Dòng tư tưởng của James Starr đột ngột bị cắt đứt sau khi đọc xong lá thư thứ hai, lá thư có nội dung mâu thuẫn với lá thứ nhất.

“Thế này là nghĩa làm sao chứ?” Ông tự hỏi.

James Starr bèn xem lại chiếc phong bì đã bị bóc. Cũng như bức thư thứ nhất, lá thư này cũng mang con dấu của bưu cục Aberfoyle. Như vậy nó đã được gửi đi từ cùng một nơi trong quận Stirling. Chắc chắn không phải viên đốc công già đã viết bức thư thứ hai.

Nhưng, chắc chắn là tác giả bức thư thứ hai phải biết điều bí ẩn mà ông đốc công già định thông báo cho ông, bởi vì hắn ta tỏ ra cương quyết ngăn cản ông kỹ sư đừng tới chỗ hẹn, tức là tới khu giếng Yarow.

Vậy, có đúng là thông tin thứ nhất giờ đây là không còn ý nghĩa? Vì mục đích nào mà kẻ nặc danh lại khuyên ông đừng bận tâm về lá thư thứ nhất? Liệu có một động cơ đen tối nào đã khiến hắn ta cố tình ngăn cản thiện ý của Simon Ford? Đó là những gì đã làm James suy nghĩ từ lúc đọc lá thư thứ hai. Sự mâu thuẫn giữa hai lá thư chỉ càng làm cho ông quyết tâm đi tới hố Dochart bằng được. Vả lại, nếu trong tất cả các sự việc nói trên, có một sự mờ ám nào đó, thì lại càng cần phải đến đó xem sao.

“Thực ra, nếu có kẻ nào đó tìm cách ngăn cản quyết định của ta, thì điều đó chỉ chứng tỏ là cái thông tin của ông Simon Ford có một tầm quan trọng đặc biệt! Ngày mai, ta sẽ đi tới chỗ hẹn vào thời gian thích hợp!”

Tối hôm đó, James Starr chuẩn bị hành trang lên đường. Tiên liệu được sự vắng mặt của mình có thể kéo dài vài ngày, ông thông báo bằng thư cho Đức Ông W.Elphiston, chủ tịch hội “Royal Institution” rằng ông không thể có mặt trong phiên họp tới của Hội. Ông cũng phải bỏ hai hoặc ba mối làm ăn vì chúng sẽ làm ông mất thì giờ trong cả tuần lễ tới.

Ngày hôm sau, vào lúc năm giờ sáng, James Starr nhảy ra khỏi giường ngủ, mặc quần áo ấm - vì ngoài trời mưa lạnh - đoạn ông ra khỏi ngôi nhà ở phố Canongate, đi tới bến cảng Granton-pier để đáp tàu thủy ngược dòng sông Forth tới quận Stirling.

Vài phút sau, James Starr đã tới nhà ga xe lửa “General Railway” và sau nửa giờ ông đã có mặt tại Newhaven một làng chài xinh đẹp cách cảng Leith một dặm đường. Bến tàu này chính là hải cảng của Edimbourg. Lúc này thủy triều đang lên, che khuất bãi tắm đầy đá. Những con sóng đầu tiên đang dâng lên làm ngập chìm cả kè đá. Về phía bên trái có một chiếc tàu thủy đang buông neo nơi cầu tàu Granton. Chiếc tàu này chuyên chờ khách từ Edimbourg đi Stirling, dọc theo sông Forth.

Vào giờ này, ống khói của chiếc tàu mang tên “Hoàng tử xứ Galle” đang nhả ra những cuộn khói đen kịt và máy tàu đã nổ rền vang.

James Starr chưa phải là hành khách sau cùng bước lên tàu. Ông nhanh nhẹn nhảy lên cầu tàu. Mặc dù lúc này mưa vẫn rơi nặng hạt nhưng không có hành khách nào chịu vào phòng khách của tàu. Họ ngồi yên, và phủ những tấm mền dành cho khách đi tàu; một vài người còn nhấm nháp rượu mạnh cho ấm bụng. Tiếng chuông báo hiệu giờ khởi hành đã reo vang, và con tàu nhổ neo, rời nơi trú ẩn để lao mình trên những đợt sóng của vùng biển Bắc.

Vịnh Firth of Forth là tên người ta đặt cho vùng biển tạo nên các nhánh sông của quận Fife phía Bắc, và các nhánh sông quận Edimbourg phía Nam. Nó hợp thành cửa sông Forth, một con sông không mấy quan trọng, cũng giống như sông Tamise nhưng nước sâu hơn. Sông này, khi ra đến biển, đổ vào đại dương tại Kincardine.

Hành trình này cũng nhanh chóng thôi, nếu tàu không phải ghé vào các bến phụ để đổ khách và đón khách mới. Hai bên bờ con sông Forth có nhiều làng mạc, nhà cửa trải dài giữa những đám cây và những cánh đồng phì nhiêu. James Starr ngồi núp mưa dưới chiếc cầu tàu, chẳng buồn ngắm nhìn phong cảnh trên bờ đang chìm ngập trong mưa mà dành thời gian để quan sát đám hành khách chung quanh, xem có ai để ý đến mình không. Biết đâu, tác giả của lá thư nặc danh lại không quanh quất đâu đây, ngay trên tàu này. Tuy nhiên ông không hề bắt gặp một ánh mắt dò xét nào.

Chiếc tàu “Hoàng tử xứ Galle”, sau khi rời cảng Granton, liền hướng tới một eo biển hẹp mà con sông Forth đằng sau trông nó giống như một cái hồ, hồ này có thể để cho những con tàu với tải trọng hàng trăm tấn đi qua. Xa xa, thấp thoáng trong sương mù những đỉnh núi phủ tuyết trắng của dãy Grampian.

Thời tiết lúc này rất xấu. Nước mưa được các làn gió biển thổi, làm thành một bức màn trắng đục bao phủ cảnh vật.

James Starr vẫn không hết băn khoăn lo lắng. Con trai người đốc công già, cậu thanh niên tên Harry không biết có đến chỗ hẹn đúng giờ? Kinh nghiệm sống của đời ông cho biết một điều là các thợ mỏ, vì quen sống trong cảnh tĩnh lặng dưới hầm mỏ nên họ chịu đựng những đỏng đảnh của thời tiết kém hơn những cư dân làm ruộng ở thôn quê. Từ Callander đến hố Dochart và giếng Yarow, xa đến bốn dặm. Với thời tiết mưa gió như thế này, rất có thể anh con trai viên đốc công già sẽ đến muộn. Còn lý do nữa để ông kỹ sư lo lắng là nội dung của bức thư nặc danh lại phủ nhận cái hẹn này. Và có thể nói đó là mối lo lớn nhất.

Dù sao chăng nữa, nếu thằng Harry không có mặt ở chỗ hẹn là nhà ga Callander thì James Starr cũng sẽ tự mình đi tới vùng hố Dochart; và nếu cần ông có thể đi tận đến làng Aberfoyle. Lúc đó, chắc chắn ông sẽ có được tin tức về Simon Ford và ông sẽ biết nơi ở của người đốc công già.

Con tàu “Hoàng tử xứ Galle” ngừng lại ở bến Alloa cho vài hành khách lên bờ. James Starr cảm thấy lòng mình se lại khi tàu đi qua cái thành phố nhỏ bé này sau mười năm xa cách, nơi đây là trung tâm khai thác than, đã nuôi sống phần lớn cư dân trong vùng.

Trí tưởng tượng đã đưa ông vào trong lòng đất, nơi mà những chiếc cuốc chim của những người thợ mỏ vẫn còn đang tiếp tục sinh lợi cho cả vùng. Trong khi hầm mỏ ở Alloa vẫn liên tục làm giàu cho quận, thì những vỉa than lân cận chẳng còn bóng dáng một người thợ mỏ nào.

Chiếc tàu thủy, sau khi rời cảng Alloa, liền đi vào nhiều khúc quanh của dòng sông Forth, kéo dài trên mười chín dặm. Nó lao đi vun vút giữa những rặng cây phủ kín đôi bờ sông; chỉ giây lát sau đó, trước mặt hành khách hiện ra khung cảnh hoang tàn của tu viện Cambuskenneth được xây dựng từ thế kỷ thứ XII. Tiếp đến là lâu đài Stirling, tức cung điện cổ xưa, nơi con sông Forth bị hai cây cầu chắn ngang, khiến những con tàu có cột buồm cao không còn lưu thông được nữa.

Khi chiếc “Hoàng tử xứ Galle” vừa cặp bến, người kỹ sư nhảy ngay lên bờ. Năm phút sau ông đã tới nhà ga Stirling và thêm một tiếng đồng hồ nữa thì ông xuống tàu ở ga Callander, đây là một ngôi làng lớn bên hữu ngạn sông Teith.

Ngay trước nhà ga có một thanh niên đang đứng đợi và ngay sau đó bước lại phía ông kỹ sư.

Đó chính là Harry, con trai của Simon Ford.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện