Trần Liên Hoa lợi dụng chính chuyện mình bị ép hôn, cố tình mang một cỗ kiệu hoa đến, tỏ ý hỏi tội. Lại cố tình vén rèm kiệu lên. Ban nãy ba ma nữ không thấy gì trong kiệu, nên mới không đề phòng.

Thực chất trong kiệu trống không, là bởi cỗ kiệu này được đặc chế, ván sàn được tháo ra, thay bằng một máy bắn cung cỡ lớn. Hai cánh cung lúc kéo căng vừa vặn chạm đến vách kiệu, thành ra không bị lộ. Mũi mâu gắn trên dây cung được sơn đen, thành thử dù có ánh trăng ánh đuốc rọi vào cũng không phản chiếu lại ánh sáng. Sở dĩ ban nãy Trần Liên Hoa ngồi trên nóc kiệu là bởi trong kiệu vốn dĩ không có chỗ để người ta ngồi.

Phát mâu bắn bằng máy vừa ra, tiếng sắt xé gió đã vang lên inh tai nhức óc. Cái lúc thế này thì âm công của ba người Lệ Nương, Chi Lan và Vũ Nương tuyệt không phát huy ra được công dụng gì, vì mũi mâu vốn là vật chết. Ba nàng vội vàng nhảy tránh, nhưng mấy người đệ tử khác thì không được may mắn đến thế. Mũi mâu xỏ xuyên qua hai người xấu số mà đà đi vẫn chưa hết, ầm ầm xộc tới cái kiệu.

Lúc này thì từ hai bên đường, hơn sáu chục người bỗng phá đất mà lên, trong tay thủ sẵn nỏ cứng mà bắn tới tấp về phía đoàn người của Tuyệt Tình điện. Trên đầu họ đội một cái nón lật ngược, mình vận áo đen, mặt che kín chỉ lộ mắt, trông ngoại hình đến là quái dị.

Thì ra Trần Liên Hoa cho quân đào sẵn hố ở hai bên đường, một hố lớn để ngồi xổm xuống mai phục, một hố nhỏ để lấy không khí. Lại để bang chúng mỗi người đội một cái nón úp ngược, trên đổ đất để ngụy trang miệng lỗ. Lại thêm thời ấy loạn lạc, ven đường cây cỏ um tùm, đêm tối trăng mờ, thành ra bang chúng của Tuyệt Tình điện dù võ công không kém cũng chẳng kịp trở tay.

Trần Liên Hoa cũng thừa cơ động thủ. Nàng búng mình lao về phía Vũ Nương, tranh thủ lúc hỗn loạn, bốn phía đều là tạp âm, nhún chân tung người nhảy lên. Tay nàng khẽ kéo chốt, roi Long Đỗ tức thì như rắn trườn khỏi hang, rồng thần rời động. Chỉ trong nháy mắt, lưỡi kiếm đã dài gấp đôi, trở thành một ngọn roi mềm dài đến sáu xích.

Trần Liên Hoa hé miệng quát nhẹ một tiếng, roi Long Đỗ trong tay đảo thân hai lần, đoạn quật thẳng xuống đầu Bồng Ma Vũ Nương. Thế roi vừa hiểm vừa nhanh, lại ra tay đúng lúc Vũ Nương vừa mới ngả người để né mũi mâu sắt, bấy giờ đang là lúc lực cũ vừa hết, lực mới chưa sinh. Nàng ta tròn mắt nhìn bóng roi càng lúc càng gần, nhưng lại chỉ có thể bất lực đổ người theo quán tính.

Sở dĩ Trần Liên Hoa lựa chọn Vũ Nương làm mục tiêu là bởi hướng né đòn của y thị vừa vặn khuất khỏi tầm mắt của kẻ ngồi kiệu. Cô nàng lại nhắm chuẩn thời cơ, ngọn mâu vừa rời cung là lập tức ra tay, những mong kẻ ngồi trong kiệu vì mải đối phó ngọn mâu mà không ứng phó kịp, để nàng nhanh chóng xử lí được một đối thủ mạnh.

Bỗng nghe coong một cái, roi Long Đỗ bị một vật cứng đánh trúng. Đầu roi đáng nhẽ quật xuống đỉnh đầu Vũ Nương thì nay đã chếch sang trái, nhắm vào bả vai y thị. Biến cố bất ngờ khiến Trần Liên Hoa vừa giật mình vừa kinh ngạc. Cô nàng không ngờ hai kẻ ngồi trong kiệu chẳng những cản được ngọn mâu, mà còn có thể phân thần ra tay giúp đỡ Bồng Ma.

Trần Liên Hoa chỉ biết chặc lưỡi, dùng thêm mấy phần kình lực vào đòn thế, hi vọng có thể đánh trọng thương được đối thủ.

Vũ Nương đang ngả ra, vai trái sắp bị roi Long Đỗ quật trúng thì bỗng cánh tay phải nhói lên như muốn gãy. Sau đó, một luồng lực lớn bỗng quét tới, đẩy cánh tay phải của y thị lên. Biết ấy là người trong kiệu cứu mạng, Vũ Nương bèn thuận thế xoay mình nửa vòng, vai trái rút xuống dưới thân, tay phải nắm cái trống bồng giáng một đòn vào mặt bên của roi Long Đỗ, tiếp tục đánh bạt ngọn roi sang bên. Roi Long Đỗ đánh trượt, quét lên mặt đường một vết chém sâu hoắm. Vậy mới hóa giải được thế công hiểm ác của Trần Liên Hoa.

Trần Liên Hoa thuận thế biến chiêu, tay phải chém trượt thì chưởng trái đã tống ra một đòn vào đầu vai Vũ Nương. Bồng Ma bấy giờ như nỏ mạnh hết đà, ban nãy một đòn của kẻ ngồi trong kiệu tuy giúp y thị thoát hiểm nhưng cũng khiến thị bị nội thương. Nay chưởng phong của Trần Liên Hoa áp tới không tránh nổi nữa…

Bành một cái, Bồng Ma mượn chưởng thế bay vọt ra một quãng, miệng nôn máu tươi. Tuy trúng một chưởng nặng nhưng lại thoát khỏi tầm vung của roi Long Đỗ, không để Trần Liên Hoa tiếp tục truy kích bằng vũ khí, bằng không ắt thị phải chết chứ không còn nghi ngờ gì.

Trần Liên Hoa giết hụt Bồng Ma, định vung roi Long Đỗ lên cản đòn của Lệ Nương và Chi Lan, thì bỗng nghe một tiếng quát chua loét từ trong kiệu vọng ra:

“ Xem chưởng! ”

Trần Liên Hoa chỉ thấy chưởng phong tanh thối thổi ào ạt, da mặt đau rát, cổ bỏng hầu khô. Phái Long Đỗ cũng xem là nổi danh giang hồ về dùng độc, Trần Liên Hoa từ lúc còn bé đã tiếp xúc với độc rắn cạp nong và lá ngón. Ấy thế mà chỉ vừa hít phải một chút gió độc từ chưởng lực của kẻ nọ đã khiến đầu nàng ta nhức như búa bổ đao chém, xây xẩm cả mặt mày thì đủ hiểu nếu bị đánh trúng thì còn tồn tệ ra sao. Lúc ấy e đứt ruột thối gan cũng chẳng phải lời nói ngoa.

Độc công đã đáng sợ, nhưng võ công của kẻ ra tay cũng hơn nàng xa lắc, khiến Trần Liên Hoa ngay cả cơ hội nâng roi Long Đỗ lên để cản lại cũng không có.

Chỉ nghe ầm một cái…

Sau đó có tiếng người rên khẽ.

Trần Liên Hoa ngoái đầu lại, vừa vặn trông thấy một người ăn vận kiểu nhà Nho đứng chắn một chưởng độc cho nàng.

Y nôn ra một búng máu, nhưng cũng vừa kịp vung một gói bột trắng về phía kẻ ra tay. Nói đoạn hét toáng vào tai nàng:

“ Chạy!!!! ”

Trần Liên Hoa giật mình, không kịp nghĩ nhiều, vội vàng xách cổ áo người kia chạy về phía bắc.

Kẻ ra tay là một ả đàn bà luống tuổi, mặc áo hồng cánh sen, người cao dong dỏng, mặt nhọn môi mỏng, nhìn nét mặt ánh mắt thì ra chiều đanh đá lắm. Bấy giờ ả bị người ta ném bột vào mặt, phải nhắm rịt mắt không mở ra được.

Trong kiệu lại lao vút ra một bóng người khác, đứng sóng vai với y thị.

Ấy là một ả đàn bà chạc tuổi cái ả mặc áo hồng, nhưng người đậm và lùn hơn. Y thị vận áo xanh lục, tóc quấn một cái hồ lô, mặt lúc nào cũng có nét cười điềm nhã. Thị toan đuổi theo hai người Trần Liên Hoa thì ả áo hồng đã nói:

“ Không cần, nó trúng một chưởng của em đây, chết là cái chắc. Chị lấy cho em ít dầu để lau, thằng lỏi con khốn nạn này dùng vôi sống, để dính nước thì đến hỏng cả đôi mắt mất. ”

Ả áo xanh cười cười, nói:

“ Đấy, chị dặn bao nhiêu lần, tuy ông sao quả tạ kia lên phương bắc đến nay không có tin tức song cũng chớ có tự kiêu. Cuối cùng có sai đâu? May cho mày là thằng kia trúng chưởng, mất nửa cái mạng, không nó vẩy cho một gáo nước thì toi đời. ”

Thị dìu cô em lên kiệu, lại nói với ba người Vũ Nương, Lệ Nương, Chi Lan rằng:

“ Ba đứa viết một bức thư, gửi đến chợ Hạc. Chừng này chắc thánh cô đã đến đó rồi. Xong việc thì rút quân về điện tâu chuyện với thánh chủ. ”

Đoàn người Tuyệt Tình điện dạ ran, răm rắp làm theo sắp xếp của ả đàn bà áo xanh. Y thị sắp xếp xong mọi chuyện, có vẻ an tâm, bèn gỡ hồ lô trên đầu xuống mở nút. Vừa dốc miệng, tức thì có hai viên thuốc màu xanh lăn vào lòng bàn tay ả, kích cỡ đâu độ hạt đỗ, vỏ ngoài láng bóng như ngọc thạch. Thị ném cả hai cho Vũ Nương, nói:

“ Thuốc này một viên cho bay dưỡng thương, chịu một chiêu của ta cũng không dễ gì. Viên còn lại sau khi chịu phạt của thánh chủ thì có thể giữ lại cái mạng. ”

Vũ Nương được thuốc thì mừng quýnh, rối rít lạy tạ, lại thầm kinh hãi trước võ công của hai ả. Bấy giờ ả đàn bà thấp nhỏ mới chui lại vào trong kiệu của mình, buông rèm mặc kệ.

Bồng Ma há có thể không rõ, kì thực ban nãy, cả hai ả phải cùng xuất thủ, phối hợp kín kẽ mới cứu được mạng của mình. Lúc ả áo xanh đỡ mũi mâu thì ả áo hồng dùng một quả cau đánh chệch roi Long Đỗ, sau đó ả áo xanh dùng một thỏi bạc đánh vào cánh tay phải, giúp nàng xoay mình chuyển thân giữa bán không, mới có thể né được nhát chém.

Nếu không phải hai chị em nhà này sớm chiều chung sống, tâm ý đã liên thông, thì Bồng Ma có sống được cũng bị chặt đứt một cánh tay, âm công ắt sẽ bị ảnh hưởng.

[ Không hổ là thánh sứ. ]

Vũ Nương chặc lưỡi, nghĩ thầm sau này không nên trêu chọc vào hai chị em nhà này thì hơn.

Té ra, ả áo hồng xưng là Bắc Đẩu thần quân, áo xanh hiệu là Nam Tào thần quân, người trong giang hồ vẫn quen gọi là sinh tử song sứ của Tuyệt Tình điện, đứng hàng song sứ trong Cầm Ma, thánh nữ, song sứ, thất tuyệt ma.

Trước đó mấy ngày…

Phía Lam Sơn, Lê Lợi cũng cố tình cử hai người, lấy tiếng là thay mặt trại Nghĩa Dũng của Vũ Uy đến nghe ngóng xem thực hư của tin đồn nọ là thế nào.

Các tướng Lam Sơn người nào người nấy đều kiêu dũng, nào phải hạng chịu ngồi yên một chỗ? Dạo gần đây các sơn trại quanh huyện Nga Lạc đều hoặc đã quy thuận trại Nghĩa Dũng, hoặc bị xóa tên, lâu dần cũng hết chuyện để làm, hết người để đánh. Các tướng lâu ngày chỉ quanh quẩn trong trại Nghĩa Dũng, lâu dần đâm chán.

Bà Thương lúc ấy mới khuyên con rằng:

“ Nhàn cư vi bất thiện. Mày cứ để các tướng ngồi mọc mốc trong trại, khó tránh bảo kiếm không chém thành cùn, ngựa hay nhốt chuồng mòn vó. Hà huống chúng nó lại dư thừa sức lực, đương tuổi máu nóng hừng hực, không nơi phát tiết thể nào cũng gây chuyện thị phi cho xem. Nay nhân lúc nước Nam ta có chuyện hệ trọng, Lam Sơn mình chẳng thể đứng ngoài. Mày cử hai người xuống vùng Sơn Vi nghe ngóng một phen là hơn. ”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện