Ta trót lỡ yêu em từ thuở ấy
Yêu nồng nàn quên nhịp bước thời gian
Ánh mắt kia sao cứ mãi vương mang
Trói tim đắm vào vũng lầy bất tận
Má hây hây môi đỏ hồng chín mận
Mắt liếc cười ấp ủ một nét duyên
Đêm nằm mơ tâm khảm bỗng ưu phiền
Hình bóng ấy cứ chập chờn ẩn hiện
Em là ai với dáng người thánh thiện? Cho anh buồn thao thức với tương tư
Những tia nắng cuối cùng của ngày lặng lẽ chiếu trên mặt hồ, phản chiếu lấp lánh. Gió thổi nhẹ, lùa qua mặt nước, rung rinh linh động như tranh vẽ, làm lòng người ngơ ngẩn.
Du thuyền tấp nập trên mặt hồ, những chiếc thuyền con, buồm chèo chở các vương tôn công tử, các cô kỷ nữ ngồi tựa mạn thuyền, hoặc trong khung cửa gảy đàn, ca hát.
Tự cổ chí kim Thái Hồ của Tô Châu là nơi vui chơi lịch lãm. Nơi đây cảnh đẹp và hữu tình không kém Tây Hồ Hàng Châu nên giới hội hoa, du khách ghé qua tấp nập.
Có một chiếc thuyền đang rẽ đám lá sen nằm giữa hồ.
Một cô gái mặc áo màu lục ngồi ở đầu thuyền, đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chung quanh. A đầu của nàng là Linh Đan, ngồi bên cạnh. Những chiếc thuyền chung quanh nàng đầy tiếng nói cười của những vị công tử và các cô kỷ nữ.
Lục y nữ tử không thích những tiếng nói cười đó vì nó phá tan đi cái không khí nên thơ. Trong lúc này nàng thấy lạc lõng bơ vơ, cô độc. Bên bờ hồ, những cây liễu rũ bờ, những chiếc lồng đèn đủ màu đua sắc. Nhưng cảnh đẹp nầy là để dành cho ai? Nàng khẽ lắc đầu, nhìn xuống dòng nước trong xanh tư lự.
Đột nhiên, phía trước có chiếc thuyền con trôi tới, chiếc thuyền không mui. Trên thuyền chở rất nhiều hoa Kim Ngân, ánh hoàng hôn khiến cho hoa vốn có màu trắng vào buổi sáng từ từ chuyển sang vàng. Sự biến đổi màu sắc của loại hoa này làm lục y nữ tử hiếu kỳ, ngẩn ngơ mà nhìn. Lại nữa mùi hương dìu dặt lan đi trong gió.
Nắng vàng lan tỏa.
Khi thuyền hoa chầm chậm trôi ngang qua thuyền lục y nữ tử, nàng không ngồi im nữa mà cất tiếng ca, nàng hát một cách đầy cao hứng quên cả cảnh giới chung quanh. Tiếng ca nàng du dương, khi trầm khi bổng, có đoạn nghe như tiếng sóng biển vỗ nhẹ vào bờ, chuyển sang phấn khích, rồi lại buồn man mác gieo vào lòng mọi người nỗi hoài cảm mông lung.
Tàu Chánh Khê thả bộ dọc theo bờ hồ, nhỏ giọng nói:
-Hội Tây Hồ năm nay, huynh muốn mượn tiếng ca của cô nương này.
Lâm Tố Đình đang cải nam trang đi bên cạnh chàng, nàng nhướng đôi mày được kẻ rậm rạp nói:
-Được hay sao?
-Ừ. Chỉ có cô ta mới tiếp cận và lấy được đồ từ trên mình Ngụy Tượng Xu.
-Ngũ ca chắc chắn cô ấy sẽ giúp chúng ta?
Tàu Chánh Khê dừng chân lại bên một gốc cây, nói:
-Huynh không chắc, nhưng huynh sẽ cố.
-Ừ.
Lục y nữ tử hát xong thì thuyền nàng cũng cập vào bờ hồ.
Có rất nhiều nam nhân chạy đến để ngắm dung nhan của cô gái với tiếng ca mê hoặc lòng người này. Họ thi nhau gọi tên nàng:
-Tầm Lan!
-Tầm Lan cô nương!
Tầm Lan mỉm cười một cái.
Mọi người nhìn đi nhìn lại, ngắm tái ngắm hồi, càng quan sát càng mê mải, càng si càng mê. Giờ thì mới biết, cái gọi là cười một cái nghiêng thành, cười thêm phát nữa khuynh quốc, nó vốn không phải chỉ có trong truyền thuyết.
Lâm Tố Đình là con gái, đứng cạnh Tàu Chánh Khê cách đấy một quãng cũng ngẩn ngơ mà nhìn, không khỏi trầm trồ thán phục dung nhan lục y nữ tử. Ở nàng là vẻ dung dị và thuần khiết tới mức cùng cực, ắt dễ gây ra sự ngẩn ngơ bất thình lình cho bất kỳ nam nhân nào. Với hai mắt đen to tròn, ấn đường siêu nhiên thoát tục, tướng số cô gái áo màu lục này ắt phải được sống đời an nhàn, hạnh phúc. Nếu ko lấy được chồng đại gia khét tiếng, quyết chẳng phải lấy kẻ ăn xin. Thế sao lại làm “kỷ nữ du thuyền” ở Tô Châu này?
A đầu của Tầm Lan là Linh Đan dìu chủ tử đứng dậy, bước lên bờ nói với đám đông:
-Tầm Lan cô nương đã vì các vị đại gia ca một bản rồi, xin các vị nhường đường.
Nói rồi hai cô gái dợm chân định đi về hướng chiếc xe ngựa đang đậu trên cầu để về lại Lan Xuân lầu.
Chợt có nhiều tiếng nói:
-Ầy, sao kỳ vậy?
-Chúng tôi chờ gần cả ngày trời, đặt bàn uống rượu bên bờ hồ này, chỉ mong nghe được Tầm Lan cô nương ca, đợi mỏi mòn mới thấy Tầm Lan cô nương xuất hiện, chỉ ca một bản rồi rời đi là sao?
-Vậy đâu có được?
Linh Đan còn chưa kịp đáp thì vừa lúc đó có tiếng thét vang:
- Tầm Lan cô nương đến đây ca mà không chờ Hắc Hổ tại hạ đến nghe hử?
Mọi người nghe tiếng người này lật đật tản ra ngay. Một gã thanh niên vạm vỡ mặt mày hung tợn, đen đúa, trên trán có vết sẹo dài, cởi trần trùi trụi, quần đen, lộ ra tay chân toàn cơ bắp lông lá bù xù bước tới. Theo sau hắn là hai tên khác hơi ốm hơn, mặt mũi cô hồn, điệu bộ ra tuồng bọn du thử du thực.
-Không được đi - Một tên đàn em của gã nói - Tầm Lan cô nương còn chưa vì Hắc Hổ đại ca ta ca một bản, không thể đi được!
-Ầy - Linh Đan bước tới đối diện Hắc Hổ cười giả lả nói - Vị đại gia à, Tầm Lan của Lan Xuân Lầu chúng tôi có quy chế của cổ, tất cả mọi người ở Thái Hồ đều biết hết rồi mà...
-Tránh ra, con nhóc - Hắc Hổ vung tay đẩy Linh Đan một cái làm cho Linh Đan thiếu điều muốn té bật ngửa - Nếu hôm nay Tầm Lan không vì bổn đại gia ca một bản, thì đừng có hòng ta cho bỏ đi!
Tầm Lan bước tới đứng cạnh tiểu a đầu của nàng, thản nhiên nói với Hắc Hổ:
-Tầm Lan chỉ ca cho cảnh hữu tình hoặc người tri âm, đại gia kêu Tầm Lan ca thêm một bản, tiểu nữ không ca.
-Xem ra cô chưa biết sự lợi hại của ta, bây đâu!
-Tránh ra, tránh ra!
Hắc Hổ ra lệnh một cái, hai tên thuộc hạ của gã liền tiến lên vây hai bên trái phải Tầm Lan. Chúng định đưa tay chộp tay nàng thì Hắc Hổ phất tay bảo chúng dừng lại, cười thô lỗ:
- Sao nàng sợ rồi hử? Nếu biết điều ăn năn chuộc tội khiến bổn gia vui lòng thì ta sẽ nhất định cưng chiều nàng hết mực!
Nói rồi giơ tay định vuốt má nàng.
Hai tên đàn em của Hắc Hổ cũng phá lên cười thô bỉ.
Tiếng cười chưa dứt thì nhoáng cái mọi người thấy thấp thoáng chiếc bóng vụt qua vụt lại và có tiếng lốp bốp giòn giã. Hai gã côn đồ đã lãnh mấy cái tát tai như trời giáng, hai bên má chúng đỏ bừng.
Gã tên Hắc Hổ còn chưa chạm vào được Tầm Lan, nghe tiếng gió đã vội vàng lùi ra sau mấy bước tránh được đòn, mới không bị đánh tới sưng vù cả mặt mày.
Mọi người nghe tiếng gió thổi vù qua một cái nữa. Có ai đó đưa hai tay chụp lấy hai tên đàn em của Hắc Hổ ném đi. Vì hai tên này đứng gần Tầm Lan nên khi người kia lao đến đã vô tình khiến cho thân người y theo đà chạm vào người nàng, làm nàng hơi loạng choạng thoái lui một bước. Tầm Lan hơi đỏ mặt nhưng không tỏ vẻ khó chịu. Nàng bước lui lại và nhẹ nhàng đặt tay lên vai Đinh Lan. Đinh Lan cũng giữ eo nàng giúp nàng đứng vững chân hẳn rồi mới buông ra.
Hắc Hổ chưa kịp hoàn hồn, thì cảm giác như có hai tảng đá đè lên ngực, chỉ kịp kêu “Ui da.”
Lần này Hắc Hổ không tránh được, cùng với hai tên đàn em hắn té ùm xuống hồ. Mọi người phá lên cười.
-Ngươi là ai? Mau ra đây cho ta!
Hắc Hổ vừa đạp chân cho nổi lên mặt nước vừa tức tối quát.
Không có tiếng đáp.
Tầm Lan đưa mắt nhìn hướng Tàu Chánh Khê đang đứng dưới một tàn cây lớn. Chàng nhoẻn miệng cười với nàng, nhìn nàng bằng ánh mắt dịu dàng làm cho trong lòng nàng chợt hơi xao xuyến. Nàng khẽ gật đầu chào chàng.
Linh Đan nói với đám đông:
-Được rồi, được rồi, các vị tiếp tục uống nữa đi, hết chuyện rồi.
Sau đó dìu chủ tử đi tới cỗ xe ngựa đang đậu trên cầu cách đó vài chục bước chân.
Tầm Lan bước lên xe, Linh Đan định theo lên thì chợt nghe có tiếng nói:
-Xin đợi một chút, chúng tôi muốn cầu kiến Tầm Lan cô nương. Làm phiền vị tiểu muội muội này xếp đặt giúp cho?
Đợi Linh Đan quay đầu lại, Lâm Tố Đình lấy ra một thỏi vàng và thành thật khen ngợi:
- Tiếng ca của Tầm Lan cô nương quả thật rất hay, ở Giang Nam tôi chưa từng nghe ai ca hay như thế!
Nét mặt Linh Đan hơi ngỡ ngàng, nhủ bụng từ xưa đến nay chưa từng có người nào đối đải rộng rãi với một a đầu như nàng đến thế. Nàng mở to đôi mắt huyền nhìn hai vị công tử đầy vẻ cảm kích, từ cặp môi anh đào thoát ra một giọng nói trong trẻo như tiếng suối reo:
- Hai vị công tử chờ một chút!
Đoạn bước lên cỗ xe vén rèm nói gì đó, lát rồi vén rèm bước ra bảo:
-Tầm Lan cô nương bảo công ơn của vị công tử này giúp cô ấy hồi nãy, còn chưa được dịp bái tạ, xin mời hai vị lên xe.
Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình vào xe thì thấy trong xe có đặt một cái bàn nhỏ, trên bàn bày biện một bình trà và vài hộp bánh mứt. Linh Đan bỏ rèm xuống, giật cương cho ngựa chạy đi.
Xe lăn chầm chậm. Tầm Lan nhìn Tàu Chánh Khê nói:
-Xin cám ơn công tử đã giúp Tầm Lan thoát khỏi sự quấy nhiễu của tên Hắc Hổ, để Tầm Lan dùng trà thay rượu kính huynh một ly.
Giọng Tầm Lan hết sức dịu dàng, đến nỗi ngay cả Lâm Tố Đình cũng phải ghen tỵ.
Quả thật Tàu Chánh Khê rất có cảm tình với cô gái này.
Tàu Chánh Khê hồi nãy đứng khá xa Tầm Lan, giờ có dịp ngồi đối diện, thấy cô gái này nhan sắc diễm lệ, sáng lóe như tia chớp trong đêm tối, đâm rách bầu trời đêm. Lại như mặt trời xé ra mây đen tâm tối thì không khỏi có chút thần người.
Tầm Lan nói rồi chỉ thấy Lâm Tố Đình nâng tách trà lên, bèn khẽ cười:
-Xin đừng khách sáo, xin mời.
Tàu Chánh Khê bấy giờ mới định thần lại. Ba người uống cạn ba tách trà, Tầm Lan nói:
-Hồi nãy Tầm Lan nghe tiểu Linh Đan nói hai vị công tử có chuyện tìm Tầm Lan?
Tàu Chánh Khê nói:
-Tại hạ muốn mời cô nương đến hội Tây Hồ vào ngày mốt, hiến một bài ca.
Tầm Lan nói:
-Công tử, Tầm Lan hiến ca có quy chế của Tầm Lan, có lẽ công tử đã biết rồi?
Lâm Tố Đình nói:
-Nếu cô nương chấp nhận, thì tiền thưởng ngàn vàng chúng tôi không bạc đãi cô đâu.
Linh Đan đang đánh xe ngựa, quay đầu nói vọng vào trong xe:
-Thiệt không đó? Hai vị công tử nói có thật không? Một ngàn lạng vàng sẽ thuộc về Tầm Lan cô nương của chúng tôi cho một bài ca thôi sao?
Lâm Tố Đình ngồi trong xe nói vọng ra ngoài:
-Đương nhiên rồi, bộ hai người chúng tôi giống nói chơi lắm hả?
Riêng Tầm Lan không có phản ứng, ngồi đấy lặng lẽ nhìn Tàu Chánh Khê, suy nghĩ một lát rồi nói:
-Một bài ca mà được trả đến một ngàn lạng vàng, theo như Tầm Lan nghĩ... thì hội Tây Hồ này quả không đơn giản đâu.
Tàu Chánh Khê không đáp mà hỏi lại:
-Không biết cô nương có vui lòng ca hát hay không?
Ánh mắt Tầm Lan tỏ vẻ tư lự, nàng lặng thinh một lát nữa, rồi không nhịn được, bất chợt buông câu nói:
-Nhìn hai vị công tử đây ăn mặc phong độ, một người tỏ ra như một vị lãnh đạo, còn am hiểu võ công, nhưng Tầm Lan lại không biết hai vị công tử là ai, không biết một chút gì hết…
-Tại hạ Tàu Chánh Khê, ngũ đương gia của Đại Minh Triều - Tàu Chánh Khê vội ngắt lời nàng.
Đoạn chỉ tay sang Lâm Tố Đình, chàng tiếp:
-Còn đây là bát đương gia của chúng tôi, muội ấy đang cải nam trang.
Lâm Tố Đình giật mình nhìn Tàu Chánh Khê, khẽ nói:
-Ngũ ca, sao huynh nói thân phận chúng ta cho cô ấy biết?
Tàu Chánh Khê vỗ nhẹ lên tay Lâm Tố Đình dưới gầm bàn, chàng cười, phô hàm răng trắng bóng:
-Đã cầu người hẳn phải tin người chứ, đại muội muội, muội chưa từng nghe thiếu đà chủ nói câu nói bất hủ đó của Tào Tháo à?
Lâm Tố Đình nghe nhắc đến Tần Thiên Nhân, không nói gì nữa. Quả thực nàng đang rất cần sự giúp đở từ cô gái tên Tầm Lan này.
Lâm Tố Đình nhớ lại chuyện hôm bữa Tần Thiên Nhân về đến đồn Bạch Nhật, sau đó nằm mê man cả mấy ngày trời, không có dấu hiệu tỉnh lại, làm cho nàng cả mấy ngày cũng không ngừng lấy nước mắt rửa mặt. Nàng ở trong lều chứa thuốc ôm mặt khóc, cho đến khi nữ thần y đến tìm nàng nói:
-Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm quý hàng đầu trong các loại sâm. Nhưng loại sâm này rất khó kiếm, chỉ mọc ở độ cao hai ngàn thước. Đặc điểm bên ngoài là thân màu lục hoặc hơi tím, có hình chân vịt trên đỉnh đầu củ sâm. Công dụng của nhân sâm Ngọc Linh là cầm máu, loại bỏ chất độc khỏi cơ thể, nhanh chóng chữa lành ngoại thương lẫn nội thương, hồi phục sức khỏe, đặc biệt là dùng để tăng cường nội lực rất có hiệu quả…
Lâm Tố Đình khoác tay ngắt lời nữ thần y:
-Thôi đủ rồi, không cần diễn tả nữa, chỉ cần muội nói nó mọc ở đâu, tỉ sẽ lập tức đi tìm.
-Ở trong kho thuốc của Hắc Viện, muội nhớ còn lại một cây...
Nữ thần y chưa dứt lời, có tiếng sang sảng của ai đó vang lên:
-Không được! Đại muội muội, muội không được đi! Lần này chúng ta đương đầu với một đối thủ rất lợi hại. Lại nữa huynh nghe nói trường học bây giờ được canh gác rất nghiêm ngặt, có rất nhiều cấm vệ quân, ngoài ra còn đám cao thủ đại nội nữa, nếu muội muốn chánh diện mà đánh cướp nhân sâm, sẽ khó như lên trên trời.
Lâm Tố Đình định đáp lại lời Trương Quốc Khải thì lại có tiếng nói:
-Nếu không dùng vũ lực được, thì ta sẽ dùng mưu kế...
Thì ra người vừa xuất hiện trong lều chứa thuốc là tam đương gia và ngũ đương gia.
Trương Quốc Khải hết nhìn Lâm Tố Đình lại đánh mắt sang Tàu Chánh Khê, cau mày nói:
-Ngũ đệ, đại muội à, chuyện này không phải đùa đâu!
Lâm Tố Đình không muốn bị mất thời gian cứu chữa cho Tần Thiên Nhân, lo lắng buột miệng nói:
-Muội cũng không đùa, muội nhất định đi!
Rồi quay sang Tàu Chánh Khê, nàng nói:
-Ngũ ca, huynh nói vậy là ủng hộ cho muội rồi phải không?
-Ừ!
-Đó! Tam ca, huynh muốn cản muội trừ phi đánh thắng ngũ ca trước, và đánh gãy cả đôi chân muội luôn đi!
Rồi nàng lại quay sang hỏi Tàu Chánh Khê:
-Không biết ngũ ca có mưu kế chi có thể cho muội biết được chăng?
Tàu Chánh Khê không đáp, nhưng trong đôi mắt ánh lên một đốm sáng.
Lâm Tố Đình nóng lòng, lại nói:
-Quyết định vậy đi, có ngũ ca đi cùng với muội, tam ca, như vậy huynh đã yên tâm rồi hay chưa? Theo muội thì chuyện này không sao nữa rồi.
Trương Quốc Khải trầm ngâm một lúc mới trả lời:
-Đại muội, muội đừng hiểu lầm tam ca. Huynh không phải không muốn cho hai người đi tìm sâm để cứu thiếu đà chủ, nhưng chuyện nguy hiểm như thế, để huynh đi cho.
Lâm Tố Đình xua tay nói:
-Nhưng Tam ca, huynh đang bị thương trong mình, đại ca cũng thế, ở chỗ này ngoài muội và ngũ ca còn lành lặn thì còn ai vào đây? Nhiệm vụ trước mắt của các huynh là điều trị thương thế và giữ mình cẩn thận, vì sau này công việc của chúng ta sẽ nặng nề hơn trước rất nhiều.
Lâm Tố Đình dứt lời không để cho ai phản đối, lập tức ra khỏi lều đi chuẩn bị ngựa.
Nữ thần y biết không còn việc gì thêm, nàng cáo từ trở về lều của Tần Thiên Nhân túc trực bên chàng.
Còn lại hai người, Trương Quốc Khải nói:
-Ngũ đệ, đệ biết hiện thời Giang Nam binh sĩ trùng trùng như một đàn ruồi bu quanh đĩa mật, sao lại ủng hộ cho đại muội quay trở về đó chứ?
Tàu Chánh Khê nói:
-Chúng ta không để cô ấy đi, cô ấy sẽ không cam lòng đâu, chi bằng để đệ đi theo bảo vệ cho đại muội, bằng không, cô ấy cả đời này cũng sẽ không tha thứ cho chính mình được. Tuy chim trên trời sống trong bão tố gió mưa không ngừng, nhưng nó được vui, được tự do, còn hơn nhốt mình trong lồng tuy an toàn nhưng lại phiền muộn. Trong tình yêu cũng vậy.
Nói xong thấy Trương Quốc Khải vẫn còn chưa hiểu, Tàu Chánh Khê chỉ mỉm cười, quay người đi về phía căn lều của chàng để chuẩn bị hành trang lên đường về Hàng Châu. Đi được vài chục trượng, Tàu Chánh Khê chợt dừng lại nói:
-Đôi khi buộc phải đứng sau người mà mình yêu thương, nhìn họ mỉm cười, chứ không thể cùng song hành.
Giọng Tàu Chánh Khê khi nói câu này hết sức hiền từ. Trương Quốc Khải nghe tới đây nội tâm kích động dần dần bình tĩnh lại, không phản đối nữa.
Lại nói tiếp chuyện “du thuyền kỷ nữ…”
Sau khi Tàu Chánh Khê giới thiệu thân phận hai người, Tầm Lan rất sững sờ, lại tiếp tục lặng người một hồi lâu.
Sau đó nàng hé nở đôi môi như đóa anh đào, chậm rãi nói:
-Dương Châu thập nhật, Gia Định tam đồ, đô thành sát hịch, những chuyện này đều là những chuyện đã qua rồi, hiện nay Thanh triều thịnh thế, bang phái phục Minh có thể chống khán triều đình hay sao?
Lâm Tố Đình và Tàu Chánh Khê vẫn còn đang đau lòng về trận đánh Bình Lương, giờ lại nghe nhắc tới Dương Châu và Gia Định, lòng đã đau càng thêm khó chịu, Lâm Tố Đình suýt nữa đã rơi lệ.
Lại nói chuyện năm xưa, sau khi kinh đô Bắc Kinh bị Lý Tự Thành chiếm được, một số hoàng tộc và quan lại nhà Minh đã tìm cách di cư lánh nạn về phía nam và tập hợp lực lượng còn lại xung quanh Nam Kinh, tạo thành kinh đô thứ hai của nhà Minh, lập nên nhà Nam Minh.
Đến năm Thuận Trị thứ hai, quân Thanh do Đa Đạc lãnh đạo đã đưa quân xuống phía nam.
Sử Khả Pháp giữ chức Binh bộ Thượng thư Đông Các Đại học sĩ của nhà Nam Minh bấy giờ, đã chỉ huy quân tứ trấn của Nam Minh chống lại và thắng được một số trận.
Tuy nhiên lúc này triều đình Nam Minh lại lục đục, tướng Tả Lương Ngọc đã đưa quân từ Vũ Xương tiến đánh Nam Kinh, tướng Mã Sĩ Anh sợ hãi nên đã gọi quân tứ trấn phải từ Giang Bắc trở về đối phó.
Sử Khả Pháp hiểu rõ rằng quân Thanh đã áp sát, không nên dời Dương Châu, song bất đắc dĩ vẫn quyết định vượt Trường Giang ứng cứu.
Khi hay tin Tả Lương Ngọc đã bị đánh thua, Sử Khả Pháp lại vượt Trường Giang, song lúc này quân Thanh đã áp sát Dương Châu. Sử Khả Pháp ban hịch kêu gọi mọi người đem binh về cứu thành Dương Châu song không ai hưởng ứng.
Đa Đạc sau đó đã ra lệnh bao vây và tiến đánh Dương Châu suốt ngày đêm, quân và dân trong thành kiên quyết chống lại. Cuối cùng, Đa Đạc lệnh cho bắn pháo vào thành, tường thành sụp đổ, quân Thanh xông vào thành Dương Châu. Đa Đạc thấy quân Thanh bị thương vong quá lớn khi công thành nên đã quyết định làm cỏ toàn bộ dân trong thành, cuộc đại tàn sát kéo dài trong suốt mười ngày, sử gọi là “Dương Châu thập nhật.”
Sau khi Dương Châu thất thủ, quân Thanh đã tiến đến Nam Kinh, chính quyền Hoàng Quang Đế bị tiêu diệt. Sau đó, quân Thanh bắt toàn thể dân chúng Giang Nam phải theo phong tục Mãn Thanh như phải cạo tóc ở phía trước đầu và để bím tóc ở phía sau, ai trái lệnh sẽ bị chém, khiến nhân dân Giang Nam bất bình. Quân dân Gia Định đã chống lại quân Thanh trong ba tháng, bị quân Thanh tàn sát ba lần với hơn hai mươi ngàn người chết, sử gọi là “Gia định tam đồ.”
Nói tiếp chuyện du thuyền kỷ nữ.
Tàu Chánh Khê trả lời:
-Từ cổ chí kim, cái chuyện khôi phục thiên hạ đó, tất cả đều là do con người tạo ra.
Tầm Lan nói:
-Xin hỏi ngũ gia, tiểu nữ đến Tây Hồ ca hát xong sau đó còn làm gì nữa chăng?
Tàu Chánh Khê đưa mắt nhìn Lâm Tố Đình, nàng hiểu ý, trả lời thay cho chàng:
-Thật ra thì hội chợ ở Hàng Châu vào ngày mốt chính là một Hồng Môn Yến trên Tây Hồ.
Tầm Lan trầm ngâm một lúc, hết nhìn Tàu Chánh Khê lại nhìn sang Lâm Tố Đình, cuối cùng nhẹ giọng nói:
-Tầm Lan đã hiểu rồi, hội chợ ngày mốt tại Hàng Châu, xem bề ngoài là hưởng ngoạn mặt hồ, nhưng thực tế xung quanh là bóng đao bóng kiếm nguy cơ tứ phương.
-Đúng vậy!
Lâm Tố Đình gật đầu thẳng thắn xác nhận.
Tầm Lan không phải là một kỹ nữ bình thường, với bản tính thông minh, Tầm Lan hiểu ra Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình kỳ vọng gì ở nàng, và nàng hết lòng cảm kích vì điều đó. Song vẫn nói:
-Hân hạnh được hai vị đương gia tin cậy Tầm Lan, Tầm Lan đương nhiên cũng phải thành thật đối với hai vị...
Tầm Lan chỉ nói bấy nhiêu rồi ngưng lại, Lâm Tố Đình suốt ruột bèn lên tiếng:
-Vậy ý của cô nương là?
Tầm Lan ngập ngừng một lúc rồi kiên quyết nói:
-Tầm Lan thưởng thức lòng can đảm của nhị vị, chỉ tiếc là Tầm Lan không thể tiếp nhận.
Nàng quay mặt đi để đôi nam nữ trẻ tuổi khỏi thấy mắt mình đỏ hoe:
-Hai vị không cần phải khuyên – Và với dáng ngồi nghiêng nghiêng đó nàng tiếp - Tầm Lan đã quyết định rồi, hai vị, mời đi về.
Nói rồi bảo Linh Đan ngừng xe lại.
Lâm Tố Đình không biết nói gì thêm, đành theo Tàu Chánh Khê bước xuống xe.
Trước khi Linh Đan giật cương cho ngựa chạy đi, Tàu Chánh Khê nói vọng vào khung cửa sổ của cỗ xe ngựa:
-Phách bạch trà, chén ngũ thể, lưu tử hà, dĩa mã não. Tầm Lan là con cháu của Hán thất, hy vọng là cô nương suy nghĩ kỹ lại, chiều mai tại hạ lại đến Lan Xuân lầu tìm cô nương, cáo từ.
Xe ngựa chạy đi, Tầm Lan hé rèm nhìn lại, thấy chàng thanh niên đầy hào khí như vậy, trong lòng cảm động vô cùng, nhưng thật đáng tiếc… nàng buông một tiếng thở dài.
Lâm Tố Đình đứng nhìn theo chiếc xe dần biến mất trong đêm tối, hai giọt nước mắt rơi xuống môi nàng:
-Vậy làm sao đây, ngũ ca? Chúng ta phải làm sao bây giờ?
-Không sao - Tàu Chánh Khê hất đầu bảo Lâm Tố Đình đi về hướng nhà trọ của hai người - Lúc nãy huynh nói ngày mai huynh lại đến tìm, cô ta không phản đối, nghĩa là ngày mai mới đưa ra quyết định. Nhỡ mà ngày mai cô ấy vẫn không chịu, huynh sẽ có cách khác để thuyết phục. Muội đừng quá lo, bằng mọi giá huynh nhất định mang được nhân sâm về cho muội.
Đoạn đường vắng vẻ chỉ in bóng hai người họ. Lâm Tố Đình gạt lệ trên má, đi theo Tàu Chánh Khê.
Hai người trầm mặc theo những ý nghĩ riêng của mình.
Khi sắp về đến ngõ quẹo để vào một khách điếm, Tàu Chánh Khê quay sang thấy nét mặt Lâm Tố Đình vẫn thẫn thờ, chân vẫn bước thẳng không có dấu hiệu dừng lại nên nhẹ giọng nhắc:
-Cua đi muội.
Lâm Tố Đình còn đang lo lắng về chuyện củ sâm, nghe nói vậy thì quay sang nhìn chàng, chau mày gắt:
-Cua gì chứ? Muội không có thì giờ giỡn với huynh đâu đấy, vả lại trời đang khuya như thế có ai trên đường đâu mà cua?
-Trời ạ! - Tàu Chánh Khê ngẩn mặt lên nhìn trời, lắc đầu - Huynh bảo là cua qua đường đi.
-Ồ.
Lâm Tố Đình bẽn lẽn cúi đầu, rồi sực nhớ tới một chuyện nàng hỏi:
-Ngũ ca này, hồi nãy huynh nói nào là phách bạch trà, rồi chén dĩa gì đó, nghĩa là gì vậy?
Tàu Chánh Khê bình thản đáp:
-Thật ra không có ý nghĩa gì đâu, chẳng qua là huynh muốn nói đến thuật dùng trà của cô ta thôi.
-Dụng cụ dùng trà?
-Ừ, huynh theo thất đệ học cách chọn trà và pha trà bấy lâu, nếu huynh không có nhìn lầm, những thứ trên bàn lúc nãy đều là đồ trong nội cung triều Minh.
Lâm Tố Đình cúi thấp đầu lắng nghe, một lúc mới nói:
-Hèn gì lúc nãy cô ta mời trà, muội thấy huynh sững người vậy, muội còn tưởng huynh đang thưởng thức dung mạo cô ta chứ.
Tàu Chánh Khê vội lắc đầu:
-Đương nhiên không phải!
Lâm Tố Đình không để ý vẻ mặt khó chịu của sư huynh, nàng vừa vỗ vỗ trán vừa nói:
-Nếu nói vầy thì… Ừ, đúng ha, giờ nghĩ lại, khí chất và ngôn ngữ lẫn cử chỉ của Tầm Lan cô nương đó, thì chắc chắn phải là con nhà đài các ha. Không những vậy, cô ta có thể còn là con cháu của đại nhân vật triều Minh nữa.
Tàu Chánh Khê giữ im lặng, Lâm Tố Đình tiếp:
-Hèn gì huynh rất thẳng thắn với cô ta.
Rồi nàng cởi nón xuống ôm trong tay, tay kia sửa lại mái tóc, nói:
-Nhưng nếu cô ta có bối cảnh này, sao lại không chịu giúp cho mình?
Không nghe tiếng đáp, nàng chợt ngẩng lên hỏi:
- Sao huynh không nói gì hết vậy, sao cứ nhìn muội trân trân thế?
Tàu Chánh Khê dời mắt sang hướng khác:
-Có lẽ cô ấy nhất thời đang ái ngại, cần thời gian suy nghĩ.
Lâm Tố Đình nghe nói bỗng thấy lo lắng, thậm chí có phần hoảng sợ. Nàng nghĩ tới cảnh ngày mai Tầm Lan không chịu giúp cho hai người bọn nàng, nghĩ đến bệnh tình của Tần Thiên Nhân, nàng lại muốn khóc.
Lâm Tố Đình cố gắng kìm chế tâm trạng, nén không cho nước mắt chảy ra, nàng nói:
-Lúc ở hồi cương huynh nói có mưu kế, thì ra là tìm cô nương này?
---oo0oo---
Chiều ngày hôm sau Tàu Chánh Khê đến Lan Xuân lầu tìm Tầm Lan.
Tầm Lan mời chàng vào phòng nàng, rót rượu ra ly, đoạn bảo Linh Đan ra chờ ngoài cửa phòng.
Đợi cho Linh Đan đi khuất rồi Tầm Lan mới nói:
-Ngũ gia nói phải, tiểu nữ là một người Hán, đương nhiên phải đồng lòng với những việc mà Đại Minh Triều của các vị làm, nhưng tiểu nữ nhận thấy thế lực của triều đình nếu đem so với bang hội phục Minh, xin nói một cách khó nghe, thật là một trời một vực, chênh lệch quá xa, nếu không muốn so như là đem trứng chọi với đá, châu chấu đá xe vậy.
Tàu Chánh Khê uống một ly rượu, Tầm Lan lại rót thêm cho chàng. Chàng uống thêm ly nữa, gật đầu thật thà nói:
-Về điểm này tại hạ đã hiểu rồi, cho nên chúng tôi không dám đụng độ với triều đình.
Tầm Lan hỏi:
-Nếu vậy bang hội có năng lực gì đối khán triều đình đây?
Lời nàng, nhẹ như hơi thở, song khiến cho Tàu Chánh Khê không trả lời được.
Tầm Lan đặt bình rượu xuống bàn, đứng lên hướng ra phía cửa. Nàng nói:
-Đời người rất ngắn ngủi, đã biết không làm được, rất khó giành thắng lợi thì việc gì phải đi mạo hiểm như vậy?
Khung cảnh trong phòng có phần tịch mịch. Một lúc, nàng lại hỏi thêm:
-Ngũ gia, dựa vào võ nghệ của ngài, nếu muốn vạch đường lập lên một cơ nghiệp có lẽ sẽ không khó, tại sao ngài lại chọn làm kẻ thù của triều đình, đã biết không làm được còn ráng làm?
-Bởi vì trong mình của tại hạ đang chảy dòng máu của người Hán, phải nghĩ đến nhân nghĩa, mắt nhìn thấy sự đau khổ của người Hán, chuyện nước nhà, tại hạ không nhẫn tâm làm ngơ được, cho nên phải tận hết khả năng làm chuyện đáng làm.
Tầm Lan chợt thấy tim mình nhói lên, vội nói:
-Nhưng thế sự không tùy ý người, để tiểu nữ dẫn ngũ gia đến một nơi này.
Linh Đan lại làm phu xe chở hai người đến một thôn làng, dừng ngựa ở cổng vào thôn, dưới hai hàng tre.
Tầm Lan vén rèm nhìn ra. Tàu Chánh Khê cũng nhìn ra ngoài khung cửa, ngờ người hỏi:
-Ở chỗ này chỉ là một tiểu thôn, không biết cô nương dẫn tại hạ tới đây để xem những gì?
Tầm Lan không trả lời mà phản vấn:
-Phải rồi, nơi này nhìn xem bề ngoài tuy là một tiểu thôn rất phổ thông, nhưng mời ngũ gia để ý xem cho kỹ. Ngài có thấy gì đặc biệt chăng?
Tàu Chánh Khê lắng tai nghe tiếng cười đùa của bọn trẻ. Chàng thoáng nhíu mày nói:
-Hình như thôn này chỉ có phụ nữ và trẻ con, vậy đàn ông họ ở đâu?
Tầm Lan mở to đôi mắt kiều diễm, bảo:
-Đàn ông con trai trong thôn này, đều như những thanh niên nhiệt huyết như ngũ gia nói, bọn họ vì phản kháng triều đình, vì nước vì nhà trong thiên hạ, tất cả đều đã hy sinh hết rồi. Tất cả chuyện này đều do tiểu nữ tận mắt ngó thấy, không có cách gì giúp được, tuy tiểu nữ cũng là con cháu của nhà Minh, nhưng tiểu nữ cũng muốn xem mọi người sống trong một cuộc đời không có đau thương.
Từ trước tới nay chưa bao giờ có người nào nói với chàng những lời này, Tàu Chánh Khê chợt thấy tim mình run rẩy, vội cúi xuống nhưng lại ngẩng lên ngay, nhận ra ánh mắt đau khổ của cô kỹ nử.
Nàng chỉ mới mười chín hai mươi tuổi, nhưng xem ra đã rất dày dặn.
Tầm Lan chậm rãi nói tiếp:
-Ngũ gia nói rất đúng, vì nước vì dân, nhân nghĩa chí thượng, nhưng hy sinh bản thân mình vì đại nghĩa để rồi dẫn đến cảnh con mất cha vợ mất chồng, thì tiểu nữ lại không muốn như thế đâu. Các vị đại hiệp anh hùng như ngũ gia. Sau cùng có thể làm được đại sự gì, chuyện sau này không ai có thể đoán trước được, là thành công hay không, song trước mắt, chỉ có thương tàn, tan nhà, mất người, thật làm cho người ta đau lòng xót xa. Cho nên, tiểu nữ không muốn tiễn đưa anh hùng lên con đường không hẹn ngày về.
“Thì ra là như vậy,” Tàu Chánh Khê nghe nàng nói nhủ bụng, “hèn gì mà cô gái này một mực từ chối không muốn giúp cho mình.”
Tầm Lan nói thêm:
-Những anh hùng như các huynh chỉ vì giang sơn xã tắc cứ không ngừng tiến tới mãi, nhưng kết quả ra sao? Chẳng qua là thêm thương tâm, sau cùng kết quả cũng là thất bại, đã bao năm rồi?
Chợt nàng nhận thấy giọng nói mình quá xẵng, liền hơi dịu lại:
-Xin thứ lỗi nếu tiểu nữ đã xúc phạm tới ngài.
Rồi nàng khẽ đọc:
-Dõi mắt trông xa ngóng tin chồng
Lòng buồn đau dạ nỗi niềm mong
Chàng đi bỏ thiếp ngồi lẻ bóng
Hình hài quen thuộc hoá hư không
Tàu Chánh Khê vẫn ngồi nguyên trên ghế, buồn bã đưa mắt nhìn theo những người phụ nữ đang tất bật lo công việc hằng ngày mà đáng lẽ là do nam nhân làm, như là cưa gỗ, lợp lại mái nhà... Nỗi lòng chàng lúc đó rất khó tả, vừa chua chát, vừa đau khổ, nhưng lại có cả niềm hãnh diện, một bầu nhiệt quyết không ngừng chảy trong người chàng khi chàng nghĩ tới những gì bang hội đã làm trong những năm tháng vừa qua. Chàng nói:
-Tầm Lan cô nương, đời người tuy rằng cay đắng, nhưng mà không phải là vô ý nghĩa, nếu sự hy sinh có thể đem lại phúc lợi, thì đều có giá trị.
Chàng dừng lại một chút rồi nói rành rọt từng chữ:
-Nước mắt có thể làm cho người ta đau lòng, nhưng cũng có thể làm cho người ta kích động, phấn chấn, chúng ta khôi phục thiên hạ Hán thất là để lấy lại sự tôn nghiêm của chúng ta!
Câu cuối cùng của chàng:
-Cho nên cho dù có hy sinh đổ máu, chúng ta tự biết chúng ta đã cố gắng, như vậy thì dù thất bại, cũng rất chính đáng!
Tàu Chánh Khê nói rồi quay sang nhìn khuôn mặt mỹ lệ của Tầm Lan với ánh mắt nhìn mình đau đáu. Bắt gặp cái nhìn khác thường đó, chàng vội lia mắt đi.
Chưa bao giờ chàng thấy một nữ nhân nhìn mình như vậy.
Đương nhiên chàng đoán biết có một điều gì đó xảy ra lần đầu tiên trong đời mình, nhưng chàng liền gạt ngay ý nghĩ đó đi.
Mỹ nhân và mỹ tửu
Thiên hạ đệ nhất đại hưởng thụ
Trăng sáng, sao thưa. Có hai chiếc bóng đen đi dưới ánh trăng bàng bạc hướng tới dãy nhà trọ Đông Phong của Hắc Viện. Họ đi qua nửa khoảnh sân rộng, đến giếng Tụ Nguyệt, không khỏi chạnh lòng, nơi này vốn là nhà của họ. Xung quanh giếng vẫn còn trồng rất nhiều hoa Thổ Hoàng Liên. Khắp vườn yên ắng tĩnh mịch, không một bóng người, không một âm thanh. Dưới ánh trăng, khu vườn hoa trông càng mỹ lệ, vàng rực rỡ, chẳng khác gì Bồng Lai Tiên Cảnh. Hương hoa thơm ngát khiến người ta ngây ngất.
Hai người này thận trọng thâm nhập vào hoa viên tĩnh lặng như không có sự cảnh giới này, đương nhiên không phải để ngắm hoa, mà hướng tới một căn phòng của dãy nhà trọ Đông Phong. Đột nhiên vang lên một tiếng kẹt, rồi cửa hậu Bắc Sơn mở ra, một chiếc kiệu được khiên vào.
Hai bóng đen, vốn là Lâm Tố Đình và Tàu Chánh Khê, lập tức nhảy vút lên, đáp xuống giữa giếng nước dang hai tay hai chân ra bấu vào thành giếng như hai con sao biển.
Giếng nước hẹp, vô tình hai người kề sát vào nhau, mặt đối mặt, mùi hương thiếu nữ thoáng xông vào mũi gợi cho Tàu Chánh Khê bồi hồi nhớ lại hai năm trước ở hậu hoa viên này cũng đã gặp nàng dưới hình dạng hắc y kiếm sĩ, bị nàng trêu đùa đe doạ khiến chàng liều gan ôm chặt lấy nàng. Lúc ấy thân mình nàng rất mềm mại và cũng tỏa ra mùi thơm thoang thoảng giống tựa hôm nay. Không biết Lâm Tố Đình có cùng hồi tưởng đó chăng mà trên mặt nàng hơi ửng đỏ như sắc hoa đào mùa xuân trông lại càng diễm lệ. Để khoả lấp nỗi ngượng ngùng, nàng nói lảng sang chuyện khác:
-Không ngờ cô ấy chịu giúp cho huynh?
Lâm Tố Đình nói rất nhỏ, sợ tiếng nàng vọng ra từ giếng nước sẽ bị phát hiện:
-Muội xem chừng cô ấy có cảm tình với huynh rồi nha. Mà hình như huynh cũng vậy nữa. Muội đây nhìn huynh và cô ấy, khi ánh mắt hai người nhìn nhau tràn đầy tình ý. Muội tuy ngốc nghếch nhưng cũng biết đó là tiếng sét ái tình, vừa gặp đã phải lòng nhau!
Tàu Chánh Khê lặng thinh không nói, Lâm Tố Đình lại mở miệng:
-Này, phải vậy không ngũ ca? Muội nói có đúng không?
Không có tiếng đáp, nàng mở to đôi mắt kiều diễm:
-Huynh làm sao thế?
Rồi nàng bĩu môi không nói gì nữa.
Tự dưng Lâm Tố Đình có cảm giác rằng trong lòng chàng có nỗi bí ẩn nào đó nhưng không muốn thổ lộ với ai. Nàng định lên tiếng hỏi chàng thì nhận thấy tiếng chân mấy người khiên kiệu càng lúc càng nhỏ dần, nghĩa là họ sắp đưa Tầm Lan vào với Ngụy Tượng Xu. Nàng nghĩ tới cảnh Tầm Lan đánh cắp được chìa khóa, trao cho nàng mở cửa địa đạo, rồi nàng lấy được nhân sâm mang về cho Tần Thiên Nhân, Lâm Tố Đình cũng không buồn thắc mắc về Tàu Chánh Khê nữa.
Nhắc lại hồi chiều Tầm Lan xuất hiện trên Tây Hồ Hàng Châu dùng tiếng ca mê hoặc Ngụy Tượng Xu…
….Cũng như mọi hôm từ khi Dương Tiêu Phong đặt chân đến Hàng Châu, cứ hễ mặt trời ngả bóng trên mặt hồ là cửa chính của trường học mở ra. Nhưng hôm nay bước ra từ cửa đó ngoài Tiêu Phong lại có thêm hai bóng người nữa.
Dương Tiêu Phong đi dạo mát một hồi tiếp tục rẽ sang hướng bờ hồ, theo quán tính mà lang thang du ngoạn, lát hồi dừng chân trên cầu Tây Lâm, hướng mắt xuống dòng nước đang trôi lững lờ. Tô Khất và Ngụy Tượng Xu cũng theo lên cầu.
Ngụy Tượng Xu quay sang Tô Khất khẽ nói:
-Xem mồi Phủ Viễn tướng quân đi dạo đấy nhưng có phải đang thăm dò dân tình Giang Nam hay chăng thưa Tô phó tướng?
Vì đang là mùa đông nên trời tối rất nhanh, mới đó mà trăng đã lên khá cao rồi.
Tây hồ về đêm trăng soi óng ánh, hàng vạn vì sao chiếu lấp lánh phảng phất trên mặt hồ. Ở một góc cạnh nào đó trông Tây hồ từa tựa như một chiếc gương dát bạc.
Tô Khất định mở miệng thì đột nhiên nghe thấy ở đâu có tiếng sáo trúc du dương, từ xa đến gần, hóa ra là tiếng sáo từ một chiếc thuyền con phát ra, trôi dưới gầm cầu Tây Lâm rồi lại xa dần, sau đó lại có một đợt sáo trúc khác tiến đến. Tiếng nhạc triền miên uyển chuyển khiến người nghe không khỏi động lòng.
Hai chiếc thuyền này dẫn thêm một loạt những chiếc thuyền khác đến. Ngoài tiếng sáo trúc còn có tiếng đàn tì bà, đàn cầm, và tiếng ngâm thơ vang lên, rõ nhất là bài “Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ:”
Thủy quang liễm diễm tình phương hảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ
Dục bá Tây Hồ tỉ Tây Tử
Đạm tran nồng mật tổn tương nghi
Một cô gái ngồi ở mạn thuyền đang vừa dùng những ngón tay thon dài chảy tóc vừa ngâm bài thơ miêu tả vẻ đẹp của Tây Thi này. Không hiểu vì sao sau khi Tây Thi qua đời, người ta đã dùng Tây hồ để tưởng nhớ nét đẹp của nàng. Vì vậy mà Tây hồ thường được gọi là Tây Tử hồ.
Ngụy Tượng Xu trông thấy gái đẹp nhiều như một đàn bướm trên mặt hồ, không khỏi trố mắt lên nhìn.
Lúc này có rất nhiều các nam nhân cũng kéo nhau đứng hai bên bờ hồ, trên cầu Tây Lâm, cầu Đoạn, và cầu Trường.
Nhóm người Ngụy Tượng Xu cải trang thành thường dân nên không ai phát hiện ra họ là những viên quan triều Thanh, Ngụy Tượng Xu quay sang một gã công tử mặc áo lụa xanh da trời, cười hỏi:
-Xin hỏi vị huynh đài này, hôm nay là ngày chi mà trên hồ tụ tập nhiều mỹ nữ đến thế?
Người kia đáp gì đấy. Ngụy Tượng Xu nghe qua mà nét mặt phấn khởi lắm. Hồi sau công tử áo xanh đi rồi, Ngụy Tượng Xu mới quay lại thì thấy Tô Khất và Dương Tiêu Phong đã đi sang bên kia bờ hồ. Ngụy Tượng Xu lật đật chạy theo, bắt kịp và nói khẽ:
-Phủ Viễn tướng quân, phó tướng quân à, nô tài vừa hỏi, biết được rằng hằng năm vào đêm này bọn danh kỹ trong thành Hàng Châu, Tô Châu, Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang tụ tập ở Tây Hồ để thi xem ai là hoa quốc trạng nguyên, lại còn bảng nhãn, thám hoa gì nữa đó.
Tô Khất nói:
-Vậy à?
Rồi quay sang Tiêu Phong, Tô Khất vừa cười vừa mắng:
- Cái tụi môi son má phấn này, chúng dám đem chuyện thi tuyển nhân tài của quốc gia ra để làm trò đùa đó thưa tướng quân? Thật là quá đáng mà!
Ngụy Tượng Xu thấy mặt Tô Khất đã nở nụ cười, nhưng Dương Tiêu Phong lại không, Ngụy Tượng Xu bèn bước tới gần Dương Tiêu Phong khẽ nói:
-Nghe nói Tây Hồ Tam Mỹ đều đến đây cả đó tướng quân.
Dương Tiêu Phong bấy giờ mới lên tiếng:
-Tây Hồ Tam Mỹ là gì?
Ngụy Tượng Xu đáp:
-Nô tài có hỏi, dân bản xứ nói rằng đó là ba ca kỹ nổi danh nhất Giang Nam. Dọc đường ai cũng bàn tán, đoán xem năm nay cô nào sẽ là hoa quốc trạng nguyên.
Tô Khất mỉm cười nói:
-Chà, trạng nguyên của quốc gia thì do hoàng thượng đương kim chấm, còn trạng nguyên của hoa quốc thì do ai chấm đây? Chẳng lẽ có một vị hoa quốc hoàng đến hay sao?
Ngụy Tượng Xu nói:
-Nghe nói mỗi ca kỹ sẽ ngồi trên một chiếc thuyền, nhưng ba cô nương nổi danh nhất thì ngồi trên thuyền có kết hoa, trên thuyền đó bày hết tất cả đồ kim ngân châu báu của khách tặng cho, xem thử thuyền hoa của ai nhiều đồ quý trọng nhất là cô đó được thưởng nhiều nhất. Sau đó các vị phong lưu danh sĩ đất Hàng Châu sẽ quyết định thứ bậc.
Tô Khất bật cười ha hả. Ngụy Tượng Xu tiếp:
-Họ sắp bắt đầu rồi đó thưa hai vị đại nhân, đợi trời tối thêm một chút nữa thì thuyền hoa của ba cô nương đẹp nhất Giang Nam sẽ tới, đèn đuốc sáng trưng, khi đó sẽ tuyển hoa khôi. Hay là chúng ta tìm một chỗ trong tửu lầu đằng kia ngồi xem?
Dương Tiêu Phong nhìn theo tay Ngụy Tượng Xu chỉ, lắc đầu, quay mình đi ngược về hướng Hắc Viện. Ngụy Tượng Xu nét mặt tiu nghỉu như mèo bị cắt đuôi, bỗng tươi tỉnh lên khi nghe tiếng Tiêu Phong vọng lại:
-Nếu hai người có nhã hứng thì cứ tới đó xem.
Dương Tiêu Phong và Tô Khất đi rồi, Ngụy Tượng Xu chọn một chiếc bàn của một tửu lầu xây xát bờ hồ, gọi một bàn rượu thịt để vừa ăn uống vừa ngắm mỹ nữ.
Lúc này khắp mặt hồ vang tiếng ca nhạc, đèn lồng thắp sáng trưng, cảnh phù hoa không bút nào tả xiết. Trên mặt nước có khoảng bốn năm chục chiếc thuyền bơi qua lượn lại, thuyền nào cũng treo đầy màn sa và lồng đèn. Ngụy Tượng Xu nhìn kỹ, thấy đèn lồng đều có thêu truyện đời xưa, nào là Dương Quý phi và Đường Huyền Tông, nào là Triệu Phi Yến và Hán Thành Đế... Những cô kỹ nữ cầm vải lụa nhảy múa trong thuyền, bóng họ in lên vách thuyền trông thật đẹp mắt, như tiên nữ hạ phàm trần. Ngụy Tượng Xu âm thầm khen ngợi dân phương nam biết sống phong lưu, phương bắc không thể nào bì được.
Trên mặt hồ thuyền qua lại như thoi đưa, hai bên bờ hồ cũng đông kín các nam nhân, nào là hào khách tầm hương, nào là văn nhân hiếu sự. Mọi người thi nhau chỉ trỏ, bàn luận, bình phẩm cách trang trí thuyền tinh tế, thô thiển thế nào.
Đột nhiên kèn trống vang lên, tiếng hát ca đàn sáo trên thuyền đều dừng bặt. Một loạt pháo bông được bắn lên, soi sáng bầu trời rồi từ từ rụng xuống mặt hồ.
Bắn hết pháo bông rồi đàn sáo lại vang lên. Những chiếc thuyền không hẹn mà đồng thời kéo rèm lên, trong mỗi thuyền đều có một cô nương trang điểm cực kỳ diễm lệ. Lập tức hai bên bờ hồ nổi lên những tiếng vỗ tay hoan hô vang dội.
Ngụy Tượng Xu vừa uống rượu vừa thưởng hoa, mắt ngắm các du thuyền từ từ trôi trên mặt hồ, bóng các cô gái lướt qua lướt lại, cảm giác chẳng khác gì dạo chốn thiên đường, mỹ nữ rất đông không sao nhìn xuể.
Trong nhà Ngụy Tượng Xu có rất nhiều thê thiếp, y cũng từng gần gũi không biết bao nhiêu người đẹp ở kinh đô, nhưng lúc này dưới ánh đèn, trên mặt nước, trong tiếng mái chèo, trong hương son phấn lại có một sắc thái khác hẳn, bất giác trong lòng cảm thấy lâng lâng như say rượu.
Hồi sau thuyền của Tây Hồ Tam Mỹ xuất hiện. Ba chiếc thuyền này lại càng đặc biệt. Chiếc đầu tiên trang hoàng như một chiếc thuyền đi hái sen trên hồ, xung quanh kết toàn lồng đèn dạng hoa sen, bông hồng ngó trắng lá xanh, thì ra cô ca kỹ trên chiếc thuyền hoa này tên là Đặng Liên Hoa.
Chiếc thuyền thứ hai lại kết hình hai con bướm to lớn dạo chơi vườn hoa, giữa hai con bướm treo một băng vải lụa viết bốn chữ lớn “uyên ương hồ điệp.” Danh kỹ trên chiếc thuyền này tên là Trang Anh Đài.
Chiếc thứ ba trang hoàng như kiểu cung Quảng Hàn, quanh thuyền dùng giấy và vải kết đủ phụ tùng trên cung trăng như thiềm thừ, ngọc thố, hoa quế, ngô cương. Ca kỹ trên thuyền hoa này tên là Bạch Tố Nga, mặc trang phục màu trắng, tay phe phẩy quạt, trang điểm như Hằng Nga trên cung Quảng.
Ngụy Tượng Xu nhìn kỹ từng cô, tán thưởng một hồi thì chợt có chiếc thuyền hoa thứ tư đến. Khách nhân rất ngạc nhiên khi gặp được vị khách rất khó mời này.
Trên thuyền này toàn là hoa thật cây thật, cành lá xum xuê, hoa lá bài trí rất tự nhiên, trông như một bức tranh thủy mặc của danh họa vẽ nên. Người ngồi trên thuyền mặc áo màu lục, dáng vẻ phiêu diêu xuất thế, trông như nữ thần dạo chơi sóng nước. Ngụy Tượng Xu mới thấy sau lưng đã không nén nổi hứng thú. Cô nương mới đến này khiến cho ba cô gái kia hoàn toàn lu mờ. Toàn thể các nam nhân ngồi cạnh bàn của Ngụy Tượng Xu phấn khởi đứng cả dậy, một kẻ ngâm nga một đoạn thơ trong Tây Sương Ký, kết thúc bằng câu “Ôi, sao nàng không quay mặt lại?”
Kỹ nữ đó nghe tiếng ngâm thơ bèn quay đầu lại, nhoẻn nụ cười. Ngụy Tượng Xu bất giác rung động trong lòng, tự hỏi không biết cô nương này là ai đây vì trên thuyền không đề tên.
Nàng cười một cái rồi bắt đầu cất tiếng ca. Giọng ca của nàng chiếm đoạt lòng người không thua gì nhan sắc nàng.
Nàng hát dứt lời, thiên hạ vỗ tay hoan hô rồi sai gia đinh chèo ghe tới tặng thưởng, những nén bạc to có nhỏ có chất đầy mặt bàn trên chiếc thuyền. Thuyền của nàng đậu lại trước mặt Ngụy Tượng Xu.
Cuối cùng, bao nhiêu khách nhân quanh hồ đều quay mặt về phía chiếc thuyền hoa của Tầm Lan. Nàng hé môi để lộ hàm răng ngà ngọc, lại tiếp tục cất tiếng ca.
Bây giờ là mùa đông, gió hồ rất lạnh. Thế mà tiếng hát của Tầm Lan triền miên uyển chuyển, lời bài ca lại nồng ấm, khiến cho người nghe chưa uống đã say. Tầm Lan vừa hát vừa đong đưa khóe mắt, không ngớt liếc nhìn Ngụy Tượng Xu.
Trong lòng hoan hỉ vô cùng, Ngụy Tượng Xu thấy cô gái này đầu mày cuối mắt lúng liếng đong đưa với mình, bộ điệu lả lướt đầy vẻ phong tình, lời ca uyển chuyển đàn gảy du dương, thêm vào những đợt hương hoa trên thuyền nàng bay đến, y như đi vào cõi mộng trong ánh trăng lồng sóng nước, dần dần quên mất sự cảnh giác.
Tầm Lan bảo Linh Đan chèo thuyền đến cập hẳn vào bờ, rồi rót rượu mời, Ngụy Tượng Xu cạn liền ba chén. Nàng cũng ngồi trên thuyền uống một chén. Ngụy Tượng Xu tháo chiếc nhẫn ngọc bích trên tay, đưa cho Linh Đan bảo thưởng cho Tầm Lan.
Tầm Lan nhận lấy quà từ tay Linh Đan mang đến cho nàng. Ngụy Tượng Xu bảo:
-Nàng hát một bài nữa đi.
Tầm Lan cúi đầu mỉm cười, trên má lộ ra hai lúm đồng tiền vừa nhu mì vừa ranh mãnh, càng lộ vẻ phong tình khiến trái tim Ngụy Tượng Xu phải nhũn ra. Nàng nhoẻn thêm một nụ cười rồi nói:
-Tiểu nữ không muốn hát ở đây, muốn hát riêng cho ngài thôi.
Ngụy Tượng Xu cười ha hả nói:
-Được! Được!
Ngụy Tượng Xu liếc nhìn cô gái, thấy nàng thần sắc nhu mì, trong lòng rất ưng ý, bèn thầm tính chuyện đưa nàng về kinh đô. Nhưng việc này phải tuyệt đối giữa bí mật để tránh bị chủ soái của gã biết, lại sẽ không cho phép, sẽ bảo làm thế người đời sẽ dị nghị là quan quyền háo sắc, làm bại hoại thanh danh quân đoàn Chính Bạch Kỳ.
Ngụy Tượng Xu suy nghĩ tới lui một hồi không tìm ra cách nào dắt nàng theo mình được, nhưng lòng kiềm không nỗi, thôi thì cứ bảo bọn người của gã khiên kiệu nàng vào hậu viên của trường học hầu gã một đêm trước đã.
Tầm Lan vừa vào phòng đã liếc Ngụy Tượng Xu một cái, rồi lại đưa mấy ngón tay mềm mại gảy đàn. Lần này khúc điệu nhẹ nhàng thánh thót, âm hưởng vui tươi phong phú. Ngụy Tượng Xu vừa nghe tiếng dạo đàn đã gật đầu khen ngợi. Rồi giọng hát nàng cất lên. Nàng hát liên tục mấy bài, tới khi thuốc mê trên áo nàng tỏa ra đủ làm Ngụy Tượng Xu gục xuống bàn mà ngủ.
---oo0oo---
Lại nói tiếp chuyện Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình đang ở dưới giếng nước chờ ám hiệu của Tầm Lan.
Tàu Chánh Khê không đáp vì bây giờ chàng không còn nghi ngờ gì nữa về tình yêu của mình đối với vị muội muội này.
Tàu Chánh Khê hoàn toàn giữ im lặng, hồi sau mới lên tiếng, đương nhiên là không phải nói về Tầm Lan:
-Đại muội, muội có thấy lạ là Dương Tiêu Phong hắn án binh bất động không? Khu vực quanh đây không có một ai canh gác, ngoài tỉnh Hàng Châu này cũng không thấy trại lính đâu cả.
-Ừ, mấy hôm nay muội đi thám thính, không biết hắn đều động quân đoàn đi đâu mà mất biệt!
Tầm Lan vào với Ngụy Tượng Xu cũng nửa canh giờ rồi. Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình hai người ở dưới giếng chờ khá lâu thêm nữa mới nghe tiếng ca của Tầm Lan vang lên, lâu thêm nữa lại nghe nàng ca tới đoạn:
Triệu khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân yên chiếu bạch mã
Táp đạp như lưu tinh
Thập bộ sát nhất nhân
Thiên lý bất lưu hành
Tầm Lan có dặn khi nàng ca bài Hiệp Khách Hành này tức là an toàn rồi.
Lâm Tố Đình cả mừng khi nghe một đoạn trong bài Hiệp Khách Hành, biết đấy là ám hiệu Tầm Lan đã thành công. Nàng không đợi Tàu Chánh Khê liền nhảy ra khỏi miệng giếng, thi triển khinh công bay đi, chân giẫm lên những luống hoa còn ướt đẫm sương đêm. Tàu Chánh Khê lật đật bám theo Lâm Tố Đình. Hai người như linh miêu, nhẹ nhàng đến bên cửa sổ của một phòng thuộc dãy Đông Phong tư thất mà quan sát.
Một bóng người đứng trong phòng vẫy tay bảo họ vào, chính là Tầm Lan. Ngụy Tượng Xu bị trúng mê hồn tán, đang gục xuống bàn rượu mà ngủ.
Hai người liền nhảy vào từ cửa sổ.
Tầm Lan đưa chìa khóa cho Tàu Chánh Khê, nhưng Lâm tố Đình giật lấy nói:
-Để cho muội, huynh mau đưa Tầm Lan cô nương rời khỏi đây, nhưng đừng về lại Tô Châu, cứ đi đâu đó một thời gian.
Đoạn quay sang Tầm Lan, Lâm Tố Đình nháy mắt bảo:
-Bây giờ cô nương đã có ngũ ca ta chiếu cố cho, không còn sợ gì nữa rồi!
Tầm Lan mỉm cười, Lâm Tố Đình cười khúc khích, lại tiếp:
-Tối hôm đó sau khi gặp cô nương ngũ ca ta nói, mỹ nhân hiếm, mỹ nhân mà lại có khí chất xuất trần càng hiếm, biết uống rượu cực hiếm, mà mỹ nữ có tửu lượng vô biên tưởng rằng không tồn tại trên đời. Lại nữa, huynh ấy bảo rằng không biết kiếp trước làm điều đại thiện đại đức gì, kiếp này mới được kết bạn với mỹ nhân xinh như cô vậy. Lời này ta nói đều là thật cả nhé, cô nương nghe qua cũng biết huynh ấy ngưỡng mộ cô đến dường nào.
Tầm Lan ửng hồng hai má, liếc nhìn Tàu Chánh Khê, ánh mắt nàng lấp lánh như biết nói biết cười. Lâm Tố Đình ngó thấy hiểu được tâm tư thiếu nữ, càng được dịp ba hoa:
-À ta quên khấy đi mất, huynh ấy còn bảo thêm là giờ huynh ấy mới biết kiếp này mình sống vì cái gì, là sống để được một lần thấy mỹ nhân như cô cười một lần, liếc mắt một phát. Nếu được như vậy huynh ấy dẫu cho xuống núi đao lên biển lửa, vào vạc dầu chịu đủ chín vạn chín ngàn lần cực hình tra tấn, cũng xin nguyện làm.
Nói đoạn liếc sang thấy cặp chân mày Tàu Chánh Khê dính chặt vào nhau tạo thành một đường thẳng, Lâm Tố Đình càng tưởng mình đúng, cười bảo:
-Thấy chưa, cô nương nhìn xem tướng mạo huynh ấy kia kìa, chắc giờ đang tự hỏi, có phải đây chính là tiên nữ lạc phàm trần không? Xuống đây dùng nhan sắc của mình cứu nhân độ thế, chứ vẻ đẹp này đâu vướng khói lửa nhân gian được? Phải vậy không ngũ ca? Hì hì.
Tàu Chánh Khê không để ý đến những lời trêu chọc của Lâm Tố Đình, trong lòng chỉ trào lên một nỗi bất an, chàng bảo:
-Đại muội đừng đùa giỡn nữa, chuyện vào địa đạo lấy sâm phải để huynh đi, còn hai người thì rời khỏi đây, chúng ta hẹn gặp ở hồi cương!
Lâm Tố Đình nói:
-Ý! Như vậy đâu có được, thiếu đà chủ là hôn phu của muội, muội phải có trách nhiệm cứu huynh ấy! Vả lại muội sẽ không cho huynh biết củ sâm đó có hình dạng thế nào đâu, huynh sẽ không tìm ra nữ thần y để nó ở nơi nào!
Tàu Chánh Khê khuyên tới lui mấy lần, Lâm Tố Đình cách mấy cũng không chịu đưa ra chìa khóa, làm trễ nãi một thời gian. Mà Tầm Lan thì biết thuốc mê hồn tán này chỉ có tác dụng khoảng chừng một hai canh giờ. Cuối cùng, Tàu Chánh Khê nói muốn cạn lời, mà Lâm Tố Đình vẫn cố chấp. Tàu Chánh Khê biết sư muội võ công rất khá, nếu không muốn nói là giỏi, không thể đoạt chìa khóa từ tay nàng được. Lại nữa nàng đã quyết như thế, với tánh bướng bỉnh của nàng, chàng biết không thể thuyết phục được, chỉ e sẽ mất thêm thời gian quý báu, không chừng còn lại đánh động đám quân binh nữa. Chàng buột lòng phải đưa Tầm Lan rời khỏi trường học.
Thế là Lâm Tố Đình một mình đi vào địa đạo bên dước Tâm Thiền thư viện tìm sâm. May là nó vẫn ở chỗ cũ trong kho thuốc. Lâm Tố Đình thở phào một tiếng, cả mừng cất sâm vào ngực áo, nhủ bụng “chuyến này thành công một cách trót lọt rồi! Thế mà Tam ca cứ nhất định không cho mình đi! Khinh thường ta đến thế hay sao?”
Đúng là “sơ sinh chi độc bất uý hổ,” đương lúc nàng hí hửng nét mặt, gần ra khỏi cửa Tâm Thiền thư viện rồi thì có một người đi vào.
Lâm Tố Đình không ngờ tới sự việc này, vội vàng nấp mình phía sau một kệ sách.
Dương Tiêu Phong bước vào thư viện, ngồi nơi chiếc bàn đặt ở giữa gian phòng, chỗ này cách chỗ Lâm Tố Đình đang đứng khoảng chừng một chục bước chân. Lâm Tố Đình hầu như không dám thở.
Dương Tiêu Phong lấy chiếc vòng cỏ trong tay áo ra ngắm, đối với chàng những gì hồng y nữ tử đã làm cho chàng dù là một ít cũng không quên được, không hiểu tại sao lại trở thành lụy tình như vậy?
Với chàng, qua lại với nàng ca kỷ họ Hà ở kinh thành hơn ba tháng đã là một kỳ tích rồi, bởi chàng chẳng thể bên ai lâu quá mươi ngày. Người ta nói chàng đào hoa, lăng nhăng, nhưng vẫn có hàng dài các cô nương sẵn sàng chết vì chàng. Người đẹp xin chết, chàng đâu nỡ từ chối, quan điểm của chàng là yêu nhưng sẽ không có trách nhiệm, chàng không muốn bị bó buộc bởi hai từ “gia đình.”
Khang thân vương nói chàng giống như một con ngựa hoang, không muốn bị bó buộc lại một chỗ, cái chàng muốn là được tự do bay nhảy khắp nơi. Nơi nào đẹp thì sẽ dừng chân nghỉ, nghỉ chán rồi lại tìm đến một nơi đẹp hơn. Khi đã nhàm chán với tình yêu của một cô gái, chàng bắt đầu tính toán đường lui cho mình. Với những cô gái trước đây, thì chàng chẳng cần đau đầu nghĩ ngợi, chán thì chỉ cần nói một câu chia tay là xong.
Hồng y nữ tử lại khác với những cô gái chàng quen trước đó, có lẽ chính sự khác biệt của nàng đã chiếm trái tim chàng. Nàng xinh đẹp nhưng không lả lướt, lẳng lơ như những cô gái kia. Ở nàng, luôn có nét dịu dàng, trong sáng và đơn giản. Lại nữa những người con gái như nàng, khi đã yêu rồi sẽ hết lòng hết dạ với người yêu, nàng sẽ luôn chăm sóc cho người nàng yêu chu đáo. Chàng biết, vì nàng đã từng chăm sóc rất ân cần cho một kẻ không quen là chàng.
Tiêu Phong nhớ lại mùa xuân năm nay chàng cũng đã trở về lại Thiên Sơn, bước vào căn nhà tranh đứng nhìn ra ngoài khung cửa.
Phía sau cửa sổ đó là một khu vườn. Một khu vườn trống với thật nhiều hoa dại.
Nhớ năm xưa chàng cũng nằm trên chiếc chõng tre kê cạnh cửa sổ này. Lúc đó nàng bảo trên núi gió rất độc, cửa sổ được nàng đóng kín mít. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những luồng gió mỏng mảnh như sợi chỉ len lỏi vào từng khe cửa, đem theo mùi dạ lan, mùi cỏ và cả mùi đất nồng nồng sau cơn mưa vào nhà. Những lúc ấy, chàng nằm im, vươn hết thính giác ra để nghe ngóng. Từng bước chân âm thầm của lũ kiến chợt rào rạo như cát đổ trên mái nhà. Tiếng cựa quậy, tặc lưỡi của con thạch sùng nghe như tiếng cá sấu trườn trên bãi đất khô.
Năm nay cũng thế, chàng quay lại nơi đó, hàng chục thứ tiếng động khác nhau lần lượt chen vào, mỗi thứ bình thản chọn một chỗ trong tai chàng, chuyển động nhịp nhàng và hoan hỉ. Vẫn còn thiếu tiếng thở nhẹ nhàng của hồng y nữ tử khi nàng ngồi ở một góc nhà đan vòng cỏ. Cái bóng con gái mảnh dẻ, mái tóc có mùi thơm nhè nhẹ của hoa ngọc lan sẽ chầm chậm tiến lại gần chàng, rồi giọng nói êm như hơi gió cất lên: “Huynh cảm thấy thế nào, có lạnh quá không? Uống chén canh này rồi nghỉ ngơi cho sớm nhé.” Chàng sẽ mỉm cười, bưng chén canh tổ yến nấu với đường phèn lên uống.
Có một hôm nàng không mang canh yến đến cho chàng mà đem hai chén chè tôm lạnh thơm phức mùi bạc hà vào. Món chè tôm lạnh này là món ăn được làm bằng bột gạo, được chế biến bằng cách ép bột chín qua một cái vá thủng xuống thau nước lạnh, để tạo ra những giọt bột đầu to đuôi vắt nhỏ như hình con tôm, sau đó ăn với nước đường nấu với lá bạc hà, một kiểu ăn vặt có xuất xứ từ Vân Nam, mùi vị mát mát thanh thanh, vừa mềm vừa dai.
Căn bếp được xây bên hiên nhà, khi nàng mở cửa ra mùi hương khiến cánh mũi chàng động đậy. Chàng đứng im sững giữa cửa cho đến khi nàng lên tiếng chào mới giật mình như rớt từ cõi mộng du nào xuống.
Có lẽ nàng đứng nấu chè rất lâu nên chân mỏi rồi, bỏ giày khỏi chân, nàng khoả đôi gót trần trắng nõn, bắt mắt xinh đẹp bước đi.
Nàng thấy chàng cứ nhìn mình chăm chăm, liếc chàng một cú, nói:
- Huynh này, làm gì cứ nhìn muội? Xem mắt tròn chưa kìa, trông thật ngố!
Chàng không biết trả lời sao. Nàng nói rồi lại bắt đầu cười, tiếng cười khe khẽ đáng yêu.
Chàng như ngất ngây trước sắc đẹp và nụ cười đó, vẫn đứng im sững giữa cửa. Hồng y nữ tử dịu dàng hỏi:
-Huynh định không kéo ghế mời muội ngồi?
Đặt vào tay chàng chén chè, nàng lại mỉm cười. Chỉ lúc ấy chàng mới nhận ra mùi vị của hạnh phúc phảng phất trong không khí.
Mỗi ngày, chàng thường lắng nghe tiếng hát của nàng vọng từ ngoài sân khi nàng nấu ăn, và mỉm cười một mình.
Nàng hát không được hay như danh kỹ kinh thành Hà Tử Lăng, nhưng chàng không bực mà chỉ thấy vui trong lòng. Ở cạnh nàng suốt mùa đông sang đến đầu xuân, chàng hiểu những lúc nàng hát là nàng đang vui lắm.
Yêu nồng nàn quên nhịp bước thời gian
Ánh mắt kia sao cứ mãi vương mang
Trói tim đắm vào vũng lầy bất tận
Má hây hây môi đỏ hồng chín mận
Mắt liếc cười ấp ủ một nét duyên
Đêm nằm mơ tâm khảm bỗng ưu phiền
Hình bóng ấy cứ chập chờn ẩn hiện
Em là ai với dáng người thánh thiện? Cho anh buồn thao thức với tương tư
Những tia nắng cuối cùng của ngày lặng lẽ chiếu trên mặt hồ, phản chiếu lấp lánh. Gió thổi nhẹ, lùa qua mặt nước, rung rinh linh động như tranh vẽ, làm lòng người ngơ ngẩn.
Du thuyền tấp nập trên mặt hồ, những chiếc thuyền con, buồm chèo chở các vương tôn công tử, các cô kỷ nữ ngồi tựa mạn thuyền, hoặc trong khung cửa gảy đàn, ca hát.
Tự cổ chí kim Thái Hồ của Tô Châu là nơi vui chơi lịch lãm. Nơi đây cảnh đẹp và hữu tình không kém Tây Hồ Hàng Châu nên giới hội hoa, du khách ghé qua tấp nập.
Có một chiếc thuyền đang rẽ đám lá sen nằm giữa hồ.
Một cô gái mặc áo màu lục ngồi ở đầu thuyền, đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chung quanh. A đầu của nàng là Linh Đan, ngồi bên cạnh. Những chiếc thuyền chung quanh nàng đầy tiếng nói cười của những vị công tử và các cô kỷ nữ.
Lục y nữ tử không thích những tiếng nói cười đó vì nó phá tan đi cái không khí nên thơ. Trong lúc này nàng thấy lạc lõng bơ vơ, cô độc. Bên bờ hồ, những cây liễu rũ bờ, những chiếc lồng đèn đủ màu đua sắc. Nhưng cảnh đẹp nầy là để dành cho ai? Nàng khẽ lắc đầu, nhìn xuống dòng nước trong xanh tư lự.
Đột nhiên, phía trước có chiếc thuyền con trôi tới, chiếc thuyền không mui. Trên thuyền chở rất nhiều hoa Kim Ngân, ánh hoàng hôn khiến cho hoa vốn có màu trắng vào buổi sáng từ từ chuyển sang vàng. Sự biến đổi màu sắc của loại hoa này làm lục y nữ tử hiếu kỳ, ngẩn ngơ mà nhìn. Lại nữa mùi hương dìu dặt lan đi trong gió.
Nắng vàng lan tỏa.
Khi thuyền hoa chầm chậm trôi ngang qua thuyền lục y nữ tử, nàng không ngồi im nữa mà cất tiếng ca, nàng hát một cách đầy cao hứng quên cả cảnh giới chung quanh. Tiếng ca nàng du dương, khi trầm khi bổng, có đoạn nghe như tiếng sóng biển vỗ nhẹ vào bờ, chuyển sang phấn khích, rồi lại buồn man mác gieo vào lòng mọi người nỗi hoài cảm mông lung.
Tàu Chánh Khê thả bộ dọc theo bờ hồ, nhỏ giọng nói:
-Hội Tây Hồ năm nay, huynh muốn mượn tiếng ca của cô nương này.
Lâm Tố Đình đang cải nam trang đi bên cạnh chàng, nàng nhướng đôi mày được kẻ rậm rạp nói:
-Được hay sao?
-Ừ. Chỉ có cô ta mới tiếp cận và lấy được đồ từ trên mình Ngụy Tượng Xu.
-Ngũ ca chắc chắn cô ấy sẽ giúp chúng ta?
Tàu Chánh Khê dừng chân lại bên một gốc cây, nói:
-Huynh không chắc, nhưng huynh sẽ cố.
-Ừ.
Lục y nữ tử hát xong thì thuyền nàng cũng cập vào bờ hồ.
Có rất nhiều nam nhân chạy đến để ngắm dung nhan của cô gái với tiếng ca mê hoặc lòng người này. Họ thi nhau gọi tên nàng:
-Tầm Lan!
-Tầm Lan cô nương!
Tầm Lan mỉm cười một cái.
Mọi người nhìn đi nhìn lại, ngắm tái ngắm hồi, càng quan sát càng mê mải, càng si càng mê. Giờ thì mới biết, cái gọi là cười một cái nghiêng thành, cười thêm phát nữa khuynh quốc, nó vốn không phải chỉ có trong truyền thuyết.
Lâm Tố Đình là con gái, đứng cạnh Tàu Chánh Khê cách đấy một quãng cũng ngẩn ngơ mà nhìn, không khỏi trầm trồ thán phục dung nhan lục y nữ tử. Ở nàng là vẻ dung dị và thuần khiết tới mức cùng cực, ắt dễ gây ra sự ngẩn ngơ bất thình lình cho bất kỳ nam nhân nào. Với hai mắt đen to tròn, ấn đường siêu nhiên thoát tục, tướng số cô gái áo màu lục này ắt phải được sống đời an nhàn, hạnh phúc. Nếu ko lấy được chồng đại gia khét tiếng, quyết chẳng phải lấy kẻ ăn xin. Thế sao lại làm “kỷ nữ du thuyền” ở Tô Châu này?
A đầu của Tầm Lan là Linh Đan dìu chủ tử đứng dậy, bước lên bờ nói với đám đông:
-Tầm Lan cô nương đã vì các vị đại gia ca một bản rồi, xin các vị nhường đường.
Nói rồi hai cô gái dợm chân định đi về hướng chiếc xe ngựa đang đậu trên cầu để về lại Lan Xuân lầu.
Chợt có nhiều tiếng nói:
-Ầy, sao kỳ vậy?
-Chúng tôi chờ gần cả ngày trời, đặt bàn uống rượu bên bờ hồ này, chỉ mong nghe được Tầm Lan cô nương ca, đợi mỏi mòn mới thấy Tầm Lan cô nương xuất hiện, chỉ ca một bản rồi rời đi là sao?
-Vậy đâu có được?
Linh Đan còn chưa kịp đáp thì vừa lúc đó có tiếng thét vang:
- Tầm Lan cô nương đến đây ca mà không chờ Hắc Hổ tại hạ đến nghe hử?
Mọi người nghe tiếng người này lật đật tản ra ngay. Một gã thanh niên vạm vỡ mặt mày hung tợn, đen đúa, trên trán có vết sẹo dài, cởi trần trùi trụi, quần đen, lộ ra tay chân toàn cơ bắp lông lá bù xù bước tới. Theo sau hắn là hai tên khác hơi ốm hơn, mặt mũi cô hồn, điệu bộ ra tuồng bọn du thử du thực.
-Không được đi - Một tên đàn em của gã nói - Tầm Lan cô nương còn chưa vì Hắc Hổ đại ca ta ca một bản, không thể đi được!
-Ầy - Linh Đan bước tới đối diện Hắc Hổ cười giả lả nói - Vị đại gia à, Tầm Lan của Lan Xuân Lầu chúng tôi có quy chế của cổ, tất cả mọi người ở Thái Hồ đều biết hết rồi mà...
-Tránh ra, con nhóc - Hắc Hổ vung tay đẩy Linh Đan một cái làm cho Linh Đan thiếu điều muốn té bật ngửa - Nếu hôm nay Tầm Lan không vì bổn đại gia ca một bản, thì đừng có hòng ta cho bỏ đi!
Tầm Lan bước tới đứng cạnh tiểu a đầu của nàng, thản nhiên nói với Hắc Hổ:
-Tầm Lan chỉ ca cho cảnh hữu tình hoặc người tri âm, đại gia kêu Tầm Lan ca thêm một bản, tiểu nữ không ca.
-Xem ra cô chưa biết sự lợi hại của ta, bây đâu!
-Tránh ra, tránh ra!
Hắc Hổ ra lệnh một cái, hai tên thuộc hạ của gã liền tiến lên vây hai bên trái phải Tầm Lan. Chúng định đưa tay chộp tay nàng thì Hắc Hổ phất tay bảo chúng dừng lại, cười thô lỗ:
- Sao nàng sợ rồi hử? Nếu biết điều ăn năn chuộc tội khiến bổn gia vui lòng thì ta sẽ nhất định cưng chiều nàng hết mực!
Nói rồi giơ tay định vuốt má nàng.
Hai tên đàn em của Hắc Hổ cũng phá lên cười thô bỉ.
Tiếng cười chưa dứt thì nhoáng cái mọi người thấy thấp thoáng chiếc bóng vụt qua vụt lại và có tiếng lốp bốp giòn giã. Hai gã côn đồ đã lãnh mấy cái tát tai như trời giáng, hai bên má chúng đỏ bừng.
Gã tên Hắc Hổ còn chưa chạm vào được Tầm Lan, nghe tiếng gió đã vội vàng lùi ra sau mấy bước tránh được đòn, mới không bị đánh tới sưng vù cả mặt mày.
Mọi người nghe tiếng gió thổi vù qua một cái nữa. Có ai đó đưa hai tay chụp lấy hai tên đàn em của Hắc Hổ ném đi. Vì hai tên này đứng gần Tầm Lan nên khi người kia lao đến đã vô tình khiến cho thân người y theo đà chạm vào người nàng, làm nàng hơi loạng choạng thoái lui một bước. Tầm Lan hơi đỏ mặt nhưng không tỏ vẻ khó chịu. Nàng bước lui lại và nhẹ nhàng đặt tay lên vai Đinh Lan. Đinh Lan cũng giữ eo nàng giúp nàng đứng vững chân hẳn rồi mới buông ra.
Hắc Hổ chưa kịp hoàn hồn, thì cảm giác như có hai tảng đá đè lên ngực, chỉ kịp kêu “Ui da.”
Lần này Hắc Hổ không tránh được, cùng với hai tên đàn em hắn té ùm xuống hồ. Mọi người phá lên cười.
-Ngươi là ai? Mau ra đây cho ta!
Hắc Hổ vừa đạp chân cho nổi lên mặt nước vừa tức tối quát.
Không có tiếng đáp.
Tầm Lan đưa mắt nhìn hướng Tàu Chánh Khê đang đứng dưới một tàn cây lớn. Chàng nhoẻn miệng cười với nàng, nhìn nàng bằng ánh mắt dịu dàng làm cho trong lòng nàng chợt hơi xao xuyến. Nàng khẽ gật đầu chào chàng.
Linh Đan nói với đám đông:
-Được rồi, được rồi, các vị tiếp tục uống nữa đi, hết chuyện rồi.
Sau đó dìu chủ tử đi tới cỗ xe ngựa đang đậu trên cầu cách đó vài chục bước chân.
Tầm Lan bước lên xe, Linh Đan định theo lên thì chợt nghe có tiếng nói:
-Xin đợi một chút, chúng tôi muốn cầu kiến Tầm Lan cô nương. Làm phiền vị tiểu muội muội này xếp đặt giúp cho?
Đợi Linh Đan quay đầu lại, Lâm Tố Đình lấy ra một thỏi vàng và thành thật khen ngợi:
- Tiếng ca của Tầm Lan cô nương quả thật rất hay, ở Giang Nam tôi chưa từng nghe ai ca hay như thế!
Nét mặt Linh Đan hơi ngỡ ngàng, nhủ bụng từ xưa đến nay chưa từng có người nào đối đải rộng rãi với một a đầu như nàng đến thế. Nàng mở to đôi mắt huyền nhìn hai vị công tử đầy vẻ cảm kích, từ cặp môi anh đào thoát ra một giọng nói trong trẻo như tiếng suối reo:
- Hai vị công tử chờ một chút!
Đoạn bước lên cỗ xe vén rèm nói gì đó, lát rồi vén rèm bước ra bảo:
-Tầm Lan cô nương bảo công ơn của vị công tử này giúp cô ấy hồi nãy, còn chưa được dịp bái tạ, xin mời hai vị lên xe.
Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình vào xe thì thấy trong xe có đặt một cái bàn nhỏ, trên bàn bày biện một bình trà và vài hộp bánh mứt. Linh Đan bỏ rèm xuống, giật cương cho ngựa chạy đi.
Xe lăn chầm chậm. Tầm Lan nhìn Tàu Chánh Khê nói:
-Xin cám ơn công tử đã giúp Tầm Lan thoát khỏi sự quấy nhiễu của tên Hắc Hổ, để Tầm Lan dùng trà thay rượu kính huynh một ly.
Giọng Tầm Lan hết sức dịu dàng, đến nỗi ngay cả Lâm Tố Đình cũng phải ghen tỵ.
Quả thật Tàu Chánh Khê rất có cảm tình với cô gái này.
Tàu Chánh Khê hồi nãy đứng khá xa Tầm Lan, giờ có dịp ngồi đối diện, thấy cô gái này nhan sắc diễm lệ, sáng lóe như tia chớp trong đêm tối, đâm rách bầu trời đêm. Lại như mặt trời xé ra mây đen tâm tối thì không khỏi có chút thần người.
Tầm Lan nói rồi chỉ thấy Lâm Tố Đình nâng tách trà lên, bèn khẽ cười:
-Xin đừng khách sáo, xin mời.
Tàu Chánh Khê bấy giờ mới định thần lại. Ba người uống cạn ba tách trà, Tầm Lan nói:
-Hồi nãy Tầm Lan nghe tiểu Linh Đan nói hai vị công tử có chuyện tìm Tầm Lan?
Tàu Chánh Khê nói:
-Tại hạ muốn mời cô nương đến hội Tây Hồ vào ngày mốt, hiến một bài ca.
Tầm Lan nói:
-Công tử, Tầm Lan hiến ca có quy chế của Tầm Lan, có lẽ công tử đã biết rồi?
Lâm Tố Đình nói:
-Nếu cô nương chấp nhận, thì tiền thưởng ngàn vàng chúng tôi không bạc đãi cô đâu.
Linh Đan đang đánh xe ngựa, quay đầu nói vọng vào trong xe:
-Thiệt không đó? Hai vị công tử nói có thật không? Một ngàn lạng vàng sẽ thuộc về Tầm Lan cô nương của chúng tôi cho một bài ca thôi sao?
Lâm Tố Đình ngồi trong xe nói vọng ra ngoài:
-Đương nhiên rồi, bộ hai người chúng tôi giống nói chơi lắm hả?
Riêng Tầm Lan không có phản ứng, ngồi đấy lặng lẽ nhìn Tàu Chánh Khê, suy nghĩ một lát rồi nói:
-Một bài ca mà được trả đến một ngàn lạng vàng, theo như Tầm Lan nghĩ... thì hội Tây Hồ này quả không đơn giản đâu.
Tàu Chánh Khê không đáp mà hỏi lại:
-Không biết cô nương có vui lòng ca hát hay không?
Ánh mắt Tầm Lan tỏ vẻ tư lự, nàng lặng thinh một lát nữa, rồi không nhịn được, bất chợt buông câu nói:
-Nhìn hai vị công tử đây ăn mặc phong độ, một người tỏ ra như một vị lãnh đạo, còn am hiểu võ công, nhưng Tầm Lan lại không biết hai vị công tử là ai, không biết một chút gì hết…
-Tại hạ Tàu Chánh Khê, ngũ đương gia của Đại Minh Triều - Tàu Chánh Khê vội ngắt lời nàng.
Đoạn chỉ tay sang Lâm Tố Đình, chàng tiếp:
-Còn đây là bát đương gia của chúng tôi, muội ấy đang cải nam trang.
Lâm Tố Đình giật mình nhìn Tàu Chánh Khê, khẽ nói:
-Ngũ ca, sao huynh nói thân phận chúng ta cho cô ấy biết?
Tàu Chánh Khê vỗ nhẹ lên tay Lâm Tố Đình dưới gầm bàn, chàng cười, phô hàm răng trắng bóng:
-Đã cầu người hẳn phải tin người chứ, đại muội muội, muội chưa từng nghe thiếu đà chủ nói câu nói bất hủ đó của Tào Tháo à?
Lâm Tố Đình nghe nhắc đến Tần Thiên Nhân, không nói gì nữa. Quả thực nàng đang rất cần sự giúp đở từ cô gái tên Tầm Lan này.
Lâm Tố Đình nhớ lại chuyện hôm bữa Tần Thiên Nhân về đến đồn Bạch Nhật, sau đó nằm mê man cả mấy ngày trời, không có dấu hiệu tỉnh lại, làm cho nàng cả mấy ngày cũng không ngừng lấy nước mắt rửa mặt. Nàng ở trong lều chứa thuốc ôm mặt khóc, cho đến khi nữ thần y đến tìm nàng nói:
-Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm quý hàng đầu trong các loại sâm. Nhưng loại sâm này rất khó kiếm, chỉ mọc ở độ cao hai ngàn thước. Đặc điểm bên ngoài là thân màu lục hoặc hơi tím, có hình chân vịt trên đỉnh đầu củ sâm. Công dụng của nhân sâm Ngọc Linh là cầm máu, loại bỏ chất độc khỏi cơ thể, nhanh chóng chữa lành ngoại thương lẫn nội thương, hồi phục sức khỏe, đặc biệt là dùng để tăng cường nội lực rất có hiệu quả…
Lâm Tố Đình khoác tay ngắt lời nữ thần y:
-Thôi đủ rồi, không cần diễn tả nữa, chỉ cần muội nói nó mọc ở đâu, tỉ sẽ lập tức đi tìm.
-Ở trong kho thuốc của Hắc Viện, muội nhớ còn lại một cây...
Nữ thần y chưa dứt lời, có tiếng sang sảng của ai đó vang lên:
-Không được! Đại muội muội, muội không được đi! Lần này chúng ta đương đầu với một đối thủ rất lợi hại. Lại nữa huynh nghe nói trường học bây giờ được canh gác rất nghiêm ngặt, có rất nhiều cấm vệ quân, ngoài ra còn đám cao thủ đại nội nữa, nếu muội muốn chánh diện mà đánh cướp nhân sâm, sẽ khó như lên trên trời.
Lâm Tố Đình định đáp lại lời Trương Quốc Khải thì lại có tiếng nói:
-Nếu không dùng vũ lực được, thì ta sẽ dùng mưu kế...
Thì ra người vừa xuất hiện trong lều chứa thuốc là tam đương gia và ngũ đương gia.
Trương Quốc Khải hết nhìn Lâm Tố Đình lại đánh mắt sang Tàu Chánh Khê, cau mày nói:
-Ngũ đệ, đại muội à, chuyện này không phải đùa đâu!
Lâm Tố Đình không muốn bị mất thời gian cứu chữa cho Tần Thiên Nhân, lo lắng buột miệng nói:
-Muội cũng không đùa, muội nhất định đi!
Rồi quay sang Tàu Chánh Khê, nàng nói:
-Ngũ ca, huynh nói vậy là ủng hộ cho muội rồi phải không?
-Ừ!
-Đó! Tam ca, huynh muốn cản muội trừ phi đánh thắng ngũ ca trước, và đánh gãy cả đôi chân muội luôn đi!
Rồi nàng lại quay sang hỏi Tàu Chánh Khê:
-Không biết ngũ ca có mưu kế chi có thể cho muội biết được chăng?
Tàu Chánh Khê không đáp, nhưng trong đôi mắt ánh lên một đốm sáng.
Lâm Tố Đình nóng lòng, lại nói:
-Quyết định vậy đi, có ngũ ca đi cùng với muội, tam ca, như vậy huynh đã yên tâm rồi hay chưa? Theo muội thì chuyện này không sao nữa rồi.
Trương Quốc Khải trầm ngâm một lúc mới trả lời:
-Đại muội, muội đừng hiểu lầm tam ca. Huynh không phải không muốn cho hai người đi tìm sâm để cứu thiếu đà chủ, nhưng chuyện nguy hiểm như thế, để huynh đi cho.
Lâm Tố Đình xua tay nói:
-Nhưng Tam ca, huynh đang bị thương trong mình, đại ca cũng thế, ở chỗ này ngoài muội và ngũ ca còn lành lặn thì còn ai vào đây? Nhiệm vụ trước mắt của các huynh là điều trị thương thế và giữ mình cẩn thận, vì sau này công việc của chúng ta sẽ nặng nề hơn trước rất nhiều.
Lâm Tố Đình dứt lời không để cho ai phản đối, lập tức ra khỏi lều đi chuẩn bị ngựa.
Nữ thần y biết không còn việc gì thêm, nàng cáo từ trở về lều của Tần Thiên Nhân túc trực bên chàng.
Còn lại hai người, Trương Quốc Khải nói:
-Ngũ đệ, đệ biết hiện thời Giang Nam binh sĩ trùng trùng như một đàn ruồi bu quanh đĩa mật, sao lại ủng hộ cho đại muội quay trở về đó chứ?
Tàu Chánh Khê nói:
-Chúng ta không để cô ấy đi, cô ấy sẽ không cam lòng đâu, chi bằng để đệ đi theo bảo vệ cho đại muội, bằng không, cô ấy cả đời này cũng sẽ không tha thứ cho chính mình được. Tuy chim trên trời sống trong bão tố gió mưa không ngừng, nhưng nó được vui, được tự do, còn hơn nhốt mình trong lồng tuy an toàn nhưng lại phiền muộn. Trong tình yêu cũng vậy.
Nói xong thấy Trương Quốc Khải vẫn còn chưa hiểu, Tàu Chánh Khê chỉ mỉm cười, quay người đi về phía căn lều của chàng để chuẩn bị hành trang lên đường về Hàng Châu. Đi được vài chục trượng, Tàu Chánh Khê chợt dừng lại nói:
-Đôi khi buộc phải đứng sau người mà mình yêu thương, nhìn họ mỉm cười, chứ không thể cùng song hành.
Giọng Tàu Chánh Khê khi nói câu này hết sức hiền từ. Trương Quốc Khải nghe tới đây nội tâm kích động dần dần bình tĩnh lại, không phản đối nữa.
Lại nói tiếp chuyện “du thuyền kỷ nữ…”
Sau khi Tàu Chánh Khê giới thiệu thân phận hai người, Tầm Lan rất sững sờ, lại tiếp tục lặng người một hồi lâu.
Sau đó nàng hé nở đôi môi như đóa anh đào, chậm rãi nói:
-Dương Châu thập nhật, Gia Định tam đồ, đô thành sát hịch, những chuyện này đều là những chuyện đã qua rồi, hiện nay Thanh triều thịnh thế, bang phái phục Minh có thể chống khán triều đình hay sao?
Lâm Tố Đình và Tàu Chánh Khê vẫn còn đang đau lòng về trận đánh Bình Lương, giờ lại nghe nhắc tới Dương Châu và Gia Định, lòng đã đau càng thêm khó chịu, Lâm Tố Đình suýt nữa đã rơi lệ.
Lại nói chuyện năm xưa, sau khi kinh đô Bắc Kinh bị Lý Tự Thành chiếm được, một số hoàng tộc và quan lại nhà Minh đã tìm cách di cư lánh nạn về phía nam và tập hợp lực lượng còn lại xung quanh Nam Kinh, tạo thành kinh đô thứ hai của nhà Minh, lập nên nhà Nam Minh.
Đến năm Thuận Trị thứ hai, quân Thanh do Đa Đạc lãnh đạo đã đưa quân xuống phía nam.
Sử Khả Pháp giữ chức Binh bộ Thượng thư Đông Các Đại học sĩ của nhà Nam Minh bấy giờ, đã chỉ huy quân tứ trấn của Nam Minh chống lại và thắng được một số trận.
Tuy nhiên lúc này triều đình Nam Minh lại lục đục, tướng Tả Lương Ngọc đã đưa quân từ Vũ Xương tiến đánh Nam Kinh, tướng Mã Sĩ Anh sợ hãi nên đã gọi quân tứ trấn phải từ Giang Bắc trở về đối phó.
Sử Khả Pháp hiểu rõ rằng quân Thanh đã áp sát, không nên dời Dương Châu, song bất đắc dĩ vẫn quyết định vượt Trường Giang ứng cứu.
Khi hay tin Tả Lương Ngọc đã bị đánh thua, Sử Khả Pháp lại vượt Trường Giang, song lúc này quân Thanh đã áp sát Dương Châu. Sử Khả Pháp ban hịch kêu gọi mọi người đem binh về cứu thành Dương Châu song không ai hưởng ứng.
Đa Đạc sau đó đã ra lệnh bao vây và tiến đánh Dương Châu suốt ngày đêm, quân và dân trong thành kiên quyết chống lại. Cuối cùng, Đa Đạc lệnh cho bắn pháo vào thành, tường thành sụp đổ, quân Thanh xông vào thành Dương Châu. Đa Đạc thấy quân Thanh bị thương vong quá lớn khi công thành nên đã quyết định làm cỏ toàn bộ dân trong thành, cuộc đại tàn sát kéo dài trong suốt mười ngày, sử gọi là “Dương Châu thập nhật.”
Sau khi Dương Châu thất thủ, quân Thanh đã tiến đến Nam Kinh, chính quyền Hoàng Quang Đế bị tiêu diệt. Sau đó, quân Thanh bắt toàn thể dân chúng Giang Nam phải theo phong tục Mãn Thanh như phải cạo tóc ở phía trước đầu và để bím tóc ở phía sau, ai trái lệnh sẽ bị chém, khiến nhân dân Giang Nam bất bình. Quân dân Gia Định đã chống lại quân Thanh trong ba tháng, bị quân Thanh tàn sát ba lần với hơn hai mươi ngàn người chết, sử gọi là “Gia định tam đồ.”
Nói tiếp chuyện du thuyền kỷ nữ.
Tàu Chánh Khê trả lời:
-Từ cổ chí kim, cái chuyện khôi phục thiên hạ đó, tất cả đều là do con người tạo ra.
Tầm Lan nói:
-Xin hỏi ngũ gia, tiểu nữ đến Tây Hồ ca hát xong sau đó còn làm gì nữa chăng?
Tàu Chánh Khê đưa mắt nhìn Lâm Tố Đình, nàng hiểu ý, trả lời thay cho chàng:
-Thật ra thì hội chợ ở Hàng Châu vào ngày mốt chính là một Hồng Môn Yến trên Tây Hồ.
Tầm Lan trầm ngâm một lúc, hết nhìn Tàu Chánh Khê lại nhìn sang Lâm Tố Đình, cuối cùng nhẹ giọng nói:
-Tầm Lan đã hiểu rồi, hội chợ ngày mốt tại Hàng Châu, xem bề ngoài là hưởng ngoạn mặt hồ, nhưng thực tế xung quanh là bóng đao bóng kiếm nguy cơ tứ phương.
-Đúng vậy!
Lâm Tố Đình gật đầu thẳng thắn xác nhận.
Tầm Lan không phải là một kỹ nữ bình thường, với bản tính thông minh, Tầm Lan hiểu ra Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình kỳ vọng gì ở nàng, và nàng hết lòng cảm kích vì điều đó. Song vẫn nói:
-Hân hạnh được hai vị đương gia tin cậy Tầm Lan, Tầm Lan đương nhiên cũng phải thành thật đối với hai vị...
Tầm Lan chỉ nói bấy nhiêu rồi ngưng lại, Lâm Tố Đình suốt ruột bèn lên tiếng:
-Vậy ý của cô nương là?
Tầm Lan ngập ngừng một lúc rồi kiên quyết nói:
-Tầm Lan thưởng thức lòng can đảm của nhị vị, chỉ tiếc là Tầm Lan không thể tiếp nhận.
Nàng quay mặt đi để đôi nam nữ trẻ tuổi khỏi thấy mắt mình đỏ hoe:
-Hai vị không cần phải khuyên – Và với dáng ngồi nghiêng nghiêng đó nàng tiếp - Tầm Lan đã quyết định rồi, hai vị, mời đi về.
Nói rồi bảo Linh Đan ngừng xe lại.
Lâm Tố Đình không biết nói gì thêm, đành theo Tàu Chánh Khê bước xuống xe.
Trước khi Linh Đan giật cương cho ngựa chạy đi, Tàu Chánh Khê nói vọng vào khung cửa sổ của cỗ xe ngựa:
-Phách bạch trà, chén ngũ thể, lưu tử hà, dĩa mã não. Tầm Lan là con cháu của Hán thất, hy vọng là cô nương suy nghĩ kỹ lại, chiều mai tại hạ lại đến Lan Xuân lầu tìm cô nương, cáo từ.
Xe ngựa chạy đi, Tầm Lan hé rèm nhìn lại, thấy chàng thanh niên đầy hào khí như vậy, trong lòng cảm động vô cùng, nhưng thật đáng tiếc… nàng buông một tiếng thở dài.
Lâm Tố Đình đứng nhìn theo chiếc xe dần biến mất trong đêm tối, hai giọt nước mắt rơi xuống môi nàng:
-Vậy làm sao đây, ngũ ca? Chúng ta phải làm sao bây giờ?
-Không sao - Tàu Chánh Khê hất đầu bảo Lâm Tố Đình đi về hướng nhà trọ của hai người - Lúc nãy huynh nói ngày mai huynh lại đến tìm, cô ta không phản đối, nghĩa là ngày mai mới đưa ra quyết định. Nhỡ mà ngày mai cô ấy vẫn không chịu, huynh sẽ có cách khác để thuyết phục. Muội đừng quá lo, bằng mọi giá huynh nhất định mang được nhân sâm về cho muội.
Đoạn đường vắng vẻ chỉ in bóng hai người họ. Lâm Tố Đình gạt lệ trên má, đi theo Tàu Chánh Khê.
Hai người trầm mặc theo những ý nghĩ riêng của mình.
Khi sắp về đến ngõ quẹo để vào một khách điếm, Tàu Chánh Khê quay sang thấy nét mặt Lâm Tố Đình vẫn thẫn thờ, chân vẫn bước thẳng không có dấu hiệu dừng lại nên nhẹ giọng nhắc:
-Cua đi muội.
Lâm Tố Đình còn đang lo lắng về chuyện củ sâm, nghe nói vậy thì quay sang nhìn chàng, chau mày gắt:
-Cua gì chứ? Muội không có thì giờ giỡn với huynh đâu đấy, vả lại trời đang khuya như thế có ai trên đường đâu mà cua?
-Trời ạ! - Tàu Chánh Khê ngẩn mặt lên nhìn trời, lắc đầu - Huynh bảo là cua qua đường đi.
-Ồ.
Lâm Tố Đình bẽn lẽn cúi đầu, rồi sực nhớ tới một chuyện nàng hỏi:
-Ngũ ca này, hồi nãy huynh nói nào là phách bạch trà, rồi chén dĩa gì đó, nghĩa là gì vậy?
Tàu Chánh Khê bình thản đáp:
-Thật ra không có ý nghĩa gì đâu, chẳng qua là huynh muốn nói đến thuật dùng trà của cô ta thôi.
-Dụng cụ dùng trà?
-Ừ, huynh theo thất đệ học cách chọn trà và pha trà bấy lâu, nếu huynh không có nhìn lầm, những thứ trên bàn lúc nãy đều là đồ trong nội cung triều Minh.
Lâm Tố Đình cúi thấp đầu lắng nghe, một lúc mới nói:
-Hèn gì lúc nãy cô ta mời trà, muội thấy huynh sững người vậy, muội còn tưởng huynh đang thưởng thức dung mạo cô ta chứ.
Tàu Chánh Khê vội lắc đầu:
-Đương nhiên không phải!
Lâm Tố Đình không để ý vẻ mặt khó chịu của sư huynh, nàng vừa vỗ vỗ trán vừa nói:
-Nếu nói vầy thì… Ừ, đúng ha, giờ nghĩ lại, khí chất và ngôn ngữ lẫn cử chỉ của Tầm Lan cô nương đó, thì chắc chắn phải là con nhà đài các ha. Không những vậy, cô ta có thể còn là con cháu của đại nhân vật triều Minh nữa.
Tàu Chánh Khê giữ im lặng, Lâm Tố Đình tiếp:
-Hèn gì huynh rất thẳng thắn với cô ta.
Rồi nàng cởi nón xuống ôm trong tay, tay kia sửa lại mái tóc, nói:
-Nhưng nếu cô ta có bối cảnh này, sao lại không chịu giúp cho mình?
Không nghe tiếng đáp, nàng chợt ngẩng lên hỏi:
- Sao huynh không nói gì hết vậy, sao cứ nhìn muội trân trân thế?
Tàu Chánh Khê dời mắt sang hướng khác:
-Có lẽ cô ấy nhất thời đang ái ngại, cần thời gian suy nghĩ.
Lâm Tố Đình nghe nói bỗng thấy lo lắng, thậm chí có phần hoảng sợ. Nàng nghĩ tới cảnh ngày mai Tầm Lan không chịu giúp cho hai người bọn nàng, nghĩ đến bệnh tình của Tần Thiên Nhân, nàng lại muốn khóc.
Lâm Tố Đình cố gắng kìm chế tâm trạng, nén không cho nước mắt chảy ra, nàng nói:
-Lúc ở hồi cương huynh nói có mưu kế, thì ra là tìm cô nương này?
---oo0oo---
Chiều ngày hôm sau Tàu Chánh Khê đến Lan Xuân lầu tìm Tầm Lan.
Tầm Lan mời chàng vào phòng nàng, rót rượu ra ly, đoạn bảo Linh Đan ra chờ ngoài cửa phòng.
Đợi cho Linh Đan đi khuất rồi Tầm Lan mới nói:
-Ngũ gia nói phải, tiểu nữ là một người Hán, đương nhiên phải đồng lòng với những việc mà Đại Minh Triều của các vị làm, nhưng tiểu nữ nhận thấy thế lực của triều đình nếu đem so với bang hội phục Minh, xin nói một cách khó nghe, thật là một trời một vực, chênh lệch quá xa, nếu không muốn so như là đem trứng chọi với đá, châu chấu đá xe vậy.
Tàu Chánh Khê uống một ly rượu, Tầm Lan lại rót thêm cho chàng. Chàng uống thêm ly nữa, gật đầu thật thà nói:
-Về điểm này tại hạ đã hiểu rồi, cho nên chúng tôi không dám đụng độ với triều đình.
Tầm Lan hỏi:
-Nếu vậy bang hội có năng lực gì đối khán triều đình đây?
Lời nàng, nhẹ như hơi thở, song khiến cho Tàu Chánh Khê không trả lời được.
Tầm Lan đặt bình rượu xuống bàn, đứng lên hướng ra phía cửa. Nàng nói:
-Đời người rất ngắn ngủi, đã biết không làm được, rất khó giành thắng lợi thì việc gì phải đi mạo hiểm như vậy?
Khung cảnh trong phòng có phần tịch mịch. Một lúc, nàng lại hỏi thêm:
-Ngũ gia, dựa vào võ nghệ của ngài, nếu muốn vạch đường lập lên một cơ nghiệp có lẽ sẽ không khó, tại sao ngài lại chọn làm kẻ thù của triều đình, đã biết không làm được còn ráng làm?
-Bởi vì trong mình của tại hạ đang chảy dòng máu của người Hán, phải nghĩ đến nhân nghĩa, mắt nhìn thấy sự đau khổ của người Hán, chuyện nước nhà, tại hạ không nhẫn tâm làm ngơ được, cho nên phải tận hết khả năng làm chuyện đáng làm.
Tầm Lan chợt thấy tim mình nhói lên, vội nói:
-Nhưng thế sự không tùy ý người, để tiểu nữ dẫn ngũ gia đến một nơi này.
Linh Đan lại làm phu xe chở hai người đến một thôn làng, dừng ngựa ở cổng vào thôn, dưới hai hàng tre.
Tầm Lan vén rèm nhìn ra. Tàu Chánh Khê cũng nhìn ra ngoài khung cửa, ngờ người hỏi:
-Ở chỗ này chỉ là một tiểu thôn, không biết cô nương dẫn tại hạ tới đây để xem những gì?
Tầm Lan không trả lời mà phản vấn:
-Phải rồi, nơi này nhìn xem bề ngoài tuy là một tiểu thôn rất phổ thông, nhưng mời ngũ gia để ý xem cho kỹ. Ngài có thấy gì đặc biệt chăng?
Tàu Chánh Khê lắng tai nghe tiếng cười đùa của bọn trẻ. Chàng thoáng nhíu mày nói:
-Hình như thôn này chỉ có phụ nữ và trẻ con, vậy đàn ông họ ở đâu?
Tầm Lan mở to đôi mắt kiều diễm, bảo:
-Đàn ông con trai trong thôn này, đều như những thanh niên nhiệt huyết như ngũ gia nói, bọn họ vì phản kháng triều đình, vì nước vì nhà trong thiên hạ, tất cả đều đã hy sinh hết rồi. Tất cả chuyện này đều do tiểu nữ tận mắt ngó thấy, không có cách gì giúp được, tuy tiểu nữ cũng là con cháu của nhà Minh, nhưng tiểu nữ cũng muốn xem mọi người sống trong một cuộc đời không có đau thương.
Từ trước tới nay chưa bao giờ có người nào nói với chàng những lời này, Tàu Chánh Khê chợt thấy tim mình run rẩy, vội cúi xuống nhưng lại ngẩng lên ngay, nhận ra ánh mắt đau khổ của cô kỹ nử.
Nàng chỉ mới mười chín hai mươi tuổi, nhưng xem ra đã rất dày dặn.
Tầm Lan chậm rãi nói tiếp:
-Ngũ gia nói rất đúng, vì nước vì dân, nhân nghĩa chí thượng, nhưng hy sinh bản thân mình vì đại nghĩa để rồi dẫn đến cảnh con mất cha vợ mất chồng, thì tiểu nữ lại không muốn như thế đâu. Các vị đại hiệp anh hùng như ngũ gia. Sau cùng có thể làm được đại sự gì, chuyện sau này không ai có thể đoán trước được, là thành công hay không, song trước mắt, chỉ có thương tàn, tan nhà, mất người, thật làm cho người ta đau lòng xót xa. Cho nên, tiểu nữ không muốn tiễn đưa anh hùng lên con đường không hẹn ngày về.
“Thì ra là như vậy,” Tàu Chánh Khê nghe nàng nói nhủ bụng, “hèn gì mà cô gái này một mực từ chối không muốn giúp cho mình.”
Tầm Lan nói thêm:
-Những anh hùng như các huynh chỉ vì giang sơn xã tắc cứ không ngừng tiến tới mãi, nhưng kết quả ra sao? Chẳng qua là thêm thương tâm, sau cùng kết quả cũng là thất bại, đã bao năm rồi?
Chợt nàng nhận thấy giọng nói mình quá xẵng, liền hơi dịu lại:
-Xin thứ lỗi nếu tiểu nữ đã xúc phạm tới ngài.
Rồi nàng khẽ đọc:
-Dõi mắt trông xa ngóng tin chồng
Lòng buồn đau dạ nỗi niềm mong
Chàng đi bỏ thiếp ngồi lẻ bóng
Hình hài quen thuộc hoá hư không
Tàu Chánh Khê vẫn ngồi nguyên trên ghế, buồn bã đưa mắt nhìn theo những người phụ nữ đang tất bật lo công việc hằng ngày mà đáng lẽ là do nam nhân làm, như là cưa gỗ, lợp lại mái nhà... Nỗi lòng chàng lúc đó rất khó tả, vừa chua chát, vừa đau khổ, nhưng lại có cả niềm hãnh diện, một bầu nhiệt quyết không ngừng chảy trong người chàng khi chàng nghĩ tới những gì bang hội đã làm trong những năm tháng vừa qua. Chàng nói:
-Tầm Lan cô nương, đời người tuy rằng cay đắng, nhưng mà không phải là vô ý nghĩa, nếu sự hy sinh có thể đem lại phúc lợi, thì đều có giá trị.
Chàng dừng lại một chút rồi nói rành rọt từng chữ:
-Nước mắt có thể làm cho người ta đau lòng, nhưng cũng có thể làm cho người ta kích động, phấn chấn, chúng ta khôi phục thiên hạ Hán thất là để lấy lại sự tôn nghiêm của chúng ta!
Câu cuối cùng của chàng:
-Cho nên cho dù có hy sinh đổ máu, chúng ta tự biết chúng ta đã cố gắng, như vậy thì dù thất bại, cũng rất chính đáng!
Tàu Chánh Khê nói rồi quay sang nhìn khuôn mặt mỹ lệ của Tầm Lan với ánh mắt nhìn mình đau đáu. Bắt gặp cái nhìn khác thường đó, chàng vội lia mắt đi.
Chưa bao giờ chàng thấy một nữ nhân nhìn mình như vậy.
Đương nhiên chàng đoán biết có một điều gì đó xảy ra lần đầu tiên trong đời mình, nhưng chàng liền gạt ngay ý nghĩ đó đi.
Mỹ nhân và mỹ tửu
Thiên hạ đệ nhất đại hưởng thụ
Trăng sáng, sao thưa. Có hai chiếc bóng đen đi dưới ánh trăng bàng bạc hướng tới dãy nhà trọ Đông Phong của Hắc Viện. Họ đi qua nửa khoảnh sân rộng, đến giếng Tụ Nguyệt, không khỏi chạnh lòng, nơi này vốn là nhà của họ. Xung quanh giếng vẫn còn trồng rất nhiều hoa Thổ Hoàng Liên. Khắp vườn yên ắng tĩnh mịch, không một bóng người, không một âm thanh. Dưới ánh trăng, khu vườn hoa trông càng mỹ lệ, vàng rực rỡ, chẳng khác gì Bồng Lai Tiên Cảnh. Hương hoa thơm ngát khiến người ta ngây ngất.
Hai người này thận trọng thâm nhập vào hoa viên tĩnh lặng như không có sự cảnh giới này, đương nhiên không phải để ngắm hoa, mà hướng tới một căn phòng của dãy nhà trọ Đông Phong. Đột nhiên vang lên một tiếng kẹt, rồi cửa hậu Bắc Sơn mở ra, một chiếc kiệu được khiên vào.
Hai bóng đen, vốn là Lâm Tố Đình và Tàu Chánh Khê, lập tức nhảy vút lên, đáp xuống giữa giếng nước dang hai tay hai chân ra bấu vào thành giếng như hai con sao biển.
Giếng nước hẹp, vô tình hai người kề sát vào nhau, mặt đối mặt, mùi hương thiếu nữ thoáng xông vào mũi gợi cho Tàu Chánh Khê bồi hồi nhớ lại hai năm trước ở hậu hoa viên này cũng đã gặp nàng dưới hình dạng hắc y kiếm sĩ, bị nàng trêu đùa đe doạ khiến chàng liều gan ôm chặt lấy nàng. Lúc ấy thân mình nàng rất mềm mại và cũng tỏa ra mùi thơm thoang thoảng giống tựa hôm nay. Không biết Lâm Tố Đình có cùng hồi tưởng đó chăng mà trên mặt nàng hơi ửng đỏ như sắc hoa đào mùa xuân trông lại càng diễm lệ. Để khoả lấp nỗi ngượng ngùng, nàng nói lảng sang chuyện khác:
-Không ngờ cô ấy chịu giúp cho huynh?
Lâm Tố Đình nói rất nhỏ, sợ tiếng nàng vọng ra từ giếng nước sẽ bị phát hiện:
-Muội xem chừng cô ấy có cảm tình với huynh rồi nha. Mà hình như huynh cũng vậy nữa. Muội đây nhìn huynh và cô ấy, khi ánh mắt hai người nhìn nhau tràn đầy tình ý. Muội tuy ngốc nghếch nhưng cũng biết đó là tiếng sét ái tình, vừa gặp đã phải lòng nhau!
Tàu Chánh Khê lặng thinh không nói, Lâm Tố Đình lại mở miệng:
-Này, phải vậy không ngũ ca? Muội nói có đúng không?
Không có tiếng đáp, nàng mở to đôi mắt kiều diễm:
-Huynh làm sao thế?
Rồi nàng bĩu môi không nói gì nữa.
Tự dưng Lâm Tố Đình có cảm giác rằng trong lòng chàng có nỗi bí ẩn nào đó nhưng không muốn thổ lộ với ai. Nàng định lên tiếng hỏi chàng thì nhận thấy tiếng chân mấy người khiên kiệu càng lúc càng nhỏ dần, nghĩa là họ sắp đưa Tầm Lan vào với Ngụy Tượng Xu. Nàng nghĩ tới cảnh Tầm Lan đánh cắp được chìa khóa, trao cho nàng mở cửa địa đạo, rồi nàng lấy được nhân sâm mang về cho Tần Thiên Nhân, Lâm Tố Đình cũng không buồn thắc mắc về Tàu Chánh Khê nữa.
Nhắc lại hồi chiều Tầm Lan xuất hiện trên Tây Hồ Hàng Châu dùng tiếng ca mê hoặc Ngụy Tượng Xu…
….Cũng như mọi hôm từ khi Dương Tiêu Phong đặt chân đến Hàng Châu, cứ hễ mặt trời ngả bóng trên mặt hồ là cửa chính của trường học mở ra. Nhưng hôm nay bước ra từ cửa đó ngoài Tiêu Phong lại có thêm hai bóng người nữa.
Dương Tiêu Phong đi dạo mát một hồi tiếp tục rẽ sang hướng bờ hồ, theo quán tính mà lang thang du ngoạn, lát hồi dừng chân trên cầu Tây Lâm, hướng mắt xuống dòng nước đang trôi lững lờ. Tô Khất và Ngụy Tượng Xu cũng theo lên cầu.
Ngụy Tượng Xu quay sang Tô Khất khẽ nói:
-Xem mồi Phủ Viễn tướng quân đi dạo đấy nhưng có phải đang thăm dò dân tình Giang Nam hay chăng thưa Tô phó tướng?
Vì đang là mùa đông nên trời tối rất nhanh, mới đó mà trăng đã lên khá cao rồi.
Tây hồ về đêm trăng soi óng ánh, hàng vạn vì sao chiếu lấp lánh phảng phất trên mặt hồ. Ở một góc cạnh nào đó trông Tây hồ từa tựa như một chiếc gương dát bạc.
Tô Khất định mở miệng thì đột nhiên nghe thấy ở đâu có tiếng sáo trúc du dương, từ xa đến gần, hóa ra là tiếng sáo từ một chiếc thuyền con phát ra, trôi dưới gầm cầu Tây Lâm rồi lại xa dần, sau đó lại có một đợt sáo trúc khác tiến đến. Tiếng nhạc triền miên uyển chuyển khiến người nghe không khỏi động lòng.
Hai chiếc thuyền này dẫn thêm một loạt những chiếc thuyền khác đến. Ngoài tiếng sáo trúc còn có tiếng đàn tì bà, đàn cầm, và tiếng ngâm thơ vang lên, rõ nhất là bài “Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ:”
Thủy quang liễm diễm tình phương hảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ
Dục bá Tây Hồ tỉ Tây Tử
Đạm tran nồng mật tổn tương nghi
Một cô gái ngồi ở mạn thuyền đang vừa dùng những ngón tay thon dài chảy tóc vừa ngâm bài thơ miêu tả vẻ đẹp của Tây Thi này. Không hiểu vì sao sau khi Tây Thi qua đời, người ta đã dùng Tây hồ để tưởng nhớ nét đẹp của nàng. Vì vậy mà Tây hồ thường được gọi là Tây Tử hồ.
Ngụy Tượng Xu trông thấy gái đẹp nhiều như một đàn bướm trên mặt hồ, không khỏi trố mắt lên nhìn.
Lúc này có rất nhiều các nam nhân cũng kéo nhau đứng hai bên bờ hồ, trên cầu Tây Lâm, cầu Đoạn, và cầu Trường.
Nhóm người Ngụy Tượng Xu cải trang thành thường dân nên không ai phát hiện ra họ là những viên quan triều Thanh, Ngụy Tượng Xu quay sang một gã công tử mặc áo lụa xanh da trời, cười hỏi:
-Xin hỏi vị huynh đài này, hôm nay là ngày chi mà trên hồ tụ tập nhiều mỹ nữ đến thế?
Người kia đáp gì đấy. Ngụy Tượng Xu nghe qua mà nét mặt phấn khởi lắm. Hồi sau công tử áo xanh đi rồi, Ngụy Tượng Xu mới quay lại thì thấy Tô Khất và Dương Tiêu Phong đã đi sang bên kia bờ hồ. Ngụy Tượng Xu lật đật chạy theo, bắt kịp và nói khẽ:
-Phủ Viễn tướng quân, phó tướng quân à, nô tài vừa hỏi, biết được rằng hằng năm vào đêm này bọn danh kỹ trong thành Hàng Châu, Tô Châu, Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang tụ tập ở Tây Hồ để thi xem ai là hoa quốc trạng nguyên, lại còn bảng nhãn, thám hoa gì nữa đó.
Tô Khất nói:
-Vậy à?
Rồi quay sang Tiêu Phong, Tô Khất vừa cười vừa mắng:
- Cái tụi môi son má phấn này, chúng dám đem chuyện thi tuyển nhân tài của quốc gia ra để làm trò đùa đó thưa tướng quân? Thật là quá đáng mà!
Ngụy Tượng Xu thấy mặt Tô Khất đã nở nụ cười, nhưng Dương Tiêu Phong lại không, Ngụy Tượng Xu bèn bước tới gần Dương Tiêu Phong khẽ nói:
-Nghe nói Tây Hồ Tam Mỹ đều đến đây cả đó tướng quân.
Dương Tiêu Phong bấy giờ mới lên tiếng:
-Tây Hồ Tam Mỹ là gì?
Ngụy Tượng Xu đáp:
-Nô tài có hỏi, dân bản xứ nói rằng đó là ba ca kỹ nổi danh nhất Giang Nam. Dọc đường ai cũng bàn tán, đoán xem năm nay cô nào sẽ là hoa quốc trạng nguyên.
Tô Khất mỉm cười nói:
-Chà, trạng nguyên của quốc gia thì do hoàng thượng đương kim chấm, còn trạng nguyên của hoa quốc thì do ai chấm đây? Chẳng lẽ có một vị hoa quốc hoàng đến hay sao?
Ngụy Tượng Xu nói:
-Nghe nói mỗi ca kỹ sẽ ngồi trên một chiếc thuyền, nhưng ba cô nương nổi danh nhất thì ngồi trên thuyền có kết hoa, trên thuyền đó bày hết tất cả đồ kim ngân châu báu của khách tặng cho, xem thử thuyền hoa của ai nhiều đồ quý trọng nhất là cô đó được thưởng nhiều nhất. Sau đó các vị phong lưu danh sĩ đất Hàng Châu sẽ quyết định thứ bậc.
Tô Khất bật cười ha hả. Ngụy Tượng Xu tiếp:
-Họ sắp bắt đầu rồi đó thưa hai vị đại nhân, đợi trời tối thêm một chút nữa thì thuyền hoa của ba cô nương đẹp nhất Giang Nam sẽ tới, đèn đuốc sáng trưng, khi đó sẽ tuyển hoa khôi. Hay là chúng ta tìm một chỗ trong tửu lầu đằng kia ngồi xem?
Dương Tiêu Phong nhìn theo tay Ngụy Tượng Xu chỉ, lắc đầu, quay mình đi ngược về hướng Hắc Viện. Ngụy Tượng Xu nét mặt tiu nghỉu như mèo bị cắt đuôi, bỗng tươi tỉnh lên khi nghe tiếng Tiêu Phong vọng lại:
-Nếu hai người có nhã hứng thì cứ tới đó xem.
Dương Tiêu Phong và Tô Khất đi rồi, Ngụy Tượng Xu chọn một chiếc bàn của một tửu lầu xây xát bờ hồ, gọi một bàn rượu thịt để vừa ăn uống vừa ngắm mỹ nữ.
Lúc này khắp mặt hồ vang tiếng ca nhạc, đèn lồng thắp sáng trưng, cảnh phù hoa không bút nào tả xiết. Trên mặt nước có khoảng bốn năm chục chiếc thuyền bơi qua lượn lại, thuyền nào cũng treo đầy màn sa và lồng đèn. Ngụy Tượng Xu nhìn kỹ, thấy đèn lồng đều có thêu truyện đời xưa, nào là Dương Quý phi và Đường Huyền Tông, nào là Triệu Phi Yến và Hán Thành Đế... Những cô kỹ nữ cầm vải lụa nhảy múa trong thuyền, bóng họ in lên vách thuyền trông thật đẹp mắt, như tiên nữ hạ phàm trần. Ngụy Tượng Xu âm thầm khen ngợi dân phương nam biết sống phong lưu, phương bắc không thể nào bì được.
Trên mặt hồ thuyền qua lại như thoi đưa, hai bên bờ hồ cũng đông kín các nam nhân, nào là hào khách tầm hương, nào là văn nhân hiếu sự. Mọi người thi nhau chỉ trỏ, bàn luận, bình phẩm cách trang trí thuyền tinh tế, thô thiển thế nào.
Đột nhiên kèn trống vang lên, tiếng hát ca đàn sáo trên thuyền đều dừng bặt. Một loạt pháo bông được bắn lên, soi sáng bầu trời rồi từ từ rụng xuống mặt hồ.
Bắn hết pháo bông rồi đàn sáo lại vang lên. Những chiếc thuyền không hẹn mà đồng thời kéo rèm lên, trong mỗi thuyền đều có một cô nương trang điểm cực kỳ diễm lệ. Lập tức hai bên bờ hồ nổi lên những tiếng vỗ tay hoan hô vang dội.
Ngụy Tượng Xu vừa uống rượu vừa thưởng hoa, mắt ngắm các du thuyền từ từ trôi trên mặt hồ, bóng các cô gái lướt qua lướt lại, cảm giác chẳng khác gì dạo chốn thiên đường, mỹ nữ rất đông không sao nhìn xuể.
Trong nhà Ngụy Tượng Xu có rất nhiều thê thiếp, y cũng từng gần gũi không biết bao nhiêu người đẹp ở kinh đô, nhưng lúc này dưới ánh đèn, trên mặt nước, trong tiếng mái chèo, trong hương son phấn lại có một sắc thái khác hẳn, bất giác trong lòng cảm thấy lâng lâng như say rượu.
Hồi sau thuyền của Tây Hồ Tam Mỹ xuất hiện. Ba chiếc thuyền này lại càng đặc biệt. Chiếc đầu tiên trang hoàng như một chiếc thuyền đi hái sen trên hồ, xung quanh kết toàn lồng đèn dạng hoa sen, bông hồng ngó trắng lá xanh, thì ra cô ca kỹ trên chiếc thuyền hoa này tên là Đặng Liên Hoa.
Chiếc thuyền thứ hai lại kết hình hai con bướm to lớn dạo chơi vườn hoa, giữa hai con bướm treo một băng vải lụa viết bốn chữ lớn “uyên ương hồ điệp.” Danh kỹ trên chiếc thuyền này tên là Trang Anh Đài.
Chiếc thứ ba trang hoàng như kiểu cung Quảng Hàn, quanh thuyền dùng giấy và vải kết đủ phụ tùng trên cung trăng như thiềm thừ, ngọc thố, hoa quế, ngô cương. Ca kỹ trên thuyền hoa này tên là Bạch Tố Nga, mặc trang phục màu trắng, tay phe phẩy quạt, trang điểm như Hằng Nga trên cung Quảng.
Ngụy Tượng Xu nhìn kỹ từng cô, tán thưởng một hồi thì chợt có chiếc thuyền hoa thứ tư đến. Khách nhân rất ngạc nhiên khi gặp được vị khách rất khó mời này.
Trên thuyền này toàn là hoa thật cây thật, cành lá xum xuê, hoa lá bài trí rất tự nhiên, trông như một bức tranh thủy mặc của danh họa vẽ nên. Người ngồi trên thuyền mặc áo màu lục, dáng vẻ phiêu diêu xuất thế, trông như nữ thần dạo chơi sóng nước. Ngụy Tượng Xu mới thấy sau lưng đã không nén nổi hứng thú. Cô nương mới đến này khiến cho ba cô gái kia hoàn toàn lu mờ. Toàn thể các nam nhân ngồi cạnh bàn của Ngụy Tượng Xu phấn khởi đứng cả dậy, một kẻ ngâm nga một đoạn thơ trong Tây Sương Ký, kết thúc bằng câu “Ôi, sao nàng không quay mặt lại?”
Kỹ nữ đó nghe tiếng ngâm thơ bèn quay đầu lại, nhoẻn nụ cười. Ngụy Tượng Xu bất giác rung động trong lòng, tự hỏi không biết cô nương này là ai đây vì trên thuyền không đề tên.
Nàng cười một cái rồi bắt đầu cất tiếng ca. Giọng ca của nàng chiếm đoạt lòng người không thua gì nhan sắc nàng.
Nàng hát dứt lời, thiên hạ vỗ tay hoan hô rồi sai gia đinh chèo ghe tới tặng thưởng, những nén bạc to có nhỏ có chất đầy mặt bàn trên chiếc thuyền. Thuyền của nàng đậu lại trước mặt Ngụy Tượng Xu.
Cuối cùng, bao nhiêu khách nhân quanh hồ đều quay mặt về phía chiếc thuyền hoa của Tầm Lan. Nàng hé môi để lộ hàm răng ngà ngọc, lại tiếp tục cất tiếng ca.
Bây giờ là mùa đông, gió hồ rất lạnh. Thế mà tiếng hát của Tầm Lan triền miên uyển chuyển, lời bài ca lại nồng ấm, khiến cho người nghe chưa uống đã say. Tầm Lan vừa hát vừa đong đưa khóe mắt, không ngớt liếc nhìn Ngụy Tượng Xu.
Trong lòng hoan hỉ vô cùng, Ngụy Tượng Xu thấy cô gái này đầu mày cuối mắt lúng liếng đong đưa với mình, bộ điệu lả lướt đầy vẻ phong tình, lời ca uyển chuyển đàn gảy du dương, thêm vào những đợt hương hoa trên thuyền nàng bay đến, y như đi vào cõi mộng trong ánh trăng lồng sóng nước, dần dần quên mất sự cảnh giác.
Tầm Lan bảo Linh Đan chèo thuyền đến cập hẳn vào bờ, rồi rót rượu mời, Ngụy Tượng Xu cạn liền ba chén. Nàng cũng ngồi trên thuyền uống một chén. Ngụy Tượng Xu tháo chiếc nhẫn ngọc bích trên tay, đưa cho Linh Đan bảo thưởng cho Tầm Lan.
Tầm Lan nhận lấy quà từ tay Linh Đan mang đến cho nàng. Ngụy Tượng Xu bảo:
-Nàng hát một bài nữa đi.
Tầm Lan cúi đầu mỉm cười, trên má lộ ra hai lúm đồng tiền vừa nhu mì vừa ranh mãnh, càng lộ vẻ phong tình khiến trái tim Ngụy Tượng Xu phải nhũn ra. Nàng nhoẻn thêm một nụ cười rồi nói:
-Tiểu nữ không muốn hát ở đây, muốn hát riêng cho ngài thôi.
Ngụy Tượng Xu cười ha hả nói:
-Được! Được!
Ngụy Tượng Xu liếc nhìn cô gái, thấy nàng thần sắc nhu mì, trong lòng rất ưng ý, bèn thầm tính chuyện đưa nàng về kinh đô. Nhưng việc này phải tuyệt đối giữa bí mật để tránh bị chủ soái của gã biết, lại sẽ không cho phép, sẽ bảo làm thế người đời sẽ dị nghị là quan quyền háo sắc, làm bại hoại thanh danh quân đoàn Chính Bạch Kỳ.
Ngụy Tượng Xu suy nghĩ tới lui một hồi không tìm ra cách nào dắt nàng theo mình được, nhưng lòng kiềm không nỗi, thôi thì cứ bảo bọn người của gã khiên kiệu nàng vào hậu viên của trường học hầu gã một đêm trước đã.
Tầm Lan vừa vào phòng đã liếc Ngụy Tượng Xu một cái, rồi lại đưa mấy ngón tay mềm mại gảy đàn. Lần này khúc điệu nhẹ nhàng thánh thót, âm hưởng vui tươi phong phú. Ngụy Tượng Xu vừa nghe tiếng dạo đàn đã gật đầu khen ngợi. Rồi giọng hát nàng cất lên. Nàng hát liên tục mấy bài, tới khi thuốc mê trên áo nàng tỏa ra đủ làm Ngụy Tượng Xu gục xuống bàn mà ngủ.
---oo0oo---
Lại nói tiếp chuyện Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình đang ở dưới giếng nước chờ ám hiệu của Tầm Lan.
Tàu Chánh Khê không đáp vì bây giờ chàng không còn nghi ngờ gì nữa về tình yêu của mình đối với vị muội muội này.
Tàu Chánh Khê hoàn toàn giữ im lặng, hồi sau mới lên tiếng, đương nhiên là không phải nói về Tầm Lan:
-Đại muội, muội có thấy lạ là Dương Tiêu Phong hắn án binh bất động không? Khu vực quanh đây không có một ai canh gác, ngoài tỉnh Hàng Châu này cũng không thấy trại lính đâu cả.
-Ừ, mấy hôm nay muội đi thám thính, không biết hắn đều động quân đoàn đi đâu mà mất biệt!
Tầm Lan vào với Ngụy Tượng Xu cũng nửa canh giờ rồi. Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình hai người ở dưới giếng chờ khá lâu thêm nữa mới nghe tiếng ca của Tầm Lan vang lên, lâu thêm nữa lại nghe nàng ca tới đoạn:
Triệu khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân yên chiếu bạch mã
Táp đạp như lưu tinh
Thập bộ sát nhất nhân
Thiên lý bất lưu hành
Tầm Lan có dặn khi nàng ca bài Hiệp Khách Hành này tức là an toàn rồi.
Lâm Tố Đình cả mừng khi nghe một đoạn trong bài Hiệp Khách Hành, biết đấy là ám hiệu Tầm Lan đã thành công. Nàng không đợi Tàu Chánh Khê liền nhảy ra khỏi miệng giếng, thi triển khinh công bay đi, chân giẫm lên những luống hoa còn ướt đẫm sương đêm. Tàu Chánh Khê lật đật bám theo Lâm Tố Đình. Hai người như linh miêu, nhẹ nhàng đến bên cửa sổ của một phòng thuộc dãy Đông Phong tư thất mà quan sát.
Một bóng người đứng trong phòng vẫy tay bảo họ vào, chính là Tầm Lan. Ngụy Tượng Xu bị trúng mê hồn tán, đang gục xuống bàn rượu mà ngủ.
Hai người liền nhảy vào từ cửa sổ.
Tầm Lan đưa chìa khóa cho Tàu Chánh Khê, nhưng Lâm tố Đình giật lấy nói:
-Để cho muội, huynh mau đưa Tầm Lan cô nương rời khỏi đây, nhưng đừng về lại Tô Châu, cứ đi đâu đó một thời gian.
Đoạn quay sang Tầm Lan, Lâm Tố Đình nháy mắt bảo:
-Bây giờ cô nương đã có ngũ ca ta chiếu cố cho, không còn sợ gì nữa rồi!
Tầm Lan mỉm cười, Lâm Tố Đình cười khúc khích, lại tiếp:
-Tối hôm đó sau khi gặp cô nương ngũ ca ta nói, mỹ nhân hiếm, mỹ nhân mà lại có khí chất xuất trần càng hiếm, biết uống rượu cực hiếm, mà mỹ nữ có tửu lượng vô biên tưởng rằng không tồn tại trên đời. Lại nữa, huynh ấy bảo rằng không biết kiếp trước làm điều đại thiện đại đức gì, kiếp này mới được kết bạn với mỹ nhân xinh như cô vậy. Lời này ta nói đều là thật cả nhé, cô nương nghe qua cũng biết huynh ấy ngưỡng mộ cô đến dường nào.
Tầm Lan ửng hồng hai má, liếc nhìn Tàu Chánh Khê, ánh mắt nàng lấp lánh như biết nói biết cười. Lâm Tố Đình ngó thấy hiểu được tâm tư thiếu nữ, càng được dịp ba hoa:
-À ta quên khấy đi mất, huynh ấy còn bảo thêm là giờ huynh ấy mới biết kiếp này mình sống vì cái gì, là sống để được một lần thấy mỹ nhân như cô cười một lần, liếc mắt một phát. Nếu được như vậy huynh ấy dẫu cho xuống núi đao lên biển lửa, vào vạc dầu chịu đủ chín vạn chín ngàn lần cực hình tra tấn, cũng xin nguyện làm.
Nói đoạn liếc sang thấy cặp chân mày Tàu Chánh Khê dính chặt vào nhau tạo thành một đường thẳng, Lâm Tố Đình càng tưởng mình đúng, cười bảo:
-Thấy chưa, cô nương nhìn xem tướng mạo huynh ấy kia kìa, chắc giờ đang tự hỏi, có phải đây chính là tiên nữ lạc phàm trần không? Xuống đây dùng nhan sắc của mình cứu nhân độ thế, chứ vẻ đẹp này đâu vướng khói lửa nhân gian được? Phải vậy không ngũ ca? Hì hì.
Tàu Chánh Khê không để ý đến những lời trêu chọc của Lâm Tố Đình, trong lòng chỉ trào lên một nỗi bất an, chàng bảo:
-Đại muội đừng đùa giỡn nữa, chuyện vào địa đạo lấy sâm phải để huynh đi, còn hai người thì rời khỏi đây, chúng ta hẹn gặp ở hồi cương!
Lâm Tố Đình nói:
-Ý! Như vậy đâu có được, thiếu đà chủ là hôn phu của muội, muội phải có trách nhiệm cứu huynh ấy! Vả lại muội sẽ không cho huynh biết củ sâm đó có hình dạng thế nào đâu, huynh sẽ không tìm ra nữ thần y để nó ở nơi nào!
Tàu Chánh Khê khuyên tới lui mấy lần, Lâm Tố Đình cách mấy cũng không chịu đưa ra chìa khóa, làm trễ nãi một thời gian. Mà Tầm Lan thì biết thuốc mê hồn tán này chỉ có tác dụng khoảng chừng một hai canh giờ. Cuối cùng, Tàu Chánh Khê nói muốn cạn lời, mà Lâm Tố Đình vẫn cố chấp. Tàu Chánh Khê biết sư muội võ công rất khá, nếu không muốn nói là giỏi, không thể đoạt chìa khóa từ tay nàng được. Lại nữa nàng đã quyết như thế, với tánh bướng bỉnh của nàng, chàng biết không thể thuyết phục được, chỉ e sẽ mất thêm thời gian quý báu, không chừng còn lại đánh động đám quân binh nữa. Chàng buột lòng phải đưa Tầm Lan rời khỏi trường học.
Thế là Lâm Tố Đình một mình đi vào địa đạo bên dước Tâm Thiền thư viện tìm sâm. May là nó vẫn ở chỗ cũ trong kho thuốc. Lâm Tố Đình thở phào một tiếng, cả mừng cất sâm vào ngực áo, nhủ bụng “chuyến này thành công một cách trót lọt rồi! Thế mà Tam ca cứ nhất định không cho mình đi! Khinh thường ta đến thế hay sao?”
Đúng là “sơ sinh chi độc bất uý hổ,” đương lúc nàng hí hửng nét mặt, gần ra khỏi cửa Tâm Thiền thư viện rồi thì có một người đi vào.
Lâm Tố Đình không ngờ tới sự việc này, vội vàng nấp mình phía sau một kệ sách.
Dương Tiêu Phong bước vào thư viện, ngồi nơi chiếc bàn đặt ở giữa gian phòng, chỗ này cách chỗ Lâm Tố Đình đang đứng khoảng chừng một chục bước chân. Lâm Tố Đình hầu như không dám thở.
Dương Tiêu Phong lấy chiếc vòng cỏ trong tay áo ra ngắm, đối với chàng những gì hồng y nữ tử đã làm cho chàng dù là một ít cũng không quên được, không hiểu tại sao lại trở thành lụy tình như vậy?
Với chàng, qua lại với nàng ca kỷ họ Hà ở kinh thành hơn ba tháng đã là một kỳ tích rồi, bởi chàng chẳng thể bên ai lâu quá mươi ngày. Người ta nói chàng đào hoa, lăng nhăng, nhưng vẫn có hàng dài các cô nương sẵn sàng chết vì chàng. Người đẹp xin chết, chàng đâu nỡ từ chối, quan điểm của chàng là yêu nhưng sẽ không có trách nhiệm, chàng không muốn bị bó buộc bởi hai từ “gia đình.”
Khang thân vương nói chàng giống như một con ngựa hoang, không muốn bị bó buộc lại một chỗ, cái chàng muốn là được tự do bay nhảy khắp nơi. Nơi nào đẹp thì sẽ dừng chân nghỉ, nghỉ chán rồi lại tìm đến một nơi đẹp hơn. Khi đã nhàm chán với tình yêu của một cô gái, chàng bắt đầu tính toán đường lui cho mình. Với những cô gái trước đây, thì chàng chẳng cần đau đầu nghĩ ngợi, chán thì chỉ cần nói một câu chia tay là xong.
Hồng y nữ tử lại khác với những cô gái chàng quen trước đó, có lẽ chính sự khác biệt của nàng đã chiếm trái tim chàng. Nàng xinh đẹp nhưng không lả lướt, lẳng lơ như những cô gái kia. Ở nàng, luôn có nét dịu dàng, trong sáng và đơn giản. Lại nữa những người con gái như nàng, khi đã yêu rồi sẽ hết lòng hết dạ với người yêu, nàng sẽ luôn chăm sóc cho người nàng yêu chu đáo. Chàng biết, vì nàng đã từng chăm sóc rất ân cần cho một kẻ không quen là chàng.
Tiêu Phong nhớ lại mùa xuân năm nay chàng cũng đã trở về lại Thiên Sơn, bước vào căn nhà tranh đứng nhìn ra ngoài khung cửa.
Phía sau cửa sổ đó là một khu vườn. Một khu vườn trống với thật nhiều hoa dại.
Nhớ năm xưa chàng cũng nằm trên chiếc chõng tre kê cạnh cửa sổ này. Lúc đó nàng bảo trên núi gió rất độc, cửa sổ được nàng đóng kín mít. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những luồng gió mỏng mảnh như sợi chỉ len lỏi vào từng khe cửa, đem theo mùi dạ lan, mùi cỏ và cả mùi đất nồng nồng sau cơn mưa vào nhà. Những lúc ấy, chàng nằm im, vươn hết thính giác ra để nghe ngóng. Từng bước chân âm thầm của lũ kiến chợt rào rạo như cát đổ trên mái nhà. Tiếng cựa quậy, tặc lưỡi của con thạch sùng nghe như tiếng cá sấu trườn trên bãi đất khô.
Năm nay cũng thế, chàng quay lại nơi đó, hàng chục thứ tiếng động khác nhau lần lượt chen vào, mỗi thứ bình thản chọn một chỗ trong tai chàng, chuyển động nhịp nhàng và hoan hỉ. Vẫn còn thiếu tiếng thở nhẹ nhàng của hồng y nữ tử khi nàng ngồi ở một góc nhà đan vòng cỏ. Cái bóng con gái mảnh dẻ, mái tóc có mùi thơm nhè nhẹ của hoa ngọc lan sẽ chầm chậm tiến lại gần chàng, rồi giọng nói êm như hơi gió cất lên: “Huynh cảm thấy thế nào, có lạnh quá không? Uống chén canh này rồi nghỉ ngơi cho sớm nhé.” Chàng sẽ mỉm cười, bưng chén canh tổ yến nấu với đường phèn lên uống.
Có một hôm nàng không mang canh yến đến cho chàng mà đem hai chén chè tôm lạnh thơm phức mùi bạc hà vào. Món chè tôm lạnh này là món ăn được làm bằng bột gạo, được chế biến bằng cách ép bột chín qua một cái vá thủng xuống thau nước lạnh, để tạo ra những giọt bột đầu to đuôi vắt nhỏ như hình con tôm, sau đó ăn với nước đường nấu với lá bạc hà, một kiểu ăn vặt có xuất xứ từ Vân Nam, mùi vị mát mát thanh thanh, vừa mềm vừa dai.
Căn bếp được xây bên hiên nhà, khi nàng mở cửa ra mùi hương khiến cánh mũi chàng động đậy. Chàng đứng im sững giữa cửa cho đến khi nàng lên tiếng chào mới giật mình như rớt từ cõi mộng du nào xuống.
Có lẽ nàng đứng nấu chè rất lâu nên chân mỏi rồi, bỏ giày khỏi chân, nàng khoả đôi gót trần trắng nõn, bắt mắt xinh đẹp bước đi.
Nàng thấy chàng cứ nhìn mình chăm chăm, liếc chàng một cú, nói:
- Huynh này, làm gì cứ nhìn muội? Xem mắt tròn chưa kìa, trông thật ngố!
Chàng không biết trả lời sao. Nàng nói rồi lại bắt đầu cười, tiếng cười khe khẽ đáng yêu.
Chàng như ngất ngây trước sắc đẹp và nụ cười đó, vẫn đứng im sững giữa cửa. Hồng y nữ tử dịu dàng hỏi:
-Huynh định không kéo ghế mời muội ngồi?
Đặt vào tay chàng chén chè, nàng lại mỉm cười. Chỉ lúc ấy chàng mới nhận ra mùi vị của hạnh phúc phảng phất trong không khí.
Mỗi ngày, chàng thường lắng nghe tiếng hát của nàng vọng từ ngoài sân khi nàng nấu ăn, và mỉm cười một mình.
Nàng hát không được hay như danh kỹ kinh thành Hà Tử Lăng, nhưng chàng không bực mà chỉ thấy vui trong lòng. Ở cạnh nàng suốt mùa đông sang đến đầu xuân, chàng hiểu những lúc nàng hát là nàng đang vui lắm.
Danh sách chương