Mọi chuyện đã trở lại bình thường sau cái ngày hôm đó. Trần Nam cũng không hỏi thêm gì, hắn không tiếp xúc nhiều với hiệu trưởng, nhưng biết được ông là một người công chính vô tư, cũng rất biết xử lý tình huống. Nếu không học viện này đã sớm suy tàn từ lâu rồi, đâu có cảnh tượng vừa nghiêm chỉnh, lại vừa thoải mái, đầy tính ổn định như bây giờ.
Trần Nam còn nhớ, Hoàng Tuyết Nhu kể sự tích của hiệu trưởng cho hắn, nàng sùng bái nhất câu tuyên ngôn mà ông nói ra một trăm năm trước:
- Dù học viện này chỉ còn lại đúng một người thì tôi vẫn sẽ duy trì học viện, bởi một người còn lại đó chính là một học sinh tốt, là một học sinh có giáo dưỡng. Học viện Đô Thành là nơi học nghệ, là nơi tu luyện, nhưng quan trọng hơn là nơi giáo dục các trò thành người. Tôi hứa, học viện Đô Thành sẽ là một nơi tốt nhất dành cho các trò trưởng thành.
Hiện tại, Trần Nam đã bắt đầu công trình của mình, công trình làm cách nào để tạo một môi trường ảo dành cho Trần Lữ tu luyện Tướng Quân Lệnh. Mặc dù đó là môi trường ảo, không tốt bằng chiến trường thật, nhưng ít ra Trần Nam cũng đã tạo dựng một khoản “tiền vốn” đầy đủ cho em trai, tránh cho đến lúc ra chiến trường, thằng bé luống cuống, bị những binh sĩ bình thường vây công tới chết, hoặc bị tướng địch nắm sơ hở giết chết thì hỏng.
Hiện giờ Trần Nam đang tìm hiểu về thuật thôi miên. Vốn tư cách của hắn không đủ để tiếp xúc với các loại điển tịch cao cấp, nhưng từ sau lần trước, hiệu trưởng đột nhiên cấp quyền cho hắn được xem mọi loại sách trong thư viện. Trần Nam chả thèm nghĩ nhiều, chỉ cho rằng đó là hiệu trưởng nể mặt Hoàng Tuyết Nhu hoặc là đền bù ình khi học ở đây mà bị người ta tính toán vào cái âm mưu động trời lần trước mà thôi.
Theo sự tiếp xúc dần dần, Trần Nam bắt đầu cũng nắm được một chút tinh yếu về thuật thôi miên cao cấp trong thế giới này.
Thuật thôi miên trên Trái Đất là thế nào thì hắn không biết, nhưng ở thế giới này thì Thuật thôi miên được chia thành hai thao tác, đó là Ký Niệm và Khống Thần.
Ký Niệm nói đơn giản chính là truyền ý nghĩ của mình vào trong đầu đối phương, làm cho đối tượng nghĩ theo mình, nhìn thấy những gì mình muốn họ nhìn, nghe thấy những gì mình muốn họ nghe. Nói đơn giản nhất, đó chính là “tạo ký ức ảo” cho đối tượng.

Trong quá trình này, thần kinh của đối phương sẽ có những phản ứng, những tác động thay đổi liên tục, lúc ấy cần cung cấp năng lượng, mà cụ thể chính là chân khí, nội khí hoặc là tiên khí. Cần phải sử dụng những năng lượng này để cung cấp cho hệ thần kinh, khống chế hệ thần kinh, không cho nó có phản ứng thái quá. Mặc dù những phản ứng thái quá này nhất thời không làm cho người ta khó chịu, nhưng theo thời gian dài thì rất dễ sinh bệnh nhức đầu, choáng váng, thậm chí nếu không khống chế lại thì có thể bị bệnh thần kinh… Vì vậy quá trình Khống Thần chính là để bảo vệ hệ thần kinh an toàn.
Cả hai thao tác Ký Niệm và Khống Thần đều cần lực lượng mạnh mẽ duy trì, ngoài ra Ký Niệm còn cần một lượng tinh thần lực để tạo thành hình ảnh ký ức, không thể không có.
Vậy là Trần Nam bắt đầu kéo Hoàng Tuyết Nhu tới thí nghiệm, bởi thuật thôi miên này rất an toàn, Hoàng Tuyết Nhu lại có tu vi cực cao nên không cần lo lắng.
Lần đầu tiên, Trần Nam tiến hành thôi miên, tạo ra một ảo cảnh đơn giản, đó chính là thành Thanh Yến khi xưa, trong thành có hai đám trẻ đang tranh đấu nhốn nháo. Trong đó một phe do một bé gái khoảng mười một cầm đầu, phe còn lại do một bé trai khoảng chín tuổi cầm đầu. Lúc này, đội của bé trai vừa bắt được bé gái, bé trai cầm đầu kia vô cùng đắc ý vỗ đầu bé gái liên tục, không chút thương tiếc…
Cảnh tượng đến đây thì đột nhiên biến mất. Hoàng Tuyết Nhu mở choàng mắt, tức giận vỗ bốp một cái lên đầu Trần Nam:
- Anh có ý gì? Hồi nhỏ không làm gì được em tạo thành bóng ma, giờ cố tình tạo ra cảnh giả dối này để trả thù hả?
Trần Nam cười khổ xoa xoa thái dương, cũng không cợt nhả được gì, mệt mỏi nói:
- Thuật thôi miên này đúng là không dễ dùng một chút nào. Thực lực của anh thì không có vấn đề, nhưng tinh thần lực để khắc họa ký ức thì cực kỳ hao phí. Đoạn ký ức vừa rồi anh khắc họa kéo dài hơn một tiếng đã làm anh đau đầu chóng mặt muốn chết rồi. Dùng cách này đúng là khó có thể tạo ảo cảnh lâu dài được, bảo sao trên đại lục không ai dùng cách này để đào tạo người khác.
Hoàng Tuyết Nhu thấy đôi mắt hắn ảm đạm, tay xoa thái dương liên tục thì chợt thấy đau lòng. Đỡ hắn nằm lên giường ôn nhu nói:
- Mệt thì nghỉ ngơi chút đi! Khi nào tỉnh táo thì lại nghĩ cách khác
Trần Nam không nói gì nữa, mệt mỏi nhắm mắt lại nghỉ ngơi hồi phục tinh thần lực.
----Vạch kẻ ngang đáng ghét đã quay lại----
Sáu tháng sau.
Trần Nam cũng đã miệt mài nghiên cứu đủ các loại sách vở trong vòng nửa năm. Bây giờ, hắn đã là “khách quen” của thư viện, người nào đến thư viện mà không biết mặt hắn thì chỉ có thể là “người mới”. Họ không biết hắn định làm gì, bởi hắn nghiên cứu khá lung tung, lúc thì nghiên cứu về thôi miên, lúc thì nghiên cứu về luyện khí, lúc lại nghiên cứu về thứ khá thông dụng hiện tại: đạo cụ ký ức.
Tất nhiên, Trần Nam cũng không có vì công việc mà quên mất Hoàng Tuyết Nhu. Nàng lúc nào cũng ở bên hắn, làm trợ lý cho hắn trong mấy cuộc chế tạo này nọ. Hơn nữa mỗi tuần cũng có ít nhất ba buổi ra khu rừng phía Đông Nam học viện để đối luyện xả stress, cũng có lúc đi thăm hỏi hai đứa em xem cuộc sống thế nào.

Đến ngày hôm nay, cuối cùng Trần Nam cũng đã nghiên cứu ra được một sản phẩm tạm gọi là thành công.
Đạo cụ ký ức là thứ mới ra đời khoảng ba mươi năm gần đây, hình như nhiều người mới chỉ coi nó là món đồ thay thế cho giấy vở, thay thế cho sách mà chưa phát hiện ra những diệu dụng cực kỳ hay ho từ nó.
Đạo cụ ký ức này chế tạo không khó, chỉ là dùng một loại kim loại có từ tính đặc thù, có tác dụng lưu trữ tinh thần lực, tạo thành các đoạn ký ức. Trần Nam chỉ cần hỏi một chút là đã có không ít người bán rồi.
Nhưng đạo cụ ký ức này chỉ có thể lưu giữ được các ký tự, không thể lưu giữ hình ảnh, còn đến mức như cả một đoạn ký ức chân thực thì không thể nào.
Nhưng Trần Nam lại thấy không đúng, ký tự thì cũng tạo thành từ đường nét, dùng đường nét tạo thành các bức tranh thì không có vấn đề gì phải không? Đạo cụ này cũng có thể lưu trữ tranh vẽ.
Thực tế chứng minh là hắn đúng, giống như cuốn sách có thể lưu giữ được chữ viết, cũng có thể lưu giữ được tranh vẽ vậy. Không chỉ hắn mới nghĩ ra điều này, trước hắn có rất nhiều người có thể lưu lại hình ảnh trong đó rồi.
Tiếp theo, Trần Nam lại nhớ về kiến thức cơ bản của phim ảnh trên Trái Đất.
Trần Nam có ký ức từ Trái Đất, hắn còn nhớ như in cấu tạo từ những loại băng hình (loại chiếu trong rạp ngày xưa ý), hay là loại hoạt hình thủ công cổ khi người ta mới phát minh ra.
Cấu tạo của chúng đều là các “tấm hình” được xếp nối liền nhau, thay đổi liên tục để tạo thành hình ảnh liền mạch, tạo thành thứ gọi là “phim ảnh”.
Từ đó, hắn bắt đầu khắc họa liên tục những bức hình vào một đạo cụ ký ức, sau đó sắp xếp liền mạch. Cuối cùng cho Hoàng Tuyết Nhu xem thử. Quả nhiên, nàng nhảy dựng lên kinh ngạc, không thể tin được nhìn hắn. Sáng kiến của tên này cũng quá kinh dị đi, thế giới này không có phim ảnh, vậy nên một đoạn ký ức chuyển động như vậy làm nàng thấy không thể tin được. Cũng giống như loài người ở thế kỷ mười chín không thể nào hiểu được tại sao lại có thể lưu giữ các cảnh tượng tạo thành phim ảnh vậy.
Trần Nam cũng vô cùng hưng phấn, vậy là bước đầu đã thành công. Đạo cụ ký ức đã có thể lưu giữ từng đoạn trường cảnh, từng đoạn tình huống, không chỉ còn là thứ lưu giữ ký tự và tranh vẽ đơn giản như trước.
Cuối cùng cũng đã xong được vấn đề trường cảnh tạo ra cho Trần Lữ rèn luyện. Trần Nam lại chuyển sang nghiên cứu về luyện khí, đặc biệt là thuật khống chế pháp bảo, được hắn đọc đi đọc lại.
Cuối cùng, Trần Nam cũng chế tạo ra được một thiết hoàn chỉnh, ừ, hay cũng gọi là tạm hoàn chỉnh đi.
Thiết bị này mang hình một chiếc kính mắt, được thiết kế hai lỗ ở hai bên gọng kính, gắn vào đó hai viên đạo cụ ký ức cùng lúc, nhằm thực hiện hai thao tác của quá trình Thôi Miên. Ngoài ra còn có hai sợi dây đặc chế dùng để buộc vào cổ tay người sử dụng.
Một viên đạo cụ ký ức chứa các đoạn trường cảnh, hình thành ký ức giả tạo đưa vào trong đầu Trần Lữ thông qua chiếc kính, sợi dây có tác dụng dẫn lực lượng duy trì quá trình Ký Niệm. Thời gian đầu thì Trần Nam sẽ truyền năng lượng của mình, giúp em trai trong quá trình sử dụng, chờ cho tới khi tu vi của Trần Lữ tăng tiến, nó có thể sử dụng lực lượng của chính mình duy trì quá trình này, nếu thân thể không cung cấp nổi nữa thì thiết bị sẽ ngừng hoạt động, Trần Lữ bị cưỡng chế tách khỏi ảo cảnh.
Một viên đạo cụ ký ức còn lại chứa các xung nhịp tự động xử lý các phản ứng của thần kinh người sử dụng, thực hiện quá trình Khống Thần giúp cho người sử dụng khi vô thức. Năng lượng thì vẫn là do chính người sử dụng cung cấp qua hai sợi dây buộc và cổ tay.

Nói cho đơn giản thì nếu thực hiện thôi miên, Trần Nam cần dùng đầu óc của mình khống chế lực lượng, thực hiện Khống Thần, nhưng đạo cụ này đã khống chế lực lượng giúp hắn rồi, hắn chỉ cần cung cấp đủ lực lượng cho nó là xong.
Một đạo cụ nhìn thì đơn giản, hai sợi dây cung cấp năng lượng, hai viên đạo cụ ký ức để tự động xử lý hai quá trình Ký Niệm và Khống Thần, nhưng chúng đã tiêu tốn của Trần Nam không biết bao nhiêu tâm huyết và thời gian. Nếu không phải tu vi hắn cao, có thể thí nghiệm lặp đi lặp lại, nếu không phải hắn có các lý thuyết cơ bản của kiếp trước thì bây giờ hắn vẫn đang vò đầu bứt tai nghĩ cách, có khi đã nản lòng quyết định đưa em trai ra chiến trường thật để tập luyện rồi.
Vốn Trần Nam định đặt tên thiết bị này là Animus, bởi nó được lấy nguyên ý tưởng từ thiết bị huyền thoại game Assassin’s Creed này. Nhưng Hoàng Tuyết Nhu không đồng ý, nói rằng nghe quá kỳ dị, tốt nhất nên đặt tên là Kính Ảo Cảnh là gọn gàng nhất.
Ngoài ra, “hắn” trên Trái Đất cực kỳ mê đọc tiểu thuyết, trong đó Tam Quốc là một tác phẩm không thể thiếu, thậm chí các tác phẩm xuyên việt chủ đề Tam Quốc cũng đã nhai không ít. Vì vậy các đoạn trường cảnh mà Trần Nam chọn đều là các cuộc chiến Tam Quốc. Không những có thể rèn luyện cho Trần Lữ về kỹ năng chiến đầu mà còn có thể rèn luyện binh pháp cho em trai.
Theo thiết kế của Trần Nam, em trai vào đó chỉ là để rèn luyện kỹ năng và dũng cảm, nhưng tu vi thì vẫn phải tự bản thân tu luyện ra. Vì thế nên thực lực của Trần Lữ trong ảo cảnh chính là thực lực thực sự của hắn. Ngoài ra, các tướng lĩnh cũng được chuẩn hóa về tu vi. Các tướng lĩnh bình thường có tu vi tầng hai, các tướng thiện chiến như Quan – Vân – Triệu hay Trương Liêu… thì có tu vi tầng ba, riêng Lã Bố thì được thiết kế làm boss trùm, tu vi tầng bốn vô địch. Vì sau táng thân là vì bị quá nhiều người vây công.
Nhưng dù sao thì đầu óc của Trần Nam cũng không phải toàn năng, các loại chiến thuật, các cách dụng binh và kế sách chiến trường không phải là phạm trù mà hắn tinh thông, vì thế các trận đánh được thực hiện đều khá cứng ngắc, đối phương cũng không phải thiên biến vạn hóa, quỷ kế đa đoan như Gia Cát Lượng hai Tư Mã Ý thật sự, mà chỉ là rập khuôn theo các kế sách mà họ đã dùng theo từng trận đánh mà thôi.
Mặc dù thế thì sản phẩm này cũng quá thành công rồi. Sau khi được anh trai tặng ón quà này cùng với bí tịch Tướng Quân Lệnh, Trần Lữ đã nhảy dựng lên sung sướng. Trong lòng vừa cảm kích, vừa sùng bái anh trai như thần minh, trong lòng thầm thề sẽ càng cố gắng, không làm cho khổ tâm của anh trai trở thành vô ích.
Hôm nay cũng là lần đầu sử dụng, Trần Nam không muốn làm khó em trai, vì thế chỉ chọn cuộc chiến chống quân khăn vàng. Vốn mỗi cuộc chiến đều rất dài lâu, bao gồm rất nhiều trận chiến nhỏ, ngay cả trận chiến khăn vàng cũng là như thế. Với thực lực của Trần Lữ thì chỉ làm được một tên lính quèn, tu vi tầng một mà thôi. Dù thế thì hắn cũng coi như là một thành viên tinh nhuệ lấy một địch mười rồi.
Nhưng mới chỉ vào được ba phút, Trần Lữ đã thở hổn hển, bị cưỡng chế lôi ra khỏi ảo cảnh. Bởi “hắn” trong đó đã chết mất tiêu rồi.
- Sao hả? – Trần Nam cười tủm tỉm hỏi.
- Em… em… - Trần Lữ lúng túng, sắc mặt có vẻ tái nhợt, thần tình hoang mang.
Trần Nam thở dài một hơi, đó dù là ảo cảnh, mình cũng làm không quá giống chiến trường, bởi bản thân mình cũng chỉ nhìn qua phim ảnh chứ có biết chiến trường thế nào đâu? Nhưng như vậy đã làm cho thằng bé hoảng sợ như vậy rồi. Hy vọng nó sớm vượt qua được thời kỳ này, nếu không thì còn làm tướng quân gì nữa đây?


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện