không hát nữa ?

Tôi nói dối:

- Tự nhiên tôi quên mất lời ca.

- Thì Ngạn hát bản khác.

Tôi thở dài:

- Hát bản gì bây giờ ?

- Bản nào mà Ngạn thích ấy !

Câu nói của Hà Lan tiếp sức mạnh cho tôi. Trong thoáng mắt, tôi trở nên can đảm. Và tôi liều mạng hát bài "Có một ngày đã đến", bản nhạc đầu tiên tôi viết cho Hà Lan.

Tôi hát:

Có những lúc

Tôi ngỡ ngàng tự hỏi

Tại vì sao

Tôi lại yêu em

................

................

Từ ngày vẽ lên nốt nhạc đầu tiên trong đời mình, tôi đã ước mơ đến ngày hôm nay. Những gì tôi không thể nói, âm nhạc sẽ nói giùm tôi. Tôi hát say sưa, đầy tình cảm:

Ngậm trên môi

Một nhành cỏ dại

Chợt hiểu rằng

Tôi đã khác tôi xưa

......................

Khi tôi buông đàn xuống, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi. Lòng tôi nhẹ nhõm và hân hoan.

Còn Hà Lan thì ngồi lặng, không nói gì. Lát sau, nó cất giọng hỏi:

- Bản nhạc tên gì vậy ?

- "Có một ngày đã đến".

- Của ai vậy ?

Tôi không dám nói nhạc của tôi. Tôi ấp úng:

- Tôi không nhớ. Hình như của... Cung Tiến.

Ông Cung Tiến ở tận đẩu tận đâu, tôi không ngán. Tôi cứ lấy tên ông ra nói đại. Hà Lan tin ngay. Nó nói:

- Bản nhạc hay quá, Ngạn chép cho Hà Lan đi !

Tôi xé giấy trong tập, chép cho nó, lòng buồn vui lẫn lộn. Vui vì bản nhạc được khen, buồn vì không dám nhận mình là tác giả.

Những bản sau này cũng vậy, tôi đều đổ hết cho người khác. Rốt cuộc, hết Cung Tiến đến Phạm Đình Chương, hết Phạm Duy đến Từ Cung Phụng, mọi người đều xúm nhau tỏ tình với Hà Lan. Còn tôi thì câm miệng hến, chỉ toàn chép giùm tâm sự của người ta, lòng buồn thỉu buồn thiu.

Trong một đêm sầu muộn, tôi chong đèn ngồi viết bản "Thà như ngày thơ ấu":

Những điều lòng muốn nói

Sao chẳng nói được gì

Những điều không muốn nói

Lại nói mãi em nghe

Nhớ ngày xưa tuổi nhỏ

Ta suốt ngày bên nhau

Kể bao điều thầm kín

Lòng có ngại gì đâu

Bây giờ sao quá khó

Lòng anh và tình em

Chút hương thầm trong gió

Biết ngày nào bay lên

Nếu biết tình như thế

Chẳng lớn lên làm gì

Thà như ngày thơ ấu

Hai đứa cầm tay đi

Dưới ánh trăng, tôi ôm đàn ngồi hát, lòng tự hỏi giờ này Hà Lan đã đi ngủ hay chưa và nó có nghe thấy tiếng thì thầm của trái tim tôi đang vọng tới không. Nếu Hà Lan chẳng nghe thấy gì, nếu nó dửng dưng thì nỗi mong mỏi của tôi càng tỏ ra đúng đắn. Thà như ngày thơ ấu. Thà như khi xưa ta bé ta chơi... béng beng...

*****

Tôi chán tình yêu đơn phương. Tôi chán cảnh ngồi câm nín. Tôi ghét cay ghét đắng việc ngồi gò mình chép nhạc "Cung Tiến" cho Hà Lan. Tôi giở tập "Thơ thơ", thấy Xuân Diệu xúi:

Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ

Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần

Tôi đắc ý lắm. Tôi muốn làm theo lời mách nước của ông xiết bao nhưng tôi không dám. Dù tôi chỉ cần nói yêu một lần thôi. Một lần là mãi mãi.

Điều đáng ngán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình lại không biết họ có yêu lại mình hay không. Cả hai điều nhất nhì đó, tôi đều gom đủ. Vì vậy, tôi càng chán tợn. Tôi chẳng biết làm sao thoát ra khỏi nỗi buồn. Tôi đành phải tìm đến âm nhạc để giải khuây.

Tôi viết bài "Nói yêu nhau nào có dễ", thở vắn than dài:

Mỗi lần định nói yêu em

Trái tim có đập bình thường nữa đâu

Mới vừa ấp úng vài câu

Tự nhiên co duỗi mười đầu ngón tay...

Và tôi không ngớt than thân trách phận:

Đôi khi nghĩ cũng giận lòng

Nói thẳng thì ngán, nói vòng thì lâu...

Rốt cuộc, tôi ngại nói thẳng, cũng chẳng dám nói vòng. Hà Lan vẫn cứ sống nhơn nhơn... ngoài vòng pháp luật. Tôi giận lòng ghê gớm. Giận đết Tết.

Quả thật, Tết năm đó tôi hết giận... tôi. Tết năm đó, lần đầu tiên tôi đi chơi với Hà Lan. Cùng với bạn bè cùng trang lứa, hai đứa tôi đạp xe vào rừng Sim. Lúc này, tôi đã có một chiếc xe đạp, đó là phần thưởng ba tôi tặng tôi do kết quả học tập cuối năm lớp tám.

Hai đứa tôi đạp xe đi song song bên nhau trên con đường làng vương vãi xác pháo. Hà Lan mặc áo dài xanh, xõa tóc ngang lưng, đẹp như tiên. Thỉnh thoảng tôi cố tình đi tụt lại phía sau để ngắm nó. Hà Lan chẳng biết ý đồ của tôi, nó cứ ngoái đầu lại giục:

- Lẹ lên chứ ! Ngạn là con trai sao đạp chậm rì vậy ?

Tôi chỉ biết nhe răng cười.

Bao giờ đi chơi Tết, con gái làng tôi cũng đều mặc áo dài. Điều đó gần như một tục lệ. Những chiếc áo dài đủ màu sắc nằm ngủ suốt năm dưới đáy rương hay trong góc tủ bỗng bừng tỉnh dậy một sớm mùa xuân và thi nhau phô sắc trên khắp nẻo đường làng và trên đồng xa nội cỏ. Nhờ những tà áo sặc sỡ thướt tha bay lượn như những cánh bướm, làng trở nên tưng bừng và tràn đầy không khí lễ hội. Tôi đạp xe bên cạnh Hà Lan, đường dài bốn cây số mà lòng sao nhẹ nhõm. Tôi tưởng như mình đang trôi lững lờ giữa làng quê yêu dấu. Tôi như cảm nhận được cùng một lúc tiếng vọng của đất đai, lời thì thầm của kỷ niệm và nỗi xôn xao của tình yêu thời mới lớn. Và trái tim tôi run lên trong một cảm xúc hân hoan không thể giãi bày.

Thấy tôi cười luôn miệng, Hà Lan hỏi:

- Làm gì Ngạn cười hoài vậy ?

- Vui.

- Hà Lan cũng vui mà Hà Lan đâu có cười.

Nó bắt bẻ kiểu đó, tôi bí rị. Cắm cúi đạp xe một hồi, không nghĩ ra câu trả lời, tôi liếc sang nó, thấy nó đang cười. Nó xạo ghê !

*****

Rừng Sim mùa xuân phủ đầy lộc non. Ngó chung quanh, toàn một màu tơ biếc.

Tôi và Hà Lan vứt xe ngoài bìa rừng, bên cạnh những chiếc khác, rồi thong thả len qua những bụi sim lá nõn, lốm đốm hoa tím. Tôi tháo cây đàn quàng trên vai xuống, cầm trên tay, chân dọ dẫm trên lối mòn đầy sỏi. Tôi đi trước mở đường, Hà Lan thơ thẩn bước theo sau, tay không quên hái những chiếc lá non ngậm trên miệng.

Ngoảnh lại, thấy chiếc lá đậu hững hờ trên môi Hà Lan, tôi cười:

- Hà Lan có nhớ năm nào Hà Lan ăn trâm tím cả miệng không?

- Nhớ.

Tôi chọc:

- Lát nữa, tôi lại trèo lên cây hái trâm cho Hà Lan nghen !

- Thôi đi !

Hà Lan tỏ vẻ giận dỗi. Tôi biết nó giả vờ nhưng tôi không nói gì, lại rảo bước.

Cùng dạo chơi trong rừng với tôi và Hà Lan hôm nay, còn biết bao nhiêu đứa khác. Nhưng đi suốt một đỗi dài, chúng tôi chẳng gặp ai. Con người nhỏ bé, rừng nuốt chửng tất cả. Thỉnh thoảng, tôi nhác thấy một tà áo dài thấp thoáng đâu đó sau rặng lá xanh, rồi biến mất, rồi lại bất chợt hiện ra.

Mùa xuân, cây cỏ tốt tươi, không khí dịu dàng và trong trẻo. Tôi đi bên cạnh Hà Lan, lòng bồng bềnh, hệt như Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai. Tôi thấy tôi chẳng giống chút nào với tôi trước đây, khi tôi cùng với ba tôi vào rừng sim. Bây giờ tôi chẳng buồn hái sim nữa. Tôi cũng chẳng tìm bông dủ dẻ. Tôi chẳng hái chà là. Tôi đi, thơ thẩn và bồi hồi, đầu óc trong veo, không chứa một ý nghĩ nào rõ rệt.

Chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau, mắt bâng quơ nhìn trời ngắm đất, chẳng mất chốc đã xuyên qua mé rừng bên kia. Chúng tôi ngồi xuống một tảng đá phẳng và vuông vức dưới gốc bàng bìa rừng. Trước mặt là một cánh đồng cỏ xanh rì, chạy thoai thoải, đổ xuống thung lũng nằm khuất bên kia gò. Đó là bãi bóng của trai làng tôi sau những vụ mùa. Nhiều măm về trước, mỗi khi có trận đá bóng, bọn nhóc tì chúng tôi thường được người lớn dắt theo để vừa làm khán giả vừa làm kẻ nhặt bóng. Chúng tôi đứng bao quanh bãi cỏ xem đá bóng, miệng không ngớt hò reo trong khi lòng hồi hộp chờ trái bóng bất ngờ văng ra xa để ba chân bốn cẳng đuổi theo. Có khi trái bóng văng tuốt xuống thung lũng, chạy xuống nhặt lên mệt muốn chết, vậy mà bọn nhóc chúng tôi cứ tranh nhau đi nhặt, lắm lúc phải sử dụng đến những quả đấm và trò ngáng cẳng, chỉ để được ôm trái bóng chạy lên sát bãi cỏ, có chân đá một cái cho trái bóng bay về phía các người lớn, mặt mày rạng rỡ như vừa làm được một kỳ công.

Bây giờ tôi đã lớn, chẳng còn ham thích trò nhặt bóng gian khổ kia nữa nhưng hình ảnh quen thuộc của bãi cỏ khiến lòng tôi dậy lên bao kỷ niệm và cảm thấy nao nao.

Thấy tôi ngồi hóa đá, Hà Lan hỏi:

- Làm gì Ngạn có vẻ thẫn thờ vậy ?

- Tôi nhớ ngày xưa.

- Ngày xưa sao ?

- Ngày xưa tôi thường chạy nhặt bóng, - và tôi chỉ tay ra trước mặt - trên bãi cỏ này nè !

- Nhặt bóng mà cũng nhớ !

- Nhớ chứ ! - Rồi tôi nói thêm một cách ngô nghê - Nhặt cái gì cũng nhớ hết !

Hà Lan tròn mắt:

- Ngạn còn nhặt cái gì nữa ?

Tôi ngó lơ chỗ khác, nói:

- Như nhặt... thị chẳng hạn.

Nghe tôi nhắc chuyện cũ, Hà Lan cười khúc khích. Nó hỏi:

- Ngạn còn nhớ gì nữa không ?

Hà Lan hỏi vậy khác nào xúi tôi. Tôi muốn nói "nhớ Hà Lan" vô cùng. Tôi nhớ lời dùi Xuân Diệu "phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần". Nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi chỉ nói:

- Tôi nhớ... đủ thứ. Những gì đã xảy ra trong đời tôi, tôi đều nhớ.

Khi nói như vậy, tôi hy vọng Hà Lan thừa thông minh để hiểu ý tứ của tôi. Không biết nó có hiểu không, mà nó nói:

- Ngạn hát cho Hà Lan nghe đi !

Tôi so dây đàn, hỏi:

- Hà Lan muốn nghe bản gì ?

- Bản "Có một ngày như thế" của Cung Tiến.

Tại sao quỷ không tha ma không bắt ông Cung Tiến này đi giùm tôi ! Tôi bấm bụng hát, bâng khuâng và sầu muộn. Hà Lan ngồi nghe, say sưa, mơ màng, tóc xõa tung trong gió. Ngồi giữa rừng xanh hoa tím, Hà Lan bỗng đẹp thần sầu. Nhưng tôi không nhìn nó. Trong khi hát, tôi nhìn lên bầu trời, dõi theo những cụm mây trắng đang lững lờ trôi cuối chân trời xa và thấy tâm hồn mình như đang phiêu dạt.

Hết nhạc Cung Tiến, tôi hát nhạc Đoàn Chuẩn. Toàn của giả. Nhưng tôi đã thôi buồn. Khi lời ca cất lên, tôi như thấy tình yêu đang vỗ cánh. Tôi trải lòng ra với thiên nhiên như chàng Trương Chi đa tình trải lòng mình trên sóng nước, tự dưng cảm thấy được an ủi rất nhiều. Mỵ Nương bó gối ngồi nghe, không nói một lời.

Đến khi tôi hát bản "Thà như ngày thơ ấu", bản này tôi chưa hát cho Hà Lan nghe lần nào, thì Hà Lan chợt hỏi:

- Bản nhạc này Ngạn sáng tác phải không ?

Câu hỏi đột ngột và thẳng thừng khiến tôi ngớ người ra. Nếu Hà Lan hỏi như trước đây tôi vẫn trả lời. Của Phạm Đình Chương. Của Trịnh công Sơn. Hay của một nhạc sĩ xa xôi nào đó. Đằng này, nó đột nhiên thay đổi câu hỏi. Tôi buộc phải thay đổi câu trả lời. Tôi gật đầu. Và lòng bối rối ghê gớm.

Hà Lan bỗng dưng buột miệng khen:

- Ngạn làm nhạc hay ghê !

Tôi sững sờ, và cảm thấy sung sướng đến lịm người. Tôi không chờ đợi điều đó. Tôi chỉ mơ ước đến một ngày nào Hà Lan hiểu ra những bản nhạc tôi hát chính là những bản nhạc tôi đã thức trắng đêm để viết ra, cho nó và vì nó. Bây giờ không những nó biết tôi viết bản "Thà như ngày thơ ấu", nó còn khen hay. Tôi cao hứng quên phéng cả rụt rè, bộp chộp khoe:

- Những bản nhạc tôi chép cho Hà Lan trước đây cũng đều do tôi sáng tác.

Nói xong điều thầm kín bấy lâu, tự nhiên tôi đâm ra ngượng ngùng và vội vã nhìn xuống đất. Tôi càng choáng váng hơn nữa khi vẳng bên tai tôi giọng nói tỉnh khô của Hà Lan:

- Hà Lan biết điều đó từ lâu rồi !

Mặt đất dưới chân tôi tự dưng nghiêng hẳn đi. Nó đang quay. Tôi lập tức nhắm mắt lại. Và hiểu rằng những khó khăn của cuộc sống vừa mới đi qua.

*****

Năm lớp chín là một năm tuyệt vời. Tôi mới viết câu đó cách đây vài trang nhưng tôi vẫn cứ muốn nhắc lại một lần nữa. Nhất là sau biến cố rừng Sim.

Sau cái ngày tôi phát hiện ra trái đất quay chung quanh mặt trời mà không cần biết Galilée và Copernic là ai ấy, những người vô tâm nhất cũng thừa biết tôi sẽ làm gì vào những chiều cuối tuần. Tôi về làng.

Tôi về làng với Hà Lan. Tất nhiên chúng tôi đi chung với cả một đám bạn. Nhưng dọc đường, hai đứa tôi cố tình đi tụt lại phía sau. Thoạt đầu, bạn bè còn dừng xe lại chờ. Về sau, thấy chúng tôi không có vẻ gì muốn tiến lên phía trước, tụi nó chán quá, liền vọt thẳng.

Còn lại hai đứa, tôi với Hà Lan thong thả đạp xe đi. Sau một tuần lễ vùi đầu vào học tập, ngày thứ bảy là một ngày thảnh thơi tuyệt diệu. Chiều loang nắng, chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, lòng êm đềm và thanh thản.

Suốt cả chặng đường dài, mãi đến khi về tận đầu làng, tôi và Hà Lan chẳng trò chuyện gì nhiều. Mà cũng chẳng có gì để nói. Chuyện học tập, chúng tôi đã nói chán, ở trường và ở nhà bà Năm Tự. Chuyện tình cảm, những bản nhạc đã nói giùm tôi. Chúng nói còn đầy đủ và chân thành hơn là chính tôi nói nhiều. Hà Lan cũng thế, chẳng nhiều lời. Ngôn ngữ của nó là nụ cười và ánh mắt.

Dọc đường, bao giờ tôi và Hà Lan cũng rẽ vào rừng Sim. Ở đó, chúng tôi đi thơ thẩn giữa màu hoa tím, chơi trò trốn tìm sau các bụi cây và chạy nhảy trên những mô đất y như hồi nhỏ. Chính giữa những trò chơi nghịch ngợm và hồn nhiên đó, tôi được nghe lại tiếng cười khanh khách vô tư của Hà Lan, tiếng cười tưởng chỉ có thể bắt gặp trong những giấc mơ về quá khứ. Những lúc ấy, lòng tôi vui lạ lùng.

Và lần nào cũng vậy, trước khi ra về, tôi không làm sao cưỡng được ý định rủ Hà Lan đi xuyên qua mé rừng bên kia, đứng trầm ngâm trước cánh đồng cỏ xanh để ngắm vẻ huy hoàng của mặt trời đang chìm dần xuống thung lũng mù sương.

Những tối ở làng, bao giờ tôi cũng xuống chơi nhà Hà Lan. Tôi lại được ăn món canh nấu bằng hoa thiên lý. Tôi lại được ngồi dưới giàn hoa lấp lánh ánh trăng, hát cho Hà Lan nghe những bản tình ca tôi mới viết.

Lời ca của tôi dạo này đã thôi u uất. Tôi gõ đàn, hát những lời nồng nàn, trong trẻo:

Có một mặt trời

Trong ngực em

Mỗi ngày

Em mỗi sớm mai lên

Lòng anh buổi ấy

Tương tư nắng

Không phải hoa quì

Vẫn hướng dương

Tôi lại hát:

Tại sao em cứ mười ba

Mà không mười bốn hay là mười lăm

Như trăng kia chẳng chịu rằm

Để cho bụi trúc đứng dầm sương khuya

Hà Lan nghe xong, nói:

- Năm nay Hà Lan mười bốn, sắp mười lăm tuổi.

Tôi cười:

- Bản nhạc nói về chuyện cũ. Chuyện năm ngoái.

Và tôi hát:

Dưới giàn thiên lý

Một mình anh đang ngồi

Không dưng em bưới tới

Anh bỗng thành song đôi

Khi tôi buông đàn, ngoảnh lại, Hà Lan đã biến mất. Nó bỏ vào nhà. Cho tôi hết hí hửng. Song đôi đâu mà song đôi !

Những bản nhạc tôi viết cuối năm lớp chín đều như thế, vui tươi và yêu đời. Chỉ đến lúc nghỉ hè, những bản tình ca của tôi mới đượm buồn.

Vừa nghỉ hè xong, Hà Lan ra thành phố liền. Nó ra sớm, ở nhà bà cô, đi học hè. Còn tôi mãi một tháng rưỡi sau mới đi. Buổi tối trước hôm Hà Lan rời khỏi làng, tôi và Hà Lan lại ngồi bên nhau dưới giàn hoa thiên lý đầy kỷ niệm. Tôi buồn hiu hắt, chẳng thiết nói gì. Hà Lan hỏi, tôi trả lời nhát gừng. Đêm đó, trước lúc chia tay, tôi chỉ tâm sự với Hà Lan bằng tiếng hát.

Bản tình ca đầy lo âu:

Có một ngày

Đừng có một ngày

Bàn tay không nắm nữa bàn tay

Để hai mươi ngón

Buồn xa vắng

Cuộc sống rồi như tiếng thở dài

Tôi nghe tiếng Hà Lan thở dài bên cạnh. Và tôi thẫn thờ hát:

Sẽ có một ngày như thế không

Ôi câu hỏi lạnh đến nao lòng

Chiều nay

Phượng nở rồi em ạ

Cháy đỏ lòng anh

Bao nhớ mong

Và tôi tự trấn an:

Phải chăng

Không có ngày như thế

Ở hiền

Chắc sẽ gặp lành thôi

Lòng anh

Dù rộng dài như bể

Vắng cánh buồm em

Cũng lẻ loi

Chẳng hiểu sao, trước ngày Hà Lan lên đường, lòng tôi vô cùng thấp thỏm và hoảng hốt, mặc dù tôi cố không để lộ ra ngoài. Phải chăng tôi đã quen có nó bên cạnh, tôi chưa bao giờ xa nó ? Hay vì một điều gì khác? Tôi không biết. Tôi chỉ biết lòng tôi hoang mang bất định. Tôi khấn thầm ông bà và thành hoàng làng tôi "ở hiền gặp lành". Tôi rất mong được nghe Hà Lan nói điều gì đó.

Hà Lan nói. Nhưng nó không trả lời những lo lắng của tôi. Nó chỉ chép miệng:

- Bản nhạc buồn quá.

Nó nói vậy, tôi càng buồn hơn. Tôi gảy đàn, hát về mùa hè:

Lặng lẽ chiều nay

Lặng lẽ mùa hè

Sân trường vắng

Muốn tặng em

Một chùm phượng thắm

Tôi nhờ mùa hè

Bẻ hộ tôi

Trước mắt tôi là trường huyện tiêu điều. Các lớp học đóng cửa im ỉm. Thầy cô và bạn bè đi đâu về đâu, tôi chẳng biết. Chỉ có hàng dương liễu đứng ngủ mê trong nắng.

Bẻ hộ tôi

Một nỗi nhớ xa vời

Cắm xuống đất

Để mọc lên trái đắng

Chút tình tôi thầm lặng

Hát thành lời ve kêu

Tôi bỗng hóa thành con ve sầu, cất giọng nỉ non và nghe trái tim mình đập trong tiếng hát:

Gửi mùa hè

Giữ hộ chút tình yêu

Khi chia xa

Vẫn nhớ ngày gặp lại

Lúc ấy

Em có là cô gái

Đốt tôi bằng ngọn lửa

Của riêng em?

Tôi hỏi, và tôi không tìm ra câu trả lời. Với ngọn lửa rực rỡ của mình, hẳn Hà Lan sẽ đốt tôi. Nhưng nó sẽ đốt ấm lòng tôi hay đốt rụi đời tôi, ai biết được. Tôi lại càng không biết. Tôi chỉ biết được mỗi một điềụ Ngày mai Hà Lan sẽ xa tôi. Nó sẽ rời làng.

*****

Những ngày thiếu vắng Hà Lan là những ngày buồn tẻ. Tôi chẳng đi chơi đâu. Suốt ngày tôi chúi mũi vào ôn tập. Ôn tập chán, tôi lục lọi rương sách ông tôi để lại, lôi truyện Tàu ra đọc giải sầu.

Truyện Tàu chán ngắt. Trương Phi, Hàn Tín chỉ mải đánh nhau, chẳng yêu iếc và mong nhớ như tôi. Trong cả kho sách của ông tôi, tôi chỉ chấm mỗi chuyện Phạm Lãi mê nàng Tây Thi giặt lụa. Chuyện Phạm Lãi an ủi tôi rất nhiều. Xa cách người yêu hai mươi năm, khi gặp lại, tóc đã hoa râm mà lòng không thay đổi. Tôi chỉ xa cách Hà Lan hơn một tháng, lẽ nào mọi thứ đổi thay !

Nghĩ vậy, mặt tôi tươi lên được một chút. Nhưng tôi chỉ tươi được một ngày. Qua hôm sau, tôi lại lộ vẻ bồn chồn khắc khoải. Cô Thịnh hỏi tôi:

- Ngạn có chuyện gì buồn phải không?

Tôi chối phắt:

- Ngạn có buồn gì đâu !

Cô Thịnh nhìn sâu vào mắt tôi:

- Ngạn nói dối. Cô biết Ngạn buồn.

Câu nói của cô Thịnh khiến tôi phân vân quá thể. Tôi không biết có nên bày tỏ nỗi lòng với cô hay không. Mùa hè năm nay, cô Thịnh về nghỉ ở làng. Cô vừa thi đỗ tú tài một, sang năm lên lớp mười hai. Lẽ ra năm nay cô vào đại học nhưng năm ngoái cô thi rớt tú tài, phải học đúp thêm một năm lớp mười một. Chị Nhường thi rớt hai năm liên tiếp, nghỉ học luôn. Bác tôi cấp vốn cho chị ở lại thành phố, mở hàng vải. Sau bà tôi, cô Thịnh là người gần gũi tôi nhất. Ngay từ bé, cô đã rất thương tôi. Cô chăm sóc tôi nhiều hơn so với những đưá cháu khác. Khi bà tôi mất, tôi nghĩ cô là người duy nhất mà tôi có thể tâm sự. Nhưng mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Càng lớn lên, cô Thịnh càng ít quan tâm đến tôi. Cô quan tâm đến những mộng ước vừa chớm nở của cô hơn. Những tháng năm cô đi học xa, khoảng cách giữa cô và tôi ngày càng lớn. Cô ít về làng. Những lần về, gặp tôi, cô chỉ khen tôi mau lớn. Ngoài ra, cô chẳng nói gì hơn. Tôi cứ mong cô hỏi thăm về Hà Lan, tôi sẽ có dịp tỉ tê với cô. Nhưng cô chẳng hỏi. Tôi không biết cô có còn nhớ Hà Lan là ai không. Tôi ngờ rằng cô đã quên. Và tôi bàng hoàng nhận ra rằng cô không thể nào thay được bà. Bà là duy nhất. Bà mất, tôi bơ vơ.

Nếu cô Thịnh thực sự đã quên Hà Lan, tôi buồn lòng ghê gớm. Nhưng tôi sẽ không trách cô. Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ, làm sao người chẳng quên người.

Tôi không trách cô Thịnh. Nhưng tôi cũng chẳng buồn thổ lộ với cô những điều thầm kín của tôi, điều trước đây tôi hằng mong mỏi. Trước sự dò hỏi của cô, tôi tìm cách chối quanh:

- Ngạn không buồn. Tại Ngạn lo đấy thôi.

- Ngạn lo gì ?

- Ngạn lo ra thành phố học, Ngạn sẽ đứng bét lớp.

Cô Thịnh cười:

- Ngạn học giỏi mà sợ gì !

Rồi cô trấn an tôi:

- Ở thành phố, chỉ có số ít học giỏi thôi. Còn phần lớn thích ăn chơi hơn là thích học.

Cô Thịnh tưởng là tôi lo buồn về chuyện học thật, cô say sưa truyền đạt kinh nghiệm học tập của cô cho tôi. Cô vừa đỗ tú tài nên giọng cô rất tự tin. Cô bảo tôi phải thức khuya đến mấy giờ, dậy sớm từ mất giờ, khi buồn ngủ phải nhúng đầu vào thau nước ra làm sao. Tôi ngồi nghe, chán muốn chết. Tôi vốn ghét kiểu học gạo của bọn con gái, dù đó là kiểu học của cô tôi.

Cô Thịnh chỉ bảo nhiệt tình nên tôi không dám bỏ đi, sợ cô buồn. Tôi ngồi nghe hờ hững và đợi cô nói xong là vội vàng tót ra cửa.

Một tay cầm đàn, một tay lái xe, tôi trốn vào rừng Sim. Ở đó, có lá reo và chim hót. Ở đó, có kỷ niệm. Tôi tha hồ thả hồn theo mây gió. Tôi tha hồ nhớ đến Hà Lan.

Hà Lan thật tệ. Suốt một tháng trời ra thành phố, nó chỉ về thăm làng có mỗi một lần. Lần nó về, trông nó lạ hoắc. Lối ăn mặc dung dị ngày nào đã biến mất. Bây giờ, nó mặc quần tây ống bó và chiếc áo tay phồng với đủ thứ thêu ren. Mái tóc của nó cũng đã được cắt ngắn, gọn gàng hơn nhưng cũng kiểu cọ hơn. Mỗi khi nhớ đến mái tóc dài thường xõa tung trong gió thuở xưa, tôi cứ thở dài thườn thượt, y như Nguyễn Bính ngày nào:

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Chỉ có đôi mắt Hà Lan là không thay đổi, vẫn đẹp lạ lùng. Đôi mắt đó nhìn tôi nói:

- Chừng nào Ngạn mới đi ?

- Khoảng hai mươi ngày nữa.

Hà Lan khoe:

- Chừng nào ra thành phố, Ngạn sẽ thấy. Thành phố đẹp tuyệt vời. Đẹp hơn làng mình nhiều. Đẹp gấp nghìn lần phố huyện.

Nghe Hà Lan chê làng Đo Đo, tôi buồn lắm. Và giận nữa. Tôi định nói "Không ở đâu đẹp bằng làng mình" nhưng sợ Hà Lan cụt hứng, tôi cố nén. Tôi chỉ nói:

Làng mình cũng đẹp. Nhưng đẹp kiểu khác.

Lần đó, tôi nói với Hà Lan là từ khi nó ra đi, tôi rất nhớ nó. Và tôi hát cho nó nghe những bản tình ca tôi viết trong những ngày xa cách. Nghe xong, nó chỉ cười. Tôi hồi hộp đợi xem Hà Lan có nói nó nhớ tôi không. Nhưng tôi chỉ hoài công. Hà Lan chẳng nói gì về chuyện đó. Nó chỉ khen thành phố, và chê làng. Rồi bỏ đi.

Chỉ còn lại tôi, một mình khi chiều xuống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện