Kể từ lúc tôi đi làm, nhân lực trong ngân hàng đã chưa bao giờ dư dả. Tình hình khách quan này yêu cầu nhân viên phải chuyên một thạo mười. Mấy đứa trực quầy như chúng tôi thỉnh thoảng cũng phải ra đảm nhiệm vai trò quản lý sảnh. Tất nhiên, nếu không yêu cầu quá cao thì làm quản lý sảnh dễ hơn làm nhân viên giao dịch nhiều. Có khách thì giúp lấy đơn xếp số. Không có khách thì ngồi bàn đọc báo.

Tuần này đến lượt tôi làm quản lý sảnh. Cuối tuần khách vốn không đông. Tôi pha cho mình một ly thiết quan âm rồi cầm ly lượn quanh đại sảnh: hết sắp xếp tạp chí sách báo, lại dọn dẹp đống chứng từ trống trên bàn điền đơn… Sau khi lượn hết hai vòng, một bóng người bên cây ATM thu hút sự chú ý của tôi. Người đó đứng trước máy ATM rất lâu, rờ hết nút này đến nút nọ. Nhìn cách ăn mặc như dân công kia, tôi chắc mẩm là hắn không biết xài thế nào.

Tôi bước đến hỏi: “Anh muốn rút tiền ạ?”

Người đó ngẩng đầu nhìn tôi, ngơ ra một lúc. Tôi cũng ngơ ngác, không chỉ vì sự chần chừ của hắn, mà còn vì ngoại hình của hắn. Người này hơn hai mươi tuổi một chút, cao ráo mảnh khảnh, mặc bộ đồ rằn ri cũ mèm, tóc dài đến mức che non nửa khuôn mặt. Tuy mặt mũi đen nhẻm lấm lem không biết dính gì, nhưng vẫn có thể thấp thoáng nhìn thấy sự thanh tú của ngũ quan.

Trông hơi quen. Tôi không nhớ nữa. Một người ngày nào cũng thấy hàng trăm khuôn mặt khác nhau như tôi, nhìn ai cũng thấy hơi quen cũng không có gì lạ. Đôi khi đi trên phố, nhìn ai cũng như đã từng gặp qua. Đây là bệnh nghề nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy người này…không phải trông quen theo kiểu “bệnh” nhưng lại thực sự không nhớ đã gặp ở đâu.

“Anh không biết dùng máy rút tiền phải không?” -Tôi hỏi.

Hắn gật đầu.

“Đưa thẻ cho tôi, tôi dạy anh dùng?”

Hắn do dự một lát, cuối cùng vẫn đưa tấm thẻ trong tay cho tôi. Thế là tôi nhìn thấy bàn tay cũng đen nhẻm lem luốc của hắn và những ngón tay thon dài, không rõ khớp ngón.

Tôi làm đúng nghĩa vụ của quản lý sảnh, chỉ dẫn một cách chuyên nghiệp nhưng không nhiệt tình. Tôi nói hắn nên để mặt trước hướng lên, rồi cắm thẻ vào khe theo hướng mũi tên trên thẻ ngân hàng, sau đó ấn vào màn hình để ra lệnh thao tác.

“Giờ nhập mật khẩu?”

Tôi quay người đi.

Qua một lúc vẫn không có tí động tĩnh gì.

Tôi quay đầu lại, quả nhiên hắn không hề cử động lấy một cái.

“Nhập mật khẩu đi?” -Tôi nhắc hắn.

“Không biết!” -Hắn nói.

“Hả? Anh không biết mật khẩu thẻ anh à?” -Tôi thầm nghĩ không biết mật khẩu còn rút tiền cái gì.

“Thẻ nhặt.” -Hắn nói.

“Ừa…” -Tôi cũng rất điềm tĩnh. Đi làm bao lâu nay, loại người gì tôi chưa gặp qua. Còn có người cầm xu trò chơi đến hỏi tôi có đổi tiền được không kìa.

“Đồng chí à, thế này nhé, thường thì khi người khác nhặt được thẻ, chúng tôi hi vọng người đó có thể giao nộp lại cho ngân hàng, để chúng tôi có thể trả lại cho người bị mất…” -Tôi nói.

Hắn không trả lời. Lông mày khẽ nhíu lại, môi mím chặt. Không biết có phải vì căng thẳng hay vì cảm xúc gì khác, mà dường như tôi nghe được tiếng khớp xương kêu lên răng rắc ở đôi tay đang siết chặt của hắn.

“Thế này nhé, anh nhập đại một mật khẩu nào đó, rồi lấy thẻ ra. Thẻ cứ trả lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ liên lạc với người bị mất. Anh để lại phương thức liên lạc, đến lúc đó chúng tôi sẽ bảo chính người bị mất hậu tạ anh.” Thường thì những chuyện thế này đều giải quyết như vậy. Nhưng thẻ hắn cầm không phải thẻ của ngân hàng chúng tôi, nên chúng tôi sẽ không trả lại cho người bị mất, vì chúng tôi không tra được người bị mất là ai. Cơ bản thì sau ba ngày sẽ cắt góc hủy thẻ. Thế này, khi phát hiện mình mất thẻ, người bị mất ra báo mất tại ngân hàng mà y mở tài khoản rồi làm lại thẻ mới là xong việc. Người bị mất ngoài tốn tí tiền báo mất ra cũng không có tổn thất gì. Còn vụ hậu tạ thì chắc chắn là không rồi.

Sau đó, một chuyện vi diệu đã xảy ra.

Sau khi hắn bấm đại sáu con số, máy giao dịch không báo sai mật khẩu, mà còn nhảy thẳng sang giao diện thao tác chính, cũng có nghĩa là mật khẩu hắn nhập đúng rồi.

Mẹ ơi, hên thế? Tôi không khỏi cảm khái.

Hắn cũng rất ngạc nhiên, tiện tay bấm vào nút tra cứu. Không ngờ trong thẻ còn những ba chục ngàn hơn. Rồi lại bấm vào nút rút tiền, chọn 1000. Sau khi máy giao dịch roẹt roẹt tiếng đếm tiền, một xấp tiền lớn màu hồng phấn được nhả ra. Bấy giờ, tôi nhìn hắn, hắn nhìn tôi, đều không biết phải nói gì.

“Thế…thực ra…thẻ này đúng là của anh, phải không?” -Tôi cảm thấy giải thích thế này nghe vừa tai hơn.

Nhưng hắn lắc đầu một cách kiên định.

Thời gian trên màn hình đang đếm ngược, sau ba mươi giây tiền sẽ bị thu hồi.

Hắn cứ thế đứng nhìn tiền, không nói cũng không cử dộng.

“Nếu anh không lấy tiền ra, lát nữa máy sẽ thu tiền lại đấy.” -Tôi nhắc. 

Khi còn lại mười giây, tôi nhìn hắn đưa tay lấy một tờ từ chỗ khe tiền. Chín tờ còn lại bị nuốt trở lại vào bụng máy giao dịch dưới sự chứng kiến của chúng tôi.

Màn hình báo quá giờ thao tác. Thẻ được nhả ra lại.

Hắn đưa thẻ cho tôi, huơ huơ tờ một trăm tệ trong tay, nói: “Chỗ này xem như là tiền hậu tạ mà người mất thẻ cho tôi nha!” -Hắn ngước mắt nhìn tôi. Ánh mắt ngay thẳng như mặt nước không một gợn sóng.

Tôi bó tay toàn tập.

Trên đời này, người tốt người xấu phải phân biệt thế nào, tôi cũng không biết nữa. Nhặt được thẻ trả lại cho ngân hàng đương nhiên là hành vi của người tốt. Nhưng khi hắn biết mình có thể lấy được tiền trong đó, còn ai sẽ làm thế không? Mà người này cầm thẻ người khác đến rút tiền, nhưng trong tình trạng có thể lấy mấy chục ngàn cuối cùng chỉ lấy mỗi 100 tệ, thì tôi phải định nghĩa hắn thế nào đây? Trước giờ tan làm buổi chiều, tôi gửi tin nhắn cho một người đã lâu không liên lạc, muốn hẹn cổ ra ăn cơm. Chính xác người đó trông như thế nào, tôi đã quên rồi. Tôi quen cổ khi bị một bà chị ép đi xem mắt, chỉ mới gặp một lần, sau đó chỉ liên lạc qua tin nhắn. Mấy ngày gần đây đến tin nhắn cũng mất hút. Với những cô gái như thế, tôi thực sự không có hứng thú. Ở bên họ, nghe họ nói về quần áo giày dép phim thần tượng, thường khiến tôi chán đến mức ngủ gật. Cũng vì thế mà toàn bộ những lần xem mắt trước đây đều kết thúc trong thất bại. Họ đều phản ánh là tôi, An Nhiên, chán quá đi mất.

Chị Tào, chủ nhiệm của chúng tôi, rất lấy làm khó hiểu. Chị bảo: “An Nhiên, bình thường em mồm mép như vậy, sao cứ đến lúc làm quen với con gái lại khớp thế? Sự lanh lợi của em đâu hết rồi, mấy câu chém gió vớ vẩn đâu hết rồi? ”

Tôi nói: “Em cũng không biết, em cứ nghe họ nói chuyện là em buồn ngủ, còn hiệu quả hơn cả thuốc ngủ nữa!”

“Thế mày nghe ai nói chuyện mới không buồn ngủ hả?”

“…Quách Đức Cương!” -Một diễn viên Hài ở Trung Quốc.

“Ôi cái tính này của mày! Làm phí cả khuôn mặt…”

Tôi hiểu ý chị Tào. Nhân viên lâu năm nhất cơ quan tôi, bác Phùng gác cửa ngoài cổng từng nói: tôi là người ưa nhìn nhất trong số tất cả nhân viên kể từ khi chi nhánh này được thành lập.

Nhưng đến giờ, những người đến trước hay sau tôi đều đã có người yêu rồi, mà tôi vẫn lẻ loi một mình.

Lúc mới đầu, những người muốn giới thiệu người yêu cho tôi nhiều đến phải xếp hàng. Về sau, có lẽ vì thấy tôi không quá quan tâm, sự nhiệt tình của mọi người cũng dần vơi. Tôi cũng bất lực lắm, không có cô gái nào có thể khiến tôi cảm thấy hứng thú cả. Hẹn hò với họ thì tôi chẳng thà hẹn bạn bè ra uống rượu sướng hơn.

Đồng chí Tiểu Lý cũng từng hỏi tôi một cách đầy khó hiểu: “An Nhiên, lẽ ra thu nhập của ông cũng không thấp, nhân phẩm cũng không tệ, ngoại hình càng không có gì để chê, sao mãi vẫn chưa tìm được bạn gái thế? Chẳng lẽ ông có bệnh gì ư?”

Nếu nó không phải con gái, tôi đã đánh nó từ lâu rồi: “Bà mới bị bệnh á? Tui có bạn gái hay không liên quan gì đến bà? Sao? Bà chấm tui rồi hả?”

Tiểu Lý nghe xong lắc đầu: “Thề với trời là tui ứ thèm… Tui chỉ sợ ông cứ lông bông thế này sẽ gây hại cho xã hội!”

Không sao! Tôi vẫn như một đứa trẻ mười mấy tuổi, cố chấp vững tin là trên đời này nhất định sẽ có một người mà tôi đặc biệt thích. Người đó sẽ xuất hiện một cách thần kỳ hoặc dung dị nào đó. Tôi cũng không biết người đó trông như thế nào, có tính cách ra sao, nhưng chỉ cần tôi nhìn thấy người đó, tôi sẽ biết người đó chính là người mà mình đang chờ đợi.

Trước lúc ấy, tôi chỉ cần yên tâm mà sống là được rồi.

Cuộc sống mà, cần nghiêm túc thì nghiêm túc, cần hời hợt thì hời hợt. Cấp trên giới thiệu người yêu thì thế nào cũng phải nể mặt người ta, đi gặp vài lần, rồi bảo không hợp, dù ngay từ lần đầu chạm mặt tôi đã biết những cô nhóc này không phải là người tôi muốn tìm.

Chờ cả buổi, điện thoại tôi rung lên. Tôi nhìn tin nhắn người ta trả lời là biết lần này lại bể rồi.

Bể cũng tốt, đỡ phải mãi canh cánh.

Tan làm, tôi ung dung đi xe đạp điện về ký túc xá. Lúc đi ngang qua công trường xây dựng ở quảng trường Vạn Đạt, tôi nghe có người gọi tôi từ xa: “Kế toán An, kế toán An…”

Tôi dừng xe lại. Một bóng người mập mạp chạy đến với tốc độ không hề tương xứng với thân hình của ông.

“Ông chủ Kim, ông chậm thôi.” -Tôi nhịn cười nói.

Kim Cương, chủ thầu, khách quen của chúng tôi.

Ông đứng yên, vừa thở hừ hự vừa chỉnh lại mũ bảo hiểm, rồi cẩn thận rút từ trong chiếc túi da nhỏ được cặp dưới nách ra một tờ chi phiếu: “Anh xem xem tấm chi phiếu này của tôi có vấn đề gì không? Người ta vừa mới cho tôi ban nãy, nếu có vấn đề gì tôi tranh thủ tìm hắn đổi lại. Mai hắn phải đi công tác, tầm một tháng tới cũng không về, mà tiền này tôi cần dùng gấp! ”

Tôi cầm tờ chi phiếu ngắm nghía một lúc, kim ngạch hai triệu hơn, tôi tiện miệng hỏi: “Ông chủ Kim, có công trình lớn à?”

Kim Cương bật cười hi hi: “Công trình lớn gì chứ. Chẳng qua là tí việc con người ta chia sót lại. Nhưng, quảng trưởng này nhiều dự án nên việc con cũng nhiều! Chúng tôi đi theo lượm lặt tí cũng đủ làm nửa năm. ”

Tôi trả chi phiếu lại cho ông: “Nhìn thì không có vấn đề gì, chưa ghi tên người nhận, mai đi làm để tôi viết cho ông!”

“Vâng vâng vâng, cảm ơn nha, cảm ơn nha!” -Ông chủ Kim thu hồi lại chi phiếu, cười tít cả mắt.

Ngày hôm sau, ông chủ Kim qua nộp chi phiếu, còn dẫn theo một người công nhân mới sang làm thẻ.

Thế giới nhỏ vậy đó.

Nhìn người công nhân bị đẩy đến trước mặt mình, tôi bèn cảm khái. Chính là cái người đã nhặt được tấm thẻ và lụi trúng mật khẩu nhưng chỉ lấy một trăm tệ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện