Hình như có ai đó đỡ tôi lên, hình như có tiếng người loáng thoáng nói:

– Ca phẫu thuật thành công rồi.

Tôi không nghe được gì nữa, trong bóng đen tôi chợt nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Kí ức ngày sinh Bình ùa về, tôi không đưa tay nổi, không chạm nổi vào con. Tiếng trẻ con vừa gần vừa xa, đột nhiên tôi bừng tỉnh lại ngồi bật dậy. Kí ức chưa hoàn toàn khôi phục, tôi đưa tay chạm xuống bụng rồi hỏi:

– Đứa bé đâu? Con tôi đâu?

Tiếng mẹ tôi truyền đến, vừa chân thật lại vừa mơ hồ:

– An! Con tỉnh rồi sao?

Tôi mở to mắt ra nhìn mẹ mới phát hiện mình đang nằm ở một căn phòng trắng toát, tay cắm đầy những dây truyền. Lúc này tôi mới sực nhớ ra Bình vừa làm phẫu thuật xong liền nắm tay mẹ nói:

– Mẹ, Bình đâu? – Bình làm phẫu thuật xong được đưa về phòng hồi sức rồi. Nhưng bác sĩ nói chưa được vào thăm đâu con ạ. Phẫu thuật xong còn yếu, người lớn chưa được vào thăm tránh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.

Tôi biết là vậy, nhưng con mới phẫu thuật xong vẫn không thể không nhìn thấy con một cái liền xỏ dép muốn sang thăm con một lát, nhìn một lát cũng được. Mẹ tôi thấy vậy liền cản lại:

– An, con nằm nghỉ đi đã. Bình phẫu thuật thành công rồi, có bác sĩ chăm sóc cho Bình ở đấy con yên tâm đi. Bác sĩ nói con thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamine, cơ thể suy kiệt, còn thiếu cả máu nữa. Mới hai mươi bảy tuổi đã thiếu máu rồi, người thì xanh xao cả lại, đợt này con phải bồi bổ lại nếu không sẽ rất nguy hiểm đấy.

Tôi nhìn mẹ gật đầu qua quýt đáp:

– Vâng, con biết rồi nhưng con muốn gặp Bình một lúc, đứng ở ngoài nhìn thôi cũng được, nếu không con thật sự không yên tâm.

– Con đúng là đồ vô lương tâm, chỉ mỗi con biết xót con của con thôi còn mẹ không biết xót con của mẹ à? Sao không chịu nghe lời mẹ một chút.

Tôi nghe mẹ nói bật cười:

– Mẹ, con của con cũng là cháu mẹ mà, cho con đi nhìn nó một lúc thôi.

Mẹ thấy không cản nổi tôi đành để tôi xỏ dép tôi dẫn tôi sang bên chỗ Bình đang nằm. Có điều bác sĩ thực sự chưa cho vào thăm, qua khe hở nho nhỏ tôi chỉ có thể nhìn thấy con đang nằm với đầy dây dợ lằng nhằng. Bỗng dưng mắt tôi lại ngân ngấn nước. Thằng bé mới chỉ gần ba tuổi, còn rất nhỏ vậy mà đã trải qua một cuộc phẫu thuật đầy đau đớn. Hai mắt con nhắm lại hơi thiêm thiếp, có lẽ con đang rất mệt nên đến ngay cả việc nhìn tôi con cũng không thể. Trái tim người mẹ như có ai bóp lại, nhìn con mình như vậy ai không thương cho được? Bác sĩ thấy tôi đứng đấy, cũng không nỡ đuổi mà chờ một lúc rồi mới giục tôi về trước. Bao giờ được vào thăm thì sẽ báo lại tôi sau. Mẹ tôi đứng cạnh liền nói:

– Nếu không muốn về thì sang chỗ bác sĩ Thịnh xem sao. Sáng nay trong lúc phẫu thuật bác sĩ Thịnh bị hạ huyết áp, máu cũng mất nhiều cũng may cuối cùng mọi thứ cũng ổn cả.

Nghe mẹ nói vậy tôi hơi sững người lại. Vốn dĩ nghĩ sáng nay bác sĩ nói diễn biến xấu là nói đến Bình, không ngờ lại là Thịnh. Tôi không nghĩ ngợi gì nữa liền đi thẳng sang phòng Thịnh đang nằm. Trưởng khoa sắp xếp cho anh một mình một phòng, có y tá túc trực ở đấy. Lúc tôi vào Thịnh cũng đang nằm trên giường mắt nhắm nghiền. Tôi ngồi xuống bên cạnh, nhìn Thịnh trong lòng trào lên một cảm giác thương xót khó tả. Không phải tôi muốn cự tuyệt anh, sáng nay khi cách xa anh qua một lớp cửa ở phòng phẫu thuật, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự hối hận trong lòng. Lỡ như… lỡ như chỉ một phút sơ sẩy thôi, lỡ như hôm nay phẫu thuật Thịnh không thể tỉnh lại nữa, tôi và anh cách xa nhau không chỉ là một lớp kính mà cả một không gian mênh mông, liệu rằng tôi có thể sống nổi quãng đời còn lại không? Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy trong một giây phút mình thật sự hoảng loạn. Nếu anh chết, nếu anh không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, tôi cũng không cách nào tưởng tượng được mình phải làm sao để có thể sống một mình. Tôi cứ ngỡ rằng mình cự tuyệt anh là bởi mình không yêu anh. Hoá ra không phải, hoá ra là bởi tôi sợ hãi không dám thừa nhận. Ba năm nay chưa một phút giây nào tôi có thể quên anh, tôi thật sự chưa từng quên anh.

Tôi cứ nhìn anh như vậy, tinh thần thật sự mụ mị, không biết phải làm thế nào. Ngồi rất lâu tôi mới có thể đứng dậy, định trở về phòng đột nhiên thấy bàn tay mình bị bàn tay Thịnh giữ lại. Mắt anh mở ra, bàn tay to lớn nắm chặt bàn tay thô ráp sần sùi của tôi. Như một phản xạ tôi khẽ rụt tay lại, thế nhưng Thịnh nắm rất chắc, giọng anh cất lên vẫn đầy mệt mỏi:

– An. Anh khát nước, muốn uống nước, lấy nước cho anh đi.

Tôi có thể từ chối yêu cầu này sao? Cuối cùng đành lấy nước cho Thịnh. Anh uống một chút tự dưng lại ho sặc sụa lên. Tôi vừa phải vỗ vỗ lưng cho anh vừa nói:

– Anh uống từ từ thôi. Làm gì mà ho sặc sụa lên thế.

Thịnh ngước lên nhìn tôi, vẻ mặt đầy vô tội:

– Anh vẫn uống từ từ mà.

Tôi nhìn Thịnh, phát hiện ra lúc này trông Thịnh rất nhõng nhẽo giống hệt Bình mỗi khi muốn yêu cầu gì. Ánh mắt đáng thương này tôi thật sự không từ chối nổi. Uống xong nước Thịnh lại bắt đầu kêu ca:

– An, chân anh đau quá, chắc do tác dụng của thuốc không nhấc lên nổi, em bóp cho anh được không?

Gã đàn ông này quả thực là được đằng chân lân đằng đầu. Tôi đành phải ngồi bóp chân cho anh một lúc rồi mới về. Khi về phòng mẹ tôi đang ngồi đọc báo, mẹ không ngẩng lên nhìn tôi mà khẽ hỏi:

– Bác sĩ Thịnh ổn chưa con?

– Dạ cũng ổn rồi mẹ ạ.

– Ừ. Thế hai đứa tính thế nào.

Câu hỏi cuối mẹ hỏi khiến tôi hơi bàng hoàng, lắp bắp lúng búng hỏi lại:

– Tính thế nào… là tính gì cơ mẹ?

– Vẫn định giấu mẹ à? Là vì con thấy mẹ không đủ tin tưởng hay vì hai mươi bảy năm khoảng cách của hai mẹ con mình quá lớn nên không thể chia sẻ?

Tôi nghe mẹ hỏi đến đây cũng sực hiểu ra mẹ đã biết mọi chuyện. Tự dưng tôi thấy mình giống kẻ ăn trộm, mặt đỏ bừng lí nhí đáp:

– Mẹ… mẹ biết những gì rồi ạ?

– Mẹ biết những cái cần biết thôi. Mẹ không nói ra không có nghĩa là mẹ không biết gì cả. Chuyện của con gái, mẹ không phải bù nhìn, thế nên có những chuyện con không nói mẹ vẫn biết. An! Cho cậu ta một cơ hội đi, cũng là cho mình một cơ hội, cho cả Bình một cơ hội nữa.

– Nhưng… nhưng con… nhưng con không xứng với anh ấy.

Mẹ đặt báo xuống ngước lên nhìn tôi. Ánh mắt rất kiên định nói:

– Con hoàn toàn xứng với cậu ta. Có chỗ nào là không xứng? Đừng tự ti mặc cảm như vậy, con có thể kiên cường như vậy, mạnh mẽ như vậy tại sao trong chuyện tình yêu lại yếu đuối? Con không sợ sao? Không sợ nếu bỏ lỡ thì cả một đời sẽ dang dở hay sao?

– Con…

– An. Mẹ đã từng là mẹ đơn thân, nhưng nếu cuộc đời cho mẹ chọn lại mẹ vẫn mong muốn có một gia đình hạnh phúc hơn. Có thể con nghĩ chỉ cần con cố gắng nuôi Bình tốt là được, nhưng trong thâm tâm thằng bé lại khao khát có một người bố thì sao con đã từng nghĩ chưa? Huống hồ cậu ta không phải loại quất ngựa truy phong, cậu ta muốn có trách nhiệm, cậu ta muốn bảo vệ con và Bình, vì sao lại phải từ chối? Vì sao lại không thể mở lòng hả con? Rõ ràng con cũng có tình cảm với cậu ta, sao lại không dám đối diện với tình cảm của mình? Cuộc đời này thật sự rất ngắn, có những thứ nếu con không trân trọng thì có lẽ sẽ không bao giờ có được nữa. Giống như mẹ… đã từng đối xử rất tệ với con… đến khi hối hận… thật sự là quá muộn rồi. Mẹ thật sự thấy cậu ta yêu con, thật sự thấy cậu ta thật tâm với con, không phải ai cũng có thể gặp được người đối với mình như vậy. Con có thấy không, cậu ta là người duy nhất của con, là người đầu tiên của con, lại còn có chung Bình nữa, chẳng lẽ con định sau này lại lấy người khác làm bố cho Bình trong khi bố của nó lại đang sống sờ sờ, lại ngày đêm tha thiết muốn có cơ hội chăm sóc con và nó?

– Con… con không…

– Không thì sao giờ không mở lòng? Không thì sao lại luôn cự tuyệt cậu ta như vậy? Con không thấy cậu ta rất đáng thương sao?

Từng lời từng lời mẹ nói giống như trúng tim đen của tôi. Tôi không thể phản bác được một chữ nào, chỉ cảm thấy tim như có kim chích. Thực ra người đàn ông duy nhất của tôi chỉ có Thịnh, thực ra tôi không hề vấy bẩn mình như tôi đã nghĩ. Không phải tôi không xứng với anh, chỉ là có lẽ khi con người ta khổ hạnh quá rồi thường không dám mơ tưởng đến hạnh phúc. Thế nhưng mấy lời mẹ nói lại khiến tôi cảm thấy trong lòng đầy những ưu tư. Mẹ nói đúng, cuộc đời này thật sự rất ngắn, tôi có nên mở lòng không? Không phải cho Thịnh một cơ hội, mà là cho chính bản thân tôi một cơ hội? Tôi cứ ngồi như vậy, lặng im, phân vân không biết phải làm thế nào cho đúng. Cả hai mẹ con không ai nói với ai câu nào, rất lâu sau mẹ mới cất lời:

– À, An này, Bình phẫu thuật xong rồi, đợt này dưới công ty khá nhiều việc, chắc tối mẹ phải về Quảng Ninh một chuyến đã.

Tôi nhìn mẹ, đột nhiên lấy hết toàn bộ dũng khí của mình cất tiếng:

– Mẹ. Con có chuyện này muốn nói với mẹ được không?

– Con nói đi.

Tôi hít một hơi đáp lại:

– Mẹ! Toàn bộ tài sản mẹ cho cái Ngọc, mẹ có thể đứng lại tên mẹ được không? Con biết tài sản là của mẹ, mẹ muốn cho ai con không có quyền đòi hỏi. Chỉ là con nghĩ, tài sản đó đứng tên mẹ thì vẫn là của mẹ, nếu như sau này mẹ thấy cái Ngọc tốt, mẹ thấy thực sự muốn cho nó thì sau này cho cũng chưa muộn. Được chứ mẹ? Thực sự con chưa bao giờ yêu cầu mẹ điều gì cả, nhưng với tư cách là con ruột của mẹ, con có thể xin mẹ chuyện này không?

Mẹ tôi thoáng ngây người, rồi đột nhiên bật cười gật đầu:

– Ừ! Được! Mẹ đồng ý.

Lần này thì đến lượt tôi ngây người hỏi lại:

– Mẹ, sao mẹ lại đồng ý nhanh như vậy?

– Có những chuyện không cần phải hỏi tại sao con ạ. Mẹ lăn lộn ở thương trường hai mươi mấy năm nay rồi, mẹ bị lừa đánh tráo con cũng hai mươi mấy năm nay rồi, chẳng lẽ đến tận bây giờ mẹ vẫn không phân biệt nổi đúng sai? Mẹ vẫn không biết ai mới là quan trọng với mẹ sao?

Tôi nghe mẹ nói, còn chưa kịp hiểu ẩn ý trong lời mẹ nói mẹ đã đứng dậy rồi cười:

– Thôi, mẹ vào nhìn Bình một chút rồi về đây. Có gì cứ gọi cho mẹ nhé.

– Dạ vâng ạ.

Đợi mẹ đi khuất tôi mới nằm xuống giường. Thực ra tôi đến tận bây giờ dù cho mọi chuyện đã cách xa hơn ba năm rồi nhưng tôi chưa một giây, một phút hết căm hận mụ Hằng và con Ngọc. Mấy năm nay khổ cực, tôi đều cố gắng mà sống, tôi cố gắng sống không chỉ vì con, vì mẹ, mà vì cả mối hận không bao giờ rửa nổi. Đây mới chỉ là bắt đầu thôi, lấy lại tài sản đứng lại tên mẹ, tất cả mới chỉ bắt đầu mà thôi. Tôi biết mẹ không phải là kẻ ngốc, tôi cũng không đến mức không nhận ra mẹ căm hận mụ Hằng còn gấp trăm ngàn lần tôi. Chỉ là mẹ vướng con Ngọc, mẹ khác mụ đàn bà đó, dẫu sao mẹ cũng nuôi nó lớn đến ngần này, bảo vứt bỏ, chắc chắn mẹ không làm được! Thế nhưng tôi thì khác, tôi chẳng vướng gì cả, cả con Ngọc, lẫn mụ Hằng tôi đều không hề vướng!

Tôi nằm trên giường bệnh viện, cả đêm qua tôi không ngủ, sáng nay lại túc trực bên ngoài phòng phẫu thuật nên tôi thật sự khá mệt. Cuộc phẫu thuật của Bình cũng đã thành công, tinh thần tôi cũng thoải mái hơn đôi chút nên nằm xuống ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay.

Tôi ngủ rất say, mãi đến khi có tiếng lạch cạch mới đột nhiên bật dậy. Rõ ràng lúc ngủ tôi không hề đắp chăn, vậy mà tỉnh lại đã thấy trên người chăn phủ xuống chân. Tôi dụi mắt mới biết hoá ra Bình đã được đưa về phòng, có điều con lại được đưa vào bên trong liền vội vàng chạy lại bên con. Trưởng khoa nhìn tôi dặn dò:

– Bệnh nhân được về phòng, sức khoẻ đã ổn nhưng vẫn phải sát trùng sạch sẽ mới được vào với con nhé. Giờ cũng chiều muộn rồi, sắp hết tác dụng của thuốc nên khả năng đêm nay bệnh nhân sẽ đau và quấy khóc. Cố trấn an bệnh nhân để không phải dùng thuốc giảm đau nhé.

Tôi nghe trưởng khoa nói một loạt, đến khi kịp tiếp nhận thông tin thì trưởng khoa cũng đi ra ngoài. Bình lúc này cũng tỉnh rồi, con đưa đôi mắt tròn xoe nhìn tôi cười hỏi:

– Mẹ, bà đâu rồi?

Mẹ tôi rất chiều Bình, lần nào vào cũng mua không biết bao nhiêu đồ chơi, thế nên thằng bé lúc nào cũng chỉ đòi bà. Tôi cười cười dỗ con:

– Bà về rồi, có mẹ đây rồi đây.

– Vậy chú Thịnh đâu mẹ?

Trời ơi, tôi đẻ thằng con ra, mở mắt ra thì hỏi bà với chú Thịnh. Tôi nhìn nó lừ mắt:

– Oắt con, không nhớ mẹ à mà chỉ hỏi bà với chú Thịnh?

– Có, con yêu mẹ, Bình yêu mẹ mà

Nghe thằng bé nói vậy tôi đưa tay chạm nhẹ vào mấy ngón tay nhỏ bé bật cười. Hai mẹ con nói chuyện một lúc thì Bình cũng ngủ, y tá vào thay băng cho con, tôi cũng tranh thủ xuống căng tin ăn vội bát cơm rồi lên.

Trời lúc này cũng tối rồi, đêm nay là đêm đầu tiên sau ca phẫu thuật. Bình nằm bên trong với đầy dây dợ máy móc, tôi nằm bên ngoài không sao ngủ được. Đến nửa đêm tôi bất chợt mệt quá thiếp đi, khi đang ngủ đột nhiên nghe tiếng Bình khóc liền vội vàng bật dậy chạy vào trong. Vừa vào đến giường của Bình tôi cũng thấy bên ngoài Thịnh mở cửa chạy vào. Anh còn mặc nguyên bộ quần áo bệnh nhân, mắt mũi kèm nhèm, đầu tóc rối bù nhìn Bình cuống quýt hỏi:

– Sao vậy? Đau ở đâu vậy con?

Tôi nghe Thịnh hỏi, liền ngớ người ra, anh hỏi rất tự nhiên, không hề có chút ngượng ngùng nào. Bình chỉ vào vết mổ, hai mắt ầng ậc nước đáp:

– Đau… đau…

Hôm nay trưởng khoa có nói khi hết thuốc giảm đau Bình sẽ đau vết mổ. Nhìn con khóc lòng tôi cũng quặn lên hỏi Thịnh:

– Giờ phải làm sao?

Thịnh nhìn tôi, cảm giác như anh cũng rất khó trả lời câu hỏi cố quay sang an ủi Bình:

– Con cố chịu một lúc, một lúc nữa là hết đau rồi.

Nghe vậy Bình đột nhiên oà lên khóc. Tôi thấy mắt Thịnh cũng đỏ lên, hai tay cứ bấu vào vạt áo như thể không biết làm thế nào.

– Có nên dùng thuốc giảm đau không? – tôi hỏi

Thịnh mím môi đáp lại:

– Thực ra thì không nên dùng là tốt nhất… nhưng….

Thịnh nói đến đây Bình lại khóc to hơn, thấy con khóc anh luống cuống cuối cùng rút điện trong túi ra, hình như anh gọi trưởng khoa, tôi vừa xoa xoa cho Bình vừa không biết phải làm thế nào cho con bớt đau. Độ mấy phút sau trưởng khoa lên, vừa bước vào trưởng khoa đã quát ầm lên:

– Mỗi cái chuyện đau vết mổ mà mười hai giờ đêm cũng phải gọi cho tôi. Cậu có điên không đấy?

– Nhưng thằng bé đau phát khóc lên rồi.

– Có đứa bé nào đau mà nó không khóc không? Cậu là bác sĩ, chính cậu là người cứng rắn nhất ở cái khoa này, bệnh nhân nào cậu cũng nhất quyết khuyên người ta không dùng thuốc giảm đau, cố chịu, đến bệnh nhân Minh Trang mới hơn hai tuổi cậu cũng không cho người nhà dùng thuốc giảm đau. Khóc lóc một tí thì nó làm sao?

– Nhưng nó không phải bệnh nhân của cháu, nó là con trai cháu.

Tôi đang xoa tay cho Bình, động viên con cố chịu qua cơn đau mà nghe Thịnh nói bất chợt không kìm được mà bật cười. Trưởng khoa thì bất lực nói:

– Đi ra chỗ y tá lấy thuốc giảm đau lại cho nó uống.

Thịnh nghe vậy vội vàng chạy ra ngoài lấy vỉ thuốc cho Bình uống. Trưởng khoa thở dài:

– Cậu cũng thật là, trẻ con nó khóc một chút thì cũng có sao đâu? Khóc một tí đã rối cả lên rồi, uống hôm nay thôi nhé, mai không uống nữa, để cố chịu thôi. Mà sao không về phòng ngủ, y tá bảo tôi cậu cứ đi đi lại lại ở phòng này suốt, cút về nghỉ ngơi đi!

Thịnh khẽ gật đầu cho Bình uống thuốc. Uống xong thằng bé vẫn khóc thút thít một lúc, đến khi đỡ đau một lúc thì mới ngủ ngủ. Khi trưởng khoa đi ra ngoài tôi mới biết Thịnh đang ngồi ở hành lang, hai tay anh úp vào mặt đầy chán nản. Tự dưng tôi thấy lòng chua xót lấy cho anh cốc nước ấm rồi nói:

– Sao anh không về phòng ngủ đi

– Anh không ngủ được, đêm nay là đêm đầu tiên sau ca phẫu thuật, anh không ngủ nổi.

Thịnh lại nói:

– Thật sự, anh không hiểu sao trước kia đối với tất cả các bệnh nhân anh đều cứng rắn được. Nghe tiếng khóc quen rồi, dù khóc to đến đâu anh cũng vẫn khuyên người ta không nên dùng giảm đau. Vậy mà giờ thấy Bình khóc, lòng dạ anh xót lắm, cảm giác nghe tiếng con khóc anh thật sự không chịu được.

Tôi nghe Thịnh nói, bất giác đưa tay chạm xuống bàn tay Thịnh rồi chợt siết lại. Thịnh hơi ngạc nhiên, anh ngước lên nhìn tôi, thế nhưng tôi vẫn không hề rụt tay lại càng siết chặt hơn. Trong khoảnh khắc này, dưới bầu trời đêm đen kia lần đầu tiên tôi thấy mình không còn muốn cô đơn nữa. Suốt mấy năm dài đằng đẵng anh đã chờ tôi, dù biết rõ tôi cự tuyệt anh, dù biết rõ tôi luôn đẩy anh ra nhưng anh vẫn luôn chờ tôi, mặc cho tuyết táp sương sa, mặc cho mưa gió xói mòn, cố chấp đợi chờ suốt khoảng thời gian dài như vậy tôi thật sự không còn muốn cự tuyệt anh thêm nữa. Tôi đã chôn vùi tuổi thanh xuân, giấu kín nỗi lòng, tôi đã ép mình phải quên anh, quên đi tất cả những gì tôi và anh trải qua chỉ bởi hai chữ không xứng. Thế nhưng giờ tôi hiểu ra rồi, ngay khoảnh khắc anh luống cuống vì nước mắt đẫm lệ của Bình tôi đã hiểu ra rồi. Cuộc đời này ngắn lắm, tôi không muốn bỏ lỡ anh thêm một lần nào nữa. Tôi và Thịnh cứ im lặng như vậy, đôi bàn tay siết chặt trong buổi đêm đầy cô đơn. Đột nhiên anh quay sang tôi, đôi môi lạnh lẽo lại đặt lên môi tôi. Giữa hành lang bệnh viện chẳng một bóng người, giữa màn đêm đen bao phù, nụ hôn của Thịnh khiến tôi không làm chủ được trái tim mình nữa. Tôi thấy ở nơi lồng ngực ấy, trái tim vừa thổn thức lại hơi nhói lên. Đột nhiên có tiếng bước chân trên hành lang, tôi và Thịnh khẽ buông nhau ra. Là y tá thay ca trực, dù cho không nhìn thấy nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút xấu hổ liền giục Thịnh về phòng ngủ. Thịnh có lẽ cũng rất mệt cuối cùng cũng đứng dậy đi về phòng của mình. Tôi cũng vào trong nằm ngủ, suốt đêm ấy tôi không sao ngủ nổi, dù cho tôi và Thịnh không nói với nhau câu gì, chỉ là một cái siết tay chặt tôi cũng hiểu mình đã mở lòng rồi. Không cần phải nói nhiều, không cần phải là đao to búa lớn, sau quá nhiều những khổ đau mệt mỏi, tôi thật sự muốn dựa vào anh rồi. Tôi không biết mình làm đúng hay sai, chỉ cảm thấy lý trí đã không thắng nổi con tim nữa rồi.

Những ngày tiếp theo sức khoẻ của Bình phục hồi rất tốt. Trước kia mẹ tôi muốn thuê hộ lý chăm sóc cho Bình nhưng tôi từ chối, vậy nên việc chăm sóc con hoàn toàn là tự tay tôi làm. Thế nhưng vì sự quen biết nên ngoài tôi các cô y tá cũng rất nhiệt tình giúp đỡ tôi và Bình. Thịnh sau ca phẫu thuật cũng đã đi làm trở lại, mỗi lần rảnh anh đều chạy sang thăm Bình rồi còn trông Bình thay tôi để tôi có thể tắm giặt ăn cơm. Có điều công việc của bác sĩ thật sự rất bận, nhiều khi xong việc cũng đến đêm rồi, khi ấy tôi và Bình cũng đã ngủ. Trong bệnh viện, nên dù tôi đã mở lòng nhưng tôi và Thịnh vẫn không có khoảng không gian riêng tư của mình. Có điều chỉ cần mỗi ngày gặp anh, nhìn thấy anh mặc áo Blouse trắng đi qua, đôi khi chỉ là ngây ngốc nhìn vào, đôi khi chỉ là trông con giúp tôi tôi cũng cảm thấy trong lòng giống như có dòng nước mát chảy qua mà không biết tại sao.

Bình nằm viện thêm hơn mười ngày thì được về. Hôm Bình ra viện mẹ tôi cũng lên, sáng lúc mẹ tôi đi làm thủ tục ra viện, tôi đang sắp đồ Thịnh từ ngoài bước vào nói:

– Hôm nay anh nghỉ buổi sáng, sắp xếp đồ đi rồi mình về nhà.

Tôi nghe Thịnh nói thì ngẩn người hỏi:

– Về nhà?

Thịnh gật đầu bình thản đáp:

– Ừ. Chứ em định cho con về nhà trọ sao? Con mới phẫu thuật xong, dù được ra viện thì sức khoẻ cũng vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn. Nhà trọ vừa bí, vừa nóng, môi trường cũng không sạch sẽ nên anh sẽ đưa con về nhà của anh.

– Về nhà anh? Không được…

– Làm sao không được? Mẹ bảo con chuyển nhà trọ con không chịu chuyển, nhà trọ đó thực sự không thể đưa thằng bé về được. Tốt nhất như lời bác sĩ Thịnh nói, tạm thời chưa tìm được nhà trọ thì con mang thằng bé qua đó. Dù sao thì thằng bé cũng mới phục hồi, về nhà cũng vẫn cần theo dõi thêm, có bác sĩ Thịnh cũng yên tâm hơn chứ mình con xoay sở kiểu gì?

Tiếng mẹ tôi phía sau cất lên, tôi nhìn mẹ, lại nhìn Thịnh. Lời mẹ và Thịnh nói không phải không có lý, nhưng tôi và Bình tự dưng về ở với anh tôi thật lòng chưa nghĩ tới. Vả lại dù tôi đã có mở lòng với anh một chút nhưng cả tôi và anh đều chưa từng nói gì với nhau, cũng chưa có hẹn ước gì, về nhà anh… tôi thật sự chưa sẵn sàng. Thịnh thấy tôi như vậy lại nói:

– Nếu em cảm thấy ngại thì anh sẽ ở lại viện, anh ở bệnh viện cũng đi làm suốt rất ít về nhà… nếu em không muốn anh ở nhà thì anh không ở nhà. Dù sao Bình cũng là con anh, anh chỉ muốn điều tốt nhất cho Bình thôi.

Mẹ tôi lại gật gù:

– Thôi quyết định thế đi, giờ cũng không phải lúc để ý ích kỉ, nghĩ cho thằng bé thì tốt nhất nghe lời bác sĩ Thịnh đi. Thằng bé vẫn là bệnh nhân, có bác sĩ theo dõi tốt quá còn gì.

Mẹ tôi đã nói đến như vậy tôi có muốn từ chối cũng không thể từ chối nổi đành đồng ý. Sắp xếp xong đồ mẹ tôi cũng thanh toán xong toàn bộ tiền viện phí. Có điều mẹ tôi phải sang Nhất Hưng để lấy chứng từ nên không đưa tôi về được chỉ có Thịnh chở hai mẹ con tôi về.

Nhà Thịnh nằm ngay ở quận Hà Đông, nhà tuy không to như biệt thự nhưng rất đẹp và ấm cúng. Lúc bước vào nhà không hiểu sao trong lòng tôi luôn nghĩ tôi, Thịnh, Bình thật sự rất giống một gia đình nhỏ. Thịnh dẫn tôi vào phòng, sắp xếp đồ cho tôi rồi mới đi làm. Anh chỉ nghỉ buổi sáng, chiều vẫn còn ca phẫu thuật nên không ở nhà, anh cũng dặn tôi trong tủ có đồ ăn, muốn ăn gì cứ nấu, ca phẫu thuật hôm nay chắc phải kéo dài, chắc muộn anh mới có thể về được. Bình trước nay vẫn ở trong nhà trọ cũ nát, lần đầu được ở một căn nhà thế này con có chút chưa quen cứ lò dò từng bước đi khám phá. Tôi nhìn con, tự dưng bật cười, được ở nhà to lớn thế này còn làm cao, làm mình làm mẩy cái gì. Tôi đúng là có phúc mà không biết hưởng mà, nghĩ lại tự dưng thầm trách mình trước kia sao lại năm lần bảy lượt từ chối Thịnh chứ?

Cả ngày hôm ấy Thịnh không về, tôi và Bình chỉ loanh quanh nấu cơm ăn uống rồi ngủ. Đến tối Thịnh nhắn cho tôi không cần chờ cơm anh, anh ăn luôn ở viện nên đợi Bình ngủ tôi dọn dẹp qua nhà rồi cũng lên giường. Đêm ấy, sau bao ngày ở viện, lần đầu tiên tôi ngủ một giấc ngon đến vậy. Sáng hôm sau nếu không vì điện thoại đổ chuông có lẽ tôi còn ngủ thêm nữa. Tôi bật dậy vội vàng nghe máy, là của giám đốc Hưng, đầu dây bên kia cất tiếng:

– An. Tôi biết đang trong thời gian nghỉ của cô mà làm phiền thế này thì hơi có lỗi. Nhưng hiện tại công ty đang có việc gấp cần cô, dự án rót vốn là cô phụ trách, ở Quảng Ninh đối tác bên Shin đang cần một số chứng từ và bản kế hoạch. Tôi đã soạn thảo sẵn giúp cô, cô có thể cùng cái Hương đi một chuyến xuống dưới Quảng Ninh được không?

Tôi đang ngái ngủ, nghe tiếng Hưng cũng bừng tỉnh hỏi lại:

– Ngay bây giờ sao ạ?

– Đúng vậy, thật sự tôi chưa bao giờ mở lời ra nhờ cô, nhưng việc này là do cô phụ trách, bên Shin lại cần gấp. Có được không?

Tôi còn chưa biết phải đáp thế nào bên cạnh tôi tiếng Thịnh đã cất lên:

– Được. Em đồng ý đi.

Nghe tiếng anh, tôi hoảng hốt nhảy dựng dậy đã thấy anh nằm cạnh mình. Suýt chút nữa tôi đã kêu lên nhưng may còn kịp thời nói với Hưng:

– Sếp chờ tôi một chút ạ.

Nói rồi tôi tắt máy quay sang Thịnh hỏi:

– Sao anh lại ở đây?

– Đêm qua anh về vào đây ngủ luôn. Chắc em ngủ say nên không để ý. Giám đốc của em gọi có việc thì em cứ đi đi, hôm nay anh nghỉ, anh ở nhà trông con.

Tôi định đáp điện thoại lại rung lên, lúc này cũng không còn thời gian để chất vấn Thịnh nữa mà đành nghe máy. Hưng lại nói:

– Tám giờ phải xuất phát rồi, An, cô có thể đi không? Tôi biết tôi làm thế này không đúng, nhưng thực sự… cô giúp tôi lần này được chứ?

Thịnh khẽ nói vào tai tôi:

– Anh bảo rồi, em đi đi, anh hôm nay được nghỉ, giao lại Bình cho anh, anh là bố nó mà, hay em sợ anh ăn thịt nó.

Tiếng Thịnh léo nhéo bên tai thật khiến tôi không chịu được. Vả lại dự án rót vốn bên Shin đúng là do tôi thực hiện, cuối cùng cũng đành phải đồng ý. Bình mới ra viện, nhưng có Thịnh ở nhà tôi cũng đỡ lo một phần, thuốc thang các thứ anh rành hơn tôi, tôi không cần phải dặn dò nhiều chỉ cắm một nồi cháo rồi vội vàng thay quần áo bắt xe đi về công ty. Thời gian quá gấp, tôi cũng không thể ở đây cãi nhau với Thịnh, giờ phải đi đã về sẽ tính sau.

Cái Hương đã chờ sẵn tôi ở đó, tôi với nó cầm sấp tài liệu lên xe của công ty đi theo hướng cao tốc về Quảng Ninh. Đi gấp tôi cũng chưa kịp chuẩn bị gì, trên xe cũng không nghĩ ngợi được nhiều chỉ đọc lại bản kế hoạch của mình. Cũng may khi xuống đến công ty Shin dưới Quảng Ninh, tôi và cái Hương đưa bản kế hoạch, cộng thêm chứng từ và tài liệu Hưng chuẩn bị cuối cùng cuộc đàm phán cũng thành công. Sau khi đàm phán xong bên Shin có mời tôi và cái Hương đi ăn cơm. Thế nhưng tôi từ chối xin phép về khách sạn trước với lý do bị đau dạ dày. Tất nhiên công ty nước ngoài họ không hề từ chối. Tôi liền ra ngoài định nhờ người bên công ty chở về công ty của mẹ tôi. Có điều gọi điện cho mẹ mới biết mẹ tôi đã đi tiếp đối tác ở Quảng Yên nên đành thôi.

Lâu lắm rồi tôi mới trở về Quảng Ninh, suốt một thời gian quá dài giờ tôi mới đặt chân đến nơi này. Ban nãy vì cuộc đàm phán tôi chưa từng nghĩ, giờ đây khi ngồi trên xe, nhìn mấy con phố trong lòng tôi lại trào dâng đầy những cảm xúc. Có đau lòng, có chua xót và có cả căm phẫn. Tôi ngồi trong xe rất lâu, cuối cùng quay sang nói với người lái xe:

– Chở tôi về Hà Tu, số nhà xxx

Người lái xe nghe vậy gật đầu phóng thẳng xe về phía Hà Tu. Tôi ngồi trong xe, nhìn từng con phố, tất cả mọi thứ đã qua, chỉ duy nhất lòng thù hận tôi chưa từng vứt bỏ. Khi xe dừng lại ở căn nhà quen thuộc tôi chợt thấy tay mình đã nắm chặt nắm cửa. Cổng không khoá, ngôi nhà đã bớt cũ kĩ mà khang trang hơn rồi. Tôi ngồi nhìn rất lâu, rất lâu từng kí ức đau thương như cuốn phim cũng cuộn về, nỗi thù hận lại chất chồng không nguôi.

Ngồi rất lâu tôi cũng thấy bên trong có tiếng lạch cạch, từ trong cổng, mụ Hằng bước ra, tôi suýt không nhận ra vì mụ ta đã thay đổi quá nhiều, mái tóc làm xoăn, gương mặt trang điểm đậm, không còn con xe đạp cà tàng mà là con xe ga đời mới. Mụ ta đang nghe điện thoại, tiếng the thé cất lên:

– Thế giờ căn nhà ấy với xe lại đứng tên lại bà ta rồi sao? Sao con ngây thơ như vậy? Đợi khi nào bà ta chuyển cổ phần công ty cho con hãy đưa chứ sao lại đưa sớm như vậy?

– ….

– Con đúng là ngốc mà, nhỡ bà ta không chịu chuyển thì sao?

Tôi mới nghe đến đây cũng biết mụ ta đang nói chuyện với con Ngọc. Nhìn mụ ta, tôi chỉ muốn lao ra bóp chết, nhưng rồi tôi hiểu, cuộc đời tôi chờ đến giây phút này không phải để bóp chết mụ ta, nhẫn được ba năm, nhẫn thêm một thời gian nữa cũng không sao. Mụ ta đang nói chuyện, thấy xe ô tô chắn ngang đường liền buông xe xuống đập vào cửa kính giọng vẫn the thé:

– Ai cho đỗ xe ở đây? Cút.

Người lái xe thấy vậy định hạ cửa kính xuống, cửa kính này chỉ có người bên trong nhìn thấy, người bên ngoài không thể thấy bên trong, tôi thấy vậy liền túm lấy tay anh ta rồi cất lời:

– Đi đi. Tôi có việc gấp cần sang bên Quảng Yên luôn.

***

Lời tác giả: đấy mọi người bảo sao An chưa chấp nhận Thịnh, giờ chấp nhận rồi thì like cho An có động lực đi trả thù nào

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện