Tuyệt Tình điện hưng sư động chúng

Kẻ ăn xin giả quỷ lộng thần

Ất Mùi, năm Vĩnh Lạc thứ mười ba...

Bấy giờ Hậu Trần vong quốc độ hơn một năm, quân Minh cướp được Đại Việt, vơ vét sản vật, nhũng nhiễu đủ thứ. Lại đặt ra đủ thứ luật lệ hà khắc. Tỉ như khách qua đường chỉ được mang ba bát muối, một lọ mắm trong tay nải. Nam nữ không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài y như phong tục phương bắc. Lại cho bắt thầy tu, đạo sĩ, thầy cúng về mở trường dạy học.

Tháng mười năm ấy định phép đánh thuế, cớ là: “ từ lúc nhà Minh chia đặt châu, huyện, việc thu thuế nhân đinh, điền sản chưa có ngạch nhất định, vì cớ rằng số dân còn lộn xộn, lúc tăng lúc giảm bất thường. Đến nay mới định thành ngạch thuế, cứ mỗi mẫu ruộng thu 5 thăng thóc, mỗi mẫu đất bãi thu một lạng tơ, mỗi một cân tơ thu một tấm lụa. ”

Thuế khóa càng nặng, dân tình bởi vậy càng thêm lầm than nheo nhóc. Từ dân lành thành nạn dân, mất nhà mất ruộng thì đi ăn mày, bố thí vạ vật, nheo nhóc xin ăn từng bữa. Số kẻ chống gậy đeo bị càng ngày càng đông...

Bấy giờ ở phủ Tam Giang, châu Thao Giang, huyện Sơn Vi nhân khí hãy còn vượng, dân tình chưa đến mức lam lũ quá đáng. Số là nơi này xưa chính là đất Thậm Thình nơi voi chầu đất tổ Phong Châu, có đền Hùng khôn thiêng sừng sững. Quan lại nhà Minh và bọn gian thần bán nước không dám khinh nhờn anh linh chư vị quốc tổ, lại có phái Hy Cương trấn giữ, nên sĩ tốt quân Minh có đi qua cũng không tùy tiện đe nẹt dân tình.

Thực ra Trương Phụ nắm trọng binh, mười phái Hy Cương lão cũng dẹp được trong một ngày, song thấy vừa đánh trận với Hậu Trần mấy năm cần thời gian khôi phục, lại phải phân tâm chống đỡ các hào kiệt dấy nghĩa nên lão mới ra vẻ rộng rãi, vỗ về môn phái giang hồ ở địa phương, tránh chuyện con giun xéo lắm cũng quằn.

Những môn phái nào không kháng Minh ra mặt thì lão coi như mắt nhắm mắt mở, để cho tự quản, kì thật đặt quân đóng ở chung quanh, vây chặt các môn phái giang hồ này lại. Lão lại cho người cứ cách vài tháng lại đến gõ đầu các môn phái lớn, lấy cớ là mộ đinh, thực chất là cướp người. Thế là cho dù các thế lực này muốn chi viện cho nghĩa quân không được, chiêu binh mãi mã chờ cơ khởi nghĩa cũng chẳng xong...

Lại nói chuyện ở Sơn Vi, phía Nam huyện giáp với ngã ba sông Bạch Hạc, vốn là một cửa ngõ quan trọng, dòng chảy lớn của sông Hồng. Thành thử, phía nam huyện có một khu cầu tàu lấn ra sông, dài dến mấy dặm. Trên là chợ, dưới là cảng neo thuyền. Khách thương lái ghe sát cầu cảng, neo buộc lại, có thể lấy thuyền làm cửa hàng, chân không dính đất mà vẫn trao đổi bán mua bình thường. Thế nên chẳng mấy chốc nơi này trở thành chốn sầm uất giàu có nhất huyện, người chốn võ lâm gọi nơi này bằng cái tên Chợ Hạc, do con hạc bắt mồi thì chân lội dưới nước, mỏ ở trên cao, lại vừa khéo đúng ngay cái tên khúc sông là Bạch Hạc.

Miếng bánh béo bở như thế, tất nhiên sẽ khiến các thế lực giang hồ tranh cướp. Lâu dần, phái Hy Cương là thổ địa, chiếm được khu chợ phía trên cầu, tục gọi là Chợ Trên, hay Chợ Khô. Nửa còn lại của chợ Hạc – còn gọi là Chợ Dưới hay Chợ Nước, đã đổi chủ mấy lần. Hai năm trước bốn trại trong Thập Bát Liên Hoàn Trại liên thủ hất cẳng chủ cũ, cướp được mối làm ăn dưới sông. Quan huyện thì ngồi sau, thu thuế cả hai ông lớn, lại bớt được phí tổn thuê người rà soát chợ Hạc, thế nên chốn này cả chục năm nay vẫn vận hành như thế cả. Người ta dần cũng quen...

Chợ vốn là nơi người ta tiêu tiền, thế nên quán cơm hàng nước cũng đua nhau mọc lên như nấm. Chợ Dưới bán tôm cá ốc nghêu, chợ trên bán lợn gà dê ngỗng, cứ vậy mà chia.

Lại có cả đám ca kỹ, phường chèo hay tin cũng kéo đến. Hoặc mở sạp trên đất, hoặc ca xướng dưới thuyền, chong đèn kết hoa, hòa tấu hoan ca chẳng biết đến loạn lạc bên ngoài.

Song người ta vẫn nói, dưới đĩa đèn thì tối.

Kể từ Trùng Quang đế tuẫn quốc, Hậu Trần mất trong tay Trương Phụ, chợ Hạc này cũng thành chốn mà quần hào võ lâm lựa chọn lui tới làm nơi hội họp. Các lộ nghĩa binh cũng thường cử người xuống vùng chợ Hạc đặng chiêu mộ quần hào, tìm kiếm hãn tướng, lùng sục người tài để phò tá cho mình.

Nguyên nhân chính thì có hai nhẽ. Thứ nhất, nơi này từ lúc còn là thời bình đã có đủ hạng người lại qua. Từ tiểu thương đến hào chủ bá hộ, đến bọn ả đào thằng kép. Từ người làm nông đọc sách đến kẻ múa kiếm lộng đao. Đến thời loạn, nạn dân tan nhà nát cửa đông như kiến, đổ về nơi phồn hoa như Chợ Hạc để kiếm kế sinh nhai càng đông gấp bội. Túm gọn lại bằng hai câu: thời bình đã thượng vàng hạ cám, loạn thế càng rồng rắn lẫn lộn. Cái nhẽ thứ hai là chốn này có hai thế lực lớn chống lưng. Nhất là phái Hy Cương có thể xem là con cọp tọa trấn một huyện Sơn Vi, phân đà trải khắp ba châu Tuyên Giang, Đà Giang, Thao Giang của phủ Tam Giang. Có câu phép vua thua lệ làng, đám lính địa phương không được tướng soái nhà Minh chống lưng thì cũng chẳng dám vuốt râu hùm.

Mấy hôm nay lại có tin mấy chục môn phái lớn nhỏ, hàng trăm nhân vật có tiếng có miếng trong giới giang hồ đều tề tựu về Lâm Vi. Người giang hồ đồn thổi nhau rằng sắp có một bảo vật xuất hiện đủ sức thay đổi cục diện năm bè bảy mảng của các lộ anh hùng hào kiệt hiện tại, và sắp tới ở chợ Hạc này sẽ mở một đại hội võ lâm nhằm phân giải xem bảo vật sẽ về tay ai.

Chuyện này can hệ trọng đại, liên quan đến nhiều lộ nghĩa binh rải rác ở các phủ các châu trên cả nước. Thành thử, phe phái nào cũng cử người của mình đến chợ Hạc để nghe ngóng. Bấy giờ đoạn sông huyết mạch chảy qua Chợ Dưới đã có hàng trăm con thuyền lớn nhỏ đậu san sát bên mép nước. Trên con đường huyết mạch đi xuyên qua Chợ Trên e là có đến mấy ngàn người tấp nập lại qua, ăn vận hành trang mỗi người mỗi kiểu. Kẻ thì đứng xem hát, coi tuồng. Người thì hối hả tìm nơi thuê trọ. Lại có lắm kẻ tranh thủ tình thế hỗn loạn đẻ trải chiếu bán mua, không trả phí dụng cho phái Hy Cương và bốn trại.

Đêm…

Trăng mờ, sao tỏ, ấy là điềm chẳng lành.

Trong gió ẩn sát khí…

Từ phía nam có một đoàn người rồng rắn nối đuôi bấy giờ vừa lúc đi qua giao giới giữa huyện Cổ Nông và Sơn Vi. Hiện tại cũng đã giờ Sửu, đường lớn vắng vẻ như tờ, quán xá đều đà im ắng. Ấy thế mà đoàn người này vẫn trống mở cờ giong mà đi, quả thực là lớn mật phách lối.

Nếu là mấy chục người to cao khỏe mạnh đã đành, đằng này đoàn người đều là hạng nữ lưu, người nào người nấy tóc mây da ngọc, bộ dạng mĩ miều, đi chung thế này, lại khoa trương thanh thế như thế, há chẳng phải mỡ treo miệng mèo sao? Song… phàm những kẻ biết thân phận của bọn họ thì không còn cho hành vi ấy là phách lối được nữa.

Bởi những người này là đệ tử của Tuyệt Tình điện…

Nói về Tuyệt Tình điện thì lại phải kể rõ. Trong trận chiến Chính – Tà ba mươi năm trước, phe hắc đạo của Băng Bà có một minh hữu, thế lực đủ để hoành hành giang hồ không để bất cứ một môn phái riêng lẻ nào vào mắt.

Ấy là Tuyệt Tình điện.

Người ta còn nói, đêm Hội Chí Tôn thuở nào nếu không phải Đặng Ngọc Bình còn quá trẻ, võ công của nàng ta lại bị Cứu Khổ thần tăng khắc chế gay gắt thì chưa chắc thánh lệnh Ẩn Thế về tay phái Nam Trúc Lâm.

Nhưng kể cả có không phải kẻ đứng đầu phe Ẩn Thế, thì Tuyệt Tình điện cũng là một tồn tại rất kinh khủng mà ít người dám chọc vào. Đến như Hổ Vương là chúa tể một vùng, ở vùng núi rừng phía nam ông chẳng khác nào vua chúa, cũng không chủ động gây sự với Cầm Ma là đủ hiểu thế lực trong tay ả đáng sợ đến đâu.

Đoàn người chia làm ba đội, phía trước có đệ tử mở đường, cứ năm chục bước lại rắc hoa. Chính giữa là mười sáu người khiêng hai cỗ kiệu bát cống, trên treo chuông, dây buộc một xanh một đỏ. Đi sau chót là một đám người, kẻ ôm đàn người nâng sáo, tấu nhạc mua vui.

Giữa đêm, giữa đường, tấu nhạc…

Thực là vô cùng quái lạ.

Lúc này, bỗng có biến cố…

Con đường dẫn tới chợ Hạc bấy giờ đã có một cỗ xe chặn ngang.

Trên xe là một cái kiệu hoa, thứ người ta vẫn dùng để rước dâu.

Trên nóc kiệu lại có một người đang ngồi, váy áo đỏ rực, má ngọc môi son, đôi mắt lá dăm thanh mà sắc sảo như cứa vào đoàn người Tuyệt Tình điện.

Nàng ta bỗng rút từ đáy lưng ong ra một thanh nhuyễn kiếm, lấy vạt áo ra lau chùi dưới trăng.

Đệ tử Tuyệt Tình điện ngừng lại…

Chân đều tăm tắp.

Những thiếu nữ này chỉ đặt kiệu xuống đất rồi cúi đầu đứng nép sang một bên, không hé răng một chữ, không lộ bất cứ một biểu cảm nào, cũng không liếc về phía cái kiệu và cô nàng kia dù chỉ một cái. Nàng kia cũng đã thấy hết những chuyện này, bất giác nhớ lại những gì Hổ Vương đã căn dặn trước khi ông rời khỏi sơn trang Bách Điểu:

“ Nữ ma của Tuyệt Tình điện trừ Thất Tuyệt Ma Nữ trở lên ra hầu hết đều đã quên hết chuyện cũ, quên đi cả bản thân, cứ như cái xác không hồn vậy. Sau này nếu chẳng may có xô xát, thì có thể dựa vào điểm này để lấy ít thắng nhiều. ”

Nàng ta tự nhiên chính là Trần Liên Hoa – trưởng môn phái Long Đỗ!
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện