Tháng chín năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ năm (1048), nhà tôi mở rộng sản xuất bông ở Châu Lạng. Thực ra đó là mảnh đất từ một con nợ của anh Phú. Y chưa tìm hiểu hết thị hiếu của người dân ở đó, liền bỏ ra một số tiền lớn để nhập vải của nhà tôi, định bụng sẽ xuất sang Đại Tống kiếm lời. Nhưng không may cho y, người mà y giao thương lại là một kẻ bịp bợm, chẳng những không chia chác tiền lời mà còn giật luôn tiền vốn. Đến kỳ thanh toán cho nhà tôi thì không còn một xu. Anh Cát cũng không muốn dồn y vào đường cùng, liền ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ đất đai của y ở châu Lạng với giá “Hữu nghị”, y không còn cách nào đành phải đồng ý. Về phía anh Cát, nhận thấy phần đất nơi đó phù hợp cho cây bông vải phát triển, nên liền thuê người quy hoạch, chuẩn bị gieo cấy đợt cây giống đầu tiên.

Đáng lí anh cả sẽ ra châu Lạng để coi sóc việc canh tác ngoài kia. Nhưng không ngờ ngay lúc này đây nhà tôi lại có chuyện vui – chị cả mang thai.

Có lẽ lâu lắm rồi nhà tôi mới có một chuyện đáng ăn mừng như thế này. Tôi được gả về đây một năm ba tháng rồi cũng chưa khi nào thấy anh chị cả cười nhiều như vậy. Chẳng những anh chị cả vui, tất cả tôi tớ trong nhà từ trên xuống dưới cũng đều mừng cho bà chủ. Tôi thì cứ mãi tò mò không biết trong bụng mình khi có thêm một sinh linh, sẽ biến đổi như thế nào?!

Tuy nhiên việc đi ra châu Lạng cũng không thể tránh khỏi. Chị cả lần đầu mang thai, sức khỏe không được tốt nên cuối cùng anh Phú quyết định không ra Châu Lạng nữa mà tìm người thay thế. Đó phải là người giỏi giang và tín cẩn thì mới có thể khiến anh cả yên lòng. Chọn tới chọn lui cũng không thấy ai thích hợp, cuối cùng anh Cát tình nguyện ra ngoài ấy để coi sóc mọi việc. Chuyến đi này chưa biết kéo dài bao lâu, nhanh thì sáu tháng, chậm thì vài năm. Tôi xin đi theo nhưng anh nhất quyết không cho.

Xuân Mai vốn dĩ là hầu gái thân cận của Cát, phải theo anh ra ngoài ấy để chăm sóc cậu ba. Nhưng không hiểu sao chị cả lại không cho nàng ta đi mà đề nghị với tôi để Nhược Lan thay thế, Nhược Lan cũng không có vẻ gì là muốn thoái thác nên tôi đành để chị ấy đi.

Chưa tròn một tháng nhưng tôi thấy tâm tư ũ dột vì thiếu vắng Nhược Lan. Lúc còn chị ấy bên cạnh thì dù tôi có buồn bã cỡ nào chị cũng kiếm chuyện để làm tôi cười. Bây giờ chị ở tít ngoài kia, không biết có cùng ai tâm sự được hay không. Tôi trong này cũng không thể giãi bày chuyện gì cùng Xuân Mai, chị ấy mặt mày lúc nào cũng dường như vô cảm.

Chị cả thấy tôi buồn bã lại nghĩ tôi vì thương nhớ Cát nên mới thành ra như vậy nên hết lời an ủi tôi. Tôi ngoài mặt ừ ừ gật gật nhưng trong lòng vẫn chẳng khá hơn. Có lẽ những lúc tôi cảm thấy khá nhất là khi ngồi cùng chị cả may áo cho cháu bé sắp chào đời. Dù gì sau này tôi cũng sẽ sinh con, sẵn nhân dịp này tập may, để đến lúc tôi mang thai có thể chuẩn bị cho con tôi thật tốt.

Chị cả thấy tôi có vẻ cũng thích may vá, liền đề nghị: “Chân à, sau em không thử may áo cho chú ba đi. Lúc chú ấy quay về đây thấy chiếc áo do chính tay em may, hẳn sẽ rất thích.”

Tôi cúi đầu thẹn thùng, nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị vải vóc, kim chỉ để may áo cho anh.

Dạo trước lúc anh Cát ra Châu Lạng cũng đối xử với tôi thân thiết hơn trước. Nếu trước kia anh chẳng bao giờ quan tâm hỏi han đến tôi thì dạo này anh còn biết hỏi tôi đã ăn cơm chưa, hôm nay tôi có chuyện gì không – mặc dù những câu hỏi đó đều thông qua Nhược Lan. Nhưng không sao hết, miễn anh chịu quan tâm đến tôi là tôi cảm thấy rất vui rồi.

Giữa tháng chín gia nhân từ Châu Lạng chạy về Hải Đông báo tin, ngoài kia ngay đợt bão, chắc những cây giống mới gieo không cầm cự nổi.

Anh cả gửi thư kêu anh Cát về, nhưng Cát nhất định không về, còn nói sẽ lo lắng ổn thỏa việc ngoài kia.

Tôi lo cho Cát và Nhược Lan, lo cả những ruộng bông mà anh dồn tâm huyết vào đó. Suốt mấy ngày tôi nằm trằn trọc không ngủ được, cuối cùng đành đánh bạo xin anh cả cho tôi ra Châu Lạng. Ban đầu anh cả không đồng ý, nhưng chị cả cũng xin cho tôi. Cuối cùng anh cả mềm lòng, cho tôi ra đó với mọi người.

Nhưng tôi xin anh cả đừng nói gì với anh Cát để anh được dịp bất ngờ. Ngày tôi đến Châu Lạng trời đã qua cơn bão, nhưng những cơn mưa vẫn liên tục đến như muốn nhấn chìm cả vùng núi này. Nhược Lan đang quét nhà trông thấy tôi mừng còn hơn gặp được vàng, buông cả cây chổi đang cầm trên tay chạy đến ôm lấy tôi òa khóc. Tôi cũng nhớ chị ấy đến mức nước mắt ngắn dài. Lần này Xuân Mai vẫn đi theo tôi, có vẻ những ngày qua gần gũi nhiều cũng khiến chị ấy cởi mở hơn một chút.

Tôi nói với Nhược Lan tôi đang may áo cho anh Cát, Nhược Lan đưa vẻ mặt đầy ngạc nhiên nhìn tôi. Hỏi tới hỏi lui một lúc Nhược Lan lại hỏi tôi: “Cô hai, vậy cô căn cứ theo áo của cậu ở nhà mà may đúng không?”

Nghe chị ấy hỏi mà tôi chưng hững: “Sao phải cần mẫu? Chẳng phải là mình nhắm thế nào thì may thế ấy sao? Lúc em may đồ cho con anh chị cả cũng đâu cần ướm thử đâu.”

Nhược Lan như không tin vào tai mình, kêu lên: “Ôi cô của tôi ơi. Người kia là em bé chưa ra đời, cô chỉ cần may theo những gì cô nghĩ, em bé nhỏ như vậy, trước sau gì cũng mặc được. Nhưng cậu là một người trưởng thành, cao lớn như vậy nếu cô không đo thử, nhỡ rộng chật thì biết làm sao?”

Tôi như kẻ lâu năm sống trong bóng tối lần đầu được nhìn thấy mặt trời, như kẻ dốt đặc cáng mai lần đầu tìm đến chân lí, mặt cứ thộn ra: “Chị nói em mới hiểu ra. Vậy bây giờ em biết làm sao đây?”

Nhược Lan chống cầm suy nghĩ một lúc rồi à lên: “Đúng rồi, cô thử vô phòng cậu, mượn đỡ một chiếc áo của cậu rồi về căn cứ theo đó mà may thử.”

Tôi nghe Nhược Lan nói mà gật gù thầm khen chị ấy thông minh. Thế là tôi giao nhiệm vụ ấy cho Nhược Lan vì bình thường chị cũng hay vào phòng anh dọn dẹp. Trước khi chị ấy đi lấy áo tôi còn cẩn thận dặn dò: “Chị lấy cái nào anh Cát ít mặc, không thôi anh ấy phát hiện ra lại mắng chúng ta.”

Nhược Lan vô rồi lại nhanh chóng quay ra, trên tay còn cầm theo một chiếc áo màu xám. Chiếc áo đó tôi thấy rất quen… đúng rồi, đó chẳng phải là chiếc áo anh mặt trong lần đầu tiên đi chèo thuyền cùng Tú Bình trên sông Bùng năm ngoái hay sao. Từ lúc về làm vợ anh tôi chưa từng thấy anh mặc lại nó, không ngờ anh vẫn còn mang theo bên người. Nếu vậy có lẽ anh xem chiếc áo kia rất quan trọng, nếu tôi mượn thể nào anh cũng biết, không khéo lại xảy ra chuyện. Tôi vội vàng quay vào phòng anh, nhét chiếc áo lại nơi đáy tủ, không ngờ phát hiện rất nhiều lá thư còn niêm phong. Tôi cầm một lá lên xem, người nhận là chị Tú Bình. Chẳng lẽ anh từng gửi thư mà chị Bình không nhận được nên thư trả về. Tôi đang phân vân không biết nên làm sao thì Nhược Lan ngoài cửa nói vọng vào: “Cô ơi nhanh lên, cậu sắp về tới rồi.”

Tôi tò mò lấy đại một lá thư nhét vô trong áo rồi ra khỏi phòng Cát. Thôi thì việc may áo tôi sẽ căn cứ theo những gì tôi nghĩ về anh, hy vọng anh sẽ mặc vừa.

*

*  *

Anh Cát quay về nhà, không như những gì tôi hình dung, khi trông thấy tôi chẳng những anh không vui mà còn tỏ vẻ khó chịu: “Sao cô ra đây làm gì? Lại còn không nói với tôi lời nào. Ngoài này mưa gió liên miên, thời tiết khắc nghiệt, rủi trên đường đi cô xảy ra chuyện thì tôi biết làm sao?”

Tuy giọng điệu anh có vẻ cau có nhưng tôi tin anh chắc chắn đang lo lắng cho tôi. Chẳng phải anh vừa nói sợ tôi gặp chuyện không hay trên đường đi tới đây hay sao. Tôi vui vẻ tiến đến gần anh, ngẩng mặt lên cười trừ: “Em xin lỗi. Chỉ tại em không muốn làm anh lo nên mới âm thầm ra đây. Nhưng bây giờ em vẫn an toàn đó thôi, anh đừng giận nữa nhé!”

Cát định nói thêm gì đó nhưng khi nhìn thẳng vào tôi anh lại lập tức quay đi chỗ khác. Thề với trời, dường như tôi có thấy mặt anh thoáng đỏ lên trong tích tắc.

“Nhược Lan, đi chuẩn bị một phòng cho mợ ba đi.”

Cát lập tức quay sang Nhược Lan và đổi chủ đề. Nhược Lan ngơ ngác: “Dạ thưa, mợ không ở chung phòng với cậu sao?”

Huỳnh Cát bị Nhược Lan hỏi có vẻ hơi cứng họng, nhưng anh lại nhanh chóng chuyển sang sự khó chịu: “Đã ở chung phòng bao giờ? Còn không mau đi chuẩn bị.”

Nhược Lan bị mắng tiu ngỉu như một con mèo, lúc đi ngang tôi chị ấy còn lầm bầm: “Rõ ràng lúc về Diễn Châu đã ở chung phòng rồi, sao có thể xem như không được.”

Tôi nghe Nhược Lan nói mà ngượng hết cả mặt. Lúc đó chúng tôi ở chung với nhau cũng hơn mười ngày chứ không ít. Cảm giác khi có anh nằm ở bên mỗi đêm, nhất là vào những đêm mưa càng khiến cho tôi cảm thấy ấm lòng. Nhưng không biết khi nào anh mới mở lòng ra với tôi, đối đãi giống như lần đầu gặp nhau ở Diễn Châu ngày đó.

Đêm đó, tôi nằm mơ, thấy anh Cát của hơn một năm về trước, lúc vì cứu tôi mà bị thương một mảng lớn ở tay. Tôi òa khóc nhưng anh lại hào sảng xoa đầu tôi: “Nhóc à, nam nhi không được dễ dàng rơi lệ như vậy.” Rồi tôi thấy Cát chèo thuyền cùng với Tú Bình, tôi buồn bã dõi theo mà không để ý đến mức rơi xuống nước. Trong lúc tôi vừa đau khổ vừa tuyệt vọng, bỗng có một bàn tay nắm lấy tay tôi. Trong thoáng chốc cả thân hình ấy ôm chặt lấy tôi tại cây đa đầu làng và nhẹ nhàng đặt lên môi tôi một nụ hôn thật say sưa. Tôi đã hôn rồi sao? Điều đó thật ngọt ngào. Nhưng người ấy lại vội vã rời xa tôi, không lời từ biệt. Tôi cố chạy theo, cố với lấy cánh tay ấy nhưng càng lúc càng xa…tôi hoảng hốt kêu tên anh đến khản cả giọng nhưng anh không quay lại nhìn tôi một lần.

Tôi có cảm giác có người lay tôi dậy, tôi bàng hoàng tỉnh giấc, nước mắt còn đọng lại trên mi. Người lay tôi không ai khác ngoài Cát.

Sao một lúc hoàng hồn, tôi hỏi: “Sao anh lại ở đây?”

Cát buông đôi tay anh đang đặt trên vai tôi xuống: “Lúc tôi đi ngang phòng cô nghe tiếng cô ú ớ trong này. Sợ cô xảy ra chuyện gì nên tôi vào xem thử. Thì ra cô chỉ nằm mơ. Chỗ lạ khó ngủ lắm à?”

Tôi đưa tay lau giọt nước mắt còn đọng trên mi, gật đầu: “Chắc em chưa quen. Nhưng em không sao đâu, anh yên tâm. Cảm ơn anh đã quan tâm em.”

Cát đứng dậy, phủi phủi cho quần áo thẳng thóm rồi nói với tôi: “Vậy thì tốt. Nếu cô thấy khó ngủ thì kêu Nhược Lan vào phòng ngủ cùng, sẽ đỡ sợ hơn.”

Tôi vâng vâng dạ dạ rồi nhìn theo lưng anh. Lúc anh gần ra đến cửa, chợt anh cất tiếng hỏi, dù đầu vẫn không ngoảnh lại nhìn tôi: “Trung… là ai? Tôi nghe cô kêu rất nhiều lần cái tên ấy khi gặp ác mộng.”

Anh đứng yên vài giây vẫn không thấy tôi có ý định trả lời nên cuối cùng bỏ ra ngoài. Tôi thấy lòng mình thật hoảng loạn. Chẳng lẽ tôi nhớ anh ta đến mức gọi tên anh cả khi đang mơ, lại càng không hay khi Cát cũng chứng kiến tất cả. Tôi không biết Cát sẽ nghĩ như thế nào, có hoài nghi điều gì chăng. Khó khăn lắm Cát mới quan tâm tôi một ít, không biết có vì chuyện này mà anh lại lãnh đạm với tôi như lúc trước hay không? Lý Nhật Trung – anh biểu tôi phải làm sao đây? *

*  *

Tôi bắt đầu ra ruộng bông vải để xem mọi người trồng nó như thế nào. Những cây bông vải đang độ trưởng thành, cao khoảng bằng đầu gối tôi, lá xanh mướt cả một vùng. Những người nông dân cắm cúi nhổ cỏ, tưới nước, thấy tôi vừa nhìn vẻ lạ lẫm vừa tò mò. Anh Thuần, quản lý khu này bèn gọi mọi người lại, giới thiệu tôi cho tất cả biết: “Mọi người nghe tôi giới thiệu, đây là mợ ba, vợ của cậu ba Huỳnh. Mọi người sau này gặp mợ thì phải lễ phép chào hỏi có biết không?”

“À, thì ra là mợ ba. Trông mợ ba trẻ quá, tôi không nghĩ mợ đã có chồng.”

“Mợ ba sau này nhớ chiếu cố cho bà con chúng tôi nhé.”

“Nhìn mợ ba và cậu ba thật xứng đôi.”

Trong số những câu nói chào hỏi đó, tôi tự thấy câu “Nhìn mợ ba và cậu ba thật xứng đôi” là giả dối nhất. Anh Cát và tôi một trời một vực như vậy, chẳng xứng đôi một tí nào. Tuy vậy tôi vẫn vui vẻ bật cười, nhận hết lời khen của mọi người. Đến khi nắng bắt đầu chói chang hơn, Nhược Lan kêu tôi vào chòi ngồi nghỉ ngơi. Tôi nghe lời Nhược Lan vào chòi ngồi, chị ấy lấy ra một giỏ điểm tâm chuẩn bị sẵn cho tôi. Nào là bánh nếp, bánh giò, bánh bao, bánh hạnh nhân,… tôi vừa cầm một miếng bánh lên cho vào miệng thì thấy từ xa một đứa bé gái, tuổi độ ba bốn, quần áo lấm lem, đứng nhìn chiếc bánh trên tay tôi mà nuốt nước bọt.

Tôi đưa tay lên vẫy vẫy em vào đây nhưng em ấy vẫn đứng yên không nhúc nhích. Thấy vậy tôi liền đứng dậy, tiến về phía em. Em bé thấy tôi, có vẻ sợ hãi nhưng không bỏ chạy. Tôi lại gần, ngồi xổm xuống chỗ em: “Em bé, muốn ăn cái này đúng không?”

Tôi cầm cái bánh bao huơ qua huơ lại trước mặt em. Nhìn đôi mắt em long lanh lên trông theo bánh nhưng không dám mở miệng tôi vừa thương vừa buồn cười. Tôi không trêu em nữa, dúi hẳn cái bánh vào tay em: “Em ăn đi, bánh ngon lắm.”

Em ấy nhìn bánh trên tay rồi lại nhìn lấy tôi, đôi mắt rưng rưng: “Có thể ăn sao?”

Tôi mỉm cười gật đầu.

Em ấy lập tức đưa bánh lên miệng cắn một cái rõ to,vừa nhai nhuồm nhoàm, vừa xuýt xoa: “Bánh ngon quá. Con cảm ơn mợ ba.”

Tôi nghe em nói mà không khỏi chạnh lòng. Lúc bằng tuổi em dường như cha mẹ không để tôi thiếu thốn thứ gì. Chưa bao giờ tôi trân trọng một cái bánh bình thường đến như vậy. Bất giác tôi thấy lòng cay cay. Tôi đứng dây, bế em lên và tiến đến chòi, bày ra cho em hết chỗ bánh tôi đem theo: “Cho em hết đó, đem về từ từ ăn nhé!”

Em bé mắt sáng rỡ, nhưng sau đó lại xịu xuống: “Con cảm ơn mợ, nhưng con không nhận được. Mẹ con sẽ mắng con.”

Tôi vừa định hỏi bé mẹ em là ai thì có một chị nông dân, nước da ngăm ngăm chạy về phía tôi: “Dạ mợ ba cho tôi xin lỗi. Tôi lo làm ngoài kia không biết con bé nhà tôi đến làm phiền mợ.”

Tôi vỗ vỗ đôi má gầy gò của em ấy, lắc đầu: “Không phiền không phiền đâu. Bé ấy rất ngoan mà. Chị là mẹ của em à? Em tên gì, bao nhiêu tuổi thế chị?”

Chị nông dân kia lễ phép trả lời tôi: “Dạ đúng là con của tôi, nó tên Lê Khiết An, năm nay lên năm rồi thưa mợ.”

Tôi nhìn con bé không có vẻ gì là đã lên năm mà thấy trong người nặng trĩu. Qua lời kể của mẹ Khiết An, tôi biết cả nhà em ấy quê ở Thiên Đức, vì hạn hán mất mùa nên trôi dạt đến Châu Lạng rồi trở thành nông dân cho nhà tôi. Hai vợ chồng đều đi làm, Khiết An không ai chăm sóc nên hằng ngày đi theo cha mẹ ra đây. Lúc rảnh bé hết đi hát trái rừng lại chơi đùa cùng mấy con bù nhìn giữa ruộng làm vui. Tôi nhìn bộ quần áo rách bươm Khiết An mặc trên người mà thấy thương cho cô bé!

Hôm đó tôi về tới nhà liền đi ra cửa tiệm, chọn vài khúc vải và đặt may cho em mấy bộ đồ. Tôi nghĩ em thấy những bộ đồ này sẽ nhảy lên vì vui sướng cho mà coi. Tôi còn đặc biệt dặn Nhược Lan làm mấy món bánh lạ để mang đến ruộng bông cho em. Trong lòng tôi hồ hởi gặp em biết bao nhiêu.

Nhưng khi tôi đến ruộng bông thì em không còn ở đó nữa. Hỏi ra thì mới biết mẹ em bị bệnh nặng nên cả nhà quyết định về lại Thiên Đức để gần bà ngoại. Tôi cầm mấy bộ quần áo trên tay, nước mắt từ đâu rơi ra không ngớt.

Lúc tôi quay về nhà thì thấy thân ảnh bé nhỏ quen thuộc đang đứng chờ ở cửa. Vừa trông thấy tôi, em mừng rỡ chạy lại, nhưng không dám chạm vào người tôi. Tôi không ngại ngần ôm lấy em, siết thật chặt.

“Chị ra ruộng bông tìm em nhưng không gặp, tưởng rằng không còn cơ hội gặp lại em.”

Cha Khiết An dìu mẹ em tới gần tôi, buồn bã nói: “Gia đình tôi định sáng hôm nay sẽ về Thiên Đức. Nhưng con bé nhất quyết đòi gặp mợ ba nên chúng tôi đến đây. Nó đứng đây đợi mợ ba cả canh giờ rồi.”

Tôi nhìn thấy mẹ Khiết An xanh xao mà thầm thương cho em. Có vẻ bệnh chị ấy rất nặng, e là không qua khỏi. Tôi đưa cho Khiết An túi quần áo: “Đây là chị đặc biệt nhờ người may cho em. Chị may rộng một tí để đến Tết em vẫn còn mặc được. Còn đây là bánh chị chuẩn bị, em cầm theo để ăn dọc đường nhé!”

Khiết An bật khóc ôm lấy cổ tôi. Tôi hỏi tiếp cha em: “Anh chị về đó bằng gì?”

Cha Khiết An vẫn giữ thái độ lễ phép: “Dạ sáng nay nhà tôi có thuê một chiếc xe bò, vẫn đang chờ đằng kia thưa mợ.”

Tôi kêu Nhược Lan chạy vào nhà, lấy thêm hai thỏi vàng và một ít đồng xu đưa cho cha Khiết An, dặn dò: “Chị yếu lắm rồi, anh thuê một chiếc xe ngựa để cả nhà cùng về để tránh nắng gió. Phần tiền này thì về đến quê, nếu còn có thể thì kiếm một thầy thuốc về để chạy chữa cho chị ấy. Hy vọng chị mau bình phục.”

Cha mẹ Khiết An bật khóc cúi đầu cảm ơn tôi. Tôi thấy sinh mệnh mẹ Khiết An giờ đây thật mong manh. Nhưng vẫn mong sao kỳ tích sẽ đến với họ.

Tôi đưa tay gỡ cây trâm hoa trân châu từ trên tóc xuống, nhét vào tay Khiết An: “Chị tặng em, sau này lớn lên nhất định phải trở thành một cô gái xinh đẹp. Nếu sau này em có chuyện cần chị giúp, cứ đến tìm chị nhé!”

Tôi nhìn theo bóng dáng cả nhà ba ngưới nhỏ dần rồi khuất hẳn sau một góc đường, lòng vừa cảm thương vừa luyến tiếc. Khiết An còn nhỏ như vậy, mong sao ông trời đừng cướp mất mẹ của em…
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện