Dịch: Trâu Lười
A Kiều tốn rất nhiều sức mới giặt sạch vỏ chăn của bác và mợ.
Cô để vỏ chăn đã giặt sạch ở một bên, đang chuẩn bị lấy vỏ chăn của anh họ ra giặt thì đột nhiên phía trước truyền đến tiếng hét hoảng sợ: “Ôi, áo choàng của tôi!”
A Kiều cảm thấy thanh âm này hơi quen tai, cô ngẩng đầu lên thì thấy một cái áo bào màu tím trôi từ đầu nguồn xuống. Nước sông ở đoạn này hơi xiết, chớp mắt một cái áo bào liền trôi đi xa. A Kiều không kịp nghĩ nhiều, một tay cô chống vào thềm đá, một tay cầm cái chày giặt quần áo thò vào trong nước, cô cố gắng với tới vạt áo choàng, cuối cùng cũng vớt được áo lên bờ.
Lúc này một cô bé mặc váy màu lục vội vàng chạy tới, thấy A Kiều vớt được áo choàng lên, cô bé nín khóc mỉm cười, cô lau nước mắt rồi nói cảm ơn với A Kiều: “Cảm ơn chị đã giúp, nếu em làm mất áo choàng của quan gia nhà em, lão thái thái lại đánh em mất!”
Áo choàng của quan gia? Trong lòng A Kiều hơi động, cô nhìn áo choàng màu tím trong tay rồi nghĩ tới âm thanh vui vẻ của cô bé truyền tới từ nhà sát vách. Bỗng nhiên A Kiều hiểu ra, cô bé này chính là nha hoàn Thúy Nương ở trong nhà quan gia Triệu Yến Bình. Hình như bà Triệu là người không dễ sống chung, bà đánh chửi Thúy Nương như cơm bữa.
A Kiều còn đang suy nghĩ thì Thúy Nương đã bước đến trước mặt cô. Thúy Nương tầm 11, 12 tuổi, cô bé thấp hơn A Kiều một cái đầu.
A Kiều đứng dậy đưa áo choàng ướt sũng cho cô bé.
Lúc này Thúy Nương mới nhìn rõ mặt của A Kiều, môi đỏ má hồng, mày lá liễu mắt sáng long lanh, cô đẹp như tiên nữ giáng trần, Thúy Nương vừa nhìn liền ngây người quên nhận áo choàng luôn.
Dáng vẻ ngốc nghếch của Thúy Nương làm A Kiều bật cười, cô đưa áo choàng cho Thúy Nương rồi ngồi xuống giặt quần áo tiếp.
Thúy Nương lấy lại tinh thần, cô bé vắt ào choàng lên cổ tay rồi cúi người nhìn chị gái xinh đẹp ở bên cạnh: “Chị, chị thật tốt. Chị không biết lão thái thái nhà em hung dữ thế nào đâu, nếu như em làm mất áo choàng thì buổi trưa và buổi tối đừng mơ có cơm ăn.”
A Kiều nghe mợ và em họ nói chuyện phiếm thì biết một ít chuyện trong nhà quan gia Triệu.
Quan gia Triệu và bà Triệu đều xuất thân từ nông dân. Sau khi chuyển vào huyện, mặc dù quan gia Triệu là bộ đầu nhưng hắn là người cương chính thanh liêm, không bao giờ nhận hối lộ, làm mưa làm gió vơ vét của cải của dân. Mỗi tháng hắn chỉ nhận 1,2 lượng bạc tiền lương, miễn cưỡng đủ cho người một nhà ăn mặc.
Nếu như Thúy Nương thật sự làm mất áo choàng của quan gia Triệu thì bà Triệu sẽ rất đau lòng, mà như thế thì chắc chắn bà phải trừng phạt Thúy Nương rồi.
“Nước bên này rất xiết, về sau em cẩn thận một chút.” A Kiểu nói với Thúy Nương.
Thúy Nương gật gật đầu, cô thấy A Kiều ngồi một mình ở chỗ này thì hỏi thử: “Chị, em giặt quần mình không có bạn, em có thể ra đây giặt cùng chị không?”
A Kiều rời khỏi lầu Hoa Nguyệt rất lâu rồi, đây là lần đầu tiên có người chủ động muốn làm bạn với cô.
Nghĩ đến việc cô ít khi ra khỏi nhà, còn Thúy Nương làm việc cả ngày ở trong nhà họ Triệu nên cô bé mới không nhận ra cô.
“Thôi đi, thanh danh của chị không tốt, nếu có người thấy hai chúng ta ở cùng nhau, em sẽ bị ảnh hưởng đấy.” A Kiều cúi đầu xuống, cô ngâm vỏ chăn của anh họ vào trong nước rồi bắt đầu xoa xà phòng.
Thúy Nương không hiểu, cô tò mò hỏi: “Sao thanh danh của chị lại không tốt?”
A Kiều cười khổ, cô không ngẩng đầu lên mà nói: “Chị là cháu gái của Chu tú tài.”
Thúy Nương chưa nhìn thấy A Kiều bao giờ nhưng cô đã nghe về chuyện của cô. Biết chị gái xinh đẹp trước mặt này chính là cháu gái của Chu tú tài mà mọi người hay bàn luận thì cô vô thức lùi về phía sau mấy bước.
“Cẩn thận bậc thang!” A Kiều nhanh tay kéo cô lại.
Mơ mơ hồ hồ như vậy, thể nào bị bà Triệu mắng suốt.
A Kiều cười nói với cô: “Mau trở về đi.”
Thúy Nương nhìn cô bằng ánh mắt phức tạp, cô bé cầm áo choàng rời đi, nhưng một lúc sau cô lại bê chậu quần áo của mình về đây rồi ngồi xổm bên cạnh A Kiều.
A Kiều không hiểu nhìn cô.
Thúy Nương cười hì hì: “Chị là người tốt, em giặt quần áo cùng chị.”
Cô bé hơi đen nhưng răng trắng như tuyết, đôi mắt đen nhánh sáng rỡ vừa đơn thuần vừa đáng yêu. Cô nhìn A Kiều bằng ánh mắt tràn đầy sự thân thiết. A Kiều rất muốn có bạn, nhưng Thúy Nương còn nhỏ tuổi không hiểu chuyện, A Kiều không thể hại cô được.
“Em đi nhanh đi, nếu lão thái thái của em biết em ở cùng chị, bà ấy sẽ mắng em đó.” A Kiều nhẹ giọng khuyên nhủ.
Thúy Nương lắc đầu, cô vừa đập áo choàng vừa nói: “Không đâu, lão thái thái của em nghe thấy chuyện của chị rồi, bà nói số chị khổ không may gặp phải người mợ có lòng dạ hiểm độc, bà thường xuyên mắng mợ chị trước mặt em. Bà nói bà đau lòng thay chị, bà không ghét chị đâu.”
A Kiều nghĩ đến mợ, hình như mợ và bà Triệu có mâu thuẫn gì đấy. Cứ nhắc đến bà Triệu, mợ lại mắng bà một trận, chắc chắn bà chỉ mượn cô để chửi mợ mà thôi, chứ bà cũng không thương cô gì đâu. Giống như mấy người phụ nữ ở bờ sông lúc nãy, họ chỉ trích sau lưng mợ là thật, mà ghét bỏ cô cũng là thật.
“Nên khuyên chị cũng khuyên rồi, em ở chỗ này bị mắng thì cũng đừng có trách chị.” A Kiều nhắc nhở Thúy Nương.
Thúy Nương tin tưởng bà Triệu sẽ không mắng cô bé, cô thân thiết trò chuyện với A Kiều.
“Chị, sao lúc đó chị lại đến ở nhà bác chị?”
“Cha mẹ chị bệnh qua đời, chị được phó thác cho bác.”
“Hóa ra là vậy, chị thật đáng thương. Nhưng chị rất đẹp, người cũng có phúc, vào chỗ kia rồi mà có thể thoát ra được. Mặc dù mợ chị hiểm độc nhưng bác chị vẫn thương chị. Không giống như anh em chúng ta, trong nhà không còn cha mẹ, anh trai dẫn em chạy nạn đến đây, đúng lúc đói sắp chết thì gặp được quan gia, quan gia đã cứu và thu nhận hai chúng em. Quan gia mặt lanh lòng mềm, lão thái thái thì xấu hơn nhiều, bà bắt quan gia viết văn tự bán mình cho anh em chúng ta ký, ngày nào cũng sai em hầu hạ bà. Thật ra quan gia cứu chúng em, chúng em đều cam lòng làm nô cho ngài ấy, nhưng lão thái thái rất khó hầu hạ, em nấu thức ăn cho thêm một ít dầu liền bị bà mắng,…”
Thúy Nương giống như tìm được nơi để xả giận, cô bé nói hết những điều bất mãn với bà Triệu cho cô nghe.
Giặt vỏ chăn rất tốn thời gian, trong lúc đó A Kiều cũng tìm hiểu được tính tình của bà Triệu, không thể nói là xấu nhưng rất keo kiệt, rất tiết kiệm, không nỡ lãng phí. Thúy Nương bị bà mắng chủ yếu là do làm hỏng đồ của bà hoặc lãng phí củi gạo dầu muối,…
Vỏ chăn của anh họ rất khó giặt sạch, nhất định phải dùng tay chà mạnh, A Kiều chà đến mức cổ tay đỏ ửng lên rồi.
Thúy Nương thấy thế thì ghét bỏ: “Đây là vỏ chăn của ai mà bẩn vậy, lão thái thái của em xấu thì xấu nhưng rất thích sạch sẽ. Còn quan gia nhà em nữa, mặc kệ ở bên ngoài bận rộn mệt mỏi như nào thì ngày nào về cũng phải tắm rửa giặt sạch sẽ xong mới vào nhà. Chị nhìn đi, đây cũng là vỏ chăn của ngài ấy, để lâu rồi mà không bẩn lắm đâu.”
Thúy Kiều giơ cái vỏ chăn của Triệu Yến Bình cho A Kiều xem.
A Kiều không xem, không thích hợp.
Thúy Nương thấy cô bận rộn giặt giũ nên tưởng cô không kịp xem, cô bé lại thu vỏ chăn của quan gia về giặt tiếp.
Mặc dù Thúy Nương còn nhỏ nhưng giặt quần áo của quan gia rất sạch, cô giặt một lúc liền xong trước cô.
“Chị, em về trước đây. Lão thái thái muốn may áo choàng cho quan gia, em phải về sớm để giúp đỡ.”
“Ừm, em mau đi đi.”
…
Thúy Nương bê chậu về nhà, lúc đi qua bờ sông bên này cô thấy Chu Song Song và mấy người khác đi đằng trước, trong thùng của cô đựng vỏ chăn màu sắc tươi sáng, vừa nhìn liền biết đó là vỏ chăn của con gái.
Mặc dù Thúy Nương hơi ngốc nhưng cô rất am hiểu chuyện giặt quần áo nấu cơm này, cô biết quần áo bình thường của con gái sạch sẽ, giặt dễ hơn đồ của đàn ông nhiều.
Lúc quay về nhà họ Triệu, bà Triệu cũng đi chợ mua vải về, bà đang ngồi cắt may.
Thúy Nương vào giúp bà giữ góc vải, bà Triệu di chuyển cái kéo, Thủy Nương nhỏ giọng thầm thì: “Lão thái thái, vợ của Chu tú tài thật gian xảo, bà ấy cố ý để vỏ chăn sạch sẽ cho con gái giặt, còn vỏ chăn của vợ chồng và con trai họ thì ném cho chị A Kiều giặt. Ôi trời, bà không nhìn thấy đâu, vỏ chăn của con trai tú tài đen như than vậy, hắn ta là người đọc sách đó, ngay cả anh trai cháu cũng sạch sẽ hơn hắn ta nhiều.”
Bà Triệu nhìn cô hỏi: “Chị A Kiều? Cô ta chạy tới chỗ mày giặt quần áo à? Còn phàn nàn mợ cô ta với mày nữa?”
Thúy Nương lập tức lắc đầu: “Không phải, là do lúc cháu giặt quần áo trượt tay làm rơi một cái áo, chị A Kiều ở chỗ bên dưới nên lấy lại giúp cháu…”
Thúy Nương nhanh miệng kể lại mọi chuyện, cô chỉ bỏ bớt phần mình nói xấu bà Triệu.
Bà Triệu hầm hừ, bà vừa làm vừa nói: “Lòng Kim thị rất đen tối, may mà bây giờ có chồng cô ta trông coi cô ta, nếu không cô ta đã bán cháu gái mấy lần rồi.”
Thúy Nương thở dài nói: “Chị A Kiều thật đáng thương, gương mặt xinh đẹp như tiên nữ mà lại gặp bà mợ như vậy, cả đời đều bị hủy rồi.”
Bà Triệu đã hiếu kỳ vẻ đẹp của cháu gái nhà tú tài lâu rồi, hàng xóm láng giềng có thể mượn cớ sang đó thăm hỏi để lén nhìn A Kiều, còn bà Triệu vì chuyện xưa mà cắt đứt quan hệ với Kim thị nên A Kiều trở về một năm rồi mà bà Triệu vẫn chưa thấy người bao giờ. Bên ngoài đều nói A Kiều rất xinh đẹp.
“Thật sự đẹp như thế sao?” Bà Triệu nhìn chằm chằm Thúy Nương hỏi.
Thúy Nương gật đầu như giã tỏi, nhớ lại gương mặt xinh đẹp của A Kiều, trong mắt cô lộ ra vẻ say mê, cô dùng hết từ ngữ có thể miêu tả vẻ đẹp của A Kiều rồi tổng kết lại: “Chị A Kiều rất tốt, nhưng anh trai cháu quá xấu, nếu không cháu đã bảo anh cháu đi cầu hôn để cưới chị ấy về làm chị dâu của cháu rồi.”
Bà Triệu chọc trán cô: “Con nhóc bé tý tuổi thì biết cái gì, cô ta đã uống thuốc không thể sinh con được nữa, anh trai mày lấy một người không thể sinh con, mày muốn nhà họ Quách tuyệt hậu sao?”
Thúy Nương đảo mắt chu môi nói: “Đáng tiếc cháu là con gái, nếu không cháu đã cưới chị A Kiều rồi. Chị ấy rất đẹp, cháu không thèm quan tâm chị ấy sinh được con hay không, chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy chị ấy, cháu đã thỏa mãn rồi.”
Bà Triệu chỉ coi cô bé là trẻ con nói linh tinh mà thôi.
Nhưng nhắc đến chuyện sinh con, bà Triệu lại nghĩ đến chuyện phiền lòng nhà mình.
Cháu trai bà đã 24 tuổi rồi, lớn tuổi mà không chịu thành thân gì cả. Nghe nói năm ngoái phá vụ án ở lầu Hoa Nguyệt, có rất nhiều bộ khoái nhân lúc đi bắt người ngủ với mấy cô kỹ nữ mà người nhà giàu phải chi rất nhiều tiền mới được ngủ một đêm. Nhưng cháu trai bà lại một lòng phá án, bản thân không chiếm lợi thì thôi đi, hắn còn không cho nhóm bộ khoái chiếm. Về sau mọi người đều bàn tán không biết hắn có làm sao không, bởi vì trên đời này làm gì có nhiều Liễu Hạ Huệ như vậy, cô gái xinh đẹp như hoa ở trong lòng bàn tay rồi mà không động lòng chút nào sao?
Bà Triệu không nghĩ cháu trai mình có vấn đề. Lúc còn là trẻ con hai ba tuổi, bà ôm cháu trai ra ngoài chơi đùa với mấy đứa nhỏ trong thôn, cả đám đều mặc quần yếm chơi với nhau. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng lúc đó cũng có thể thấy cháu trai bà có thiên phú đặc biệt rồi, chắc chắn thằng bé không phải là người thường.
Nhưng qua nhiều năm, mỗi lần có người đến cầu hôn, dù nhà gái nghèo hay giàu, đẹp hay xấu thì cháu trai bà cũng không đồng ý, rốt cuộc thằng bé đang suy nghĩ cái gì vậy?
Bà Triệu im lặng suy tư.
Hai ngày sau, bà mối lại đến nhà họ Triệu làm mai.
Nhà gái từng nhận ơn của Triệu Yến Bình, cha mẹ cô đều cảm kích hắn. Khi biết hắn còn chưa thành thân, họ liền muốn gả con gái cho Triệu Yến Bình.
Bà mối cũng coi như người quen cũ của nhà họ Triệu, vừa gặp bà Triệu, bà mối liền nói thẳng. Mặc dù gia cảnh nhà gái không giàu lắm nhưng cô gái kia cũng xinh, người vừa chịu khó vừa giỏi giang, đây là cháu dâu có một không hai cho nhà họ Triệu đấy.
Bà Triệu động lòng, chờ cháu về đến nhà, bà lập tức giới thiệu cho cháu trai.
Triệu Yến Bình ngồi im không nhúc nhích nghe bà Triệu nói, nhưng lòng lại không ở nơi này mà đang suy nghĩ cái gì đó.
Bà Triệu thấy dáng vẻ như chết của hắn thì càng nói càng không có sức lực, bà che ngực giả bộ đáng thương: “Cháu nhìn cháu đi, rốt cuộc cháu nghĩ cái gì nhiều năm như vậy? Người khác bằng tuổi bà đều ngồi nhà ôm chắt trai mà bà vẫn phải lo lắng cho hôn sự của cháu! Cháu nhìn tóc bà đi, càng ngày càng trắng, có thể sống mấy năm nữa chứ? Cháu muốn bà chết không nhắm mắt đúng không hả?”
Rốt cuộc gương mặt yên lặng như tờ của Triệu Yến Bình cũng động đậy, hắn nhìn về phía bà Triệu.
Lòng bà Triệu nhấc lên, rốt cuộc cháu trai bà cũng đồng ý rồi sao?
Triệu Yến Bình muốn nói lại thôi, cuối cùng hắn chỉ nói hai chữ: “Không cưới.”
Danh sách chương