Báo

MELBOURNE COURIER

Ngày 12 tháng Chín, 1950

HẦU TƯỚC GRAHAM TOWNSEND QUA ĐỜI

Đoàn xe tang dừng lại bên ngoài nhà thờ. Keith bước từ chiếc xe đi đầu xuống, đỡ tay mẹ, dìu bà leo lên bậc tam cấp, theo sau là các chị em gái của anh. Khi họ vào trong nhà thờ, những người dự lễ đứng cả dậy. Một người bõ già dẫn họ qua cánh gà tới hàng ghế đầu để trống. Keith cảm thấy nhiều đôi mắt như đang khoan vào da thịt anh với cùng một câu hỏi: "Cậu đã sẵn sàng chưa?". Lát sau, quan tài được khiêng vào và đặt trên giá trước bàn thờ Chúa.

Tổng giám mục Melbourne chủ trì buổi lễ, còn Cha xứ Charles Davidson đọc lời nguyện. Những bài thánh ca mà Hầu tước phu nhân Townsend chọn như "Hãy làm người hành hương", "Viên đá của các thời đại" rồi "Hãy dũng cảm chiến đấu" hẳn sẽ làm người chết ngậm cười nơi chín suối. David Jakeman, cựu Tổng biên tập tờ Courier đọc lời điếu. Ông nhắc đến nghị lực của Hầu tước Graham, lòng hăng say trong cuộc sống, không bao giờ tránh né thách thức, lòng thương yêu ông dành cho gia đình và mọi người sẽ thương nhớ ông khôn xiết. Ông kết thúc những lời buồn bã bằng việc nhắc mọi người rằng Hầu tước Graham để lại một con trai là người thừa kế của mình.

Sau lễ ban phước, Hầu tước phu nhân Townsend một lần nữa vịn tay con trai, theo sau là những người khiêng linh cữu ra khỏi nhà thờ, tiến về huyệt mộ.

"Tro lại trở về với tro. Cát bụi về với cát bụi", vị Tổng giám mục đọc lời giã biệt trong khi quan tài hạ xuống huyệt và những người phu mộ bắt đầu ném đất lên trên. Keith ngẩng đầu nhìn những người đang đứng vòng quanh huyệt mộ. Bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp, các chính khách, các đối thủ, những tay chuyên cá cược, thậm chí cả một con diều hâu đơn độc mà Keith nghi là mò đến chỉ để rỉa xương... tất thảy đều đang nhìn xuống đó.

Sau khi vị Tổng giám mục làm dấu thánh giá, Keith từ từ dìu mẹ trở lại xe. Trước khi đến chỗ xe đỗ, bà quay người nhìn những người đang im lặng đi theo sau. Suốt một giờ tiếp đó, bà đứng bắt tay những người đến viếng, cho tới người cuối cùng.

Trên đường trở lại Toorak, hai mẹ con không ai nói lời nào. Vừa bước vào nhà, Hầu tước phu nhân Townsend leo ngay cầu thang đá rộng thênh thang lên phòng nghỉ. Keith xuống bếp, nơi Florrie đang chuẩn bị một bữa ăn nhẹ. Anh đặt các thứ vào chiếc khay, mang lên phòng mẹ. Tới cửa, anh gõ nhẹ trước khi bước vào. Bà đang ngồi trên chiếc ghế mà bà ưa thích, cạnh cửa sổ. Bà không động đậy khi anh đặt khay xuống bàn trước mặt bà. Anh hôn lên trán bà, xoay người bước ra ngoài. Sau đó anh đi bộ trong khu nhà, theo những con đường mà anh vẫn thường cùng cha dạo bước. Bây giờ, khi tang lễ đã xong, anh biết mình sắp phải đối mặt với một vấn đề mà mẹ anh còn tránh chưa nói đến.

Hầu tước phu nhân Townsend xuống nhà trước tám giờ tối, và hai mẹ con đi qua phòng ăn rộng. Bà lại chỉ nhắc đến cha anh, đúng những câu đầy tình cảm mà bà đã nói đêm trước. Bà chẳng động đến đồ ăn, và khi món chính được dọn đi, bà đột nhiên đứng dậy lui về phòng khách.

Khi thấy mẹ đã yên vị trong chỗ thường ngồi bên lò sưởi, Keith đứng một lúc trước khi ngồi vào cái ghế cha anh vẫn ngồi. Lúc ngưòi hầu mang cà phê tới, mẹ anh nhoài người hơ tay trên lửa và hỏi anh cái câu mà anh đã kiên nhẫn chờ đợi.

"Bây giờ trở lại Úc con định làm gì?".

"Ngày mai, việc đầu tiên con làm là tới gặp tổng biên tập tờ Courier. Cần phải có một số thay đổi ngay lập tức nếu chúng ta muốn thách thức tờ Age". Anh chờ phản ứng của bà.

"Keith này", cuối cùng bà nói. "Mẹ lấy làm tiếc phải nói với con chúng ta không còn sở hữu tờ Courier nữa".

Keith sững sờ trước tin này, không biết trả lời ra sao.

Mẹ anh vẫn tiếp tục hơ tay. "Con biết đấy, cha con để lại toàn bộ cho mẹ trong di chúc, mà mẹ thì rất sợ phải nợ nần ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Giá như cha con di chúc lại tờ báo cho con thì..."

"Nhưng mẹ ạ, con....", Keith bắt đầu.

"Đừng quên rằng con đã xa nhà năm năm, Keith ạ. Lần cuối mẹ thấy con, con hãy còn là cậu học sinh trung học, miễn cưỡng lên chuyến bay của hãng hàng không SS Stranthedan. Mẹ không có cách nào biết được...."

"Nhưng cha con hẳn cũng không muốn mẹ bán tờ Courier. Nó là tờ báo đầu tiên mà cha con tham gia".

"Và số nào nó cũng lỗ. Khi hãng Kenwright tạo cơ hội cho mẹ rút, không bị ràng buộc trách nhiệm gì, thì Hội đồng quản trị khuyến nghị mẹ chấp nhận lời đề nghị đó."

"Nhưng mẹ thậm chí chả buồn cho con cơ hội xem có thể xoay chuyển được tình thế hay không nữa. Con biết quá rõ, cả hai tờ báo từ nhiều năm nay chỉ số phát hành cứ ít dần. Chính vì thế, con đã nghiên cứu kế hoạch để khắc phục việc đó, kế hoạch này xem ra cũng sẽ được cha con chấp thuận".

"Mẹ nghĩ không còn có thể làm gì được nữa", bà bảo. "Hầu tước Collin Grant, chủ tịch tờ Adelaide Messenger vừa trả mẹ 150.000 bảng để mua tờ Gazette, và Hội đồng sẽ xem xét đề nghị đó trong kỳ họp tới".

"Nhưng tại sao phải bán cả tờ Gazette?", Keith hỏi với vẻ ngỡ ngàng.

"Vì từ nhiều năm nay, chúng ta tiến hành một cuộc chiến chỉ có phần bại với tờ Messenger, và trong hoàn cảnh đó, đề nghị của họ thật hết sức rộng rãi".

"Mẹ này", Keith nói, đứng dậy nhìn thẳng vào mắt bà. "Con không trở về nhà để bán tờ Gazette, mà để làm điều ngược lại. Mục tiêu lâu dài của con là mua luôn cả tờ Messenger".

"Trong tình hình tài chính của ta hiện nay, đó là điều không thực tế, Keith ạ. Dù thế nào, Hội đồng cũng không bao giờ chấp nhận điều đó".

"Vào lúc này thì có lẽ là không, nhưng họ sẽ chấp nhận khi ta tăng được lượng phát hành".

"Con giống hệt cha con, Keith ạ", bà thở dài.

"Hãy cho con cơ hội tự chứng minh mình. Mẹ sẽ thấy rằng con đã học được nhiều điều trong thời gian làm việc ở phố Fleet. Con trở về để áp dụng những điều đã học vào tờ báo của chúng ta.”

Hầu tước phu nhân Townsend nhìn vào ngọn lửa một lúc trước khi trả lời: "Hầu tước Collin cho mẹ chín mươi ngày để xem xét đề nghị của ông". Bà ngừng một lát "Mẹ cho con đúng khoảng thời gian đó để chứng minh cho mẹ thấy là hãy nên từ chối".

Sáng hôm sau, khi Townsend bước xuống máy bay ở Adelaide, điều đầu tiên anh nhận thấy khi vào phòng khách sân bay là trên giá báo, tờ Messenger đã được đặt trên tờ Gazette. Anh bỏ túi xuống, sắp xếp lại để tờ Gazette lên trên, rồi mua cả hai tờ.

Trong khi đứng xếp hàng chờ tắc xi, anh nhận thấy trong số bảy mươi ba người ra khỏi sân bay, mười hai người cầm tờ Courier, trong khi chỉ có bảy người mua tờ Gazette. Trên tắc xi vào thành phố, anh viết lại nhận xét này trên cuống vé máy bay, với ý định nói cho Frank Bailey, Tổng biên tập của tờ Gazette biết, ngay khi anh tới văn phòng. Suốt đoạn đường, anh đọc cả hai tờ báo và phải thừa nhận tờ Courier thú vị hơn. Tuy nhiên, anh không cảm thấy đó là ý kiến anh có thể nói trong ngày đầu tiên đến thành phố này.

Townsend xuống xe cạnh toà báo Gazette. Anh để túi lại ở quầy lễ tân, đi thang máy lên tầng ba. Những phóng viên đang ngồi sau bàn đánh máy không ai buồn ngẩng đầu nhìn anh. Không gõ cửa, anh bước thẳng vào phòng làm việc của Tổng biên tập.

Frank Bailey ngạc nhiên vội vàng đứng dậy, chìa tay nói: "Kìa Keith! Rất vui mừng gặp anh sau ngần ấy thời gian".

"Gặp lại ông, tôi cũng mừng”. Townsend nói.

"Chúng tôi cứ nghĩ mai anh mới tới cơ đấy", Bailey quav sang nói với đám phóng viên đang ngồi sau dãy bàn hình móng ngựa. "Đây là Keith, con trai Hầu tước Graham, người sẽ thay thế cha mình với tư cách chủ bút. Những ai trong số các anh đã làm việc cách đây vài năm hẳn còn nhớ lần cuối cùng khi anh ấy làm việc với tư cách...". Frank do dự.

"Con trai của cha tôi". Townsend nói.

Lời kết luận làm mọi ngưòi cười ồ.

"Xin cứ làm việc bình thường, coi như không có tôi hiện diện", Townsend bảo. "Tôi không muốn trở thành loại chủ bút thích can thiệp vào các quyết định của Tổng biên tập”. Anh đi tới góc phòng, ngồi trên mép cửa sổ quan sát trong khi Bailey tiếp tục buổi giao ban sáng. Ông ta không để mất một khả năng nào, hoặc đúng hơn, không để mất lòng mong mỏi dùng tờ báo để vận động cho lợi ích của những người thấp cổ bé họng mà ông nghi là bị đối xử không công bằng.

"Được rồi. Tin chính ngày mai là gì?" Ông ta hỏi. Ba cánh tay giơ cao.

"Dave". Tổng biên tập, tay cầm bút chì chỉ vào phóng viên phụ trách mục hình sự. "Xem anh có gì nào?"

"Có vẻ như hôm nay sẽ có tuyên án trong phiên toà xử Sammy Taylor. Chiều nay sẽ kết thúc phần luận tội".

"Cứ theo cái lối mà ông ta điều khiển phiên toà cho tới giờ, thì thằng cha đó chẳng còn hy vọng gì đâu. Chỉ cần một cái cớ rất nhỏ là đủ để treo cổ Taylor”.

"Tôi biết", Dave nói.

"Nếu toà luận có tội, tôi sẽ cho đăng tin đó trên trang nhất cùng một bài về sự bỡn cợt công lý của những người thổ dân của chúng ta. Họ vẫn biểu tình bên ngoài phòng xử án phải không?"

"Chắc chắn. Đốt nến cầu nguyện suốt ngày đêm. Từ khi báo chúng ta đăng ảnh những người lãnh đạo của họ bị cảnh sát điệu đi, thì họ bắt đầu ăn ngủ ngay trên vỉa hè".

"Được. Nếu hôm nay toà tuyên có tội, anh sẽ có bài trên trang nhất. Jane", ông ta nói, chỉ tay về phía biên tập tin chính. "Tôi cần một bài khoảng một ngàn từ về quyền của thổ dân và phiên toà này đã được tiến hành một cách nhục nhã như thế nào. Trò đùa công lý, kỳ thị chủng tộc, chị biết thứ mà tôi cần chứ?'

"Nhưng nếu toà kết luận anh ta không có tội thì sao?" Dave hỏi.

"Khó có khả năng, nhưng nếu thế anh sẽ có một cột bên phải của trang nhất, còn Jane viết bài 500 từ trên trang bảy về sức mạnh của hệ thống pháp lý, nước Úc cuối cùng cũng đã ra khỏi thời kỳ mông muội, vân vân..."

Bailey quay sang phía phòng đối diện, chỉ bút chì vào một phụ nữ nãy giờ giơ cao tay. "Maureen", ông ta bảo.

"Chúng ta có thể đang có một căn bệnh bí hiểm ở bệnh viện Hoàng gia Adelaide. Trong mười ngày qua, ba đứa trẻ đã bị chết và giám đốc bệnh viện Gyles Dunn từ chối không phát biểu gì, cho dù tôi ép rất mạnh".

"Toàn trẻ em địa phương à?".

"Vâng", Maureen trả lời. "Chúng đều thuộc khu vực cảng Adelaide".

"Tuổi?"

"Bốn, ba và bốn. Hai gái, một trai".

"Được rồi. Gặp ngay cha mẹ, nhất là mẹ chúng. Tôi muốn có hình, lịch sử gia đình, bất cứ điều gì chị có thể có được về họ. Cố tìm hiểu xem các gia đình này có liên quan gì không. Quan hệ họ hàng, dù rất xa? Họ có biết nhau hay làm việc cùng một chỗ không? Họ có các mối quan tâm giống nhau không, để có thể gắn ba trường hợp này lại? Và tôi muốn có lời của Gyles Dunn, thậm chí dù chỉ là không bình luận".

Maureen gật đầu trước khi Bailey quay sang phía biên tập ảnh. "Kiếm cho được một ảnh của Dunn trong tâm trạng lo lắng để in trên trang một. Maureen! Chị sẽ có bài chính trên trang nhất nếu toà tuyên Taylor vô tội, nếu không tôi dành cho chị trang bốn, có thể tiếp nối ở trang năm. Cố kiếm ảnh cả ba đứa trẻ. Nên kiếm trong tập ảnh gia đình thì tốt - vui vẻ, khoẻ mạnh, tốt nhất là ảnh chụp lúc chúng đang kỳ nghỉ. Và tôi muốn chị xục vào bệnh viện. Nếu Dunn vẫn không nói gì, hãy tìm ai đó dám nói. Bác sỹ, y tá, thậm chí cả người mang vác đồ, nhưng chú ý phải có người chứng kiến hoặc ghi âm lại. Tôi không muốn xảy ra tình trạng ngớ ngẩn như tháng trước với cái bà Kendall đó cùng những lời phàn nàn về đội cứu hoả. Và Dave này". Tổng biên tập quay sang phóng viên phụ trách mục hình sự. "Tôi muốn biết càng sớm càng tốt; liệu bản án toà tuyên có bị chậm lại không, để còn bố trí các tin trên trang nhất. Còn ai muốn nói gì nữa không?".

"Vào lúc mười một giờ sáng nay, Thomas Playford sẽ có một tuyên bố xem ra là quan trọng", Jim West, phóng viên chính trị nói. Nhiều tiếng rên rỉ nổi lên trong phòng.

"Tôi không quan tâm, trừ phi ông ta thông báo từ chức", Frank nói. "Nếu có ảnh và các mối quan hệ xã hội, cùng các số liệu ma về cái mà ông ta cho rằng đã đóng góp cho cộng đồng địa phương, thì sẽ thu gọn lại một cột trên trang mười một. Thể thao có gì không, Harry?"

Một người rất béo ngồi trong góc đối diện với Townsend nháy nháy mắt và quay lại người cộng sự trẻ phía sau. Anh chàng này nói nhỏ vào tai ông ta.

"Ô, có đấy", biên tập viên thể thao nói. "Trong ngày hôm nay, hội tuyển chọn sẽ công bố danh sách đội tuyển crikét chơi trộn với Anh vào thứ Năm này".

"Liêu có cầu thủ Adelaide nào lọt vào đội tuyển không?".

Townsend ngồi nghe giao ban cả tiếng, nhưng không nói gì, mặc dù cảm thấy một vài vấn đề vẫn chưa được trả lời. Cuối cùng, khi buổi giao ban kết thúc, anh đợi cho các phóng viên ra hết mới đưa cho Frank nhận xét mà anh ghi lại trên cuống vé máy bay lúc ngồi trong tắcxi. Ông Tổng biên tập liếc qua các con số, hứa sẽ nghiên cứu kỹ hơn khi có thời gian. Rồi không kịp suy nghĩ, ông ta xếp chúng vào thùng thư gửi đi.

"Nếu muốn biết thêm điều gì, anh cứ việc đến đây. Keith ạ”, ông ta nói. "Cửa phòng tôi lúc nào cũng mở". Townsend gật đầu. Khi anh quay nguời chuẩn bị đi, Frank nói thêm: "Anh biết đấy! Cha anh và tôi có quan hệ làm việc rất tốt. Cho đến tận gần đây, ông vẫn thường bay từ Melbourne tới thăm tôi ít nhất mỗi tháng một lần".

Townsend mỉm cười, khép nhẹ cửa. Anh vào thang máy, lên tầng trên cùng.

Anh bỗng như rùng mình khi bước vào văn phòng của cha, lần đầu tiên hiểu rằng anh không còn cơ hội chứng minh cho ông thấy anh có thể là người kế tục xứng đáng. Anh nhìn quanh phòng, bắt gặp tấm ảnh của mẹ đặt ở góc bàn. Anh mỉm cười với ý nghĩ có lẽ mẹ anh là người duy nhất không cần phải lo lắng trong một tương lai gần sẽ bị thay thế.

Anh nghe tiếng ho nhẹ và thấy Bunty đang đứng gần cửa. Bà đã làm thư ký cho cha anh trong suốt hơn ba mươi bảy năm qua. Từ lúc còn nhỏ, anh đã nghe mẹ miêu tả Bunty là "một cô gái quái dị". Anh không rõ bà có cao đến năm feet không, cho dù có đo lên cả đụn tóc cuốn cao gọn ghẽ của bà. Anh chưa bao giờ thấy bà để kiểu tóc nào khác, và chắc chắn Bunty không phải là người chạy theo mốt. Chiếc váy thẳng và áo len cài khuy kín đáo chỉ để lộ mắt cá chân và cổ. Bà không đeo đồ trang sức và rõ ràng không ai nói với bà về đồ lót ni lông. "Mừng ông đã trở về, ông Keith", bà nói, giọng Scotland không hề nhẹ đi chút nào sau gần bốn mươi năm sống ở Adelaide. "Tôi mới sắp xếp lại các thứ để khi ông tới thì đã có sẵn. Không lâu nữa tôi sẽ được nghỉ hưu, nhưng nếu ông muốn lấy ai đó trẻ trung để thay thế sớm hơn, thì tôi cũng hoàn toàn hiểu được".

Townsend cảm thấy bà đã học thuộc lòng bài diễn văn ngắn đó và quyết định đọc trước khi anh có cơ hội nói điều gì khác. Anh mỉm cười nhìn bà. "Tôi sẽ không tìm ai thay thế đâu, bà Bunty ạ". Anh không biết tên họ bà là gi, chỉ biết cha anh gọi bà là "Bunty". "Chỉ có một thay đổi mà tôi rất muốn là bà hãy trở lại gọi tôi là Keith".

Bà mỉm cười. "Cậu muốn bắt đầu từ đâu?"

"Hôm nay tôi chỉ muốn xem lại toàn bộ hồ sơ, rồi bắt đầu việc đầu tiên kể từ sáng mai".

Bunty tựa như muốn nói điều gì, nhưng rồi cắn môi. "Việc đầu tiên có phải giống như cha cậu đã làm không?" Bà hỏi với vẻ ngây thơ.

"Tôi e là như thế", Townsend cười đáp.

Bảy giờ sáng hôm sau, Townsend đã có mặt ở toà báo. Anh vào thang máy lên tầng hai, đi qua dãy bàn trống trơn của bộ phận quảng cáo và rao vặt. Dù không có ai ở đó, anh cảm giác rõ là bộ phận này quản lý không tốt. Giấy tờ vương lung tung trên bàn, hồ sơ mở đổ khắp nơi và nhiều ngọn đèn rõ ràng đã sáng suốt dêm. Anh bắt đầu nhận ra cha anh đã vắng mặt ở đây khá lâu.

Người đầu tiên lò dò đến là 9 giờ 10 phút.

"Chị là ai?" Townsend hỏi khi cô ta đi qua phòng.

"Ruth", cô ta trả lời. "Còn anh là ai?".

"Tôi là Keith Townsend".

"A, thì ra là con trai ngài Graham", cô ta nhấm nhẳng nói rồi đi thẳng đến bàn của mình.

"Ai quản lý bộ phận này?" Townsend hỏi.

"Ông Harris", cô ta trả lời, ngồi xuống ghế và lấy từ trong túi ra đồ nghề trang điểm.

"Khi nào tôi có thể gặp ông ta?"

"Ồ, ông ta thường đến lúc 9 giờ 30 phút, có khi 10 giờ.

"Vậy sao?" Townsend nói. "Bàn làm việc của ông ta ở đâu?" Cô gái chỉ tay về phía góc phòng phía xa.

Ông Harris đến lúc 9 giờ 17 phút, khi Townsend đã đọc xong hết tất cả hồ sơ của ông ta. "Anh nghĩ anh đang làm cái quái gì ở đây vậy?" Đó là câu đầu tiên của ông ta khi thấy Townsend ngồi sau bàn của mình, đang đọc một chồng giấy tờ.

"Chờ ông". Townsend đáp. "Tôi không nghĩ phải chờ biên tập viên quảng cáo của mình tới tận trước mười giờ mới đến văn phòng".

"Không ai ở tờ báo nào lại làm việc trước mười giờ. Ngay cả đám làm trà nước cũng biết điều đó", Harris bảo.

"Khi tôi làm trà nước tại tờ Express hàng ngày, Hầu tước Beaverbrook tám giờ sáng đã ngồi vào bàn làm việc".

"Nhưng hiếm khi tôi rời khỏi văn phòng trước sáu giờ tối", Harris phản đối.

"Một phóng viên giỏi hiếm khi về nhà trước tám giờ, còn những ngưòi thợ khác thì sẽ coi mình là may mắn nếu họ ra về trước nửa đêm. Từ ngày mai, ông và tôi sẽ gặp nhau hàng sáng lúc 8 giờ 30 phút, còn nhân viên của ông phải có mặt tại bàn lúc 9 giờ. Những ai không làm được như vậy thì nên bắt đầu nghiên cứu mục Tìm việc làm ở trang báo cuối. Tôi nói thế là rõ rồi chứ?"

Harris chúm môi, gật đầu.

"Tốt. Điều đầu tiên tôi muốn ông cung cấp là ngân sách ba tháng tới, phải làm rõ giá quảng cáo của chúng ta so với tờ Messenger. Tôi muốn ngày mai nó sẽ có trên bàn làm việc của tôi, trước khi tôi đến." Anh đứng dậy khỏi ghế của Harris.

"Vào giờ này sáng mai, khó có thể đã có những số liệu mà anh yêu cầu”, Harris phản đối.

"Trong trường hợp đó, ông nên nghiên cứu mục Tìm việc đi là vừa", Townsend bảo, "Nhưng không phải trong giờ làm việc của tôi".

Anh bước nhanh ra khỏi phòng, để mặc Harris đứng tức run, vào thang máy, lên tầng nơi bộ phận phát hành làm việc. Anh không ngạc nhiên khi cũng bắt gặp thái độ thờ ơ của họ. Một tiếng sau anh xuống, để lại không ít người ngồi đó mà run, tuy anh phải thừa nhận có ấn tượng tốt về một chàng thanh niên người Brisbane tên là Mel Carter gần đây mới được đề bạt làm phó Giám đốc.

Frank Bailey ngạc nhiên thấy "anh chàng Keith" trở lại văn phòng sớm thế, và lại càng ngạc nhiên khi anh đến đúng chỗ ngồi lần trước bên cửa sổ dự giao ban. Bailey mừng vì Townsend không có ý kiến gì, nhưng không thể không nhận thấy anh không ngừng ghi chép.

Lúc Townsend lên văn phòng của mình thì đã là mười một giờ. Anh lập tức cùng bà Bunty giải quyết các thư từ. Bà đã xếp chúng theo thứ tự trên bàn, trong từng cặp, đánh dấu bằng các mầu khác nhau, mà mục đích như bà giải thích, là để khi anh không có nhiều thời gian thì chọn giải quyết đúng thứ tự ưu tiên.

Hai giờ sau, Townsend nhận ra tại sao cha anh lại đánh giá "Bunty" cao như thế, và suy nghĩ không phải về việc khi nào anh phải thay bà, mà là bà còn sẵn sàng làm cho anh bao lâu nữa.

"Tôi để những vấn đề quan trọng nhất cuối cùng". Bunty nói. "Lời đề nghị mới nhất của tờ Messenger. Ngài Collin Grant sáng nay gọi điện thoại chúc mừng cậu về nước và hỏi xem cậu đã nhận được thư của ông ấy chưa".

"Thế à?" Townsend mỉm cười hỏi lại, trong khi anh mở hồ sơ có đánh dấu "mật", đọc lướt qua lá thư của Jervis, Smith & Thomas, theo anh nhớ là hãng luật đại diện cho tờ Messenger. Anh dừng lại, nhíu mày khi đọc tới con số 150.000 bảng. Sau đó anh đọc biên bản cuộc họp Hội đồng Quản trị tháng trước, trong đó thể hiện rõ thái độ đồng tình của các giám đốc trước đề nghị trên. Nhưng cuộc họp này là trước khi mẹ anh cho anh thời hạn thử thách chín mươi ngày.

"Thưa ngài ", Townsend đọc trong khi Bunty ghi lại bằng tốc ký. "Tôi đã nhận được thư ngài đề ngày 12 tháng này. Chấm qua hàng. Để khỏi mất thêm thời gian của ngài, cho phép tôi nói rõ rằng tờ Gazette không phải và sẽ không bao giờ đem bán. Chào trân trọng..."

Townsend ngả người trên ghế, nhớ lại lần cuối cùng khi anh gặp chủ tịch tờ Messenger. Giống như các chính trị gia đã nếm nhiều thất bại, ngài Collin lúc nào cũng vênh vang tự đắc, khăng khăng giữ ý kiến mình, nhất là đối với giới trẻ. "Đám người chỉ nên nhìn chứ không nên nghe" là cách ông nói về chúng, nếu Townsend nhớ đúng - Anh tự hỏi bao lâu nữa thì anh sẽ lại được nghe hoặc gặp ông ta.

Hai ngày sau, khi Townsend đang nghiên cứu báo cáo của Harris về quảng cáo thì Bunty thò đầu vào nói có ngài Collin Grant muốn nói chuvện với anh trên điện thoại. Townsend gật đầu, tay nhấc ống nghe.

"Chào cậu, Keith. Chúc mừng cậu đã về”, ông ta mở đầu. "Tôi vừa đọc thư cậu và tự hỏi không hiểu cậu có biết tôi đã thoả thuận miệng với mẹ cậu về việc bán tờ Gazette không?”.

"Thưa ngài Collin. Mẹ tôi có nói với ngài rằng bà sẽ xem xét một cách nghiêm túc lời đề nghị của ngài. Mẹ tôi không có cam kết miệng, còn nếu ai gợi ý khác thì..."

"Gượm nào, anh bạn", ngài Collin cắt ngang. "Tôi làm việc đó một cách đàng hoàng. Cậu thừa biết tôi và cha cậu là chỗ thân thiết”.

"Nhưng thưa ngài Collin, cha tôi không còn ở lại với chúng tôi, cho nên trong tương lai ngài sẽ phải giao dịch với tôi. Mà chúng ta thì không phải là chỗ thân thiết".

”A, nếu đó là cách nghĩ của cậu thì việc tôi có ý định tăng giá mua lên 170.000 bảng cũng chẳng có ý nghĩa gì".

"Đúng thế, thưa ngài Collin, vì tôi không có ý định xem xét đề nghị đó".

"Rồi sẽ có lúc", ông ta gầm lên, "vì trong vòng sáu tháng, tôi sẽ đẩy tờ báo của cậu ra khỏi các sạp báo và lúc ấy cậu sẽ vô cùng sung sướng nhận 50.000 bảng cho những thứ đầu thừa đuôi thẹo còn sót lại", ông ta ngừng một lát. "Khi nào cậu thay đổi ý định thì cứ gọi cho tôi, đừng ngại."

Townsend đặt ống nghe xuống, bảo Bunty nói với Tổng biên tập anh muốn gặp ông ta ngay.

Bunty do dự.

"Sao thế, Bunty?".

"Chỉ có điều, cha anh thường xuống văn phòng Tổng biên tập gặp ông ta".

"Vậy sao?" Tovvnsend cao giọng hỏi lại, nhưng vẫn ngồi trên ghế.

"Tôi sẽ mời ông ta lên ngay".

Trong lúc chờ, Townsend lật trang cuối, nghiên cứu mục nhà cho thuê. Anh thấy việc cuối tuần cứ phải về Melbourne đã chiếm quá nhiều thời gian quý báu của anh và tự hỏi có thể trì hoãn việc nói cho mẹ biết trong bao lâu nữa.

Mấy phút sau, Frank Bailey bước vào, nhưng anh không thấy được vẻ mặt ông ta. Anh vẫn làm bộ cắm cúi đọc trang cuối của tờ báo. Anh khoanh một vòng tròn đánh dấu, ngước nhìn lên và chuyển cho ông ta một mảnh giấy. "Frank này ! Tôi muốn anh cho đăng lá thư của Jervis, Smith & Thomas trên trang nhất số báo ngày mai, và trong vòng một tiếng nữa hãy viết một bài khoảng ba trăm từ."

"Nhưng...”

”Và hãy bới xem có bức tranh nào tồi tệ nhất của ngài Collin Grant thì cho đăng cạnh bức thư luôn".

"Nhưng... tôi định lấy phiên toà xử Taylor làm tin chính cho số báo ngày mai", ông ta nói. "Anh ta vô tội, mà tờ báo của chúng ta vẫn được tiếng là bênh vực cho anh ta".

"Và cũng còn được tiếng là tờ báo làm ăn thua lỗ", Townsend nói. "Dù thế nào thì phiên toà xử Taylor cũng là tin ngày hôm qua. Anh muốn dành bao nhiêu trang cho anh ta cũng được, nhưng nó không phải trên trang nhất số báo ngày mai".

"Còn gì nữa không?" Frank nhếch môi hỏi.

"Còn". Townsend bình tĩnh trả lời. "Tôi yêu cầu phải có bản mẫu trang nhất số báo ngày mai trên bàn trước khi tôi rời văn phòng tối nay".

Frank giận dữ ra khỏi văn phòng, không nói câu nào.

"Tiếp theo, tôi muốn gặp Giám đốc bộ phận quảng cáo". Townsend bảo Bunty khi bà xuất hiện. Anh mở tập hồ sơ mà Harris trình chậm một ngày, nhìn những con số được ghi chép một cách cẩu thả. Cuộc gặp diễn ra ngắn hơn với Frank, và trong khi Harris thu dọn các thứ riêng tư ở bàn làm việc, anh cho gọi phó Giám đốc bộ phận phát hành.

Khi bước vào văn phòng, vẻ mặt chàng trai cho thấy anh ta cũng nghĩ mình sẽ được bảo làm các việc như Harris vừa làm.

"Ngồi đi, Mel", Townsend bảo, rồi nhìn tập hồ sơ. "Tôi thấy là anh gần đây mới vào làm cho toà báo trên cơ sở thử thách ba tháng. Hãy để tôi nói rõ ngay từ đầu là tôi chỉ quan tâm đến kết quả. Anh có chín mươi ngày, bắt đầu từ hôm nay, để chứng minh tư cách Giám đốc quảng cáo của mình”.

Chàng trai ngạc nhiên, nhưng vui mừng ra mặt.

"Nào, hãy nói cho tôi biết, nếu anh được phép thay đổi một điều ở tờ báo, anh sẽ bắt đầu ở đâu?”

"Trang cuối cùng", Mel nói với vẻ lưỡng lự. "Tôi sẽ đưa mục Rao vặt vào các trang trong".

"Tại sao? Đó là trang mang lại nguồn thu lớn nhất cho tờ báo, khoảng trên ba ngàn bảng một ngày, nếu tôi nhớ không nhầm".

"Tôi biết điều đó. Nhưng gần đây, tờ Messenger chuyển chuyên mục Thể thao về trang cuối, cướp mất của chúng ta 10.000 độc giả. Họ đã tính được rằng có thể để mục rao vặt ở trang nào cũng được, vì người ta thường quan tâm đến chỉ số phát hành của tờ báo, chứ ít tính đến đặt quảng cáo của họ ở trang nào. Nếu anh cần rõ thêm, tôi có thể trình anh báo cáo với các số liệu chi tiết hơn vào trước 6 giờ tối nay".

"Chắc chắn là cần. Và nếu anh có ý tưởng hay nào khác, đừng ngại chia xẻ với tôi, Mel ạ. Anh sẽ thấy cửa phòng tôi bao giờ cũng mở".

Townsend cũng vui khi có người rời văn phòng mình với nụ cười tươi trên môi. Anh nhìn đồng hồ khi Bunty bước vào.

"Đến giờ cậu đi ăn trưa với giám đốc phát hành của tờ Messenger".

"Chẳng biết có đủ không đây?" Townsend nói, lại nhìn đồng hồ.

"Ô, đủ đấy", bà ta bảo. "Cha anh thường nghĩ Caxton Grill giá cả phải chăng, còn Pilligrini với ông là sài sang, và chỉ khi đi với mẹ anh thì ông mới tới đó".

"Tôi không lo về giá cả bữa ăn, Bunty ạ. Vấn đề là anh ta sẽ đòi bao nhiêu nếu đồng ý bỏ tờ Messenger về làm cho chúng ta”.

*

**

Townsend đợi một tuần trước khi bảo Frank Bailey rằng mục Rao vặt không còn được để ở trang cuối nữa.

"Nhưng mục Rao vặt đã ở trang báo cuối trong suốt bảy mươi năm qua", đó là phản ứng đầu tiên của Tổng biên tập.

"Đúng thế. Tôi không nghĩ được lập luận nào chắc hơn để đưa chúng đi chỗ khác".

"Nhưng độc giả không thích thay đổi".

"Cả độc giả của Messenger ư? Đó chính là một trong những lý do tại sao họ bán được nhiều báo hơn".

"Anh định hy sinh truyền thống lâu đời của toà báo chỉ để có thêm một vài độc giả thôi sao?"

"Tôi có thể thấy cuối cùng ông cũng đã hiểu ra vấn đề.” Townsend nói, không chớp mắt.

"Nhưng mẹ anh bảo đảm với tôi rằng..."

"Mẹ tôi không chịu trách nhiệm điều hành hàng ngày công việc tại toà báo. Bà giao cho tôi trách nhiệm đó". Anh không nói thêm là trong vòng chín mươi ngày.

Tổng biên tập cố nén một lát, rồi bình tĩnh nói: “Anh hy vọng là tôi sẽ xin thôi việc?".

"Đương nhiên là không”, Townsend nói ngay. "Nhưng tôi hy vọng anh sẽ giúp tôi quản lý một tờ báo có lãi”.

Anh ngạc nhiên với câu hỏi tiếp theo của ông ta.

"Anh có thể hoãn quyết định đó trong hai tuần được không?”.

"Tại sao?"

"Bởi vì biên tập viên Thể thao nghỉ cho tới cuối tháng mới về".

"Một biên tập viên Thể thao bỏ đi nghỉ ba tuần vào giữa mùa crickét, có lẽ khi về sẽ không nhận thấy bàn làm việc của anh ta đã có người thay". Townsend đốp ngay.

Biên tập viên Thể thao khi về liền nộp đơn xin thôi việc ngay, tước mất của Townsend thú vui được đuổi anh ta. Chỉ vài giờ sau, anh chỉ định một phóng viên viết về crickét hai mươi lăm tuổi thay thế.

Vừa nghe tin đó, Frank Bailey hầm hầm lao vào văn phòng của Townsend. "Việc chỉ định là trách nhiệm của Tổng biên tập", ông ta bắt dầu ngay khi cửa chưa kịp khép, “chứ không phải...”

"Không còn như thế nữa", Townsend nói.

Hai người hằm hằm nhìn nhau một lúc trước khi Frank nói tiếp. "Dù sao thì cậu ta cũng còn quá trẻ để đảm đương chức vụ đó".

"Anh ta hơn tôi ba tuổi", Townsend bảo.

Frank cắn môi. "Tôi xin nhắc anh rằng khi anh tới văn phòng tôi mới bốn tuần trước, anh nói, và tôi xin trích nguyên văn " Tôi không có ý định làm loại chủ bút thích can thiệp vào các quyết định của Tổng biên tập".

Townsend ngước nhìn lên, mặt hơi đỏ.

"Xin lỗi anh, Frank. Tôi đã nói dối".

Rất lâu trước khi thời hạn chín mươi ngày kết thúc, chỉ số phát hành giữa Gazette và Messenger bắt đầu thu hẹp, còn Hầu tước phu nhân Townsend cũng quên khuấy việc bà đã ra thời hạn về việc chấp nhận đề nghị 150.000 bảng của tờ Messenger.

Sau khi đi xem một số căn hộ, cuối cùng Townsend tìm thấy một căn phòng ở nơi lý tưởng và ký ngay hợp đồng thuê nhà sau đó vài tiếng. Tối đó, anh giải thích với mẹ qua điện thoại rằng tới đây, vì áp lực của công việc, anh không thể về thăm bà ở Toorak vào cuối tuần được. Bà có vẻ không ngạc nhiên.

Khi dự phiên thứ ba của Hội đồng Quản trị, anh đòi họ phải trao cho anh chức Giám đốc điều hành, để không ai còn nghĩ anh ngồi đó chẳng qua vì là con trai của Hầu tước Graham. Với đa số phiếu mỏng manh, họ khước từ yêu cầu của anh. Tối đó, khi anh gọi điện cho mẹ, hỏi bà tại sao họ lại làm thế, bà bảo rằng đa số coi chức danh chủ bút là quá đủ đối với người mới vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi ba.

Giám đốc mới của bộ phận phát hành, sáu tháng sau khi rời Messenger về làm cho tờ Gazette báo cáo rằng khoảng cách giữa hai tờ báo chỉ còn khoảng 32.000 số. Townsend nghe tin đó rất vui, và tại cuộc họp sau của Hội đồng, anh nói với họ rằng đã đến lúc họ tính chuvện mua lại tờ Messenger. Một vài thành viên lớn tuổi hơn cố nén không cười, nhưng sau đó Townsend cho họ thấy những số liệu, với những cái mà anh gọi là biểu bảng về xu hướng phát hành, và cho họ biết ngân hàng đã đồng ý ủng hộ anh.

Khi đã thuyết phục được đa số thành viên Hội đồng ủng hộ, Townsend cho viết một bức thư gửi ngài Collin, trong đó anh đề nghị mua lại tờ Messenger với giá 750.000 bảng. Tuy không nhận được thông báo chính thức, nhưng các luật sư của Townsend cho biết Ngài Collin đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng khẩn cấp vào chiều hôm sau.

Đèn trên tầng làm việc của ban điều hành tờ Messenger sáng suốt đêm. Không được phép vào trong nhà, Townsend đi đi lại lại trên vỉa hè phía ngoài, chờ nghe quyết định của Hội đồng. Sau hai tiếng, anh ăn vội chiếc bánh mỳ kẹp thịt ở một hiệu cà phê phố bên cạnh, và khi trở lại thấy đèn trên tầng cao nhất vẫn sáng. Giá cảnh sát tuần tra phát hiện, anh có thể đã bị bắt.

Cuối cùng, khoảng sau một giờ sáng, đèn trên tầng vụt tắt, các Giám đốc của tờ Messenger lục tục kéo nhau ra về. Townsend nhìn họ với ánh mắt hy vọng, nhưng họ đi thẳng, không thèm liếc nhìn anh.

Townsend còn ở đó mãi cho tới khi biết chắc không còn ai trong ngôi nhà, trừ những người quét dọn. Sau đó anh từ từ thả bộ về toà báo, theo dõi số báo đầu đang in. Anh biết tối đó anh không thể ngủ, vì vậy anh theo xe đưa báo sớm đi các nơi trong thành phố. Nó cho anh cơ hội để biết chắc là Gazette được đặt trước Messenger trên các sạp báo.

Hai ngày sau, Bunty đặt một bức thư trong chồng hồ sơ ưu tiên:

Thân gửi ông Townsend,

Tôi đã nhận được thư ông đề ngày hai mươi sáu tháng này.

Để không mất thêm thời gian của ông, cho phép tôi nói rõ tờ Messenger không phải và sẽ không bao giờ được bán.

Chào trân trọng

Collin Grant

Townsend mỉm cười, ném lá thư vào sọt rác.

Trong mấy tháng sau đó, Townsend thúc giục nhân viên làm ngày làm đêm trong một chiến dịch căng thẳng nhằm vượt mặt đốỉ thủ. Anh thường làm mọi người hiểu rõ rằng không ai, kể cả Tổng biên tập có thể an toàn với công việc mình đang làm. Số đơn xin thôi việc của những người không theo kịp nhịp thay đổi không nhiều bằng số đơn của những ngưòi từ Messenger xin vào làm cho anh, khi họ nhận thấy đây là một cuộc "tử chiến", một từ anh thường dùng trong cuộc họp hàng tháng.

Một năm sau khi Townsend từ Anh trở về, hai tờ báo đã có chỉ số phát hành ngang nhau và anh cảm thấy đã đến lúc gọi điện cho chủ tịch của tờ Messenger.

Khi ngài Collin nhấc máy, Townsend không mất thời gian vào những câu xã giao thông thường. Anh nói luôn: Nếu 750.000 bảng chưa đủ, thì ngài nghĩ tờ báo của mình đáng giá bao nhiêu, thưa ngài Collin?".

"Nhiều hơn số tiền cậu có, anh bạn trẻ ạ. Dù sao, như tôi đã giải thích, tờ Messenger không phải để bán".

"Nhưng không quá sáu tháng nữa", Townsend nói.

"Không bao giờ", ngài Collin quát to trong máy.

"Vậy thì tôi sẽ phải đẩy tờ báo của ngài khỏi đường phố. Và rồi thì ngài sẽ quá sung sướng nhận 50.000 bảng cho những cái thứ đầu thừa đuôi thẹo còn sót lại". Anh dừng lại. "Nếu ngài thay đổi ý định, xin đừng ngại gọi điện cho tôi".

Lần này đến lượt ngài Collin dập mạnh máy.

Vào ngày Gazette lần đầu tiên bán vượt Messenger, Townsend tổ chức lễ ăn mừng trên tầng bốn, và thông báo tin này trong tấm băng đen phía trên bức ảnh chụp ngài Collin tại lễ tang vợ ông ta năm trước. Cứ mỗi tháng, khoảng cách giữa hai báo rộng dần, và Townsend không bỏ lỡ cơ hội thông báo cho độc giả biết chỉ số phát hành mới nhất của báo. Anh không ngạc nhiên khi ngài Collin gọi điện gợi ý có lẽ đã đến lúc họ nên gặp lại nhau.

Sau nhiều tuần thương lượng, hai bên thoả thuận hai tờ báo sẽ nhập làm một, nhưng phải thoả mãn hai đòi hỏi của Townsend. Tờ báo mới phải được in ở xưởng in của anh và được gọi là Gazette Messenger.

Khi Hội đồng Quản trị mới được bầu họp phiên đầu tiên, ngài Collin được chỉ định làm Chủ tịch, Townsend làm Giám đốc điều hành.

Trong vòng sáu tháng, chữ Messenger biến khỏi mặt báo và tất cả các quyết định lớn đều được thông qua mà không phải vờ tham khảo ý kiến của Hội đồng hay Chủ tịch Hội đồng. Một số người sửng sốt khi ngài Collin đệ đơn từ chức, nhưng không ai ngạc nhiên khi Townsend chấp nhận đơn của ông.

Khi mẹ anh hỏi về việc này, Townsend trả lời rằng trên cơ sở thoả thuận giữa hai bên, vì ông cảm thấy đã đến lúc nên nhường chỗ cho người trẻ hơn. Hầu tước phu nhân Townsend không tin lắm vào cái lý do đó.

Phần III: Có công mài sắt...
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện