Chương 758: Kim Hành Kinh

Kim Hành Kinh.

Bắc Hoàng đời đầu tiên Hà Linh Vũ nhìn thế sông núi của giang sơn mà vạch nên vị trí của 5 kinh đô. Kim Hành Kinh nằm phía Đông Nam của Bắc Hà Lãnh thổ, ngay sát cửa biển Đại Nguyên Hà. Đây cũng là cửa biển gần nhất để từ Viễn Đông dong buồm đi tới Phú Sơn.

Với vị trí gần cửa biển như vậy, không lạ gì khi người ta ví Kim Hành Kinh là Sa Li Khan của phương Bắc. Vẫn nói Đại Nam là mũi nhọn công nghệ của không chỉ Viễn Đông, mà là toàn thế giới, nên người ta thường hay nghĩ rằng Kim Hành Kinh chỉ là 1 sản phẩm tuyên truyền thổi phồng của Bắc Hà mà thôi. Làm cách nào để Kim Hành Kinh có thể đọ lại vùng Thánh địa Công nghệ của Đại Nam, lại được hỗ trợ bởi 3 tòa Hắc Tháp? Người ngoài thường có xu hướng coi thường Kim Hành Kinh vì những phép so sánh đơn giản như vậy, còn Kim Hành Kinh, cũng giống như văn hóa ngàn năm đất Bắc, càng mong được người ta khinh thường càng tốt.

Có 1 điều ít ai để ý tới, Linh Thiết lần đầu tiên được sử dụng trong lịch sử nhân loại, lại là tại Kim Hành Kinh này.

Suốt 3 thiên niên kỉ sau đó, Linh Thiết đã dần dần soán ngôi các kim loại truyền thống, trở thành nguyên liệu thiết yếu cho các ngành công nghệ quân sự, trở thành thứ nguyên liệu thương hiệu của công nghệ Đại Nam. Nhưng chính người ở Kim Hành Kinh đất Bắc Hà lại là những kẻ đầu tiên khám phá ra những công dụng của Linh Thiết.

Kỉ lịch 2177, tại vùng đất mà ngày nay tọa lạc Kim Hành Kinh, Sử sách ghi nhận sự xuất hiện của các Thiết Ca Sư, được cho là đã tiếp cận được 1 hình thức Giả Kim thuật sơ khai đối với Linh Thiết. Do đặc tính của Linh Thiết là 1 kim loại có linh trí ở mức Khá trên thang đo linh trí, thông qua sự liên kết tâm linh mà con người có thể tận dụng những biến đổi cấu trúc để tạo hình. Có nhiều nghiên cứu gợi ý rằng những Thiết Ca Sư này có gốc gác từ Vương triều Visshala, nhiều khả năng là 1 nhóm những di dân tị nạn, vì hình thức họ sử dụng khá tương đồng với Marshaal. Marshaal khi sử dụng để điều khiển Long Khí thì được gọi là Ngự Long Thuật, còn đối với Kim Khí có lẽ chính là Thiết Xướng.

Loại hình Thiết Xướng có tên gọi như vậy, chủ yếu bởi vì trong quá trình điều khiển Linh Thiết để tạo hình, các Thiết Ca Sư thường sẽ ca những khúc ca cổ xưa. Đây có lẽ chỉ là 1 thói quen lâu đời, trên thực tế, việc ca hát hầu như không liên quan gì tới tạo hình Linh Thiết. Nhưng đối với người ngoài nhìn vào, chẳng khác gì các Thiết Ca Sư đang dùng giọng hát để điều khiển kim loại theo ý mình.

Do đặc tính năng động dễ dàng biến đổi qua 72 dạng cấu trúc (được phát hiện tính tới thời điểm hiện tại), bản thân Linh Thiết đã có đầy đủ khả năng biến đổi. Việc điều khiển Linh Thiết không cần tới phản ứng hạt nhân phức tạp như Giả Kim thuật hiện đại, nên nó chỉ được coi là manh nha của Giả Kim thuật thời sơ khai. Tuy vậy, hiệu quả đạt được lại chẳng thể nào coi thường. Trong gần 4000 năm xây dựng, Kim Hành Kinh đã trở thành vùng đất có cấu trúc kim loại vô cùng đặc biệt, chằng chịt như mạng lưới tổ kiến, nên được gọi là Nghị Khâu.

Điểm đặc biệt của Nghị Khâu, khác biệt hoàn toàn với quy hoạch đô thị của các thành phố lớn khác, ấy là tính tùy biến. Nó không bị giới hạn bởi quy hoạch xưa cũ của các thế hệ trước. Bản thân hệ thống hạ tầng như đường sá, cầu cống đều có thể chuyển dịch, di dời và tái thiết tương đối dễ dàng. Các thế hệ tương lai với kiến thức quy hoạch hiện đại hơn hoàn toàn có thể “sửa lưng” cha ông mình mà không cần đập đi xây lại. Nhờ trữ lượng Linh Thiết xung quanh khu vực này khá dồi dào, Kim Hành Kinh mới có thể xây dựng 1 hệ thống Nghị Khâu khổng lồ với 100% Linh Thiết như vậy, điều mà chẳng có siêu thành phố nào trên thế giới dám làm.

Sa Li Khan nếu bung tất cả tiềm lực tài chính của mình ra, có thể đập đi tất cả rồi xây dựng 1 Nghị Khâu như vậy cho chính mình không? Chắc là có thể, chưa cần đến 3 Quận đồng tâm hiệp lực, chỉ cần năng lực của 1 Quận cũng đủ để làm chuyện ấy. Nhưng dự án như vậy quá tốn kém và chưa cần thiết ở thời điểm hiện tại. Có lẽ 100 200 năm nữa cũng chưa tới mức cần thiết. Kim Hành Kinh có được diện mạo như ngày nay, âu cũng là do lịch sử đặc thù hình thành nên, nhưng không thể không thừa nhận, chỉ nhìn từ diện mạo này, người lần đầu bước chân đến Kim Hành Kinh sẽ có cảm tưởng như mình đang bước tới tương lai xa vời của mấy trăm năm về sau.

===

Lại nói sơ qua 1 chút về sự phân bố trữ lượng Linh Thiết trên đại lục Viễn Đông. Trong tương lai gần, chưa có nhiều kết luận đáng tin cậy về vấn đề nguồn gốc, nhưng nhiều Học giả có xu hướng nhận định rằng Linh Thiết ra đời khi lục địa Naga’e va chạm với I’iana, để hình thành nên Viễn Đông ngày nay.

Sự va chạm của các Thứ Nguyên trong cuộc Thế chiến đầu tiên đã tạo ra các loài sinh vật có trí tuệ, thì không loại trừ khả năng sự va chạm giữa 2 lục địa (cũng là ảnh chiếu của Thứ Nguyên hoặc tàn tích còn sót lại của chúng trên cõi Koh) có thể tạo ra 1 thứ kim loại có linh trí. Việc các quặng Linh Thiết phân bổ dọc theo dãy Ajagar, cắt ngang qua lục địa, cũng là nơi va chạm của 2 lục địa cổ xưa, là 1 căn cứ khá vững vàng cho những ai tin vào luận điểm này. Kim Hành Kinh nằm ở Đông Nam của Bắc Hà Lãnh thổ, tình cờ cũng rất gần với đường cắt ngang này.

===

Hà Chí Thương đứng từ trên cao nhìn xuống tổ kiến bằng kim loại sáng loáng dưới ánh mặt trời. Từ góc độ này, thành phố giống như trò nghịch dại của những kẻ ác ý, khi nung kim loại đổ xuống 1 tổ kiến dưới lòng đất vậy. “Thành tựu” thu được lại không khác gì 1 tác phẩm nghệ thuật.

Người dân trong nước có thể cực kì tự hào về 1 kinh đô đi trước thời đại. Nhưng hắn, hắn rõ hơn ai hết, mất gần 4000 năm tích lũy và xây dựng, hàng chục triệu Thiết Ca Sư qua bao nhiêu thế hệ, ca hát với từng thanh thép, từng cây cột, từng chiếc ốc vít, mới hình thành nên mạng lưới khổng lồ hào nhoáng này. Ngày nay, các Thiết Ca Sư đã trở nên quá khác biệt so với những tổ tiên hùng mạnh sử dụng Marshaal để điều khiển Linh Thiết rồi, chỉ còn là những “anh thợ xây” có thu nhập cao hơn trung bình đôi chút mà thôi. Theo thời gian, giá trị của công việc này sẽ càng ngày càng thấp xuống, vì ai cũng biết, dù có hoa mĩ tới đâu đi chăng nữa, đây vẫn là loại công việc thủ công, thậm chí đã dần lạc hậu.

Công nghệ xây dựng càng lúc càng tân tiến hiện đại, càng xóa nhòa đi sự khác biệt của Kim Hành Kinh so với các thành phố khác. Các Thiết Ca Sư mất việc hàng loạt, chỉ còn 1 số ít được giữ lại để thực hiện công việc điều chỉnh, vì để Nghị Khâu có thể tùy biến theo ý con người, vẫn cần tới những nhân sự này. 4000 năm lịch sử, Kim Hành Kinh dường như đã đến độ chững, đã tới bình cảnh giậm chân tại chỗ mấy trăm năm nay. Trong vài trăm năm đó, Sa Li Khan từ 1 vùng đất của những kẻ khai hoang, của những tuyến đường mang những cái tên thô tục như Thồ Lợn, Cứt Ngựa, thì đã tăng tốc phát triển với 1 tốc độ siêu chóng mặt.

Hà Linh Vũ đã định sẵn Kim Hành Kinh sẽ là mũi nhọn công nghệ của Bắc Hà, tất cả các đời Bắc Hoàng cũng đâu dám chểnh mảng? Nhưng càng trong 500 năm trở lại đây, độ vênh giữa họ với Đại Nam càng lộ rõ. Giống như 2 đồ thị lúc khởi điểm thì bám sát nhau, nhưng càng tới giai đoạn gia tốc, 1 bên đột ngột bay vút lên trời cao.

3 tòa Hắc Tháp cũng chỉ là 1 phần lí do, nhưng lại là cái cớ được đem ra để bào chữa nhiều nhất. Vương tộc cũng chỉ mới nắm được trong tay 1 tòa, mà còn chưa khai thác được bao nhiêu. Tòa Hắc Tháp ở Quận 1 dù sao cũng vẫn được các Đế quốc tranh giành sức ảnh hưởng, mà Đế quốc ở đây thì trừ Zennia ra, còn ai khác ngoài Bắc Hà nữa chứ?

Về mặt nhận thức khoa học, Hà Chí Thương vẫn rất tự tin rằng người Bắc Hà vẫn bám sát Đại Nam. Ít nhất thì vẫn chưa có phát kiến đột phá thời đại nào người Đại Nam tìm ra mà người Bắc Hà không ý thức được.

Nhưng sự chênh lệch giữa Kim Hành Kinh và Sa Li Khan thì vẫn không cách nào phủ nhận, dù có che đậy lên bằng 1 cái tổ kiến khổng lồ hoa mỹ mang đậm tính nghệ thuật đi chăng nữa.

Vấn đề rốt cuộc nằm ở đâu?
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện