Khi tới rừng thông điều tra hiện trường xảy ra vụ án, gặp bà Ba và những người dân trong bản Long Động, suýt nữa thì bị bọn họ đánh cho một trận. May mà, cuối cùng bằng ba tấc lưỡi tôi đã trấn an được họ, bà Ba còn cho tôi biết bản Long Động bị ma núi nguyền rủa, phụ nữ trong bản một khi bị con ma núi nhắm vào, nhất định sẽ bị chết. Nhưng, suy đoán theo những dấu vết ngón tay để lại trên hiện trường, thì ma núi có lẽ là một người đàn ông trung niên chứ không phải là ma quỷ gì. Vì thế, tôi định quay về đồn cảnh sát đọc bút lục về các vụ án trước đây để có thể nắm được nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên, đúng khi sắp về đến đồn cảnh sát thì Tử Điệp nói cho tôi biết, những phụ nữ bị ma núi xâm phạm khi còn sống đều mắc bệnh thần kinh.

Không xem thì không biết, vừa xem đã phải giật mình, thì ra, số lượng các xác chết bị ma núi xâm phạm trong hai chục năm qua lên tới chín mươi sáu, bình quân cứ hai đến ba tháng thì có xác của một phụ nữ bị ma núi xâm phạm.

Cũng có nghĩa là, cứ hai đến ba tháng bản Long Động lại có một phụ nữ trẻ bị chết, đối với một bản nhỏ có tám trăm người cư trú thường xuyên mà nói thì tỉ lệ chết ở mức cao khó mà tưởng tượng nổi. Chả trách dân bản thường đến đồn cảnh sát làm ầm ĩ.

Tôi cẩn thận lật giở đống bút lục về các vụ án cao như đống núi thì biết, những năm tám mươi của thế kỷ trước, dân số cư trú tại bản Long Động chỉ có hơn sáu trăm người, sau đó do phát triển công nghiệp sản xuất nhựa thông thì người nơi khác mới kéo đến khá đông, có một dạo dân số ở bản lên đến hai nghìn người. Nhưng, chuyện ma núi gây xôn xao khắp cả một vùng sản xuất nhựa thông gần như đình đốn. Dân bản cho rằng, chuyện ma núi có thể là do người nơi khác gây ra, nên tư tưởng bài ngoại rất dữ dội, đến nỗi những người nơi khác phải bỏ đi, thêm vào đó tỉ lệ phụ nữ chết rất cao một cách lạ lùng, mặc dù lúc đó họ không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, nhưng tỉ lệ sinh vẫn rất thấp. Do đó, hai chục năm nay, dân số chỉ tăng chưa đầy hai trăm người, và phần đông trong số đó là người vùng khác đến, còn dân số bản địa hầu như không tăng.

Tình hình trên dù xảy ra ở bất cứ nơi nào cũng là một điều khó lòng tưởng tượng nổi, xem ra cần phải xuống bản Long Động điều tra một chuyến, để xem cái gọi là lời nguyền của ma núi rút cục là như thế nào.

Vội vã ăn cả bữa sáng và bữa trưa cùng một lúc, tôi và Tử Điệp xuống bản Long Động điều tra. Đầu tiên, tôi lái xe đi một vòng quanh bản, thấy rằng bản Long Động đúng là rất cũ nát, ở nơi nghèo đói dễ sinh trộm cắp, khi người ta nổi điên thì chuyện gì cũng có thể làm, thường xuyên đến đồn cảnh sát gây chuyện cũng chẳng có gì làm lạ. Tuy nhiên, trong cái bản cũ nát ấy lại có một bệnh viện ra trò, điều này khiến tôi thấy rất lạ lùng. Trong bản chỉ có mấy trăm con người, lại nghèo cùng kiệt, có một trạm y tế cũng đã là tốt lắm rồi, xây dựng bệnh viện ở đây, dù thu phí cao đến cỡ nào chắc chắn cũng không thể nào cân đối thu chi được? Tôi dừng xe trước cổng bệnh viện, thấy người đến khám bệnh rất ít và rất vắng vẻ.

“Bệnh viện này là do dân bản gây sự mà có đấy.” Có lẽ Tử Điệp cũng đoán ra được rằng tôi đang lấy làm lạ là ở đây sao lại có bệnh viện.

“Gây sự mà có? Gây chuyện như thế nào?” Có một bệnh viện ở đây đã là rất lạ lùng, thế mà lại còn do gây sự mà có thì lại càng lạ hơn nữa.

“Chẳng phải tôi đã nói rồi sao, những xác chết bị ma núi xâm phạm khi còn sống đều mắc bệnh thần kinh. Dân trong bản cho rằng đó là vì họ bị ma núi nguyền rủa, còn chúng tôi lại chưa bắt được ma núi, nên họ dã kéo lên huyện, đòi chủ tịch huyện mời thầy đạo sĩ đến bắt ma núi. Nhưng, Chủ tịch huyện làm sao có thể mời đạo sĩ đến để làm những chuyện mê tín ấy được, hơn nữa, mỗi lần ma núi gây án cũng đều bới những xác chết đã thối rữa lên, nên để trấn an dân chúng và cũng là đề phòng bệnh dịch phát tác và lây lan, Chủ tịch huyện đã xin kinh phí để xây đựng bệnh viện này.” Giọng của Tử Điệp khiến tôi có cảm giác cô ấy đang phẫn nộ, có điều ngay lập tức cô ấy đổi sang vui vẻ, nói: “Mỗi một năm, bệnh viện này lỗ mấy trăm ngàn đồng, e chẳng bao lâu nữa sẽ phải đóng cửa mất thôi.”

“Người mắc bệnh tâm thần ở đây có nhiều không?” Tôi hỏi.

“Các bản khác đều bình thường, chỉ có bản Long Động là có số người tâm thần nhiều tới mức đáng sợ, những người điều trị trong bệnh viện này phần đông là mắc bệnh tâm thần.” Nghe Tử Điệp nói, dường như tôi cũng nghe thấy tiếng la hét vọng ra từ bệnh viện.

“Chúng ta vào trong xem đi, biết đâu lại phát hiện ra điều gì đó.” Tôi nói xong bèn xuống xe.

Tử Điệp thò đầu ra khỏi cửa xe, nói với vẻ không được vui: “Một dám người điên thì có gì mà xem, chúng ta nên tranh thủ thời gian đến nơi khác điều tra thì hơn!”

“Trước đây các cô chưa tới bệnh viện này điều tra bao giờ phải không?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

“Đến đây thì có tác dụng gì, trong đó chỉ là một đám người điên thôi mà.” Dường như cô ấy cảm thấy mình rất có lý.

“Vì thế nên hai chục năm nay các cô mới không bắt được ma núi.” Nói xong, tôi mặc kệ cô ấy, quay người đi vào trong bệnh viện. Tôi đi được mấy bước thì nghe thấy tiếng Tử Điệp lẩm bẩm mấy câu tiếp sau đó là tiếng mở và đóng cửa xe, cô ấy đã đi theo tôi.

Trung tâm của bệnh viện Long Động là một tòa nhà sáu tầng trên diện tích khoảng sáu trăm mét vuông, đối với một bản nhỏ như Long Động mà nói thì đây có thể xem như một kiến trúc rất hùng vĩ ít ra thì ngoài bệnh viện này, tôi chưa nhìn thấy ngôi nhà nào cao quá ba tầng. Bước vào đại sảnh, hầu như không còn nghe thấy những tiếng kêu gào nữa, cả đại sảnh rộng lớn trống không chỉ có bốn dãy ghế dành cho người ngồi chờ khám bệnh, nhưng không hề có bóng dáng một người nào.

“Mọi người muốn khám bệnh à?” Một người đàn ông trung niên mặc áo blouse không biết từ đâu bất ngờ xuất hiện, làm tôi giật mình cứ ngỡ là gặp ma giữa ban ngày. Anh ta bước tới trước mặt tôi thì nhìn chăm chăm từ đầu đến chân Tử Điệp, một giây sau thì nói với tôi: “Cô ấy trông rất bình thường, có điều kiểm tra một lần cũng tốt đưa cô ấy tới đây!” Nói xong, anh ta quay người đi, hình như có ý dẫn chúng tôi tới phòng khám thần kinh. Những bệnh viện mà đặt khoa thần kinh ở ngay trong đại sảnh rất ít thấy, xem ra bệnh tâm thần là căn bệnh rất thường gặp ở đây.

Tử Điệp bị coi là người mắc chứng tâm thần một cách bất ngờ, tôi nghĩ hẳn cô ấy rất không vui. Quả nhiên, người mặc áo blouse vừa quay đi, cô ấy lập tức lên tiếng mắng: “Anh mới là người cần phải kiểm tra, cứ gặp ai là coi người ấy mắc bệnh tâm thần, loại lang băm như anh còn không bằng bác sĩ thú ý, đúng hơn còn không bằng loài cầm thú!”

Óc tưởng tượng của Tử Điệp đúng là không tồi, lang băm biến thành bác sĩ thú y, bác sĩ thú y biến thành cầm thú. Chưa cần nói tới quan hệ giữa bác sĩ thú y và cầm thú là quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, cho dù là bác sĩ thú y cũng chưa chắc đã thấp kém hơn lang băm, tưởng rằng người mặc áo blouse sẽ lớn tiếng mắng Tử Điệp, nhưng anh ta lùi về sau hai bước, rồi cố giữ vẻ trấn tĩnh, hỏi tôi: “Khi lên cơn cô ấy có đánh người không? Có cắn người không?” Hóa ra anh ta tưởng Tử Điệp là người mắc bệnh tâm thần đang lên cơn.

Tử Điệp nghe vậy tức giận tới mức định bước đến đánh anh ta, nhưng anh ta vội kêu to: “Mau tới giúp tôi một tay, có người đang lên cơn.”

Để tránh cho Tử Điệp bị coi là điên và bị họ trói lại, tôi vôi xông lên, ôm lấy cô ấy từ phía sau. Song không hiểu do sự xui khiến của thói quen hay là bị sự chi phối của ham muốn nguyên thủy hai tay tôi lại chạm vào chỗ không nên chạm, thế rồi trong lúc não thiếu ôxy tiện tay chộp một cái, ngực của cô ấy rất căng và mềm mại! Sau khi bị tôi “tấn công vào ngực”, Tử Điệp lập tức ngây người ra, người mặc áo blouse cũng sững ra nhìn chúng tôi, tôi cũng không biết mình phải làm gì sau đó.

Bốp! Một âm thanh chát chúa vang vọng khắp đại sảnh, đầu tiên tôi cảm thấy một cơn đau nhói dội lên từ sườn, tiếp đó thì thấy sàn nhà, trần nhà quay tít... sau khi giáng cho tôi một cái tát, Tử Điệp còn đẩy vào lưng khiến tôi trượt chân. Võ nghệ của cô ấy quả nhiên không tồi, nó làm tôi ngã nhoài xuống đất.

Đúng lúc đó có mấy người đàn ông mặc áo blouse trắng từ các khoa răng, cấp cứu và phòng tiêm chạy ra, tạo nên tình huống khá hỗn độn. May sao tôi vẫn chưa bị Tử Điệp đẩy ngã đến chết, nên tôi cứ nằm trên đất chìa thẻ cảnh sát ra. Tuy nhiên, việc làm ấy lại mang lại hiệu quả ngược lại, bốn người khoác áo blouse trắng cứ tưởng rằng Tử Điệp là bệnh nhân tâm thần phạm tội. Phen này Tử Điệp bị tóm đến nơi rồi, còn cánh tay phải đáng thương của tôi thì vẫn đang bị cô ấy túm lấy...

Sau mộ thồi ầm ĩ, cuối cùng tôi cũng giải thích rõ ràng với những người mặc áo blouse trắng rằng Tử Điệp không mắc bệnh tâm thần, chúng tôi là cảnh sát đến để điều tra, chỉ tại chúng tôi không mặc sắc phục cảnh sát nên mới dẫn đến chuyện hiểu lầm lớn như vậy. Đáng thương cho cánh tay phải của tôi bị Tử Điệp trong lúc tức giận vặn đến suýt gãy, cũng may bệnh viện tuy ít nhân viên điều trị nhưng thiết bị khá đầy đủ. Sau khi chụp phim, phát hiện không bị gãy xương mà chỉ là bị trẹo khớp, vì vậy tôi phải đeo băng treo lên cổ để cố định cánh tay.

Có lẽ thấy rằng mình đã gây ra chuyện lớn nên Tử Điệp không nói gì về việc bị tôi “tấn công vào ngực” nữa, mà cứ đỏ bừng mặt đi theo sau tôi. Sau khi xử lý cánh tay xong, chúng tôi tới tìm người mặc áo blouse trắng ở khoa tâm thần để tìm hiểu tình hình.

“Tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc vừa rồi.” Người mặc áo blouse trắng nhìn cánh tay phải đeo băng treo lên cổ của tôi rồi lại nhìn Tử Điệp ở phía sau lưng tôi và nói, không hiểu là anh ta muốn xin lỗi về việc hiểu lầm Tử Điệp là bệnh nhân hay xin lỗi về việc đã khiến tôi bị làm cho trẹo khớp xương tay.

“Không có gì nghiêm trọng đâu, hơn nữa cũng không ảnh hưởng gì đến xương cốt.” Tôi nhìn vào tấm biển nhỏ có ảnh và họ tên của anh ta đặt ở trên bàn, biết được anh ta tên là Hoàng Dực Phi, vì thế bèn hỏi: “Bác sĩ Hoàng, anh là người của bản này à?”

“Vâng, trong bệnh viện có mấy bác sĩ đều là người của bản này, những người nơi khác ngoài việc đến đây thực tập thì chẳng ai muốn ở lại cái nơi quỷ quái này.” Trong giọng nói của anh ta không giấu nổi vẻ chán nản khó tả.

“Là vì chuyện ma núi à?” Tôi hỏi.

“Vâng, bản này bị ma núi hủy hoại rồi, chà...” Anh ta vừa thở dài vừa kể về tình hình của bản Long Động cho tôi nghe:

“Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ông trưởng bản đã giúp cho cả bản đều đổi sang họ Hoàng. Vì có chính sách ưu đãi đối với dân tộc thiểu số, nên cái bản nhỏ bé của chúng tôi cũng có được mấy sinh viên đại học. Lúc đó, bản của chúng tôi đến cả một trạm xá cũng không có, muốn được bác sĩ khám cho phải đi tới cả chục cây số rất không thuận tiện, vì vậy tôi đã đăng ký học y khoa. Vốn dĩ tôi học ngoại khoa, nhưng chưa học hết năm thứ hai thì ma núi xuất hiện, trong bản bỗng dưng có rất nhiều phụ nữ mắc bệnh tâm thần. Vì khoản tiền cho tôi đi học phải vay mượn của bà con và bạn bè thân thích khắp nơi, trong số đó có mấy người bà con cũng có vấn đề về tâm thần, vì thế cha mẹ tôi bảo tôi chuyển sang học khoa tâm thần.

Khi tôi thực tập xong và trở về thì số phụ nữ mắc chứng tâm thần trong bản còn sống sót cũng gần chục người, những người đã chết thì cũng là hơn chục người, tiếp sau đó mỗi năm có khoảng năm, sáu phụ nữ trẻ tự nhiên bị điên. Không biết có phải là tại tay nghề của tôi chưa cao hay không mà hơn chục năm nay rồi vẫn chưa thể nào làm rõ nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh của họ. Ngoài lời nguyền của ma quỷ, tôi không thể nào nghĩ ra được bất cứ sự giải thích hợp lý nào.

Lúc mới đầu tôi nghi ngờ đó là do chứng cuồng loạn tập thể và dùng thử các phương pháp như thôi miên để chữa cho họ, nhưng không có hiệu quả gì. Hơn nữa, những người mắc chứng bệnh này phần nhiều sau nửa năm hoặc một năm thì sẽ chết. Thông thường, bệnh tâm thần không làm cho người bệnh tử vong trong thời gian ngắn, nhưng những triệu chứng của họ là triệu chứng của bệnh tâm thần rất rõ.

Vì mãi cũng không xác định được nguyên nhân gây bệnh, nên đại đa số phụ nữ trong bản đều bỏ đi nơi khác, những người ở lại cơ bản đều bị điên. Những người bỏ đi cũng chẳng khá hơn là bao, theo như tôi được biết thì trong số đó có mấy người sau khi bỏ đi vẫn cứ bị điên."

“Những người bị điên đều là phụ nữ?” Nghe xong lời kể của bác sĩ Hoàng Dực Phi, tôi bèn hỏi.

Anh ta đáp: “Vâng, đều là phụ nữ, người thì gần mười tuổi, người thì ba mươi hoặc bốn mươi tuổi, nhưng tất cả đều là phụ nữ, không hề có một người đàn ông nào, con nít và bà già cũng không. Vì những người bị điên đều là phụ nữ tuổi từ mười đến bốn mươi tuổi và càng xinh đẹp càng dễ bị mắc bệnh, vì vậy mọi người lại càng tin rằng có lời nguyền của ma quỷ.”

“Liệu có phải là do nguyên nhân kết hôn cận huyết thống không?” Giả thuyết lời nguyền của ma quỷ rất khó thuyết phục, toàn bộ dân chúng trong bản Long Động đều là họ Hoàng, hôn nhân cận huyết thống dẫn tới sự khiếm khuyết về gen của những đứa trẻ khi sinh ra là khả năng khá cao.

Tuy nhiên, sự suy đoán của tôi lập tức bị bác sĩ Hoàng Dực Phi phủ định: “Suy nghĩ này của anh cũng rất hợp tình hợp lý, vì cả bản tôi đều mang họ Hoàng. Có điều, có lẽ anh chưa biết, thự ra dân bản tôi vốn không phải đều mang họ Hoàng, đó là vì đầu những năm, để đổi sang dân tộc Dao, mọi người mới phải đổi họ. Tôi cũng đã từng nghe như vậy, mặc dù người trong bản ít nhiều cũng có quan hệ họ hàng xa gần, nhưng đại đa số những người mắc bệnh không hề có quan hệ hôn nhân cận huyết thống từ ba đời, vì vậy không có khả năng này.”

Chỉ có phụ nữ mới mắc bệnh, cũng không phải do nguyên nhân hôn nhân cận huyết thống, vậy thì do nguyên nhân gì nhỉ? Anh ta đã suy nghĩ về vấn đề này suốt hơn chục năm mà cũng chưa nghĩ ra, vậy thì làm sao tôi có thể giải quyết nó ngay trong một chốc một lát! Có lẽ Lưu Niên sẽ giúp được cho tôi, có điều tôi phải hỏi rõ bệnh chứng của các bệnh nhân đã.

Bác sĩ Hoàng đưa cho tôi xem hồ sơ bệnh án của mấy người bệnh, đáng tiếc trong đó toàn viết bằng “chữ của sao hỏa”, loằng ngoằng như phù chú của ma quỷ, tôi nhìn một hồi lâu cũng không hiểu, vì thế bèn bảo bác sĩ Hoàng nói cho tôi biết.

Dường như suy nghĩ một lát xong, bác sĩ Hoàng mới nói: “Triệu chứng chính giai đoạn đầu của người bệnh là đau đầu, mất ngủ, hay quên, lo lắng và hay mơ, phần lớn bệnh nhân mơ thấy bị ma núi cưỡng hiếp. Đến giai đoạn thứ hai thì sẽ là các triệu chứng chân tay tê dại, cơ thể thiếu sức lực, thậm chí xuất hiện ảo giác, hầu hết người bệnh đều nói rằng nhìn thấy ma núi đến đưa mình đi. Đến giai đoạn cuối thì suy thận nghiêm trọng, cuối cùng suy thận và hội chứng bùng phát dẫn đến tử vong.”

Hồi tôi đang yêu Tiểu Na cũng đã từng nghe nói đến một số thứ có liên quan đến bệnh thần kinh, những triệu chứng giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai mà bác sĩ Hoàng nói đến đều là triệu chứng của bệnh tâm thần điển hình, nhưng triệu chứng suy giảm chức năng thận giai đoạn cuối thì tôi chưa nghe thấy Tiểu Na nói tới bao giờ. Xem ra, lại phải nhờ đến cô người yêu cũ rồi.

Sau khi rời bệnh viện, tôi liền gọi điện cho Tiểu Na kể cho cô ấy về tình hình của bản Long Động, rồi hỏi cô ấy có phải họ đã mắc bệnh tâm thần không. Tiểu Na trả lời qua điện thoại: “Tình hình đó rất hiếm thấy, em không thể trả lời anh rõ ràng được. Thông thường, suy giảm chức năng thận do thần kinh gây nên rất ít gặp, chuyện cả một tập thể mắc phải những triệu chứng giống hệt nhau như anh nói, em chưa nghe thấy bao giờ. Chứng suy giảm chức năng thận không giống như cơn buồn nôn hay hắt hơi thông thường, người bệnh qua quan sát thì có thể biết được, hơn nữa còn dẫn tới những phản ứng giống nhau. Suy giảm chức năng thận là một thuật ngữ khoa học chuyên ngành, những người bệnh thông thường không thể nào chỉ nghe tên đã biết nó là gì, cứ cho là sau khi nhìn thấy những triệu chứng của người khác, rồi sau đó có những triệu chứng tương tự thì kết quả sau xét nghiệm kĩ càng cũng không thể nào giống nhau. Vì thế, tình hình mà anh nói, em thấy không có khả năng là chứng cuồng loạn tập thể.”

Không phải là chứng cuồng loạn tập thể, vậy thì là gì nhỉ? Để nhanh chóng điều tra xem đó là gì, sau khi kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tiểu Na, tôi bèn gọi cho Lưu Niên, rồi cho anh ấy biết tình hình cụ thể ở đây. Anh ấy suy nghĩ một lúc rồi cho tôi một câu trả lời rất lạ lùng: “Nếu tôi đoán không nhầm thì bọn họ có lẽ đã bị trúng độc!”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện