Tuy đã chính tay đốt hết những tấm ảnh về bố nhưng mẹ tôi vẫn giữ lại một tấm mẹ chụp cùng bà nội. Nước ảnh đen trắng rất đẹp, bối cảnh là trước cổng toà nhà thị chính Birmingham, bà tôi mặc áo dài, mẹ tôi mặc váy cưới, hai người đều tươi cười.

Mẹ bảo người mẹ hận là bố chứ không liên quan tới bậc phụ huynh, nên không thể cứ nhắm mắt đốt bừa, sẽ cảm thấy rất có lỗi. Nếu là mười năm trước tôi chắc chắn sẽ tin lời biện hộ của mẹ, đáng tiếc tôi bây giờ đã là người trưởng thành, cũng coi như hiểu biết chữ tình, sao lại không nhìn ra được cái bà muốn giữ là hình ảnh vào khoảnh khắc hạnh phúc nhất tuổi xuân đâu.

Nhưng mà không tin cũng phải tin thôi, mẹ tôi từ lâu đã không phải là mẹ của mỗi tôi rồi.

Tôi im lặng nhận bức ảnh, đối chiếu với hình chụp được họ hàng bên Pháp (Nhà nội tôi đã từ Anh chuyển tới Pháp sau khi bố tôi mất tích) gửi qua email, không khỏi tặc lưỡi buồn phiền trước sự thay đổi của bà nội. Không tính về sự lão hoá do tuổi tác, tinh thần bà tôi trong ảnh hồi xưa và bây giờ khác nhau quá lớn. Không có sự đau thương trong mắt bà, chỉ có sự nặng nề, nặng nề đến u ám chết lặng. Họ hàng bên Pháp gửi cho tôi một bức ảnh tập thể, nên tôi có thể so sánh mọi người trong gia đình với nhau. Tất cả phụ nữ lớn tuổi đều mang đôi mắt gần giống bà, mặc dù đang đứng cùng chồng và con, nhưng áp lực mà họ phải gánh chịu lại giống như chỉ mình họ cảm nhận được.

Tôi nói suy nghĩ của mình với mẹ trong khi nhìn bà hút thuốc, điều mà bà chỉ làm khi ở cùng tôi.

“Con nghĩ nhiều rồi.” Mẹ thở ra làn khói xám, che đi một phần gương mặt “Sang đấy chỉ cần nghe bà nội nói là được. Cái gì không nên hỏi….”

Bà cầm lại bức ảnh, đút vào túi xách.

“Thì đừng hỏi.”

Bà dụi tắt điếu thuốc, bước ra khỏi phòng.

Tôi nhìn bóng lưng mẹ, lại nhìn bức ảnh tập thể trên máy tính hồi lâu. Có một trực giác trỗi dậy trong tôi, khiến tôi cảm thấy cực kỳ bài xích chuyến đi sang Pháp. Nhưng tôi làm gì có lựa chọn thứ hai, khi đây có thể là cơ hội cuối cùng để nói lời giã biệt với người thân ruột thịt của mình chứ.

29 tháng chạp năm 2003, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên tôi rời khỏi Việt Nam, và cũng đánh dấu bước ngoặt không thể quay đầu của cuộc đời tôi. Dù muốn hay không, tôi buộc phải đi trên con đường đã được vạch sẵn từ khi tôi chào đời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện