Hạ Tưởng nhớ rõ bắt đầu từ bây giờ đến đời sau, bất động sản Thành phố Yến bắt đầu phát triển rất mạnh, gần như chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là cải tạo thôn nội đô khiến xây dựng rất nhiều nhà cửa, một loạt tiểu khu trong thôn nội đô được dựng lên, giá nhà cũng từ 2000 tăng lên đến 4000, 5000 tệ, luôn cao gấp mười lần thu nhập của dân chúng. Giai đoạn thứ hai là khi thành phố Yến đưa ra chiến lược phát triển toàn thành phố về phía Đông Nam, kết quả đại quân bất động sản do Thành Đạt Tài cầm đầu toàn lực tiến về các khu Đông Nam của Thành phố Yến mà khai thác, rất nhiều tiểu khu mới được xây dựng. Kết quả mãi đến mười mấy năm sau Đông Nam phát triển vẫn không hợp ý người. Đường phố khu Khai Phát này rất rộng rãi nhưng cỏ mọc đầy. Trong đó ngoài mấy trường cao đẳng và mấy công ty không ra hồn thì toàn bộ dân cư ở đây không đến 100 ngàn, đưa mắt nhìn thì thấy đây là nơi yên tĩnh hiếm có ở các thành phố trong cả nước, thành nơi tốt nhất cho những đôi yêu nhau và tập xe.
Rất nhiều tiểu khu lúc ấy nói quá là rất đẹp nhưng để đó không dùng đạt đến tỉ lệ 70%. Yên tĩnh thì yên tĩnh nhưng ở đây đi mua đồ ăn nấu cơm cũng phải lái xe mất gần tiếng, cuộc sống không phải là theo đuổi việc hư ảo, mà cần ăn, mặc, ở, đi lại. Dù là ai cũng không thể chấp nhận sự yên tĩnh mà xa rời chốn phồn hoa của thành phố.
Cuối cùng là các công ty bất động sản ở khu Khai Phát này đóng cửa, thậm chí còn dẫn đến rất nhiều cuộc tranh cãi, còn có việc sở hữu nhà nhưng không thể chứng minh. Cuối cùng việc áp đảo toàn bộ các nhà đầu tư bất động sản chính là một quyết định của chính quyền tỉnh. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi trải qua nghiên cứu và thấy Thành phố Yến do nguyên nhân địa hình nên chính sách phát triển về phía Đông Nam là không phù hợp khoa học và sự phát triển của thời đại. Thành phố Yến nên phát triển về phía Tây Bắc. Kết quả chính sách vừa ban hành thì lập tức đào thải rất nhiều nhà đầu tư bất động sản cũ, lại có một đám nhà đầu tư bất động sản mới mọc lên, bắt đầu cuộc tiến quân về phía Tây Bắc.
Vì thế xuất hiện giai đoạn nóng bỏng về bất động sản thứ ba của Thành phố Yến.
Hậu quả của giai đoạn này như thế nào thì Hạ Tưởng không biết. Bởi vì hắn còn chưa thấy thành tựu của giai đoạn này thì đã sống lại vào năm 1998. Cho nên hắn nghe thấy Lý Đinh Sơn nhắc tới thành phố Yến, nhắc tới phương hướng phát triển của Thành phố Yến sau này, lại đề cập đến Trần Phong thì hắn liền lưu ý. Cao Hải dựa vào Trần Phong, chẳng lẽ về sau Trần Phong rơi đài sẽ liên quan đến tiền đồ chính trị của Cao Hải? Cho nên y về sau mới không thấy Cao Hải trong danh sách cán bộ lãnh đạo tỉnh, thành phố?
- Giám đốc Sở, Sở Phong Lâu của anh kinh doanh thế nào?
Hạ Tưởng động tâm và nhân cơ hội hỏi Sở Tử Cao.
Giọng Sở Tử Cao khá khàn, nghe như nói chuyện gần vậy:
- Số khách quá ít, giao thông không tiện, lại không có chỗ đỗ xe, bây giờ chỉ có thể miễn cưỡng duy trì mà thôi. Tôi hôm nay chính là muốn thử hỏi ý của Trưởng Ban thư ký xem trong hai năm có thể cải tạo đường Bằng Hữu không. Nếu đến năm 2000 mà không có hành động gì thì Sở Phong Lâu của tôi đành phải đóng cửa.
Sở Tử Cao lộ rõ vẻ lo lắng nhưng trong đó cũng có vài phần thành thật. Nhưng Hạ Tưởng cũng có thể đoán ra bây giờ y rất không tự tin. Vị trí Sở Phong Lâu ở phía bắc đường Bằng Hữu, phía Tây có sông Bách Tính, phía đông có bãi rác, phía Nam cách con đường Tân Hưng phồn hoa không xa. Chẳng qua phía bắc lại là con đường chết, không thông xe thì sẽ không có xe cộ qua lại, rất nhiều ô tô đều đi qua phía bắc đường Bằng Hữu mới đến được đường Tân Hưng, thường là rẽ phải hoặc rẽ trái, rất ít khi đến Sở Phong Lâu. Hơn nữa phía sau còn có bãi rác rất thối, có khách đến mới là lạ.
Không biết lúc ấy Sở Tử Cao sao lại nhìn trúng mảnh đất này, lựa chọn xây dựng Sở Phong Lâu ở đây. Bây giờ đã hơn năm trôi qua, cảnh vật xung quanh không có chút dấu hiệu cải thiện. Y cũng bắt đầu mất kiên nhẫn.
Hạ Tưởng nhìn Cao Hải. Cao Hải và Lý Đinh Sơn không biết đang nói chuyện gì mà mặt rất nghiêm túc, vẻ mặt suy nghĩ gì đó. Có lẽ là vài tin tức trong cuộc.
Y đoán Sở Tử Cao muốn từ miệng Cao Hải hỏi về công tác trọng điểm của Ủy ban nhân dân thành phố hai năm tới, có kế hoạch cải tạo phía bắc đường Bằng Hữu không? Chẳng qua xem ra Cao Hải vẫn chưa lộ tin.
Hạ Tưởng và Sở Tử Cao chạm chén. Mặc dù hắn không thích rượu Mao Đài vì hương quá nồng làm hắn đau đầu, chẳng qua vì lễ phép nên hắn vẫn cạn.
- Bãi rác sau Sở Phong Lâu rất nhanh sẽ rời đi, nếu không sẽ không phù hợp quy hoạch phát triển toàn thành phố. Bãi rác rời đi mà được duyệt thì Giám đốc Sở có ý tưởng gì không?
Hạ Tưởng tung mồi.
Sở Tử Cao do dự một chút rồi nói:
- Chủ yếu là ở chính sách ủng hộ của thành phố, có thể mở thông đường cụt ở phía bắc, tất nhiên có thể đưa tới xe cộ và người qua lại. Giá trị buôn bán ở đoạn phía bắc phố sẽ tăng lên nhiều, là có thể làm sống tất cả nhà hàng, khách sạn ở đây.
Có thể nói ra lời này có lẽ là Cao Hải đã lộ chút tin tức. Đây là thành phố có ý cải tạo phía bắc đường.
Đời sau phía bắc đường Bằng Hữu đúng là đến năm 2000 mới thông đoạn đường cụt, qua đó cứu sống tất cả các khách sạn, nhà hàng bao gồm cả Sở Phong Lâu. Đồng thời hình thành đoạn đường ẩm thực dài 500 mét. Nhưng bởi vì đường không rộng, mở rộng khó khăn nên vừa tới giờ ăn cơm là hai bên đường đỗ đầy xe khiến đi lại khó khăn. Đến trước khi Hạ Tưởng tái sinh lại thì vấn đề giao thông ở đoạn đường này vẫn chưa được cải thiện. Bởi vì cửa khách sạn đỗ xe chiếm mất lòng đường nên thường xuyên xuất hiện tranh cãi.
Theo Hạ Tưởng thấy thông đoạn đường cụt phía bắc là việc làm quá kém. Sau này khi Thành phố Yến xây dựng nhiều cầu vượt trong thành phố, làm như vậy giảm áp lực giao thông từ nam sang bắc thì đoạn đường này bị hạn chế tác dụng. Hơn nữa khi mạnh mẽ giải tỏa khiến cho các nhà bị giải tỏa bị tổn thất, khiến Ủy ban nhân dân thành phố đau đầu. Theo hắn nhớ thì hình như cải tạo công trình này là thành tích cuối cùng của Trần Phong. Ngày thông đường là ngày Trần Phong xong đời.
Chẳng lẽ đoạn đường gần 500 mét này làm cho mâu thuẫn của Cao Thành Tùng và Trần Phong hoàn toàn bộc phát?
Hạ Tưởng không có đánh giá với cách làm của Trần Phong. Nhưng Trần Phong có năng lực làm việc, mặc dù cách làm hơi thô bạo một chút nhưng đúng là làm nhiều việc vì dân. Nếu có thể thì hắn nguyện giúp Trần Phong làm được nhiều cống hiến cho Thành phố Yến.
- Thông đoạn đường cụt tuy rằng sẽ đả thông phía bắc phố nhưng tốn quá nhiều, cũng rất mất thời gian. Thành phố có lẽ đang khó khăn quyết định, nếu phải chờ đến khi thành phố quyết tâm ra tay thì ít nhất cũng phải đến năm 2000. Bởi vì bây giờ tất cả tâm trí của thành phố chủ yếu là cải tạo thôn nội đô, trong lúc nhất thời không thể quan tâm đến đoạn đường năm trăm mét ngắn ngủi này. Nếu đợi 2 năm nữa thì Giám đốc Sở có kiên nhẫn nổi không?
Sở Tử Cao cũng không đơn giản. Về sau y kiên trì hai năm, đến năm 2000 đường phía bắc được thông, Sở Phong Lâu của y cũng thành một trong những nhà hàng có ảnh hưởng ở Thành phố Yến. Đến cuối cùng còn mở ra vài chi nhánh coi như kiếm được một món lớn.
Sở Tử Cao mặt mày nhăn nhó, ánh mắt liếc nhìn Cao Hải mà bất đắc dĩ nói:
- Chúng tôi làm kinh doanh nhỏ thì làm sao có nhiều tài chính mà kiên trì lâu như vậy. Chỉ sợ dù kiên trì được cũng không thể dậy nổi.
Hạ Tưởng cười thầm một tiếng, Sở Tử Cao có quan hệ với Cao Hải, muốn dựa vào Cao Hải để lộ ra chút chính sách của thành phố, muốn y ảnh hưởng tới Thị trưởng để đưa ra quyết định cải tạo, đây là nằm mơ. Điều này không quan hệ tới sức ảnh hưởng của Cao Hải. Mặc dù là Trần Phong cũng sẽ không dễ dàng hay đổi các luận chứng trên nhiều khía cạnh trong quyết định. Hơn nữa Chính quyền là một người quản gia, phải suy xét nhiều mặt, làm sao đạt được nhiều lợi ích cho mọi người đó mới là quan trọng nhất.
- Tôi học Xây dựng nên bình thường cũng thích suy nghĩ, có một ý tưởng cũng chưa được chỉnh chu lắm có thể nói cho Giám đốc Sở nghe. Nhưng đây là nói trong bàn rượu, nếu nói không đúng thì cứ coi như uống vào nói say.
Hạ Tưởng liền đưa ra một tấm bia trước. Hắn không muốn Lý Đinh Sơn và Cao Hải cho rằng hắn quá kiêu ngạo, chẳng qua vừa khiêm tốn vừa phải lộ ra điều mình suy nghĩ.
- Thực ra quan trọng nhất của đoạn đường đó là bãi rác. Chỉ cần bãi rác chuyển đi là có thể làm sống lại cả con phố. Thông đoạn đường cụt tuy rằng sẽ tạo thành nhiều chỗ tốt đối với giao thông nam bắc Thành phố Yến, nhưng từ lâu dài sẽ không cần thiết bởi vì với cục diện thành phố bây giờ thì tương lai tất nhiên phải phát triển cầu vượt.
Hạ Tưởng còn chưa nói hết câu thì mặt Cao Hải đã hơi tái, dừng lại cuộc nói chuyện với Lý Đinh Sơn. Y có chút hứng thú nhìn Hạ Tưởng:
- Ý tưởng rất sáng tạo. Tiểu Hạ nói tiếp.
Hạ Tưởng không ngờ Cao Hải thính như vậy, có chút xấu hổ nói:
- Tôi chẳng qua chỉ là tùy tiện nói mà thôi, sao dám lọt vào tai của Trưởng Ban thư ký Cao? Trưởng Ban thư ký Cao không nên chú ý. Tôi chỉ là nói chuyện với Giám đốc Sở mà thôi. Nếu chẳng may nghe xong mà vui thì cho tôi thẻ giảm giá là tốt rồi, tôi không dám nói lung tung trước mặt ngài.
Cao Hải sờ bụng nói:
- Chẳng lẽ Đinh Sơn nho nhã nên anh cảm thấy anh ta có tài? Còn tôi tai to mặt lớn là người rất tầm thường?. Tiểu Hạ, không được từ hình dáng mà đoán con người. Tôi rất muốn nghe cao kiến của cậu.
Hạ Tưởng có ấn tượng tốt đối với Cao Hải, hắn cười cười khiêm tốn rồi gật đầu với Lý Đinh Sơn, thấy đối phương có vẻ khen ngợi liền mở miệng nói:
- Chỉ cần thành phố quyết định chuyển bãi rác đi, sau đó biến đoạn đường đó thành đường dành cho người đi bộ. Sau đó Giám đốc Sở có thể kết hợp với ông chủ mấy khách sạn, nhà hàng cùng bỏ ra vài trăm ngàn làm một quảng trường nhỏ ở khu vốn là bãi rác, rồi trồng hoa, cây xanh ở bãi đất ven sông Bách Tính, đặt ghế dài. Nếu tài chính nhiều thì xây dựng vài ba cái đình, có hoàn cảnh đẹp thì tự nhiên sẽ hấp dẫn dân xung quanh đến đi dạo, dòng người đông đúc thì không bao lâu sẽ hóa thành dòng khách đến khách sạn.
Hạ Tưởng có thể khẳng định bãi rác nhất định đang được đề cập để chuyển đi, muộn nhất là đầu năm sau sẽ đưa ra ngoài. Thực ra ở đoạn đường này quan trọng nhất là bãi rác nhưng bởi vì do ảnh hưởng của thời đại và hoàn cảnh nên cho dù là Thị trưởng có đầu óc rất giỏi cũng không thể có suy nghĩ xây dựng đường dành riêng cho người đi bộ. Thành phố Yến vốn lạc hậu hơn chục năm so với các thành phố phát triển ven biển mà.