Văn Uyên Các bày biện cực kỳ thanh nhã, một cái bàn viết lớn làm bằng gỗ đàn tía đặt ở giữa phòng, Khang Hi ngồi phía sau long án này.  Ung công công đứng hầu bên cạnh Khang Hi.  Xung quanh long án là các giá sách, ở gần cửa ra vào đặt hai chậu tre uốn hình cửu long.  Bốn góc nhà đặt bốn đỉnh đàn lư hương, mùi thuốc bắc tỏa ra từ bốn phía đáng lẽ phải làm Khang Hi thư thái nhưng hiện thời chỉ cảm thấy đầu đau nhức không chịu được.  Khang Hi quay sang bảo Ung công công đi lấy cuốn Kinh Dịch ở trên giá sách đem lại.  Ung công công cúi dạ rồi đi lấy sách mang lại, Khang Hi mở ra xem, không màng mấy người trước mặt mình đang cãi nhau về chuyện gì nữa.  Mấy người Vương Diệm, Ngạch Nhĩ Thái, Trương Đình Ngọc, Mã Tề, Sách Ni, Long Khoa Đa và Mộc Khả Hỷ đó đã cãi nhau gần một canh giờ rồi.

Chả là ban sáng lúc lên triều Ngao Bái có nói mấy câu đụng chạm Mộc Khả Hỷ, Ngạch Nhĩ Thái và Vương Diệm, làm cho ba người tức giận.  Thế là sau khi thiết triều, Mộc Khả Hỷ, Ngạch Nhĩ Thái và Vương Diệm hội ý rồi đi tìm Khang Hi.  Ngạch Nhĩ Thái vừa vào Văn Uyên Các đã nói ngay, không nhường nhịn Ngao Bái nữa.  Ngao Bái bao lâu cậy quyền tác oai tác quái trong cung, không coi ai ra gì, cũng không nghĩ cho thể diện Khang Hi chút nào, Ngạch Nhĩ Thái nói nếu Khang Hi cứ nép sang một bên nhường nhịn lão cáo già ấy mãi chẳng phải là cách.

Khang Hi định lên tiếng nói là trước mắt không thích hợp cho việc giao đấu trực tiếp với liên quân của Ngao Bái, nhưng lời chưa nói ra, thì Mộc Khả Hỷ đã bước ra kể cho Khang Hi nghe một câu chuyện vào thời xuân thu, năm xưa nước Sở có một người bán thuẫn gặp một người bán mâu.  Hôm nọ gặp nhau, người bán thuẫn khoe “thuẫn của tôi rất chắc chắn, không gì có thể đâm thủng được,” lại hỏi mâu của người kia thế nào. Người kia nói “mâu của tôi cũng rất sắc nhọn, không gì là không thể đâm thủng được.” Một người qua đường nghe vậy liền tò mò nói “vậy bây giờ anh lấy mâu của anh đâm thuẫn của hắn thì thế nào?” Hai người bán đó làm theo, kết cuộc nhìn nhau lườm lườm, chung quy vì thuẫn không có gì đâm thủng được và mâu cũng không thể đâm thủng được, cho nên cả hai không thể nào cùng lúc tồn tại.  Mộc Khả Hỷ kể xong câu chuyện chốt lại rằng Khang Hi là thiên tử, còn Ngao Bái bản thân chỉ là người phàm, cho nên việc Ngao Bái tự xưng mình là chúa tể sơn lâm là không được, ngộ nhỡ là phải, cả hai con hổ cũng không thể sống cùng một rừng được. 

Trương Đình Ngọc, Mã Tề, Sách Ni, Long Khoa Đa nhìn Khang Hi ái ngại.  Bốn người đương nhiên hiểu ý Khang Hi, Khang Hi không muốn gây chiến chút nào, nhất là khi trong tay chưa nắm chắc phần thắng, chỉ e dẫn đến thương vong lớn.  Thêm vào đó bốn người cũng hiểu vì sao tâm trạng Khang Hi dè dặt, dẫu sao Ngao Bái cũng là cố mệnh đại thần, có công lập quốc, không phải nói trừ bỏ là trừ bỏ được.  Cho nên Sách Ni bèn đứng ra nói với mấy người Ngạch Nhĩ Thái là trong nước hiện còn trăm việc chưa làm, lại nhắc tới ngai vàng của Khang Hi còn chưa vững nên không thích hợp cho việc chinh chiến gây thương vong lớn, sẽ ảnh hưởng sự an định của dân và sự phát triển kinh tế của nước.  Trương Đình Ngọc cũng bước ra đứng cạnh Sách Ni nói dù cho trong trận đánh này bên Khang Hi có chiến thắng cũng chỉ làm tăng thêm mối thù oán giữa nội bộ với nhau, vậy sớm muộn tất lại gây họa cho Khang Hi.  Long Khoa Đa và Mã Tề cũng cho là chiến tranh gây nhiều hao tổn.  Long Khoa Đa và Mã Tề nắm toàn quyền điều khiển phòng vệ quân, cho nên hai người vẫn luôn quan niệm một tướng lĩnh tốt là người nghĩ ra được biện pháp trả giá thấp nhất, nhưng đoạt được thắng lợi to lớn nhất trong một trận chiến.  Binh sĩ có thể hi sinh nhưng hi sinh như thế nào lại rất quan trọng.  Tướng lĩnh tốt là người tìm ra cách giảm sự hi sinh của binh sĩ đến mức thấp nhất, như vậy mới thể hiện được năng lực chỉ huy của tướng lĩnh.

Hai bên nói qua nói lại cả canh giờ.  Thêm nửa khắc nữa trôi qua mà không có dấu hiệu chấm dứt, chợt có một công công đi vào nói với Khang Hi rằng Sách Ngạch Đồ và Tiêu Phong đang ở bên ngoài cầu kiến.  Khang Hi bèn ngay lập tức cho truyền hai người đó vào.

Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ theo chân công công nọ đi vào Văn Uyên Các.  Trương Đình Ngọc vì không khuyên nổi mấy người Ngạch Nhĩ Thái với lời lẽ đanh thép, đang sốt ruột, đúng lúc mắt nhìn thấy Tiêu Phong đi vào dưới sự tháp tùng của Sách Ngạch Đồ, Trương Đình Ngọc liền quay sang Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ háy háy mắt, khẽ hất đầu về phía Ngạch Nhĩ Thái.

Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ quỳ trước Khang Hi cùng thưa:

- Tham kiến hoàng thượng!

Khang Hi thấy Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ đến, đặt Kinh Dịch xuống bàn mừng nói:

- Bình thân!

Tuy sáng này Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ không có trong điện nhưng đã nhìn thấy rõ tình hình trong cung điện từ lâu, không đợi mấy người Ngạch Nhĩ Thái nói đã hiểu rõ tất cả, mặc dù là việc nằm trong dự đoán, hai người vẫn chưa nghĩ ra lời nào khuyên giải mấy người Ngạch Nhĩ Thái.  Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ nhìn Khang Hi đang khe khẽ lắc đầu, rồi nhìn mấy người Ngạch Nhĩ Thái tiếp tục khẩu chiến với Sách Ni, Mã Tề, Long Khoa Đa.   Sách Ngạch Đồ tằng hắng rồi nói lớn:

- Các vị, xin cùng đến đây xem vật này.

Rồi đi đến trước long án.  Một hồi sột soạt, Sách Ngạch Đồ mở cuộn giấy đang cầm trong tay ra đặt lên long án.

Các quan nghe vậy lục tục tiến lại gần bàn của Khang Hi.  Sách Ngạch Đồ dùng ngón tay khoanh mấy vùng trên địa đồ nói:

- Trong thư “hắn” cho biết quân số của Ngao Bái tổng cộng có ba mươi lăm vạn. Tương hoàng kỳ, Chính lam kỳ, Tương bạch kỳ đang đóng trong các vùng này, này, và này.  Chính hồng kỳ, Tương hồng kỳ, Tương lam kỳ ở các vùng này, này, và này.  

Khang Hi nghe nói số lượng nhân mã giật cả mình, đã từ lâu Khang Hi biết quân đội Bát kỳ của Ngao Bái đông mạnh, tự biết binh tướng của mình căn bản là không chịu nổi một kích, nhưng bây giờ nghe nói số lượng lên đến ba mươi lăm vạn, không khỏi nghĩ tới những tử sĩ của mình, tuy rằng dũng mãnh thật thế nhưng số người quá ít so với binh hùng tướng hậu của Ngao Bái. Lại nữa, Khang Hi nén tiếng thở dài lại, Ngao Bái là chủ soái thân kinh bách chiến, là lão tướng quân, một lão quân nhân cẩn thận tỉ mỉ, và từng là tấm gương sáng trong quân ngũ. Cả đời nghiên cứu binh pháp, vì thế nên sức bền bỉ trong phòng thủ quân đội của gã cũng không ai bì được.

Khang Hi nhìn Sách Ngạch Đồ nói:

- Bao giờ chúng ta có thể bắt đầu đào đường hầm? Sách Ngạch Đồ nhìn sang Tiêu Phong, bắt gặp cái gật đầu, Sách Ngạch Đồ đáp:

- Khởi bẩm hoàng thượng, hôm trước ba người chúng thần đã thương nghị với nhau, cũng đã nói bản kế hoạch cho hoàng thượng nghe rồi, bây giờ chúng ta biết được nơi đóng quân của bọn chúng nên sẽ khởi trình công vụ trong nay mai.  Đường hầm sẽ được đào từ Thừa Đức đến Khánh Dương, để ngụy trang, con đường hầm này sẽ nằm bên dưới một sơn trang gọi là Tị Thử sơn trang.

Khang Hi gật gù, nhủ bụng hai chữ Tị Thử này rất hay, nghĩa là trang trại mát mẻ ở trên núi dùng để tránh khí hậu nóng nảy oi bức.  Được lắm!  Hôm trước Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ có nói kế hoạch này rồi, xem ra nơi hóng mát trá hình này sẽ được xây ở Thừa Đức.

Sách Ngạch Đồ chỉ vào một vùng trên tấm địa đồ, nói nơi đó sẽ xây cung điện, đoạn chỉ vào nơi khác nói chính là vườn ngắm cảnh, rồi là Chính Cung, Đông Cung, Tùng Hạc Trai, Vạn Hác Tùng Phong.  Ngoài ra sơn trang sẽ còn xây thêm một loạt lâu đài điện các, am miếu, chùa và đạo quán, tóm lại lộng lẫy vô cùng…

Sách Ngạch Đồ nói tới đây, Vương Diệm không chịu nổi nữa tức thì xua tay nói:

- Mấy năm qua chúng ta đã nghĩ hết mọi biện pháp để dẫn dụ Ngao Bái trúng kế, mưu đồ làm xáo trộn sự bố trí của lão cáo già đó nhưng lão dụng binh không có kẽ hở, trình độ khắc phục sơ hở lại cao.  Nay các người lại tiếp tục với kế hoạch từ từ khởi động binh mã này nữa à?  

Vương Diệm nói xong hừ một tiếng rõ to, giận đến mức tia lửa trong mắt bắn ra.  Ngạch Nhĩ Thái cũng trợn trừng hai mắt nhìn Sách Ngạch Đồ, với giọng không ai được nghi ngờ nói dứt khoát là:

- Ngoài công kích chính diện ra thì chẳng còn biện pháp gì với lão cáo già đó nữa.  Trời không có hai mặt trời, dân không có hai chủ! Việc này trên có tiên đế di mệnh, dưới có quần thần ủng hộ, theo hạ thần đấng Vạn tuế không nên nhường nhịn nữa!

Tiêu Phong nãy giờ đứng như cây gỗ, cảm thấy giữa những người xung quanh đã có một bức tường cao ngăn cách vô hình, biết rằng nếu mình không lên tiếng thì cuộc cãi vã này sẽ không thể chấm dứt được, kết quả cũng không thể lường được bèn cân nhắc đong đo câu chữ rồi nói:

- Hai vị nói thống suất quân ta, công vào trận địch, có lý lẽ chiến thắng nào không?  Chẳng hạn như năm kia Trịnh Thành Công có thủy sư và hạm chiến uy chấn đương thế, nếu quân của Ngao Bái và họ Trịnh đánh trên mặt nước, họ Trịnh có thể dùng hạm chiến để đối địch, tất bại sẽ thuộc về phe Ngao Bái, không còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy năm đó Ngao Bái đã dẫn dụ quân Trịnh lên bờ, mà làm vậy gã tất phải huấn luyện bộ binh, thêm vào đó quân gã đa phần là sơn địa đầm trạch, bộ binh chuyển động tiến thoái đều rất linh hoạt. Phải thừa nhận rằng gã rất đa mưu, gã biết lấy sở trường của quân gã công vào sở đoản của địch, do vậy mà chiến thắng đã cầm chắc trong lòng bàn tay gã.

Tiêu Phong nói tới đây ngưng một chút, thấy các quan im lặng, bèn nghiêng mặt nhẹ nhàng nói tiếp:

- Nếu như cậy tài tiến binh đánh thẳng không được, chi bằng vận dụng binh pháp làm sao để cải thiện vấn đề khi địch mạnh ta yếu, địch đông ta ít.  Từ hữu hình khi đó sẽ biến thành vô hình, như vậy kẻ địch tất nhiên vì lo phòng thủ nhiều chỗ mà binh lực phân chia, trong tình hình ấy sẽ có “ta tụ đối địch phân” và “ta nhiều cự địch ít.”  Lúc trước chúng ta không thành công vì chúng ta chưa tìm ra được cách phân tán lực lượng của tam mệnh đại thần, bây giờ khác rồi.

Lời của Tiêu Phong đĩnh đạc nói ra rất chặt chẽ, mấy người Ngạch Nhĩ Thái, Vương Diệm, Mộc Khả Hỷ nghe qua, tiếp tục giữ im lặng.  Ngạch Nhĩ Thái, Vương Diệm, Mộc Khả Hỷ đều biết những gì Tiêu Phong vừa nói chính là “thế thiên,” một thiên trong Tôn Tử binh pháp.  Tôn Tử nói người hữu hình còn ta vô hình, ta tập trung còn địch phân chia, ta tụ làm một địch chia mười, như vậy mười đánh một thì ta sẽ đông mà địch sẽ ít, lấy đông đánh ít ta sẽ thắng, rồi lại tiếp tục đánh, và cứ như vậy…

Tiêu Phong nói tới đây khẽ gật đầu ra hiệu cho Sách Ngạch Đồ.  Sách Ngạch Đồ bèn nói ra bốn cách phân chia lực lượng của tam mệnh đại thần cho các quan nghe.  Bốn cách này, ba người bọn Sách Ngạch Đồ đã thương lượng với nhau rất kỹ trước khi đến đây rồi.  

Tiêu Phong chờ Sách Ngạch Đồ nói xong, thấy Ngạch Nhĩ Thái, Vương Diệm, Mộc Khả Hỷ tuy dịu cơn giận lại nhưng ít nhiều vẫn không còn được tự nhiên. Tiêu Phong biết bọn họ còn đang hoang mang bèn khẽ gật đầu với Khang Hi.

Khang Hi cũng như Sách Ngạch Đồ, hiểu ý Tiêu Phong bèn nói: 

- Trẫm cũng đồng ý lúc này mục tiêu chính thức của chúng ta không phải là tiến đánh Ngao Bái trực diện mà làm theo phương pháp phân tán lực lượng hùng hậu của lão, dùng bốn cách Sách thị lang vừa nói mà đánh lão chính là thượng sách, chúng ta sẽ không đổ nhiều máu mà lại đoạt được chính quyền.  Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu.  Hơn nữa bây giờ các vị nói đánh là đánh, như vậy chẳng phải uổng công “hắn ta” ở ẩn trong đầm rồng hang cọp, cam chịu nhẫn nhịn bấy lâu à? 

Khang Hi nói xong Ngạch Nhĩ Thái, Vương Diệm, Mộc Khả Hỷ không lên tiếng gì nữa.

Sách Ngạch Đồ nói:

- Được rồi, bây giờ chúng ta bàn sang chuyện ba mươi vạn lạng vàng xây Tị Thử sơn trang đi.

Sách Ngạch Đồ khoanh ba vòng trên địa đồ, nói tiếp:

- “Hắn” nói tam mệnh đại thần có mười kho lẫm, dùng để chứa quân lương, quân nhu, vải vóc, tôm khô nấm mèo các loại, trong đó có ba kho chứa bạc.  Một là Nội khố cách hoàng cung nửa dặm về hướng tây, nơi đây cất giữ một triệu hai trăm ngàn lạng bạc trắng. Số bạc này là dành để khi nguy biến thì có mà dùng. Bạc ở đây là loại lớn, những năm mươi lạng một nén.  Hai là Nội ngân khố cách đây một dặm hướng tây nam, nhưng kho này không chứa bạc mà chuyên cất giữ vàng ngọc châu báu. Diện tích kho nhỏ, nhưng việc quản lý ở đó kỹ lưỡng, toàn là huyết trích tử canh giữ.  Còn lại là Nội vụ khố nằm một dặm rưỡi hướng đông nam do Hộ bộ quản lý. Nơi đây chứa toàn bạc trắng loại thông dụng, hoạt động thu chi diễn ra hàng ngày nên bọn khố binh bưng vác vào ra không ngớt.

Mắt Long Khoa Đa sáng lên, gật gù nói:  

- Kho bạc của tam mệnh đại thần do Hộ bộ quản lý, chỉ cần khi “hắn” phụ trách việc cân đong, nhưng không cho bạc vào kho, lại ghi vào sổ sách rằng đã nhập là chúng ta có thể lấy được một số bạc không nhỏ rồi.

Nhưng Sách Ni lại lắc đầu, nói:

- Tuy “hắn” là chưởng quản Hộ bộ nhưng số bạc lớn vậy làm sao vận chuyển tiền ra khỏi kho?  Nội vụ khố cũng có qui chế an ninh bảo mật cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy “hắn” là trưởng khố nhưng ngoài bọn lính áo đỏ còn có một nhóm viên lang trung, mỗi lang trung lại có một đội khố thư, mỗi khố thư lại có một đoàn khố binh theo giúp việc nữa.

Sách Ni nói phải, các quan nhìn nhau.  Ngày nào, hè cũng như đông, khố binh khi đến làm việc đều phải cởi hết áo quần để lại bên ngoài, sau đó lần lượt đến cửa kho xếp hàng nhận loại đồng phục đặc biệt. Tan ca, họ phải cởi bỏ đồng phục, trần truồng trèo lên một băng ghế cao, quỳ trên đó và thực hiện một nghi thức cổ quái: giơ hai tay lên khỏi đầu vỗ đánh bốp một tiếng, đồng thời dạng háng hóp bụng chổng mông mà hét lớn ba lần “ra ngoài” sau đó mới được nhận lại áo quần để mặc vào và ra về. Những động tác đó tuy quái dị nhưng cốt để lộ lòng bàn tay, bàn chân, lộ họng, lộ nách, lộ háng, chứng minh rằng họ không giấu bạc chỗ nào trong người.

Trương Đình Ngọc cũng biết mấy “nghi thức” này, cũng lo lắng như Sách Ni, tặc lưỡi nói:

- Nếu nhỡ làm không khéo sẽ bị bọn khố binh phục vụ trong kho bạc phát hiện ra ngay.

Mã Tề cũng gật đầu:

- Hơn nữa muốn vận chuyển số bạc đó cần phải có ít nhất năm mươi xe mới chở hết được.

Khang Hi nhíu mày, xem chừng ra việc canh phòng Nội vụ khố cực kỳ nghiêm mật rồi, mẩu bạc vụn cũng không thể thất thoát được.  

- Phải làm sao bây giờ? - Khang Hi quay sang Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ hỏi.

Sách Ngạch Đồ nói:

- Xin hoàng thượng yên tâm, “hắn” đã nói với Phủ Viễn tướng quân và thần là sẽ tráo đổi một số khố binh, giấu bạc trong thùng nước. Hằng ngày mỗi khố binh đều phải tự lo nước uống. Sáng sáng họ xách theo một thùng gỗ lớn đựng nước, thùng này sẽ được lắp ngăn bí mật dưới đáy, và bạc trộm được sẽ cho vào ngăn đó. Không chỉ trộm bạc nén, cả bạc vụn cũng được khố binh của chúng ta thu gom. Bạc bên ngoài nhập về Nội vụ khố thường không đạt chuẩn, do vậy phải tiến hành gia công dập lại theo đúng qui cách. Trong quá trình gia công, những vụn bạc rơi ra thay vì phải giao nộp thượng cấp thì khố binh của chúng ta sẽ ém lại, trút vô đáy thùng đựng nước. Mỗi chiều ra về, khố binh của chúng ta chỉ cần lật úp thùng, trút sạch nước ra trước mặt lính canh là được cho qua.  Sau khi lấy bạc rồi, trong đêm đó hắn nói sẽ đích thân chuyển số bạc ra khỏi thành, đến Thừa Đức, Tô phó tướng của Phủ Viễn tướng quân sẽ chờ sẵn ở Thừa Đức đón số bạc đó. 

Khang Hi và các quan nghe vậy vẻ mặt buồn rầu dần dần tươi tỉnh lên.

(còn tiếp)
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện