Ngài Edward đặt cây violin lên vai, chỉnh lại dây đàn. Vương Vũ Hoành cũng làm tương tự.

Ngài nhắm mắt lại, đưa tay trái bấm lấy các nốt. Vương Vũ Hoành ngay lập tức nhận ra, là bản Hoà tấu số 37 do chính Edward sáng tác, âm Đô trưởng.

Ngài công tước bắt đầu kéo cây vĩ, hắn cũng làm theo.

Tiếng nhạc dần vang lên. Khúc dạo đầu, hai người đều hoà tấu vô cùng nhịp nhàng.

Âm thanh êm đềm, trong trẻo, như gợi lên một buổi sáng mùa thu, có tiếng chim chóc, có cây cối, có dòng sông. Trong không gian âm nhạc này, hai người như đi dạo bên một bờ sông, trôi ngược về những tảng băng tan của mùa đông năm cũ. Những dấu chân chậm rãi in trên nền tuyết tan.

Bỗng nhiên, xuất hiện những thay đổi đột ngột. Không phải vì bản nhạc thay đổi, mà chính người sáng tác ra nó, ngài Edward, lại thay đổi. Ngài nổi tiếng với việc mỗi lần biểu diễn, ngài đều tự ý thay đổi chính bản nhạc của mình, có khi là một nốt, có khi là một trường đoạn, không khi nào giống khi nào. Bởi lẽ, trong mỗi một khung cảnh nhất định, ngài lại cảm thấy, sửa đổi như vậy, mới là hợp lý, mới là tự nhiên.

Giống như khúc dạo đầu đang êm ả vui tai, bất chợp nhấp nhô, bất chợt nhảy nhót, không khác gì đôi tri kỉ đang đi dạo bên dòng sông, chợt ngài Edward đột ngột chỉ cho Vương Vũ Hoành, thấy những điều bất ngờ. Này là một hòn đá, này là một con sóc, khi là một nụ hoa. Những điểm xuyết chợt xuất hiện, cùng với những tiếng reo vui, như tính cách quái dị của ngài. Đã 80 tuổi rồi, liệu một nụ hoa, một con sóc, còn có thể khiến ngài hứng thú như vậy? Quan trọng nhất là, những cảm xúc ngẫu hứng của ngài, hoàn toàn không nằm trong nhạc lý, liệu Vương Vũ Hoành có thể bắt kịp?

Hắn bắt kịp!

Ngay khi ngài thay đổi giai điệu, chỉ 0,1 giây sau, hắn bắt kịp.

Độc Tâm thuật!

Ngài Edward cười cười. Cánh tay ngài tiếp tục rung lên cây vĩ. Vibrato, legato, trill, tremello, rung, kéo, láy, vê..., một loạt những động tác chơi đàn, rắt réo không ngừng nghỉ, như tiếng chim hót ríu rít vào mùa xuân.

Vũ Hoành bắt kịp. Đôi tay của hai người, dần tăng tốc. Như những cơn gió mùa hạ, mang theo khí nóng, thổi qua những cánh đồng.

Một làn gió, hai làn gió, cách nhau chỉ 0,1 giây, đuổi sát nhau, nhưng nếu lắng nghe thật kĩ, lại vẫn có thể tách biệt.

Bản hoà tấu, dần chia thành hai bè chính phụ, rượt đuổi nhau. Gió thổi, ngày càng lớn, khiến cây cối xào xạc, khiến lá khô tung bay. Bầu trời, mây đen như vần vũ, báo hiệu những cơn giông mùa hạ.

Tiết tấu của ngài Edward, dần nhanh hơn, nhanh hơn, như gió lớn tích tụ thành cuồng phong, như chuẩn bị phóng thích ra cơn bão tố thổi bay những mái nhà. Ngài chơi đàn, không còn bằng tay nữa, mà là bằng suy nghĩ. Dựa vào suy nghĩ, để điều khiển cánh tay, điều khiển tiếng đàn. Không gì có thể nhanh hơn những suy nghĩ như chớp loé của một thiên tài, và chính những suy nghĩ ấy, đẩy tiết tấu bản nhạc nhanh tới mức khó tin.

Tuỳ Tâm Sở Dục!

Một cảnh giới rất cao trong nghệ thuật, giống như sáng tạo nên vạn vật, sau đó điều khiển, kiểm soát chúng bằng suy nghĩ của bản thân. Suy nghĩ, là những ánh chớp chói loà, còn tiếng đàn, đã trở thành gió rít gào đem theo mưa bão.

Ngươi muốn leo thang, ta cũng leo thang.

Vương Vũ Hoành, vẫn bắt kịp!

Như Ảnh Tuỳ Hình!

Lại là một kĩ năng cao cấp. Hai tiếng đàn, vẫn bám riết lấy nhau, xoắn xuýt với nhau, như hai cơn cuồng phong, xô vào nhau, rít gào.

Bão đã nổi.

Cơn bão này, trải rộng khắp bốn phương, như cơn giận dữ của trời đất, như lời gào thét của Chí Tôn Cường giả.

- Ha ha, nghe các ngươi hoà âm, ta không tham gia, không được nữa rồi!

Hà Chí Thương cười cười, hắn búng ngón tay một cái, sau lưng, hàng vạn hư ảnh oan hồn và linh thể, cuồn cuộn nổi lên, hoá thành một Linh Thể nữ giới, cao lớn, dữ tợn.

Man Khải Ca Nương, Linh Thể tầng 14!

Ca Nương ấy cất lên tiếng hát, cao vút, chói tai, như xuyên thấu tâm hồn, như gợi lên nỗi ai oán của lòng người.

Lại một Linh Thể cấp cao.

Buổi hoà tấu này, chỉ tính riêng về kĩ thuật, đã vươn tới một cảnh giới phi nhân loại. Thứ được đem ra để so đấu, đã không còn là Âm Nhạc, mà là ý chí, là đam mê, là tham vọng.

Trong sự hỗn giao và va chạm kinh thiên động địa ấy, Âm Nhạc trở nên cuồng bạo hơn bao giờ hết, nhưng không vì thế mà hỗn loạn, ngược lại, như đang vẽ nên một bức tranh rộng lớn.

Gió nổi mây vần, mưa sa bão táp. Thiên nhiên gào thét, trời đất quay cuồng. Thiên tai địch hoạ lạnh lùng tàn nhẫn, cuốn qua toàn bộ nhân gian, vùi dập bất kì ý chí nhỏ nhoi nào trên thế giới. Tiếng hát kia, nghe như tiếng than thở, oán thán, kêu la, khóc lóc, cầu xin, điên cuồng, hấp hối. Suy nghĩ, tư duy, triết lý, nghiền ngẫm, kinh nghiệm, ý chí, mong muốn, nguyện cầu, niềm vui, nỗi buồn, tức giận, khổ đau, tuyệt vọng. Mọi loại xúc cảm của nhân gian, bị cuốn vào, bị nghiền nát trong cơn bão khủng khiếp ấy.

Máu nhuộm thành sông, thây chất đầy đồng. Thành thị tan hoang, thiên nhiên héo rụi.

Khắp Tầng thứ 4 Vô Thức Tập Thể, nơi tập trung tiềm thức của toàn bộ nhân loại, như run rẩy, như kêu gào, như muốn điên dại nhảy múa cùng bản Hoà tấu của ba vị Đế Vương.

Những âm thanh này, hoà trộn vào nhau, phá vỡ hết từ giới hạn này sang giới hạn khác, dần trở thành một âm thanh quái dị, kinh hoàng, một âm thanh kinh hãi vượt xa hiểu biết của loài người.

Đúng lúc này, một tiếng đàn Samisen cất lên.

- Tăng tằng tăng...

Ngay lập tức, hai cây Vĩ cầm, ngừng lặng. Ca Nương, cũng không hát nữa. Vạn vật, lại trở về tĩnh lặng, như chưa từng có gì xảy ra.

Chỉ có Sasaki đứng đó, tay cầm cây đàn Samisen, vẫn đang đánh tăng tằng tăng, mặt ngơ ngác tẽn tò.

- Má nó chứ! Ta thấy các người hoà tấu vui quá, cũng muốn góp vui mà thôi. Ấy thế mà 3 ngươi, rõ ràng hùa nhau chơi đểu ta, thấy ta chơi đàn, là lập tức im lặng. Khốn lắm!

Cả 3 vị đều nhún vai với hắn, ý bảo.

“Không cho ngươi chơi cùng”.

=================

Một chương này, tuy ngắn, nhưng lại ngốn đi quá nhiều tinh lực để sáng tác. Có thể nói, đoạn miêu tả này, đã là siêu phẩm của cả đời ta, cũng không ngoa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện