Thời Tống Lý Tông, năm Khai Khánh nguyên niên, là năm thứ chín sau khi đại hãn Mông Cổ Mông Ca lên ngôi, bấy giờ vào đầu xuân tháng Hai, bến Phong Lăng ở bờ bắc Hoàng Hà đầy tiếng ngựa hí lừa kêu, tiếng người tiếng xe huyên náo. Mấy ngày liền trời chợt lạnh chợt ấm, Hoàng Hà thoạt tiên tan băng, đến hôm nay gió bấc thổi mạnh, tuyết rơi dày, mặt sông lại đóng băng. Thuyền không thể qua lại, mà băng thì chưa đủ dày cho xe ngựa lại qua, rất nhiều khách đi xuống miền nam đều bị ách lại ở bến Phong Lăng, không thể đi tiếp. Bến Phong Lăng tuy có mấy tòa khách điếm, nhưng dòng người từ phía bắc đổ xuống lũ lượt không ngớt, chưa đến nửa ngày, các nơi đã hết chỗ, những khách thương đến sau không còn phòng để thuê làm chỗ nghỉ đêm.

Tòa khách điếm lớn nhất ở đây có tên "An độ lão điếm", nổi tiếng là tòa khách điếm an toàn. Nơi đây phòng ốc rộng rãi, ít khách thương nào không tìm đến trú ở đây, cho nên càng chật ních. Chưởng cự phải khua môi múa mép mới dồn được ba, bốn khách vào một phòng, còn hai chục người không biết bố trí vào đâu, đành phải ngồi ở gian đại đường. Điếm tiểu nhị bày bàn ăn, đốt một đống lửa lớn ở giữa gian. Ngoài cửa gió lạnh thổi ù ù, tuyết bay lả tả lùa vào qua khe cửa, thổi lửa lúc sáng bừng, lúc tối lại. Mọi người đoán chừng sáng mai chưa thể lên đường, chau mày buồn bã.

Gần tối, tuyết rơi càng dày, bỗng nghe có tiếng vó ngựa, ba người cưỡi ngựa dừng lại ngoài điếm môn khẩu. Một vị khách già ngồi bên đống lửa cau mày, nói:

- Lại có người đến thêm.

Quả nhiên nghe giọng một nữ nhân:

- Chưởng cự, hãy chuẩn bị cho ta hai phòng rộng rãi, sạch sẽ.

Chưởng cự cười hề hề:

- Xin phu nhân lượng thứ, tiểu điếm đầy chật rồi, không còn một chỗ nào nữa.

Giọng nữ nhân:

- Được, thôi thì chuẩn bị cho ta một phòng vậy.

Chưởng cự nói:

- Được quý khách quang lâm quả là vinh hạnh cho tiểu điếm, nhưng hôm nay quả thật không còn lấy một phòng.

Nữ nhân vút vút cây roi ngựa, xẵng giọng:

- Nói vớ nói vẩn! Ngươi mở khách điếm mà không có đủ phòng trọ thì mở khách điếm làm gì? Ngươi bảo người ta nhường phòng lại không được hay sao? Ta trả nhiều tiền cho ngươi được chưa?

Đoạn xông thẳng vào đại đường.

Mọi người thấy nữ nhân trạc ba mươi tuổi, mặt hạnh má đào, dung nhan mỹ lệ, mặc chiếc áo da cừu lót lụa màu lam, cổ quàng tấm lông chồn, phục sức rất sang trọng. Theo sau thiếu phụ có một nam một nữ, đều khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, nam thì mày rậm mắt to, thần tình thô hào, nữ thì thanh nhã tú mỹ. Thiếu niên và thiếu nữ cùng mặc áo da, thiếu nữ cổ đeo một chuỗi minh châu, mỗi hạt ngọc to bằng đầu ngón tay út, phát quang long lanh. Đám khách thương choáng ngợp bởi khí thế của ba người mới tới, ngẩn ngơ nhìn họ.

Điếm bạn cúi mình cười hề hề, nói:

- Phu nhân coi đó, các vị quan khách đây cũng đều không tìm được phòng trống. Ba vị nếu không hiềm phiền toái, tiểu nhân sẽ bảo các vị đây nhường cho một bàn, thôi thì tạm ngồi sưởi qua đêm nay, ngày mai băng đóng cứng, không chừng có thể qua sông.

Thiếu phụ xinh đẹp thấy tình cảnh này là thực, cau mày không nói. Một thiếu phụ trung niên ngồi bên đống lửa nói:

- Phu nhân hãy ngồi xuống đây mà sưởi cho đỡ lạnh đã, rồi tính sau.

Thiếu phụ xinh đẹp nói:

- Được, xin đa tạ.

Một vị khách nam ngồi cạnh thiếu phụ trung niên vội xê dịch sang một bên, dành ra một khoảng rộng.

Ba người ngồi một lát, điếm tiểu nhị bưng thức ăn tới. Thức ăn nhiều món, thịt thà đủ cả, còn thêm một bình rượu trắng. Thiếu phụ xinh đẹp tửu lượng rất cao, uống hết bát này đến bát khác. Thiếu niên và thiếu nữ cùng uống với thiếu phụ xinh đẹp.

Nghe ba người xưng hô, họ là tỷ đệ, chàng thiếu niên là út.

Mọi người ngồi vây quanh đống lửa, nghe gió thổi ù ù bên ngoài, nhất thời chưa định ngủ.

Một hán tử nói giọng Sơn Tây lên tiếng:

- Thời tiết thật là trái chứng, làm khổ người ta, lúc thì tan băng, lúc thì đóng băng.

Một người lùn nói giọng Hồ Bắc:

- Các hạ đừng có oán trách trời đất nữa, chúng ta được ngồi sưởi ấm thế này, được ăn uống no đủ, còn đòi gì hơn? Các hạ mà sống trong thành Tương Dương bị vây hãm, sẽ thấy nơi khốn cùng trong thiên hạ cũng vẫn còn là nơi an lạc chán.

Thiếu phụ xinh đẹp nghe bốn chữ "trong thành Tương Dương", thì nhìn đệ muội một cái.

Một vị khách nói giọng Quảng Đông hỏi:

- Lão huynh, xin hỏi trong thành Tương Dương bị vây hãm, tình cảnh thế nào?

Người nói giọng Hồ Bắc đáp:

- Sự tàn bạo của bọn Thát tử Mông Cổ, các vị hẳn đã nghe cả rồi. Cái năm hơn mười vạn đại quân Mông Cổ vây đánh thành Tương Dương, thống chế Lã đại nhân thủ thành là một kẻ bất tài, may có vợ chồng Quách đại hiệp ra sức chống địch...

Thiếu phụ nghe nhắc đến "vợ chồng Quách đại hiệp" thì lắng nghe.

Người nói giọng Hồ Bắc tiếp:

- Mấy chục vạn quân dân thành Tương Dương cũng dốc sức thủ thành, không một ai run sợ thoái hậu. Như tiểu nhân chỉ là một tiểu thương, cũng dùng xe chở đá giúp cho việc phòng thủ. Vết sẹo trên mặt tiểu nhân đây là do bị trúng tiễn của quân Mông Cổ đó.

Mọi người cùng nhìn người đó, thấy bên dưới mặt trái quả nhiên có một vết thương vì trúng tiễn to bằng miệng chén trà, thì bất giác có ý kính nể.

Vị khách Quảng Đông nói:

- Đại Tống ta đất rộng người đông, nếu ai cũng như lão huynh, thì bọn Thát từ Mông Cổ có hung bạo gấp mười, cũng không thể chiếm được giang sơn ta.

Người nói giọng Hồ Bắc:

- Đúng thế, các hạ thấy đó, đại quân Mông Cổ tấn công thành Tương Dương hơn chục năm, vẫn không hạ nổi, thành thử cũng không chiếm được các nơi khác. Nghe đồn mấy chục quốc gia bên ngoài Tây Vực đều bị quân Mông Cổ tiêu diệt, thành Tương Dương của nước ta vẫn vững vàng như núi. Tứ vương tử Mông Cổ Hốt Tất Liệt thân chinh đứng dưới chân thành đốc chiến, cũng không làm gì nổi người Tương Dương chúng tôi.

Vị khách Quảng Đông nói:

- Trăm họ đều sẵn sàng liều chết với bọn Thát tử, nếu bọn Thát tử tiến đánh vùng Quảng Đông chúng tôi, dân Quảng Đông cũng sẽ đánh cho chúng một trận tơi bời.

Người Hồ Bắc nói:

- Không liều chết với bọn Thát tử thì cũng mất mạng. Bọn Thát tử Mông Cổ đánh không nổi thành Tương Dương, bèn bắt người Hán ở ngoài thành, giải tới dưới chân thành mà chém đầu. Chúng còn dùng dây trói những đứa trẻ thơ năm, sáu tuổi rồi cho ngựa kéo chạy vòng vòng dưới chân thành, vài vòng thì đứa trẻ đã chết tươi. Chúng tôi ở trên mặt thành nghe tiếng trẻ thơ khóc thét mà như đứt từng khúc ruột. Bọn Thát tử tưởng dùng thủ đoạn tàn bạo làm cho chúng tôi sợ hãi mà đầu hàng, nhưng chúng càng tàn bạo, ta càng giữ thành thật vững. Năm ấy lương thực trong thành Tương Dương hết nhẵn, nước cũng cạn, rồi vỏ cây, nước dơ cũng bị người ta ăn uống hết sạch, vậy mà bọn Thát tử vẫn không hạ nổi thành, đành phải lui binh.

Vị khách Quảng Đông nói:

- Mười mấy năm nay, không có thành Tương Dương kiên cường bất khuất, e rằng một nửa giang sơn Đại Tống ta đã mất rồi.

Mọi người nhao nhao hỏi han về tình hình thủ thành Tương Dương, người nói giọng Hồ Bắc kể đâu ra đó, ca ngợi vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung như thần như thánh, ai nấy tấm tắc không thôi.

Một người khách nói giọng Tứ Xuyên bỗng lên tiếng:

- Thực ra quan tốt giữ thành nơi nào cũng có, chẳng qua triều đình không phân biệt trung gian, để cho gian thần tận hưởng vinh hoa phú quý, còn trung thần thì hàm oan mà chết. Chuyện anh hùng Nhạc Phi thời trước khỏi nói, như đối với Tứ Xuyên chúng tôi triều đình đã giết oan mấy vị đại trung thần.

Người Hồ Bắc nói:

- Là ai vậy, xin cho biết.

Người khách Tứ Xuyên nói:

- Bọn Thát tử Mông Cổ đánh Tứ Xuyên hơn mười năm, nhờ có Dư Giới Dư đại soái trấn thủ, trăm họ ở Tứ Xuyên đều coi Dư đại soái như vị Phật sống. Ai ngờ hoàng thượng tin lời tên gian thần Đinh Đại Toàn bảo Dư đại soái lạm quyền, dối trên nạt dưới, ban cho rượu độc buộc Dư đại soái tự vẫn, phái về một tên gian đảng bất tài làm nguyên soái. Sau đó bọn Thát tử Mông Cổ đánh tới, vùng bắc Tứ Xuyên lập tức thất thủ. Ngoài mặt trận toàn là thuộc hạ cũ của Dư đại soái, ai cũng liều chết đánh địch. Nhưng viên nguyên soái mới chỉ biết nịnh nọt thượng ti, không biết gì việc điều binh khiển tướng, tất nhiên không chống nổi quân địch. Bọn gian thần Đinh Đại Toàn, Trần Đại Phương che chở cho viên cẩu nguyên soái kia, lại đi đổ oan cho tướng quân Vương Duy Trung, một vị tướng quân anh dũng bất khuất là tư thông với giặc, áp giải cả gia đình Vương tướng quân về kinh, chém đầu Vương tướng quân.

Nói đến đây, giọng người đó nghẹn ngào, mọi người cùng thở dài.

Vị khách Quảng Đông căm phẫn nói:

- Đại sự quốc gia lại do bọn gian thần thao túng. Nghe nói trong triều có ba con chó, tên gian thần Đinh Đại Toàn là một trong ba con đó.

Một thiếu niên mặt trắng trẻo từ đầu chỉ ngồi nghe, lúc này bỗng lên tiếng:

- Đúng vậy, đứng đầu bọn gian thần trong triều là ba tên Đinh Đại Toàn, Trần Đại Phương, Hồ Đại Xương. Người Lâm An chúng tôi thêm một dấu chấm trên chữ "Đại", thành chữ "Khuyển" (chó), ba tên ấy hóa thành Đinh Khuyển Toàn, Trần Khuyển Phương, Hồ Khuyển Xương.

Mọi người nghe vậy cùng cười ồ lên.

Vị khách Tứ Xuyên nói:

- Nghe khẩu âm của lão đệ, hình như là người Lâm An ở kinh đô thì phải?

Thiếu niên kia nói:

- Đúng thế.

Vị khách Tứ Xuyên nói:

- Vậy lão đệ có nghe kể về tình cảnh tướng quân Vương Duy Trung bị hành hình ra sao chứ?

Thiếu niên nói:

- Tiểu đệ đã chính mắt chứng kiến. Vương tướng quân trước lúc chết vẫn bình thản như không, uy phong lẫm liệt, chửi Đinh Đại Toàn, Trần Đại Phương là bọn họa quốc ương dân, ngoài ra còn có một chuyện lạ.

Mọi người cùng hỏi:

- Là chuyện gì vậy?

Thiếu niên nói:

- Vương tướng quân bị một tay Trần Đại Phương sát hại. Khi Vương tướng quân bị dẫn ra pháp trường, dọc đường Vương tướng quân lớn tiếng nói rằng sau khi chết sẽ lên kêu oan với Ngọc hoàng đại đế. Ngày thứ ba sau khi Vương tướng quân chết, Trần Đại Phương quả nhiên bị chết thảm tại nhà. Thủ cấp của hắn bị treo cao ở gác chuông cửa Đông thành Lâm An, trên một cây sào. Chỗ ấy loài khỉ cũng không thể leo lên nổi, đừng nói là người, nếu không phải thiên thần thiên tướng do Ngọc hoàng đại đế phái xuống, còn ai có thể làm được việc đó?

Mọi người đều cho là lạ. Thiếu niên nói:

- Chuyện ấy thành Lâm An ai cũng biết, không phải do tại hạ bịa ra. Vị nào đến Lâm An, cứ hỏi thăm khắc biết.

Người khách Tứ Xuyên nói:

- Vị lão đệ này nói không sai. Có điều người giết Trần Đại Phương không phải thiên thần thiên tướng, mà là một vị anh hùng hào kiệt.

Thiếu niên lắc đầu nói:

- Thiết nghĩ Trần Đại Phương là đại quan trong triều, có thân binh gia tướng canh phòng cẩn mật, thường nhân làm sao giết nổi hắn? Hơn nữa, thủ cấp của hắn bị treo cao ở gác chuông, trừ phi có cánh mới làm nổi việc đó.

Người khách Tứ Xuyên nói:

- Kỳ nhân hiệp sĩ bản lĩnh phi phàm, trên thế gian vẫn có đấy. Nếu tiểu đệ không chính mắt chứng kiến, thì cũng khó tin.

Thiếu niên ngạc nhiên hỏi:

- Các hạ chính mắt nhìn thấy thủ cấp của Trần Đại Phương bị treo cao ở gác chuông ư? Làm sao các hạ chính mắt thấy được?

Người khách Tứ Xuyên do dự một lát, rồi nói:

- Tướng quân Vương Duy Trung có một người con trai, lúc Vương tướng quân bị bắt thì người con trai ấy không có nhà. Bọn gian thần trong triều đình muốn nhổ cỏ tận gốc, mới sai quân mã truy nã. Người con của Vương tướng quân cũng là một quân quan, tuy biết võ nghệ, song quả bất địch chúng, thấy sắp bị truy binh bắt được, thì gặp một vị cứu tinh, tay không đánh tan mấy chục quân mã. Người con của Vương tướng quân liền đem việc hai cha con anh dũng vệ quốc mà bị hãm hại như thế nào kể lại, vị đại hiệp kia ngay đêm ấy tới Lâm An, định cứu Vương tướng quân, nhưng đã chậm mất hai ngày, Vương tướng quân đã bị giết hại. Vị đại hiệp nổi giận, ngay đêm ấy đi chặt đầu Trần Đại Phương, treo lên trên gác chuông. Chỗ ấy đúng là loài vượn cũng không leo lên nổi, vậy mà vị đại hiệp kia chỉ nhún chân một cái đã bay lên được.

Vị khách Quảng Đông hỏi:

- Vị hiệp khách ấy là ai? Hình dạng như thế nào?

Người khách Tứ Xuyên nói:

- Tại hạ không biết tính danh vị đại hiệp kia, chỉ thấy người ấy thiếu mất cánh tay phải, tướng mạo... tướng mạo rất đặc sắc, cưỡi một con ngựa, dắt theo một con ngựa thứ hai, trên lưng con ngựa thứ hai có một con quái điểu ly kỳ cổ quái...

Chưa nói hết thì một đại hán dõng dạc nói to:

- Đúng thế, đấy chính là vị Thần điêu hiệp lừng danh khắp giang hồ.

Người khách Tứ Xuyên hỏi:

- Là Thần điêu hiệp ư?

Đại hán nói:

- Phải, vị đại hiệp ấy hành hiệp trượng nghĩa, đả phá bất bình, song không chịu nói rõ tính danh, bằng hữu giang hồ thấy chàng lúc nào cũng ở bên cạnh một con quái điểu như hình với bóng, bèn tặng cho chàng ngoại hiệu "Thần điêu đại hiệp". Chàng nói rằng hai chữ "đại hiệp" chàng quyết không dám nhận, người ta đành gọi chàng là "Thần điêu hiệp". Kỳ thực những việc chàng làm hoàn toàn xứng danh với hai chữ "đại hiệp". Chàng mà không xứng, thì còn ai xứng kia chứ.

Thiếu phụ xinh đẹp đột nhiên xen vào nói:

- Ngươi là đại hiệp, ta là đại hiệp, hừ, sao mà lắm đại hiệp thế!

Người khách Tứ Xuyên bình thản nói:

- Phu nhân nói nghe lạ, chuyện giang hồ tiểu nhân tuy không hiểu, nhưng đúng là vị Thần điêu đại hiệp cứu mạng Vương tướng quân, đã đi một mạch từ Giang Tây đến Lâm An, suốt bốn ngày đêm không chợp mắt. Thần điêu hiệp không quen biết Vương tướng quân, nhưng thương Vương tướng quân tận trung báo quốc lại bị gian thần hãm hại, nên bất chấp nguy hiểm, đi kêu oan cho Vương tướng quân, phu nhân bảo như vậy đã xứng là một vị đại hiệp hay chưa?

Thiếu phụ hừ một tiếng, định nói, thì thiếu nữ văn nhã ngồi bên cạnh thiếu phụ nói:

- Tỷ tỷ, vị anh hùng hành xử như thế, rất xứng với hai chữ "đại hiệp".

Giọng nàng trong trẻo, nghe rất êm dịu, ai nghe cũng thích.

Thiếu phụ nói:

- Muội thì hiểu gì?

Đoạn quay sang phía vị khách Tứ Xuyên, hỏi:

- Làm sao các hạ biết rõ mọi chuyện đó? Lại nghe chuyện dọc đường chứ gì? Tin đồn trên giang hồ, chín phần mười là không đáng tin.

Vị khách Tứ Xuyên trầm ngâm giây lát, rồi nghiêm trang nói:

- Tiểu nhân họ Vương, tướng quân Vương Duy Trung chính là tiên phụ, tính mạng của tiểu nhân là do Thần điêu đại hiệp cứu thoát, tiểu nhân thân là khâm phạm, triều đình ra lệnh truy nã, muốn chém đầu tiểu nhân. Nhưng một khi nhắc đến danh tính của ân nhân cứu mạng, tiểu nhân đâu dám tham sống sợ chết, giấu diếm không nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện