Càng về cuối năm, trời càng rét âm u, tê tái, lại thêm những cơn gió mùa đông bắc hanh hao thổi những chiếc lá ổi đỏ au cong veo, những chiếc lá tre khô già bạc phếch chao xuống mặt ao lạnh ngắt. Ao ở gần sông. Cả năm chúng tôi hái lá sắn, băm lá khoai thả xuống, ngắm nghía những miệng cá nổi lên đớp bóng, hồi hộp nghe ngóng mùa mưa bão nước sông đừng tràn bờ mang đàn cá đi, thầm mong cá lớn nhanh để cuối năm đánh cá ăn Tết. Năm nào đánh được nhiều cá, mang ra chợ bán được tiền thì cái Tết vui hơn hẳn. Vào ngày 28, 29 Tết, trời tờ mờ sáng, bố và anh tôi đã lục tục dậy đi thịt lợn đụng. Việc bàn thảo, ngắm nghía con lợn nào, rủ những nhà nào ăn chung đã được người lớn râm ran từ mấy tháng trước. Giờ đến lúc vui nhất. Đương nhiên chúng tôi không đứa nào có thể ngủ rốn thêm được nữa. Cả lũ háo hức, bàn tán xôn xao xem năm nay nhà mình lấy mấy cân thịt, rồi còn lòng, gan, tiết, chân giò hay tai. Không đứa nào dám đội mưa gió rét mướt tối tăm đi xem nên đành vùi niềm hồi hộp vào trong chăn ấm, đến khi trời sáng là vùng cả dậy. Lúc ấy thì bố và anh tôi đã mang thịt lợn đụng về. “Con lợn những nửa tạ, có bốn nhà chia nhau, tha hồ ăn nhé”. Bố tôi khà khà cười, ngắm lũ con mặt nở hoa, đang lượn quanh thúng thịt lợn còn đỏ tươi, nóng hổi. Tết ăn thả phanh, ngủ thả cửa, chơi tha hồ, chả vui gì bằng vui Tết no đủ.
Nhưng hè năm ấy, lũ về to lắm. Cả nhà ngồi nhìn ao cá trôi theo nước ngập mênh mang. Cuối năm tát vét rã rời, ngâm cả ngày trong bùn nhão chỉ được vài con cá mương, ít cá rô và vài cân tôm cụ đen sì. Tết không có món cá, cũng có nghĩa là Tết lao đao. Sáng sớm 28, vẫn thấy bố và anh tôi dậy, nhưng không khăn áo nai nịt gọn gàng nữa mà chong đèn trầm ngâm. Chúng tôi cũng thức, nhưng chẳng đứa nào dám nói năng gì. Rồi lại ngủ. Khi tỉnh dậy, thấy một rổ thịt lợn. Dụi mắt. Tỉnh hay mơ đây, đứa nọ nhìn sang đứa kia, có đứa tự véo vào tay mình. Rồi sà cả xuống rổ thịt. Đủ cả tim, phổi, lòng, gan, thịt bụng, thịt mông, cả bốn cái chân giò, cả hai cái tai... Chỉ có điều, món nào cũng bé tí. Chị tôi lén quay đi, bật khóc. Rồi chị lẳng lặng đi cọ chiếc nồi nấu cám lợn. Con lợn nhà tôi mới nuôi được hơn tháng, định bụng mấy tháng nữa bán là vừa lúc sắm quần áo, sách vở cho năm học mới. Tôi nghe thấy bố tôi thì thầm với mẹ: “Phải bịt chặt mõm nó để khỏi kêu người ta nghe thấy”. “Thôi, cho con nó có cái ăn Tết, kẻo tội”, tôi nghe thấy mẹ nghèn nghẹn. Rổ thịt không to lắm nhưng cũng thỏa mãn niềm háo hức rất trẻ con, tôi yên chí, chạy rảo chơi khắp xóm. “Tết năm nay nhà tao được ăn cả một con lợn”, tôi vênh váo với những đứa cùng tuổi, sung sướng nhìn những đôi mắt, đôi môi đờ ra vì ngưỡng mộ. Những đứa lớn hơn thì thắc mắc: “Có thấy nhà mày đụng với nhà nào đâu”. “Nhà tao... mua”, tôi lí nhí trả lời, lại chạy vội về bên mâm cơm toàn những món được chế biến khéo sao cho không ai biết thịt lợn có rất ít mỡ và bì thì rất mỏng.
Nhưng hè năm ấy, lũ về to lắm. Cả nhà ngồi nhìn ao cá trôi theo nước ngập mênh mang. Cuối năm tát vét rã rời, ngâm cả ngày trong bùn nhão chỉ được vài con cá mương, ít cá rô và vài cân tôm cụ đen sì. Tết không có món cá, cũng có nghĩa là Tết lao đao. Sáng sớm 28, vẫn thấy bố và anh tôi dậy, nhưng không khăn áo nai nịt gọn gàng nữa mà chong đèn trầm ngâm. Chúng tôi cũng thức, nhưng chẳng đứa nào dám nói năng gì. Rồi lại ngủ. Khi tỉnh dậy, thấy một rổ thịt lợn. Dụi mắt. Tỉnh hay mơ đây, đứa nọ nhìn sang đứa kia, có đứa tự véo vào tay mình. Rồi sà cả xuống rổ thịt. Đủ cả tim, phổi, lòng, gan, thịt bụng, thịt mông, cả bốn cái chân giò, cả hai cái tai... Chỉ có điều, món nào cũng bé tí. Chị tôi lén quay đi, bật khóc. Rồi chị lẳng lặng đi cọ chiếc nồi nấu cám lợn. Con lợn nhà tôi mới nuôi được hơn tháng, định bụng mấy tháng nữa bán là vừa lúc sắm quần áo, sách vở cho năm học mới. Tôi nghe thấy bố tôi thì thầm với mẹ: “Phải bịt chặt mõm nó để khỏi kêu người ta nghe thấy”. “Thôi, cho con nó có cái ăn Tết, kẻo tội”, tôi nghe thấy mẹ nghèn nghẹn. Rổ thịt không to lắm nhưng cũng thỏa mãn niềm háo hức rất trẻ con, tôi yên chí, chạy rảo chơi khắp xóm. “Tết năm nay nhà tao được ăn cả một con lợn”, tôi vênh váo với những đứa cùng tuổi, sung sướng nhìn những đôi mắt, đôi môi đờ ra vì ngưỡng mộ. Những đứa lớn hơn thì thắc mắc: “Có thấy nhà mày đụng với nhà nào đâu”. “Nhà tao... mua”, tôi lí nhí trả lời, lại chạy vội về bên mâm cơm toàn những món được chế biến khéo sao cho không ai biết thịt lợn có rất ít mỡ và bì thì rất mỏng.
Danh sách chương