Ta không phải kẻ ta soi thấy trong gương.

Ta là kẻ đang ánh lên trong cái nhìn thiên hạ.

Tarun J. TEJPAL

Đại học Harvard

Cambridge

19 tháng Mười hai 2011

Giảng đường đang chật ních người nhưng yên ắng.

Những chiếc kim trên mặt khắc độ bằng đồng của chiếc đồng hồ treo tường cổ kính chỉ 14 giờ 55. Bài giảng môn Triết do Matthew Shapiro đứng lớp đang đi tới những phút cuối.

Ngồi ở hàng ghế đầu, Erika Stewart, hai mươi hai tuổi, đang chăm chú nhìn giảng viên của mình không rời mắt. Từ một giờ đồng hồ qua, cô tìm cách thu hút sự chú ý của anh nhưng vô ích, cô nghe như nuốt lấy từng lời anh giảng, gật đầu tán thưởng sau mỗi lần anh nhận xét. Mặc dù những sáng kiến của cô chỉ vấp phải thái độ thờ ơ nhưng thầy giáo ngày càng khiến cô si mê đắm đuối hơn.

Gương mặt trẻ trung, mái tóc cắt ngắn và hàng ria lún phún mang lại cho thầy giáo một vẻ quyến rũ khôn cưỡng làm đám sinh viên nữ không khỏi xao xuyến. Trong trang phục quần jean mài, áo len cổ lọ và đôi giày ống bằng da cũ kỹ, Matthew giống một chàng sinh viên cao học hơn là một số nam đồng nghiệp với dáng vẻ chỉn chu và khắc khổ mà người ta thường gặp trong khuôn viên trường. Nhưng trên cả diện mạo điển trai, tài hùng biện mới chính là thứ tạo nên sức hút của anh.

Matthew Shapiro là một trong những giảng viên nổi tiếng bậc nhất của trường. Anh đứng lớp tại Cambridge đã được năm năm và qua mỗi năm các giờ giảng của anh lại khiến một lớp sinh viên mới say mê. Tiếng lành đồn xa, chỉ riêng học kỳ này đã có tới hơn tám trăm sinh viên đăng ký theo học lớp của anh, và hiện tại giờ giảng của anh đang chiếm cứ giảng đường lớn nhất của tòa Sever Hall.

TRIẾT HỌC CŨNG BẰNG THỪA NẾU

KHÔNG DIỆT ĐƯỢC NỖI ĐAU TINH THẦN

Được viết nắn nót trên bảng, câu nói của Épicure chính là điểm mấu chốt trong bài giảng của Matthew.

Những bài giảng triết học của anh dễ tiếp nhận và không bị mắc mớ bởi những khái niệm khó hiểu. Tất cả những lập luận của anh đều được liên hệ với thực tế. Mỗi bài tham luận đều được Shapiro mở đầu bằng cách xuất phát từ cuộc sống thường nhật của sinh viên, từ các vấn đề cụ thể mà họ phải đối đầu: nỗi lo thi trượt, quan hệ tình cảm tan vỡ, sự bạo ngược trong ánh mắt kẻ khác, ý nghĩa cần mang lại cho việc học... Một khi vấn đề được đặt ra, anh liền viện tới Platon, Sénèque, Nietzche hay Schopenhauer. Và nhờ có sự linh hoạt trong cách giới thiệu của anh, những nhân vật vĩ đại này mới tạo được cảm giác họ tạm rời khỏi cuốn giáo trình đại học để trở thành những người bạn thân thiết và gần gũi, có thể cho những lời khuyên hữu ích và động viên tinh thần.

Với sự thông minh và hóm hỉnh, Mathew cũng lồng ghép vào bài giảng của mình một mảng văn hóa đại chúng rộng lớn. Những bộ phim, những ca khúc, những cuốn truyện tranh: tất cả đều là cái cớ để triết lý. Ngay cả những loạt phim truyền hình cũng tìm được chỗ đứng cho riêng mình trong giờ giảng của anh. Dr House minh họa cho suy luận thực nghiệm, những nạn nhân đắm tàu trong Lost mang đến một suy tưởng về khế ước xã hội, trong khi những người làm quảng cáo theo chủ nghĩa nam quyền trị trong Mad Men lại mở ra một cánh cửa để nghiên cứu quá trình vận động của mối quan hệ giữa hai giới nam và nữ.

Nếu như thứ triết học thực dụng này đã góp phần biến anh thành một “ngôi sao sáng” của trường đại học, thì nó cũng xui nên thái độ ganh ghét và khó chịu ở các đồng nghiệp vốn thấy nội dung giảng dạy của anh thật nông cạn. May sao, thành công mà các sinh viên của Matthew đạt được trong các kỳ thi lớn nhỏ cho đến giờ vẫn củng cố thêm uy tín cho anh.

Một nhóm sinh viên thậm chí đã ghi hình các bài giảng của anh và tải lên YouTube. Bước khởi xướng đó đã khiến một phóng viên tác nghiệp cho Boston Globe tò mò rồi viết thành bài báo. Sau khi bài báo được đăng lại trên The New York Times, Shapiro được đề nghị viết một dạng “phản biện giáo trình” triết học. Ngay cả khi cuốn sách bán rất chạy, người giảng viên trẻ tuổi vẫn không để mình ngây ngất bởi danh tiếng mới có và vẫn sẵn lòng giúp đỡ các sinh viên cũng như quan tâm đến thành công của họ. Nhưng câu chuyện đẹp đẽ đã vấp phải một biến cố bi thảm. Mùa đông năm ngoái, Matthew Shapiro đã mất đi người vợ trong một vụ tai nạn xe hơi. Một sự mất mát đột ngột và tàn khốc để lại trong anh lòng dạ rối bời. Mặc dù vẫn tiếp tục đứng lớp nhưng người giảng viên đầy đam mê và được si mê đã đánh mất lòng nhiệt huyết tạo nên nét riêng biệt ở anh.

Erika nheo mắt để ngắm thầy giáo kỹ hơn. Từ khi diễn ra tấm thảm kịch, điều gì đó đã vỡ vụn trong Matthew. Những đường nét của anh đanh lại, ánh mắt anh đã mất đi vẻ nồng nàn; tuy nhiên, nỗi đau tang tóc và sầu muộn đã mang lại cho anh một vầng sáng âm u và bi thương khiến anh càng quyến rũ trong mắt cô gái trẻ.

Cô sinh viên khép hờ mắt rồi buông mình theo chất giọng trầm ấm và khoan thai đang cất lên trong hội trường. Một chất giọng đã đánh mất chút mầu nhiệm nhưng vẫn khiến tâm trí người nghe dịu lại. Những tia nắng xuyên qua ô cửa kính, sưởi ấm căn phòng rộng lớn và khiến cả gian giữa chói lóa. Erika cảm thấy khoan khoái, như được ru êm bởi thứ âm sắc bảo bọc này.

Nhưng khoảnh khắc gia ân đó không kéo dài. Cô giật mình khi nghe thấy tiếng chuông báo hết giờ. Cô thu dọn sách vở không chút vội vã rồi chờ cho đến khi giảng đường váng tanh vắng ngắt mới rụt rè tiến lại gần Shapiro.

- Em làm gì ở đây thế Erika? Matthew ngạc nhiên khi trông thấy cô. Em đã học xong tín chỉ này từ năm ngoái rồi mà. Em không cần có mặt trong giờ giảng của tôi nữa.

- Em tới vì câu nói của Helen Rowland mà thầy vẫn thường trích dẫn.

Matthew nhướng mày tỏ ý không hiểu.

- “Những hành động điên rồ mà ta hối tiếc nhất là những hành động điên rồ ta không thực hiện khi có cơ hội.”

Rồi cô thu hết can đảm để tỏ bày.

- Để không phải hối tiếc, em muốn thực hiện một hành động điên rồ. Đây ạ, thứ Bảy tuần tới là sinh nhật em và em muốn... Em muốn mời thầy ăn tối.

Matthew mở to mắt và ngay lập tức cố gắng thuyết phục cô sinh viên:

- Em là một cô gái thông minh, Erika, vậy nên em thừa biết có ít nhất hai trăm năm mươi lý do để tôi từ chối lời mời của em.

- Nhưng thầy vẫn muốn đi chứ ạ? - Xin em đừng cố nài, anh ngắt lời cô.

Erika cảm thấy nỗi xấu hổ dâng lên mặt. Cô vẫn ấp úng vài lời xin lỗi trước khi rời khỏi giảng đường.

Matthew vừa thở dài vừa khoác áo măng tô và quàng thêm khăn rồi cũng rời khỏi giảng đường.

* * *

Với những thảm cỏ rộng rãi, những tòa nhà gạch nâu uy nghiêm và những tiêu ngữ bằng tiếng Latin gắn trên các trán tường, Harvard mang vẻ sang trọng và vĩnh hằng của các trường đại học Anh quốc.

Ngay khi ra đến bên ngoài, Matthew liền cuộn một điếu thuốc, châm lửa hút rồi nhanh chóng rời khỏi Sever Hall. Túi quai chéo đeo trên vai, anh băng qua Yard, khoảng sân cỏ rộng thênh thang nơi khởi đầu một mê cung các lối mòn uốn lượn trên nhiều cây số dẫn tới các phòng học, các thư viện, các bảo tàng và ký túc.

Khuôn viên trường chìm trong thứ ánh sáng mùa thu mỹ lệ. Từ mười ngày nay, thời tiết đặc biệt ấm áp so với lệ thường và ánh nắng chan hòa tặng cho người dân New England một quãng thời gian cuối thu vừa muộn màng vừa dễ chịu.

- Thầy Shapiro! Cẩn thận!

Matthew ngoảnh về phía giọng nói vừa gọi mình. Một quả bóng bầu dục đang rơi nhằm thẳng hướng anh. Anh bắt được quả bóng vừa kịp lúc và ném trả cho thủ quân đang ra hiệu xin lại bóng.

Máy tính xách tay mở sẵn đặt trên đầu gối, sinh viên đã ngồi kín tất cả các băng ghế ở sân Yard. Trên thảm cỏ, những tràng cười loang ra và những cuộc trò chuyện đang hồi sôi nổi. Ở đây hơn bất cứ nơi nào khác, các quốc tịch trộn lẫn với nhau hòa hợp, và sự pha trộn về văn hóa được xem như một tài sản. Vả chăng, đỏ rượu vang và xám, hai màu hộ mệnh của ngôi trường đại học nổi tiếng, vẫn hiển thị trên các áo khoác, áo nỉ và túi thể thao: tại Harvard, tinh thần thuộc về một cộng đồng vượt lên trên mọi khác biệt.

Matthew vừa rít thuốc vừa đi qua trước Massachusetts Hall, khối nhà đồ sộ với kiểu kiến trúc phong cách Georgia bên trong là hệ thống văn phòng điều hành và cả ký túc xá sinh viên năm nhất. Đứng nơi bậc thềm, cô Moore, trợ lý hiệu trưởng, đang quắc mắt nhìn anh, ánh mắt giận dữ kèm theo một lời khiển trách (“Anh Shapiro, tôi phải nhắc anh bao nhiêu lần nữa đây về quy định cấm hút thuốc trong trường...”) rồi một bài diễn văn về các tác hại của thuốc lá.

Mắt nhìn không chớp và nét mặt thản nhiên, Matthew lờ cô ta đi. Trong giây lát ngắn ngủi, anh định trả lời cô ta rằng cái chết là quá nhỏ nhoi so với những nỗi ưu tư của anh, nhưng anh đổi ý và rời khỏi khuôn viên trường đại học qua lối cổng lớn dẫn ra quảng trường Harvard.

* * *

Ồn ĩ như một tổ ong, quảng trường trên thực tế là một khu đất rộng thênh thang bao quanh là cửa hàng cửa hiệu, hiệu sách, các nhà hàng nhỏ và các quán cà phê có sân hiên nơi sinh viên và giáo viên tán chuyện trên trời dưới bể hoặc tiếp tục giờ học của họ. Matthew lục túi lấy ra bản đồ tàu điện ngầm. Anh vừa tiến vào lối dành cho người đi bộ để tới trạm chữ T - red line đảm bảo giao thông tới khu vực trung tâm Boston trong chưa đầy mười lăm phút - thì một chiếc Chevrolet Camaro cũ kỹ với tiếng động cơ vang rền lao ra góc đường nơi đại lộ Massachusetts giao với phố Peabody. Thầy giáo trẻ giật mình và bước lùi lại phía sau để không bị chiếc xe hai cửa màu đỏ rực tông phải, nó dừng lại ngang tầm anh trong tiếng lốp nghiến sào sạo.

Cửa kính trước hạ xuống để lộ ra mái tóc màu hung của April Ferguson, người sống chung nhà với anh kể từ ngày vợ anh qua đời.

- Xin chào, anh chàng tóc nâu đẹp trai, em chở anh về nhé?

Tiếng vù vù của động cơ V8 lạc lõng trong không gian sinh thái chỉ hòa hợp với những tính năng của xe đạp và các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện.

- Anh muốn về bằng phương tiện giao thông công cộng hơn, anh từ chối. Em lái xe cứ như đang chơi trò chơi điện tử ấy!

- Thôi nào, đừng có tỏ ra sợ sệt thế chứ. Em lái rất chuẩn và anh biết như thế mà!

- Đừng cố nài. Con gái anh đã mất mẹ. Anh muốn tránh cho con bé cái cảnh mồ côi cả bố lẫn mẹ vào lúc bốn tuổi rưỡi.

- Ôi, thôi nào! Anh đừng nói quá lên thế chứ! Đi nào, chàng nhát gan, khẩn trương lên! Em đang gây tắc nghẽn giao thông rồi đây này!

Bị những tiếng còi xe thúc giục, Matthew thở dài rồi nhẫn nhịn ngồi vào chiếc Chevrolet.

Anh vừa kịp gài dây an toàn thì chiếc Camaro đã bất chấp tất cả các quy định an toàn mà thực hiện một cú vòng xe nguy hiểm để phóng như bay về mạn Bắc.

- Boston ở hướng kia cơ mà! Anh vừa cự lại vừa bám vào cửa xe.

- Em chỉ vòng qua Belmont một lát thôi. Cách có mười phút chạy xe. Anh đừng lo cho Emily. Em đã nhờ cô trông trẻ ở lại thêm một tiếng nữa rồi.

- Mà thậm chí không nói qua cho anh biết ư? Anh báo trước, anh...

Cô gái mau chóng sang hai số rồi bất thần tăng tốc khiến Matthew phải ngừng lời. Một khi đã đạt vận tốc ổn định, cô nàng quay sang anh rồi đưa cho anh một kẹp tài liệu đựng các bức vẽ.

- Anh cứ hình dung là có lẽ em đã tìm được khách hàng cho tranh in bằng bản khắc gỗ của Utamaro, cô nói.

April đang điều hành một gallery nghệ thuật trong khu Soulh End: một địa điểm triễn lãm chuyên về nghệ thuật tình dục. Cô nàng thực sự có tài trong vỉệc tìm ra những tác phẩm còn chưa được đánh giá đúng mức để bán lại chúng và thu về những khoản lợi nhuận đáng kể.

Matthew gạt dây chun ra và thấy một lớp bọc bằng chiffon nguyên chất bảo vệ bức tranh in tay của Nhật. Một bức shunga[1] có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII tái hiện một kỹ nữ và một trong số khách hàng của nàng đang miệt mài thực hiện một màn giao cấu vừa dâm dục vừa điêu luyện. Tính chất sống sượng của cảnh tượng được tiết giảm nhờ vẻ duyên dáng của nét khắc và độ phong phú của các họa tiết vải. Gương mặt của nàng geisha duyên dáng và thanh thoát đến mê hồn. Cũng là chuyện dễ hiểu nếu sau đó thể loại tranh khắc này có ảnh hưởng sâu rộng đến thế tới Klimt cũng như Picasso.

[1] Tranh tình dục khắc gỗ của Nhật Bản. (Chú thích của tác giả)

- Em có chắc mình muốn xa bức tranh này không?

- Em đã nhận được một lời đề nghị khiến người ta không thể từ chối, cô tuyên bố, bắt chước giọng Marlon Brando trong Bố già.

- Của ai thế?

- Một nhà sưu tập có số má người châu Á ghé qua Boston để thăm con gái. Có vẻ như ông ta đã sẵn sàng tiến hành thương vụ, nhưng chỉ còn lưu lại thành phố một ngày. Một cơ hội như thế này có lẽ không sớm lập lại...

Chiếc Chevrolet đã rời khu phố đại học. Nó đi theo đường tắt chạy dọc Fresh Pond – hồ lớn nhất của Cambridge – trên nhiều cây số trước khi tới Belmont, một khu đô thị nhỏ ở phía Tây Boston. April nhập một địa chỉ vào thiết bị GPS rồi đi theo chỉ dẫn tới tận một khu phố sang trọng và ấm cúng: một ngôi trường cây cối bao quanh nằm kề một khu vui chơi ngoài trời, một công viên và các sân thể thao. Thậm chí ở đó còn có một người bán kem dạo như bước thẳng từ thập niên 1950 ra. Bất chấp biển báo cấm rõ rành, chiếc Camaro vượt xe buýt chở học sinh rồi đỗ trong một con phố yên tĩnh có nhà cửa hai bên.

- Anh đi cùng em chứ? cô vừa hỏi vừa lấy lại tập tranh. Matthew lắc đầu.

- Anh thích ngồi trong xe đợi em hơn.

- Em sẽ cố gắng xong việc thật nhanh, cô hứa trong lúc chỉnh lại tóc trong gương chiếu hậu, để lại một lọn tóc quăn che mắt phải theo kiểu Veronica Lake.

Rồi cô lấy từ túi xách ra một thỏi son, mau chóng trang điểm lại trước khi hoàn thành tác phẩm người phụ nữ quyến rũ mê hồn bằng cách chỉnh lại chiếc áo khoác da màu đỏ ôm sát lấy chiếc áo phông cổ khoét sâu.

- Em không sợ làm hơi quá đà sao? Anh chọc cô.

- “Em đâu có xấu, em chỉ bị vẽ thành thế này thôi”, cô nũng nịu bắt chước giọng nói và lời đáp của Jessica Rabbit.

Rồi cô duỗi đôi chân dài miên man được quần legging ôm sát để ra khỏi xe.

Matthew nhìn cô đi xa dần rồi bấm chuông ngôi nhà bề thế nhất phố. Xét trên thang bậc gợi tình, April không xa nấc thang cao nhất - số đo các vòng hoàn hảo, vòng eo thắt đáy lưng ong, bộ ngực nở nang đáng mơ ước, nhưng hiện thân của những ảo tưởng dành cho nam giới này lại chỉ thích phụ nữ và công khai đề cao sở thích tình dục đồng giới của bản thân.

Vả chăng, đây chính là một trong những lý do để Matthew chấp nhận cho cô thuê chung nhà, vì biết rằng giữa họ sẽ không bao giờ có một sự nhập nhằng nào dù nhỏ nhất. Thêm nữa, April lại hài hước, thông minh và tinh nghịch. Dĩ nhiên cô nàng có tật xấu, giọng lưỡi thì hoa mỹ và khi giận dữ cũng ghê gớm, nhưng hơn ai hết cô nàng biết làm nụ cười hiện hữu trở lại trên môi con gái anh, và đối với Matthew thì điều đó quả là vô giá.

Còn lại một mình, anh liếc sang phía bên kia con phố. Một bà mẹ cùng hai đứa con đang trang trí vườn nhà nhân dịp lễ. Anh chợt nhận ra rằng chưa đầy một tuần nữa là tới Giáng sinh và ghi nhận này nhấn chìm anh trong một cảm giác lẫn lộn giữa buồn phiền và hoảng loạn. Anh hãi hùng nhìn thấy hiện ra trước mắt ngày giỗ đầu của Kate: cái ngày 24 tháng Chạp năm 2010 bi thảm ấy đã khiến cuộc sống của anh lộn nhào xuống vực thẳm đớn đau rã rời.

Ba tháng đầu sau vụ tai nạn, nỗi đau không để anh ngơi nghỉ chút nào, nó tàn phá anh từng giây: một vết thương hở hoác, vết cắn của một con ma cà rồng hẳn đã hút sạch sự sống trong anh. Để chấm dứt khổ hình này, anh đã nhiều lần bị một giải pháp trệt để cám dỗ: gieo mình qua cửa sổ, thắt cổ bằng dây thừng, tu một ly cocktail pha thuốc ngủ, tự bắn vào đầu... Nhưng mỗi lần như thế, viễn cảnh về nỗỉ đau mình sẽ gây ra cho Emily lại ngăn anh biến suy nghĩ thành hành động. Đơn giản là anh không có quyền tước đi người cha của con gái mình và hủy hoại đời con bé.

Tiếp đó, cuộc nổi dậy của những tuần đầu đã nhường chỗ cho một đường hầm dài sầu muộn. Cuộc sống đã dừng lại, đã ngưng đọng trong nỗi chán nản, đã đóng băng trong cảnh khốn cùng dài hạn. Matthew không gây chiến nữa, anh đơn giản là bị hạ gục, bị cảnh tang tóc nghiền nát, bị cấm cung với cuộc đời. Nỗi mất mát vẫn không thể chấp nhận nổi. Tương lai không còn tồn tại.

Tuy thế anh vẫn cố gắng ghi danh vào một nhóm hỗ trợ theo lời khuyên của April. Anh đi tham dự một buổi, cố gắng bày tỏ nỗi đau của mình thành lời và chia sẻ nó với những người khác, nhưng anh không bao giờ đặt chân tới đó nữa. Chạy trốn lòng trắc ẩn ngụy tạo, những câu nói sáo rỗng hay những bài học về cuộc sống, anh tách mình ra, lang thang trong cuộc sống của mình như một bóng ma, để mình trôi giạt trong hàng tháng trời, không dự định, rã rời.

Tuy nhiên, kể từ vài tuần nay, không thể nói rằng anh “như sống lại” được, nhưng dường như nỗi đau dịu lại trong anh. Mỗi sáng thức dậy vẫn khó khăn, nhưng một khi tới Harvard, anh vẫn gạt thiên hạ bằng cách đảm bảo các giờ giảng, tham gia các cuộc họp định hướng với đồng nghiệp, dĩ nhiên là ít hào hứng hơn trước nhưng vẫn trụ vững.

Như thế không phải là anh tự vực dậy mà đúng hơn là anh dần dần chấp nhận tình trạng của bản thân, bằng cách dùng chính một vài khái niệm trong bài giảng của mình. Thấm nhuần thuyết định mệnh khắc kỷ và vô thường của đạo phật, từ đây anh nhìn nhận cuộc sống như nó vẫn có: điều gì đó rất mực mong manh và bất định, một tiến trình thường xuyên biến động. Không có gì bất biến, hạnh phúc lại càng không. Hạnh phúc vốn mong manh như thủy tinh, có lẽ chỉ kéo dài một khoảnh khắc, ta không nên coi nó như một thành quả.

Anh dần lấy lại niềm ham sống qua những điều nhỏ nhặt: một cuộc dạo chơi dưới nắng cùng Emily, một trận bóng đá cùng các sinh viên, một câu đùa đặc biệt duyên dáng của April. Những tín hiệu an ủi đã khuyến khích anh giữ khoảng cách với nỗi đau và xây dựng một con đê ngăn chặn nỗi buồn.

Nhưng khoảng tạm lắng này rất mong manh. Nỗi đau luôn rình rập, sẵn sàng thộp lấy họng anh. Chỉ cần một việc không đâu cũng đủ để nó bất ngờ túm được anh, phát cuồng và đánh thức những ký ức tàn khốc: một người phụ nữ gặp trên phố phảng phất mùi nước hoa giống Kate hoặc thậm chí là mặc áo khoác ngoài giống cô, một ca khúc nghe trên đài nhắc nhớ những ngày tháng hạnh phúc, một bức ảnh kẹp trong sách nay tìm lại được...

Những ngày gần đây thực khó nhọc, báo hiệu một cơn tái phát. Gần đến ngày giỗ Kate, những đồ trang trí và bầu không khí sôi động gắn với công việc chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm, mọi thứ đều nhắc anh nhớ đến vợ.

Từ một tuần nay, đêm nào anh cũng giật mình tỉnh giấc, tim đập thình thịch, mồ hôi đầm đìa, lần nào cũng bị cùng một ký ức đó ám ảnh: cảnh tượng giống như cơn ác mộng về những giây phút cuối đời của vợ anh. Matthew đã có mặt khi Kate được đưa tới bệnh viện nơi các đồng nghiệp của cô - cô vốn là bác sĩ - không thể giúp cô hồi sinh. Anh đã chứng kiến cái chết tàn nhẫn cướp đi của anh người phụ nữ anh yêu dấu. Họ mới chỉ có được bốn năm hạnh phúc viên mãn. Bốn năm thấu hiểu nhau sâu sắc quãng thời gian chỉ vừa đủ để đặt cột mốc cho một câu chuyện mà họ sẽ không được trải nghiệm. Anh dám chắc một cuộc gặp gỡ như thế chỉ đến duy nhất một lần. Và anh không thể chịu nổi ý nghĩ đó.

Mắt ngân ngấn nước, Matthew nhận ra anh đang xoay chiếc nhẫn cưới mình vẫn đeo ở ngón áp út. Ngay lúc này, anh đang vã mồ hôi còn tim anh nện thình thịch trong lồng ngực. Anh hạ cửa kính chiếc Camaro xuống, tìm một vỉ thuốc chống trầm cảm trong túi quần jean rồi đặt viên thuốc bên dưới lưỡi. Viên thuốc tan dần, mang lại cho anh một trợ lực hóa học làm dịu đi nỗi bồn chồn của anh sau khoảng vài phút. Anh nhắm mắt, day day mí rồi hít thở sâu. Để hoàn toàn bình tĩnh lại, anh cần hút thuốc. Anh ra khỏi xe, chốt cửa lại rồi tản bộ vài bước trên vỉa hè trước khi châm một điếu thuốc lá rồi rít một hơi dài.

Vị đắng của chất nicotin phủ lên họng anh. Tim anh đập đều đặn trở lại và anh đã cảm thấy dễ chịu hơn. Anh thưởng thức điếu thuốc với hai mắt nhắm nghiền, mặt ngước lên đón cơn gió nhẹ cuối thu. Thời tiết ôn hòa. Anh nắng chiếu xuyên qua những tán cành. Không khí êm dịu gần như đáng ngờ. Anh đứng bất động như thế vài phút trước khi mở mắt. Ở đầu phố, một đám đông đã tụ lại trước một ngôi nhà. Anh tò mò tiến lại gần ngôi nhà đồng quê điển hình cho phong cách New England: một cơ ngơi rộng rãi trang trí rườm rà bằng gỗ lát, tô điểm bằng phần mái kiểu giáo đường với quá nhiều cửa sổ. Trên bãi cỏ trước nhà, người ta đang tổ chức một dạng chợ trời. Một kiểu “tổng thanh lý dọn nhà” đặc thù của xứ sở này nơi người dân chuyển chỗ ở trung bình hơn mười lăm lần trong đời.

Matthew hòa mình vào đám đông hiếu kỳ đang săm soi bãi cỏ rộng khoảng một trăm thước vuông. Dẫn dắt cuộc bán chác là một người đàn ông trạc tuổi anh, hói đầu và đeo cặp kính nhỏ vuông vức, vẻ mặt nhăn nhó và ánh mắt lẩn lút. Mặc đồ đen từ đầu đến chân, anh ta trông cứng đờ và khắc khổ như một tín đồ phái Giáo hữu. Bên cạnh anh ta là một con chó giống Shar-pei màu vàng cát đang mài răng với một khúc xương nhựa.

Đến giờ tan học, thời tiết thuận lợi đã thu hút đông người đến tìm những món hời. Các quầy đầy ắp những đồ tạp nham: mái chèo bằng gỗ, túi đựng gậy gôn, gậy và găng bóng chày, đàn ghi ta cũ hiệu Gibson... Dựng tựa vào một hàng giậu, chiếc xe đạp BMX, món quà Giáng sinh không thể thiếu hồi đầu thập niên 1980, rồi xa hơn nữa, những đôi giày patin và ván trượt. Matthew lục lọi giữa các gian hàng một lúc, tìm ra một loạt đồ chơi nhắc anh nhớ lại thời thơ ấu: cái yo yo bằng gỗ sáng màu, khối rubic, Hà mã ham ăn, bảng giải mã Mastermind, đĩa bay Frisbee, hình nhồi bông E.T người ngoài hành tinh, tượng nhỏ các nhân vật trong Chiến tranh giữa các vì sao... Giá thì rẻ như bèo; rõ ràng người bán muốn tống khứ thật nhanh càng nhiều đồ càng tốt.

Matthew đang chuẩn bị rời khỏi khu chợ trời thì bỗng trông thấy một chiếc máy vi tính. Đó là một mẫu máy tính xách tay: một chiếc MacBook Pro, màn hình mười lăm inch. Không phải phiên bản mới nhất của mẫu này mà là phiên bản trình làng trước đó hoặc trước nữa. Matthew tiến lại gần và xem xét kỹ toàn bộ chiếc máy tính. Phần vỏ nhôm của máy đã được người chủ cũ để lại dấu ấn bằng một tấm đề can nhựa cứng dán phía sau màn hình. Tấm dán thể hiện một dạng nhân vật kiểu Tim Burton[2]: một nàng Eva cách điệu hóa và gợi cảm dường như đang cầm trong tay biểu tượng hình quả táo của nhãn hiệu máy tính lừng danh. Bên dưới bức tranh minh họa, ta có thể đọc thấy chữ ký “Emma L.” nhưng không mấy rõ chữ ký đó thuộc về người nghệ sĩ vẽ tranh hay người chủ cũ của chiếc máy tính.

[2] Timothy Walter Burton (1958): đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch tài năng, nổi danh với những bộ phim như Người dơi, Hành tinh khỉ, Charlie và nhà máy sô cô la, Cô dâu ma, Alice lạc vào xứ sở thần tiên… (Mọi chú thích nếu không có lưu ý gì thêm đều là của người dịch)

Tại sao lại không nhỉ? anh vừa nghĩ vừa nhìn nhãn giá. Chiếc Powerbook cũ của anh vừa đi tong hồi cuối hè. Đúng là ở nhà anh có một chiếc máy tính để bàn, nhưng anh cũng cần một chiếc máy tính xách tay mới để dùng riêng. Thế mà từ ba tháng nay, anh cứ không ngừng trì hoãn khoản tiêu pha này.

Mức giá đề xuất cho chiếc máy tính xách tay là 400 đô. Một khoản tiền anh cho là hợp lý. Thật đúng lúc: vào thời điểm này, anh không dư dả gì cho cam. Tại Harvard, mức lương giảng viên của anh khá thoải mái, nhưng sau khi Kate qua đời, anh muốn bằng mọi giá giữ lại căn nhà của họ trên Beacon Hill, ngay cả khi anh thực sự không còn đủ khả năng tài chính. Anh quyết tâm tìm một người thuê chung, nhưng ngay cả khi đã có thêm khoản tiền thuê April trả cho, những khoản nợ phải hoàn trả đã ngốn hết ba phần tư thu nhập của anh nên anh phải lựa bề xoay xở đủ đường mới đủ chi tiêu. Thậm chí anh còn buộc phải bán đi chiếc xe mô tô cổ: một chiếc Triumph đen 1957 vốn là niềm hãnh diện của anh.

Anh lại gần người bán rồi chỉ cho anh ta chiếc MacBook.

- Chiếc máy tính kia còn chạy tốt chứ?

- Không, đó chỉ là một vật trang trí thôi... Dĩ nhiên nó vẫn chạy, nếu không tôi đã chẳng bán với giá đó! Đó là máy tính xách tay cũ của em gái tôi, nhưng chính tôi đã định dạng lại ổ cứng và cài đặt lại hệ điều hành. Giờ nó như mới vậy.

- Nhất trí, tôi sẽ mua, Matthew quyết định sau vài giây lưỡng lự.

Anh lục ví. Anh chỉ mang theo có 310 đô. Dù ngại anh vẫn cố mặc cả, thế nhưng người đàn ông kia lại từ chối hết sức kiên quyết. Phật lòng, Matthew nhún vai. Anh đang định quay gót thì nhận ra giọng nói hồn nhiên vui tươi của April vang lên ngay sau lưng.

- Để em mua tặng anh! Cô nói rồi ra hiệu giữ người bán lại.

- Em không cần phải làm thế đâu!

- Để ăn mừng em bán được bản tranh khắc kia mà!

- Em bán được với giá dự kiến chứ?

- Vâng, nhưng không phải dễ dàng gì. Gã đó nghĩ là với mức giá ấy, gã cũng phải được hưởng một trong các tư thế Kamnsutra cơ đấy!

-“Đàn ông bất hạnh đều là do không biết dừng lại nghỉ ngơi trong một phòng ngủ.”

- Woody Allen hả?

- Không, Blaise Pascal.

Người bán hàng đưa cho anh chiếc máy tính anh ta vừa đóng vào hộp bìa đi kèm. Matthew gật đầu cảm ơn anh ta trong khi April thanh toán khoản tiền như đã hứa. Rồi họ khẩn trương ra xe.

Matthew nài nỉ xin được lái xe. Trên đường quay về Boston, kẹt trong những đám tắc đường, anh không ngờ rằng món đồ vừa mua sẽ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện