Nhà sư sống trong một ngôi chùa tĩnh mịch bên sườn núi. Chỉ là một ngôi chùa nhỏ, nhà sư là một hòa thượng trẻ tuổi, và ngọn núi cũng không phải là đẹp nhất hay hùng vĩ nhất Nhật Bản.
Nhà sư chăm sóc cho ngôi chùa, ngày ngày bình lặng trôi, cho đến khi có một con cáo cùng với một con chồn đi ngang qua đó và nhìn thấy nhà sư đang cuốc đất trồng khoai – món ăn chính của người.
Con chồn nhìn nhà sư và ngôi chùa, đoạn cất tiếng nói, “Chúng ta hãy đánh cá đi nào. Ai trong hai ta dụ được nhà sư đó đi ra khỏi chùa này thì sẽ lấy nơi đó làm nhà; ở đây đã lâu không còn nông dân hay du khách đến nữa, vả lại nếu ta sống ở đây thì thoải mái hơn ổ chồn hay là hang cáo.”
Con cáo mỉm cười khoe hàm răng sắc nhọn, nàng ta chớp đôi mắt xanh, hất cái đuôi, và nhìn nhà sư và ngôi chùa ở dưới chân đồi, đoạn cô nàng quay sang con chồn và nói, “Cũng được thôi. Cá thì cá.”
“Mỗi người sẽ thử một lần,” chồn đáp. “Tôi đi trước đây.”
Trong khu vườn nhỏ của mình, nhà sư vẫn cuốc bụi khoai lang, rồi ông quỳ xuống và nhổ cọng hành dại, bụi gừng và rau thơm; sau khi xong, ông chùi bùn trên tay và đầu gối, rồi đi vào gian phòng nhỏ phía sau ngôi chùa, để chuẩn bị cho bài kinh buổi chiều.
Tối đó, mặt trăng tròn vành vạnh, to lớn và bàng bạc, trên bầu trời đêm màu đen thẫm; và nhà sư nghe tiếng ồn ngoài cửa.
Trong sân chùa là năm người sang trọng, ngồi trên năm con tuấn mã. Tất cả đều là những người đàn ông oai nghi. Thủ lĩnh của họ mang trên mình một thanh kiếm cong.
“Ai trụ trì chùa này?” y gọi, giọng nói âm vang như tiếng sét. “Hãy ra đây!”
Nhà sư bước ra, dưới ánh trăng, và cúi đầu thật thấp. “Tôi là người giữ chùa này.” Ông khiêm cung nói.
“Thật là một tiểu hòa thượng ốm o, tầm thường,” giọng của thủ lĩnh vang lên. “Nhưng có ai biết được ý nghĩa của thánh thần? Tục ngữ đã nói những người tìm kiếm vận may sẽ chỉ thấy nó là hư ảo như muốn chạm vào cầu vồng, còn những ai không tìm kiếm tiền tài hay quyền lực sẽ thấy nó tự tìm đến mình.”
Nhà sư không đáp trả, nhưng ông ngước đầu lên một chút, và nhìn năm người đó với đôi mắt sáng vốn không bỏ lỡ gì cả.
“Ngươi có biết vận may của ngươi là gì không?”
“Xin chỉ giáo,” nhà sư trả lời.
“Vậy hãy lắng tai nghe chiếu chỉ của hoàng thượng đây. Ngươi được triệu hồi về Hoàng cung ngay lập tức, hoàng thượng muốn gặp ngươi để chứng thực ngươi là ngươi mà các thái bốc và chiêm tinh đã nói tới, nếu đúng vậy, ngươi sẽ được thoát khỏi cảnh bần cùng này và sẽ được phong chức tể tướng trong triều – một ngôi vị đem đến nhiều tiền bạc và thái ấp.
“Tuy nhiên, nếu ngươi không ở Hoàng cung trước ngày Thân, vậy thì điềm báo sẽ trở thành điềm xấu, và Hoàng thượng sẽ buộc phải giết ngươi. Vậy nên không được chậm trễ, hãy đi khỏi nơi này trước bình minh, hoặc là phải chịu sự phán xét của hoàng thượng.”
Các chú ngựa khua chân dưới ánh trăng sáng.
Nhà sư cúi đầu thấp xuống một lần nữa.
“Tôi sẽ đi ngay,” ông nói, năm người kia nhìn nhau cười, ánh trăng chiếu lấp lánh trên đôi mắt và hàm răng họ, phản chiếu lên các miếng sắt trang trí trên mình ngựa, “nhưng, trước khi tôi đi, xin cho hỏi một câu.”
“Muốn hỏi gì?” viên thủ lĩnh gầm lên như tiếng sư tử.
“Tại sao Hoàng thượng lại sai một con chồn đến triệu tôi về Hoàng cung,” nhà sư đáp, ông đã nhìn thấy, trong khi bốn con ngựa đầu tiên có đuôi ngựa, con cuối cùng lại có đuôi chồn. Ông bật cười lớn, và quay trở lại vào chùa để bắt đầu tụng kinh chiều.
Tiếng vó ngựa chạy khỏi sân chùa, và trên đồi vọng xuống tiếng cười cao vút của con cáo, đầy ác ý và thích thú.
Bóng mây bao trùm cả đỉnh núi vào tảng sáng hôm sau, và đó là những đám mây đen, nặng nề, nên nhà sư cũng không ngạc nhiên khi những giọt mưa rơi xuống, một cơn mưa lớn, mưa như trút nước làm cong oằn cây tre và đè dập bụi khoai lang mới trồng. Nhà sư, đã quen với loại thời tiết của vùng núi này, vẫn không kinh động và điềm nhiên tụng kinh, ngay cả khi tia chớp xuất hiện – ánh sáng chói lòa, theo sau là tiếng sấm ầm ầm như từ trong núi vọng ra.
Mưa trút xuống càng nhiều. Tiếng mưa như hàng trăm tiếng trống đập cùng một lúc, đến nỗi nhà sư khó mà nghe được tiếng khóc, lẫn trong tiếng mưa rơi, nhưng ông nghe được người nức nở, và ông bước ra ngoài. Trong sân chùa, trên mảnh đất lầy lội đầy bùn nhão, là một thiếu nữ ướt như chuột lột. Xiêm áo của nàng, vải lụa mềm mại nhất, đã sủng ướt, và dán vào người như một làn da thứ hai.
Nhà sư cảm nhận được vẻ đẹp thoát tục của nàng, và thân hình nàng, khi ông dìu nàng đứng dậy và đỡ nàng vào chùa, để tránh mưa.
“Thiếp là con gái duy nhất của tỉnh trưởng thành Yamashirio,” nàng hơ khô trang phục và mái tóc dài đen nhánh bên bếp lửa nhỏ, “thiếp cùng đi với bọn thị nữ đến thăm chùa này, nhưng giữa đường bị bọn cướp phục kích. Chỉ mình thiếp chạy thoát. Thiếp nghe bọn họ nói được sau khi mưa tạnh, họ sẽ đến nơi đây để đốt chùa và giết tất cả mọi người trong đó.” Trong khi kể chuyện, thiếu nữ ăn một bát cơm trắng, và một chén nhỏ khoai luộc, vừa nhồm nhòam nàng vừa nhìn nhà sư bằng đôi mắt xanh lơ.
“Vì thế,” nàng nói, “chúng ta hãy chạy khỏi nơi đây, không bao giờ trở lại, trước khi bọn cướp đến, nếu ở lại đây, cả hai ta đều phải chết. Nếu chúng ta thất lạc nhau, ngài hãy đến thành Yamashiro, và gặp cha thiếp, người sẽ tặng ngài ngôi nhà lớn nhất tỉnh, và sẽ đền đáp lại cho ngài. Xin cảm ơn ngài đã cho ăn cơm. Cơm rất ngon, dù rằng khoai lang hơi bị khô.”
“Chúng ta cần phải ra đi nga
y lập tức,” nhà sư đáp, với nụ cười hiền từ trên khóe môi, “nếu nàng giải thích cho ta một việc.”
“Việc gì cơ?” thiếu nữ hỏi.
“Tại sao con gái của tỉnh trưởng Yamashiro lại có thể là một con cáo,” nhà sư đáp, “ta chưa bao giờ nhìn thấy người nào có đôi mắt như cô.”
Như thế, còn nhanh hơn khi kể chuyện này, thiếu nữ nhảy qua đống lửa, và khi chạm đất, cô không còn là một thiếu nữ mà là một con cáo, bộ lông mượt mà với cái đuôi vểnh cao. Nó nhìn nhà sư với đôi mắt căm ghét, rồi nhảy lên bức tường đá và biến mất trong cơn bão.
Buổi trưa khi mặt trời ló dạng, nhà sư dạo bước trong chùa, lượm lá vàng, cành cây bị gẫy, và sửa chữa những chỗ bị cơn bão phá.
Ông nhận ra có một sự sắp xếp ở đây.
Vì thế ông cũng không ngạc nhiên cho lắm khi, vài đêm sau, lúc mặt trời vừa buông xuống, một đoàn quỷ chạy rầm rập xuyên qua cánh rừng và bao vây ngôi chùa. Trong số bầy quỷ có con mang đầu của người chết, vài trong đó có đầu của quái vật, với răng nanh vàng khè, đôi mắt trợn trừng, và sừng to lớn; chúng kêu la ầm ĩ náo loạn cả khu rừng.
“Có mùi người!” bọn chúng la lên. “Chúng ta ngửi có mùi người! Hãy mang nó ra đây để cho ta ăn thịt – nướng tim nó, ruột nó, óc nó, chúng ta sẽ chén mắt nó, gò má nó, và nuốt gan nó, mỡ nó! Hãy nang nó ra đây!”
Cứ thế, bọn quỷ dữ bắt đầu chất cành cây gẫy – những nhánh cây mà nhà sư đã gom lại – lên cao, và chúng hà hơi lửa khiến cho cành cây bốc cháy.
“Còn nếu ta không ra?” nhà sư hỏi.
“Vậy thì chúng ta sẽ trở lại mỗi buối tối khi mặt trời lặn,” một con quỷ có cái đầu con dơi hét, “và sẽ làm ồn ào, cho đến khi, sự kiên nhẫn của chúng ta đã cạn, chúng ta sẽ thiêu hủy ngôi chùa này, và bới lấy xác của ngươi trong đống tro tàn, và dùng răng nhọn để ăn nó!”
“Vậy hãy chạy đi!” một con quỷ khác hét, nó có khuôn mặt của một người chết đuối, mặt sưng lên, mắt trắng dã và lồi ra ngoài, “chạy ra khỏi chỗ này đi và không trở lại nữa!”
Nhưng nhà sư không chạy. Thay vì thế, ông bước ra sân chùa, và nhặt một cành cây đang cháy.
“Ta sẽ không rời bỏ chỗ này,” ông nói, “và ta đã mệt mỏi với những vở kịch này rồi. Cho dù ngươi là ai, cáo hay chồn, đỡ này! Và này!” và ông chĩa ngọn lửa về phía bọn quỷ.
Trong một khoảnh khắc, nơi bọn quỷ dữ đứng, chỉ còn lại một con chồn đực mập ú già nua, nó sợ hãi và bắt đầu quay đầu chạy. Nhà sư quẳng cành cây lửa vào con chồn, trúng ngay đuôi nó, làm nó bén lửa và cháy xém một mảng. Con chồn rú lên đau đớn, và biến mất vào đêm tối.
Nhà sư vẫn còn mơ màng trong giấc mộng khi có tiếng nói khẽ đánh thức ông.
“Thiếp muốn nói lời xin lỗi,” giọng đó nói. “Đó là một cuộc đánh cá giữa thiếp và con chồn.”
Nhà sư không nói gì hết.
“Chồn tinh đã chạy đến một tỉnh khác rồi, cả đuôi và lòng tự tôn của hắn đều bị cháy nát,” giọng cô gái tiếp tục. “Thiếp cũng sẽ đi, nếu đại sư muốn. Nhưng thiếp đã sống cả đời trong cái hang gần thác nước rồi, cạnh cây sồi cong, và thiếp không muốn rời xa nó.”
“Vậy hãy ở lại,” nhà sư nói, “nếu như ngươi không chọc phá ta nữa.”
“Dĩ nhiên,” tiếng con gái bên cạnh ông đáp lại, và rồi nhà sư lại thiếp đi. Khoảng một giờ sau, khi ông hoàn toàn tỉnh giấc, nhà sư thấy dấu chân cáo trên nệm sàn nhà.
Thỉnh thoảng ông lại thấy con cáo lảng vảng quanh các bụi rậm, và nhìn thấy nó lúc nào cũng làm cho ông mỉm cười.
Nhà sư không biết răng con cáo đã yêu ông điên cuồng, từ khi nó đến tạ lỗi với ông, hoặc là trước đó nữa, khi ông đã kéo nó dậy từ cái sân lầy lội, dìu nó, và sưởi ấm cho nó. Bất cứ khi nào chăng nữa, không còn nghi ngờ gì, con cáo đã thật sự yêu vị hòa thượng trẻ rồi.
Và đó là nguyên nhân của những điều bất hạnh xảy ra sau này. Những điều bất hạnh, đau thương, và một cuộc phiêu lưu kỳ lạ.
Danh sách chương