Chương 15


TẠI NHÀ MỞ LYLE, cứ đến chín giờ là chúng tôi lên giường đi ngủ, đồng thời việc tắt đèn và quy định không được nói chuyện có hiệu lực một tiếng sau khi các y tá đi nghỉ.


Ở mỗi bên trên tầng trên đều có một phòng ngủ cho y tá được phân công. Liz từng nói không có cửa ngăn giữa khu nam sinh và nữ sinh, nhưng theo Rae, giữa phòng ngủ của các y tá có một cánh cửa như thế, giúp họ nhanh chóng di chuyển lên toàn bộ tầng trên khi xảy ra tình huống khẩn cấp.


Vì vậy, trong lúc Rae cam đoan rằng bà Talbot là người dễ ngủ và say giấc, chúng tôi còn phải tính đến cô Van Dop. Đột nhập sớm thì quá mạo hiểm. Rae đặt báo thức trên đồng hồ thể thao của cô ấy là hai rưỡi rồi chúng tôi đi ngủ.


Hai giờ ba mươi phút sáng, căn nhà yên ắng, tĩnh lặng. Quá yên ắng và tĩnh lặng là đằng khác. Từng tiếng rắc rắc trên sàn nhà ván gỗ thôi cũng nghe như tiếng súng ấy. Và trong một ngôi nhà gỗ, hầu hết mọi tấm ván đều kêu như thế.


Rae theo tôi vào trong bếp. Chúng tôi lấy hai hộp nước ép trong tủ lạnh ra đặt lên quầy. Sau đó tôi mở cửa phòng chứa thực phẩm, bật đèn lên và quay trở vào hành lang, để hai cánh cửa khép he hé.


Văn phòng Tiến sĩ Gill nằm cuối mé nhà phía tây, gần cầu thang của nam sinh. Tuần trước Rae đã ngó qua ổ khoá rồi. Chỉ có mỗi chìa chính để vào bên trong, không gian nan hơn chuyện bạn nhặt được tiền xu là mấy. Cũng có khả năng Rae nói vậy thôi. Trước giờ tôi làm gì có lý do để mở một ổ khoá trong nhà - chắc do tôi là con một. Vì thế tôi quan sát và ghi nhớ hết các bước vào trong đầu. Hết thảy là vì mục đích tăng thêm kinh nghiệm sống.


Có lần trong buổi điều trị, Rae thấy Tiến sĩ Gill lấy hồ sơ của mình ra ngoài, nên cô ấy biết tiến sĩ cất hồ sơ ở đâu. Văn phòng có một chiếc máy in đa chức năng, để cho tiện ấy mà. Tôi đứng gác. Chỉ có chút khó khăn khi cô ấy sao chép lại giấy tờ, tiếng máy scan kêu xuyt-xuyt khá lớn, làm tôi lo lắng. Nhưng ắt là hồ sơ cũng ngắn, vì lúc tôi nhìn vào, cô ấy đang bỏ lại giấy tờ vào bìa đựng, việc sao chép đã hoàn tất.


Rae đưa cho tôi hai tờ giấy được gấp làm đôi, đặt hồ sơ vào lại trong ngăn kéo rồi cùng tôi quay trở lại. Khi cô ấy khoá cửa lại, tiếng rắc rắc trên sàn gỗ không lẫn vào đâu được làm cả hai chúng tôi cứng người. Một khoảng lặng dài dặc trôi quá. Rồi thêm một tiếng rắc nữa. Có ai đó đang đi xuống cầu thang của nam sinh.


Chúng tôi rời đi, rón rén bước chân trần xuôi theo dọc hành lang. Đến chỗ cửa bếp khép hờ, tôi với Rae phóng như bay vào trong, sau đó chui vào phòng chứa thực phẩm.


"Thôi nào," tôi thì thầm, giọng rất kịch. "Cứ lấy vài món thôi."


"Tớ không tìm được kẹo Rice Krispie. Tuần trước có vài thanh ở đây mà."


"Chắc là đám con trai..." tôi im bặt rồi rít lên. "Có người đến. bật đèn lên nào!"


Tay Rae sượt qua công tắc, còn tôi thì khép hẳn cửa lại nhưng vẫn để hé một chút. Ghé mắt qua khe hở, tôi nhìn thấy Derek dừng bước phía trong cửa bếp. Không mở đèn, anh ta nhìn quanh quất, ánh trăng từ cửa sổ rọi vào toả ra thứ ánh sáng dìu dịu lên mặt anh ta. Anh ta quét mắt khắp căn bếp và dừng trước phòng chứa thực phẩm.


Tôi mở cửa bước ra.


"Anh lấy bánh quy giòn à?" tôi giơ lên một cái hộp.


Derek nhìn tôi. Trong một thoáng, tôi có cảm giác như mình quay trở lại thời điểm trong tầng hầm, khi tôi lao đi trên không. Nụ cười trên miệng tắt ngóm, tôi dúi hộp bánh vào tay anh ta.


"Bọn tôi đang kiếm đồ ăn vặt," Rae lên tiếng.


Anh ta vẫn nhìn tôi chằm chặp, mắt nheo lại.


"Tớ sẽ đi lấy nước ép," Rae chen người bước qua.


Derek nhìn sang chỗ mấy hộp nước ép bị bỏ lại từ trước trên quầy bếp. Bằng chứng cho thấy chúng tôi chỉ lục lọi trong bếp. Đó là kế hoạch của tôi, và tôi nghĩ làm thế thật thông minh. Nhưng khi ánh mắt của Derek quay ngoắt lại, tóc tai trên cổ tôi dựng đứng lên và tôi biết là anh ta không bị lừa rồi.


Tôi bước lên trước. Trong tích tắc, Derek cứ đứng im đấy và âm thanh duy nhất tôi nhận thức được là tiếng thở của anh ta, mặt khác, bị dáng người cao lớn án ngữ trước mặt mình áp đảo.


Anh ta bước sang một bên.


Lúc tôi đi ngang qua, anh ta lấy một bọc bánh quy trong hộp chìa ra cho tôi. "Cô quên này."


"À phải. Cảm ơn."


Tôi nhận lấy bánh và lẩn vào hành lang, Rae đi sau tôi. Derek cũng nối gót chúng tôi đi lên lầu, tôi thoáng liếc xuống hành lang. Derek đã ngừng lại bên ngoài văn phòng tiến sĩ Gill và đứng đó nhìn cánh cửa đăm đăm.


Tôi với Rae nằm trên giường, đèn đã tắt mười lăm phút, đủ lâu để Derek mách chuyện chúng tôi cho các y tá cũng như quay vào giường ngủ. Mấy ngón tay tôi cứ sượt qua xấp giấy nhét trong cạp đồ ngủ. Cuối cùng, Rae trượt sang giường tôi, trong tay cầm đèn pin.


"Thiếu chút nữa là tiêu đời," Rae nói.


"Cậu có nghĩ là anh ta sẽ báo lại với các y tá không?


"Không đâu. Anh ta đang đi lấy đồ ăn thôi. Anh ta không dám hớt lẻo đâu."


Derek chỉ tình cờ thức dậy đi tìm đồ ăn trong khi chúng tôi đột nhập vào trong văn phòng của Tiến sĩ Gill thôi sao? Tuy ghét việc ngẫu nhiên trùng hợp, nhưng tôi vẫn tin là cái máy in không kêu ầm đến mức đang ngủ trên lầu mà anh ta cũng nghe được.


Tôi lấy mấy tờ giấy ra, đặt trên đệm vuốt thật phẳng.


"Là của Derek," Rae vừa thì thầm vừa bật đèn pin lên.


Tôi giật tờ thứ hai và chìa cho cô ấy. "Cậu muốn tờ của Simon chứ?"


Rae lắc đầu. "Trang thứ hai cũng của Derek. Không có tờ nào về Simon đâu."


"Cậu không tìm được à?"


"Không phải, mà là chẳng có gì cả. Các ngăn kéo trong tủ đánh dấu theo tên của chúng ta, các tập hồ sơ cũng tương tự. Không có ngăn hay hồ sơ nào để tên Simon hết."


"Chuyện đó thật..."


"Quái lạ, tớ biết. Có lẽ họ cất chúng ở nơi khác. Dù gì thì cái cậu cần là của Derek mà, nên tớ cho là mình không nên phí thời gian tìm hồ sơ của Simon làm gì. Giờ mình xem xem Frenkenstein đang gặp chuyện gì nào." Cô ấy rọi đèn lên đầu trang giấy. "Derek Souza. Ngày tháng năm sinh, vân vân và vân vân..."


Rae chuyển ánh đèn xuống phần tiếp theo. "Hừ. Một cơ quan chăm sóc trẻ em đưa anh ta đến Nhà mở Lyle. Chẳng đề cập gì đến người cha mà họ luôn nhắc đến. Nếu có liên quan đến cơ quan chăm sóc trẻ em thì cá với cậu là năm đó anh ta không có cha. À, đây rồi. Chuẩn đoán... rối loạn nhân cách chống đối xã hội [¹]." Cô ấy phì cười. "Không phải chứ? Cung cấp cho tớ vài điều mà tớ chưa biết đi nào. Có thật đó là một loại bệnh không vậy? Cư xử thô lỗ sao? Với loại bệnh này thì họ kê cho cậu phương thuốc nào mới được chứ?"


[¹] Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder-ASPD): một dạng trong nhóm bệnh rối loạn nhân cách. Là một trạng thái không bình thường của nhân cách, biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật.


"Dù có là gì thì hiện tại cũng không hiệu quả."


Rae cười toét miệng. "Đúng đấy. Chả trách anh ta bị kẹt ở đây lâu vậy."


Có tiếng mở đèn tách tách ngoài hành lang. Rae chui tọt vào giường, bỏ đèn pin lại. Tôi vừa tắt đèn pin thì cửa phòng tắm khép lại. Khi tôi nhúc nhích để ném nó sang, Rae lắc đầu ý bảo đừng, sau đó chồm sang thì thào, "Cậu thầu hết nhé. Có tìm được gì thú vị không? Sáng mai nhớ kể cho tớ."


Cho dù ai đang ở trong nhà tắm - Tori hay bà Talbot - thì có vẻ như định ngủ luôn trong đó thì phải. Đến lúc toa lét vọng ra tiếng dội nước thì Rae đã ngủ mất rồi. Tôi đợi thêm vài phút nữa rồi bật đèn pin lên.


Càng đọc thì nỗi sợ hãi trong dạ dày tôi càng lớn dần. Chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội chẳng liên quan gì đến việc cư xử thô lỗ cả. Người mang bệnh này chẳng thèm đếm xỉa gì đến những người xung quanh, thiếu khả năng thông cảm - không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Biểu hiện rối loạn được mô tả là có tính khí nóng nảy và hay nổi cơn thịnh nộ, điều chỉ làm cho mọi việc thêm tồi tệ thêm. Nếu bạn không hiểu rằng bạn đang làm đau ai đó thì còn gì có thể ngăn cản bạn lại được đây?


Tôi chuyển qua trang thứ hai đề là "lý lịch cá nhân."


Việc thực hiện điều tra lý lịch bài bản về DS tiến triển chậm chạp. Không tìm được giấy khai sinh hay giấy tờ tuỳ thân. Có khả năng là có, nhưng thiếu thông tin cụ thể về cuộc sống trước đây của cậu ta, khiến cho việc tìm kiếm theo đúng quy tắc là bất khả thi. Theo DS và em nuôi cậu ta, SB, Derek đến sống với gia đình họ vào lúc khoảng năm tuổi. DS không có ký ức - hay từ chối chia sẻ - những thông tin chi tiết về cuộc đời mình trước thời gian này, mặc dù những câu trả lời của cậu ta đưa ra giả thuyết rằng có thể cậu ta được một tổ chức nuôi lớn.


Cha của Simon, Christopher Bae, xuất hiện và nhận lấy trách nhiệm chăm sóc DS mà không có hồ sơ nhận nuôi chính thức hay sắp xếp nhận nuôi. Hai cậu bé được ghi danh ở trường là "Simon Kim" và "Derek Brown." Không rõ lý do vì sao lại lấy tên giả.


Các ghi chép của trường học cho thấy DS bắt đầu có vấn đề về hành vi cư xử vào năm lớp bảy. Vốn là một đứa trẻ không cởi mở hay vui vẻ, DS ngày càng trở nên ủ rũ, quá trình điều trị của cậu ta chấm dứt vì những cơn tức giận đột ngột, thường là những cơn giận nóng nảy lên đến đỉnh điểm.


Những cơn giận nóng nảy...


Những vết thâm trên tay tôi âm ỉ đau. Tôi lơ đãng xoa xoa lên đấy, mặt nhăn lại.


Trên giấy tờ chính thức thì không có sự vụ nào được nhắc đến, nên việc nghiên cứu mang tính pháp lý hoàn chỉnh về quá trình tiến triển của chứng rối loạn này là bất khả. DS dường như tránh được việc bị đuổi hay kỷ luật nghiêm trọng cho đến khi một trận cãi nhau được nhân chứng mô tả "một trận đánh nhau bình thường trong sân trường" xảy ra. DS thô bạo tấn công ba bạn học trong một vụ mà các nhân viên ngờ là do tức giận quá khích. Sự bộc phát adrenaline cũng có thể là lời giải thích cho màn phô diễn sức mạnh phi thường được nhân chứng tường thuật lại. Đến lúc chính quyền can thiệp, một thiếu niên đã bị gãy xương sống. Các chuyên gia y tế sợ rằng cậu ta không bao giờ đi lại được nữa.


Trang lý lịch cá nhân chi tiết vẫn còn dòng cách dẫn xuống dưới, nhưng câu chữ trước mắt tôi đã biến đi đâu mất. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là sàn nhà vụt qua mặt khi Derek ném bay tôi trong phòng giặt ủi.


Sức mạnh phi thường...


Những cơn nóng giận...


Có lẽ không bao giờ đi lại được nữa...


Họ đã đưa Liz đi vì tội ném bút chì và chai keo xịt tóc và họ giữ Derek lại? Một anh chàng to con với quá khứ chứa đựng những cơn thịnh nộ thô bạo? Với chứng rối loạn mà theo đó, anh ta chẳng quan tâm gì đến người anh ta làm đau hoặc là còn tệ hơn nữa?


Tại sao không ai cảnh báo tôi?


Tại sao anh ta không bị giam lại?


Tôi dúi mấy tờ giấy vào dưới nệm, không cần đọc tiếp nữa. Tôi biết phần còn lại viết gì rồi. Rằng anh ta đang được điều trị. Rằng anh ta đang hồi phục. Rằng anh ta đang hợp tác và chẳng có biểu hiện gì bạo lực khi đang sống tại Nhà mở Lyle. Rằng anh ta đang nằm trong tầm kiểm soát.


Tôi chiếu đèn pin lên tay mình. Những dấu tay đang dần bầm tím.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện